Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) đã được triển khai tại nhiều nước trên thế giới, bao gồm các nước đã phát triển cũng như đang phát triển. Bài viết này, tóm lược các nghiên cứu về kết quả vận dụng IFRS tại các nước này, đặc biệt là các nước đang phát triển, từ đó đưa ra một số khuyến nghị cho Việt Nam.
IFRS được IASB soạn thảo với sứ mệnh (i) Mang lại sự minh bạch về tài chính bằng cách cung cấp thông tin có chất lượng và có thể so sánh được, (ii) Tăng trách nhiệm giải trình thông qua việc giảm chênh lệch thông tin (tính bất đối xứng của thông tin) giữa bên trong và bên ngoài DN (DN), và (iii) Giúp DN và thị trường hoạt động hiệu quả hơn với một bộ chuẩn mực đơn nhất, đáng tin cậy cho các nền kinh tế phát triển cũng như nền kinh tế mới nổi phát biểu của ông Hans Hoogervost, Chủ tịch Hội đồng chuẩn mực kế toán quốc tế (IASB), tại Hội thảo kinh nghiệm triển khai IFRS, tại các nước đang phát triển (8/3/2016). Liên minh Châu Âu (EU) yêu cầu các DN tại các nước thành viên triển khai IFRS, đối với báo cáo tài chính hợp nhất kể từ ngày 01/01/2015. Quyết định này của EU được đưa ra, nhằm mục đích đảm bảo rằng báo cáo tài chính được lập bởi các công ty niêm yết của Châu Âu sẽ cung cấp thông tin có thể so sánh được, minh bạch hơn và giúp các thị trường vốn của EU hoạt động hiệu quả hơn. Sau EU, một số các quốc gia khác như úc, Anh, Đức,… cũng đã triển khai IFRS.
Sơ lược ảnh hưởng từ triển khai IFRS
Để chứng minh lựa chọn của các quốc gia này, nhiều nghiên cứu đã được thực hiện, nhằm kiểm tra lại lợi ích mà IFRS đem lại. Vận dụng IFRS làm tăng tính thanh khoản của thị trường, giảm chi phí vốn và tăng giá trị vốn chủ sở hữu (Daske và các cộng sự, 2008). Trong khi Zéghal và các cộng sự (2011) nhận thấy rằng, việc áp dụng IFRS làm giảm mức độ quản trị lợi nhuận thì Jeanjean, T. và Stolowy, H (2008) lại đưa ra bằng chứng rằng, IFRS không giúp hoạt động quản trị lợi nhuận giảm đi ở Anh và úc mà nó còn gia tăng ở Pháp. Đối với các công ty có sử dụng công cụ tài chính để phòng ngừa rủi ro, việc vận dụng IFRS có ảnh hưởng tích cực đến giá trị ghi sổ của vốn chủ sở hữu, lợi nhuận, đòn bẩy và có tính thanh khoản cao hơn so với các đơn vị không sử dụng các công cụ này (Iatridis, 2012). Liên quan đến ảnh hưởng của IFRS đến dòng vốn FDI, một số nghiên cứu đã được thực hiện nhưng mang lại các kết quả trái chiều nhau. Nếu IFRS giúp gia tăng dòng vốn FDI vào các nước vận dụng chuẩn mực này (Gordon và các cộng sự 2012) thì một nghiên cứu khác của Lasmin (2012) lại chỉ ra rằng, IFRS không có tác động một cách có ý nghĩa đến dòng vốn FDI, thậm chí còn làm giảm khối lượng thương mại quốc tế (xuất nhập khẩu).
IFRS và các nước đang phát triển
Đến nay, việc triển khai IFRS chủ yếu là ở các nước phát triển và lợi ích của nó đối với các DN tại những nước này là không thể phủ nhận. Trong khi đó, các nước đang phát triển lại sở hữu một số đặc điểm làm cho việc triển khai IFRS gặp nhiều khó khăn hơn, đó là: (i) Sự thiếu hụt về kiến thức và kỹ năng của một bộ phận kế toán viên, DN và nhà đầu tư, (ii) Thị trường vốn có quy mô nhỏ hơn và kém phát triển hơn, (iii) Năng lực quản trị DN kém hơn, (iv) Số lượng các DN tham gia kinh doanh quốc tế còn thấp (Lasmin, 2012). Kế toán viên tại các nước đang phát triển còn nhiều hạn chế về kiến thức và kỹ năng phân tích, vận dụng các chuẩn mực, khiến cho kết quả trình bày trên báo cáo tài chính không đáng tin cậy, nhân tố này làm cho lợi ích từ việc triển khai IFRS là không như mong đợi. Bên cạnh đó, DN và nhà đầu tư tại các nước đang phát triển là nhỏ và vừa, họ gặp nhiều khó khăn trong vận dụng IFRS. Các DN này phải bỏ ra một khoản chi phí khá lớn cho việc chuyển đổi thông tin trên báo cáo tài chính từ bộ chuẩn mực kế toán này sang bộ chuẩn mực kế toán khác, trong khi lợi ích mang lại thì chưa chắc đã tương xứng. Về phía nhà đầu tư, họ còn thiếu kiến thức và kỹ năng để hiểu được thông tin tài chính được cung cấp.
Câu hỏi được đặt ra đó là, có thể có hay không một bộ chuẩn mực kế toán thống nhất dùng chung cho cả các nước đang phát triển và các nước phát triển? Một số ý kiến cho rằng, sự khác biệt về văn hóa và môi trường kinh doanh giữa các nước phát triển và đang phát triển là quá lớn, để có thể dùng chung một bộ các chuẩn mực kế toán. Vài ý kiến khác lại nhận định, nếu các chuẩn mực quốc tế đủ linh hoạt trong điều kiện khác nhau về văn hóa và thực tiễn kinh doanh giữa các quốc gia thì một bộ quy định kế toán có thể hữu ích cho hai nhóm quốc gia này (Prather-Kinsey, 2006).
Zehri và Chouaibi (2013) đã chỉ ra ba nhân tố ảnh hưởng đến quyết định triển khai IFRS tại các nước đang phát triển, đó là: tăng trưởng kinh tế, hệ thống luật pháp và chất lượng đào tạo kế toán. Cụ thể, nếu các nước đang phát triển có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, có hệ thống luật pháp vận hành trên cơ sở luật án lệ (common law) và kế toán viên được đào tạo một cách phù hợp và chất lượng về kế toán, tài chính, thì khả năng triển khai IFRS tại các nước này càng cao. Một trong những lý do khác nữa giải thích cho việc vận dụng IFRS tại các nước đang phát triển đó là, họ muốn nhận được hỗ trợ tài chính từ ngân hàng thế giới, Đồng thời, nó có tác động tích cực đến thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) (Gordon và các cộng sự, 2012). Tuy nhiên, Lasmin (2012) lại không tìm thấy mối quan hệ có ý nghĩa thống kê giữa việc vận dụng IFRS và lượng vốn FDI, thậm chí mối quan hệ giữa hai yếu tố này còn là mối quan hệ ngược chiều. Hơn nữa, triển khai IFRS còn làm cho khối lượng xuất nhập khẩu tại các nước này bị giảm đi.
In-đô-nê-xia và Ma -lay-xia chính thức vận dụng IFRS từ năm 2012. Lộ trình thực hiện IFRS đã tạo ra không ít khó khăn cho các cơ quan ban hành chính sách và các đơn vị áp dụng, đặc biệt là nguyên tắc “Giá trị hợp lý”. Nguyên tắc này yêu cầu sự đánh giá chặt chẽ của các chuyên gia. Nhiều ý kiến cho rằng, IFRS đã được giới thiệu mà không quan tâm đến đặc điểm về văn hóa, xã hội cũng như tín ngưỡng của từng quốc gia. Tại In -đô-nê-xia, những người được phỏng vấn cho rằng, Hội đồng chuẩn mực kế toán tài chính của nước này (Deven Standar Akuntansi Keuangan-DASK) đã bị phân chia thành hai nhóm ý kiến trái chiều nhau, về việc IFRS và chuẩn mực Sharia có hòa hợp với nhau hay không? Tại Ma -lay-xia, lộ trình triển khai IFRS đã tạo ra khó khăn cho những người làm chính sách và đơn vị áp dụng chuẩn mực liên quan đến các chuẩn mực về công cụ tài chính, bất động sản và nông nghiệp. Trong khi, chuẩn mực liên quan đến bất động sản và nông nghiệp có thể được hoãn thực hiện, bởi ảnh hưởng của nguyên tắc giá trị hợp lý thì sự phức tạp trong cách tiếp cận của nguyên tắc làm ảnh hưởng đến tính tin cậy của chuẩn mực về công cụ tài chính. Đồng thời, còn có nhiều quan ngại của nước này về đào tạo IFRS cũng như số lượng kế toán viên còn thấp (Yapa và các cộng sự, 2012).
Vận dụng IFRS từ năm 2002, Jamaica đã đúc kết được một số vấn đề chủ yếu Practical implementation of IFRS: lessons learned, United Nation Conference on Trade and Development, 2008. Thứ nhất, cần xây dựng lộ trình áp dụng với hệ thống quản lý chặt chẽ. Thứ hai, công tác truyền thông cần hiệu quả và mang tính phản hồi cho những người sử dụng báo cáo tài chính về sự thay đổi trong báo cáo này. Thứ ba, cần có các đơn vị tư vấn để giải đáp, phản hồi các thắc mắc của người sử dụng và cung cấp các khóa đào tạo cho họ nếu cần. Thứ tư, nhiều chuẩn mực rất phức tạp và việc công bố chi tiết chỉ có thể thực hiện được đối với các DN lớn như công ty đa quốc gia. Tuy nhiên, đa số các DN ở nước này là nhỏ và vừa, nên cần có các tùy chọn phù hợp với nhu cầu của họ. Thứ năm, cần có các khóa đào tạo về IFRS có sẵn cho kiểm toán viên, nhà phân tích và các đối tượng khác.
Kinh nghiệm cho Việt Nam
Sự khác biệt về chuẩn mực kế toán của các nước gây ra sự thiếu hụt về tính có thể so sánh được của các báo cáo tài chính, của các công ty ở các nước, gây khó khăn cho thương mại quốc tế. Chính vì vậy, sử dụng ngôn ngữ kinh doanh thống nhất mang tính quốc tế như IFRS, là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của mỗi quốc gia mà việc áp dụng này cần lưu ý những vấn đề quan trọng khác. Qua thực trạng tại một số nước đang phát triển, việc vận dụng IFRS cần quan tâm đến các vấn đề sau:
Thứ nhất, có bộ chuẩn mực riêng cho các DN vừa và nhỏ. Tại các DN này, số lượng nghiệp vụ kế toán còn ít, trình độ kế toán viên còn hạn chế, nên việc vận dụng toàn bộ IFRS sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Thứ hai, phát huy vai trò của các tổ chức nghề nghiệp, để hỗ trợ các DN cũng như các đối tượng có liên quan trong quá trình áp dụng.
Thứ ba, xây dựng lộ trình hội tụ kế toán quốc tế, để từ đó có căn cứ đánh giá kết quả đạt được sau mỗi giai đoạn.
Thứ tư, đặc biệt quan tâm đến nguyên tắc giá trị hợp lý. Đây là điểm nổi bật của IFRS, gây khó khăn trong nghiên cứu và vận dụng tại các nước, đặc biệt là các nền kinh tế mới nổi, vì thị trường vốn ở các nước này chưa đạt đến giai đoạn “trưởng thành”.
Cuối cùng, cần nâng cao chất lượng đào tạo kế toán cả về chuyên môn và ngoại ngữ. Ngôn ngữ của IFRS hoàn toàn là tiếng Anh. Do đó, để có thể hiểu và vận dụng đúng đắn IFRS, yêu cầu các kế toán viên phải đạt được trình độ nhất định về ngoại ngữ này./.
Tài liệu tham khảo
Armstrong, C., Barth, M.E., Jagolizer, A., & Riedl, E.J (2010). Market Reactionto the Adoption of IFRS in Europe. The Accounting Review, 85(1), 31-61.
Daske, H., Hail, L., Leuz, C., & Verdi, R. (2008). Mandatory IFRS reportingaround the world: Early evidence on the economic consequences. Journal ofAccounting Research, 46(5), 1085-1142.
Gordon, L. A., Loeb, M. P., & Zhu, W. (2012). The impact of IFRS adoption on foreign direct investment. Journal of Accounting and Public Policy, 31(4), 374 398.
Iatridis, G. 2012. Hedging and earnings management in Evidence from the UK stock market. The British Accounting Review, 44, 21-35.
Jeanjean, T., & Stolowy, H. (2008). Do accounting standards matters? Anexplanatory analysis of earnings management before and after IFRS adoption. Journal of Accounting and Public Policy, 27(6), 480-494.
Jehri, F. and Chouaibi, J. (2013). Adoption determinants of the International AccountingStandards IAS/IFRS by the developing countries. Journal of Economics, Finance andAdministrative Science, 18, 56-62.
Lasmin (2012). The unwanted effects of International Financial Reporting Standards (IFRS) adoption on international trade and investment in developing countries. Journal of Economics and Economics Education Research, 13(1).
Prather-Kinsey, J. (2006). Developing countries converging with developed-country accounting standards: Evidence from South Africa and Mexico. The International Journal of Accounting, 41(2), 141-162.
Yapa, P.W.S., Kraal, D., &Joshi,M. (2012). The socio-economic impacts of the adoption of IFRS: A comparative study between the ASEAN countries of Singapore, Malaysia and Indonesia, Seminar paper presented at Singapore Management University, Singapore, Retrieved 15 June 2012.
Zéghal, D., Chtourou, S., & Sellami, Y, M. (2011). An analysis of the effect of mandatory adoption of IAS/IFRS on earnings management. Journal of International Accounting, Auditing and Taxation, 20(2), 61-72.