Hoạt động hội

Kế toán Việt Nam – Thành công và những kiến nghị ( Báo cáo của Chủ tịch Hiệp hội trong buổi làm việc với Phó Thủ tướng Chính phủ – Lê Minh Khái tại Văn phòng Thủ tướng Chính phủ, ngày 12/10/2022)

Tiêu đề Kế toán Việt Nam – Thành công và những kiến nghị ( Báo cáo của Chủ tịch Hiệp hội trong buổi làm việc với Phó Thủ tướng Chính phủ – Lê Minh Khái tại Văn phòng Thủ tướng Chính phủ, ngày 12/10/2022) Ngày đăng 2022-11-10
Tác giả Admin Lượt xem 853

   Báo cáo của Chủ tịch Hiệp hội

 trong buổi làm việc với Phó Thủ tướng Chính phủ Minh Khái

  tại Văn phòng Thủ tướng Chính phủ, ngày 12/10/2022

PGS.TS. Đặng Văn Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA)

phát biểu tại Buổi gặp mặt 

 ————————————————————————————————————————–

         Kính thưa Phó Thủ tướng! 

         Trước hết, xin thay mặt lãnh đạo và hội viên Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA) kính chào và chân thành cảm ơn Phó Thủ tướng Chính phủ đã giành thời gian tiếp và trực tiếp nghe, chỉ đạo hoạt động của Hiệp hội. Đây thực sự là một vinh dự lớn lao cho Hiệp hội và đội ngũ hội viên trong cả nước.

         Kính thưa Phó Thủ tướng!

         Kế toán Việt Nam hình thành và hoạt động ngay từ sau Cách mạng Tháng 8 và ngay khi Nhà nước Cách mạng Việt Nam được thành lập. Kế toán Việt Nam với chức năng tổ chức hệ thống thông tin kinh tế tài chính, đã trở thành bộ phận cấu thành hữu cơ của hệ công cụ quản lý kinh tế, tài chính Nhà nước Việt Nam, trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ngay trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, kế toán Việt Nam đã có những đóng góp đáng kể trong công tác quản lý kinh tế, xây dựng và phát triển kinh tế ở miền Bắc và giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Cố Thủ tướng  – Phạm Văn Đồng đã nhiều lần chỉ đạo và chỉ thị trực tiếp việc hoàn thiện và nâng cao chất lượng kế toán Việt Nam, yêu cầu kế toán phải trở thành công cụ quản lý kinh tế, tài chính trong lãnh đạo và điều hành nền kinh tế kế hoạch hóa. Trong quá trình đổi mới, cải cách cơ chế kinh tế, chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Cố Thủ tướng – Võ Văn Kiệt, kế toán Việt Nam đã được đổi mới và cải cách một cách toàn diện, sâu sắc theo yêu cầu của cơ chế quản lý kinh tế mới: đóng góp tích cực vào phát triển và hội nhập kinh tế; tạo lập môi trường lành mạnh cho các thành phần kinh tế cùng hoạt động; thu hút đầu tư nước ngoài và lành mạnh hóa nền tài chính quốc gia.

        Có thể nhận thấy, dưới sự chỉ đạo và lãnh đạo của Chính phủ, trực tiếp là Bộ Tài chính, kế toán Việt Nam đã có những phát triển mạnh mẽ, đáp ứng yêu cầu nền kinh tế thị trường, mở cửa, hội nhập quốc tế. Kiểm toán đã được hình thành, với cả ba loại hình: Kiểm toán Nhà nước; Kiểm toán độc lập và Kiểm toán nội bộ. Thị trường dịch vụ kế toán và kiểm toán Việt Nam đã được tạo lập và phát triển với quy mô ngày càng lớn, hỗ trợ đắc lực cho doanh nghiệp và góp phần lành mạnh hóa nền tài chính quốc gia. Những người làm nghề kế toán, kiểm toán Việt Nam đã và đang có mặt ở hầu khắp các doanh nghiệp, các tổ chức hành chính, các đơn vị sự nghiệp mọi ngành kinh tế, mọi địa phương trong cả nước và cả các doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài, doanh nghiệp nước ngoài, các tổ chức quốc tế. Theo ước tính, hiện có khoảng 3-4 triệu người làm, hành nghề kế toán, kiểm toán ở Việt Nam.

       Trong tiến trình cải cách và đổi mới chuyển đổi sang kinh tế thị trường, năm 1994, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 12/QĐ-Ttg, thành lập “Hội Kế toán Việt Nam”, tổ chức tiền thân của “Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam” ngày nay. Hiệp hội là tổ chức xã hội – nghề nghiệp của những người làm nghề kế toán và kiểm toán Việt Nam. Đến năm 1998, được sự cho phép của Chính phủ, của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Hiệp hội đã gia nhập và được kết nạp là thành viên chính thức của Liên đoàn Kế toán Quốc tế (IFAC); thành viên của Hiệp hội Kế toán các nước ASEAN (AFA). Ở trong nước, Hiệp hội là thành viên chính thức của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA).

        Hiện nay, Hiệp hội có hơn 10 nghìn hội viên sinh hoạt trong 30 hội thành viên ở hầu khắp các ngành kinh tế và nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. 

        Trong đó:

– Có một số hội thành viên có tính chuyên nghiệp cao như: Câu lạc bộ Kế toán trưởng toàn quốc; Hội Kế toán hành nghề,…;

– Các hội ngành toàn quốc như: Hội Kế toán ngành Bưu chính viễn thông; ngành Địa chất; Hội Kiểm toán viên Nhà nước; hội Kế toán ngành Kho bạc Nhà nước; 

– Các hội kế toán địa phương như: Hội Kế toán Thành phố Hà Nội; Hội Kế toán Thành phố Hồ Chí Minh; Hội Kế toán và Kiểm toán Quảng Bình; Nam Định; Cần thơ,…;

– Các hội kế toán trường đại học như: Đại học Kinh tế Quốc dân; Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội; Đại học Vinh/Quy nhơn; Học viện Tài chính,… Hiệp hội đã qua 6 kỳ Đại hội, Chủ tịch Hiệp hội qua các thời kỳ là Lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng Kiểm toán Nhà nước, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước. Chủ tịch hiện nay của Hiệp hội là PGS.TS. Đặng Văn Thanh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội, Khóa XI, nguyên Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước Việt Nam,…

       Được sự chỉ đạo của Chính phủ, sự quan tâm hỗ trợ của Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; của các Bộ, ngành, của chính quyền địa phương; sự ủng hộ tích cực của các tổ chức nghề nghiệp quốc tế; Hiệp hội đã phát triển và đóng góp tích cực vào phát triển nghề nghiệp kế toán của Việt Nam, của khu vực và trên thế giới.

        Hiệp hội đã triển khai nhiều hoạt động và đạt được nhiều kết quả:

       Một là, tập hợp và động viên đông đảo người làm kế toán, kiểm toán tham gia tổ chức nghề nghiệp và thực hiện tốt chức năng tổ chức và nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị của thông tin kinh tế – tài chính, phục vụ các quyết định kinh tế, quyết định quản lý của Nhà nước, của doanh nghiệp, hỗ trợ đắc lực cho các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế. Kế toán, kiểm toán thực hiện chức năng kiểm soát, tăng cường quản lý tài sản, quản lý tài chính, ngăn ngừa các hành vi xâm phạm tài sản Nhà nước, gây tổn hại lợi ích chính đáng của doanh nghiệp, người lao động. vốn liếng của nhà nước, của nhân dân. Với bản lĩnh và trách nhiệm nghề nghiệp, kế toán, kiểm toán đã ngăn ngừa nhiều vụ việc xâm phạm, gây tổn hại tài sản; cung cấp nhiều thông tin, bằng chứng kế toán, kiểm toán mang tính pháp lý để ngăn ngừa, xử lý các sai phạm, vi phạm pháp luật kinh tế tài chính của tổ chức cá nhân.

       Hai là, Hiệp hội luôn chủ động và tích cực thực hiện các hoạt động tư vấn khoa học, phản biện xã hội các dự án: Luật kinh tế, tài chính, các chính sách tài chính, kế toán, kiểm toán. Nhiều ý kiến tư vấn và phản biện của Hiệp hội đã được Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan Nhà nước tiếp thu, ghi nhận, đánh giá cao.

        Ba là, Hiệp hội nhận và tổ chức nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học, nhiệm vụ phổ biến khoa học kỹ thuật. Đặc biệt là, khoa học về tài chính, kế toán, kiểm toán góp phần phát triển và hoàn thiện cơ chế quản lý kinh tế tài chính, hoàn thiện hệ thống kế toán, kiểm toán Việt Nam trong kinh tế thị trường mở cửa và hội nhập.

       Bốn là, Hiệp hội đã thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực tài chính, kế toán, kiểm toán. Mỗi năm, Hiệp hội và các hội thành viên đã tổ chức hàng trăm khóa và lớp đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện cho giám đốc doanh nghiệp, cán bộ quản lý kinh tế tài chính, kế toán trưởng, người làm kế toán, kiểm toán viên, kiểm soát viên. Phối hợp cùng Bộ Tài chính tổ chức bồi dưỡng và thi cấp chứng chỉ cho kế toán viên, kiểm toán viên theo quy định của Nhà nước.

      Năm là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng và  Nhà nước cho hội viên, động viên và kiểm soát hội viên trong việc chấp hành nghiêm luật pháp, chính sách của Đảng và Nhà nước. Hiệp hội luôn quan tâm và  tăng cường quảng bá nghề nghiệp, trên các phương tiện truyền thông như: Tạp chí Kế toán và Kiểm toán; trang Fanpage; Website và Tạp chí Điện tử. Đã thực hiện nghiêm, việc quy hoạch báo chí theo chủ trương của Chính phủ.

       Sáu là, trong công tác đối ngoại, Hiệp hội đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thành viên và là thành viên tích cực của AFA, IFAC. Từ năm 1998, chỉ sau 4 năm thành lập, được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo và cho phép, Hiệp hội đã gia nhập và là thành viên chính thức của Hiệp hội Kế toán các nước ASEAN (AFA) và là thành viên chính thức của Liên đoàn Kế toán thế giới (IFAC). Cùng với Hiệp hội, còn có Hội Kiểm toán viên hành nghề (VICA) cũng là thành viên chính thức của IFAC, từ năm 2020. Hiện nay, Hiệp hội cử một Phó Chủ tịch và được AFA phê chuẩn là Phó Chủ tịch Hiệp hội Kế toán các nước ASEAN, nhiệm kỳ 2022 – 2023 và theo quy định của AFA, sẽ giữ cương vị Chủ tịch AFA, nhiệm kỳ 2024 – 2025. Hiệp hội đã báo cáo Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; Ban Đối ngoại Trung ương, được Ban Đối ngoại Trung ương có ý kiến chỉ đạo.

       Cách đây 20 năm, nhiệm kỳ 2002 – 2005, Hiệp hội đã đảm nhiệm thành công trách nhiệm và cương vị Chủ tịch AFA, được các hội nghề nghiệp thành viên ở châu Á tôn trọng và đánh giá cao. Hiệp hội thiết lập và duy trì tốt các quan hệ hợp tác với các tổ chức nghề nghiệp quốc tế, như:

– Hiệp hội Kế toán các nước trong khu vực: Malaysia (MIA); Singapore (ISCA); Indonesia (IAI); Hàn Quốc (KICPA)…

– Các tổ chức nghề nghiệp của các nước có văn phòng đại diện ở Việt Nam: Viện Kế toán Công chứng Anh và Xứ Wales (ICAEW); Hội Kế toán Vương Quốc Anh (ACCA); Hội Kế toán Úc (CPAA); Hội Kế toán Quản trị Quốc tế (IMA),… 

      Hiệp hội đã thực hiện tốt chính sách đối ngoại nhân dân, thể hiện vai trò tổ chức nghề nghiệp của một quốc gia gần 100 triệu dân, trong Khu vực Đông Nam Châu Á, được bạn bè tin cậy và đánh giá cao. Hiện nay, Hiệp hội đang giữ vai trò Phó Chủ tịch Liên đoàn Kế toán các nước ASEAN, nhiệm kỳ 2022 – 2023 và sẽ giữ cương vị Chủ tịch, nhiệm kỳ 2024 – 2025.

      Bảy là, trong quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường, kế toán và kiểm toán đã được thừa nhận là loại hình dịch vụ có điều kiện để hỗ trợ doanh nghiệp. Hiện nay, thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán Việt Nam đã hình thành và phát triển mạnh mẽ với hàng trăm công ty kế toán, kiểm toán, hàng nghìn kế toán viên, kiểm toán viên chuyên nghiệp có chứng chỉ hành nghề, kể cả chứng chỉ mang tính quốc tế. Chất lượng dịch vụ kế toán, kiểm toán cung cấp cho nền kinh tế ngày càng nâng cao, hỗ trợ đắc lực và tư vấn cho các doanh nghiệp trong quản trị kinh doanh, lập báo cáo tài chính, kê khai thuế và thực hiện các nghĩa vụ với Nhà nước. Tăng thị phần dịch vụ kế toán, kiểm toán do các doanh nghiệp Việt Nam cung cấp.

       Có thể nói, vai trò và vị thế của tổ chức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán được nâng cao. Hiệp hội đã có nhiều đóng góp tích cực cho nền kinh tế, có đủ năng lực để sẵn sàng đảm nhiệm đầy đủ vai trò, chức năng của tổ chức nghề nghiệp trong nền kinh tế thị trường, hội nhập. Nhiều hội viên đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, giữ vững phẩm chất đạo đức, tác phong, trưởng thành trong nghề nghiệp, được tin cậy giao những trọng trách kế toán trưởng, giám đốc tài chính, tổng giám đốc tập đoàn kinh tế, một số không ít hội viên được đảm trách các vị trí công tác trong các cơ quan dân cử, cơ quan Đảng và bộ máy quản lý Nhà nước. Ghi nhận kết quả hoạt động và những đóng góp của Hiệp hội, Chủ tịch nước đã tặng Hiệp hội Huân chương Lao động Hạng, nhất, nhì, ba. Nhiều cán bộ của Hiệp hội được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Chủ tịch, 3 Phó Chủ tịch, 1 Ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành Hiệp hội đã được vinh danh Trí thức tiêu biểu LHH toàn quốc, các năm 2015, 2017, 2019 và 2022. Hầu hết, lãnh đạo chủ chốt của Hiệp hội đã được trao tăng huy hiệu 30, 40, 50 năm tuổi Đảng.

       Tuy nhiên, Hiệp hội và hội viên luôn luôn trăn trở và chưa bằng lòng với những việc đã làm, những việc làm chưa tốt. Trên thực tế, hoạt động của Hiệp hội còn gặp không ít khó khăn và những thách thức. Trong đó, có những vướng mắc về cơ chế, về môi trường và những khó khăn về điều kiện hoạt động, hạn chế về năng lực, nguồn lực và phương thức hoạt động.

        Với khát vọng sáng tạo, khát vọng về một Việt Nam hùng cường, giàu mạnh, với bản lĩnh và trách nhiệm nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội, trách nhiệm với cộng đồng. Hiệp hội tiếp tục trau dồi năng lực nghề nghiệp, làm tốt công việc, đóng góp cao nhất cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội và lành mạnh hóa nền tài chính quốc gia.

