Nghiên cứu trao đổi

GIẢNG IFRS TRONG ĐÀO TẠO KẾ TOÁN

Tiêu đề GIẢNG IFRS TRONG ĐÀO TẠO KẾ TOÁN Ngày đăng 2016-06-16
Tác giả Admin Lượt xem 1587

Bài viết này, trình bày những bình luận và thách thức mà người dạy kế toán phải đương đầu trong giảng dạy theo chuẩn mực lập Báo cáo tài chính (BCTC) quốc tế (IFRS). Theo đó, giảng dạy kế toán theo Chuẩn mực kế toán (CMKT) được thiết kế, dựa trên các nguyên tắc (Principles-based Standards) và theo CMKT dựa trên các quy tắc (Rules-based Standards) được bàn luận, ảnh hưởng của IFRS trong đào tạo kế toán trong tương lai và liên hệ với đào tạo kế toán tại Việt Nam cũng được phân tích chi tiết.

Chuẩn mực lập BCTC quốc tế (IFRS) được áp dụng chính thức từ 1/1/2005 và hiện tại có trên 100 quốc gia áp dụng được cho là tham vọng lớn nhất trong lịch sử kế toán. Khi mà, một bộ chuẩn mực thống nhất được áp dụng trên phạm vi quốc tế. Điều này tác động đáng kể đến đào tạo kế toán, tại những quốc gia áp dụng IFRS, mặc dù IFRS ở các quốc gia được áp dụng tại các thời điểm khác nhau như úc, Hồng Kông, Singapore áp dụng vào 1/1/2005; Malaysia áp dụng 1/1/2006, …

Do có sự khác biệt về kinh tế, thể chế chính trị, văn hóa, tính chuyên nghiệp của nghề nghiệp kế toán,… làm cho khó khăn trong việc đánh giá những tác động tiềm tàng của IFRS đến đào tạo kế toán.

CMKT dựa trên các nguyên tắc và chuẩn mực dựa trên các quy tắc
CMKT dựa trên các nguyên tắc (principles-based accounting standards) được áp dụng và được coi là sự thay đổi lớn trong kế toán việc đưa ra các nguyên tắc cho những người hành nghề thực hiện. Theo đó, các mục tiêu quan trọng được đặt ra để bảo đảm lập BCTC đúng đắn. Nhiều ví dụ được đưa ra, để hướng dẫn và giải thích các mục tiêu. Lợi ích cơ bản của kế toán dựa trên các nguyên tắc, đó là các hướng dẫn rõ ràng có thể mang tính thực tế cho đa dạng các trường hợp. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng có thể thiếu những hướng dẫn cụ thể nên có thể tạo ra thông tin tài chính không nhất quán mà nó sẽ gây khó khăn trong việc so sánh dữ liệu giữa các doanh nghiệp (DN) với nhau.

Khác với CMKT dựa trên các nguyên tắc, CMKT dựa trên các quy tắc (rules-based accounting standards) liệt kê chi tiết các quy định (quy tắc) mà những người hành nghề kế toán phải tuân thủ khi lập BCTC. Nhiều người hành nghề thích áp dụng các chuẩn mực dựa trên các quy tắc hơn, bởi vì nếu thiếu vắng các hướng dẫn cụ thể thì họ sẽ gặp rắc rối trước tòa án nếu việc phán xét BCTC là không đúng. Khi có các quy tắc, hướng dẫn cụ thể phải thực hiện thì khả năng kiện tụng sẽ được giảm bớt. Do có quy tắc hướng dẫn cụ thể có thể tăng tính chính xác và tăng tính có thể so sánh của các dữ liệu tài chính. Tuy nhiên, các quy tắc phức tạp có thể gây ra sự phức tạp không cần thiết khi lập BCTC.

Một trong những đặc điểm phổ biến nhất và quan trọng nhất của IFRS là việc, IFRS được thiết kế dựa trên các nguyên tắc. Cũng có nhiều nghiên cứu tập trung bàn luận về sự khác biệt giữa CMKT được thiết kế dựa trên các nguyên tắc (principles) và dựa trên các quy tắc (rules). Theo đó, một khi chuẩn mực được thiết kế dựa trên các nguyên tắc thì chúng yêu cầu nhiều sự xét đoán nghề nghiệp từ phía những người hành nghề kế toán và các nhà quản lý DN. Tuy nhiên, có một vài chuẩn mực trong IFRS như CMKT về thuê tài sản không hẳn được thiết kế dựa trên các nguyên tắc, bởi vì nó không nhất quán với các khái niệm được trình bày trong Chuẩn mực chung của Liên đoàn Kế toán Quốc tế (IFAC). Điều này dẫn tới đặc tính giữa chuẩn mực dựa trên các nguyên tắc và chuẩn mực dựa trên các quy tắc, có thể không rõ ràng trên thực tế. Kết quả là sự nhận thức của những người hành nghề đôi khi còn bị lẫn lộn giữa chuẩn mực theo nguyên tắc và chuẩn mực theo quy tắc.

Nguyên tắc và quy tắc trong đào tạo kế toán
CMKT dựa trên các nguyên tắc và CMKT dựa trên các quy tắc, có ảnh hưởng đáng kể đến đào tạo kế toán. Các quốc gia áp dụng CMKT dựa trên các quy tắc (rules) thường nhấn mạnh vào việc ghi sổ kế toán và học thuộc các quy tắc, và khi các quy tắc thay đổi thì cả người dạy và người học lại phải thay đổi và cập nhật. Giảng dạy một hệ thống các quy tắc chi tiết, có thể tạo ra sự thỏa mãi cho cả người dạy và người học nhưng nó cũng tạo ra nhiều hạn chế. Theo đó, có sự lo lắng về việc những người giỏi sẽ không bị hấp dẫn về nghề nghiệp kế toán và lo lắng về chương trình giảng dạy, dựa trên học thuộc và không phù hợp trong cả giáo dục đại học và nghề nghiệp. Giảng kế toán một khi nhấn mạnh vào học thuộc và không dựa vào hiểu sâu bản chất cũng gây cho người học khó khăn trong việc xử lý các vấn đề khi mà các quy tắc không được giảng dạy hoặc các quy tắc không rõ ràng.

Các quốc gia đang chuyển đổi từ việc ban hành chuẩn mực dựa trên các quy tắc sang chuẩn mực dựa trên các nguyên tắc. Có thể thấy rằng, quá trình chuyển đổi này, cung cấp cơ hội để đánh giá lại các mô hình mà họ đã dùng, để thiết kế và đề cập trong chương trình giảng dạy về kế toán. Giảng dạy tập trung vào các nguyên tắc, sẽ hướng cả người dạy và người học tập trung vào các khái niệm và các kỹ năng về phán xét nghề nghiệp, mà nó cho phép người học áp dụng các khái niệm này, giải quyết các vấn đề thực tế rất đa dạng. Một số thuận lợi đã được khẳng định, khi áp dụng giảng dạy kế toán theo các chuẩn mực dựa trên các nguyên tắc. Ngoài ra, hiểu biết các nguyên tắc cơ bản về lập BCTC và các cách mà chúng có thể được áp dụng, sẽ giúp cho người học có được kiến thức, kỹ năng cần thiết khi các nguyên tắc đang tồn tại và khi CMKT và các nghiệp vụ kinh tế thay đổi qua thời gian.

Trong xu thế, khi mà hệ thống CMKT thay đổi nhanh chóng từ khái quát đến ngày càng chi tiết, thì việc áp dụng nhanh chóng IFRS cùng với giảng dạy kế toán dựa trên chuẩn mực được thiết kế theo nguyên tắc, sẽ cho phép các nhà đào tạo kế toán xem xét lại mô hình giáo dục đào tạo về kế toán. Tại những quốc gia, khi vẫn đang áp dụng CMKT trong nước và giảng dạy IFRS trong hệ thống các trường đại học thì việc tranh luận vẫn đang xảy ra là xem nên giảng dạy kế toán theo chuẩn mực dựa trên các nguyên tắc hay chuẩn mực dựa trên các quy tắc.

Ảnh hưởng của IFRS đối với đào tạo kế toán trong tương lai
Số lượng các quốc gia áp dụng IFRS ngày càng tăng lên. Sự tăng lên này, cũng nhất quán với việc xác định lại vai trò của kế toán viên để có được các kỹ năng nghề nghiệp, bao gồm kỹ năng trí tuệ, kỹ năng tương tác, kỹ năng giao tiếp, phán xét nghề nghiệp và kỹ năng quản lý kinh tế. Kết quả là, có nhu cầu tăng lên đối với người dạy kế toán, trong việc chuyển đổi từ việc phổ biến kiến thức kỹ thuật đến phát triển các kỹ năng và các nguyên tắc cho phù hợp hơn về kế toán tương lai và thực tế kinh doanh. Do vậy, đòi hỏi người dạy kế toán thay đổi cách thức giảng dạy kế toán theo phương pháp dựa trên các nguyên tắc.

Cách tiếp cận dựa trên các nguyên tắc, đối với các CMKT trong IFRS cung cấp cho các người dạy kế toán cơ hội tốt để thay đổi chương trình giảng dạy, mà nó giúp cho học viên có được các kỹ năng cần thiết. Phương pháp dựa trên các nguyên tắc là, cách thức tăng khả năng phán xét (đánh giá) nghề nghiệp. Thông qua việc tập trung vào phán xét nghề nghiệp, sẽ giúp cho người học có thể học được cách giải quyết các trường hợp (sự kiện) không chắc chắn; hiểu được vì sao có hơn một phương án trả lời cho một câu hỏi kế toán phát triển khả năng tạo ra và bảo vệ sự lựa chọn chính sách kế toán. Nhấn mạnh vào việc giảng dạy các khái niệm cơ bản thay vì các quy tắc, giúp cho sinh viên có khả năng phát hiện và tự tìm ra các giải pháp, mà không phải thông qua việc học thuộc lòng các quy tắc và bút toán hạch toán kế toán.

Một thách thức cơ bản trong giảng dạy kế toán trên phạm vi toàn cầu là việc người dạy kế toán có kiến thức tốt để giảng dạy IFRS bằng việc sử dụng phương pháp dựa trên các nguyên tắc. Theo đó, người dạy phải tự tích lũy các kiến thức về IFRS cũng như nhận được sự giúp đỡ của các cơ quan quản lý Nhà nước về kế toán và các hiệp hội kế toán. Cũng nhân cơ hội này, các nhà đào tạo kế toán cần thay đổi chương trình đào tạo theo hướng giảng dạy, dựa trên chuẩn mực chung và sử dụng nguồn tài liệu đa dạng cho giảng dạy IFRS. Để đạt được mục tiêu này, người dạy kế toán cần phải tiếp cận đến các phương pháp giảng dạy sáng tạo như mô phỏng, đóng vai, học dựa trên giải quyết vấn đề, phân tích trường hợp điển hình với nhiều giải pháp thay thế, trình bày trên lớp… Ngoài việc giảng dạy theo phương pháp, tập trung vào sinh viên (student-centered) thì còn có thêm một số phương pháp giảng dạy trực tuyến. Tuy nhiên, cơ hội để tiếp cận đến nguồn tài liệu kế toán để tăng cường giảng dạy IFRS là hạn chế, trong các nước có nền kinh tế mới nổi và ở các quốc gia khi đòi hỏi tài liệu phải được dịch ra tiếng nước sở tại.

Để đạt được mục tiêu tăng cường áp dụng và áp dụng nhất quán hệ thống CMKT quốc tế có chất lượng, thì cần phải xem xét nhu cầu của các loại DN với quy mô và thành phần kinh tế khác nhau và tại những quốc gia có nền kinh tế mới nổi. Theo đó, việc ban hành chuẩn mực cần phải dễ hiểu, phù hợp và cập nhật với các ngôn ngữ khác nhau chứ không chỉ là tiếng Anh. Việc dịch tài liệu và các vấn đề thể chế như các rào cản chính trị, văn hóa và luật pháp là những vấn đề cần quan tâm trong lĩnh vực đào tạo, khi hệ thống CMKT được chấp nhận toàn cầu được áp dụng.

Khi áp dụng IFRS thì vẫn còn sự khác biệt giữa các quốc gia về chất lượng kế toán. Theo đó, người dạy kế toán cần nhận biết sự khác biệt trong việc giảng IFRS và điều chỉnh cách giảng dạy để sự khác biệt quan trọng được nhận diện khi giải thích và áp dụng IFRS.

Việc áp dụng IFRS cũng không đi cùng với kế hoạch nghiên cứu trong đào tạo kế toán. Các nghiên cứu về đào tạo kế toán thường liên quan đến các chủ đề như đạo đức trong đào tạo kế toán, năng lực của sinh viên tốt nghiệp, sử dụng công nghệ trong lớp học…; Và có ít các nghiên cứu về áp dụng IFRS trong đào tạo kế toán chỉ ra rằng, người dạy kế toán không quan tâm nhiều đến các chuẩn mực dựa trên các nguyên tắc, do thực tế việc áp dụng IFRS cũng không làm thay đổi đáng kể đến việc giảng dạy kế toán của họ. Vì thế, các nghiên cứu đào tạo kế toán cần tập trung vào các phương pháp giảng dạy IFRS, đánh giá nguồn tài liệu giảng dạy, đánh giá khả năng tuyển dụng của sinh viên tốt nghiệp khi phương pháp dựa trên nguyên tắc dạy IFRS được áp dụng.

Các Hiệp hội nghề nghiệp kế toán cũng đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện chất lượng giảng dạy IFRS. Ví dụ, họ góp ý về chương trình giảng dạy của các trường Đại học, để sao cho chương trình giảng dạy kế toán cần đáp ứng được đòi hỏi của xã hội. Ngoài ra, sử dụng các nghiên cứu điển hình (case studies) gắn với việc đánh giá (phán xét) trong các kỳ thi sẽ cung cấp nhiều cơ hội, để kiểm tra khả năng đánh giá về các yêu cầu của IFRS.

Liên hệ đào tạo kế toán theo IFRS tại Việt Nam
Từ năm 2001 đến 2005, Bộ Tài chính đã ban hành 26 CMKT Việt Nam và việc xây dựng cũng dựa trên CMKT quốc tế. Từ đó cho đến nay, việc sửa đổi các CMKT đã ban hành cũng như ban hành thêm các CMKT mới đang được xã hội quan tâm. Tuy nhiên, vấn đề hiện tại để có các CMKT mới là cần kiên nhẫn chờ đợi. Do vậy, có cơ sở cho rằng, Việt Nam chưa có và chưa áp dụng IFRS. Trong khi đó, từ phía Bộ Tài chính lại cho rằng Việt Nam đang áp dụng một phần IFRS.

Cho dù giải thích áp dụng một phần hay chưa áp dụng IFRS tại Việt Nam thì phải thừa nhận rằng, khung pháp lý về kế toán bao gồm hệ thống CMKT Việt Nam của chúng ta còn thiếu hụt. Do vậy, khó mà nói rằng, đào tạo kế toán tại Việt Nam theo IFRS. Mặc dù, người dạy cũng đã áp dụng các phương pháp giảng dạy tích cực khác nhau như tập trung vào sinh viên, mô phỏng, thảo luận nhóm… Nhưng do còn thiếu quá nhiều CMKT nên nhiều nguyên tắc chưa được giới thiệu và trang bị cho học viên. Vì vậy mà giảng dạy kế toán dựa trên các quy tắc (rules) vẫn được áp dụng và như vậy khả năng phán xét, đánh giá của người học về các vấn đề kế toán còn hạn chế. Vậy khi nào, Việt Nam có thể ban hành đầy đủ hệ thống CMKT Việt Nam và giảng dạy kế toán Việt Nam theo IFRS thì quả là câu hỏi mà chưa có câu trả lời trong tương lai. Vì vậy, trách nhiệm ban hành đầy đủ VFRSs này lại đặt nặng lên Bộ Tài chính và các tổ chức Hiệp hội nghề nghiệp./.

Tài liệu tham khảo

1. Bailey, D (1995), Accounting in Transition in the Transitional Economy, European Accounting Review, 4 (4): 595-623.
2. Deaconu, A (2011), Principles and Rules-based Accounting Debate: Implications for an Emergent Country, The Journal of the Facutty of Economics, 1 (1): 602-608.
3. Financial Reporting Council (2002), Adoption of International Accounting Standards by 2005, FRC Bulltein 2002/4: 1-3.
4. Trần Mạnh Dũng & Nguyễn Thúy Hồng (2015), IFRS: 10 năm áp dụng và bình luận, Tạp chí Kế toán & Kiểm toán, 143: 27-29.
5. Zeff, S (2007), Some Obstacles to Global Financial Reporting, Comparability and Convergence of a High Level of Quality, British Accounting Review, 39 (4): 290-302.

Tin tức liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *