TS. Đặng Lan Anh* – CN. Nguyễn Thị Hồng**
(*Trường Đại học Hồng Đức- **Cục Thuế tỉnh Thanh Hóa).
Nhận: 10/08/2023
Biên tập: 11/08/2023
Duyệt đăng: 25/08/2023
Tóm tắt
Thông qua công tác kiểm soát chống thất thu thuế đối với doanh nghiệp (DN), ngành thuế đã phát hiện, xử lý truy thu thuế hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, vẫn chưa kiểm soát hết được tình trạng khai lỗ thường xuyên, ảnh hưởng đến nguồn thu của Ngân sách Nhà nước (NSNN). Nguyên nhân chính là chưa có được nguồn thông tin dữ liệu phục vụ cho công tác kiểm soát Thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN), công tác nhận diện, đánh giá rủi ro trong kiểm soát thuế chưa được chú trọng, tổ chức bộ máy và nguồn nhân lực chưa đáp ứng được cho yêu cầu, mục đích của công tác kiểm soát thuế TNDN. Các DN xây dựng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đóng góp lớn cho nguồn thu NSNN. Tuy nhiên, do đặc thù ngành nghề, tiềm ẩn nhiều rủi ro trong kiểm soát thu thuế. Nghiên cứu này nhằm đánh giá thực trạng kiểm soát thuế TNDN đối với các DN xây dựng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, tại Cục thuế tỉnh Thanh Hóa. Từ đó, nhóm tác giả đề xuất những giải pháp hoàn thiện kiểm soát thuế TNDN đối với các đơn vị này, nhằm kiểm soát chống thất thu thuế TNDN.
Từ khóa: kiểm soát, thuế thu nhập doanh nghiệp, doanh nghiệp xây dựng, Thanh Hóa.
Abstract
Through efforts to control and prevent tax losses within businesses, the tax departments has identified and processed tax arrears totaling hundreds of billions of Vietnamese dong. However, the issue of incomplete control over the recurring practice of reporting losses persists, negatively affecting the revenue source of the national budget. The primary reasons for this are the absence of a reliable data source to support the task of controlling corporate income tax, insufficient attention to risk identification and assessment in tax management, organizational and human resource structures that fail to meet the requirements and objectives of corporate income tax control. Construction businesses operating in Thanh Hóa province contribute significantly to the national budget revenue, yet due to the industry’s specific nature, there are numerous hidden risks in tax management. This study aims to evaluate the current state of corporate income tax control for construction businesses within the Thanh Hóa province, specifically at the Thanh Hoa Tax Department. As a result, the authors proposes solutions to enhance the control of corporate income tax for these entities in order to combat corporate income tax losses.
Keywords: control, corporate income tax, construction businesses, Thanh Hóa province.
JEL Classifications: M00, M21, M49
- Giới thiệu
Theo chủ trương thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước, những năm qua các DN xây dựng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều bước phát triển. Các DN đăng ký kinh doanh tăng đều đặn qua các năm, nhưng vẫn chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng số các DN trên địa bàn tỉnh. Số lượng DN xây dựng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa qua các năm 2020, 2021, 2022 lần lượt là 1.272, 1.301, 1.362. Trong đó, chủ yếu là các DN vừa và nhỏ, trừ một số DN lớn thuộc khối cổ phần hóa từ DN Nhà nước. Các hoạt động sản xuất kinh doanh được diễn ra ở nhiều nơi do đặc thù của ngành xây dựng nhưng chủ yếu là thi công các công trình ở trong địa phương, trừ một số DN xây dựng lớn mới có các công trình vãng lai ở các tỉnh, thành phố khác. Mặc dù, số lượng chưa nhiều, quy mô còn chưa lớn nhưng các DN xây dựng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa lại đóng góp không nhỏ vào tổng giá trị GRDP cả tỉnh cũng như cho nguồn thu NSNN. Tỷ trọng ngành xây dựng trong tổng GRDP toàn tỉnh Thanh Hóa trong ba năm gần đây trung bình 13%, đồng thời giải quyết công ăn việc làm cho một lượng lớn người lao động. Ngành xây dựng Thanh Hóa đã có bước phát triển nhanh, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng, nhất là trong thời kỳ suy giảm kinh tế.
Bảng 1: Tổng hợp số thuế TNDN của các DN xây dựng do Cục thuế tỉnh Thanh Hóa quản lý giai đoạn 2020 – 2022
Nội dung |
ĐVT |
Năm 2020 |
Năm 2021 |
Năm 2022 |
1. Thuế TNDN của các DN xây dựng |
Tỷ đồng |
924 |
1.412 |
2.085 |
2. Tổng thuế TNDN của các DN |
Tỷ đồng |
5.138 |
7.746 |
11.066 |
3. Tỷ lệ |
% |
17,98 |
18,23 |
18,84 |
(Nguồn: Cục thuế tỉnh Thanh Hóa)
Nhìn chung, các DN xây dựng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có tình hình phát triển ổn định, có tốc độ phát triển khá. Nhờ đó, đã đóng góp không nhỏ vào sự tăng trưởng kinh tế, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động và tăng thu cho NSNN. Tuy nhiên, hiện nay do khó khăn chung của cả nền kinh tế, ngành xây dựng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhiều DN phải phá sản hoặc sát nhập. Các DN xây dựng thiếu vốn nghiêm trọng cho sản xuất và đầu tư phát triển, lãi suất cho vay tuy đã giảm nhưng vẫn còn ở mức cao khiến nhiều DN chưa tiếp cận được vốn vay, gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm việc làm mới cũng như trong thực hiện các công trình dở dang, công nợ tại các công trình rất lớn. Trước những khó khăn này, cần có những biện pháp cụ thể để giúp các DN xây dựng đứng lên và tiếp tục sản xuất kinh doanh. Đồng thời, phải tăng cường kiểm tra giám sát để hạn chế các hành vi gian lận, trốn thuế, làm thất thu NSNN.
- Thực trạng kiểm soát thuế thu nhập DN đối với DN xây dựng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa
2.1. Thực trạng kiểm soát ở khâu đăng ký thuế
Mục tiêu kiểm soát
Mục tiêu kiểm soát ở khâu đăng ký thuế của Cục thuế tỉnh Thanh Hóa là nhằm đảm bảo quản lý đúng và đầy đủ các thông tin của DN xây dựng, đồng thời nắm bắt và phản ánh chính xác trạng thái hoạt động của các các DN này để thực hiện đúng các thủ tục đăng ký trong trường hợp DN xây dựng mới thành lập, thay đổi thông tin đăng ký, chấm dứt hiệu lực mã số thuế (MST), khôi phục trạng thái MST, đăng ký và khôi phục tạm nghỉ kinh doanh. Kiểm soát đăng ký thuế nhằm ngăn ngừa các rủi ro có thể xảy ra liên quan đến các khâu như kê khai và nộp thuế, kiểm tra thuế, kiếm soát nợ và cưỡng chế nợ thuế từ đó có biện pháp quản lý thuế TNDN một cách phù hợp và hiệu quả.
Nội dung và kết quả kiểm soát
Tại Cục thuế tỉnh Thanh Hóa, việc kiểm soát thuế TNDN ở khâu đăng ký thuế đối với DN xây dựng được thực hiện theo Quyết định số 329/QĐ-TCT ngày 27/3/2014 đối với công tác đăng ký mới MST, thay đổi thông tin đăng ký thuế, chấm dứt và khôi phục MST. Bằng cơ chế phối hợp trao đổi thông tin đăng ký DN xây dựng giữa Cục thuế tỉnh Thanh Hóa và Sở Kế hoạch đầu tư tỉnh Thanh Hóa, kiểm soát hồ sơ đăng ký và cấp MST của DN xây dựng cơ bản đã đảm bảo đúng quy trình.
Trong giai đoạn 2020 – 2022 phần lớn các DN xây dựng khi nộp hồ sơ đăng ký đều được cấp MST (tỷ lệ đạt từ 99,84% đến 100%), chỉ có năm 2020 có 2 hồ sơ bị từ chối do Sở Kế hoạch và Đầu tư từ chối cấp MST.
Số DN xây dựng thay đổi thông tin đăng ký có xu hướng giảm trong giai đoạn 2020 – 2022. Năm 2020 theo báo cáo của Cục thuế tỉnh Thanh Hóa có 18 DN xây dựng thay đổi thông tin, đến năm 2021 số DN này là 16 DN (giảm 2 DN, tương ứng với tỷ lệ 11,11%), năm 2022 có 15 DN (giảm 1 DN, tương ứng với tỷ lệ 6,25%). Các DN xây dựng thay đổi thông tin đăng ký thuế chủ yếu là thay đổi địa điểm kinh doanh theo đăng ký ban đầu
Trong giai đoạn 2020 – 2022 số DN xây dựng chấm dứt hiệu lực MST và số DN xây dựng tạm ngừng kinh doanh nhiều hơn so với những năm trước đây. Về các DN chấm dứt hiệu lực MST, năm 2020 có 109 DN xây dựng, đến năm 2021 có 121 DN (tăng 12 DN, tương ứng với tỷ lệ 11,01%), năm 2022 số DN này giảm xuống còn 88 DN (giảm 33 DN, tương ứng với tỷ lệ 27,27%). Về các DN xây dựng tạm ngừng kinh doanh, năm 2020 có 182 DN, năm 2021 có 166 DN (giảm 16 DN, tương ứng với tỷ lệ 8,79%), năm 2022 số lượng các DN này chỉ còn 92 DN (giảm 74 DN, tương ứng với tỷ lệ 44,58%). Nguyên nhân các DN xây dựng chấm dứt hoạt động và tạm ngừng kinh doanh chủ yếu là do hậu quả của Đại dịch Covid 19 thời gian qua đã tác động lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN. Với quy mô chủ yếu là các DN nhỏ và vừa, yếu tố tài chính và nguồn nhân lực còn rất nhiều hạn chế. Khi có sự biến động lớn của thị trường, nguồn lực tài chính thiếu, DN xây dựng gặp khó khăn về vốn, đồng thời không thu hồi được tiền từ khách hàng. Bên cạnh yếu tố tài chính thì năng lực quản lý, điều hành của nhà quản trị các DN này, nhất là các DN nhỏ mới thành lập còn hạn chế, thiếu hiểu biết về pháp luật, thiếu kinh nghiệm ứng phó với rủi ro khiến cho nhiều DN xây dựng phải đóng cửa hoặc tạm ngừng thời gian dài. Sự ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh khiến cho các DN nói chung và các DN xây dựng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa gặp vô vàn khó khăn, nhất là trong hai năm 2020 và 2021. Chính vì vậy, số DN xây dựng khôi phục kinh doanh cũng không nhiều, năm 2020 không có DN nào phục hồi, năm 2021 có 12 DN, đến năm 2022 sau khi nền kinh tế có dấu hiệu ổn định trở lại cùng sự hỗ trợ của một số chính sách của Chính phủ, các văn bản hỗ trợ của UBND tỉnh Thanh Hóa đã giúp các DN xây dựng quay trở lại hoạt động với số lượng là 19 DN xây dựng (tăng 7 DN, tương ứng với tỷ lệ 58,33% so với năm 2021).
2.2. Thực trạng kiểm soát ở khâu kê khai và nộp thuế
Mục tiêu kiểm soát
Mục tiêu kiếm soát ở khâu này nhằm đảm bảo các DN xây dựng thực hiện đầy đủ và đúng các quy định về việc kê khai và nộp thuế, giúp nhận diện các rủi ro và có biện pháp phòng ngừa để đảm bảo các DN thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với NSNN, hạn chế tình trạng sai sót trong kê khai và nộp thuế.
Nội dung và kết quả kiểm soát
Để kiểm soát kê khai và nộp thuế, Cục thuế tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các Chi cục thuế trực thuộc thực hiện các hoạt động kiểm soát gắn liền với quy trình quản lý khai thuế, nộp thuế và kế toán thuế của Tổng Cục Thuế. Nhìn chung, trong giai đoạn 2020 – 2022, Phòng KK&KKT của Cục thuế tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo hoạt động của bộ phận KK&KKT tại các Chi cục trực thuộc và thực hiện rà soát các thông tin về nghĩa vụ nộp tờ khai của các DN trong đó có DN xây dựng đảm bảo bổ sung, cập nhật thông tin tương đối đầy đủ và kịp thời. Tỷ lệ thực hiện nghĩa vụ khai thuế của các DN xây dựng do Cục thuế tỉnh Thanh Hóa quản lý trong giai đoạn 2020 – 2022 đều đạt 100%. Trong đó, tỷ lệ hồ sơ khai thuế TNDN của các DN xây dựng đúng hạn cũng có xu hướng tăng lên. Cụ thể năm 2020, có 1.248 DN, đạt tỷ lệ 98,11%. Đến năm 2021 có 1.280 DN xây dựng nộp đúng hạn, đạt tỷ lệ 98,39% và năm 2022 có 1.344 DN xây dựng nộp đúng hạn, đạt tỷ lệ 98,68%. Điều này đồng nghĩa với tỷ lệ hồ sơ khai thuế TNDN của các DN xây dựng nộp chậm cũng giảm đi trong giai đoạn 2020 – 2022. Cụ thể, năm 2020 tỷ lệ này là 1,89%, đến năm 2021 giảm còn 1,61% và đến năm 2022 chỉ còn 1,32%. Kết quả này cho thấy sự nỗ lực của các Chi cục thuế trực thuộc và sự chỉ đạo sát sao, có kiểm soát chặt chẽ của Cục thuế tỉnh Thanh Hóa đối với công tác kê khai thuế của các DN nói chung và các DN xây dựng nói riêng.
Sau khi kiểm soát hồ sơ đăng ký và kê khai thuế thì kiểm soát khâu nộp thuế đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ thu NSNN của Cục thuế tỉnh Thanh Hóa. Đối với công tác thực hiện nộp thuế điện tử, năm 2020 số DN xây dựng nộp thuế điện tử là 1.222 DN (đạt tỷ lệ 96,07%), năm 2021 số DN nộp thuế điện tử là 1.265 DN (đạt tỷ lệ 97,23%), năm 2022 số DN nộp thuế điện tử tăng lên là 1.326 DN (đạt tỷ lệ 97,36%). Năm 2020, các DN xây dựng nộp 924 tỷ đồng, trong đó có 473 tỷ đồng nộp đúng hạn theo quy đinh (chiếm tỷ lệ 51,19%), số thuế chậm nộp là 451 tỷ đồng chậm nộp (chiếm tỷ lệ 48,81%). Do năm 2020, các DN nói chung và các DN xây dựng nói riêng gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của Đại dịch Covid 19 do đó tỷ lệ số thuế nộp chậm khá lớn. Đến năm 2021, trong tổng số thuế TNDN đã nộp, các DN xây dựng nộp đúng hạn số tiền là 914 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 64,73%), số thuế chậm nộp là 498 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 35,27%). Năm 2022, kinh tế phục hồi trở lại các DN xây dựng cũng đã dần ổn định trở lại, do đó số thuế TNDN mà các DN xây dựng đã nộp đúng hạn là 1.405 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 67,39%), số thuế chậm nộp là 680 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 32,61%).
2.3. Thực trạng kiểm soát ở khâu kiểm tra, thanh tra thuế
Mục tiêu kiểm soát
Mục tiêu kiểm soát ở khâu kiểm tra, thanh tra thuế của Cục thuế tỉnh Thanh Hóa là nhằm phát hiện những rủi ro về đối tượng nộp thuế đồng thời ngăn chặn và xử lý kịp thời những hành vi vi phạm về thuế nhằm đảm bảo thực hiện đúng quy định và nâng cao ý thức của người nộp thuế (NNT) về nghĩa vụ đối với NSNN.
Nội dung và kết quả kiểm soát
Tại Cục thuế tỉnh Thanh Hóa, quy trình kiểm tra thuế được thực hiện theo hướng dẫn tại Quyết định số 746/QĐ-TCT ngày 20/4/2015. Thông qua việc chỉ đạo, giám sát chặt chẽ của Cục thuế tỉnh Thanh Hóa từ khâu lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra và thực hiện của các tổ kiểm tra, từ đó phát hiện được các hồ sơ khai thuế cần phải điều chỉnh, tính toán điều chỉnh tăng số thuế mà các DN phải nộp, giảm khẩu trừ thuế và giảm lỗ. Số hồ sơ khai thuế của các DN xây dựng thực hiện kiểm tra tại trụ sở của Cơ quan thuế có xu hướng tăng. Nguyên nhân là DN xây dựng nằm trong nhóm các DN có nhiều rủi ro cần thường xuyên giám sát và kiểm tra.
Năm 2020, Cục thuế tỉnh Thanh Hóa kiểm tra 590 hồ sơ trong đó có 188 hồ sơ phải điều chỉnh, chiếm tỷ lệ 31,86% số DN kiểm tra. Kết quả điều chỉnh tăng thuế phải nộp là 4.018 triệu đồng, giảm khấu trừ 2.835 triệu đồng và giảm lỗ 3.190 triệu đồng.
Năm 2021, số hồ sơ thực hiện kiểm tra tại Cục thuế tỉnh Thanh Hóa là 601 hồ sơ (tăng 11 hồ sơ, tương ứng với tỷ lệ 1,83%) trong đó có 207 hồ sơ phải điều chỉnh, chiếm tỷ lệ 34,44% số DN kiểm tra. Kết quả điều chỉnh tăng thuế phải nộp là 5.745 triệu đồng, giảm khấu trừ là 3.038 triệu đồng và giảm lỗ 5.542 triệu đồng.
Năm 2022, số hồ sơ thực hiện kiểm tra tại Cục thuế tỉnh Thanh Hóa là 762 hồ sơ (tăng 161 hồ sơ, tương ứng với tỷ lệ 21,13%) trong đó có 262 hồ sơ phải điều chỉnh, chiếm tỷ lệ 34,38% số DN kiểm tra. Kết quả điểu chỉnh tăng thuế phải nộp là 6.518 triệu đồng, giảm khấu trừ là 2.019 triệu đồng và giảm lỗ 4.748 triệu đồng.
Kết quả kiểm soát cho thấy, mặc dù Cục thuế tỉnh Thanh Hóa đã tuyên truyền, hướng dẫn người nộp thuế đồng thời kiểm tra, giám sát hoạt động kê khai của người nộp thuế nhưng nhiều DN xây dựng vẫn chưa tự giác tính đúng, tính đủ số thuế phải nộp, thường xuyên thực hiện các hành vi gian lận để báo lỗ. Chính vì vậy, cơ quan thuế thường xuyên điều chỉnh tăng số thuế phải nộp.
2.4. Thực trạng kiểm soát nợ thuế và cưỡng chế nợ thuế
Mục tiêu kiểm soát
Kiểm soát nợ thuế và cưỡng chế thuế của các DN xây dựng tại Cục thuế tỉnh Thanh Hóa, nhằm đảm bảo thu hồi các khoản nợ về thuế để thực hiện nguyên tắc thu đúng, thu đủ, đảm bảo thời hạn và tính tuân thủ pháp luật.
Nội dung và kết quả kiểm soát
Kiểm soát nợ và cưỡng chế thuế được thực hiện từ Tổng cục thuế đến Cục thuế cấp tỉnh và đến các Chi cục thuế trực thuộc. Số quyết định cưỡng chế nợ thuế đối với DN xây dựng có xu hướng tăng trong giai đoạn 2020 – 2022. Năm 2020, Cục thuế tỉnh Thanh Hóa đã ban hành 202 quyết định cưỡng chế thuế đối với DN xây dựng. Trong đó, trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản: 133 quyết định; Thông báo ngừng sử dụng hóa đơn: 58 quyết định; Thu hồi giấy phép, giấy đăng ký kinh doanh: 11 quyết định. Năm 2021, Cục thuế tỉnh Thanh Hóa đã ban hành 316 quyết định cưỡng chế thuế đối với DN xây dựng, trong đó, Trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản: 243 quyết định; Thông báo ngừng sử dụng hóa đơn: 59 quyết định; Thu hồi giấy phép, giấy đăng ký kinh doanh: 14 quyết định. Sang năm 2022, Cục thuế tỉnh Thanh Hóa đã ban hành 345 quyết định cưỡng chế thuế đối với DN xây dựng, trong đó, Trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản: 255 quyết định; Thông báo ngừng sử dụng hóa đơn: 66 quyết định; Thu hồi giấy phép, giấy đăng ký kinh doanh: 21 quyết định; Kê biên tài sản: 3 quyết định. Như vậy, trong giai đoạn 2020 – 2022, Cục thuế tỉnh Thanh Hóa đã nỗ lực tăng cường hoạt động cưỡng chế nợ thuế, nhằm đạt mục tiêu thu hồi nợ và hạn chế nợ thuế theo chỉ tiêu Tổng cục thuế giao cho.
- Đánh giá thực trạng kiểm soát thuế thu nhập DN đối với DN xây dựng do Cục thuế tỉnh Thanh Hóa quản lý
3.1. Những kết quả đạt được
Kiểm soát thuế thu nhập DN đối với DN nói chung và DN xây dựng nói riêng là nhiệm vụ quan trọng, được Cục thuế tỉnh Thanh Hóa quan tâm và chỉ đạo các Chi cục thuế trực thuộc thực hiện nghiêm túc chặt chẽ và đạt hiệu quả năm sau cao hơn năm trước. Kết quả cụ thể đối với từng khâu như sau:
Kiểm soát ở khâu đăng ký thuế
Bằng cơ chế phối hợp trao đổi thông tin đăng ký DN xây dựng giữa Cục thuế tỉnh Thanh Hóa và Sở Kế hoạch đầu tư tỉnh Thanh Hóa đạt tỷ lệ hồ sơ đăng ký thuế 100% và tỷ lệ hồ sơ được cấp mã số thuế rất cao từ 99,84% đến 100%. Bên cạnh đó, Cục thuế tỉnh Thanh Hóa cũng chỉ đạo các Chi cục thuế trực thuộc và các phòng ban chuyên môn thường xuyên cập nhật và theo dõi chặt chẽ những thay đổi về thông tin và mã số thuế của DN xây dựng đã đăng ký, từ đó xác định chính xác số thuế thu nhập DN mà các DN xây dựng phải nộp.
Đối với kiểm soát ở khâu kê khai thuế và nộp thuế
Tỷ lệ thực hiện nghĩa vụ khai thuế của các DN xây dựng do Cục thuế tỉnh Thanh Hóa quản lý trong giai đoạn 2020 – 2022 đều đạt 100%.
Tỷ lệ hồ sơ khai thuế TNDN của các DN xây dựng đúng hạn từ 98% trở lên và có xu hướng tăng lên trong giai đoạn 2020 – 2022.
Công tác thực hiện kê khai thuế qua mạng được quan tâm và chỉ đạo sát sao, tỷ lệ hồ sơ khai thuế qua mạng của các DN xây dựng đạt từ 99,21% đến 99,41%, đảm bảo chỉ tiêu do Tổng cục thuế đặt ra.
Quy trình kiểm soát nộp thuế được xây dựng tuần tự và chặt chẽ, trong bối cảnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế, Cục thuế tỉnh Thanh Hóa đã nỗ lực và kiểm soát tình hình nộp thuế điện tử, kết quả tỷ lệ số DN xây dựng nộp thuế điện tử đạt từ 96,07% đến 97,36%, đảm bảo chỉ tiêu do Tổng cục thuế giao cho.
Kiểm soát ở khâu thanh tra, kiểm tra thuế
Cục thuế tỉnh Thanh Hóa đã chú trọng đến công tác thanh tra, kiểm tra thuế đối với NNT nói chung và đối với DN xây dựng nói riêng.
– Đối với kiểm tra hồ sơ thuế tại cơ quan thuế: 100% quá trình kiểm tra hồ sơ được lãnh đạo Cục thuế giám sát. Qua quá trình thành lập các tổ kiểm tra đã phát hiện ra nhiều hồ sơ cần phải điều chỉnh, góp phần tăng nguồn thu cho NSNN.
– Đối với việc thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra: Nhìn chung đã đảm bảo kế hoạch đặt ra.
– Đối với việc phát hiện sai phạm khi kiểm tra tại trụ sở DN: Qua thanh tra, kiểm tra Cục thuế Thanh Hóa đã phát hiện ra các sai phạm của DN xây dựng và đã truy thu cũng như phạt vi phạm hành chính đối với DN này, tạo nguồn thu cho NSNN.
Kiểm soát nợ thuế và cưỡng chế nợ thuế
Trong giai đoạn 2020 – 2022, công tác kiểm soát nợ thuế và cưỡng chế nợ thuế đã được chú trọng và quan tâm. Theo đó, các chỉ tiêu thu nợ thuế được giao đến từng công chức thuế. Cục thuế tỉnh Thanh Hóa cũng chỉ đạo và đôn đốc các Chi cục thuế trực thuộc và các phòng ban chuyên môn để thực hiện đúng các nhiệm vụ được giao. Kết quả cho thấy, số nợ thuế đã giảm bao gồm cả nợ khó thu, nợ có khả năng thu, nợ đang xử lý.
Cục thuế tỉnh Thanh Hóa cũng đã áp dụng nhiều biện pháp cưỡng chế nợ thuế, ngoài các biện pháp như trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản, thông báo ngừng sử dụng hóa đơn thì các biện pháp mạnh hơn như thu hồi giấy phép, giấy đăng ký kinh doanh, kê biên tài sản cũng bước đầu được triển khai thực hiện.
3.2. Những hạn chế, tồn tại
Bên cạnh những kết quả đạt được thì kiểm soát thuế thu nhập DN đối với DN xây dựng cũng còn một số hạn chế, tồn tại cần phải khắc phục, cụ thể như sau:
Kiểm soát ở khâu kê khai và nộp thuế
Mặc dù, bộ phận KK&KKT và bộ phận tin học của Cục thuế tỉnh Thanh Hóa đã nỗ lực trong việc tiếp nhận và xử lý hồ sơ khai thuế nhưng vẫn còn tình trạng hồ sơ khai thuế bị lỗi số học, lỗi mã vạch và hồ sơ khai thuế cần bổ sung thông tin, ảnh hưởng đến kiểm soát thuế ở các khâu tiếp theo. Mặc dù, số thuế TNDN nộp đúng hạn có xu hướng tăng cả về số tiền và tỷ trọng, tuy nhiên số thuế thu nhập mà các DN xây dựng nộp chậm vẫn còn nhiều, tỷ lệ đến năm 2022 vẫn còn 32,61%.
Kiểm soát ở khâu thanh tra, kiểm tra thuế
Qua quá trình kiểm tra hồ sơ thuế phát hiện ra nhiều hồ sơ cần phải điều chỉnh, số lượng hồ sơ số tiền điều chỉnh tăng thuế có xu hướng tăng.
Đối với xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra: hiện nay, việc xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra chủ yếu bằng phần mềm phân tích rủi ro TPR thường phân tích dữ liệu của năm tài chính trước đó dẫn đến chưa sát với sự biến động tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của DN xây dựng tại thời điểm kiểm tra.
Đối với việc phát hiện và xử lý sai phạm của DN xây dựng: số DN sai phạm tăng lên, các sai phạm vẫn thường xuyên xảy ra và mức độ tăng lên, số tiền truy thu thuế và xử lý vi phạm cũng tăng trong giai đoạn 2020 – 2023. Điều này cho thấy, kiểm soát quá trình thanh tra, kiểm tra chưa đạt hiệu quả cao trong việc răn đe đối với các DN vi phạm. Tính tuân phủ pháp luật của các DN vẫn chưa được nâng lên.
Bên cạnh đó, việc thực hiện các nghiệp vụ chuyên môn trong thanh tra, kiểm tra còn hạn chế đối với kiểm tra chi phí xây lắp. Cơ chế phối hợp với các bên liên quan chưa chặt chẽ, đôi khi bị bỏ qua. Việc hướng dẫn điều chỉnh theo kết luận của thanh tra, kiểm tra còn hạn chế.
Kiểm soát nợ thuế và cưỡng chế nợ thuế
Mặc dù, sử dụng nhiều biện pháp cưỡng chế và thu hồi nợ thuế nhưng tỷ lệ giảm nợ thuế chưa cao. Việc thực hiện cơ chế phối hợp với các cơ quan ban ngành đã được thực hiện nhưng chưa thường xuyên và hiệu quả.
- Giải pháp hoàn thiện kiểm soát thuế thu nhập DN đối với các DN xây dựng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa
4.1. Hoàn thiện kiểm soát ở khâu kê khai và nộp thuế
Tập trung rà soát thông tin các DN xây dựng trên ứng dụng, kịp thời đôn đốc các DN này bổ sung thông tin thay đổi, gửi cơ quan thuế để cập nhật thông tin phục vụ cho công tác kiểm soát thuế. Chủ động và thường xuyên rà soát tất cả các DN xây dựng tạm ngừng hoạt động, không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, ngừng hoạt động nhưng chưa hoàn thành chấm dứt hiệu lực MST. Sau đó, trở lại sản xuất kinh doanh, các DN xây dựng chuyển địa điểm kinh doanh làm thay đổi cơ quan thuế quản lý để thông báo cho bộ phận thanh tra – kiểm tra thực hiện kiểm tra, giám sát chặt chẽ tất cả hồ sơ khai thuế của các đơn vị này nhằm giảm thiểu rủi ro trong kiểm soát thuế TNDN.
Tăng cường kiểm soát việc cập nhật thông tin: “Thông báo NNT không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký” hay “Thông báo NNT chấm dứt hiệu lực mã số thuế” kịp thời vào ứng dụng TMS theo quy định. Thông báo trường hợp cập nhật chậm thời gian quy định, để chấn chỉnh kịp thời.
Quản lý, triển khai, vận hành, khai thác sử dụng hạ tầng hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) hoạt động ổn định, an toàn, hiệu quả; bảo hành, bảo trì, thanh lý thiết bị CNTT đảm bảo đầy đủ, chặt chẽ, đúng đối tượng theo đúng các quy định của Ngành Thuế. Nâng cao hiệu quả của ứng dụng CNTT trong việc khắc phục hồ sơ bị lỗi mã vạch.
Tiếp tục triển khai thực hiện hóa đơn điện tử trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, tập trung vào công tác hỗ trợ, xử lý vướng mắc cho NNT, trong đó có các DN xây dựng. Tăng cường quản lý rủi ro về hóa đơn, đẩy mạnh công tác khai thác dữ liệu về hóa đơn điện tử, phát huy tác dụng của cơ sở dữ liệu (CSDL) lớn hóa đơn điện tử để kiểm soát thuế TNDN phải nộp.
Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong mọi hoạt động của Ngành Thuế Thanh Hóa, trong đó có khâu kê khai và nộp thuế, mục tiêu đến năm 2025 thì 100% các DN xây dựng do Cục thuế quản lý đều kê khai và nộp thuế điện tử. Từ đó, tạo điều kiện cho hoạt động kiểm soát được dễ dàng hơn.
Thường xuyên gọi điện trao đổi, nhắc nhở các DN xây dựng nộp thuế đúng hạn. Các Chi Cục thuế trực thuộc cần giao nhiệm vụ cho từng cán bộ, theo dõi đôn đốc từng DN và lập kế hoạch đôn đốc thu nộp hàng tuần, hàng tháng.
4.2. Hoàn thiện kiểm soát ở khâu thanh tra, kiểm tra thuế
Để nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, cần tập trung chỉ đạo và giám sát hoạt động kiểm tra. Đảm bảo quy trình kiểm tra phải được thực hiện một cách đầy đủ, chính xác, từ khâu lập kế hoạch, thực hiện và đôn đốc xử lý thu hồi nợ thuế, không bỏ qua bất cứ bước công việc nào trong quy trình kiểm tra. Nắm bắt kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình kiểm tra, khắc phục kịp thời những tồn tại hạn chế trong thực hiện quy trình kiểm tra. Đặc biệt, lãnh đạo các bộ phận kiểm tra ở cấp Cục, Chi cục phải quan tâm chỉ đạo các đoàn khi thực hiện kiểm tra tại trụ sở các DN xây dựng, phải làm rõ mối liên hệ giữa hồ sơ phân tích rủi ro trong lựa chọn đối tượng được kiểm tra với thực tế khai, nộp thuế của DN xây dựng được phản ánh trên hồ sơ khai thuế, sổ sách, chứng từ kế toán nhằm xác định đúng trọng tâm nội dung cần tập trung kiểm tra, tìm bằng chứng để xác định chính xác hành vi vi phạm để xử lý theo quy định và hạn chế tối đa việc bỏ sót các hành vi vi phạm.
Cục thuế tỉnh Thanh Hóa cần xây dựng và cung cấp dữ liệu về tỷ lệ lợi nhuận bình quân ngành ở lĩnh vực xây dựng. Dữ liệu này, làm cơ sở để xây dựng cơ sở dữ liệu chuẩn của ngành xây dựng, được tập hợp từ các số liệu trên báo cáo hoạt động kinh doanh (quý, năm) và báo cáo tài chính (quý, năm) do các DN xây dựng nộp cho Cục thuế tỉnh Thanh Hóa (thông qua tờ khai mã vạch hoặc khai thuế điện tử) được tự động lưu trữ về ứng dụng TMS của cơ quan thuế (CQT). Căn cứ vào các dữ liệu chuẩn này để xác định, NNT có các chỉ tiêu vượt quá mức bình thường hoặc biến động có thể chấp nhận được và giúp cho cán bộ kiểm tra phân đoạn được khả năng kê khai giấu doanh thu, giấu lợi nhuận, từ đó chỉ ra những dấu hiệu bất thường.
Xây dựng “Sổ tay nghiệp vụ kiểm tra” nhằm hướng dẫn quy trình cụ thể thực hiện trong một cuộc kiểm tra, minh họa các tình huống thực tế tại các DN xây dựng, từ đó hỗ trợ cán bộ thuế còn trẻ, thiếu kinh nghiệm.
Nâng cao năng lực cho công tác thanh tra kiểm tra, đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn, trao đổi nghiệp vụ thanh tra, nâng cao năng lực và kỹ năng cho công chức làm công tác thanh tra trong việc phát hiện phương thức, hành vi gian lận mới đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao; tổ chức tập hợp và phố biến các hành vi vi phạm của người nộp thuế phát hiện qua công tác thanh tra, kiểm tra. Tổ chức trao đổi, đúc rút kinh nghiệm giữa các phòng, các đoàn thanh tra đối với những hành vi vi phạm mới, tinh vi, phức tạp.
Cán bộ thuế cần hỗ trợ các DN xây dựng sau quá trình kiểm tra bổ sung, sửa chữa các hồ sơ sai sót nếu cần thiết. Đồng thời, giám sát việc thực hiện của các DN xây dựng để quá trình thanh tra, kiểm tra đạt hiệu quả cao.
4.3. Hoàn thiện kiểm soát nợ thuế và cưỡng chế nợ thuế
Tiếp tục công tác đôn đốc và cưỡng chế nợ thuế để thu tiền thuế nợ có khả năng thu, đối với các DN xây dựng có tiền thuế nợ trên 90 ngày, DN xây dựng đã có cam kết nộp tiền nợ thuế vào NSNN, DN xây dựng đã hết thời gian gia hạn nhưng DN xây dựng không thực hiện thì phải thực hiện ngay các biện pháp cưỡng chế nợ thuế theo quy định của Luật Quản lý Thuế.
Tiếp tục công khai thông tin người nợ thuế qua Website Cục Thuế; thực hiện công khai thông tin các đơn vị nợ thuế lớn trên các Báo Thanh Hóa, Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh, để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật Thuế;
Thực hiện tốt công tác tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố, các Sở, Ngành phối hợp với cơ quan thuế trong việc đôn đốc, hỗ trợ thu hồi nợ thuế đạt hiệu quả.
4.4. Đổi mới công tác tuyên truyền hỗ trợ các DN xây dựng trong kê khai và nộp thuế
Chỉ đạo các Chi cục thuế trực thuộc cập nhật thường xuyên, liên tục và phổ biến rộng rãi các chính sách thuế mới và các văn bản hướng dẫn tới NNT trong đó có các DN nắm vững chính sách, quy trình, thủ tục để chủ động thực hiện tự khai, tự tính, tự nộp thuế, giảm dần những sai phạm mà NNT thường mắc phải.
Phối hợp chặt chẽ với Đài phát thanh và Truyền hình Thanh Hoá, Báo Thanh Hóa điện tử thực hiện chuyên mục: “Chính sách thuế với cuộc sống”, tổ chức thực hiện tốt Quy chế phối hợp với VCCI – Chi nhánh Thanh Hóa, Hiệp hội DN tỉnh, để tuyên truyền chính sách thuế, tổ chức các đợt tuyên truyền theo chủ đề, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền và hỗ trợ NNT.
Xây dựng phương án khảo sát, thu thập ý kiến của DN, NNT về công tác kiểm soát thuế của Cục Thuế tỉnh Thanh Hóa, tạo mối quan hệ gần gũi, thường xuyên giữa cơ quan Thuế và NNT.
Tuyên truyền kết hợp với tuyên dương, khen thưởng, khích lệ các DN xây dựng thực hiện nghĩa vụ thuế tốt. Xây dựng chính sách động viên, khen thưởng kịp thời đối với DN, người nộp thuế thực hiện tốt chính sách và pháp luật thuế.
4.5. Nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ kiểm soát thuế thu nhập DN
Trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ kiểm soát thuế TNDN có ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả kiểm soát. Theo đó, cán bộ tại Cục Thuế tỉnh Thanh Hóa cần phải có đầy đủ năng lực, trình độ và phẩm chất. Như vậy, trong thời gian tới, Cục Thuế tỉnh Thanh Hóa cần chú trọng hơn nữa đến công tác cán bộ, tập trung bồi dưỡng năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ trẻ, là đội ngũ chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số cán bộ công chức thuế hiện nay.
Một số giải pháp cần triển khai trong thời gian tới, đó là:
– Xây dựng và thực hiện kế hoạch luân chuyển, điều động đối với công chức đến thời hạn theo quy định của Tổng cục Thuế về quy định danh mục vị trí công tác và thời hạn luân phiên, điều động, chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức của Bộ Tài chính. Cần có đánh giá chính xác năng lực chuyên môn của cán bộ để bố trí công việc cho phù hợp.
– Triển khai và thực hiện công tác tuyển dụng, phân công công tác, nâng bậc lương theo đúng quy định. Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị,… đảm bảo tiêu chuẩn ngạch công chức, đồng thời nâng cao trình độ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
– Nâng cao chất lượng tập huấn, trao đổi rút kinh nghiệm nhất là trong việc phát hiện ra các hiện tượng gian lân trong kê khai thuế đối với nhóm các DN đặc thù trong đó có DN xây dựng.
– Chú trọng đến đào tạo, nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học cho cán bộ thuế để có thể đáp ứng yêu cầu công việc trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Từ đó, có thể kiểm soát các đối tượng là các DN có vốn đầu tư nước ngoài và có thể kiểm soát chặt chẽ các đối tượng nộp thuế thông qua phần mềm quản lý thuế một cách nhanh chóng.
– Thường xuyên kiểm tra, khảo sát khả năng sử dụng các phần mềm, ứng dụng CNTT của cán bộ thuế. Từ đó, lập kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng về nghiệp vụ, sử dụng phần mềm ứng dụng cho cán bộ công chức thuế. Nếu cán bộ không đủ trình độ sẽ dễ xảy ra sai sót, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới kết quả theo dõi chung của đơn vị. Vì tất cả các chức năng quản lý thuế bao gồm: Đăng ký thuế – Kê khai thuế – Nộp thuế – Kiểm tra thuế – Quản lý nợ thuế đều tích hợp chung trên ứng dụng Quản lý Thuế tập trung (TMS). Do đó, việc sai sót ở một khâu dữ liệu sẽ kéo theo việc sai sót ở các khâu kế tiếp. Vì vậy, cần chú ý nâng cao trình độ sử dụng ứng dụng tin học cho cán bộ thuế.
Tài liệu tham khảo
Cục thuế tỉnh Thanh Hóa (2020, 2021, 2022), Báo cáo tổng kết nhiệm vụ công tác thuế, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện công tác thuế các năm 2021, 2022, 2023, Thanh Hoá.
Quốc hội (2008), Luật Thuế TNDN số 14/2008/QH12, Hà Nội.
Quốc Hội (2019), Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH/QH14, Hà Nội.
Tổng cục Thuế (2015), Quyết định số 751/QĐ-TCT ngày 20/4/2015 của Tổng cục Thuế về việc ban hành quy trình cưỡng chế nợ thuế, Hà Nội.
Tổng cục Thuế (2015), Quyết định số 746/QĐ-TCT ngày 20/4/2015 của Tổng cục Thuế về việc ban hành quy trình kiểm tra thuế, Hà Nội.
Tổng cục Thuế (2015), Quyết định số 879/QĐ-TCT ngày 15/5/2015 của Tổng cục Thuế về việc ban hành quy trình quản lý kê khai, nộp thuế và kế toán thuế, Hà Nội.
Tổng cục Thuế (2015), Quyết định số 1401/QĐ-TCT ngày 28/7/2015 của Tổng cục Thuế về việc ban hành quy trình quản lý nợ thuế, Hà Nội.
Tổng cục Thuế (2015), Quyết định số 1404/QĐ-TCT ngày 28/7/2015 của Tổng cục Thuế về việc ban hành quy trình thanh tra thuế, Hà Nội.
Tổng cục Thuế (2020), Quyết định 1215/QĐ-TCT ngày 03/9/2020 về việc sửa đổi bổ sung quy trình kiểm tra thuế, Hà Nội.
Tổng cục Thuế (2020), Quyết định số 1215/QĐ-TCT ngày 03/9/2020 của Tổng cục Thuế về việc sửa đổi, bổ sung quy trình kiểm tra thuế, Hà Nội.
Tổng cục Thuế (2022), Quyết định số 1129/QĐ-TCT ngày 20/7/2022 của Tổng cục Thuế về việc ban hành quy trình quản lý nợ thuế, Hà Nội.