Nghiên cứu trao đổi

Nghiệp vụ hoàn Thuế Giá trị gia tăng trong Chế độ kế toán hiện hành Thực trạng và giải pháp

Tiêu đề Nghiệp vụ hoàn Thuế Giá trị gia tăng trong Chế độ kế toán hiện hành Thực trạng và giải pháp Ngày đăng 2015-05-25
Tác giả Admin Lượt xem 1059

Trong thời gian qua, nhiều chính sách ưu đãi về thuế đã được ban hành để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và khuyến khích sự phát triển của các doanh nghiệp (DN) nhà đầu tư thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh (SXKD) Chính sách hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) tiếp tục tạo điều kiện và góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh của các DN. Tuy nhiên, hoàn thuế GTGT trong quy định của chế độ kế toán hiện hành đang bộc lộ những điểm chưa thực sự phù hợp, các quy định về kế toán nghiệp vụ hoàn Thuế GTGT vẫn còn những bất cập. Bài viết đề cập đến một số vấn đề liên quan đến kế toán nghiệp vụ hoàn thuế GTGT.

Để giúp DN ổn định SXKD, Chính phủ đã điều tiết kinh tế vĩ mô thông qua công cụ thuế. Nhiều giải pháp về thuế đã được đưa ra kịp thời nhằm hỗ trợ và tạo điều kiện tốt nhất cho các DN vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển SXKD.
Nhà nước đã ban hành quy định cụ thể về ưu đãi, miễn, giảm, giãn nộp thuế, trong đó có việc hoàn thuế GTGT. 
Tuy nhiên, việc kế toán ghi nhận nghiệp vụ hoàn thuế GTGT trong chế độ kế toán  (CĐKT) Việt Nam còn nhiều bất cập. 
Thực trạng CĐKT về ghi nhận nghiệp vụ hoàn thuế GTGTT

Luật Thuế GTGT ban hành năm 1997 đã có 08 lần sửa đổi, bổ sung. Theo quy định DN nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ sẽ được hoàn thuế GTGT đầu vào. Nếu số thuế GTGT được khấu trừ lớn hơn số thuế đầu ra phải nộp. 
Cho đến nay, đã có hơn 36.000 DN đề nghị hoàn thuế so với hơn 6 triệu đối tượng nộp thuế. Năm 2014, tổng số tiền hoàn thuế GTGT là 105.245 tỷ, tăng 10% so với năm 2013. Trong đó, chủ yếu là hoàn thuế GTGT cho các trường hợp xuất khẩu (chiếm 45,4%), hoàn thuế cho cơ sở kinh doanh trong 3 tháng liên tục trở lên có số thuế đầu vào chưa khấu trừ hết (chiếm 29,5%) và các dự án đang trong giai đoạn đầu tư.

Tuy nhiên, chính sách ưu đãi về hoàn thuế GTGT và chương trình cải cách thủ tục hành chính thuế hiện nay đang bị lợi dụng, làm giảm hiệu quả của chính sách và sự công bằng trong kinh doanh. Theo số liệu của Tổng Cục thuế, trong giai đoạn 2010 – 2014, cơ quan thuế chỉ tiến hành kiểm tra 20.500 hồ sơ “hậu kiểm”, đã truy thu và phạt vi phạm hành chính thuế 349.664 tr.đ, kiểm tra 20.800 hồ sơ “tiền kiểm” (kiểm tra trước, hoàn thuế sau) đã phải từ chối hoàn thuế GTGT với số tiền lên đến 1.147.425 tr.đ. Tình trạng gian lận trong hoàn thuế GTGT ngày càng trầm trọng là do còn nhiều tồn tại, bất cập trong quy định của Nghiệp vụ hoàn thuế GTGT được tiến hành qua 3 giai đoạn:

Giai đoạn 1: Khi DN lập và gửi bộ hồ sơ đề nghị hoàn thuế: Kế toán chỉ theo dõi hồ sơ và kế toán không ghi sổ.
Giai đoạn 2: Khi DN nhận quyết định hoàn thuế của cơ quan thuế: Kế toán không ghi sổ.
Giai đoạn 3: Khi DN được hoàn thuế GTGT.

Trường hợp 1: DN được hoàn thuế GTGT bằng tiền. Kế toán ghi:
Nợ TK 111,112…: Số tiền nhận được do hoàn thuế GTGT /Có TK 133 (1331, 1332): Thuế GTGT được hoàn lại 
Trường hợp 2: Phần thuế GTGT không được hoàn lại, tính vào chi phí kinh doanh. Kế toán ghi:
Nợ TK 632: Số thuế GTGT không được hoàn lại tính vào chi phí
Nợ TK 242: Số thuế GTGT không được hoàn lại phân bổ nhiều kỳ
  Có TK 133 (1331, 1332): Số thuế GTGT không được hoàn lại

Với quy trình về ghi nhận nghiệp vụ hoàn thuế GTGT hiện nay. Mặc dù, phản ánh chính xác số thuế GTGT được hoàn lại hay không đủ điều kiện được hoàn và tính vào chi phí, nhưng lại không phản ánh chính xác được ý nghĩa của số thuế GTGT đối với từng giai đoạn làm thủ tục gửi cơ quan thuế xin hoàn thuế GTGT.

Khi DN chưa làm thủ tục hoàn thuế GTGT thì theo Luật Thuế GTGT, số thuế GTGT đầu vào này vẫn “còn được khấu trừ, còn được hoàn lại”. Nhưng, khi DN đã làm thủ tục hoàn thuế GTGT (lập và gửi hồ sơ cho cơ quan thuế) thì ý nghĩa của số thuế này hoàn toàn khác. Lúc này, cho dù DN chưa nhận được quyết định xử lý của cơ quan thuế và chưa nhận được tiền hoàn thuế thì nó cũng không được sử dụng để khấu trừ, hay tiếp tục đề nghị hoàn ở những kỳ sau. Như vậy, số thuế GTGT đã đề nghị hoàn phải treo lại chờ cơ quan thuế ra quyết định mới được xử lý. Sau khi cơ quan thuế ra quyết định “không được hoàn thuế GTGT” hoặc “được hoàn thuế GTGT”, DN mới được xử lý số thuế này. Phần thuế GTGT không được hoàn tính vào chi phí, phần thuế GTGT được hoàn DN làm thủ tục ra kho bạc nhận tiền. 

Quy trình nghiệp vụ hoàn thuế GTGT được tiến hành qua 3 giai đoạn, mỗi giai đoạn DN cần thực hiện đầy đủ về hồ sơ. Theo bản chất của kế toán là ghi chép các nghiệp vụ kinh tế phát sinh căn cứ vào chứng từ. Như vậy, còn tồn tại giai đoạn 1 và 2 kế toán không tiến hành ghi sổ mà chỉ theo dõi trên hồ sơ,  khi đó TK 133 (1331, 1332) số dư gồm cả “thuế còn được khấu trừ” và “thuế đã đề nghị hoàn không còn được khấu trừ” dễ dẫn đến sai lầm khi lập tờ khai thuế GTGT hoặc khi thực hiện khấu trừ thuế và đề nghị hoàn thuế ở những kỳ sau. Mặt khác, khi kế toán lập bộ hồ sơ gửi cơ quan thuế đề nghị hoàn thuế GTGT và khi nhận được quyết định được hoàn thuế GTGT của cơ quan thuế mà không tiến hành ghi chép định khoản thì coi như đã bỏ sót chứng từ kế toán.

Giải pháp hoàn thiện về ghi nhận nghiệp vụ hoàn thuế GTGT
Để đảm bảo DN phản ánh đúng bản chất nghiệp vụ kinh tế phát sinh trong từng giai đoạn làm thủ tục xin hoàn thuế GTGT và tránh tình trạng bỏ sót chứng từ kế toán, cần phải bổ sung thêm một số quy định về kế toán:
Để phản ánh đúng ý nghĩa số thuế GTGT trong từng giai đoạn làm thủ tục hoàn thuế GTGT, chế độ kế toán cần quy định mở thêm hai TK kế toán chi tiết cho TK 133 
– TK 1331: “Thuế GTGT được khấu trừ của hàng hoá, dịch vụ”: dùng để phản ánh số thuế GTGT đầu vào của VTHH, DV mua ngoài dùng vào SXKD theo phương pháp khấu trừ.
– TK 1332: “Thuế GTGT được khấu trừ của TSCĐ”: Phản ánh số Thuế GTGT đầu vào của nghiệp vụ mua sắm TSCĐ dùng vào SXKD.
– TK 1333 “Thuế GTGT đã đề nghị hoàn”: Phản ánh số Thuế GTGT đã đề nghị hoàn. Trong đó:
Bên Nợ: Số Thuế GTGT đã đề nghị hoàn. 
Bên Có: Số Thuế GTGT đã nhận được quyết định được hoàn lại và số thuế GTGT nhận được quyết định không được hoàn phải tính vào chi phí.
Số dư: Số Thuế GTGT đã đề nghị hoàn nhưng chưa nhận được quyết định của cơ quan thuế.
– TK 1338 “Thuế GTGT đã được hoàn phải thu”: Phản ánh Thuế GTGT đã nhận được quyết định được hoàn nhưng chưa nhận được tiền.
Bên Nợ: Số Thuế GTGT đã được hoàn theo quyết định
Bên Có: Số Thuế GTGT đã nhận được tiền hoàn.
Số dư: Số Thuế GTGT đã được hoàn nhưng chưa nhận được tiền.
Kế toán nghiệp vụ hoàn thuế GTGT theo các giai đoạn như sau:

Giai đoạn 1: Khi DN lập bộ hồ sơ đề nghị hoàn thuế và gửi cho cơ quan thuế. Kế toán chuyển số thuế GTGT đề nghị hoàn từ TK1331, 1332 sang TK 1333 ghi:
Nợ TK 133 (1333)/ Có TK 133 (1331, 1332). 

Giai đoạn 2: Khi nhận được quyết định hoàn thuế 
Trường hợp 1: Phần không được hoàn thuế GTGT do cơ quan thuế loại ra thì tính vào chi phí, kinh doanh ghi: 
Nợ TK 632: Số thuế GTGT không được hoàn lại tính vào chi phí 
Nợ TK 242: Số thuế GTGT không được hoàn lại phân bổ nhiều kỳ
Có TK 133 (1333): Thuế GTGT đã đề nghị hoàn
Trường hợp 2T: Phần được hoàn thuế GTGT chuyển thành khoản thuế GTGT được hoàn phải thu, ghi: 
Nợ TK 133 (1338)/ Có TK 133 (1333).
  Giai đoạn 3: Khi nhận được tiền hoàn thuế GTGT, ghi: 
Nợ TK 111, 112/ Có TK 133 (1338).
Rất mong, nhận được ý kiến, trao đổi của đồng nghiệp để phản ánh đúng và đủ số thuế GTGT được hoàn lại.

Tài liệu tham khảo
1. TT200/2014/TT-BTC Bộ Tài chính, ngày 22/12/2014 
2. CMKT  số 14 
3. Thông tư 151/2014/TT – BTC ban hành ngày 10/10/2014 về hướng dẫn thi hành Nghị định số 91/2014/NĐ-CP ngày 01/10/2014 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Nghị định quy định về thuế
4. Luật số 71/2014/QH13 ngày 16/11/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của luật thuế giá trị gia tăng năm 2008
5. Website: www.gdt.gov.vn
6. Phần mềm hỗ trợ kê khai thuế 3.3.0.

TS. Hà Thị Thúy Vân *

* Đại học Thương mại
(Theo: TapchiKetoanvaKiemtoan)

Tin tức liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *