(Đăng trên Tạp chí Kế toán và Kiểm toán, số T3/2019)
Nhận: 09/3/2019
Biên tập: 10/3/2019
Duyệt đăng: 12/3/2019
Trong tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam, theo lộ trình cam kết của WTO chúng ta cần mở cửa cho phép các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào các lĩnh vực, trong đó có các dịch vụ công. Nhưng kế toán khu vực công Việt Nam còn nhiều cách biệt so với kế toán khu vực công trên thế giới do chưa cung cấp thông tin hữu ích cho trách nhiệm giải trình và ra quyết định. Ngày 10/11/2017, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 107/2017/TT-BTC, hướng dẫn chế độ kế toán hành chính sự nghiệp và được áp dụng từ ngày 01/01/2018. Nhưng chế độ kế toán vẫn chỉ là hướng dẫn thực hiện các giao dịch mang tính thực hành, coi trọng hình thức của giao dịch nên hiện tại chưa đáp ứng được yêu cầu của một hệ thống kế toán đồng bộ mang tính khuôn mẫu chung. Mặc dù, đã có những thay đổi về bản chất chuyển từ kế toán cơ sở tiền mặt sang cơ sở kế toán dồn tích, xong vẫn chưa đạt được kỳ vọng và cần có một hệ thống chuẩn mực kế toán trong lĩnh vực công phù hợp với thông lệ quốc tế. Do đó, cần thiết phải nghiên cứu kinh nghiệm áp dụng chuẩn mực kế toán công quốc tế về kế toán thu, chi và kết quả hoạt động trong đơn vị công tại một số quốc gia và rút ra bài học cho Việt Nam là cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
1. Kinh nghiệm của Australia
Theo kinh nghiệm triển khai lập Ngân sách Nhà nước (NSNN) và làm báo cáo kế toán dồn tích ở Australia của John Ignatius Thứ trưởng thứ nhất Bộ Tài chính Australia, tại Hội thảo quốc tế về chuẩn mực kế toán (CMKT) công thì chu trình báo cáo định kỳ của Australia về ngân sách và thông tin kinh tế đã giúp cho việc quản lý tài chính được chặt chẽ và cung cấp được thông tin về tình hình NSNN, về quản lý tài chính của Chính phủ cũng như của từng Bộ ngành trong Chính phủ, Australia báo cáo số liệu chi NSNN thực tế vào cuối năm tài chính thông qua “Báo cáo kết quả Ngân sách”. Theo giáo sư danh dự Alan Barton là một người hành nghề lý luận quản lý tài chính khu vực công có danh tiếng ở Australia cho rằng: “Nếu không có một chế độ kế toán dồn tích Chính phủ không có được những ghi chép có tính hệ thống để có thể hy vọng có được sự quản lý hiệu quả nếu thiếu vắng những hồ sơ kế toán thích hợp để ghi chép chúng”. Tiến trình chuyển từ việc lập ngân sách và báo cáo kế toán về thu, chi và kết quả hoạt động trên cơ sở tiền mặt sang chế độ kế toán dồn tích đầy đủ ở Australia được tiến hành qua các giai đoạn sau:
Trước năm 1989T, các Bộ ngành ghi chép thu, chi và kết quả hoạt động vào “Sổ cái” và Bộ Tài chính soạn lập một bản “Báo cáo thu, chi NSNN” so sánh với thực tế cho mỗi Bộ ngành.
Giai đoạn 1989- 1992, kế toán thu, chi và kết quả hoạt động theo cơ sở kế toán tiền mặt cải tiến các Bộ ngành ghi chép vào “Sổ cái” và trình bày thông tin trên “Báo cáo thu, chi”. Ngoài ra, mỗi Bộ ngành cần có thêm một bản báo cáo bổ sung thêm các thông tin tài chính về tài sản cố định (TSCĐ) và các khoản nợ.
Giai đoạn 1992- 1994, kế toán thu, chi và kết quả hoạt động chuyển hoàn toàn sang chế độ kế toán dồn tích do mang lại nguồn thông tin đầy đủ về tài sản, nợ phải trả, nguồn vốn, thu chi mà trước đó không được tổng hợp. Chế độ kế toán dồn tích đã cung cấp thông tin về thu, chi và kết quả hoạt động của đơn vị công có thể so sánh được cho các năm hoặc giữa các đơn vị với nhau và có độ chính xác cao hơn. Theo chuẩn mực kế toán AASB số 101 và AASB số 104 năm 2013 của Australia thì báo cáo tài chính (BCTC) là báo cáo trình bày tình hình tài chính và hoạt động tài chính của một đơn vị công, nhằm mục đích cung cấp thông tin về tình hình tài chính, hoạt động tài chính và lưu chuyển tiền tệ của đơn vị cho những người sử dụng thông tin để họ có thể sử dụng hiệu quả trong việc đưa ra các quyết định kinh tế. Do đó, BCTC theo cơ sở kế toán dồn tích sẽ cung cấp các thông tin về tài sản, khoản phải trả, vốn chủ sở hữu, thu chi. Nguyên tắc lập và trình bày BCTC về kế toán thu, chi và kết quả hoạt động trong các đơn vị công được tiến hành theo CMKT công của quốc gia của họ, nhằm đảm bảo tính công bằng và tuân thủ chuẩn mực, tuân thủ tính hoạt động liên tục, cơ sở dồn tích, trọng yếu và tập hợp, bù trừ và nhất quán.
2. Kinh nghiệm của Indonesia
Với tính chất của kế toán trong các khu vực công của Indonesia, một mặt là đáp ứng trách nhiệm giải trình minh bạch thông tin về kế toán thu, chi và kết quả hoạt động, mặt khác là đáp ứng yêu cầu để ra các quyết định quản lý và kiểm soát hoạt động, nhằm đạt được hiệu quả hoạt động và phân bổ tối ưu các nguồn lực tài chính cho hoạt động của đơn vị. Để đạt được mục tiêu trên, vào tháng 6/2005 Indonesia đã được thành lập một ủy ban CMKT Chính phủ Indonesia (KSAP) độc lập qua Nghị định của Bộ Tài chính và được kiện toàn qua Nghị định 3/2009 của Tổng thống. Chiến lược chính của (KSAP) về xây dựng các CMKT công của họ theo các thông lệ kế toán quốc tế có tính đến điều kiện hiện tại của Indonesia (như các quy định hiện tại, thực tiễn về kế toán và nguồn nhân lực), cũng như các giai đoạn chuyển tiếp. Các tham chiếu chủ yếu của (KSAP) là các CMKT công quốc tế (IPSAS), các dự thảo về các CMKT của Chính phủ, các CMKT tài chính của Indonesia (IAI), các CMKT Chính phủ (GASB) và ban các CMKT tài chính (FASB) theo Tiến sỹ Binsar H. Simanjuntak Chủ tịch ủy ban CMKT Chính phủ Indonesia trình bày trong hội thảo quốc tế về CMKT công thì mục tiêu của CMKT công về kế toán thu, chi và kết quả hoạt động của Chính phủ Indonesia là kế toán trên cơ sở tiền mặt hướng tới kế toán cơ sở dồn tích. Trước khi cải cách kế toán thu, chi và kết quả hoạt động trong đơn vị công theo CMKT công quốc tế hệ thống ghi chép của Indonesia sử dụng bút toán đơn, báo cáo dựa trên cơ sở tiền mặt không có CMKT đồng thời hỗ trợ công nghệ thông tin còn hạn chế, chưa có hệ thống ghi chép tích hợp, nguồn số liệu để đối chiếu gần như rất ít và thiếu đội ngũ kế toán có trình độ. Sau khi cải cách hệ thống kế toán công là để gắn kết với các CMKT công quốc tế đã giải quyết được những điểm yếu của hệ thống tài khóa trước đây của quốc gia này, bằng cách chuyển từ hệ thống bút toán ghi đơn sang bút toán ghi kép và từ cơ sở kế toán tiền mặt, sang cơ sở kế toán dồn tích.
3. Bài học cho Việt Nam
Trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm áp dụng CMKT công quốc tế về kế toán thu, chi và kết quả hoạt động trong đơn vị công của một số quốc gia trên thế giới có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam như việc tách riêng đơn vị hoạt động, vì mục tiêu lợi nhuận và đơn vị hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, tác giả đã rút ra được bài học kinh nghiệm cho Việt Nam bao gồm:
(1) Bài học kinh nghiệm từ Australia, quốc gia này đã ban hành CMKT công về kế toán thu, chi và kết quả hoạt động trong đơn vị công có sự tách riêng cho đơn vị hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận và đơn vị hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận. Nội dung của CMKT công của Australia về lập và trình bày BCTC về kế toán thu, chi và kết quả hoạt động gần như tương đồng với IPSASs và ISA. Nội dung các CMKT công liên quan đến thu, chi và kết quả hoạt động rất rõ ràng và được biên soạn, trình bày chi tiết công phu, trong đó nội dung từng chuẩn mực chỉ rõ nội dung nào khác biệt với ISA và đã thay đổi nội dung nào so với trước đây. Việc quốc gia này đánh số CMKT theo nhóm để phân biệt nội dung chuẩn mực tương đương với ISA và nội dung chưa tương đương là việc làm rất sáng tạo, cần thiết và hữu ích cho người sử dụng CMKT để người sử dụng có thể biết được mức độ tương đồng của CMKT quốc gia so với CMKT quốc tế ngay từ khi đọc số hiệu của các chuẩn mực. CMKT công của Australia về kế toán thu, chi và kết quả hoạt động đặc biệt là chuẩn mực áp dụng cho các đơn vị không vì mục tiêu lợi nhuận luôn có quy định về việc giảm công bố thông tin và giới hạn đối tượng sử dụng thông tin. Các CMKT liên quan đến lập và trình bày BCTC đều quy định các thông tin cần công bố trên BCTC cho mục đích chung và BCTC cho mục đích đặc biệt. Chuẩn mực quy định thông tin cung cấp trên BCTC rất chi tiết, rõ ràng cụ thể và đầy đủ nhưng để tránh lộ bí mật. Trong những nội dung chuẩn mực thì cơ quan ban hành đã yêu cầu giảm công bố thông tin và giới hạn công bố thông tin trên BCTC cho mục đích chung.
(2) Bài học kinh nghiệm của Indonesia là kế toán trên cơ sở tiền mặt hướng tới cơ sở dồn tích. Trong đó, thu và chi theo cơ sở kế toán tiền mặt còn tài sản, nợ phải trả và cổ phần hóa theo cơ sở kế toán dồn tích. Trước khi quốc gia này cải cách hệ thống kế toán ghi chép kế toán thu, chi và kết quả hoạt động trong đơn vị công của Indonesia sử dụng bút toán đơn, báo cáo của đơn vị dựa trên cơ sở tiền mặt do không có CMKT công nhưng sau khi cải cách gắn kết với các CMKT quốc tế họ đã giải quyết được những điểm yếu của hệ thống kế toán trước đây, bằng cách chuyển từ hệ thống bút toán ghi đơn sang bút toán ghi kép và từ cơ sở kế toán tiền mặt sang cơ sở kế toán dồn tích. Mô hình kế toán khu vực công của họ có sự thay đổi từ tập trung (chính quyền trung ương vẫn giữ toàn quyền kiểm soát) sang phân cấp (chính quyền địa phương có thẩm quyền thực hiện việc quản lý tài chính này). Từ đó, dẫn tới có sự thay đổi từ cơ sở kế toán tiền mặt sang tiền mặt hướng tới dồn tích, nhằm duy trì ghi chép giao dịch hàng ngày dựa trên các giao dịch tiền. Kế toán thu, chi và kết quả hoạt động trong đơn vị công của Indonesia được ghi nhận và trình bày theo cơ sở dồn tích nên “Bảng cân đối kế toán” trong đơn vị công của quốc gia này được xây dựng để triển khai kế toán dồn tích đầy đủ.
Kết luận
Qua bài học kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới về kế toán thu, chi và kết quả hoạt động trong đơn vị công và các phân tích trên chúng tôi cho rằng Việt Nam nên áp dụng CMKT công quốc tế trên cơ sở kế toán dồn tích đối với hoạt động trong đơn vị SNCL nói chung và trong kế toán thu, chi và kết quả hoạt động nói riêng là cần thiết và đây sẽ là bước khởi đầu tốt cho quá trình xây dựng CMKT công của Việt Nam. Điều này không chỉ đơn thuần là tạo nên tăng chất lượng báo cáo của đơn vị công mà nó còn được các tổ chức quốc tế thừa nhận và phù hợp với tình hình thực tại của Việt Nam hiện nay theo quan điểm đổi mới hoạt động của các đơn vị công đặc biệt là theo hướng tự chủ các đơn vị công cung cấp dịch vụ theo Luật giá, thì việc đo lường hiệu quả hoạt động của các đơn vị công ngoài góc độ kinh tế xã hội thì trên góc độ tài chính cũng sẽ là cần thiết và tất yếu. Khi đó, kế toán thu, chi và kết quả hoạt động được ghi nhận và trình bày trên BCTC của đơn vị SNCL trên cơ sở kế toán dồn tích sẽ đảm bảo tính minh bạch, phù hợp có khả năng so sánh và đặc biệt là tạo ra sự tin cậy đối với người sử dụng thông tin để ra các quyết định quản lý và điều hành đơn vị trong cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm./.
Tài liệu tham khảo
1 Bộ Tài chính (2017), Chế độ kế toán hành chính sự nghiệp, NXB Tài chính, Hà Nội.
2. Bộ Tài chính (2012), Hệ thống chuẩn mực kế toán công quốc tế, Lưu hành nội bộ, Hà Nội.
3. Bộ Tài chính (2011), Tài liệu hội thảo về hệ thống CMKT công quốc tế và lộ trình xây dựng hệ thống CMKT công Việt Nam, Hà Nội.
4. https:// www. imf.org/external/ pubs/cat/longers.espx.