Nghiên cứu trao đổi

Nghiên cứu đặc điểm sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp có tác động đến việc vận dụng Bảng điểm cân bằng của doanh nghiệp nông nghiệp

Tiêu đề Nghiên cứu đặc điểm sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp có tác động đến việc vận dụng Bảng điểm cân bằng của doanh nghiệp nông nghiệp Ngày đăng 2023-09-20
Tác giả Admin Lượt xem 1157

PGS.TS Trần Phước* –  Th.S. Nguyễn Thị Phương Thảo**  (*Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh – **Trường Đại học Tây Nguyên).

Nhận:              15/07/2023

Biên tập:          16/07/2023

Duyệt đăng:    25/07/2023

Tóm tắt

Việt Nam là quốc gia có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, ngành đã đạt được những thành tựu to lớn, từ một nước có nền nông nghiệp lạc hậu vươn lên trở thành nước có vị trí đáng kể trong ASEAN và trên thế giới. Trong thời gian qua, vấn đề của đại dịch Covid-19, an ninh lương thực, khủng hoảng kinh tế và lạm phát diễn biến phức tạp, đã làm ảnh hưởng đến hầu hết các ngành các lĩnh vực, trong đó có ngành nông nghiệp. Việc vận dụng Bảng điểm cân bằng (BSC) trong doanh nghiệp (DN) nông nghiệp còn hạn chế, trong khi nông nghiệp vốn là thế mạnh. Bên cạnh các yếu tố về Nhận thức của nhà quản lý DN thì yếu tố về Đặc thù ngành nông nghiệp có thể tác động đến việc vận dụng bảng điểm cân bằng. Với phương pháp nghiên cứu hỗn hợp, như: nghiên cứu tài liệu, nghiên cứu thực tế, phỏng vấn chuyên gia và kiểm định T – test, nhằm thống kê mô tả kết quả khảo sát. Kết quả chứng minh, có sự tồn tại của các thành phần của nhân tố Đặc điểm sản xuất kinh doanh (SXKD) trong nông nghiệp tác động đến việc vận dụng bảng điểm cân bằng trong DN nông nghiệp.

Từ khóa: sản xuất nông nghiệp, bảng điểm cân bằng, doanh nghiệp.

Abstract

Vietnam is a country with strengths in agricultural production, in recent years this industry has achieved great achievements, from a country with a backward agriculture to become a country with a significant position in ASEAN and in the world. During the past time of the Covid-19 pandemic, food security, economic crisis, and complicated inflation have affected most industries, including agriculture. The application of the balanced scorecard in agricultural enterprises is still limited while agriculture is inherently a strength, besides the factors of awareness of business managers, the specific factors of the agricultural industry can affect influence the use of the balanced scorecard. With mixed research methods such as documentary method, fact discovery, expert interview, and T-test to statistically describe survey results. The results demonstrate the existence of the components of the factors The characteristics of production and business in agriculture affect the application of the balanced scorecard in agricultural enterprises.

Keywords: agricultural production, balanced scorecard, enterprise.

JEL Classifications: M40, M49, M00.

DOI: https://doi.org/10.59006/vnfa-jaa.07202306

  1. Vấn đề nghiên cứu

Việt Nam là quốc gia sản xuất về nông nghiệp, đất nông nghiệp bình quân/đầu người ở Việt Nam là 0,12 ha, bằng 1/6 mức trung bình của thế giới. Với mục tiêu kép, vừa phát triển kinh tế và thực hiện phòng dịch bệnh, nên năm 2020 mặc dù phải gánh chịu thời tiết bất thường, thiên tai, dịch bệnh, lũ lụt cùng dịch bệnh Covid-19 gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu và tiêu thụ nông sản. Nhưng nhờ việc đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp để tăng năng suất, tái cơ cấu sản xuất, ngăn ngừa kiểm soát dịch bệnh, khắc phục những trở ngại trong khâu vận chuyển và cung ứng nên ngành nông nghiệp vẫn vượt qua khó khăn và thách thức.

Theo Báo cáo của Tổng cục Thống kê về tình hình kinh tế – xã hội Quý IV và năm 2022, ước tính Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2022 tăng 8,02% so với năm trước, do nền kinh tế được khôi phục trở lại và đạt mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011 – 2022. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,36%, đóng góp 5,11% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; về cơ cấu nền kinh tế năm 2022 khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,88%, tiếp tục thể hiện vai trò bệ đỡ của nền kinh tế; ngành nông nghiệp tăng 2,88%, đóng góp 0,27 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 6,13%, đóng góp 0,03 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 4,43%, đóng góp 0,12 điểm phần trăm.

Theo Báo cáo của Tổng cục Thống kê về tình hình kinh tế – xã hội Quý II và 6 tháng đầu năm 2023, thì GDP Quý II/2023 ước tính tăng 4,14% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,25%, đóng góp 8,53% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; GDP 6 tháng đầu năm 2023 tăng 3,72%, trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,07%, đóng góp 9,28%. Trong 6 tháng đầu năm 2023, sản lượng thu hoạch nhiều loại cây công nghiệp lâu năm tăng so với cùng kỳ năm 2022, do thời tiết thuận lợi và thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý.

Vì sao việc vận dụng Bảng điểm cân bằng (BSC) trong DN nông nghiệp hạn chế, trong khi nông nghiệp vốn là thế mạnh. Tác giả cho rằng, ngoài những nguyên nhân liên quan đến nhận thức của nhà quản lý thì có thể nằm ở đặc điểm của SXKD nông nghiệp. Do đó, để có thể tồn tại và phát triển bền vững trên thị trường trong nước và quốc tế, đòi hỏi các DN nông nghiệp ở Việt Nam phải có những thay đổi để nâng cao khả năng thích ứng với môi trường hội nhập. Một trong những sự thay đổi đó là các DN phải có chiến lược kinh doanh mới, phương thức quản lý mới trong việc đầu tư vào năng lực dài hạn, đầu tư vào các mối quan hệ khách hàng và nhằm tạo dựng lợi thế cạnh tranh bền vững. Để đạt được điều này, các DN nông nghiệp trong thời đại công nghiệp hiện nay cần nâng cao nhận thức cũng như quan tâm đến việc vận dụng BSC trong quản trị chiến lược, chuyển chiến lược thành hành động. Từ đó, có thể cải thiện và nâng cao hiệu quả phù hợp với đặc thù của ngành sản xuất nông nghiệp.         

  1. Tổng quan nghiên cứu

Việc thực hiện và triển khai BSC được thực hiện ở các quốc gia và các lĩnh vực khác nhau cho thấy, việc nghiên cứu và vận dụng BSC rất phổ biến và ứng dụng cao. Tuy nhiên, các tác giả nghiên cứu về vận dụng BSC trong lĩnh vực nông nghiệp còn hạn chế (Byrne & Kelly, 2004; Jack, 2005; Lissitsa & Odening, 2005; Cardemil-Katunaric & Shadbolt, 2006; Paustian & cộng sự, 2015; Dwivedi & cộng sự, 2018; Apriansyah & cộng sự, 2019; Chen & cộng sự, 2020; Gambelli & cộng sự, 2021).

Bên cạnh đó, các nghiên cứu về các nhân tố ảnh hưởng đến việc vận dụng BSC tập trung vào các nhóm nhân tố: Nhận thức của nhà quản lý về BSC; Quy mô DN; Nguồn nhân lực; Văn hóa DN; Chiến lược kinh doanh và Môi trường cạnh tranh,… Các nhóm nhân tố về nhận thức của nhà quản lý DN được quan tâm nghiên cứu nhiều, vì có tác động đáng kể đến tính khả thi trong việc vận dụng BSC trong DN (Nhận thức về ích lợi của BSC; Nhận thức về khả năng dễ dàng sử dụng của BSC; Nhận thức về khả năng ứng dụng của BSC). Ngoài ra, các nghiên cứu trước đây hầu như chưa có nghiên cứu nào về nhân tố tác động đến việc vận dụng BSC trong lĩnh vực nông nghiệp.

  1. Cơ sở lý thuyết

Từ những thực trạng phân tích ở trên, tác giả đề xuất xây dựng nhân tố mới là đặc điểm SXKD trong nông nghiệp. Lý do tác giả nghiên cứu và xây dựng nhân tố này, bởi vì:

Dựa trên khung lý thuyết dự phòng

Nông nghiệp là ngành sản xuất đặc thù, phụ thuộc rất lớn vào điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, nguồn nước, đất đai, khí hậu, có tính thời vụ cao và khó đoán định.

Trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới toàn cầu hóa và tình hình biến đổi khí hậu có tác động không nhỏ đến SXKD nông nghiệp. Thị trường tiêu thụ nông sản trong và ngoài nước còn nhiều bất cập, rào cản dẫn tới không ổn định. Do đó, để nâng cao xuất khẩu trong thời gian tới, các DN nông nghiệp ở Tây Nguyên cần phải nâng cao sức cạnh tranh trong ngành, tập trung vào vấn đề kinh tế, trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường để phát triển bền vững. Sản xuất nông nghiệp truyền thống đang có những thay đổi mạnh mẽ để hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, đối với SXKD các cây chủ lực như cà phê, cao su, các tỉnh Tây Nguyên đẩy mạnh phát triển theo hướng đồng bộ, bền vững, tạo ra sản phẩm đa dạng, có chất lượng để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu; khuyến khích áp dụng công nghệ trong SXKD như giống mới, tiết kiệm nước, trồng xen canh…

Vận dụng BSC vào lĩnh vực đặc thù cần phải làm rõ đặc điểm SXKD của lĩnh vực đó, ở đây là lĩnh vực nông nghiệp

Đặc điểm của SXKD trong nông nghiệp Việt Nam

Đặc điểm của SXKD trong nông nghiệp thường có chu trình SXKD dài, vốn đầu tư lớn chịu nhiều rủi ro và tác động của môi trường bên ngoài. Ngành sản xuất nông nghiệp có các đặc điểm nổi bật khác với các ngành khác, cụ thể như sau:

– Ruộng đất là tư liệu sản xuất chủ yếu và đặc biệt trong sản xuất của DN sản xuất nông nghiệp.  

– Sản phẩm nông nghiệp có khả năng tái sản xuất tự nhiên.

– Đối tượng sản xuất là những cơ thể sống: trong sản xuất nông nghiệp có thể thấy một đặc điểm nổi bật là cây trồng, vật nuôi thuộc đối tượng lao động là những cơ thể sống, có quy luật sinh trưởng và phát triển riêng, có chu kỳ sản xuất dài, quá trình sản xuất phải trải qua nhiều giai đoạn (khâu công việc) khác nhau; mặt khác, những quy luật sinh trưởng và phát triển của loại đối tượng này làm cho thời gian sản xuất không đồng nhất với nhau, dẫn đến tính thời vụ cao (Vũ Đình Thắng, 2005).

Ngoài ra, trong nông nghiệp do đặc thù thời vụ nên nhiều loại chi phí sản xuất phát sinh ở thời kỳ này lại có liên quan đến sản phẩm thu hoạch các kỳ trước đó hoặc sau đó. Đặc điểm này dẫn đến kỳ tính giá thành sản phẩm trong nông nghiệp không thể xác định hàng tháng, hàng quý như trong DN công nghiệp mà phải là cuối vụ, cuối năm. Đến cuối năm, khi tính giá thành sản phẩm thường phải chuyển chi phí của cây trồng và gia súc từ năm trước sang năm nay, từ năm nay sang năm sau cho phù hợp với đặc điểm sản xuất của cây trồng và con gia súc. Đặc biệt, đối với ngành trồng trọt, chi phí sản xuất phát sinh không đều giữa các tháng trong năm, sản phẩm trồng trọt sau khi gieo trồng khá lâu mới thu hoạch và thường thu hoạch thành nhiều kỳ, nhiều đợt và nhiều năm liền. Bên cạnh đó, việc sản phẩm nông nghiệp và tài sản sinh học ở nước ta đang được ghi nhận dựa trên nguyên tắc giá gốc, đối với tài sản sinh học có sự thay đổi về mặt sinh học trong quá trình sinh trưởng và phát triển, phát sinh thêm các chi phí liên quan.              

Bên cạnh những đặc thù chung về SXKD nông nghiệp, vấn đề về sản xuất nông nghiệp bền vững đang được quan tâm ở các quốc gia trên thế giới. Nghiên cứu của Schaller (1993) cho rằng, các vấn đề về canh tác nông nghiệp có thể tác động đến môi trường và sức khỏe con người gồm: ô nhiễm nguồn nước ngầm và nước mặt từ các hóa chất nông nghiệp; mối nguy cơ đối với sức khỏe con người và động vật từ thuốc trừ sâu và phụ gia thức ăn chăn nuôi; tác hại của nông dược đối với chất lượng và an toàn thực phẩm; mất tính đa dạng di truyền ở thực vật và động vật, một chìa khóa cho sự bền vững của nông nghiệp; tiêu diệt động vật hoang dã, ong và côn trùng có ích bằng thuốc trừ sâu; tăng khả năng chống chịu sâu bệnh đối với thuốc trừ sâu (làm trầm trọng thêm các tác động đã nêu ở trên); giảm năng suất đất do đất bị xói mòn, nén chặt và mất chất hữu cơ; phụ thuộc quá nhiều vào các nguồn tài nguyên không thể tái tạo; rủi ro về sức khỏe và an toàn đối với công nhân nông trại sử dụng các hóa chất có khả năng gây hại. Do đó, với đặc điểm là sử dụng nguồn tài nguyên đất, nước để sản xuất nông nghiệp, cần có các phương thức sản xuất nông nghiệp cần có phương thức sản xuất bền vững, thân thiện với môi trường, nhất là với bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với các thách thức về môi trường như biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn,… để vừa giải quyết được bài toán môi trường, vừa đảm bảo được lợi ích của DN nông nghiệp cũng như người nông dân.

Từ những thách thức đặt ra cho thấy, nhận thức của nhà quản lý trong phát triển SXKD nông nghiệp cần thay đổi và ứng dụng nhiều hơn công nghệ vào SXKD. Đồng thời, cần áp dụng các cách thức quản lý mới hiệu quả hơn. BSC là một trong các cách thức tương đối toàn diện để quản trị về chiến lược, cũng như đánh giá thành quả kinh doanh của DN: hỗ trợ cho DN trong việc đánh giá thành quả tài chính; tăng cường sự hài lòng của khách hàng; hoàn thiện và cải tiến quy trình kinh doanh nội bộ; nâng cao trình độ nhân lực qua việc học hỏi và phát triển; giúp cho DN thực hiện tốt trách nhiệm xã hội và môi trường, hướng đến phát triển bền vững và tăng khả năng thích ứng của DN với môi trường kinh doanh thay đổi.

  1. Phương pháp nghiên cứu

4.1. Phương pháp nghiên cứu định tính

Sử dụng phương pháp phỏng vấn, với bảng câu hỏi phi cấu trúc nhằm mục đích nắm được cách nhìn và những quan điểm của những người tham gia nghiên cứu. Cụ thể, nghiên cứu thực hiện phỏng vấn với các chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm về nghiên cứu và thực tế để tiếp thu, cập nhật và xác nhận các ý kiến từ các chuyên gia để khám phá nhân tố mới là đặc điểm SXKD trong nông nghiệp có tác động đến việc sử dụng BSC tại các DN nông nghiệp một cách khách quan và toàn diện nhất.          

4.2. Phương pháp nghiên cứu định lượng

Mục tiêu nghiên cứu là khám phá nhân tố mới là đặc điểm SXKD trong nông nghiệp tác động đến việc vận dụng BSC, nên phương pháp lấy mẫu phi xác suất thuận tiện được sử dụng. Với 50 phiếu khảo sát được đưa vào phân tích và tác giả nhập dữ liệu vào excel, xử lý dữ liệu, sử dụng phần mềm SPSS 25.0 để kiểm định T – test và chứng minh sự tồn tại của các thành phần nhân tố đặc điểm SXKD trong nông nghiệp. Thang đo sử dụng để đo lường đặc điểm SXKD trong nông nghiệp là thang đo Likert 5 mức độ.

Dựa theo giá trị khoảng cách, chia thước đo Likert 5 mức độ đồng ý thành 5 phần đều nhau và phân phối mỗi phần tương ứng với một giá trị của thước đo:

Giá trị khoảng cách = (Maximum – Minimum)/5 = (5-1)/5 = 0,8

Với biên dao động giữa các đoạn giá trị là 0,8, ta sẽ có các đoạn giá trị:

1,00 – 1,80 (làm tròn thành 1): Rất không đồng ý

1,81 – 2,60 (làm tròn thành 2): Không đồng ý

2,61 – 3,40 (làm tròn thành 3): Bình thường

3,41 – 4,20 (làm tròn thành 4): Đồng ý

4,21 – 5,00 (làm tròn thành 5): Hoàn toàn đồng ý

Như vậy, biến quan sát chỉ có ý nghĩa khi giá trị  t ≥ 3,4.

Thực hiện kiểm định T-Test với mục đích so sánh trung bình của tổng thể với một giá trị cụ thể. Việc thực hiện một phép kiểm định trung bình, khác với việc so sánh giá trị trung bình với giá trị đó. So sánh giá trị trung bình với giá trị có sẵn là so sánh hai con số với nhau và còn kiểm định trung bình T -Test là so sánh một khoảng dao động của giá trị trung bình với giá trị sẵn có. Như vậy, với giá trị từ 3,4 trở lên, ta thực hiện kiểm định T – Test 5 thành phần của đặc điểm SXKD trong nông nghiệp để xem xét tồn tại của các thành phần này.

Để phù hợp với mục tiêu của bước nghiên cứu khám phá, tác giả chọn các DN nông nghiệp đang hoạt động tại tỉnh Đắk Lắk, là tỉnh sản xuất nông nghiệp lớn nhất Tây Nguyên, đặc biệt là cây công nghiệp như cà phê, cao su. Thông tin được thu thập bằng cách gửi trực tiếp và qua thư điện tử các bảng khảo sát đến các DN sản xuất nông nghiệp. Người trả lời là những người quản lý DN, trưởng phòng kế toán các DN.

  1. Kết quả nghiên cứu

5.1. Kết quả nghiên cứu định tính

Nhân tố đặc điểm SXKD trong nông nghiệp qua trao đổi chuyên gia đều đồng ý cho rằng, SXKD nông nghiệp có tính chất đặc thù ảnh hưởng đến việc vận dụng BSC như đối tượng sản xuất là cây trồng, vật nuôi có đặc điểm sinh học; sản xuất nông nghiệp mang tính mùa vụ, phụ thuộc phần lớn vào điều kiện tự nhiên, tư liệu sản xuất là đất đai, đây là tài nguyên không thể thay thế. Kết hợp với việc ghi nhận kế toán trong lĩnh vực nông nghiệp còn nhiều vấn đề chưa theo kịp với xu hướng trên thế giới. Bên cạnh đó, dịch bệnh Covid-19 cũng như những biến động về kinh tế, xã hội trong nước và trên thế giới có tác động không nhỏ đến hoạt động SXKD của DN nông nghiệp, trong đó có ngành cà phê, cao su.

Thang đo Đặc điểm SXKD trong nông nghiệp:

Từ việc tổng hợp các nghiên cứu trước, cùng với căn cứ đặc điểm trong lĩnh vực nông nghiệp hiện nay. Nghiên cứu đề xuất thang đo Đặc điểm SXKD trong nông nghiệp bao gồm 5 biến quan sát, như Bảng 1.

Bảng 1: Thang đo đặc điểm SXKD trong nông nghiệp

Mã hóa

Thang đo

DD1

Tài sản sinh học và sản phẩm nông nghiệp phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, có tính thời vụ.

DD2

Sản phẩm nông nghiệp có khả năng tái sản xuất tự nhiên.

DD3

Sản xuất nông nghiệp cho sản phẩm trong thời gian dài, chi phí sản xuất phát sinh không đều.

DD4

Các tài sản sinh học và sản phẩm nông nghiệp ghi nhận theo giá gốc.

DD5

Thách thức về biến đổi khí hậu

(Nguồn: tác giả tổng hợp)

5.2. Kết quả nghiên cứu định lượng

Mô tả mẫu nghiên cứu

Kết quả thống kê thông tin của DN, như sau: về ngành nghề kinh doanh, đa số các DN thuộc lĩnh vực chế biến, sản xuất, kinh doanh, cà phê (chiếm 74%), chế biến sản xuất, kinh doanh cao su (chiếm 26%); về loại hình DN, công ty TNHH chiếm 83%, công ty cổ phần chiếm 17%; về quy mô tổng doanh thu, số lượng DN lớn có giá trị tổng doanh thu trên 200 tỷ đồng (chiếm 28%), DN vừa có giá trị tổng doanh thu từ 51 đến 200 tỷ đồng (chiếm 72%); về vị trí công tác cho thấy, 46% đối tượng khảo sát là kế toán trưởng các DN, 24% là phó giám đốc phụ trách tài chính và 30% là giám đốc DN; thống kê về trình độ chuyên môn cho thấy, 52% có bằng đại học, trình độ sau đại học chiếm 48%.   

Kết quả kiểm định mẫu nghiên cứu

Bảng 2: Kiểm định T – test các thành phần của Đặc điểm SXKD trong nông nghiệp

Ký hiệu

Giá trị
trung bình

Độ lệch chuẩn

Giá trị kiểm định t = 3,4

Thống kê t

Sig

Mean Difference

DD1

3,74

0,66

3,61

0,001

0,34

DD2

3,70

0,64

3,58

0,002

0,30

DD3

3,82

0,74

3,97

0,000

0,42

DD4

3,66

0,59

3,50

0,003

0,26

DD5

4,06

0,78

5,79

0,000

0,64

(Nguồn: tổng hợp của tác giả)

Bảng 2 trình bày kết quả mô tả các biến quan sát của nhân tố khám phá đặc điểm SXKD trong nông nghiệp, bao gồm các thông tin: giá trị trung bình của các thành phần thang đo của Đặc điểm SXKD trong nông nghiệp (từ 3,66 đến 4,06) cho thấy, các yếu tố được đánh giá ở mức độ trung bình khá. Ngoài ra, độ lệch chuẩn của từng quan sát cũng dao động trong khoảng từ 0,59 đến 0,78 (<1) cho thấy, giá trị khảo sát có tính ổn định. Kiểm định T – Test ta thấy, giá trị Sig của 5 thành phần đều < 0.05 nghĩa là, giá trị trung bình của DD1, DD2, DD3, DD4, DD5 khác 3,4 một cách có ý nghĩa thống kê; giá trị Mean Difference của các biến quan sát này đều mang giá trị dương. Như vậy, giá trị trung bình của DD1, DD2, DD3, DD4, DD5 > 3,4. Từ đó cho thấy, những người được khảo sát đều đồng ý về các thành phần thang đo của Đặc điểm SXKD trong nông nghiệp.

  1. Kết luận

Từ tổng quan nghiên cứu những thành tựu đạt được của ngành nông nghiệp Việt Nam trong những năm qua, cũng như tìm hiểu đặc thù của SXKD trong nông nghiệp. Tác giả đề xuất nhân tố đặc điểm SXKD trong nông nghiệp, trong mối quan hệ với việc vận dụng BSC trong DN nông nghiệp. Nghiên cứu đã thực hiện các bước, khẳng định nhân tố đặc điểm SXKD trong nông nghiệp tác động đến việc vận dụng BSC. Kết quả nghiên cứu định tính và kết quả nghiên cứu định lượng, khẳng định nhân tố đặc điểm SXKD trong nông nghiệp có tính chất đặc thù, ảnh hưởng đến việc vận dụng BSC và các thang đo trong nhân tố đều có ý nghĩa thống kê.

 

Tài liệu tham khảo

Tổng cục Thống kê, (2022). Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội Quý IV và năm 2022. Truy cập tại <https://www.gso.gov.vn/bai-top/2022/12/bao-cao-tinh-hinh-kinh-te-xa-hoi-quy-iv-va-nam-2022/>

Tổng cục Thống kê, (2023). Báo cáo tình hình kinh tế- xã hội Quý II và 6 tháng đầu năm 2023. Truy cập tại < https://www.gso.gov.vn/bai-top/2023/06/bao-cao-tinh-hinh-kinh-te-xa-hoi-quy-ii-va-6-thang-dau-nam-2023/>

Vũ Đình Thắng, (2005). Giáo trình Kinh tế Nông nghiệp, Trường Đại học Kinh tế Quốc Dân Hà Nội.

Apriansyah, M., Sukiyono, K. & Chozin, M., 2019. Performance Measurement Of Small Breeding Business In North Bengkulu Regency: Application Of Balanced Scorecard (BSC) Method. Journal of Agri Socio-Economic Business 1, 59-70.

Byrne, A. & Kelly, T. The development and application of the balanced scorecard for the irish dairy farm manager.  Proceedings of the 20th AIAEE Conference, Dublin, Ireland, 2004. 11-14.

Cardemil-Katunaric, G. & Shadbolt, N. The Balanced Scorecard as a spontaneous framework in an agricultural hybrid cooperative under strategic change: A case study in the New Zealand kiwifruit industry.  World Food and Agribusiness Congress, Buenos Aires, Argentina, 2006.

Chen, N., Yang, X. & Shadbolt, N., 2020. The balanced scorecard as a tool evaluating the sustainable performance of chinese emerging family farms—evidence from jilin province in china. Sustainability

12, 6793.

Dwivedi, R., Chakraborty, S., Sinha, A. & Singh, S. Development of a performance measurement tool for an agricultural enterprise using BSC and QFD models.  IOP Conference Series: Materials Science and Engineering, 2018. IOP Publishing, 012214.

Gambelli, D., Solfanelli, F., Orsini, S. & Zanoli, R., 2021. Measuring the economic performance of small ruminant farms using balanced scorecard and importance-performance analysis: a european case study. Sustainability 13, 3321.

Jack, L., 2005. Stocks of knowledge, simplification and unintended consequences: the persistence of post-war accounting practices in UK agriculture. Management Accounting Research 16, 59-79.

Lissitsa, A. & Odening, M., 2005. Efficiency and total factor productivity in Ukrainian

agriculture in transition. Agricultural Economics 32,

311-325.

Paustian, M., Wellner, M. & Theuvsen, L., 2015. The balanced scorecard as a management tool for arable Farming. Proceedings in Food System Dynamics 262-275.

Schaller, N., 1993. The concept of agricultural sustainability. Agriculture, ecosystems environment 46.

 

Tin tức liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *