Tin tức

Nên sửa quy định về khống chế trần lãi vay như thế nào?

Tiêu đề Nên sửa quy định về khống chế trần lãi vay như thế nào? Ngày đăng 2019-12-06
Tác giả Admin Lượt xem 11210

Đưa ra năm 2017, trần lãi vay được trừ khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp được quy định không vượt quá 20% tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao (EBITDA).

Nghị định này ra đời trước yêu cầu phải khắc phục tình trạng “vốn mỏng”, “chuyển giá” của các doanh nghiệp đa quốc gia hoạt động tại Việt Nam. Tuy nhiên, chính cơ quan soạn thảo cũng thừa nhận, quy định áp trần chi phí lãi vay gặp một số bất cập, đặc biệt là tác động tới khối doanh nghiệp trong nước. Mục tiêu của nghị định này là chống thất thu thuế ở Việt Nam do tác động của chuyển giá, nhưng trên thực tế Nghị định 20, đặc biệt là khoản 3 điều 8 của Nghị định, lại có ảnh hưởng nhiều đến doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các tập đoàn hoạt động theo mô hình công ty mẹ con.

Để giải quyết những khúc mắc này, ông Trần Quang Chiểu, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội mới đây đề xuất, nâng mức trần chi phí lãi vay từ 20% như hiện nay lên 30%, đồng thời có kèm theo điều kiện loại trừ trong một số trường hợp đặc biệt.

Nới mức trần chi phí lãi vay từ 20% lên 30%, thực chất là mức điều chỉnh nằm trong khung đề nghị của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyến nghị, cần có những giải pháp khác để giải quyết triệt để những tồn tại của Nghị định 20.

Chi phí lãi vay hay chi phí lãi vay thuần?

Nâng mức trần chi phí lãi vay, nếu chiếu theo thông lệ quốc tế là phù hợp, nhưng một số chuyên gia cho rằng vẫn chưa giải quyết tới tận gốc vấn đề, bởi trong một số trường hợp, các doanh nghiệp đang gặp vấn đề bị đánh thuế cao hơn tới hai lần.

Nguyên nhân là do việc khống chế tổng chi phí lãi vay làm phát sinh thêm chi phí do đánh thuế trùng đối với một giao dịch kinh doanh. Bên cho vay phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập từ lãi tiền vay, trong khi bên đi vay cũng phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với chi phí tiền vay vượt mức khống chế.

Bà Đinh Mai Hạnh, Phó tổng giám đốc Tư vấn Thuế Deloitte Việt Nam nhận xét, theo khuyến nghị về chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS) của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), mức trần lãi vay nên được tính trên cơ sở lãi vay thuần, thay vì quy định chung chung là lãi vay như hiện nay.

Ông Nguyễn Việt Anh, chuyên gia Thuế cao cấp của Ngân hàng Thế giới cho rằng không nên không chế trên cơ sở “gộp” mà nên dựa trên phần chi phí lãi vay thuần để tránh đánh thuế hai lần với một giao dịch và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tối ưu hóa nguồn vốn trong nội bộ tập đoàn.

Bên cạnh đó, một vấn đề khác với câu chuyện lãi vay là các doanh nghiệp khởi nghiệp và các dự án phát sinh lỗ trong những năm đầu nhưng tổng thể là có lợi nhuận có thể bị ảnh hưởng tiêu cực vì không được khấu trừ chi phí lãi vay trong giai đoạn phát sinh lỗ.

“Tôi tin tưởng rằng nếu những thay đổi này được áp dụng sẽ giúp giải quyết những vướng mắc hợp lý của doanh nghiệp trong khi vẫn duy trì được bản chất của quy định hạn chế lãi vay trong việc giúp Việt Nam bảo vệ cơ sở thuế quan trọng của mình”, ông Nguyễn Việt Anh chia sẻ.

Ứng xử với những doanh nghiệp bị ảnh hưởng

Việc sửa những điểm bất cập của Nghị định 20 là điều mà các doanh nghiệp chờ đợi, song các chuyên gia cũng bày tỏ cần có giải pháp công bằng với những trường hợp bị thiệt hại trong hai năm nghị định này áp dụng.

Tại Hội nghị đối thoại về chính sách thuế và hải quan do Bộ Tài chính và Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) tổ chức 28/11, đại diện Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bình Phước (Bigimexco) cho biết, Nghị định 20 về giao dịch liên kết ban hành năm 2017 đã gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp này.

Bigimexco kiến nghị Chính phủ xem xét lại để điều chỉnh nội dung của khoản 3, điều 8, Nghị định 20 cho hợp lý, hợp pháp, hợp tình và có quy định hồi tố, hoàn trả lại số tiền thuế truy thu do cách tính áp đặt này gây ra.

Ông Nguyễn Xuân Nam, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng bày tỏ, do Nghị định 20, EVN đã phải nộp thuế cao hơn tới 500 tỷ đồng, mặc dù bản chất mối liên kết giữa EVN và các công ty con không phải cho vay lại nhằm mục đích chuyển giá.

Một chuyên gia về lĩnh vực thuế cho rằng, nếu sửa quy định này thì thời điểm áp dụng cần hồi tố về thời điểm 2017 khi ban hành Nghị định, vì riêng tiền thuế 2017 và 2018 cũng có thể lên tới hàng trăm, hoặc hàng ngàn tỷ đồng. Phương pháp khuyến nghị có thể cho khấu trừ dần vào tiền thuế phải nộp hàng năm.

“Quy định khống chế chi phí lãi vay trong Nghị định 20 được đưa ra theo khuyến nghị BEPS của OECD. Tuy nhiên, chính BEPS cũng khuyến nghị các nước nên có lịch trình áp dụng linh hoạt, đặt trong mối tương quan với thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp, môi trường đầu tư và tính thống nhất của hệ thống pháp luật ở từng quốc gia”, đại diện Deloitte Việt Nam cho biết. Các doanh nghiệp hy vọng rằng với việc ngành Thuế đang lấy ý kiến doanh nghiệp để sửa đổi, Nghị định 20 sẽ không còn là một “nút thắt” hạn chế sự phát triển của doanh nghiệp.

Box: Phát biểu tại cuộc họp ngày 29/11, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Tài chính thực hiện khẩn trương việc sửa đổi Nghị định 20, theo nguyên tắc “công khai, minh bạch, không phân biệt đối xử, bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài”.

– theo kênh Thông tin kinh tế – tài chính Việt Nam –

Tin tức liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *