PGS.TS. Đặng Văn Thanh*
(*Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam).
Chỉ còn hai tháng nữa, Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam sẽ bước sang tuổi 30 (1994 – 2024) thành lập và phát triển trong bối cảnh nền kinh tế đang đổi mới, hội nhập ngày càng sâu, rộng vào các nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới, trong khi môi trường pháp lý cho hoạt động kinh tế nói chung và của lĩnh vực kế toán, kiểm toán Việt Nam nói riêng còn đang trong quá trình hoàn thiện. Luật về Hội vẫn chưa được ban hành, hoạt động của Tổ chức nghề nghiệp vẫn chưa phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam là tổ chức xã hội nghề nghiệp của những người làm nghề kế toán, kiểm toán. Hiệp hội là thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), thành viên của Liên đoàn Kế toán quốc tế (IFAC), là thành viên của Hiệp hội Kế toán các nước ASEAN (AFA). Hoạt động của Hiệp hội trên nguyên tắc tự nguyện, tự chủ và tự trang trải về kinh phí, với tôn chỉ và mục đích tập hợp, đoàn kết những người làm kế toán, kiểm toán Việt Nam, phấn đấu cho phát triển kế toán, kiểm toán, góp phần phát triển kinh tế xã hội. Mặc dù, môi trường cho hoạt động của Hiệp hội còn có sự khác biệt với các tổ chức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán các nước và chịu áp lực hội nhập nghề nghiệp với đòi hỏi ngày càng cao. Tuy nhiên, Hiệp hội đã chủ động triển khai và đẩy mạnh các hoạt động trên các lĩnh vực phát triển nghề nghiệp, nâng cao chất lượng thông tin kế toán, tăng mức độ tin cậy của thông tin phục vụ quản lý Nhà nước và quản lý, điều hành các hoạt động đầu tư, hoạt động kinh doanh phát triển hội viên, nâng cao chất lượng hội viên, tư vấn khoa học, phản biện xã hội; nghiên cứu khoa học, phổ biến kiến thức khoa học công nghệ, tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế, đối ngoại và ngoại giao nhân dân, tuyên truyền và quảng bá nghề nghiệp trong nước và quốc tế.
Trước hết, Hiệp hội và các hội thành viên, các hội viên đã hoạt động tích cực và đóng góp có hiệu quả vào phát triển kinh tế – xã hội.
Hiệp hội đã tổ chức cho hội viên tham gia tích cực, có hiệu quả vào quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế, xây dựng Luật pháp, chính sách kinh tế – tài chính. Hầu hết, hội viên đã thực hiện đầy đủ chức trách nhiệm vụ của mình, tổ chức và cung cấp những thông tin đầy đủ, tin cậy cho quản lý, góp phần bảo vệ tài sản của Nhà nước, của doanh nghiệp, góp phần tích cực vào quản lý, quản trị tài chính quốc gia, quản trị tài chính doanh nghiệp. Nhiều hội viên đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trưởng thành từ nghề kế toán, kiểm toán thành các nhà quản lý giỏi, trở thành giám đốc, Tổng giám đốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị, có người đã đảm trách cương vị Chủ tịch Tập đoàn, Giám đốc sở ngành, Bộ trưởng,…
Với chức năng tổ chức hệ thống thông tin, quản lý tài chính, hội viên đã có những đóng góp đáng kể vào tạo lập và duy trì môi trường đầu tư công khai, minh bạch thu hút nguồn vốn cho nền kinh tế, góp phần tăng trưởng GDP, tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả kinh doanh, đảm bảo sự an toàn tài sản và công quỹ Nhà nước. Số liệu do kế toán cung cấp, ý kiến đánh giá của kiểm toán đã dần dần là căn cứ quan trọng cho Quốc hội, Hội đồng nhân dân thảo luận và quyết định những vấn đề quan trọng về kinh tế, tài chính, về ngân sách.
Trong nền kinh tế thị trường, kế toán và kiểm toán không còn thuần túy là công cụ quản lý kinh tế mà đã trở thành một hoạt động dịch vụ – dịch vụ cao cấp, hỗ trợ quản lý, hỗ trợ kinh doanh. Hội viên của Hiệp hội tham gia thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán không chỉ hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp trong việc tổ chức hệ thống thông tin trong việc tuân thủ luật pháp về thông tin kinh tế – tài chính mà đã có đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế, vào tăng tỷ trọng của khu vực dịch vụ trong GDP. Thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán ở Việt Nam còn rất non trẻ. Có được sự phát triển như ngày nay là công sức và đóng góp tích cực của Hiệp hội và hội viên Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam. Đây là dịch vụ hỗ trợ rất đắc lực cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam (chiếm 95% số doanh nghiệp trong cả nước), đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ.
Thứ hai, Hiệp hội, các Hội thành viên, hội viên đã đóng góp có hiệu quả vào hoàn thiện thể chế kinh tế, hoàn thiện và phát triển kế toán, kiểm toán Việt Nam
Với tư cách là tổ chức xã hội – nghề nghiệp, Hiệp hội đã thực hiện một cách tích cực, có hiệu quả trong quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế, xây dựng Luật pháp, chính sách kinh tế – tài chính. Hiệp hội luôn đề cao trách nhiệm và tổ chức tốt công tác tư vấn khoa học và phản biện xã hội các dự án Luật, các văn bản pháp quy, các chính sách tài chính, kế toán và kiểm toán, các chuẩn mực kế toán và kiểm toán. Hiệp hội đã chủ động trình bày và đề xuất ý kiến về nhiều dự án Luật, pháp lệnh và chính sách của Nhà nước.
Ý kiến và đề xuất của Hiệp hội về thẩm quyền của Quốc hội trong Hiến pháp Nhà nước, trong Luật Ngân sách Nhà nước đã được quốc hội ghi nhận và thể hiện trong dự án Luật trình ra Quốc hội. Hiệp hội và hội viên đề xuất nhiều ý kiến quy định trong các điều luật của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư công, Luật Quy hoạch, Luật Quản lý Thuế, Luật Thực hành tiết kiệm, phòng chống lãng phí, Luật Quản lý nợ công, quản lý tài sản công, Luật Đất đai, Luật Bảo hiểm… đã được Ban soạn thảo tiếp thu và góp phần nâng cao chất lượng dự án Luật. Hiệp hội đã đề xuất nhiều ý kiến góp phần cải cách hành chính, đơn giản hóa nhiều thủ tục góp phần cải thiện môi trường đầu tư…
Hội viên của Hiệp hội đã tham gia với tư cách là thành viên nhiều ban soạn thảo dự án Luật, Ban xây dựng và triển khai chiến lược, đề án liên quan tài chính, kế toán, kiểm toán. Các ý kiến của Hiệp hội từ góc độ những người làm kế toán, kiểm toán đều rất giá trị và được ghi nhận…. Hiệp hội đã chủ động triển khai việc phổ biến khoa học – kỹ thuật, hướng dẫn và tổ chức thực hiện luật pháp, chính sách của Nhà nước đến hội viên, đến những người làm nghề kế toán, kiểm toán trong cả nước.
Kết quả hoạt động của Hiệp hội và sự tham gia của các hội viên đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, đảm bảo độ tin cậy và minh bạch của thông tin kinh tế tài chính, góp phần vào sự chính xác, hiệu lực của các quyết định quản lý và quyết định kinh tế của Nhà nước, của các cơ quan, tổ chức.
Thứ ba, Hiệp hội liên tục phát triển về tổ chức, về hội viên, phát triển và nâng cao năng lực hội viên
Đến nay, Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam có gần 10.000 hội viên trong cả nước, sinh hoạt trong 28 tổ chức thành viên (gồm 10 Hội kế toán tỉnh thành phố, 02 Hội kế toán, kiểm toán chuyên ngành, 04 Hội, Phân hội kế toán ngành, 11 Chi hội kế toán trực thuộc (trong đó có Chi Hội Kế toán hành nghề Việt Nam), 03 hội viên tổ chức, 01 Câu lạc bộ Kế toán trưởng toàn quốc).
Các tổ chức Hiệp hội duy trì hoạt động theo chức năng nhiệm vụ và Điều lệ Hiệp hội, trong đó có nhiều đơn vị, tổ chức hoạt động thường xuyên, với nhiều hình thức hoạt động có hiệu quả, góp phần tích cực vào phát triển và nâng cao vị thế, nâng cao chất lượng nghề nghiệp.
Hiệp hội đã có sự quan tâm đặc biệt đến việc bồi dưỡng phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội của hội viên thông qua việc ban hành quy chế về đạo đức hành nghề, tăng cường tuyên truyền, giáo dục và chủ động kiểm soát đạo đức nghề nghiệp, kiểm soát chất lượng dịch vụ hành nghề kế toán, kiểm toán, kịp thời động viên khen thưởng các hội viên có thành tích và xử lý nghiêm kỷ luật các tổ chức, cá nhân, các hành vi vi phạm. Có thể đánh giá, kiến thức nghề nghiệp và năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp của hội viên đã được nâng cao, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của nghề nghiệp
Việc củng cố và phát triển Hiệp hội theo hướng chuyển dần từ tính chất xã hội – nghề nghiệp sang tính chất nghề nghiệp, mang tính chuyên nghiệp cao, tăng cường các hoạt động dịch vụ xã hội, phù hợp với thông lệ quốc tế. Hội viên đã được rà soát, sàng lọc để đảm bảo chất lượng, đồng thời kết nạp thêm nhiều hội viên mới là các kế toán viên trẻ, nhiệt huyết để tăng cường về năng lực hoạt động của Hội.
Thứ tư, Hiệp hội quan tâm và tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển khoa học kế toán, kiểm toán
Kế toán và kiểm toán không chỉ là chuyên môn, nghiệp vụ mà còn là khoa học quản lý, khoa học tổ chức thông tin. Vì vậy, Hiệp hội và các thành viên đã triển khai nhiều hoạt động để phát triển và nâng cao năng lực cho hội viên, đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi mới của nghề nghiệp với nhiều hình thức. Hoạt động nghiên cứu khoa học được quan tâm triển khai, thông qua việc chủ trì, tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học, tổ chức và phối hợp tổ chức các hội thảo khoa học quốc gia và quốc tế, nhiều báo cáo khoa học được trình bày tại các diễn đàn trong nước, ngoài nước. Hội viên của Hiệp hội đã có hàng trăm bài báo khoa học đăng tải trên các tạp chí khoa học chuyên ngành.
Hoạt động nghiên cứu khoa học của Hiệp hội và do Hiệp hội tham gia đã góp phần phát triển tài chính, kế toán, kiểm toán, giải quyết nhiều vấn đề bức xúc cho thực tiễn đặt ra. Đồng thời, nhiều chương trình đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ kế toán, kiểm toán đã được xây dựng theo yêu cầu của nền kinh tế và tiếp cận với thông lệ quốc tế, đưa vào áp dụng và hình thành chứng chỉ nghề nghiệp cho hội viên như: đào tạo kiểm toán viên nội bộ, kế toán quản trị….
Thứ năm, Hiệp hội đạt nhiều kết quả trong thông tin, quảng bá nghề nghiệp, phối hợp hoạt động và hợp tác nghề nghiệp trong nước và quốc tế
Mối quan hệ giữa Hiệp hội với các cơ quan Nhà nước được duy trì thường xuyên, tranh thủ tối đa sự chỉ đạo và hướng dẫn của các cơ quan trong các hoạt động của Hiệp hội. Công tác thông tin, tuyền truyền, giới thiệu về Hiệp hội, về nghề nghiệp đã được Hiệp hội, hội viên tiến hành thường xuyên liên tục với nhiều hình thức, trên nhiều diễn đàn: website, tạp chí, hội nghị, hội thảo… Tạp chí Kế toán và Kiểm toán, cơ quan ngôn luận của TW Hiệp hội xuất bản đều đặn mỗi tháng một kỳ với 3.000 -5.000 bản.
Có thể nhận thấy, vai trò, vị thế của nghề nghiệp kế toán Việt Nam đã được xác lập và nâng lên đáng kể cả trong nước và ngoài nước. Hiệp Hội đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thành viên của các tổ chức Hội trong nước và ngoài nước. Ở trong nước, Hiệp hội là thành viên tích cực của VUSTA, tham gia có hiệu quả vào nhiều hoạt động của VCCI. Tăng cường hợp tác nghề nghiệp với các tổ chức nghề nghiệp quốc tế có Văn phòng Đại diện ở Việt Nam như: Hiệp hội Kế toán công chứng Vương Quốc Anh (ACCA), Viện Kế toán Công chứng Anh và Xứ Wale (ICAEW), Hội Kế toán công chứng Australia (CPAA)…
Trong quan hệ quốc tế, Hiệp Hội đã tham gia tích cực, có hiệu quả vào hoạt động của Liên đoàn Kế toán quốc tế (IFAC), Hiệp hội Kế toán các nước Đông Nam Á (AFA). Tiếng nói và vị thế của VAA tại diễn đàn kế toán thế giới đã được đề cao. Thông qua các hoạt động nghề nghiệp, Hiệp hội đã tăng cường giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm và đặc biệt là tranh thủ giới thiệu quảng bá để các tổ chức nghề nghiệp trên thế giới hiểu về Việt Nam hơn và ủng hộ Việt Nam trong hội nhập quốc tế, trong phát triển nghề nghiệp kế toán và kiểm toán. Đến nay, ngoài các tổ chức nghề nghiệp trong khu vực Đông Nam Á, Hiệp hội đã thiết lập quan hệ với nhiều tổ chức nghề nghiệp bắc Á, tây Á, châu Phi, châu Âu… Thông qua các hoạt động nghề nghiệp và giao lưu quốc tế. Hiệp hội đã làm tốt vai trò đối ngoại nhân dân, ngoại giao nhân dân, tăng uy tín và vị thế của Việt Nam, được Ban đối ngoại TW đánh giá cao. Đây là bước tiến mới của Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam trên trường quốc tế.
Với những kết quả hoạt động và thành tích đã đạt được, Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam và nhiều tổ chức thành viên, nhiều cá nhân đã được Nhà nước, các Bộ ngành tặng nhiều phần thưởng cao quý.
Hai mươi chín năm là khoảng thời gian không dài đối với một tổ chức nghề nghiệp, những người làm kế toán Việt Nam tự hào vì đã đóng góp tích cực có hiệu quả vào sự tin cậy, minh bạch của thông tin, vào sự an toàn của tài sản quốc gia, tài sản doanh nghiệp, vì sự lành mạnh, công khai minh bạch của nền tài chính quốc gia, tài chính doanh nghiệp.