Nghiên cứu trao đổi

Nâng cao hiệu quả ban hành và thực hiện chính sách, pháp luật về kinh tế tập thể

Tiêu đề Nâng cao hiệu quả ban hành và thực hiện chính sách, pháp luật về kinh tế tập thể Ngày đăng 2021-09-06
Tác giả Admin Lượt xem 1419

{Bài viết đăng trên Tạp chí Kế toán và Kiểm toán (ISSN 1859 – 1914), số 212, Tháng 5/2021 của TS. Nguyễn Minh Sơn – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội và ThS. Trần Vũ Thanh – Vụ Kinh tế Quốc hội}.

Qua phân tích tình hình ban hành và thực hiện chính sách, pháp luật về kinh tế tập thể, các tác giả đã chỉ ra kết quả tích cực, những mặt còn tồn tại, hạn chế trong ban hành cũng như trong quá trình thực hiện để kịp thời kiến nghị sửa đổi, hoàn thiện chính sách, pháp luật, nhất là pháp luật về hợp tác xã. Góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về kinh tế tập thể.
Từ khóa: Chính sách và pháp luật, kinh tế tập thể, hợp tác xã.



1. Tình hình ban hành chính sách, pháp luật về KTTT
1.1. Đường lối, chủ trương của Đảng về phát triển KTTT
Kinh tế tập thể (KTTT) mà nòng cốt là hợp tác xã (HTX) là thành phần kinh tế quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, đóng góp không nhỏ trong thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Đồng thời, là đầu mối tổ chức sản xuất, xác lập quan hệ sản xuất mới, giải quyết vấn đề lao động, việc làm, tăng thu nhập cho thành viên và người lao động, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Khuyến khích phát triển KTTT luôn là nội dung được quan tâm sâu sắc, khẳng định trong đường lối, chủ trương của Đảng. Ngày 18/3/2002, Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Khóa IX đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 13-NQ/TW), nhấn mạnh: “Tiếp tục phát triển KTTT trong các ngành, lĩnh vực, địa bàn, trong đó trọng tâm là ở khu vực nông nghiệp, nông thôn. Phát triển KTTT trong nông nghiệp, nông thôn phải trên cơ sở bảo đảm quyền tự chủ của kinh tế hộ, trang trại, hỗ trợ đắc lực cho kinh tế hộ, trang trại phát triển; Gắn với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; Không ngừng phát triển sức sản xuất, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế”. Quá trình thực hiện Nghị quyết cho thấy đã đạt nhiều kết quả quan trọng, tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí của KTTT trong nền kinh tế quốc dân.

Để tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 56-KL/TW, ngày 21/2/2013 và Kết luận số 70-KL/TW, ngày 09/3/2020 về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, Khoá IX. Các kết luận của Bộ Chính trị đã chỉ rõ những mặt làm được, những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện và đề ra những định hướng lớn, quan trọng thúc đẩy KTTT tiếp tục phát triển và đóng góp quan trọng hơn, trong những giai đoạn tiếp theo.

1.2. Việc xây dựng, ban hành chính sách, pháp luật về KTTT
Thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, Quốc hội đã ban hành Luật HTX năm 2003, Luật HTX năm 2012; cùng với nhiều chính sách ưu đãi của Nhà nước đã tạo hành lang pháp lý tương đối đầy đủ cho HTX phát triển. Bản chất HTX dần được khẳng định, thể hiện tư duy mới về HTX, góp phần hoàn thiện quan hệ sản xuất, phù hợp với cơ chế thị trường.

Trong giai đoạn 2003- 2012, triển khai Luật HTX năm 2003, Chính phủ đã ban hành 34 Nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 25 Quyết định và 04 Chỉ thị thi hành pháp luật đối với KTTT, HTX. Các Bộ, ngành ban hành 54 Thông tư, 24 Quyết định, 3 Chỉ thị về lĩnh vực HTX.

Luật HTX năm 2003, cùng các văn bản hướng dẫn thi hành đã thể chế hóa quan điểm mới của Nghị quyết 13-NQ/TW, giúp cho việc tổ chức lại và khuyến khích thành lập mới HTX trên toàn quốc. Theo đó, HTX được thành lập dựa trên sở hữu của các xã viên và sở hữu tập thể, hoạt động theo nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm; Phân định rõ hơn chức năng của ban quản trị và chức năng điều hành của Chủ nhiệm HTX; Tiếp tục đơn giản hóa và minh bạch thủ tục thành lập và đăng ký kinh doanh; Mở rộng đối tượng là các pháp nhân, cán bộ, công chức có thể tham gia HTX. Việc triển khai Luật HTX năm 2003, đã đóng góp nhất định trong việc phát triển HTX, góp phần vào việc hoàn thiện quan hệ sản xuất và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện, Luật HTX năm 2003 đã bộc lộ một số hạn chế như: Chưa thể hiện rõ bản chất tổ chức HTX với các giá trị và nguyên tắc tổ chức, hoạt động của HTX; Chưa làm rõ đặc trưng khác biệt so với HTX kiểu cũ, các loại hình doanh nghiệp và tổ chức khác; Chưa thể hiện rõ nội hàm hợp tác của tổ chức HTX là phục vụ và mang lại lợi ích cho xã viên với tư cách vừa là người chủ vừa là khách hàng của HTX. Tình hình thực tiễn đòi hỏi khung pháp luật về HTX cần được sửa đổi, bổ sung phù hợp với kinh nghiệm quốc tế và đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Năm 2012, Luật HTX mới được ban hành, cơ bản đã thể chế hóa đầy đủ quan điểm về bản chất tổ chức HTX đã được đề ra trong Nghị quyết số 13-NQ/TW, đã được tiếp thu kinh nghiệm phổ biến trên thế giới và phù hợp với xu hướng mới phát triển HTX ở nước ta. Từ khi Luật HTX năm 2012 có hiệu lực, Chính phủ đã ban hành 29 Nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 17 Quyết định và 03 Chỉ thị; các Bộ, ngành ban hành 35 Thông tư, 19 Quyết định, 4 Chỉ thị và nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện.

Bên cạnh đó, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 32/2016/QH14, ngày 23/11/2016 về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, trong đó đã yêu cầu xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi, tạo môi trường thuận lợi cho các HTX nông nghiệp phát triển; thúc đẩy và nhân rộng mô hình liên doanh, liên kết có hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.

Từ sau khi Luật HTX năm 2012 có hiệu lực thi hành, nhiều chính sách hỗ trợ phát triển HTX cũng đã được ban hành như chính sách hỗ trợ chung về đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; Xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; Ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới; Tiếp cận vốn và Quỹ hỗ trợ phát triển HTX; Tạo điều kiện tham gia các chương trình mục tiêu, chương trình phát triển kinh tế – xã hội; Thành lập mới HTX, Liên hiệp HTX (LHHTX). Bên cạnh đó, các HTX nông nghiệp còn có những chính sách hỗ trợ, ưu đãi riêng về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đất đai, tín dụng, vốn, giống, chế biến sản phẩm. Ngoài ra, các HTX còn được hưởng các chính sách hỗ trợ khác như chính sách bảo hiểm xã hội, y tế, tài sản, mùa màng, hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của HTX với doanh nghiệp,… Các chính sách hỗ trợ phát triển HTX bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực.

Đối với khu vực Tổ hợp tác (THT), để tạo điều kiện cho khu vực THT phát triển, Quốc hội đã ban hành Bộ Luật Dân sự số 33/2005/QH11 (từ Điều 111 đến Điều 120), Chính phủ ban hành Nghị định số 151/2007/NĐ-CP, ngày 10/10/2007 về tổ chức và hoạt động của THT. Tiếp đó, Quốc hội ban hành Bộ Luật Dân sự số 90/2015/QH13, ngày 21/11/2015 thay thế Bộ Luật Dân sự năm 2005, quy định về THT (từ Điều 101 đến Điều 104 Chương VI, Điều 504 đến Điều 512 Chương XVI).

Nhìn chung, hệ thống chính sách, pháp luật được xây dựng và ban hành ngày càng hoàn thiện, tạo khung pháp lý quan trọng để tổ chức thực hiện hiệu quả hơn KTTT, HTX.

2. Đánh giá tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về KTTT

2.1. Tác động tích cực
Thứ nhất: nhận thức về KTTT nói chung, về HTX nói riêng đã có chuyển biến tích cực và được nâng lên rõ rệt.
Việc tuyên truyền, phổ biến và xây dựng các mô hình HTX hoạt động theo Luật HTX đã giúp cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nắm rõ hơn về mô hình tổ chức, hoạt động của các HTX và dần xóa bỏ được mặc cảm về mô hình HTX kiểu cũ thời bao cấp. Từ chỗ chưa nhận thức đầy đủ, thống nhất về bản chất tổ chức HTX đến nay đã từng bước hiểu rõ bản chất HTX là phục vụ và đem lại lợi ích thành viên, thấy được vai trò, vị trí, tính tất yếu khách quan của KTTT, HTX trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; KTTT từng bước đổi mới gắn với cơ chế thị trường.

Cùng với việc đưa chỉ tiêu phát triển HTX vào tiêu chí xây dựng nông thôn mới và tuyên truyền, nhân rộng các mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới hoạt động hiệu quả. Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia liên kết của các doanh nghiệp cung ứng sản phẩm đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra tạo thành chuỗi liên kết giá trị trong sản xuất nông nghiệp, tạo tiền đề cho phát triển kinh tế hợp tác, HTX trong sản xuất nông nghiệp, KTTT, kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố, phát triển.

Thứ hai: khu vực KTTT, HTX đã có bước phát triển cả về lượng và chất, cơ bản khắc phục được tình trạng yếu kém kéo dài. HTX trong lĩnh vực nông nghiệp có nhiều tiềm năng phát triển.

Tổng số vốn hoạt động của HTX năm 2020 đạt 113.843 tỷ đồng, tăng khoảng 59.000 tỷ đồng (tương đương 107%) so với năm 2011. Tổng giá trị tài sản của HTX ước đạt 55.777 tỷ đồng, tăng 25.500 tỷ đồng (tương đương 84%) so với năm 2011. Doanh thu bình quân của một HTX thực hiện năm 2020 đạt 4.387 triệu đồng/HTX, tăng 2.355 triệu đồng (khoảng 116%) so với năm 2011, tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2011-2020, đạt 8,92%/năm. Lãi bình quân của một HTX tăng từ 156 triệu đồng/HTX/năm 2011 lên 314 triệu đồng/HTX/năm 2020, tăng 158 triệu đồng/HTX/năm (tương đương 101%) so với năm 2011, tốc độ tăng trưởng bình quân tăng 8%/năm. Thu nhập bình quân của một lao động thường xuyên trong HTX tăng từ 20 triệu đồng năm 2011 lên 51 triệu đồng năm 2020, tăng khoảng 32 triệu/đồng, tương đương tăng 160%, tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2011-2020 khoảng 11,2%. Đóng góp của khu vực HTX vào GDP của cả nước, trung bình khoảng 3,9%/năm. Bên cạnh những đóng góp về mặt kinh tế, khu vực KTTT, HTX còn có vai trò rất quan trọng trong vấn đề ổn định chính trị, an sinh, xã hội tại cộng đồng. Mô hình HTX tác động đến kinh tế thành viên thông qua tạo việc làm, giảm chi phí, tăng giá bán, góp phần tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội tại địa phương.

Tổng số vốn hoạt động của LHHTX năm 2020 ước đạt 588 tỷ đồng, tăng 407 tỷ đồng (tương đương 225%) so với năm 2011. Tổng giá trị tài sản của LHHTX ước đạt 187,4 tỷ đồng, tăng 170,5 tỷ đồng (tương đương tăng 10 lần) so với năm 2011. Doanh thu bình quân của một LHHTX ước năm 2020 đạt 13.181 triệu đồng, tăng 12.707 triệu đồng (tăng hơn 26 lần) so với thời điểm năm 2011, tốc độ tăng trưởng bình quân là 44,67%/năm trong giai đoạn 2011-2020. Trong khí đó, lãi bình quân của một LH HTX tăng lên gấp nhiều lần, từ 21,67 triệu đồng năm 2011 lên 430 triệu đồng năm 2020.

Đối với THT, tính đến hết tháng 6/2020, cả nước có 39.354 THT trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó, trồng trọt là 21.715 tổ, chăn nuôi là 2.431 tổ, lâm nghiệp là 176 tổ; thủy sản là 2.360 tổ; diêm nghiệp là 73 tổ, nước sạch nông thôn là 360 tổ và 12.239 THT hoạt động tổng hợp. So với năm 2010 tăng 32.759 THT; trong đó số THT có chứng thực hợp đồng hợp tác là 26.978 tổ, chiếm 68,6 %. Có 195 THT có tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh chung. Số THT hoạt động có hiệu quả là 17.456 tổ (chiếm 44,4%). Doanh thu bình quân của 1 THT là 523 triệu đồng/năm, tăng 96% so với năm 2011. Lãi bình quân của 1 THT là 84,51 triệu đồng/năm, tăng 134% so với năm 2011. Thu nhập bình quân của 1 lao động thường xuyên trong THT là 26 triệu đồng/năm, tăng 34% so với năm 2011.

Cơ chế tổ chức và quản lý của THT từng bước được hoàn thiện và chặt chẽ hơn; có quy chế nội dung hoạt động nên đã góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh của kinh tế hộ thành viên. Nhiều HTX thành lập mới từ những THT này. THT đã phát huy tinh thần tương thân, tương trợ giúp đỡ nhau trong sản xuất, đời sống, nhiều tổ thực sự đã giúp tăng thu nhập cho các hộ thành viên thông qua hợp tác, góp phần xoá đói, giảm nghèo. Đồng thời, còn là cầu nối giữa chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị – xã hội với người nông dân trong công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước.

Thứ ba: Liên minh HTX Việt Nam đã thể hiện tốt hơn vai trò của mình với khu vực KTTT, góp phần thúc đẩy KTTT từng bước phát triển.

Liên minh HTX đã từng bước làm tốt nhiệm vụ tham mưu, đề xuất và tham gia xây dựng các chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, phối hợp với các Bộ, ngành trong việc tuyên truyền về KTTT, là cầu nối giữa thành phần KTTT, HTX với hệ thống chính trị.
Thứ tư: bộ máy quản lý Nhà nước từng bước được củng cố, kiện toàn, Ban chỉ đạo đổi mới, phát triển KTTT, HTX các cấp được thành lập từ Trung ương đến địa phương đã nâng cao vai trò quản lý Nhà nước về KTTT.

2.2. Những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về KTTT
Một là: việc học tập, quán triệt Nghị quyết về KTTT chưa được quan tâm đúng mức nên hiệu quả chưa cao, còn nặng tính hình thức. Một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa nhận thức đúng, đầy đủ tinh thần của Nghị quyết, chưa thấy rõ vị trí, vai trò của HTX trong phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương nên mới dừng lại ở mức chủ trương, chưa chỉ đạo xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện.

Nhận thức về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở một số nội dung còn chưa thực sự sâu sắc, thống nhất, nhất là vấn đề quan hệ giữa Nhà nước và thị trường, sở hữu đất đai, phân bổ nguồn lực, mối quan hệ giữa tăng trưởng nhanh và bền vững, vai trò của doanh nghiệp Nhà nước, KTTT, HTX, doanh nghiệp tư nhân.

Hai là: số lượng văn bản thể chế hóa Nghị quyết được ban hành lớn nhưng nhiều văn bản có tính khả thi thấp, chậm và chưa đồng bộ về thời gian. Một số chính sách hỗ trợ được ban hành nhưng thiếu nguồn lực thực hiện, rất ít các HTX tiếp cận được các chính sách như: hỗ trợ tín dụng, đất đai, hạ tầng sản xuất.

Luật HTX năm 2012 và các văn bản hướng dẫn quy định các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho các HTX nhưng thực tế các chính sách này chưa thực sự đi vào cuộc sống. Có chính sách hầu như chưa được thực hiện như chính sách hỗ trợ kết cấu hạ tầng cho HTX nông nghiệp. Một số chính sách chưa thực hiện hiệu quả như chính sách ưu đãi tín dụng, hỗ trợ chế biến sản phẩm,… Phạm vi điều chỉnh chưa bao phủ hết các thành phần KTTT, nhất là các THT nông nghiệp; Quy định tỷ lệ cung ứng dịch vụ tối đa cho khách hàng không phải là thành viên HTX chưa phù hợp với tình hình hiện nay; Còn thiếu và chưa cụ thể và rõ ràng đối với các quy định HTX có thể liên kết đầu tư, góp vốn, thành lập doanh nghiệp trong HTX; Cách phân loại HTX trong Luật.

Ba là: năng lực nội tại của nhiều HTX còn yếu, thiếu nguồn lực đầu tư cho sản xuất, kinh doanh, hiệu quả sản xuất, kinh doanh chưa cao. Nhiều HTX chưa thể hiện được vai trò kết nối doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho thành viên và nông dân. Đa số thành viên HTX chưa được đào tạo, tập huấn sâu về pháp luật HTX nên chưa tiếp cận được các chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước và chưa phát huy được hết tiềm năng và thế mạnh của mô hình HTX.

KTTT phát triển chưa thực sự hiệu quả, chưa phát huy được tiềm năng của HTX. KTTT, HTX trong lĩnh vực nông nghiệp bước đầu đã có sự cải thiện cả lượng và chất nhưng chưa đồng đều giữa các lĩnh vực, vùng miền, địa phương, chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất hàng hóa lớn và thị trường. Một số lĩnh vực có tiềm năng phát triển nhưng số lượng HTX còn ít (lâm nghiệp, đánh bắt thủy, hải sản).

Bốn là: bộ máy quản lý Nhà nước về KTTT, HTX vừa yếu, vừa thiếu và phân tán; Đa phần là cán bộ kiêm nhiệm, thường xuyên thay đổi; Chức năng quản lý nhà nước về KTTT, HTX tại địa phương dàn trải ở nhiều cơ quan, nhiều đơn vị khác nhau; Chưa có tổ chức bộ máy, cán bộ chuyên trách thống nhất từ Trung ương tới địa phương. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý Nhà nước về KTTT các cấp chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa được đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về kiến thức về HTX.

Vai trò của Liên minh HTX Việt Nam chưa được đề cao, tổ chức bộ máy và hoạt động chưa được chế định tương xứng trong Luật. Năng lực, bộ máy chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ

Năm là: chế độ kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về HTX còn thực hiện chưa thường xuyên và nghiêm túc, chưa kịp thời xử lý vi phạm pháp luật các cá nhân, tổ chức liên quan; Chế độ báo cáo thống kê giữa các Bộ, ngành Trung ương và địa phương chưa thực hiện tốt nên rất khó khăn trong việc tổng hợp số liệu về KTTT, HTX hoặc nếu có thì không đầy đủ, không cập nhật, chưa chính xác; Việc xây dựng, phổ biến và nhân rộng mô hình HTX hoạt động hiệu quả theo chuỗi giá trị chưa được triển khai rộng rãi, giúp cho người dân tin tưởng vào các lợi ích về kinh tế – xã hội do HTX mang lại.

3. Nguyên nhân
– Chưa có sự quan tâm đúng mức của các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương trong việc chỉ đạo, định hướng, xây dựng cơ chế chính sách, tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tạo điều kiện cho KTTT, HTX phát triển. Nhận thức về phát triển KTTT, HTX của một bộ phận cán bộ các cấp và nhân dân chưa đầy đủ, chưa hiểu đúng vai trò bản chất của HTX kiểu mới. Nhiều HTX chưa nhận thấy sự khác biệt quan trọng giữa Luật HTX 2003 và Luật HTX 2012 nên chưa thực hiện đầy đủ quy định của Luật.
– Bộ máy quản lý Nhà nước về HTX chưa được kiện toàn theo yêu cầu, đội ngũ cán bộ tham mưu về quản lý Nhà nước chưa nắm chắc chuyên môn, thiếu thực tế nên việc tham mưu thực hiện còn hạn chế.
– Trình độ nhận thức, năng lực và kinh nghiệm của đội ngũ cán bộ quản lý HTX còn yếu, chưa được đào tạo bài bản. Tâm lý chung của cán bộ HTX không muốn làm lâu dài do thu nhập thấp, chưa ổn định. Lao động có tay nghề cao trong các HTX đang dần bị mai một, chưa được trẻ hóa để thay thế kịp thời hoặc bị thu hút sang các loại hình khác có sức hấp dẫn hơn.
– Phương thức sản xuất tự do, nhỏ lẻ đã trở thành thói quen, khó thay đổi trong tư duy sản xuất của người nông dân. Tâm lý e ngại đối với HTX kiểu cũ vẫn còn ảnh hưởng trong đông đảo tầng lớp nhân dân, trong khi HTX kiểu mới chưa thực sự huy động được sự tham gia của thành viên vào các hoạt động của HTX, chưa thể hiện được tinh thần hợp tác của tổ chức.

4. Một số kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về KTTT
Tiếp tục phát triển KTTT theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa IX), phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Xác định phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị.

Phát triển KTTT với nhiều hình thức hợp tác đa dạng mà nòng cốt là HTX, nhất là HTX trong lĩnh vực nông nghiệp với nhiều hình thức liên kết, hợp tác đa dạng, góp phần hình thành chuỗi giá trị trong nông nghiệp gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Giai đoạn tới cần quan tâm tập trung vào những nội dung quan trọng sau:

(1) Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, các cấp chính quyền, đặc biệt là người đứng đầu trong phát triển KTTT. Phát huy vai trò MTTQ, đoàn thể nhân dân, hội, hiệp hội đối với việc phát triển KTTT.

(2) Tiếp tục nâng cao nhận thức về bản chất, vai trò của KTTT, HTX; chú trọng công tác tuyên truyền, tổng kết thực tiễn, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong các ngành, lĩnh vực để nhận thức rõ tầm quan trọng, tính cấp thiết của việc phát triển KTTT trong cơ chế thị trường, gắn mục tiêu phát triển KTTT, HTX với mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

(3) Rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về phát triển KTTT, HTX và pháp luật có liên quan, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để KTTT, HTX phát triển bền vững.

(4) Tổ chức, củng cố lại hoạt động của các HTX theo đúng bản chất của Luật HTX năm 2012 và các văn bản hướng dẫn; giải quyết dứt điểm những HTX tồn tại hình thức, ngừng hoạt động thời gian dài. Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức KTTT, HTX gắn với phát huy vai trò làm chủ, tăng cường lợi ích của thành viên. Cân đối và bố trí nguồn lực thực hiện các chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước với KTTT, HTX phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách Nhà nước và điều kiện cụ thể của đất nước. Chú trọng nâng cao năng lực, trình độ cán bộ HTX và cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về KTTT, HTX.

Tăng cường năng lực quản trị, đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, tiếp tục thành lập, phát triển thêm các HTX, THT, coi trọng mở rộng quy mô thành viên, nâng cao sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động, gắn với phát huy vai trò làm chủ, lợi ích của các thành viên, khả năng huy động, tiếp cận, sử dụng hiệu quả các nguồn lực; nâng cao vai trò chủ thể của các thành viên tham gia. Bảo đảm hài hòa lợi ích đa dạng của các thành viên, đề cao vai trò lãnh đạo HTX, nâng cao bộ máy điều hành.

Tăng cường kinh phí từ ngân sách hỗ trợ trực tiếp cho các HTX trong việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; nâng cao hiệu quả hoạt động HTX nông nghiệp thông qua hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho các HTX. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và tham gia liên kết tiêu thụ sản phẩm cho HTX nông nghiệp. Xây dựng, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới tiêu biểu, hoạt động hiệu quả trên cả nước.

(5) Củng cố, đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam, làm rõ chức năng, nhiệm vụ, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động, tăng cường trách nhiệm của hệ thống liên minh HTX các cấp với vai trò nòng cốt trong phát triển KTTT, HTX, là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ cán bộ trong hệ thống Liên minh HTX Việt Nam.

(6) Tiếp tục hoàn thiện, củng cố bộ máy quản lý nhà nước về KTTT theo hướng tập trung và thống nhất từ Trung ương đến địa phương; quy định rõ trách nhiệm của từng cấp trong việc hướng dẫn thực hiện pháp luật và các chính sách khuyến khích phát triển HTX. Quan tâm củng cố bộ máy quản lý Nhà nước, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý Nhà nước, bảo đảm đủ năng lực, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Xây dựng, quản lý và vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin quốc gia về KTTT, HTX trên toàn quốc.

Kiện toàn tổ chức ban chỉ đạo đổi mới, phát triển KTTT, HTX ở Trung ương và địa phương để thống nhất, đồng bộ, xuyên suốt trong công tác chỉ đạo, phối hợp, điều hành. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phổ biến, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến, thành công, hiệu quả. Quan tâm, phát triển các tổ chức, cơ sở đảng, đoàn thể trong tổ chức KTTT, HTX.

————————-
Tài liệu tham khảo

1. Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT.
2. Kết luận 56-KL/TW, ngày 21/2/2013 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, Khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT.
3. Kết luận số 70-KL/TW, ngày 9/3/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, Khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT.
4. Văn kiện của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Khóa XII.
5. Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, Khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT.
6. Báo cáo sơ kết thi hành Luật HTX năm 2012.
7. Tài liệu Hội thảo “Thực trạng và giải pháp hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về KTTT tại Việt Nam”.

Tin tức liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *