Nghiên cứu trao đổi

Kế toán Việt Nam với công cuộc chuyển đổi số: THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP

Tiêu đề Kế toán Việt Nam với công cuộc chuyển đổi số: THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP Ngày đăng 2023-12-19
Tác giả Admin Lượt xem 1975

PGS.TS Đặng Văn Thanh*

(*Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam).

Nhận:            02/10/2023

Biên tập:       03/10/2023

Duyệt đăng:  15/10/2023

Tóm tắt

Để đạt được mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2030, 2045 Việt Nam trở thành nước công nghiệp, nước công nghiệp hiện đại, Đảng đã nêu ra định hướng và giải pháp phát triển đất nước cho giai đoạn 2021- 2030. Trong đó, về kinh tế có chủ trương và giải pháp: Đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển đất nước nhanh, bền vững. Đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, năng suất, chất lượng và hiệu quả. Tăng trưởng kinh tế trên cơ sở nâng cao năng suất lao động xã hội, năng suất tổng hợp, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đây là một chủ trương, một phương hướng đúng đắn và sáng tạo của Đảng trong giai đoạn từ nay đến giữa thế kỷ XXI, để đạt cho được mục tiêu đưa đất nước trở thành nước phát triển, nước công nghiệp hiện đại.

Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đã khởi phát và đang diễn ra trên toàn thế giới, tác động mạnh đến toàn bộ các hoạt động kinh tế, xã hội, văn hóa, các lĩnh vực đời sống, thay đổi thói quen của con người. Những thành tựu khoa học – kỹ thuật, kỹ thuật số được sử dụng để tăng cường năng lực quản trị kinh doanh. Nền kinh tế số đã hình thành. Sự xuất hiện của Internet kết nối vạn vật (Internet of Think), của trí tuệ nhân tạo (AI), của Bigdata, Blokchain đòi hỏi và tạo cơ hội để các doanh nghiệp thay đổi phương thức kinh doanh, nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp, tạo ra nhiều giá trị mới với chi phí ít hơn, các nhà kế toán thay đổi phương thức thực hiện nghiệp vụ tổ chức thông tin và cung cấp thông tin. Trước tác động của CMCN 4.0 các doanh nghiệp, các nhà kế toán Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội và không ít những thách thức. Chuyển đổi số không chỉ là một xu thế về công nghệ trên toàn cầu, mà còn tác động vô cùng sâu rộng lên các lĩnh vực của nền kinh tế – chính trị – xã hội. Chuyển đổi số mở ra cơ hội lớn cho nghề nghiệp kế toán và kiểm toán. Chuyển đổi số là một trong những nội dung quan trọng, mang yếu tố then chốt cho nghề nghiệp kế toán, kiểm toán trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

Từ khóa: Kế toán, kế toán số, chuyển đổi số, CMCN 4.0

JEL Classifications: M40, M41, M49.

Trong xu hướng chuyển đổi số và ứng dụng các công nghệ mới diễn ra hết sức nhanh chóng trên thế giới như hiện nay, các nhà kế toán Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc. Bối cảnh hội nhập và công cuộc chuyển đổi số đã chỉ ra, để nâng cao vai trò vị thế của kế toán, kiểm toán đòi hỏi kế toán phải cung cấp cho các đổi tượng, các nhà quản lý trong nền kinh tế những thông tin toàn diện, kịp thời và tin cậy, các dịch vụ xử lý và kiểm soát thông tin có chất lượng đảm bảo hơn với hệ thống phục vụ người sử dụng thông tin tốt hơn nhờ áp dụng các phương thức tạo lập và khai thác thông tin đáp ứng các quyết định kinh doanh, nâng cao năng lực  quản trị, quản  lý tiên tiến, hiện đại. Đồng thời, kế toán cần nỗ lực đổi mới, cải tiến không ngừng các quy trình nghiệp vụ dựa trên đầu tư có hiệu quả về nguồn nhân lực và công nghệ mới trong hoạt động nghề nghiệp.

Chuyển đổi số là thay đổi phương thức làm việc, quy trình và phương pháp kế toán, kiểm toán thông qua sự tích hợp các công nghệ kỹ thuật số vào hoạt động tổ chức công tác kế toán, tổ chức bộ máy kế toán tại từng đơn vị, doanh nghiệp nhằm thay đổi cách thức vận hành, mô hình xử lý, cung cấp thông tin và đem đến những hiệu quả cao hơn, những giá trị mới hơn. Chuyển đổi số còn là sự thay đổi về văn hóa nghề nghiệp của đơn vị, doanh nghiệp, đòi hỏi sự liên tục cập nhật cái mới, hiện đại và phải chấp nhận cả thất bại bên cạnh những thành công do đổi mới đem lại. Chuyển đổi số trong công tác kế toán, kiểm toán có thể hiểu là quá trình thay đổi mô hình tổ chức xử lý và tổng hợp, cung cấp thông tin kinh tế tài chính cũ, mô hình truyền thống sang mô hình kế toán số, kiểm toán số dựa trên những ứng dụng công nghệ mới, như: Interrnet kết nối vạn vật (IoT) dữ liệu lớn (Big data), chuỗi khối (Blockchain), điện toán đám mây,… nhằm thay đổi phương thức điều hành, quy trình kế toán, kiểm toán, quy trình cung cấp dịch vụ và văn hóa lao động trong nghề nghiệp kế toán, kiểm toán. Mục đích mà các đơn vị kế toán chuyển đổi số thường hướng tới bao gồm: Tăng tốc độ xử lý thông tin, tăng hiệu lực, hiệu quả và chất lượng thông tin do kế toán cung cấp, thúc đẩy tăng trưởng giá trị thông tin, tăng năng suất lao động, phục vụ tốt nhất cho quyết định kinh tế, quyết định kinh doanh của các nhà đầu tư, các nhà quản và quản trị doanh nghiệp.

Việt Nam đang trong quá trình xây dựng và đẩy mạnh thực thi chiến lược chuyển đổi số quốc gia nhằm định hướng sự phát triển kinh tế – xã hội số, trong đó có tài chính số, kế toán, kiểm toán số. Trên cơ sở đó, xây dựng các chiến lược chuyển đổi số trong từng lĩnh vực, từng doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kế toán, từng đơn vị kế toán, kiểm toán,… góp phần thúc đẩy công nghiệp hóa và tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao chất lượng và hiệu quả của thông tin do kế toán cung cấp, trong đó Nhà nước – doanh nghiệp – Trường Đại học, Viện nghiên cứu – tổ chức nghề nghiệp giữ vai trò nòng cốt.

Những lợi ích của chuyển đổi số đối với kế toán và kiểm toán

Một là, giúp kết nối, thu ngắn khoảng cách của các bộ phận trong cơ cấu quản lý, điều hành doanh nghiệp, các bộ phận nghiệp vụ, các phần hành kế toán

Khi ứng dụng chuyển đổi số, sự liên kết thông tin giữa các bộ phận trong doanh nghiệp được kết nối trên nền tảng một hệ thống công nghệ đồng nhất, giúp cho các vấn đề phát sinh trong doanh nghiệp được giải quyết ngay khi xảy ra và sự vận hành không bị tắc nghẽn, không gây tác động xấu đến hoạt động của doanh nghiệp, như: chỉ đạo và quyết định của các cấp quản lý, nắm bắt và giải quyết các vướng mắc trong hoạt động kinh doanh. Ứng dụng chuyển đổi số sẽ phá bỏ bức rào ngăn cách giữa các bộ phận trong doanh nghiệp, giữa các phần hành nghiệp vụ nhờ nền tảng kết nối số hóa đa chiều, đa chức năng giữa các bộ phận. Qua đó, hoạt động kế toán, kiểm toán sẽ được cải thiện về chất lượng, độ tin cậy và tính kịp thời của thông tin, công việc hạch toán của các phần hành diễn ra trôi chảy, trơn tru,.… Đối với thông tin quản lý, thông tin kế toán, tài chính, người điều hành chủ động và dễ truyền tải, dễ truy xuất, nắm được tình hình, diễn biến hoạt động của doanh nghiệp nhanh hơn, kịp thời hơn. Điều đó tạo điều kiện cho hệ thống kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ hoạt động hiệu lực và quản lý doanh nghiệp hiệu quả,  minh bạch.

Hai là, tăng cường hiệu lực, hiệu quả các quyết định kinh doanh

Chuyển đổi số trong hoạt động kế toán, kiểm toán giúp chủ doanh nghiệp, các nhà quản lý (CEO) hoàn toàn chủ động trong điều hành, nắm bắt kịp thời các thông tin và đánh giá hoạt động của doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể khai thác được tối đa năng lực làm việc của nhân viên ở các bộ phận thông qua các thông tin do kế toán cung cấp. Trong hoạt động kế toán, những công việc giản đơn, có giá trị gia tăng thấp, công nghệ số có thể tự động thực hiện mà doanh nghiệp không tốn chi phí, đồng thời cũng giúp người làm kế toán, kiểm toán có thêm thời gian để nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, có thêm thời gian và trí tuệ để gia tăng chất lượng các hoạt động tư vấn, đặc biệt là tư vấn về quản trị doanh nghiệp, tư vấn về quản trị rủi ro trong kinh doanh. Chuyển đổi số cũng giúp người quản lý, người lãnh đạo kế toán, kiểm toán dễ dàng đánh giá chất lượng công việc của từng nhân viên qua số liệu báo cáo. Nền tảng số hóa giúp các tổ chức kế toán, các doanh nghiệp dịch vụ kế toán, kiểm toán điều hành các hoạt động kinh doanh, quản lý kinh doanh, điều hành các hoạt động tổ chức thông tin kế toán một cách hiệu quả, chính xác và chất lượng, nâng cao chất lượng, độ tin cậy của các quyết định kinh doanh.

Ba là, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả tổ chức thông tin kế toán

Với các nền tảng ứng dụng công nghệ số, kế toán có thể tạo lập và cung cấp sản phẩm thông tin kinh tế – tài chính, cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán với năng suất cao hơn, hiệu quả hơn, tạo lập hệ thống cảnh báo về rủi ro trong kinh doanh, có biện pháp phòng ngừa hữu hiệu. Ứng dụng chuyển đổi số cho phép các đơn vị kế toán tối ưu năng suất lao động giúp người làm kế toán, kiểm toán tạo ra giá trị cao hơn cho thông tin kinh tế tài chính, cho nghề nghiệp kế toán, kiểm toán.

Bốn là, gia tăng chất lượng thông tin kế toán

Chuyển đổi số giúp người làm kế toán, kiểm toán không ngừng sáng tạo ra những sản phẩm thông tin, dịch vụ kế toán chất lượng cao, hạn chế lỗi, hạn chế những thông tin sai lệch, lạc hậu, mức độ tin cậy và tính hữu ích thấp.

Năm là, đổi mới mô hình xử lý thông tin kế toán, nâng cao năng lực người làm kế toán

Chuyển đổi số là cơ hội đổi mới phương thức tạo ra giá trị thông tin cho các đối tượng sử dụng, phát triển tính năng hữu ích của thông tin, của dịch vụ kế toán và tiện ích mới của thông tin, vòng đời của thông tin kinh tế – tài chính mang tính tổng thể và toàn diện hơn. Những rủi ro trong xử lý thông tin kế toán, trong sử dụng thông tin kế toán được hạn chế. Từ đó, các đơn vị kế toán tăng cường quản lý và tối ưu hóa hoạt động tổ chức thông tin kế toán.

Việc ứng dụng các giải pháp công nghệ không chỉ góp phần cải thiện năng lực người làm kế toán, quản trị doanh nghiệp, tiết kiệm chi phí, tránh các sai sót do nhập liệu thông tin đầu vào. Qua đó, tập trung nguồn lực cải tiến quá trình kết xuất và sử dụng thông tin kế toán cho các quyết định kinh doanh và quản lý hoạt động kinh doanh, nâng cao chất lượng thông tin và chất lượng dịch vụ kế toán, kiểm toán.  Đồng thời, đáp ứng đầy đủ hơn, chính xác hơn nhu cầu của các đối tượng sử dụng thông tin kế toán, giúp đơn vị kế toán doanh nghiệp dễ dàng tham gia vào chuỗi giá trị sản phẩm thông tin. Đó cũng là yêu cầu nâng cao năng lực người làm kế toán, kiểm toán, năng lực quản trị doanh nghiệp ở một mức độ cao hơn,…

Thực trạng chuyển đổi số trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán – những khó khăn, thách thức

Theo đánh giá  chuyển đổi số đã trở thành một thực tế bắt buộc các doanh nghiệp, các đơn vị kế toán phải tham gia để có thể phát triển. Nhiều đơn vị kế toán đã và đang thực hiện chuyển đổi số, coi trọng giá trị của của dữ liệu, của hệ thống thông tin kinh tế – tài chính. Có sự khác biệt rõ ràng giữa thực tế chuyển đổi số cũng như sự kỳ vọng về hiệu quả của chuyển đổi số giữa các đơn vị kế toán có quy mô lớn (như Tập đoàn kinh tế, Tổng Công ty, Ngân hàng,…) so với các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa. Cho đến nay, quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán Việt Nam diễn ra với tốc độ chậm, chậm so với nhu cầu thực tiễn. Trên thực tế, các tổ chức kế toán, kiểm toán Việt Nam đã và đang đối mặt với một số rào cản và không ít thách thức như: thiếu kỹ năng số và thiếu nhân lực, trở ngại từ công nghệ, thiếu nền tảng công nghệ thông tin đủ mạnh, thiếu tư duy kỹ thuật số, kế toán số hoặc các thách thức về văn hóa kỹ thuật số trong nghề kế toán, kiểm toán. Kế toán số chưa được hình thành một cách thực sự và chưa được đưa vào chương trình đào tạo của các trường đại học kinh tế …

Có nhiều nguyên nhân của thực trạng trên, trong đó có nguyên nhân về nhận thức chưa đầy đủ, thiếu thống nhất, về sự gắn kết giữa lợi ích của chuyển đổi số với mục tiêu kế toán, kiểm toán; về mức độ đầu tư, về phát triển nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán,….

Giải pháp thúc đẩy các đơn vị kế toán, kiểm toán ứng dụng chuyển đổi số và áp dụng công nghệ số

Để quá trình chuyển đổi số của các đơn vị kế toán, kiểm toán thực hiện một cách nhanh, hiệu quả và bền vững, cần triển khai đồng bộ các giải pháp sau:

Trước hết, cần nâng cao nhận thức của lãnh đạo các tổ chức, các doanh nghiệp, các đơn vị kế toán về chuyển đổi số. Các nhà quản lý, người làm kế toán, kiểm toán cần hiểu biết đầy đủ về chuyển đổi số, kinh tế số, kế toán số; cần thấy hết lợi ích của ứng dụng công nghệ số,… để có những quyết định, quyết sách phù hợp với năng lực và khả năng tài chính của doanh nghiệp, của đơn vị kế toán. Chuyển đổi số (digital transformation) là quá trình sử dụng dữ liệu và các công nghệ số để thay đổi phương thức và quy trình tổ chức hệ thống thông tin kế toán, kiểm toán, thay đổi tổng thể và toàn diện cách xử lý thông tin kế toán và cách thực hiện nghiệp vụ của  người làm kế toán, của đơn vị kế toán. Chuyển đổi số trong kế toán là quá trình thay đổi từ mô hình truyền thống sang kế toán số, kiểm toán số bằng cách áp dụng công nghệ mới, thành tựu của Cách mạng công nghệ 4.0, như dữ liệu lớn (Big Data), Internet kết nối vạn vật (IoT), điện toán đám mây (ICloud), dữ liệu chuỗi (Blockchain)… thay đổi phương thức tổ chức thông tin, quy trình kế toán và phương pháp kế toán, kiểm toán, văn hóa nghề kế toán, kiểm toán. Chuyển đổi số trong kế toán mang lại nhiều lợi ích như cắt giảm chi phí  xử lý nghiệp vụ, tiếp cận và tạo ra nhiều loại thông tin, nhiều tiện ích của thông tin trong một thời gian nhất định, giúp các nhà quản lý, các nhà đầu tư đưa ra các quyết định quản lý, quyết định kinh doanh nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống thông tin đầy đủ, tin cậy và thông suốt kịp thời. Qua đó, hiệu quả hoạt động kinh doanh và tính cạnh tranh của doanh nghiệp được nâng cao. Chuyển đổi số không chỉ thiên về công nghệ xử lý thông tin trong hoạt động kế toán mà phải bắt đầu từ mô hình tổ chức công tác kế toán, tổ chức quy trình xử lý, cung cấp thông tin và đặc biệt là tư duy lãnh đạo, tư duy quản lý, điều hành. Công nghệ số cần đi cùng với các nhà quản lý, các nhà quản trị doanh nghiệp, các nhà kế toán và cần gắn với chiến lược phát triển, nâng cao chất lượng thông tin.

Cần nâng cao nhận thức và hiểu biết về bản chất của chuyển đổi số, về các xu thế công nghệ đến lĩnh vực kế toán kiểm toán, chuẩn bị tâm thế sẵn sàng năng lực để tiếp cận công nghệ, hệ thống hạ tầng, thay đổi quy trình, thay đổi cách thức quản trị, cách thức tiến hành hoạt động kế toán để đáp ứng được với xu thế công nghệ số.

Thứ hai, các đơn vị kế toán cần chủ động tìm hiểu, lựa chọn các công nghệ số phù hợp với nghề kế toán thuộc lĩnh vực hoạt động, từ đó lựa chọn đối tác cung cấp các giải pháp, các công nghệ để thực hiện số hóa cho hoạt động kế toán của mình. Đối với đơn vị kế toán thuộc ngành kinh tế – tài chính có ảnh hưởng trực tiếp đến cấu trúc nền kinh tế, đến cấu trúc thị trường tài chính đòi hỏi sự nhận thức về tính cấp thiết của chuyển đổi số trong kế toán là tất yếu. Cần phải có hướng đi rất cụ thể và chiến lược dài hạn. Các nhà quản lý, các nhà kế toán, kiểm toán cần có hiểu biết đầy đủ về quản trị doanh nghiệp, về kế toán trong CMCN 4.0. Cần nâng cao năng lực quản trị thông tin kinh tế tài chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán. Phương thức quản trị thông tin phải đổi mới hoạt động với sự vận hành thật đơn giản nhưng hiện đại, hiệu quả. Nhà kế toán, kiểm toán phải luôn khuyến khích đổi mới, đột phá, khuyến khích sự xung kích, dấn thân cho những thay đổi của nghề nghiệp kế toán, kiểm toán trong  tương lai.

Thứ ba, các đơn vị kế toán, kiểm toán phải chủ động đầu tư hệ thống thiết bị, công nghệ phù hợp với tốc độ phát triển hạ tầng công nghệ thông tin quốc gia, tốc độ phát triển của internet, các ứng dụng của các công nghệ mới do cuộc CMCN 4.0 mang lại. Cần đầu tư cho công nghệ thông tin một cách bài bản. Cân nhắc thận trọng và lường tính rủi ro là cần thiết nhưng không nên quá chậm chạp.

Cần nâng cao trình độ áp dụng công nghệ: Công nghệ mới đi kèm với những đòi hỏi về kỹ năng, kiến thức phải được cập nhật mới để thích ứng nhanh chóng với sự thay đổi của CMCN 4.0. Cần tạo ra sự liên kết về công nghệ, về các phần mềm hỗ trợ quản trị.

Thứ tư, cần có chính sách phát triển nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán, thu nhận và đào tạo nhân lực chất lượng cao có hiểu biết sâu về tổ chức hệ thống thông tin kinh tế tài chính, về công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ số, quản trị mạng… phục vụ cho quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp. Cần sớm hình thành môn học kế toán số, đưa vào chương trình đào tạo kế toán, kiểm toán của các cơ sở đào tạo. Chuẩn bị nguồn nhân lực cho 5 – 10 năm sau về kế toán công nghệ số. Cơ quan hoạch định chính sách cần thay đổi nhận thức và nội dung các quy định và hướng dẫn về chế độ kế toán, kiểm toán, về các quy định của Chuẩn mực kế toán và Chuẩn mực Báo cáo tài chính.

Chắc chắn rằng, các nhà kế toán và kiểm toán Việt Nam với bản lĩnh, trí tuệ và quyết tâm sẽ thành công trong quá trình chuyển đổi số tại doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp trụ vững, phát triển, tăng cường năng lực cạnh tranh, nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Tài liệu tham khảo

 

Quốc hội: Luật Kế toán, Luật số 88/QH2015

Chính phủ, QĐ 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020: Phê duỵệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn 2030

Chính phủ, Nghị định 123/2020/ NĐ-CP Quy định về hóa đơn chứng từ

Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Chương trình hỗ trợ DN chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025

Bộ Thông tin & Truyền thông, Cẩm nang chuyên đổi số, 2020

PGS.TS Đặng Văn Thanh, Ths Nguyễn Tiến Thanh. Kế toán số,  NXB Tài chính 2021

PGS.TS Đặng Văn Thanh. Nhận thức về chức năng kế toán trong bối cảnh công nghệ số, Tạp chí Kế toán và Kiểm toán số 216, 9/2021

PGS.TS Đặng Văn Thanh, Quy trình kế toán và đào tạo cử nhân kế toán dưới tác động của CMCN 4.0 Tạp chí Kinh doanh và công nghệ 3/2019

Tin tức liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *