Tạp chí Kế toán & Kiểm toán

Lập dự toán ngân sách trong các trường đại học công lập tự chủ tài chính ở Việt Nam hiện nay

Tiêu đề Lập dự toán ngân sách trong các trường đại học công lập tự chủ tài chính ở Việt Nam hiện nay Ngày đăng 2018-11-23
Tác giả Admin Lượt xem 2539

(Đăng trên Tạp chí Kế toán và Kiểm toán, số T8/2018),…

Nhận: 03/8/2018
Biên tập: 10/8/2018
Duyệt đăng: 12/8/2018

Giáo dục đại học trên thế giới đang trong giai đoạn chuyển biến rất mạnh mẽ, phát triển nhanh chóng cả về quy mô và tính đa dạng. Ngày càng nhiều quốc gia cho phép các trường đại học tự chủ tài chính (TCTC), tự chịu trách nhiệm và chuyển sang cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực nghiên cứu và đào tạo. Đối với các trường ĐHCL thực hiện cơ chế TCTC, kế toán quản trị là một khoa học, nghệ thuật về việc cung cấp, đánh giá và phân tích thông tin kinh tế, tài chính trong quá trình lập dự toán, lập kế hoạch, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát và đưa ra các quyết định trong quản lý, đồng thời đánh giá kết quả hoạt động của trường. Bài viết đề cập đến tình hình TCTC trong các trường ĐHCL ở Việt Nam hiện nay, tầm quan trọng và thực trạng lập dự toán ngân sách của các trường ĐHCL chưa thực hiện TCTC, tìm ra những hạn chế và đề xuất giải pháp cho công tác lập dự toán trong các trường ĐHCL TCTC ở Việt Nam.
Từ khoá: lập dự toán ngân sách, ĐHCL, TCTC
Abstract
University education in the world is in a period of dramatic change, growing rapidly in terms of scale and diversity. More and more countries allow universities to be self-reliant, financially responsible, and move to providing public services in the field of research and training. For colleges and universities implementing financial autonomy, management accounting is a science and the art of providing, evaluating and analyzing economic and financial information in the process of setting up planning, implementation, monitoring, supervision and decision making in management, and evaluation of school performance. The article discusses the situation of TCTC in colleges in Vietnam at present, the importance and current status of budget estimation of universities has not implemented TCTC, find constraints and propose solutions for public Estimation of cost estimation in the universities in Vietnam.
Key words: budget estimation, public university, financial autonomy

1. Thực trạng TCTC trong các trường ĐHCL Việt Nam
Tự chủ đại học bao gồm 4 nội dung chính: Tự chủ về tổ chức; Tự chủ về tài chính; Tự chủ về nhân sự; Tự chủ về học thuật (EUA,2013). Trong các nội dung này, tự chủ về tổ chức và tự chủ về tài chính được xem là những tiền đề quan trọng có khả năng hoàn thiện toàn bộ các nội dung tự chủ khác. TCTC cho phép các trường huy động nguồn lực tài chính và duy trì nguồn lực tài chính, đảm bảo việc tuyển chọn lực lượng học thuật tốt nhất, từ đó phát triển học thuật theo hướng sáng tạo đổi mới theo chiến lược của từng trường đại học (Bảng 1).

Theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ: “Cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công” là các quy định về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính của đơn vị sự nghiệp công. Cơ chế TCTC đóng vai trò quan trọng trong việc đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng dịch vụ giáo dục đào tạo tại các trường ĐHCL, vì những lý do sau: (i) – Việc tự chủ về tài chính sẽ là cơ sở để cân nhắc, cân đối thu – chi ngân sách để có thể sử dụng tiền đầu tư vào các lĩnh vực khác mang lại hiệu quả cho phát triển kinh tế xã hội; (ii) Các trường ĐHCL, khi được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm tài chính đã chủ động sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước giao hiệu quả hơn để thực hiện nhiệm vụ; Đồng thời, chủ động sử dụng tài sản, nguồn nhân lực để phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo điều kiện tăng nguồn thu; (iii) Trường ĐHCL có thể đổi mới phương thức hoạt động, tiết kiệm chi, thu nhập của người lao động đã từng bước được nâng lên.

Đến hết năm học 2016-2017, có 23 trường ĐHCL được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thí điểm tự chủ đổi mới cơ chế hoạt động, theo quy định của Nghị quyết 77/NQ-CP, trong đó Trường Đại học Trà Vinh là trường ĐHCL trực thuộc địa phương đầu tiên thực hiện thí điểm. Trong số đó, có 12 trường ĐHCL có thời gian tự chủ trên 2 năm và 11 trường ĐHCL có thời gian tự chủ dưới 2 năm.

Các trường ĐHCL đã thực hiện TCTC tại Việt Nam bao gồm:
Miền Bắc: ĐH Hà Nội, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Ngoại Thương, ĐH Thương Mại, ĐH Bách Khoa Hà Nội, Học viện Nông nghiệp Hà Nội,…;
Miền Trung: ĐH Kinh tế – ĐH Đà Nẵng;
Miền Nam: ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, ĐH Luật TP Hồ Chí Minh,…
Tại Hội nghị tổng kết thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các trường ĐHCL theo Nghị quyết 77/NQ-CP, tổ chức tại Đại học Kinh tế quốc dân ngày 20/10/2017, các nhà nghiên cứu cho rằng các trường ĐHCL được lựa chọn thí điểm đã bước đầu đạt được một số kết quả đáng khích lệ như sau:
– Giảm bớt các thủ tục hành chính;
– Tăng tính chủ động, linh hoạt trong tổ chức thực hiện hoạt động của nhà trường;
– Một số cơ sở GDĐH có những thành tựu nhất định trong việc thu hút người học và bảo đảm được nguồn thu, được xã hội công nhận;
– Nhiều trường đã chủ động mở ngành và phát triển các chương trình đào tạo theo nhu cầu xã hội;
– Nhiều trường áp dụng phương pháp, nội dung giảng dạy tiên tiến, tiếp cận chuẩn quốc tế;
– Quy mô đào tạo chính quy, đại trà có phần suy giảm nhưng các chương trình tiên tiến, chất lượng cao tăng nhanh.

2. Thực tế công tác lập dự toán ngân sách trong các trường ĐHCL chưa thực hiện TCTC
KTQT là quá trình thu nhận, xử lý và cung cấp thông tin định lượng kết hợp với định tính về các hoạt động của một đơn vị cụ thể. Các thông tin đó giúp các nhà quản trị trong quá trình ra quyết định liên quan đến việc lập kế hoạch, tổ chức thực hiện, kiểm tra và đánh giá tình hình thực hiện các hoạt động của đơn vị nhằm tối đa hoá các mục tiêu. KTQT là công cụ không thể thiếu trong các trường ĐHCL khi chuyển đổi sang mô hình TCTC, giúp cho việc quản lý hoạt động của các trường ĐHCL TCTC đạt hiệu quả cao và có khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Dự toán ngân sách trong trường ĐHCL là những dự kiến chi tiết về tình hình huy động và sử dụng các nguồn lực đầu vào, nhằm đảm bảo cho hoạt động của đơn vị diễn ra một cách bình thường, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của trường ĐHCL. Trong quản trị trường ĐHCL TCTC, lập dự toán chi phí một cách chi tiết, phù hợp với đặc điểm hoạt động của trường sẽ đem lại nhiều lợi ích như:
– Ban quản lý trường ĐHCL có thể xử lý kịp thời các tình huống phát sinh, truyền đạt mục tiêu, kế hoạch, chiến lược của nhà quản trị cấp cao đến tất cả các bộ phận như khoa, bộ môn, trung tâm, viện nghiên cứu,…, báo trước những vấn đề cần giải quyết, những rủi ro và khó khăn trong quá trình thực hiện mục tiêu chung.
– Thông qua công tác dự toán chi, buộc nhà quản trị các cấp phải chú ý đến mục tiêu, chiến lược đào tạo và các yếu tố bên ngoài tác động đến tài chính của trường ĐHCL như: Chính sách quản lý tài chính; Chính sách phát triển GDĐH; Chính sách học phí, học bổng, tín dụng sinh viên; Chính sách liên quan đến thu nhập của người lao động; Chính sách tài chính của các đối thủ cạnh tranh,…;
– Dự toán chi phí tạo thước đo chuẩn mực cho việc đánh giá việc thực thi mọi hoạt động và đánh giá mức tiết kiệm chi của các bộ phận của trường ĐHCL.
Việc lập dự toán ngân sách của các trường ĐHCL chưa TCTC hiện nay thực hiện theo các quy định của pháp luật về quản lý thu, chi ngân sách; trên cơ sở nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ NSNN; quán triệt chủ trương triệt để tiết kiệm, chống lãng phí ngay từ khâu lập dự toán.
Các chỉ tiêu dự toán thường được lập tại các trường ĐHCL hiện nay bao gồm:
– Dự toán thu: Dự toán thu hoạt động đào tạo, tự toán thu các hoạt động liên kết đào tạo, dự toán kết quả hoạt động sự nghiệp có thu, dự toán thu hoạt động khác,…
– Dự toán chi: Dự toán lương và các khoản thu nhập theo lương; Dự toán hướng dẫn chuyên đề, khoá luận, luận án; Dự toán chi NSNN cho đoàn ra, đoàn vào; Dự toán kinh phí sách thư viện, tạp chí; Dự toán kinh phí mua sắm, sửa chữa tài sản.
Một số hạn chế trong công tác lập dự toán ngân sách trong các trường ĐHCL chưa thực hiện TCTC hiện nay:
– Dự toán còn dựa nhiều vào con số thu, chi quá khứ cùng kỳ rồi ước tính ra số liệu dự toán cho năm kế hoạch, chưa bám sát vào chức năng, nhiệm vụ để đưa ra hoạt động cụ thể cho trường. Chính vì điều này nên dự toán của các trường ĐHCL trước khi thực hiện TCTC thường mang tính hình thức, chưa đạt được chức năng dự báo các vấn đề sẽ phát sinh trong thực tiễn của trường.
– Việc lập dự toán trong các trường ĐHCL trước khi thực hiện TCTC phần lớn dựa vào kinh nghiệm thực tiễn qua các năm mà chưa có sự nhận định xu hướng của lĩnh vực đào tạo trong tương lai.
– Việc lập dự toán thu và dự toán chi được thực hiện theo quy định của Nhà nước, chi tiết theo các mục thu và nội dung chi của Mục lục NSNN, chưa bao quát các nội dung thu và nhiệm vụ chi theo thực tế của trường ĐHCL.
– Dự toán phần lớn được lập bởi phòng kế toán mà chưa có sự kết hợp với các bộ phận khác nhau trong trường ĐHCL.
Công tác lập dự toán chưa thực sự được xem xét kỹ lưỡng, một phần xuất phát từ nguyên nhân chưa coi trọng công tác lập kế hoạch và công tác phân tích, thông tin cung cấp chưa thực sự cụ thể và phù hợp cho việc lập dự toán.

3. Giải pháp cho việc lập dự toán ngân sách trong các trường ĐHCL trong điều kiện TCTC
Các yêu cầu khi lập dự toán ngân sách trong trường ĐHCL tự chủ tài chính:
– Đối với dự toán thu, phải xác định đầy đủ các nguồn thu theo chế độ quy định (kể cả các nguồn thu viện trợ) và theo thực tế hoạt động của trường ĐHCL;
– Số liệu dự toán chi phải được tính toán theo đúng phương pháp, có cơ sở khoa học, tính toán đầy đủ mọi công việc theo kế hoạch công tác trong năm;
– Phản ánh đầy đủ các khoản chi theo đúng chế độ, tiêu chuẩn, quy định trần của cơ quan có thẩm quyền ban hành;
– Dự toán thu và chi phải căn cứ vào các hoạt động theo nhiệm vụ Nhà nước giao và các hoạt động sản xuất, kinh doanh của trường ĐHCL; Chính sách của Nhà nước về chế độ, tiêu chuẩn, định mức quy định hiện hành; Tình hình thu và chi của trường các năm trước; Tình hình hoạt động hiện tại của trường và phương hướng, kế hoạch hoạt động trong năm để tính toán; Quy chế chi tiêu nội bộ, quy mô đào tạo, số lượng người lao động của trường; Ngoài ra, không thể không kể đến các yếu tố khách quan bên ngoài tác động.
– Dự toán về giá trị được xây dựng dựa trên định mức về lượng (hiện vật và lao động) bao gồm dự toán thu và dự toán chi cho các hoạt động thường xuyên theo chức năng, nhiệm vụ được giao và các hoạt động dự kiến phát sinh trong năm kế hoạch.

Phương pháp lập dự toán:
Bước 1: Đánh giá tình hình thực hiện dự toán năm báo cáo: Trường ĐHCL cần đánh giá tình hình thực hiện dự toán năm báo cáo bằng cách phân tích ưu điểm, nhược điểm, những thuận lợi, khó khăn và tìm ra nguyên nhân khách quan, chủ quan tác động tới. Trên cơ sở đó cơ sở khoa học và căn cứ thực tiễn để xây dựng dự toán cho năm kế hoạch;
Bước 2: Xác định và tính toán các chỉ tiêu năm kế hoạch: Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, khối lượng công tác trong năm, các chỉ tiêu kế hoạch được giao và tình hình thực tiễn tại trường ĐHCL để xác định các chỉ tiêu.
– Đối với dự toán thu chủ yếu bao gồm: Dự toán NSNN cấp cho chi thường xuyên (đối với các trường ĐHCL Nhà nước đảm bảo chi thường xuyên hoặc một phần chi thường xuyên); Dự toán thu từ hoạt động dịch vụ sự nghiệp giáo dục đào tạo và NCKH của trường ĐHCL; Dự toán thu từ nguồn NSNN đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công; Dự toán thu phí, lệ phí được để lại chi theo quy định; Dự toán thu từ NSNN hỗ trợ phần chi phí chưa kết cấu trong giá, phí dịch vụ sự nghiệp công; Dự toán thu NSNN cấp cho các nhiệm vụ không thường xuyên; Dự toán thu từ nguồn vốn vay, viện trợ…
– Đối với dự toán chi chủ yếu bao gồm:
+ Dự toán chi phí hoạt động: Dự toán chi cho cá nhân; Dự toán chi về hàng hoá, dịch vụ; Dự toán chi nghiệp vụ chuyên môn; Dự toán chi sửa chữa thường xuyên TSCĐ và duy tu bảo dưỡng công trình cơ sở hạ tầng; Dự toán trích lập vào các quỹ; Dự toán chi khác;
+ Dự toán chi đầu tư phát triển: Dự toán chi đầu tư tài sản vô hình; Dự toán chi đầu tư xây dựng cơ bản.
Bước 3: Lên hồ sơ dự toán: Sau khi tính toán chi tiết các nội dung thu nhập và chi phí, trường ĐHCL phải lên hồ sơ dự toán theo quy định hiện hành, bao gồm: các biểu mẫu phản ánh số liệu, bảng thuyết minh giải thích số liệu và các biểu mẫu đính kèm.
Bộ phận thực hiện lập dự toán:
Dự toán được thực hiện bởi phòng kế toán kết hợp với các bộ phận chức năng trong trường ĐHCL (bộ phận quản trị thiết bị, phòng tổ chức cán bộ, các khoa, bộ môn, phòng đào tạo).
Chấp hành dự toán:
Là việc tổ chức thực hiện dự toán năm, nhằm biến các chỉ tiêu thu, chi trong dự toán năm kế hoạch thành hiện thực.
Quyết toán:
Là việc trường ĐHCL tổng kết lại tình hình thực hiện dự toán đã lập, nhằm đánh giá toàn bộ kết quả hoạt động của trường ĐHCL.
Quy trình lập dự toán:
Hàng năm, căn cứ vào nhiệm vụ được giao, các phòng chức năng của trường ĐHCL tự chủ tài chính phải lập dự toán chi tiết, từ đó cung cấp số liệucho phòng kế toán để tổng hợp lại và gửi lên Ban Giám hiệu, Hội đồng trường xem xét, quyết định. Việc lập dự toán cần có sự phối hợp chặt chẽ về mặt kinh tế, kỹ thuật giữa các bộ phận chức năng của trường ĐHCL.
Nội dung lập dự toán:
Lập dự toán theo đúng quy trình và đầy đủ nội dung thu, chi.
Để thực hiện được việc phân tích biến động chi phí thực sự đem lại hiệu quả quản lý cho Ban Giám hiệu và Hội đồng trường có những nhận định đúng đắn về tình hình tài chính của trường, đòi hỏi việc lập dự toán bao gồm đầy đủ các chỉ tiêu thu, chi theo Mục lục NSNN và nội dung thu, chi theo thực tế phát sinh của trường ĐHCL. Ví dụ: Phòng đào tạo lập dự toán về số lượng sinh viên các bậc, hệ, ngành đào tạo, lưu học sinh trong năm kế hoạch; Phòng Tổ chức cán bộ lập dự toán về số lượng cán bộ, viên chức trong trường ĐHCL và các khoản chi trả theo quy định của Nhà nước cho người lao động trong năm kế hoạch như: Ngạch bậc lương, phụ cấp lương, các khoản đóng góp theo lương; Dự kiến về mức tăng, giảm của số lượng CBVC và các chỉ tiêu ngạch, bậc, hệ số, thời gian công tác; Viện Nghiên cứu khoa học lập dự toán thu về kinh phí thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, dự toán kinh phí cho năm kế hoạch, thu từ các dự án thử nghiệm, từ vật tư, thiết bị còn lại sau khi dự án kết thúc, thu từ các hợp đồng nghiên cứu khoa học với các tổ chức, cá nhân bên ngoài; Dự toán chi thực hiện các dự án nghiên cứu khoa học, chi tăng cường năng lực nghiên cứu, trang thiết bị, chi hoạt động đối với quản lý khoa học; Phòng Quản trị thiết bị lập dự toán về trang thiết bị, cơ sở vật chất như hội trường, phòng học, thư viện, phòng thí nghiệm, trung tâm thực hành, nhà tập thể chất, sân bãi tập, sân bãi trông giữ xe; Phòng Kế toán lập dự toán tổng hợp về kết quả hoạt động sự nghiệp có thu về tổng số thu, các khoản phải nộp (NSNN, đơn vị dự toán cấp trên), tổng số chi, số chênh lệch thu – chi trong kỳ, số được phân phối trong kỳ (bổ sung nguồn kinh phí, trích lập các quỹ) và số chưa phân phối còn lại chuyển sang kỳ sau.

Một số giải pháp khác:
– Các trường ĐHCL cần lập dự toán linh hoạt dựa trên nhiều mức độ hoạt động của trường ĐHCL thay vì một mức hoạt động cố định, để có thể dự báo chi phí và thu nhập theo nhiều mức độ khác nhau.
– Phân bổ dự toán theo thời gian: Thay vì lập dự toán cho cả năm ngân sách như hiện nay, để có thể thực hiện được mục tiêu và kiểm soát dễ dàng hơn, các trường ĐHCL tự chủ tài chính có thể lập dự toán cho tháng, quý. Điều này giúp các trường chủ động trong các khoản chi, kiểm soát được tiến độ các khoản thu, chi, điều chỉnh được kịp thời các khoản chi có khả năng lãng phí./.

Tài liệu tham khảo

1. Chính phủ (2014), Nghị quyết số 77/2014/NQ-CP, ngày 24/10/2014, Thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục ĐHCL, giai đoạn 2014 – 2017;
2. Chính phủ (2015), Nghị định số 16/2015/NĐ-CP, ngày 14/2/2015, Quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập;
5. https://www.moet.gov.vn
6. https://www.university-autonomy.eu

Tin tức liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *