Tin trong nước

Kinh tế Việt Nam: Những điểm sáng trong mắt các tổ chức quốc tế

Tiêu đề Kinh tế Việt Nam: Những điểm sáng trong mắt các tổ chức quốc tế Ngày đăng 2015-04-14
Tác giả Admin Lượt xem 672

Ngày
26/3, Tổng cục thống kê công bố Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cả nước quý I năm
2015 với mức tăng 6,03% so với cùng kỳ năm trước; cao hơn nhiều so với
mức tăng 5,06% của cùng kỳ năm 2014; đồng thời là mức tăng vượt mọi dự báo.
Theo nhận định của Tổng cục thống kê, mức tăng trưởng ấn tượng này phần lớn
được hỗ trợ bởi sản xuất công nghiệp phục hồi.

Triển
vọng tăng trưởng của Việt Nam trong quý I vừa qua không chỉ khiến “Bộ
trưởng choáng, Thống đốc giật mình, Phó thủ tướng bất ngờ” mà còn được
nhiều tổ chức quốc tế đánh giá triển vọng tích cực…

Bloomberg: Việt Nam là công xưởng mới, là “con
hổ” tiếp theo của Châu Á

Theo nhận
định của hãng tin Bloomberg, danh sách các quốc gia châu Á có hoạt động sản
xuất sôi động hiện nay không chỉ bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc và Thái Lan, mà
còn có một cái tên mới là Việt Nam.

Cụ thể,
Bloomberg dẫn số liệu của HSBC và Markit Economics cho thấy, chỉ số PMI ngành
sản xuất của Việt Nam liên tục tăng và đạt trên 50 điểm kể từ tháng 8 năm 2013
đến nay. Đây là mức điểm cao nhất trong số tất cả quốc gia châu Á mà HSBC và
Markit Economics theo dõi. Trong khi đó, chỉ số PMI của Trung Quốc lại giảm 8
tháng trong cùng thời gian trên. Tính đến tháng 1/2015, ngành sản xuất của
Thái Lan cũng suy giảm trong 22 tháng.

Một trong
những điểm mạnh khiến Việt Nam hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước
ngoài chính là chi phí tiền lương thấp. Theo báo cáo của Tổ chức Lao
động Quốc tế (ILO), năm 2013 mức lương bình quân hàng tháng tại Việt Nam là
197 USD, thấp hơn mức 391 USD của Thái Lan và 613 USD của Trung Quốc.

Trước đó,
Bloomberg cũng đưa ra nhận định kinh tế Việt Nam đang nổi lên tại châu Á như
một điểm đầu tư lý tưởng với lợi thế về nguồn nhân lực trẻ và tốc độ tăng
trưởng ấn tượng. Hãng tin này cho biết, việc các tập đoàn lớn như Samsumg,
Intel, LG… rót vốn xây nhà máy tại Việt Nam đã đưa quốc gia Đông Nam Á này vươn
lên trở thành “con hổ” tiếp theo tại châu Á.

EIU: Nhóm người giàu mới nổi tại Việt Nam đang
tăng nhanh thứ 3 Châu Á

Ngày 1/4,
Bộ phận nghiên cứu Economist Intelligence Unit (EIU) của tạp chí The Economist
công bố báo cáo về nhóm người giàu mới nổi trên toàn thế giới. Đây là những cá
nhân có tài sản trung bình từ 100.000 đến 2 triệu USD.

Trong đó,
Việt Nam được dự đoán là quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh thứ 3 khu vực
Châu Á-Thái Bình Dương về số người giàu mới nổi trong giai đoạn 2014 – 2020,
sau Ấn Độ và Indonesia. EIU cho rằng Việt Nam sẽ có 347 người giàu mới nổi vào
năm 2020; tăng gần 35% so với 57 người hồi năm 2014. Tổng tài sản của nhóm này
sau 5 năm tới sẽ đạt hơn 68 triệu USD; tương ứng 196.000 USD mỗi người.

Báo cáo
cũng đưa ra những triển vọng sáng của kinh tế Việt Nam trong năm 2015, như Việt
Nam tiếp tục là mảnh đất hấp dẫn cho nhóm người giàu mới nổi tăng trưởng trong
vòng 2 thập kỷ tới, trên nền tảng thu nhập và chi tiêu dùng của người dân gia
tăng ổn định, chính sách ổn định giá của Chính phủ…

HSBC: Kinh tế Việt Nam khởi đầu vị thế mạnh…

Trong báo
cáo Kinh tế Vĩ mô – Triển vọng kinh tế vĩ mô Việt Nam số tháng 4/2015
“Đoạn đường dài vẫn còn phía trước”, HSBC nhận định, nhìn bề ngoài,
nền kinh tế Việt Nam khởi động năm 2015 với một vị thế mạnh mẽ. Ngành sản xuất
đã tăng trưởng 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi lĩnh vực dịch vụ cũng có
mức tăng đáng kể 5,8%. Chỉ số GDP quý 1/2015 tăng 6,03% so với năm ngoái phản
ánh chỉ số PMI có mức ổn định tương đối trong 3 tháng qua.

Tuy nhiên
ngân hàng cảnh báo các điều kiện bên ngoài đang diễn biến xấu đi, tạo sức ép
lên hai nguồn thu ngoại tệ chính của Việt Nam. Xuất khẩu mặc dù vẫn còn cao so
với tiêu chuẩn khu vực trong quý I nhưng cũng đã giảm xuống mức 6,4% so với
cùng kỳ năm ngoái (quý I/2014 tăng 12,7%).

Các lô
hàng từ các doanh nghiệp trong nước tiếp tục giảm trong quý vừa rồi càng nêu
bật việc doanh nghiệp Việt Nam đang dần mất năng lực cạnh tranh. Bên cạnh đó,
ngành du lịch cũng đang suy yếu. Trong quý I lượng khách du lịch đến Việt Nam
đã giảm 13,7% so với năm ngoái chỉ đạt mức 2 triệu khách.

ASEAN Stats: Việt Nam đang thu hẹp khoảng cách
với các nước ASEAN

Theo
ASEAN Stats (bộ phận thống kê ASEAN), quy mô nền kinh tế hiện hành của Việt Nam
tương đối thấp so với các nước ASEAN, nhưng mức chênh lệch này ngày càng thu
hẹp đáng kể trong những năm gần đây. Quy mô tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của
Việt Nam năm 2005 chỉ bằng 1/3 Thái Lan, gần 1/2 Singapore, gần 1/5 Indonesia.
Tuy nhiên, đến năm 2013 con số này đã cải thiện đáng kể: bằng 1/2 Thái Lan và
trên 1/2 Singapore.

ASEAN
Stats cho biết, trong lúc các nước phát triển cao như Brunei, Singapore, Thái
Lan và Malaysia đang vật lộn với những khó khăn do khủng hoảng kinh tế, với GDP
tăng trưởng thấp, thậm chí Brunei còn tăng trưởng âm 1,8% , thì Việt Nam vẫn duy
trì được mức tăng trưởng tương đối và đứng thứ 6 trong khu vực, sau Lào,
Campuchia, Philippines, Indonesia và Myanmar.

Việt Nam
đã gia nhập nhóm các nước thu nhập trung bình, với GDP bình quân đầu người tiếp
tục tăng qua từng năm. Trong năm 2013, GDP bình quân đầu người của Việt
Nam tăng tới 9,1%, kém tốc độ tăng 9,2% của Campuchia, nhưng cao hơn so
với các nước khác.

 (Theo Trí thức trẻ)

 

Tin tức liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *