Bài viết của GS.TS. Đoàn Xuân Tiên – Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và kiểm toán Việt Nam đăng trên Tạp chí Kế toán và Kiểm toán, số 256 Tháng 01/2025
Năm 2024 đã khép lại với nhiều dấu ấn nổi bật của Hiệp hội Kế toán và kiểm toán Việt Nam (VAA). Những hoạt động của Hiệp hội không chỉ nâng cao uy tín, mà còn khẳng định giá trị nghề nghiệp Kế toán – Kiểm toán trong bối cảnh phát triển nhanh chóng của nền kinh tế. Chúng ta đã không ngừng nỗ lực, đổi mới và sáng tạo, nâng cao chất lượng các hoạt động, cũng như tiếp tục góp phần thúc đẩy sự phát triển của nghề nghiệp Kế toán – Kiểm toán. Những nỗ lực này đã góp phần nâng cao năng lực của đội ngũ kế toán – kiểm toán, đồng thời tạo ra những giá trị thiết thực cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và nền kinh tế. Chúng ta tự hào rằng, thông qua các hoạt động và thành tích đạt được, Hiệp hội đã và đang đóng góp một phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của lĩnh vực kế toán – kiểm toán tại Việt Nam.
Những khoảnh khắc đáng nhớ và thành công trong hành trình năm 2024
Kỷ niệm 30 năm thành lập và Đại hội đại biểu nhiệm kỳ VII Hiệp hội Kế toán và kiểm toán Việt Nam
Lễ Kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Hiệp hội Kế toán và kiểm toán Việt Nam và Đại hội đại biểu nhiệm kỳ VII tổ chức ngày 24/5/2024 có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu 30 năm phát triển và trưởng thành của VAA; phản ánh những nỗ lực, thành tựu và cống hiến của Hiệp hội trong việc nâng cao chất lượng nghề nghiệp; sự kiện này nhấn mạnh vai trò quan trọng của kế toán và kiểm toán trong việc đảm bảo tính minh bạch và chính xác của thông tin tài chính, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế. Sự kiện cũng là cơ hội để thảo luận về các thách thức và cơ hội trong tương lai. Từ đó, đề ra các chiến lược nhằm phát triển nghề nghiệp kế toán và kiểm toán trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu. Đồng thời, là dịp để các thành viên và chuyên gia trong lĩnh vực kế toán – kiểm toán giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm và xây dựng mối quan hệ hợp tác. Kỷ niệm 30 năm ngày thành lập VAA, không chỉ là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử của Hiệp hội mà còn là một bước tiến trong việc phát triển nghề kế toán và kiểm toán tại Việt Nam.
Đại hội VII Hiệp hội Kế toán và kiểm toán Việt Nam đã thông qua Báo cáo Tổng kết nhiệm kỳ VI (2019 – 2024) và Phương hướng hoạt động nhiệm kỳ VII (2024 – 2029), bầu ra Ban Chấp hành mới, gồm 43 Ủy viên và Ban Kiểm tra 5 thành viên. Đề ra mục tiêu nâng cao chất lượng hoạt động, phát triển năng lực hội viên và củng cố uy tín nghề nghiệp Kế toán – Kiểm toán trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Đại hội đánh dấu bước ngoặt quan trọng cho sự phát triển bền vững của ngành Kế toán – Kiểm toán Việt Nam. Với cam kết, nâng cao chất lượng dịch vụ và đáp ứng yêu cầu mới của nền kinh tế mở cửa. Với phương châm hoạt động “Tin cậy – Chuyên nghiệp – Phát triển”, Hiệp hội tiếp tục củng cố vị thế trong nước và quốc tế, góp phần vào “Chiến lược phát triển kế toán – kiểm toán Việt Nam đến năm 2030”.
Ngay sau Đại hội, đã nhanh chóng kiện toàn tổ chức và xây dựng các quy chế và quy định làm cơ sở cho tổ chức và hoạt động của nhiệm kỳ, bầu các chức danh lãnh đạo: Chủ tịch, 3 Phó Chủ tịch (trong đó có 1 Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký); Trưởng Ban Kiểm tra; Quyết định phân công nhiệm vụ Ban lãnh đạo (Chủ tịch, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký và các Phó Chủ tịch); Ban Thường vụ (13 ủy viên); Ban Chấp hành (30 ủy viên) và thành lập 5 Ban chuyên môn (Ban Hội viên, Ban Nghiên cứu khoa học, tư vấn và phản biện, Ban Đào tạo, Ban Đối ngoại và Ban Truyền thông). Xây dựng và quyết định ban hành Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Hiệp hội nhiệm kỳ VII. Xây dựng và quyết định ban hành Chương trình hoạt động của Hiệp hội nhiệm kỳ 2024 – 2029; ban hành nội dung chương trình các hoạt động chủ yếu và kế hoạch thực hiện phân kỳ theo năm, gồm 6 chương trình lớn, 22 nhiệm vụ và 45 hoạt động, trong đó phân công cụ thể trách nhiệm cụ thể đơn vị/ban chủ trì, phối hợp.
Củng cố, kiện toàn, phát triển Hiệp hội và hội viên
Theo báo cáo, tổng số hội viên có tên trong danh sách và chịu sự quản lý của các cấp của Hiệp hội là trên 10.000 hội viên trong cả nước, sinh hoạt trong 27 tổ chức thành viên, gồm hai tổ chức nghề nghiệp trực thuộc là Câu lạc bộ Kế toán trưởng toàn quốc và Chi hội Kế toán hành nghề Việt Nam; 4 Hội, Phân hội kế toán, kiểm toán ngành toàn quốc; 9 Hội kế toán tỉnh thành phố, 5 Chi hội kế toán ở các trường đại học; 7 Chi hội kế toán/hội viên tổ chức nghề nghiệp doanh nghiệp. Tuy nhiên, Văn phòng Hiệp hội chưa theo dõi được cụ thể danh sách hội viên cá nhân và các vấn đề về thẻ hội viên. Các tổ chức Hội thành viên và tổ chức trực thuộc Hiệp hội cũng luôn củng cố và kiện toàn tổ chức và phát triển hội viên; trong đó Câu lạc bộ Kế toán trưởng toàn quốc trong năm phát triển kết nạp thêm 285 hội viên cá nhân mới, cho thôi sinh hoạt 65 hội viên cá nhân; Chi hội Kế toán hành nghề Việt Nam kết nạp thêm 01 hội viên tổ chức và 11 hội viên cá nhân. Những hoạt động này không chỉ củng cố tổ chức của Hiệp hội, mà còn mở rộng mạng lưới hội viên và góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động nghề nghiệp trong lĩnh vực kế toán – kiểm toán.
Hoạt động nghiên cứu, tư vấn khoa học và phản biện, giám định xã hội
Hiệp hội và các thành viên của Hiệp hội đã thực hiện một cách tích cực, có hiệu quả vào quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế, xây dựng Luật pháp, chính sách kinh tế – tài chính. Hiệp hội đã đề cao trách nhiệm và tổ chức tốt công tác tư vấn khoa học và phản biện xã hội các dự án Luật, các văn bản pháp quy, với 15 dự án luật, trên 30 văn bản nghị định, thông tư, hướng dẫn các chính sách tài chính, kế toán và kiểm toán, các chuẩn mực kế toán và kiểm toán. Đề xuất sửa đổi các Luật như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Nghị định 84, Thông tư hướng dẫn kế toán cho doanh nghiệp PPP, nhiều thông tư về chế độ kế toán và nhiều văn bản khác. Tham gia nhiều hội thảo về sửa đổi các cơ chế, chính sách trong lĩnh vực tài chính, kế toán, kiểm toán. Các tổ chức Hội thành viên cũng rất tích cực trong việc tham gia đóng góp ý kiến dự thảo đối với các văn bản sửa đổi, bổ sung chế độ, chính sách, pháp luật của các Bộ, ngành, địa phương liên quan đến lĩnh vực tài chính, kế toán, kiểm toán, thuế. Đặc biệt, Hội Kế toán và Kiểm toán tỉnh Quảng Bình đã thực hiện trên 50 văn bản tham gia đóng góp ý kiến có chất lượng cao. Ngoài ra, Hiệp hội đã chủ động tổ chức triển khai việc phổ biến hướng dẫn và tổ chức thực hiện luật pháp, chính sách của nhà nước đến hội viên, đến những người làm nghề kế toán, kiểm toán (tập huấn Thông tư 24/2024 của Bộ Tài chính về chế độ kế toán toán đơn vị HCSN, hướng dẫn; tập huấn hướng dẫn về lập, thẩm tra, quyết toán dự toán ngân sách Nhà nước; xây dựng, thẩm định phương án tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập,…).
Các hoạt động này không chỉ nâng cao trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của Hiệp hội, mà còn góp phần quan trọng vào sự minh bạch và tin cậy của thông tin kinh tế tài chính, hỗ trợ quyết định quản lý của Nhà nước và các tổ chức liên quan.
Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng và cập nhật kiến thức
Trong năm 2024, Hiệp hội đã tổ chức rất nhiều lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn và cập nhật. Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn Khoa học Kế toán đã tổ chức 49 lớp đào tạo, bồi dưỡng với 3.945 học viên (20 lớp Kế toán trưởng với 562 học viên; tập huấn Thông tư 24/2024: 18 lớp với 2.899 học viên; 10 lớp Kiểm toán nội bộ với 456 học viên; 1 lớp Chuẩn mực báo cáo tài chính IFRS với 28 học viên. Tổng doanh thu từ các lớp đào tạo trên đạt trên 12 tỷ đồng, đóng góp vào ngân sách nhà nước gần 400 triệu đồng. Chi hội Kế toán hành nghề Việt Nam (VICA) tổ chức 12 lớp cập nhật kiến thức cho 2.126 lượt hội viên. Câu lạc bộ Kế toán trưởng tổ chức 12 kỳ sinh hoạt định kỳ, 02 khóa đào tạo IFRS và 02 hội thảo chuyên đề, thu hút 6.800 lượt hội viên tham gia trực tiếp và trực tuyến. Các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cập nhật kiến thức nhằm phát triển năng lực hội viên được Hiệp hội và các Hội thành viên tổ chức liên tục, thường xuyên với sự tham gia của hàng chục nghìn lượt hội viên/học viên. Các chương trình đào tạo đều được xây dựng công phu trên cơ sở theo yêu cầu của nền kinh tế và tiếp cận với thông lệ quốc tế, áp dụng linh hoạt và phong phú về chủ đề, định kỳ cập nhật cho sát yêu cầu thực tiễn.
Các hội thành viên như Hội Kế toán TP.HCM, Hội Kế toán tỉnh Nam Định, Chi hội Quản trị và kiểm soát nội bộ, Phân hội kiểm toán viên Nhà nước Việt Nam, Chi hội Kế toán Công ty TNHH CPA Việt Nam, Công ty NC9,… đã tổ chức nhiều khóa đào tạo, bồi dưỡng và hội thảo chuyên đề, thu hút đông đảo hội viên tham gia, đáp ứng nhu cầu, cũng như nâng cao chuyên môn. Đặc biệt, Công ty Cổ phần MISA đã tổ chức 2.106 khóa đào tạo cho 70.627 học viên, thực hiện 469 hội thảo với hơn 1 triệu lượt tham dự, hợp tác với gần 600 trường để hỗ trợ sinh viên thực hành kế toán, hỗ trợ 50.000 đơn vị hành chính và 294.000 doanh nghiệp sử dụng phần mềm kế toán MISA. Hội Kế toán tỉnh Quảng Bình đã phối hợp tổ chức 27 lớp tập huấn với 2.700 học viên,…
Các hoạt động đào tạo không chỉ nâng cao năng lực chuyên môn của hội viên, mà còn góp phần phát triển ngành kế toán, kiểm toán và tài chính theo tiêu chuẩn quốc tế, thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ mới trong lĩnh vực kế toán, góp phần cải thiện hiệu quả hoạt động của các đơn vị hành chính và doanh nghiệp. Hiệp hội khẳng định vị thế hàng đầu trong lĩnh vực đào tạo, thúc đẩy phẩm chất và đạo đức nghề nghiệp, đồng thời đáp ứng nhu cầu thực tiễn của nền kinh tế. Hiệp hội có thể tự hào là tổ chức hàng đầu trong đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn lĩnh vực kế toán, kiểm toán và tài chính, với các chương trình đào tạo được giảng dạy bởi các chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước, các giảng viên và các nhà xây dựng chính sách nhiều kinh nghiệm thực tiễn, mang đến kiến thức cập nhật và thực tiễn, áp dụng phương pháp giảng dạy tiên tiến và hiện đại, khuyến khích sự tham gia của học viên thông qua thảo luận nhóm và các tình huống mô phỏng. Hiệp hội đã có sự quan tâm đặc biệt đến việc bồi dưỡng phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội của học viên/hội viên thông qua việc tăng cường tuyên truyền, giáo dục và chủ động kiểm soát đạo đức nghề nghiệp, kiểm soát chất lượng dịch vụ hành nghề kế toán.
Công tác thông tin – truyền thông
Công tác thông tin truyền thông của Hiệp hội đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức về nghề nghiệp kế toán và kiểm toán, đồng thời hỗ trợ hội viên trong việc cập nhật thông tin và kiến thức mới, điều đó tạo ra sự kết nối giữa các hội viên và nâng cao uy tín của nghề nghiệp trong xã hội. Thông qua các kênh như website, tạp chí, hội nghị và hội thảo, Hiệp hội đã thường xuyên cập nhật các chủ trương, chính sách mới nhất liên quan đến nghề nghiệp. Tạp chí Kế toán và Kiểm toán với vai trò là ấn phẩm khoa học, đã đăng tải nhiều bài viết mang tính khoa học và thực tiễn, góp phần hoàn thiện hệ thống kế toán – kiểm toán Việt Nam. Ngoài ra, còn hỗ trợ hội viên trong việc nâng cao năng lực chuyên môn thông qua các bài viết, nghiên cứu và tài liệu đào tạo.
Trong năm 2024, Tạp chí Kế toán và Kiểm toán đã xuất bản 12 số, duy trì ổn định với số lượng phát hành từ 1.200 cuốn mỗi số, trung bình gần 20 bài khoa học/1 số tạp chí in và đồng thời các bài viết này cũng được đăng lên Tạp chí Kế toán và Kiểm toán điện tử. Ngoài ra, Tạp chí Kế toán và Kiểm toán điện tử trong năm qua đã cập nhật gần 700 tin bài về hoạt động chuyên môn kế toán – kiểm toán của Hiệp hội và các lĩnh vực liên quan. Hoạt động truyền thông đa dạng, như đã duy trì các trang web và fanpage, đồng thời đưa Tạp chí Kế toán và Kiểm toán điện tử vào hoạt động. Thông tin về hoạt động của Hiệp hội được đăng tải thường xuyên trên các tạp chí giấy và điện tử, cũng như trên các bản tin của AFA và IFAC. Các hội viên đã có nhiều bài viết được đăng trên các tạp chí khoa học uy tín, như Tạp chí Kế toán và Kiểm toán, Tạp chí Đầu tư chứng khoán và nhiều tạp chí khác, góp phần nâng cao chất lượng nghiên cứu và ứng dụng trong lĩnh vực kế toán và kiểm toán.
Công tác thông tin, truyền thông của Hiệp hội không chỉ là cầu nối giữa Hiệp hội và hội viên, mà còn là nền tảng quan trọng cho sự phát triển bền vững của nghề nghiệp kế toán – kiểm toán tại Việt Nam. Những kết quả đạt được trong năm 2024 cho thấy, sự nỗ lực không ngừng của Hiệp hội trong việc nâng cao chất lượng thông tin và hỗ trợ hội viên.
Phối hợp quan hệ hoạt động, hợp tác trong nước và quốc tế
Hiệp hội đã tiếp tục duy trì mối quan hệ thường xuyên với các cơ quan Nhà nước như Quốc hội, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Kiểm toán Nhà nước; các tổ chức như VUSTA, VCCI; và các tổ chức nghề nghiệp quốc tế như Hiệp hội Kế toán Công Chứng Vương Quốc Anh (ACCA), Viện Kế toán Công chứng Anh và Xứ Wale (ICAEW), Hội Kế toán Công chứngAustralia (CPAA),… Về quan hệ và các hoạt động quốc tế, Hiệp hội thực hiện tốt nhiệm vụ là thành viên Liên đoàn Kế toán quốc tế (IFAC); thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thành viên.
Từ năm 2024, bắt đầu đảm nhiệm vai trò Chủ tịch tại AFA (2024 – 2025) và thực hiện đầy đủ vai trò và các nghĩa vụ. Đồng thời, Hiệp hội đã tích cực tăng cường giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm với các tổ chức nghề nghiệp quốc tế và quảng bá hình ảnh Việt Nam, để hỗ trợ hội nhập quốc tế và phát triển nghề nghiệp kế toán. Trong năm 2024, Chủ tịch VAA đã dẫn đầu đoàn tham dự Hội nghị Liên đoàn Kế toán Đông Nam Á (AFA) tại Malaysia (tháng 6/2024) và tại Philippines (tháng 11/2024); tham dự Hội nghị thường niên Liên đoàn Kế toán quốc tế (IFAC) tại Pháp (tháng 11/2024); tham gia bầu cử Chủ tịch và Phó Chủ tịch IFAC nhiệm kỳ 2024 – 2026; cũng như đề cử và xác nhận các thành viên cho các ủy ban và hội đồng thuộc IFAC, bao gồm cả Hội đồng Tiêu chuẩn Kế toán Công Quốc tế (IPSASB) và các nhóm tư vấn khác. Ngoài ra, còn tham dự đầy đủ các cuộc họp thường niên và đột xuất của IFAC, tham gia thảo luận và quyết nghị các chương trình kế hoạch, chiến lược phát triển, các dự án, trực tiếp bỏ phiếu bầu và phê chuẩn các chức danh lãnh đạo IFAC.
Tham dự các hội nghị, hội thảo quốc tế về kế toán, kiểm toán mà Việt Nam là tổ chức thành viên hoặc được mời (tổ chức họp trực tuyến, góp phần nâng cao sự hiện diện của VAA trên trường quốc tế). Hoạt động này không chỉ nâng cao vị thế và tiếng nói của Hiệp hội trên diễn đàn kế toán quốc tế, mà còn góp phần quan trọng vào việc hỗ trợ hội nhập quốc tế của nghề kế toán – kiểm toán Việt Nam. Điều này giúp nâng cao chất lượng nghề nghiệp, chia sẻ kinh nghiệm và tạo cơ hội hợp tác phát triển bền vững trong lĩnh vực kế toán và kiểm toán.
Nhiệm vụ trọng tâm năm 2025
Mục tiêu chung là đổi mới và nâng cao năng lực tổ chức, cải thiện hiệu lực và hiệu quả của Hiệp hội, nhằm nâng cao chất lượng và giá trị nghề nghiệp trong lĩnh vực kế toán – kiểm. Mục tiêu năm 2025, sẽ tập trung vào việc nâng cao chất lượng tổ chức vào nghề nghiệp phát triển năng lực hội viên và tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững trong lĩnh vực kế toán – kiểm toán.
Kế hoạch hoạt động năm 2025, tập trung vào việc củng cố tổ chức, nâng cao chất lượng hội viên, cải tiến công tác đào tạo, tăng cường nghiên cứu, hoạt động tư vấn, phản biện xã hội và tăng cường hợp tác quốc tế, đồng thời duy trì sự liên kết chặt chẽ giữa Hiệp hội và các thành viên.
Các hoạt động chính trong kế hoạch 2025, tập trung:
Một là, rà soát và hoàn thiện quy chế, quy định nội bộ: củng cố bộ máy lãnh đạo, đảm bảo tính chuyên nghiệp trong điều hành.
Hai là, công tác hội viên: tổ chức Đại hội nhiệm kỳ 2025 – 2030 Chi hội Kế toán hành nghề Việt Nam và Câu lạc bộ Kế toán trưởng toàn quốc. Quản lý thông tin hội viên, cụ thể hóa quyền lợi và nghĩa vụ của hội viên, phát triển hội viên.
Ba là, công tác đào tạo và bồi dưỡng: nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, đảm bảo chất lượng và sự phù hợp của các chương trình đào tạo kế toán và kiểm toán để đáp ứng nhu cầu ngành và đáp ứng các chuẩn quốc tế; cập nhật kiến thức cho kế toán viên và kiểm toán viên.
Bốn là, công tác nghiên cứu khoa học, tư vấn, phản biện xã hội: tăng cường hoạt động nghiên cứu và tư vấn, tham gia ý kiến vào dự thảo chính sách.
Năm là, hoạt động đối ngoại: thực hiện tốt vai trò Chủ tịch AFA và tổ chức thành công Hội nghị AFA lần thứ 141 tại Việt Nam, vào tháng 10/2025. Tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ là thành viên của IFAC.
Sáu là, hoạt động truyền thông: cải tiến các kênh thông tin, nâng cao nhận thức về luật pháp và chính sách kinh tế; vinh danh thành tựu nghề nghiệp qua giải thưởng và danh hiệu.
Bảy là, tăng cường vai trò tư vấn và dịch vụ trong việc cung cấp tư vấn và dịch vụ chuyên sâu cho các tổ chức và doanh nghiệp, các tổ chức, đơn vị: duy trì và phát triển mối quan hệ với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp để triển khai nhiệm vụ có hiệu quả; duy trì mối quan hệ vì mục tiêu và lợi ích chung của cả các bên, có thể bao gồm việc tìm kiếm cơ hội hợp tác, chia sẻ nguồn lực, tạo ra giá trị gia tăng cho cả các bên và đóng góp vào sự phát triển và thành công chung; thiết lập kênh giao tiếp hiệu quả; xây dựng lòng tin và uy tín trong quan hệ thông qua tuân thủ cam kết, đảm bảo chất lượng sản phẩm và dịch vụ, đáp ứng yêu cầu và tiêu chuẩn của đối tác, thể hiện sự chuyên nghiệp.
Tám là, đẩy mạnh áp dụng công nghệ và số hóa trong lĩnh vực kế toán – kiểm toán: thúc đẩy tuân thủ chuẩn mực nghề nghiệp trong lĩnh vực kế toán – kiểm toán.
Chín là, chuẩn bị các điều kiện thể chế, nhân lực, tổ chức: để sẵn sàng tiếp nhận và thực hiện thành công nhiệm vụ tổ chức thi và cấp chứng chỉ kế toán viên hành nghề, cũng như các hoạt động nghề nghiệp khác khi được Bộ Tài chính chuyển giao.
Mười là, duy trì và tăng cường các hoạt động phối hợp và quan hệ hợp tác với các cơ quan các tổ chức nghề nghiệp, với Quốc hội và các cơ quan của Nhà nước: Quốc hội, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Kiểm toán Nhà nước, VCCI,… tăng cường hợp tác và quan hệ đối tác; xây dựng và duy trì mối quan hệ đối tác với các tổ chức tài chính, các cơ quan quản lý Nhà nước, các hiệp hội và các đối tác quốc tế khác,…
Kết luận
Năm 2024, Hiệp hội Kế toán và kiểm toán Việt Nam đã có một năm đầy ý nghĩa và thành công, đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận và tạo nhiều dấu ấn quan trọng. Với Phương châm hành động “Tin cậy – Chuyên nghiệp – Phát triển” là định hướng VAA trong việc xây dựng và duy trì uy tín, vị thế và sự ảnh hưởng tích cực trong lĩnh vực kế toán – kiểm toán. Chúng ta hãy cùng nhau bước vào năm 2025 với quyết tâm và khát vọng mới, hướng tới một tương lai phát triển bền vững hơn.
- Bảo An