HỎI - ĐÁP

NGUYÊN NHÂN KHIẾN NỢ CÔNG NGÀY CÀNG TĂNG CAO CŨNG NHƯ CÁC GIẢI PHÁP KIỂM SOÁT NỢ CÔNG

Tiêu đề NGUYÊN NHÂN KHIẾN NỢ CÔNG NGÀY CÀNG TĂNG CAO CŨNG NHƯ CÁC GIẢI PHÁP KIỂM SOÁT NỢ CÔNG Ngày đăng 2016-07-11
Tác giả Admin Lượt xem 1684

Nhằm tìm hiểu rõ nguyên nhân khiến nợ công ngày càng tăng cao cũng như các giải pháp kiểm soát nợ công, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Võ Hữu Hiển – Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại – Bộ Tài chính.

Phóng viên: Nợ công trong thời gian gần đây được dư luận quan tâm đặc biệt, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng nợ công của một số nước châu Âu. Xin ông đánh giá về cơ cấu nợ công của Việt Nam hiện nay?

Ông Võ Hữu Hiển: Tính đến cuối 2015, cơ cấu nợ công của Việt Nam bao gồm: Nợ chính phủ chiếm 80,8% dư nợ, nợ được chính phủ bảo lãnh chiếm 17,8% và nợ chính quyền địa phương chiếm 1,4%.

Về nợ chính phủ, tỷ trọng nợ trong nước có xu hướng tăng từ 39% năm 2011 lên 57% năm 2015; tỷ trọng nợ nước ngoài giảm từ 61% xuống 43%. Xu hướng này phù hợp với định hướng Chiến lược nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2011 – 2020, tầm nhìn 2030.

Về cơ cấu kỳ hạn danh mục nợ của Chính phủ, nợ nước ngoài phần lớn là vốn ODA ưu đãi với kỳ hạn dài, mặc dù thời hạn có giảm đi do Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình. Theo phân tích bền vững nợ của Ngân hàng thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) thì kỳ hạn còn lại trong danh mục dư nợ đến 2015 của Việt Nam từ 12,3 – 12,4 năm. Tức là với số nợ đến 2015, Việt Nam phải trả trong vòng hơn 12 năm tới.

Nợ trong nước của Chính phủ chủ yếu là phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP). Trước đây, do áp lực huy động vốn lớn trong khi thị trường vốn trong nước chưa phát triển, nguồn vay đầu tư TPCP chủ yếu là ngân hàng thương mại nên giai đoạn 2011- 2013, chúng ta vay với kỳ hạn ngắn dẫn đến áp lực trả nợ trong ngắn hạn tăng lên. Thực hiện Nghị quyết 78 và Nghị quyết 99 của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã chỉ đạo kéo dài thời hạn phát hành trái phiếu trong nước. Nhờ vậy từ 2014, kỳ hạn đang là 3 năm, thì đến 2015 kéo dài lên 4,4 năm và 6 tháng đầu 2016 kéo dài lên 5 năm.

Về lãi suất, nợ nước ngoài chủ yếu là vốn ODA ưu đãi, lãi suất khá thấp, bình quân khoảng 2%/năm (theo phương pháp tính của IMF).

Nợ trong nước, lãi suất hình thành trên cơ sở đấu thầu trái phiếu qua Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX). Những năm trước, do chính sách thắt chặt tiền tệ để kiểm soát lạm phát nên có lúc lãi suất lên đến 12%/năm (2011), có món lên 13%/năm. Đến nay, mặt bằng lãi suất đã giảm, lãi suất bình quân khoảng 6,5%/năm (2015). 6 tháng đầu năm 2016, lãi chỉ còn khoảng 6%/năm.

Về cơ cấu đồng tiền trong danh mục nợ của Chính phủ, do nợ trong nước tăng nhanh, nợ nước ngoài giảm đi nên nợ hiện nay chủ yếu là Đồng Việt Nam, chiếm tỷ trọng 55%. Còn lại: USD chiếm 16%, Yên Nhật chiếm 13%, EUR 7%, Bảng Anh 2%, còn lại là các loại tiền khác.

Vậy, ông nhận xét như thế nào về an toàn nợ công, mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe nền kinh tế Việt Nam ra sao?

Tính đến 2015, nợ công của Việt Nam ở mức 62,2% GDP. Theo Chiến lược nợ công, mức trần cho phép không quá 65%. Chúng tôi đánh giá là vẫn kiểm soát được trần nợ công trong giới hạn Quốc hội cho phép.

Nợ công chủ yếu là vay cho đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội; có những giai đoạn vay để phục hồi cho những cơ sở sau chiến tranh; sau đó là vay để cải tạo nâng cấp các công trình cơ sở hạ tầng trong giai đoạn thu nhập thấp. Đến nay, Việt Nam chuyển sang vay cho các công trình kết cấu hạ tầng đường bộ là chủ yếu. Hiện nay, rất nhiều công trình sử dụng vốn vay đã hoàn thành và đang sử dụng hiệu quả.

Theo ông, đâu là nguyên nhân chính khiến nợ công tăng nhanh trong những năm qua?

Nợ công tăng nhanh so với trước, nhưng phải đánh giá theo từng giai đoạn.

Trước năm 2009, ở Việt Nam chưa có khái niệm nợ công, chỉ có nợ chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia. Từ năm 2010 trở đi, khi Luật Quản lý nợ công có hiệu lực, chúng ta mới gọi là nợ công. Xét về tốc độ, giai đoạn 2011- 2015 dư nợ công tăng trên 10% GDP (từ 50% năm 2011 lên 62,2% năm 2015). Giai đoạn 2006 – 2010 nợ công tăng 9% GDP.

Nguyên nhân nợ tăng nhanh, trước hết là áp lực huy động vốn cho đầu tư phát triển KTXH. Giai đoạn 2001- 2005, đầu tư toàn xã hội bình quân 39% GDP; 2006- 2010, đầu tư 42,9% GDP; 2011- 2015, đầu tư giảm nhưng vẫn ở mức 32- 33% GDP. Đầu tư ở mức tương đối cao trong khi tỷ lệ tiết kiệm của nền kinh tế cho đầu tư thì chưa cao, khoảng 25% GDP. Như vậy, thiếu hụt về nguồn cho đầu tư xã hội dẫn đến đi vay.

Bối cảnh kinh tế 2011- 2015 không thuận lợi, đặc biệt là mục tiêu tăng trưởng kinh tế phải điều chỉnh lại từ mức bình quân 7- 7,5%/năm xuống 6,5- 7%/năm. Tuy nhiên, chúng ta vẫn giữ nguyên các chỉ tiêu chi NSNN để đạt mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo, giảm khoảng cách phát triển giữa khu vực thành thị – nông thôn. Trên thực tế, tăng trưởng bình quân cả giai đoạn chỉ đạt mức 5,9%/năm. Trong khi nhu cầu vay và các chỉ tiêu khác thì không điều chỉnh giảm.

Cơ sở để tính toán các chỉ tiêu tài khóa, bội chi, vay nợ đều xuất phát từ tăng trưởng kinh tế. Khi chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế giảm nhưng các chỉ tiêu kia không giảm, dẫn đến tỷ lệ nợ công so với GDP tăng lên.

Thưa ông, hiện Bộ Tài chính đã có đề xuất gì trình Chính phủ, trình Quốc hội về các giải pháp để giảm nợ công?

Để giảm áp lực nợ công, đảm bảo an toàn nợ công, Bộ Tài chính đã nghiên cứu đệ trình Chính phủ, trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 3/2016 của Khóa XIII về Kế hoạch vay trả nợ công 2016 – 2020.

Để giảm dần nợ công không thể giảm ngay “một sớm một chiều” mà cần phải có lộ trình. Trước hết, muốn kiểm soát trần nợ công tốt phải kiểm soát vay mới. Kế hoạch đầu tư công trung hạn phải gắn với kế hoạch tài chính – ngân sách trung hạn. Trong đó, khả năng tài chính là cơ sở để quyết định đầu tư công. Nghĩa là, chúng ta phải “liệu cơm gắp mắm”, có tiền mới đầu tư.

Biện pháp trực tiếp thì đang trình Quốc hội theo hướng, có lộ trình giảm bội chi một cách đồng bộ, chặt chẽ theo Nghị quyết Đại hội Đảng XII, Nghị quyết của Quốc hội về bội chi ngân sách đến năm 2020 về dưới 4% GDP.

Bên cạnh đó, chúng tôi đang đề xuất giảm dần bảo lãnh chính phủ. Các doanh nghiệp phải từng bước vươn lên, nâng độ tín nhiệm của mình, tự vay tự trả, bỏ tâm lý ỷ lại vào Nhà nước.

Xin cảm ơn ông!

Tin tức liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *