“Tỷ trọng chi thường xuyên tăng nhanh đã ảnh hưởng lớn đến khả năng cân đối của nguồn lực ngân sách cho đầu tư phát triển. Vì vậy, trong thời gian tới, cần phải quyết tâm thực hiện tái cơ cấu các khoản chi ngân sách nhà nước”
“Tỷ trọng chi thường xuyên tăng nhanh đã ảnh hưởng lớn đến khả năng cân đối của nguồn lực ngân sách cho đầu tư phát triển. Vì vậy, trong thời gian tới, cần phải quyết tâm thực hiện tái cơ cấu các khoản chi ngân sách nhà nước (NSNN)”, ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính đã nhấn mạnh khi trả lời phỏng vấn phóng viên về áp lực trong cân đối ngân sách nhà nước (NSNN).
Phóng viên: Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng, NSNN luôn trong tình trạng bội chi tăng là do phải gánh một bộ máy hành chính khá lớn. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Ông Võ Thành Hưng: Đúng là tỷ trọng chi thường xuyên những năm gần đây (2011 – 2015) có tăng và hiện chiếm khoảng 64 – 65% tổng chi NSNN, tăng thêm khoảng 10% so với giai đoạn trước.
Nguyên nhân chủ yếu là do thời gian qua, chúng ta đã ưu tiên tăng chi cho con người, bao gồm cả tiền lương và an sinh xã hội, và các khoản này tác động tới khoảng 7/10 tỷ trọng tăng chi thường xuyên.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, thì việc mở rộng mạng lưới an sinh xã hội, cải thiện thu nhập cho người lao động là đúng đắn. Tuy nhiên, mặt trái của vấn đề là trong khi thu ngân sách tăng chậm do tác động của yếu tố kinh tế, thì việc chi thường xuyên tăng nhanh đã ảnh hưởng lớn đến mức bội chi NSNN, nợ công và khả năng tích lũy từ thu NSNN cho đầu tư phát triển.
Đây là vấn đề rất lớn, cần phải được bàn thảo kỹ để có giải pháp tổng thể xử lý trong thời gian tới, theo hướng giảm dần bội chi, giữ an toàn nợ công, phấn đấu tăng phần tích lũy từ thu thường xuyên cho đầu tư phát triển.
Để đạt được mục tiêu này, cần phải rà soát, cơ cấu lại cả thu, chi, bội chi NSNN gắn với cơ cấu lại tổng thể nền kinh tế theo hướng bền vững. Trong đó, về chi NSNN, cần triệt để tiết kiệm, nâng cao hiệu quả trên cơ sở sắp xếp lại bộ máy hành chính hợp lý, kiên quyết tinh giản biên chế theo chủ trương của Đảng và Quốc hội.
Giảm bớt các khoản chi không thực sự cần thiết để tập trung sử dụng nguồn lực thực hiện tái cơ cấu lại chi NSNN, tăng cường chi cho đầu tư phát triển.
Bên cạnh đó, kiên quyết thực hiện lộ trình đối với khu vực sự nghiệp công mà trọng tâm là kết cấu giá dịch vụ sự nghiệp công theo Nghị định số 16 của Chính phủ, mở rộng xã hội hóa dịch vụ công ở những địa bàn, lĩnh vực có điều kiện; tái cơ cấu chi NSNN cho từng lĩnh vực theo hướng giảm dần số hỗ trợ từ NSNN trực tiếp cho các đơn vị sự nghiệp, đồng thời tăng cường các nguồn lực để tập trung thực hiện các chính sách an sinh xã hội.
Xin ông cho biết dự kiến thu chi ngân sách năm 2016 có đạt kết quả đề ra hay không, khả năng bội chi năm 2016 có kiểm soát được theo dự toán không?
Tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm bên cạnh những yếu tố tích cực, cũng đã xuất hiện những khó khăn, thách thức, như: Tăng trưởng kinh tế chậm hơn so với cùng kỳ năm 2015 và thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra cho cả năm (5,52% so với 6,7%); xuất, nhập khẩu tăng thấp so cùng kỳ năm trước; khí hậu diễn biến bất thường ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân; giá dầu thô thế giới giảm sâu, khó dự báo đã ảnh hưởng đến hoạt động thu, chi NSNN 6 tháng đầu năm 2016.
Bằng nhiều giải pháp quyết liệt, lũy kế thu 7 tháng qua đã đạt 583,6 nghìn tỷ đồng, bằng 57,5% dự toán năm, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2015.
Mặc dù tiến độ thu ngân sách những tháng đầu năm có chậm so với yêu cầu của kế hoạch, nhưng cơ bản vẫn đảm bảo nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ chính trị quan trọng, điều chỉnh tăng lương cơ sở, khắc phục hậu quả thiên tai, đảm bảo an sinh xã hội và các nhu cầu chi khác theo dự toán. Bội chi NSNN bằng khoảng 31% dự toán năm.
Qua thực tế triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội và thu, chi NSNN những tháng đầu năm, Chính phủ đã thảo luận và chỉ ra những nguyên nhân ảnh hưởng đến việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế – xã hội và ngân sách, trên cơ sở đó có giải pháp phù hợp và kiên quyết chỉ đạo các bộ, các địa phương phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, cải cách thủ tục hành chính; qua đó, góp phần hoàn thành kế hoạch thu, chi, kiểm soát bội chi NSNN ở mức Quốc hội quyết định.
Về phía Bộ Tài chính, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu năm, phấn đấu thu đạt và vượt dự toán; quản lý chặt chẽ, nâng cao kỷ luật thu – chi NSNN; giữ và thậm chí trong điều hành, nếu có điều kiện thì giảm số bội chi NSNN. Tuy nhiên, tỷ lệ bội chi NSNN thực tế còn phụ thuộc vào giá trị GDP có đạt được mức kế hoạch hay không.
Dự báo thời gian tới kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn; trong nước tăng trưởng kinh tế còn khó khăn. Vậy, theo ông giải pháp nào quan trọng nhất để đảm bảo cân đối NSNN?
Trên thực tế, bên cạnh yếu tố nền tảng là tăng trưởng kinh tế như dự báo, thì thu NSNN, đặc biệt là thu NS trung ương giai đoạn tới còn chịu tác động bởi giá dầu thô thế giới được dự báo tiếp tục duy trì mức thấp; cùng với đó là việc cắt giảm thuế khi thực hiện các hiệp định thương mại tự do và ảnh hưởng của nó đến dịch chuyển luồng thương mại làm giảm nguồn thu từ hoạt động xuất nhập khẩu.
Trong bối cảnh như vậy, để đảm bảo cân đối NSNN, cần phải tập trung thực hiện tất cả các giải pháp trọng tâm, mang tính tiên quyết đã được Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính ban hành; trong đó đặc biệt là tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa chủ động, chặt chẽ; tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; thúc đẩy phát triển kinh tế, phấn đấu đạt mức tăng trưởng theo kế hoạch đề ra, góp phần phát triển nguồn thu NSNN ổn định, vững chắc.
Đồng thời, cũng cần tính đến các giải pháp về điều chỉnh chính sách thu trên cơ sở rà soát để mở rộng cơ sở thuế, bao quát các nguồn thu phù hợp cam kết hội nhập, tăng cường nguồn thu cho NSNN; triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp về quản lý thu NSNN như: Chống thất thu, chống chuyển giá, buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế; cưỡng chế, thu hồi nợ thuế, tăng cường thanh tra, kiểm tra thuế… Bởi, NSNN có thu được thì chúng ta mới có nguồn để chi, cân đối ngân sách.