        Một số kiến nghị với Phó Thủ tướng và Chính phủ:                           .

        Một là, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo việc cải cách hành chính mạnh mẽ hơn nữa: tạo môi trường kinh doanh, môi trường pháp lý thuận lợi nhất cho hoạt động của doanh nghiệp, doanh nhân. Sớm tạo dựng các khung khổ pháp lý,  cho hoạt động của các tổ chức xã hội nghề nghiệp. Sớm ban hành luật về hội, để điều chỉnh các hoạt động của các tổ chức nghề nghiệp trong nền kinh tế thị trường, mở cửa và hội nhập. Sớm triển khai hoàn thiện các quy định pháp lý về kế toán và kiểm toán theo lộ trình trong “Chiến lược phát triển kế toán và kiểm toán đến năm 2030” đã được Thủ tướng phê duyệt. Kế toán và kiểm toán phải là công cụ sắc bén hữu hiệu tham gia phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm và phòng, chống lãng phí. Kế toán và kiểm toán góp phần quan trọng, lành mạnh hóa nền tài chính quốc gia. Đã có quy định pháp lý kiểm toán Nhà nước, nhưng cần sớm có những quy định mang tính pháp lý cho kế toán, kiểm toán độc lập và kiểm toán nội bộ.  

       Hai là, Chính phủ có chỉ đạo trong toàn hệ thống chính trị: để tạo lập môi trường và triển khai các biện pháp phù hợp, để đảm bảo chất lượng thông tin kinh tế tài chính, đảm bảo hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực quản trị, năng lực cạnh tranh. Hội viên rất vui mừng về sự tăng trưởng phát triển kinh tế, về sự ổn định vĩ mô của nền kinh tế, nhưng chưa thật yên tâm về chất lượng tăng trưởng kinh tế, năng suất lao động, về chất lượng và hiệu quả đầu tư, hiệu quả kinh doanh. Chính phủ cần có giải pháp cụ thể, để động viên, khích lệ và tạo điều kiện để các doanh nghiệp, các nhà kế toán, kiểm toán, hỗ trợ nhiều hơn nữa doanh nghiệp, nâng cao năng suất lao động, giảm bớt chi phí, hao phí, nâng cao chất lượng và hiệu quả kinh doanh, hiệu quả đầu tư. Đặc biệt là, hỗ trợ và tạo điều kiện đưa nền tảng số, chuyển đổi số vào quản trị và điều hành kinh doanh, trong thực hiện kế toán số, kiểm toán số tại từng đơn vị, cũng như trong toàn bộ nền kinh tế, toàn hệ thống tài chính Việt Nam.

        Ba là, thị trường dịch vụ kế toán và kiểm toán: đã hình thành, mặc dù hơi muộn so với các quốc gia trên thế giới và trong khu vực. Tuy nhiên, đã có sự phát triển khá nhanh và có vị thế trong nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, quy mô còn nhỏ và chưa tương xứng quy mô nền kinh tế của một đất nước có gần 100 triệu dân. Doanh nghiệp dịch vụ kế toán, kiểm toán có vốn nước ngoài còn nắm thị phần lớn. Chính phủ cần có chính sách phát triển mạnh hơn nữa thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán của Việt Nam; nâng cao chất lượng dịch vụ kế toán,  kiểm toán cung cấp cho nền kinh tế; hỗ trợ đắc lực và tư vấn cho các doanh nghiệp. Đặc biệt là, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam trong quản trị kinh doanh, lập báo cáo tài chính, kê khai thuế và thực hiện các nghĩa vụ với Nhà nước; Chính phủ cần có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện tăng thị phần dịch vụ kế toán, kiểm toán do các doanh nghiệp Việt Nam, do người Việt Nam cung cấp trên thị trường Việt Nam; đồng thời, cần có giải pháp phát triển và tăng cường nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực dịch vụ nói chung và trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, kế toán, kiểm toán nói riêng.

      Bốn là, tổ chức nghề nghiệp kế toán và kiểm toán: Việt Nam đã có vị thế không chỉ ở trong nước, mà cả trong khu vực và trên thế giới. Hiệp hội là thành viên chính thức, có uy tín của Liên đoàn Kế toán thế giới và Hiệp hội Kế toán các nước ASEAN. Hiệp hội đã và đang thực hiện rất tốt các nghĩa vụ thành viên, thực hiện giao lưu nghề nghiệp, thực hiện chính sách đối ngoại nhân dân trong các diễn đàn nghề nghiệp đa phương và song phương. Tuy nhiên, Hiệp hội và các hội thành viên hoạt động còn gặp nhiều khó khăn và vướng mắc, còn nhiều hạn chế, hoạt động chưa hoàn toàn đúng nghĩa của tổ chức nghề nghiệp như các hội nghề nghiệp kế toán, kiểm toán trong khu vực và trên thế giới. Kính mong Thủ tướng và Chính phủ quan tâm tạo điều kiện thuận lợi hơn về cơ chế, chính sách và điều kiện, để tổ chức nghề nghiệp có cơ hội và điều kiện thực hiện các chức năng tư vấn khoa học, phản biện xã hội, tổ chức các diễn đàn nghề nghiệp, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực và thực hiện một số dịch vụ công do Nhà nước chuyển giao.

       Hiệp hội rất mong, tiếp tục được nhận lại nhiệm vụ đăng ký và quản lý chất lượng dịch vụ hành nghề kế toán, kiểm toán, kiểm soát đạo đức nghề nghiệp người hành nghề,… đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép và Bộ trưởng Bộ Tài chính giao đảm nhiệm, trong thời gian từ 2005 đến 2016. Hiệp hội xin được tiếp tục chuyển giao một số nhiệm vụ dịch vụ công, theo lộ trình ghi trong Quyết định số 47/QĐ-BTC năm 2005. Rất mong Phó Thủ tướng quan tâm, có chính sách phát triển và đề cao vai trò của tổ chức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán. Nâng cao năng lực, để sẵn sàng đảm nhiệm đầy đủ vai trò, chức năng của tổ chức nghề nghiệp theo thông lệ quốc tế trong nền kinh tế thị trường, hội nhập thành công vào nền kinh tế khu vực và thế giới.

       Năm là, trong quan hệ nghề nghiệp quốc tế: Hiệp hội kính mong được Chính phủ, được Phó Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo và tạo điều kiện tối đa để Hiệp hội hoàn thành trách nhiệm lãnh đạo Hiệp hội Kế toán các nước ASEAN (AFA), nhiệm kỳ 2022 – 2025. Đây là cơ hội quan trọng, để quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, nghề nghiệp kế toán, kiểm toán Việt Nam ra thế giới, là cơ hội để Việt Nam tiếp cận với thông lệ nguyên tắc và chuẩn mực kế toán quốc tế và là cơ hội để nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam, của tổ chức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Hội viên của Hiệp hội hy vọng, Việt Nam có tiếng nói thống nhất trong các tổ chức nghề nghiệp kế toán quốc tế, khi có hai tổ chức nghề nghiệp Việt Nam cùng là thành viên chính thức trong Liên đoàn Kế toán thế giới (IFAC).

       Nền kinh tế Việt Nam đang trong quá trình hồi phục và phát triển mạnh mẽ, các hội viên Hiệp hội với trách nhiệm và tình yêu nghề nghiệp đã và sẽ tiếp tục góp phần phát triển kinh tế, lành mạnh hóa tài chính quốc gia. Kết quả khôi phục và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, đã khẳng định tính sáng tạo, đúng đắn và kịp thời trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực của toàn Đảng toàn dân, trong đó có doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam. Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam bày tỏ sự tin tưởng và ý thức trách nhiệm trước Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ.

  • theo bài đăng trên “Tạp chí Kế toán và Kiểm toán”, số 229, Tháng 10/2022

Tin tức liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *