PGS.TS. Phạm Quang Huy* (* Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh)
Tóm tắt
Vấn đề về môi trường và phát triển bền vững đã được toàn cầu quan tâm, đưa vào kế hoạch và mục tiêu hướng đến, cũng như nội dung các chương trình trong toàn bộ lĩnh vực của nền kinh tế. Các hoạt động khác nhau, đều phải cân nhắc và chú ý đến những tác động có thể ảnh hưởng đến sự bền vững của môi trường trong một quốc gia. Trong các khía cạnh này thì kế toán – kiểm toán cũng cần có những quy định, hướng dẫn phù hợp với tình hình mới. Thông qua phương pháp tổng hợp tài liệu, phân tích và khái quát hóa một cách hệ thống, bài viết giới thiệu đến những nội dung chính và mục tiêu, phạm vi và nguyên tắc cốt lõi của chuẩn mực quốc tế đầu tiên liên quan đến thông tin bền vững và sẽ áp dụng cho năm tài chính 2024 trong thời gian tới.
Từ khóa: hướng dẫn mới, chuẩn mực báo cáo tài chính bền vững, thông tin bền vững, công bố thông tin.
Abstract
The environmental and sustainable development issues have always received global attention and are included in all nations’ plans, goals as well as the content of programs in all sectors of the global economy. Different activities must be considered and paid attention to the impacts that may affect the environmental sustainability of any country. In these aspects, accounting and auditing fields also need to have guiding regulations appropriate to the new situation and context. Through the method of synthesizing documents, analyzing and generalizing systematically, this research introduces the main contents, objectives, scope and core principles of the first international standards which called IFRS S1 related to sustainability information and will apply to fiscal year 2024 going forward.
Keywords: new guidance, IFRS S1, sustainability information, information disclosure.
JEL Classifications: M40, M41, M49.
DOI: https://doi.org/10.59006/vnfa-jaa.0920232
- Giới thiệu
Vấn đề về môi trường và phát triển bền vững được UNESCO và hàng loạt các tổ chức trên toàn cầu quan tâm, cũng như đưa vào thành những chương trình hành động và kế hoạch thực thi trong tất cả các lĩnh vực, kể cả kế toán – kiểm toán. Với vai trò đầu tàu về kế toán, Liên đoàn Kế toán Quốc tế IFAC đã chính thức thành lập “Hội đồng Tiêu chuẩn bền vững quốc tế” (còn gọi tắt là ISSB).
ISSB được thành lập vào tháng 11/2021, để phát triển các tiêu chuẩn công bố thông tin bền vững chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thông tin của nhà đầu tư. Với mục tiêu, tạo ra cơ sở dữ liệu toàn cầu toàn diện công bố thông tin liên quan đến tính bền vững. IFRS S1 và IFRS S2 là hai văn bản công bố thông tin bền vững IFRS đầu tiên trên thế giới, các tiêu chuẩn và kết quả của quá trình tham vấn, bắt đầu vào tháng 03/2022.
Vào ngày 26/6/2023, Hội đồng ISSB đã chính thức ban hành hai chuẩn mực đầu tiên về việc lập BCTC theo định hướng bền vững. Hai văn bản chuẩn mực này, được ký hiệu theo tiếng Anh là IFRS S1 và IFRS S2. Cả hai chuẩn mực này đều có ngày hiệu lực, kể từ hoặc sau ngày của năm lập báo cáo tài chính (BCTC) từ 01/01/2024. Chuẩn mực được ISSB biên soạn, với định hướng chính liên quan đến công bố tính bền vững. Cho đến ngày 14/9/2023, Tổ chức ISSB tiếp tục công bố về việc danh sách thành viên và tư cách các cá nhân trong nhóm thực hiện chuyển đổi theo hai chuẩn mực mới trên (gọi tắt là nhóm TIG). TIG tiến hành thông báo cho ISSB về các câu hỏi triển khai tiềm ẩn có thể phát sinh, khi các công ty triển khai các tiêu chuẩn mới IFRS S1 – Yêu cầu chung về công bố thông tin tài chính liên quan đến bền vững và IFRS S2 – Công bố thông tin liên quan đến khí hậu.
Mục đích của TIG là thu hút, phân tích và thảo luận các câu hỏi của các bên liên quan, phát sinh từ việc thực hiện các tiêu chuẩn mới để thông báo cho ISSB về các câu hỏi thực hiện đó. Điều này sẽ giúp ISSB xác định, hành động nào, nếu có, sẽ cần thiết để giải quyết những câu hỏi đó và cung cấp một diễn đàn công khai cho các bên liên quan tìm hiểu về tiêu chuẩn mới từ những người khác có liên quan đến việc thực hiện. Với những hoạt động cụ thể này cho thấy, bộ tiêu chuẩn mới này thật sự quan trọng trong bối cảnh phát triển nhanh, mạnh của kinh tế – xã hội, nhưng lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ với môi trường. Với ý nghĩa quan trọng này, nên việc tìm hiểu những nội dung chính trong các chuẩn mực vừa ban hành là cần thiết đối với nhiều bên có liên quan. Có thể kể ra, bao gồm các nhà làm chính sách, ban lãnh đạo các công ty, kế toán viên và các cơ quan thanh tra kiểm tra. Do đó, mục tiêu chính của bài viết này là giới thiệu những phần chính trong nội dung IFRS S1 đến các bên liên quan. Có thể triển khai tìm hiểu hay thực hiện những nghiên cứu chuyên sâu hơn về chủ đề này, trong những năm tài chính kế tiếp.
- Phương pháp nghiên cứu
Trong nghiên cứu này để đạt được mục tiêu đề ra, thì nghiên cứu sử dụng cách thức phân tích và tổng hợp thông qua việc phân tích các kết quả luận cứ đã thu được trong quá trình nghiên cứu và sau đó, tổng hợp lại và đưa ra luận điểm chính. Trong phương pháp trên, người nghiên cứu cần phân chia hợp lý các thông tin, kết quả thu thập được thành các nhóm cụ thể, dựa theo từng nội dung chuẩn mực. Sau đó, bài viết sử dụng phương pháp khái quát hóa để trình bày dựa vào nội dung gốc và điều chỉnh sao cho phù hợp với bối cảnh của quốc gia. Từ đó, mới có thể thu được kết luận chính xác và phù hợp với mục đích của nghiên cứu khoa học.
- Lịch sử hình thành, mục tiêu và phạm vi của IFRS S1
3.1. Lịch sử hình thành
Ngày 22/03/2021, nhằm thúc đẩy sự hội nhập trong tiêu chuẩn báo cáo bền vững toàn cầu và chuẩn bị kỹ thuật cho một ủy ban tiêu chuẩn báo cáo bền vững quốc tế tiềm năng, dưới sự quản lý của Quỹ IFRS. Hội đồng quản trị của Quỹ IFRS đã thành lập một nhóm làm việc, nhóm làm việc chuẩn bị kỹ thuật (TRWG) được tạo ra.
Ngày 03/11/2021, nguyên mẫu yêu cầu chung cho việc công bố thông tin tài chính liên quan đến bền vững được công bố. Quỹ IFRS đã phát hành một nguyên mẫu yêu cầu chung là đề xuất của nhóm làm việc chuẩn bị kỹ thuật (viết tắt là TRWG) cho một tiêu chuẩn trình bày chung của ISSB. TRWG được tạo ra vào tháng 03/2021, để tạo điều kiện thuận lợi cho ISSB. Nó được thiết kế để tích hợp và xây dựng trên công việc của các sáng kiến liên quan, tập trung vào đáp ứng nhu cầu thông tin của nhà đầu tư với mục đích đưa ra các khuyến nghị kỹ thuật để xem xét bởi ISSB. Nguyên mẫu yêu cầu chung cho việc công bố thông tin tài chính liên quan đến bền vững được công bố hiện nay và lấy cảm hứng từ IAS 1. Trình bày BCTC và đặt ra các yêu cầu tổng quát, cho việc báo cáo liên quan đến bền vững đối với nhà đầu tư.
Ngày 31/03/2022, ED/2022/S1 yêu cầu chung cho việc công bố thông tin tài chính liên quan đến bền vững được công bố. Chủ tịch và phó chủ tịch của ISSB đã công bố Dự thảo “Yêu cầu chung cho việc công bố thông tin tài chính liên quan đến bền vững”, dựa trên nguyên mẫu TRWG cùng tên và hạn chót nộp ý kiến là ngày 29/7/2022. Cho đến ngày 26/6/2023 thì chính thức ban hành IFRS S1, để áp dụng từ năm 2024.
3.2. Mục tiêu chuẩn mực
Xét một cách tổng quát, mục tiêu được đề xuất của việc công bố thông tin tài chính liên quan đến bền vững được mô tả là cung cấp thông tin về các rủi ro và cơ hội liên quan đến bền vững đáng kể, mà đơn vị báo cáo đang phải đối mặt và có ích cho người dùng chính của BCTC lập theo mục đích chung trong việc quyết định liệu có cung cấp nguồn lực cho thực thể hay không? Tiêu chuẩn được đề xuất sẽ áp dụng, khi một thực thể chuẩn bị và công bố thông tin tài chính liên quan đến bền vững theo Chuẩn mực BCTC quốc tế IFRS.
Cụ thể, mục tiêu của IFRS S1 là yêu cầu một thực thể công bố thông tin về các rủi ro và cơ hội liên quan đến bền vững mà hữu ích cho người dùng chính của BCTC, mục đích chung trong việc đưa ra quyết định liên quan đến việc cung cấp nguồn lực cho thực thể.
Theo Đoạn 2 thì thông tin về các rủi ro và cơ hội liên quan đến bền vững là hữu ích cho người dùng chính, vì khả năng của một thực thể tạo ra dòng tiền trong cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn liên quan mật thiết đến sự tương tác giữa thực thể và các bên liên quan, xã hội, nền kinh tế và môi trường tự nhiên trong chuỗi giá trị của thực thể. Cùng với đó, sự phụ thuộc của thực thể vào các nguồn lực và mối quan hệ trong toàn bộ chuỗi giá trị của nó tạo thành một hệ thống tương đối phụ thuộc trong đó thực thể hoạt động. Sự phụ thuộc của thực thể vào những nguồn lực và mối quan hệ đó và tác động của thực thể lên những nguồn lực và mối quan hệ đó tạo ra các rủi ro và cơ hội liên quan đến bền vững cho thực thể.
Chuỗi giá trị được định nghĩa trong IFRS S1 là toàn bộ các tương tác, nguồn lực và mối quan hệ liên quan đến mô hình kinh doanh và môi trường bên ngoài mà thực thể hoạt động. Một chuỗi giá trị bao gồm các tương tác, nguồn lực và mối quan hệ mà một thực thể sử dụng và phụ thuộc vào để tạo ra sản phẩm hoặc dịch vụ từ khởi tạo đến giao hàng, tiêu thụ và cuối vòng đời sản phẩm, bao gồm các tương tác, nguồn lực và mối quan hệ trong hoạt động của thực thể, chẳng hạn như nguồn nhân lực; những tương tác, nguồn lực và mối quan hệ trong các kênh cung cấp, tiếp thị và phân phối của nó, chẳng hạn như nguồn cung cấp vật liệu và dịch vụ và việc bán và giao hàng sản phẩm và dịch vụ; và môi trường tài chính, địa lý, địa chính và quy định mà thực thể hoạt động.
3.3. Phạm vi áp dụng chuẩn mực
IFRS S1 yêu cầu thực thể công bố thông tin về tất cả các rủi ro và cơ hội liên quan đến tính bền vững có thể được dự kiến một cách hợp lý sẽ ảnh hưởng đến dòng tiền của thực thể, khả năng tiếp cận tài chính hoặc chi phí vốn trong ngắn hạn, trung hạn hoặc dài hạn. Bên cạnh đó, IFRS S1 quy định cách một thực thể chuẩn bị và báo cáo các BCTC liên quan đến tính bền vững của mình. Nó đưa ra các yêu cầu chung về nội dung và cách trình bày các báo cáo đó để thông tin được báo cáo hữu ích cho người dùng chính trong việc đưa ra quyết định về việc cung cấp tài nguyên cho thực thể.
Một thực thể được yêu cầu áp dụng IFRS S1 trong việc chuẩn bị và báo cáo các BCTC liên quan đến tính bền vững theo Tiêu chuẩn báo cáo tính bền vững của IFRS. Theo Đoạn 5, một thực thể có thể áp dụng chuẩn mực công bố tính bền vững IFRS, bất kể BCTC mục đích chung liên quan của thực thể đó có được lập theo Chuẩn mực kế toán IFRS hay các nguyên tắc hoặc thông lệ kế toán được chấp nhận trong thực tiễn khác (GAAP) hay không.
- Khái niệm nền tảng và các nguyên tắc trong IFRS S1
4.1. Khái niệm nền tảng
Để thông tin tài chính liên quan đến tính bền vững trở nên hữu ích, nó phải có liên quan và thể hiện trung thực những gì nó muốn thể hiện. Đây là những đặc điểm định tính cơ bản của thông tin tài chính hữu ích liên quan đến tính bền vững. Tính hữu ích của thông tin tài chính liên quan đến tính bền vững được nâng cao, nếu thông tin có thể so sánh và xác minh, kịp thời và dễ hiểu. Đó là, nâng cao các đặc điểm định tính của thông tin tài chính hữu ích liên quan đến tính bền vững.
4.2. Các nguyên tắc
4.2.1. Nguyên tắc trình bày hợp lý
Một bộ hoàn chỉnh các BCTC liên quan đến tính bền vững trình bày khá đầy đủ tất cả các rủi ro và cơ hội liên quan đến tính bền vững có thể được dự kiến một cách hợp lý, sẽ ảnh hưởng đến triển vọng của một thực thể. Trình bày hợp lý yêu cầu công bố thông tin liên quan về các rủi ro và cơ hội liên quan đến tính bền vững có thể được dự kiến một cách hợp lý, sẽ ảnh hưởng đến triển vọng của thực thể và đại diện trung thành của họ theo các nguyên tắc được nêu trong IFRS S1. Để trình bày một cách hoàn chỉnh, trung lập và không có lỗi, một thực thể được yêu cầu cung cấp một mô tả đầy đủ, trung lập và chính xác về những rủi ro và cơ hội liên quan đến tính bền vững đó.
Trình bày hợp lý cũng yêu cầu một thực thể: công bố thông tin có thể so sánh, xác minh, kịp thời và dễ hiểu; công bố thông tin bổ sung nếu việc tuân thủ các yêu cầu cụ thể được áp dụng trong tiêu chuẩn báo cáo tính bền vững của IFRS, không đủ để cho phép người sử dụng BCTC. Có mục đích chung, hiểu được tác động của các rủi ro và cơ hội liên quan đến tính bền vững đối với dòng tiền của thực thể, khả năng tiếp cận tài chính và chi phí vốn trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
Áp dụng các tiêu chuẩn báo cáo tính bền vững của IFRS, với thông tin bổ sung được báo cáo khi cần thiết được cho là dẫn đến các BCTC liên quan đến tính bền vững đạt được sự trình bày hợp lý.
4.2.2. Nguyên tắc trọng yếu trong công bố thông tin
Một thực thể được yêu cầu công bố thông tin quan trọng về các rủi ro và cơ hội liên quan đến tính bền vững có thể được dự kiến một cách hợp lý, sẽ ảnh hưởng đến triển vọng của thực thể. Trong bối cảnh BCTC liên quan đến tính bền vững thông tin sẽ là trọng yếu nếu bỏ sót, trình bày sai hoặc che giấu thông tin đó có thể sẽ ảnh hưởng đến các quyết định mà người sử dụng chính của BCTC cho mục đích chung đưa ra dựa trên các báo cáo đó, bao gồm BCTC và tính bền vững. Các công bố thông tin tài chính phải có sự liên quan và cung cấp thông tin về một đơn vị báo cáo cụ thể.
Khi một thực thể áp dụng Tiêu chuẩn công bố thông tin bền vững IFRS, cần phải xem xét tất cả các sự kiện, hoàn cảnh và quyết định cách tổng hợp và phân tách thông tin trong các công bố thông tin tài chính liên quan đến tính bền vững. Thực thể không được phép làm giảm tính dễ hiểu của các BCTC liên quan đến tính bền vững, bằng cách che giấu những thông tin quan trọng bằng những thông tin không quan trọng hoặc bằng cách tổng hợp các mục thông tin quan trọng không giống nhau.
Luật hoặc quy định có thể quy định các yêu cầu đối với một thực thể, để công bố thông tin liên quan đến tính bền vững trong các BCTC mục đích chung của thực thể đó. Trong những trường hợp như vậy, tổ chức được phép đưa vào thông tin BCTC liên quan đến tính bền vững của mình, để đáp ứng các yêu cầu pháp lý hoặc quy định, ngay cả khi thông tin đó không quan trọng. Tuy nhiên, thông tin như vậy không được che khuất thông tin quan trọng. Nếu một thực thể xác định rằng, thông tin về cơ hội liên quan đến tính bền vững là nhạy cảm về mặt thương mại, trong một số trường hợp hạn chế, thực thể đó được phép bỏ qua thông tin đó khỏi các BCTC liên quan đến tính bền vững. Việc bỏ sót như vậy được cho phép, ngay cả khi thông tin được yêu cầu bởi tiêu chuẩn báo cáo tính bền vững IFRS và thông tin trọng yếu.
- Nội dung chính của IFRS S1
5.1. Đơn vị báo cáo và thông tin được kết nối
Các BCTC liên quan đến tính bền vững của một thực thể phải dành cho cùng một đơn vị báo cáo như các BCTC liên quan. Một thực thể được yêu cầu cung cấp thông tin, theo cách cho phép người sử dụng BCTC mục đích chung hiểu được các loại kết nối sau:
Một là, mối liên hệ giữa các hạng mục mà thông tin liên quan – chẳng hạn như mối liên hệ giữa các rủi ro và cơ hội liên quan đến tính bền vững khác nhau có thể được dự kiến một cách hợp lý, sẽ ảnh hưởng đến triển vọng của thực thể.
Hai là, mối liên hệ giữa các báo cáo, do thực thể cung cấp: trong các công bố tài chính liên quan đến tính bền vững, chẳng hạn như: mối liên hệ giữa các công bố về quản trị, chiến lược, quản lý rủi ro và các chỉ số và mục tiêu; thông qua các công bố tài chính liên quan đến tính bền vững và các BCTC mục đích chung khác do thực thể công bố, chẳng hạn như BCTC liên quan.
Ba là, một thực thể được yêu cầu xác định các BCTC liên quan đến các công bố tài chính, liên quan đến tính bền vững. Dữ liệu và giả định được sử dụng, để chuẩn bị các công bố tài chính liên quan đến tính bền vững phải nhất quán, trong phạm vi có thể xem xét các yêu cầu của IFRS hoặc GAAP hiện hành khác, với dữ liệu và giả định tương ứng được sử dụng để lập BCTC liên quan. Khi đơn vị tiền tệ được chỉ định là đơn vị đo lường trong các công bố tài chính liên quan đến tính bền vững, thực thể được yêu cầu sử dụng đơn vị tiền tệ trình bày của các BCTC liên quan.
5.2. Nội dung cốt lõi
Trừ khi một tiêu chuẩn công bố bền vững IFRS khác cho phép hoặc yêu cầu khác trong các trường hợp cụ thể, một tổ chức được yêu cầu cung cấp thông tin về:
Quản trị: các quy trình quản trị, kiểm soát và thủ tục mà thực thể sử dụng để giám sát và quản lý các rủi ro và cơ hội liên quan đến tính bền vững.
Chiến lược: cách tiếp cận mà thực thể sử dụng để quản lý các rủi ro và cơ hội liên quan đến tính bền vững.
Quản lý rủi ro: các quy trình mà thực thể sử dụng để xác định, đánh giá, ưu tiên và giám sát các rủi ro và cơ hội liên quan đến tính bền vững.
Các chỉ số và mục tiêu: hiệu suất của thực thể liên quan đến các rủi ro và cơ hội liên quan đến tính bền vững, bao gồm: tiến độ hướng tới bất kỳ mục tiêu nào mà thực thể đã đặt ra; hoặc được yêu cầu phải đáp ứng theo luật quy định.
IFRS S1 đặt ra các mục tiêu cho từng khía cạnh trên và các yêu cầu công bố thông tin để đạt được các mục tiêu đó.
5.3. Ngày có hiệu lực và điều kiện chuyển tiếp
Một thực thể được yêu cầu áp dụng IFRS S1 cho các kỳ báo cáo hàng năm bắt đầu hoặc sau ngày 01/01/2024, nhưng nếu áp dụng trước đó được cho phép: nếu một thực thể áp dụng IFRS S1 sớm hơn, cần phải báo cáo thực tế đó và áp dụng IFRS S2 cùng một lúc; một thực thể không bắt buộc phải cung cấp các báo cáo được chỉ định trong IFRS S1 cho bất kỳ khoảng thời gian nào trước khi bắt đầu kỳ báo cáo hàng năm, mà trong đó một thực thể lần đầu tiên áp dụng IFRS S1. Theo đó, một thực thể không bắt buộc phải công bố thông tin so sánh trong kỳ báo cáo hàng năm đầu tiên áp dụng IFRS S1. Trong kỳ báo cáo hàng năm đầu tiên mà một thực thể áp dụng IFRS S1, thực thể được phép báo cáo các công bố tài chính liên quan đến tính bền vững sau khi công bố BCTC liên quan. Khi áp dụng biện pháp cứu trợ chuyển đổi này, một thực thể phải báo cáo các BCTC liên quan đến tính bền vững của mình:
Cùng lúc với BCTC quý hai hoặc nửa năm tiếp theo, nếu thực thể được yêu cầu cung cấp báo cáo giữa kỳ đó.
Cùng lúc với BCTC mục đích chung giữa quý hai hoặc nửa năm tiếp theo, nhưng trong vòng chín tháng kể từ khi kết thúc kỳ báo cáo hàng năm mà thực thể lần đầu tiên áp dụng IFRS S1, nếu thực thể tự nguyện cung cấp báo cáo giữa niên độ đó.
Trong vòng 9 tháng, kể từ ngày kết thúc kỳ báo cáo hàng năm mà thực thể lần đầu tiên áp dụng IFRS S1, nếu thực thể không bắt buộc và không tự nguyện cung cấp BCTC tổng hợp giữa niên độ.
Trong kỳ báo cáo hàng năm đầu tiên mà một thực thể áp dụng IFRS S1, thực thể đó chỉ được phép công bố thông tin về các rủi ro và cơ hội liên quan đến khí hậu (theo IFRS S2) và do đó, chỉ áp dụng các yêu cầu trong IFRS S1 khi chúng liên quan đến việc công bố thông tin về các rủi ro và cơ hội liên quan đến khí hậu. Nếu một thực thể sử dụng biện pháp cứu trợ chuyển tiếp này, cần phải báo cáo sự thật đó.
5.4. Địa điểm công bố thông tin và thời gian báo cáo
Một thực thể được yêu cầu cung cấp các báo cáo theo yêu cầu của tiêu chuẩn báo cáo tính bền vững IFRS như một phần của BCTC mục đích chung. Tùy thuộc vào bất kỳ quy định hoặc yêu cầu nào khác áp dụng cho một thực thể, có nhiều địa điểm khác nhau có thể có trong các BCTC mục đích chung để công bố thông tin tài chính liên quan đến tính bền vững. Các BCTC liên quan đến tính bền vững có thể được đưa vào bình luận quản lý của thực thể; hoặc một báo cáo tương tự khi nó là một phần của BCTC mục đích chung của thực thể. Bình luận của ban quản lý hoặc một báo cáo tương tự, là một báo cáo bắt buộc ở nhiều khu vực pháp lý. Nó có thể được biết đến hoặc bao gồm trong các báo cáo với nhiều tên khác nhau, chẳng hạn như: “báo cáo quản lý”, “thảo luận và phân tích của ban quản lý”, “đánh giá hoạt động và tài chính”, “báo cáo tích hợp” hoặc “báo cáo chiến lược”. Một thực thể được yêu cầu báo cáo các công bố tài chính liên quan đến tính bền vững cùng lúc với các BCTC liên quan. Các BCTC liên quan đến tính bền vững của thực thể, được yêu cầu phải bao gồm cùng kỳ báo cáo với các BCTC liên quan.
- Kết luận
Có thể khẳng định rằng, Chuẩn mực IFRS S1 về BCTC quốc tế đặt ra các yêu cầu tổng quát với mục tiêu yêu cầu một thực thể, một tổ chức, một doanh nghiệp công bố thông tin về các rủi ro và cơ hội liên quan đến bền vững mà hữu ích cho người dùng chính của BCTC, mục đích chung trong việc đưa ra quyết định liên quan đến việc cung cấp nguồn lực cho thực thể đó. Việc bắt buộc áp dụng tiêu chuẩn công bố thông tin bền vững IFRS tùy thuộc vào sự chứng thực hoặc quy trình quản lý của từng khu vực pháp lý. Nội dung chính của chuẩn mực, chính là cung cấp những hướng dẫn về bền vững. Các tiêu chuẩn này tạo ra một ngôn ngữ chung, để công bố tác động của các rủi ro và cơ hội liên quan đến khí hậu đối với triển vọng của các công ty, việc áp dụng chuẩn mực công bố thông tin bền vững IFRS không liên quan đến việc áp dụng chuẩn mực kế toán IFRS.
Tài liệu tham khảo
Deloitte. (2023). ISSB publishes IFRS S1 “General Requirements for Disclosure of Sustainability-related Financial Information”. IAS Plus.
IFAC. (2023). ISSB issues inaugural global sustainability disclosure standards. ISSB Board.
Sarah Carroll. (2023). Overview of IFRS S1 and IFRS S2. Grant Thornton International Ltd.