(Đăng trên Tạp chí Kế toán và Kiểm toán, số T9/2018),…
Nhận: 20/8/2018
Biên tập: 12/9/2018
Duyệt đăng: 26/9/2018
Hoạt động kiểm soát nội bộ (KSNB) đối với báo cáo tài chính (BCTC) phản ánh chất lượng của toàn bộ hệ thống cung cấp thông tin của tổ chức. Vì vậy, sự yếu kém của KSNB đối với BCTC làm giảm chất lượng báo cáo quản lý nội bộ và trì hoãn việc cung cấp thông tin hữu ích trong nội bộ (Feng, Li và McVay, 2009). Ngược lại, hệ thống KSNB càng hữu hiệu, gian lận trên BCTC càng được hạn chế (Spatacean, 2012). Do đó, tất cả các tổ chức nói chung, các tổ chức thuộc khu vực công (KVC) nói riêng đều được đề xuất về việc thiết lập hệ thống KSNB hữu hiệu tại đơn vị nhằm giúp đơn vị đạt được các mục tiêu đề ra, trong đó có việc nâng cao chất lượng BCTC.
Từ khóa: Hệ thống KSNB; BCTC; KVC.
1. Đặt vấn đề:
BCTC thuộc KVC là các báo cáo được trình bày theo một cấu trúc chặt chẽ về tình hình tài chính của đơn vị và các giao dịch được thực hiện bởi một đơn vị thuộc KVC (Nguyễn Thị Thu Hà, 2016) và là nguồn thông tin vô cùng quan trọng để phục vụ cho việc tổng hợp và kiểm soát tình hình quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước (Nguyễn Thị Thu Hiền, 2015). Ngoài ra, BCTC thuộc KVC còn cung cấp thông tin cho việc đánh giá trách nhiệm giải trình (Carlin Tyrone M, 2003; Daniela Artemisa Calu và cộng sự, 2008; Colin Clark, 2010; Janet Mack, 2006). Tuy nhiên, kế toán KVC ở Việt Nam vẫn còn một khoảng cách rất lớn với các chuẩn mực kế toán công quốc tế, nhất là bước cuối cùng trong quy trình hạch toán kế toán là lập BCTC (Nguyễn Thị Thu Hiền, 2015; Nguyễn Thị Thu Hà, 2016). Điều này khiến cho người sử dụng phải đối mặt với việc tiếp nhận những thông tin trên BCTC kém tin cậy từ những nguyên nhân khác nhau như: Sự khó khăn trong việc tiếp cận nguồn thông tin; Sự đối mặt với các động cơ gian lận từ phía đối tượng cung cấp; Từ những nguyên nhân phát sinh trực tiếp từ bản chất của nghiệp vụ và quá trình hoạt động. Do đó, vấn đề nâng cao chất lượng BCTC là một nội dung được nhiều nhà khoa học quan tâm. Trong nghiên cứu của Hari Setiyawati (2013); Palmer, Kristine. N và cộng sự (2013) đã kết luận, năng lực nhân viên kế toán là nhân tố có liên quan đáng kể đến chất lượng BCTC. Ngoài nguồn nhân lực kế toán, yếu tố ứng dụng CNTT và KSNB cũng chính là nhân tố ảnh hưởng tích cực đến chất lượng BCTC (Celviana Winidyaningrum & Rahmawati, 2010). Thêm vào đó, hệ thống KSNB từ lâu đã được xem như một cơ chế được thiết lập cho việc lập BCTC chất lượng cao (Altamuro và Beatty, 2010). Vì thế, đối với các đơn vị công, việc thiết lập hệ thống KSNB càng trở nên quan trọng vì đây là những tổ chức sử dụng ngân sách Nhà nước để thực hiện theo đúng những nhiệm vụ mà Nhà nước và nhân dân giao phó (INTOSAI, 2004). Do đó, nhằm nâng cao chất lượng BCTC, đơn vị cần triển khai xây dựng hệ thống KSNB để kiểm soát từ khâu nhập dữ liệu đến khâu cung cấp thông tin và công khai tài chính (Trần Thị Yến và Hoàng Thị Thúy, 2018).
2. Sự ảnh hưởng của hệ thống KSNB đến chất lượng của BCTC
KSNB đối với BCTC là cơ chế quản trị nội bộ quan trọng cung cấp hoạt động kiểm tra nội bộ và hạn chế hành vi trục lợi cá nhân (Jensen 1993; Bushman và Smith 2001; Acharya và cộng sự, 2011). Do đó, hệ thống KSNB được xem là phòng tuyến đầu tiên trong việc bảo vệ chất lượng thông tin kế toán tại đơn vị (Wang và Huang, 2013). KSNB đối với BCTC không hiệu quả tạo điều kiện thuận lợi cho việc làm khống số liệu kế toán, từ đó, giảm độ chính xác và chất lượng của BCTC (Gao & Jia, 2015). Hệ thống báo cáo của đơn vị không thể hữu ích, nếu nó được lập dựa trên những ghi chép giao dịch không đáng tin cậy và không chính xác (Elmaleh, 2012). Hay nói cách khác, sự thiếu hụt các thủ tục KSNB thích hợp làm cho việc quản lý tài chính của một tổ chức gặp phải những rủi ro, bao gồm BCTC không chính xác /mất mát tài sản của đơn vị; Việc mất cắp và quản lý yếu kém những tài liệu thiết yếu của tổ chức do sự lạm quyền của nhân viên; Sổ sách tài chính chứa đựng nhiều sai sót và không đáng tin cậy, làm mất đi tính chính trực của tổ chức; Không thực hiện các chính sách kế toán phù hợp với những quy định trong việc trình bày BCTC (Amaka, 2012). Sự hoạt động hữu hiệu của hệ thống KSNB sẽ cung cấp một sự đảm bảo cho việc quản lý độ tin cậy của các số liệu kế toán được sử dụng, trong việc tạo ra thông tin hỗ trợ việc ra quyết định của người đứng đầu đơn vị (Amaka, 2012; Saốer và Oluió, 2013). Chính vì vậy, hệ thống KSNB hữu hiệu là một yếu tố quyết định cho việc lập BCTC có chất lượng vì khả năng ngăn chặn những sai sót về thủ tục, đo lường, bóp méo thu nhập, cũng như hạn chế những rủi ro tiềm tàng trong quá trình hoạt động (Doyle và cộng sự, 2007; Brown và cộng sự, 2008).
3. Một số kiến nghị hoàn thiện hệ thống KSNB
Một hệ thống KSNB vững mạnh là một yếu tố hết sức cần thiết cho việc lập BCTC đáng tin cậy (Elbannan, 2009). Do đó, nhằm hoàn thiện hệ thống KSNB tại các đơn vị tại KVC, số giải pháp được đề xuất dành cho cơ quan quản lý Nhà nước và các đơn vị thuộc KVC bao gồm:
Đối với cơ quan quản lý Nhà nước
– Mặc dù Bộ Tài chính (BTC) đã đưa ra dự thảo Nghị định, quy định về tổ chức và hoạt động kiểm toán nội bộ (KTNB) trong các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và các doanh nghiệp, trong dự thảo có quy định về KSNB và trách nhiệm của KTNB về KSNB tại đơn vị, được lấy ý kiến từ tháng 06/2016 đến nay nhưng vẫn chưa được chính thức ban hành. Do đó, BTC cần sớm hoàn thiện để ban hành quy định nhằm tạo điều kiện cho các đơn vị hành chính sự nghiệp nói chung, đơn vị sự nghiệp công lập nói riêng, xây dựng một hệ thống KSNB hoạt động hiệu quả hơn. Trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi và ban hành các văn bản pháp luật về quản lý kinh tế, tài chính, kế toán,… BTC cần quan tâm đến mục tiêu kiểm soát và tính đồng bộ của hệ thống KSNB.
– BTC và Bộ Giáo dục & Đào tạo cần xem xét kết hợp nghiên cứu xây dựng chương trình bồi dưỡng kiến thức về hệ thống KSNB, giúp đơn vị và các thủ trưởng đơn vị nhận thức đầy đủ hơn về tầm quan trọng, những lợi ích mang lại từ một hệ thống KSNB vững mạnh cũng như cách thức vận hành hệ thống KSNB trong đơn vị một cách hiệu quả.
Đối với các đơn vị thuộc KVC
– Đơn vị cần xây dựng một môi trường tốt để những hành vi tuân thủ pháp luật luôn được thực hiện; tất cả nhân viên trong đơn vị đều tuyệt đối chấp hành theo những quy định của pháp luật và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Môi trường được đánh giá là tốt cần đạt các tiêu chuẩn bao gồm tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp, những quy định của luật pháp, nguyên tắc và quy định của đơn vị (hệ thống văn bản pháp quy; hệ thống ủy quyền,…). Qua đó, hoạt động quản trị rủi ro và hệ thống KSNB sẽ gia tăng hiệu quả. Bên cạnh đó, đơn vị cần thiết lập cơ chế đảm bảo đơn vị hoạt động trong khuôn khổ quy định.
– Trong thực tế, trên BCTC có nhiều khoản mục rất dễ xảy ra phát sinh sai sót. Một cá nhân với uy quyền lãnh đạo không quá khó khăn khi can thiệp trực tiếp hoặc gián tiếp vào hoạt động quản lý hoặc ghi sổ kế toán. Hoặc những chênh lệch được tạo ra bởi một nhóm cá nhân có trách nhiệm trong những phần hành có liên quan do những lợi ích cục bộ từ trong đơn vị. Nhằm khắc phục tình trạng trên, việc phân quyền và ủy quyền được đánh giá là hữu hiệu nhất trong hệ thống KSNB. Khi thực hiện phân quyền cần lưu ý nguyên tắc trách nhiệm phải đi đôi với quyền hạn. Hoạt động ủy quyền nên được thực thi bằng một hệ thống quản lý dạng ma trận, bao gồm cả thước đo tài chính và phi tài chính. Sự ủy quyền đúng mực sẽ giúp nâng cao hiệu quả công việc tập thể, giảm được áp lực công việc của người ủy quyền, tăng trách nhiệm và trách nhiệm giải trình của cấp lãnh đạo và quản lý. Đồng thời, đơn vị cần xây dựng hệ thống kiểm soát trách nhiệm nhằm loại trừ nguy cơ lạm dụng quyền hạn, tham ô tài sản, sửa đổi, can thiệp vào cơ sở dữ liệu, những sai sót làm sai lệch BCTC,… mà không bị phát hiện.
– Bên cạnh đó, nhằm nâng cao chất lượng BCTC, đơn vị nên xác định phương thức ngăn ngừa rủi ro tại nguồn khởi phát bằng các thủ tục kiểm soát phòng ngừa được thiết kế để ngăn chặn, hoặc sớm phát hiện ra những sai phạm có tính hệ thống. Thủ tục kiểm soát này được thực hiện ngay trong công việc hàng ngày của nhân viên theo chức năng của họ, thông qua việc xác định mục tiêu kiểm soát, nhận diện rủi ro, tập trung vào các hoạt động chủ chốt, sau đó là phân chia trách nhiệm, giám sát và kiểm tra,… Tất cả được hệ thống hóa thành quy định trong chính sách KSNB của đơn vị.
– Sau cùng, đơn vị cần thiết lập phương thức chặn đứng hoặc sớm phát hiện những lỗi sai sót, gian lận. Đơn vị nên xem xét việc thành lập bộ phận KTNB trong đơn vị. Qua đó, các thủ tục kiểm soát phát hiện được thiết kế nhằm phát hiện các sai phạm, tức sau khi nghiệp vụ đã xảy ra. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, tính độc lập của KTNB trong hoạt động KSNB của đơn vị cần được đề cao. KTNB phải có chức năng thẩm định độc lập, được thiết lập bên trong đơn vị, để xem xét và đánh giá các hoạt động của đơn vị với tư cách là một sự trợ giúp đối với đơn vị. Do đó, ngoài trách nhiệm kiểm tra sự chính xác số học và sự tồn tại của tài sản, KTNB còn có chức năng xác minh với trình độ cao hơn công việc kiểm toán mà không bị ràng buộc bởi thế lực nào kể cả những người lãnh đạo cao cấp nhất trong đơn vị về phạm vi, hiệu quả kiểm tra, báo cáo, những phát hiện và kết luận.
Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Thị Thu Hà, 2016. Chuẩn mực Kế toán công về BCTC: Một số mô hình trên thế giới và kinh nghiệm cho Việt Nam. Tạp chí Công Thương, Số 4+5-Tháng 4/2016, trang 471-474.
2. Nguyễn Thị Thu Hiền, 2015. Hoàn thiện BCTC KVC Việt Nam. Luận án Tiến sĩ, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.
3. Trần Thị Yến và Hoàng Thị Thúy, 2018. Nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng BCTC đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập tại Bình Định. Tạp chí Kế toán & Kiểm toán, Số 1+2/2018 (172+173), trang 55-59.
4. Acharya, V. V., S. C. Myers, and R. G. Rajan, 2011. The internal governance of firms. The Journal of Finance. Vol. 66. No. 3, pp. 689–720.
5. Amaka, C. P., 2012. The Impact of Internal Control System on The Financial Management of an Organization (A Case Study of The Nigeria Bottling Company PLC, Unugu). UNUGU: s.n
6. Bushman, R. M., J. D. Piotroski, and A. J. Smith, 2004. What determines corporate transparency? Journal of Accounting Research. Vol. 42. No. 2, pp. 207–52.
7. Calu. Daniela Artemisa, Pitulice. Ileana Cosmina, Dumitri. Madalin, Gorgan. Catalina, 2008. Emprical Survey Regarding the Presentation of General Purpose Financial Statements of the Public Sector Entities. Administra#ie #i Management Public. Vol. 11. Pp. 105-120.
8. Carlin Tyrone M, 2003. Accrucal Accounting & Financial Reporting in the Public Sector: Reframing the Debate. MGSM worrking papers in management. Macquarie University.
9. Celviana Winidyaningrum & Rahmawati, 2010. Pengaruh Sumberdaya manusia dan pemanfaatan teknologi informasi terhadap keterandalan dan ketepatwaktuan pelaporan keuangan dengan variable intervening pengendalian internal akuntansi. SNA XIII Purwokerko.
10.. Colin. C, 2010. Understanding the needs of users of public sector financial reports: how far we come ? International review of business research. Vol. 6. No. 5, pp. 70-81.
11. Elmaleh, M. S., 2012. Understand accounting. [Online]. Available at http://www.understandaccountingnet.The ReliabilityandAccuracyoffinancialstatement.html. [Accessed 31/07/2018].
12.. Feng, M., C. Li, and S. McVay, 2009. Internal control and management guidance. Journal of Accounting and Economics. Vol. 48. No. 2, pp. 190–209.
13. Hari Setiyawati, 2013. The Effect of Internal accountantsCompetence, Managers Commitment to Organizations and the Implementationof the Internal Control system on the Quality of Financial Reporting. International Journal of Business and Management Invention. Vol. 2. Issue 11, pp. 19-27.
14. INTOSAI, 2004. Guidelines for Internal Control Standards for the Public Sector. Internal Control Standards Committee, Belgian Court of Audit, 71 pages.
15. Ioan-Ovidiu Spatacean, 2012. Addressing Fraud Risk by Testing the Effectiveness of Internal Control over Financial Reporting Case of Romanian Financial Investment Companies. Procedia Economics and Finance. Vol. 3, pp. 230 – 235
16. Ivana Mami# Sa#er & Ana Olui#, 2013. Information Technology and Accounting Information Systems Quality in Croatian Middle and Large Companies. Journal of Information and Organizational Sciences. Vol. 37. No. 2, pp. 117-126.
17. Janet Mack, 2006. Reflections on the Theoretical Underpinnings of the General Purpose Financial Reports of the Australian Government departments. Accounting, Auditing and Accountability Journal. Vol. 19, No. 4, pp. 592-612.
18. Jeffrey T. Doyle, Weili Ge & Sarah E. McVay, 2007. Accruals Quality and Internal Control Over Financial Reporting. The Accounting Review, Vol. 82, pp. 1141-1170.
19. Jennifer Altamuro & Anne Beatty, 2010. How does internal control regulation affect financial reporting? Journal of Accounting and Economics. Vol. 49, pp. 58–74
20. Jensen, M. C., 1993. The modern industrial revolution, exit, and the failure of internal control systems. The Journal of Finance. Vol. 48. No. 3, pp. 831–80.
21. Mohamed A. Elbannan, 2009. Quality of internal control over financial reporting, corporate governance and credit ratings. International Journal of Disclosure and Governance. Vol. 6, pp. 127 – 149
22. Nerissa C.Brown, Christiane Pot & AndreasW#mpener, 2013. The effect of internal control and risk management regulation on earnings quality: Evidence from Germany. Journal of Accounting and Public Policy. Vol. 33, Issue 1, pp. 1-31.
23. Palmer, Kristine N, et al, 2013. International knowledge, skills, and abilities of auditors/accountants: Evidence from recent competency studies. Managerial Auditing Journal. Vol. 19. No. 7, pp. 889-896.
24. Xinghua Gao & Yonghong Jia, 2015. Internal Control over Financial Reporting and the Safeguarding of Corporate Resources: Evidence from the Value of Cash Holdings. Contemporary Accounting Research. Vol. 33. No. 2, pp. 783–814.
25.. Ya-Fang Wang & Yu-Ting Huang, 2013. The Association between Internal Control Situations and Specialist Auditor Choices. International Business Research Archives. Vol.6, No.6, pp. 75-82..