Tạp chí Kế toán & Kiểm toán

Một số ý kiến về việc áp dụng giá trị hợp lý khi lập và trình bày báo cáo tài chính tại các công ty chứng khoán tại Việt Nam

Tiêu đề Một số ý kiến về việc áp dụng giá trị hợp lý khi lập và trình bày báo cáo tài chính tại các công ty chứng khoán tại Việt Nam Ngày đăng 2019-01-16
Tác giả Admin Lượt xem 1926

(Đăng trên Tạp chí Kế toán và Kiểm toán, số T10/2018)

Nhận: 24/8/2018
Biên tập: 05/9/2018
Duyệt đăng: 28/9/2018

1. Khái quát về việc áp dụng giá trị hợp lý trong kế toán
– Trên thế giới, giá trị hợp lý bắt đầu trở thành cơ sở tính giá trong kế toán từ cuối những năm 1990. Thuật ngữ giá trị hợp lý được giới thiệu lần đầu vào tháng 6/2001 do FASB trong chuẩn mực báo cáo tài chính (SFAS) 141- Hợp nhất kinh doanh và trong chuẩn mực SFAS 142, lợi thế thương mại và chuẩn mực tài sản vô hình khác. Năm 2011, IASB công bố chuẩn mực IFRS 13 – Xác định giá trị hợp lý đã chính thức được ban hành, hướng dẫn chi tiết về cách xác định giá trị hợp lý trong hạch toán kế toán. Theo IFRS 13 – Xác định giá trị hợp lý của IASB thì khái niệm giá trị hợp lý có sự thay đổi. Theo đó, giá trị hợp lý là giá sẽ nhận được khi bán một tài sản hoặc được thanh toán một khoản nợ phải trả trong một giao dịch có trật tự giữa các thành phần tham gia thị trường tại ngày xác định.
– Lợi ích của việc áp dụng giá trị hợp lý trong kế toán thể hiện qua một số điểm sau:
Thứ nhất, kế toán theo giá trị hợp lý cung cấp thông tin về tình hình tài chính phù hợp với giá thị trường tại thời điểm báo cáo. Doanh nghiệp phải cập nhật sự thay đổi giá trị tài sản, nợ phải trả thường xuyên dựa trên giá thị trường.
Thứ hai, kế toán theo giá trị hợp lý cung cấp các thông tin tài chính có khả năng so sánh giữa các doanh nghiệp tương tự trên cùng một mặt bằng giá tại một thời điểm nhất định.
Thứ ba, kế toán theo giá trị hợp lý cung cấp thông tin đáng tin cậy hơn cho các đối tượng sử dụng ngoài doanh nghiệp như cổ đông, những tổ chức cung cấp tín dụng nên xu thế kế toán mới chuyển nhiều khoản mục trên Báo cáo tài chính (BCTC) sang ghi nhận theo giá trị hợp lý.
Thứ tư, thu nhập hoặc chi phí do thay đổi giá trị hợp lý của tài sản, nợ phải trả được báo cáo kịp thời là một thông tin kinh tế quan trọng không chỉ đối với chủ doanh nghiệp mà cả các đối tượng sử dụng thông tin bên ngoài doanh nghiệp.
Thứ năm, trong điều kiện có thị trường hoạt động cho tài sản và nợ phải trả thì việc xác định giá trị hợp lý của hầu hết các tài sản và nợ phải trả là khách quan và đáng tin cậy.

Ở Việt Nam, tất các doanh nghiệp đều lập và trình bày BCTC theo giá gốc. Đối với các doanh nghiệp như các công ty chứng khoán có các khoản đầu tư là các chứng khoán niêm yết trên thị trường chứng khoán có giá biến động hàng ngày nhưng trên BCTC không phản ánh kịp thời theo giá thị trường biến động dẫn đến tình trạng người sử dụng BCTC như nhà đầu tư, tổ chức tín dụng, chủ nợ không có đầy đủ thông tin về tình hình tài chính của các doanh nghiệp đó. Để tháo gỡ các vấn đề bất cập này, Luật Kế toán số 88/2015/QH13 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017 đã quy định một số nội dung mới về giá trị hợp lý. Tại Điều 6, Luật Kế toán quy định: Giá trị tài sản và nợ phải trả được ghi nhận ban đầu theo giá gốc. Sau ghi nhận ban đầu, đối với một số loại tài sản hoặc nợ phải trả mà giá trị biến động thường xuyên theo giá thị trường và giá trị của chúng có thể xác định lại một cách đáng tin cậy thì được ghi nhận theo giá trị hợp lý tại thời điểm cuối kỳ lập BCTC. Như vậy, từ 2017 khi Luật Kế toán có hiệu lực áp dụng, thì các doanh nghiệp có thể áp dụng giá trị hợp lý để lập và trình bày BCTC.

Tuy nhiên, hệ thống 26 chuẩn mực kế toán Việt Nam chưa có quy định liên quan đến việc ghi nhận và trình bày về giá trị hợp lý trên BCTC. Khái niệm giá trị hợp lý đề cập trong một số chuẩn mực kế toán Việt Nam hiện nay là giá trị tài sản có thể trao đổi hoặc giá trị một khoản nợ được thanh toán một cách tự nguyện giữa các bên có đầy đủ hiểu biết trong sự trao đổi ngang giá. Trong quy định nội dung chuẩn mực thì giá trị hợp lý chủ yếu chỉ được sử dụng trong việc ghi nhận ban đầu như xác định giá phí hợp nhất kinh doanh, ghi nhận ban đầu đối với doanh thu, tài sản cố định hay xác định giá trị trao đổi. Hiện nay, hệ thống CMKT chưa có quy định về việc ghi nhận sau ban đầu và việc đánh giá lại giá trị tài sản và nợ phải trả tại ngày lập BCTC.

2. Hướng dẫn áp dụng giá trị hợp lý tại các công ty chứng khoán ở Việt Nam

Kể từ 1/1/2017, các công ty chứng khoán là các doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam áp dụng giá trị hợp lý trong việc lập và trình bày BCTC theo quy định tại Thông tư 210/2014/TT-BTC ngày 30/12/2014 và được sửa đổi, bổ sung và thay thế phụ lục 02 và 04 bằng Thông tư 334/2016/TT-BTC ngày 27/12/2016. Theo quy định của Thông tư 210 và Thông tư 334, hệ thống báo cáo của công ty chứng khoán có quy định về việc áp dụng giá trị hợp lý cụ thể như sau:

* Báo cáo tình hình tài chính (B01 – CTCK)
Một số chỉ tiêu trên báo cáo tình hình tài chính quy định áp dụng theo giá trị hợp lý như sau:
– Các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi /lỗ: Mọi khoản lãi hoặc lỗ phát sinh từ việc thay đổi giá trị của các tài sản tài chính này được phân loại vào nhóm ghi nhận theo giá trị thông qua lãi hoặc lỗ và được ghi nhận trên Báo cáo kết quả hoạt động. – Các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn: Nếu có bất kỳ bằng chứng nào về giảm giá trị của nhóm khoản đầu tư này thì CTCK sẽ phải xác định giá trị của bất kỳ khoản lỗ do suy giảm giá trị của nhóm tài sản tài chính này và ghi nhận lỗ suy giảm giá trị của các tài sản tài chính nắm giữ đến ngày đáo hạn ghi nhận vào Báo cáo thu nhập toàn diện – Phần lãi /lỗ.
– Tài sản tài chính sẵn sàng để bán: Mọi khoản lãi hoặc lỗ phát sinh từ một tài sản tài chính sẵn sàng để bán khi đánh giá theo giá trị hợp lý sẽ được ghi nhận trực tiếp vào vốn chủ sở hữu (Thu nhập toàn diện khác), thông qua việc ghi nhận trên Báo cáo biến động vốn chủ sở hữu.
– Tài sản cố định, tài sản cố định thuê tài chính, tài sản cố định vô hình, bất động sản đầu tư: Các chỉ tiêu này phản ánh giá trị đánh giá lại và suy giảm giá trị của các loại tài sản cố định của doanh nghiệp tại thời điểm báo cáo trên cơ sở mô hình định giá tài sản do các tổ chức thẩm định giá tài sản xác định. Khi giá trị TSCĐ bị suy giảm so với giá trị thị trường, cần xác định giá trị suy giảm giá trị TSCĐ và ghi nhận giá trị suy giảm của TSCĐ để ghi nhận tăng, giảm vào Tài khoản Chênh lệch đánh giá lại theo giá trị hợp lý.
– Nợ tài chính theo giá trị hợp lý thông qua lãi lỗ: Ghi nhận ban đầu theo giá trị hợp lý. Thay đổi giá trị hợp lý được ghi nhận vào báo cáo lãi lỗ.

* Phương pháp lập và trình bày Báo cáo kết quả hoạt động
Quy định cụ thể việc áp dụng giá trị hợp lý trên một số chỉ tiêu trên Báo cáo Kết quả hoạt động thể hiện qua một số chỉ tiêu chính sau:
Phần I – Lãi, lỗ
– Lãi /Lỗ từ các công cụ tài chính ghi nhận thông qua lãi /lỗ;
– Chênh lệch tăng / Chênh lệch giảm về đánh giá lại các công cụ tài chính;
– Lãi / Lỗ từ các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn;
– Lãi / Lỗ từ tài sản tài chính sẵn sàng để bán;
– Lãi /Lỗ từ các công cụ tài chính phái sinh phòng ngừa rủi ro.
Phần II – Thu nhập (lỗ) toàn diện khác sau thuế TNDN
– Lãi /Lỗ từ đánh giá lại tài sản tài chính sẵn sàng để bán;
– Lãi /lỗ đánh giá lại tài sản cố định theo mô hình giá trị hợp lý.
* Phương pháp lập và trình bày Báo cáo lưu chuyển tiền tệ
Quy định việc áp dụng giá trị hợp lý trên một số chỉ tiêu trên Báo cáo lưu chuyển tiền tệ theo phương pháp gián tiếp thể hiện qua một số chỉ tiêu chính sau:
– Lãi /Lỗ đánh giá lại giá trị các công cụ tài chính ghi nhận thông qua lãi /lỗ;
– Lãi /Lỗ suy giảm giá trị các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn;
– Lãi /Lỗ về ghi nhận chênh lệch đánh giá theo giá trị hợp lý TSTC sẵn sàng để bán khi phân loại lại.

* Báo cáo tình hình biến động vốn chủ sở hữu (B04 – CTCK)
Quy định việc áp dụng giá trị hợp lý trên một số chỉ tiêu trên Báo cáo thay đổi vốn chủ sở hữu thể hiện qua một số chỉ tiêu chính sau:
– Chênh lệch đánh giá lại tài sản theo giá trị hợp lý;
– Lãi / lỗ từ đánh giá lại các TSTC sẵn sàng để bán;
– Lãi lỗ đánh giá lại tài sản theo mô hình giá trị hợp lý.

3. Thực trạng áp dụng tại các công ty chứng khoán ở Việt Nam
Trên thực tế, các công ty chứng khoán khi áp dụng giá trị hợp lý để lập và trình bày BCTC còn nhiều khó khăn và hạn chế thể hiện qua các khía cạnh sau:
– Các công ty chỉ xác định giá trị hợp lý cho các tài sản và nợ phải trả tài chính niêm yết trên thị trường chứng khoán, còn các tài sản và nợ phải trả tài chính chưa niêm yết thì việc xác định giá trị hợp lý rất khó khăn. Do đó, hầu hết các tài sản và nợ phải trả tài chính chưa niêm yết thì theo giá gốc.
– Đối với các tài sản cố định hữu hình, vô hình. Các công ty không ghi nhận và đánh giá lại theo giá trị đánh giá lại và không ghi nhận lỗ tổn thất do chưa có các hướng dẫn cụ thể để có thể xác định giá trị hợp lý.

Khó khăn khi áp dụng giá trị hợp lý:
– Thiếu thông tin của giá thị trường làm tham chiếu để xác định giá trị hợp lý của tài sản và nợ phải trả. Thị trường hoạt động (active market) của Việt Nam chưa đủ mạnh, các căn cứ phục vụ cho việc xác định giá trị hợp lý của một số tài sản và nợ phải trả chưa thực sự đáng tin cậy, nhất là trong bối cảnh tính tuân thủ luật pháp của một bộ phận doanh nghiệp chưa cao, dẫn đến tình trạng cố tình bóp méo các thông tin được công bố theo ý định chủ quan của người quản lý, điều hành phát sinh từ việc thực hiện các ước tính kế toán một cách không trung thực.
– Chất lượng thẩm định giá của các công ty thẩm định giá ở Việt Nam còn nhiều bất cập là một trong những khó khăn trong tiến trình áp dụng giá trị hợp lý ở Việt Nam.
– Bản thân các doanh nghiệp chưa xây dựng được đội ngũ nghiệp vụ chuyên nghiệp có thể tự xác định được các công cụ tài chính một cách đáng tin cậy.
– Do IFRS yêu cầu một số kỹ thuật cao, như việc thực hiện các ước tính về giá trị hợp lý, giá trị có thể thu hồi, tổn thất tài sản, xác định giá trị hiện tại của dòng tiền tương lai… nên về cơ bản việc áp dụng giá trị hợp lý chỉ phù hợp với những doanh nghiệp có quy mô lớn, công tác kế toán được thực hiện bài bản, nề nếp. Thông thường các quốc gia trên thế giới thường chỉ bắt buộc các đơn vị có lợi ích công chúng còn các doanh nghiệp khác chỉ khuyến khích áp dụng.

4. Một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các công ty khi áp dụng giá trị hợp lý
– Về cập nhật hệ thống chuẩn mực kế toán: Việc cập nhật các chuẩn mực kế toán Việt Nam, trong đó có các chuẩn mực liên quan đến giá trị hợp lý là rất cần thiết để giải quyết khó khăn cho các doanh nghiệp khi áp dụng giá trị hợp lý tại Việt Nam. Các vấn đề lớn liên quan đến giá trị hợp lý như: Xác định giá trị hợp lý, tổn thất do suy giảm giá trị tài sản, công cụ tài chính,…. cần được ban hành và áp dụng ở Việt Nam. Ngoài ra, cần cập nhật, bổ sung quy định cho phép doanh nghiệp lựa chọn mô hình giá gốc hoặc mô hình đánh giá lại sẽ yêu cầu làm rõ căn cứ để đánh giá lại và ghi nhận chênh lệch giữa giá trị còn lại và giá đánh giá lại.

– Phát triển thị trường hoạt động để xác định giá trị hợp lý: Thị trường chứng khoán Việt Nam là cơ sở xác định giá hợp lý của các cổ phiếu niêm yết trên thị trường. Đối với các tài sản và nợ phải trả chưa có giá tham chiếu trên thị trường thì sử dụng dịch vụ thẩm định giá. Phát triển thị trường dịch vụ thẩm định giá ở Việt Nam nhằm tăng cường chất lượng thẩm định giá phù hợp theo thông lệ quốc tế.

– Phát triển đội ngũ cán bộ xác định giá trị tài sản: Bản thân các doanh nghiệp đang chủ động xây dựng đội ngũ cán bộ tự tiến hành thẩm định giá các tài sản. Đào tạo các cán bộ có đủ năng lực để thực hiện xác định giá trị hợp lý của tài sản và nợ phải trả một cách đáng tin cậy./.

Tin tức liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *