Nghiên cứu trao đổi

Quản lý an toàn, vệ sinh lao động trong doanh nghiệp dệt may: Trường hợp nghiên cứu tại Tổng Công ty May 10 – Công ty Cổ phần

Tiêu đề Quản lý an toàn, vệ sinh lao động trong doanh nghiệp dệt may: Trường hợp nghiên cứu tại Tổng Công ty May 10 – Công ty Cổ phần Ngày đăng 2023-10-27
Tác giả Admin Lượt xem 2021

TS. Nguyễn Thị Thuỷ*-  Trần Chí Hiếu**

(*Khoa Kế toán và Quản trị kinh doanh, Học viện Nông nghiệp Việt Nam

**Học viên cao học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam).

Nhận:              03/08/2023

Biên tập:          04/08/2023

Duyệt đăng:    18/08/2023

Tóm tắt

An toàn, vệ sinh lao động là giải pháp hạn chế người lao động bị các thương tổn, sức khỏe gây ra bởi các yếu tố nguy hiểm khi làm việc. Hiện nay công tác an toàn, vệ sinh lao động tại các đơn vị đã được quan tâm, tuy nhiên các vấn đề về an toàn, vệ sinh lao động vẫn còn nhiều bất cập, các vụ tai nạn lao động vẫn chiếm tỷ lệ cao, gây thiệt hại nghiêm trọng cho người lao động và các đơn vị sử dụng lao động. Đặc biệt, lĩnh vực sản xuất, người lao động thường xuyên phải tiếp xúc với máy móc phương tiện làm việc, nếu công tác an toàn, vệ sinh lao động không được đảm bảo sẽ gây ra nhiều rủi ro. Trong đó, dệt may là một trong những lĩnh vực sản xuất được xếp vào nhóm ngành nghề hay xảy ra nhiều tai nạn lao động nghiêm trọng, vậy quản lý tốt công tác an toàn, vệ sinh lao động trong từng cơ sở sản xuất sẽ góp phần giảm số vụ tai nạn lao động, đảm bảo an toàn cho người lao động trong quá trình làm việc. Từ phân tích thực trạng quản lý an toàn, vệ sinh lao động tại TCT May 10 – Công ty cổ phần, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý an toàn, vệ sinh lao động tại Công ty May 10 nói riêng và của các đơn vị sản xuất dệt may nói chung.

Từ khoá: an toàn, vệ sinh lao động, quản lý an toàn, vệ sinh lao động.

Abstract

Occupational safety and hygiene is a solution to limit workers’ injuries and health caused by dangerous factors while working. The occupational safety and hygiene in the units has been concerned now, However, the issues of occupational safety and hygiene are still inadequate. Occupational accidents still account for a high proportion of stars, causing serious damage to both employees and employers. In particular, in the manufacturing sector, workers often have to come into contact with working machines and means, if the occupational safety and hygiene is not guaranteed, it will cause many risks. In particular, the textile and garment industry is one of the production field that are classified in the group of industries with many serious occupational accidents, so it is necessary to well manage occupational safety and hygiene in each establishment production to contribute to reducing the number of occupational accidents, ensuring the safety of workers during the working process. From the analysis of the current situation of occupational safety and hygiene management at Garment 10 Corporation, the article proposes some solutions to improve the efficiency of occupational safety and hygiene management at Garment 10 Corporation in particular and production units in general.

Keyword: occupational safety and hygiene, management of occupational safety and hygiene.

JEL Classifications: M00, M10, M19.

  1. Đặt vấn đề

Lao động là lực lượng rất quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước. Vì vậy, an toàn khi lao động luôn được đặt lên hàng đầu, nhất là trong các ngành nghề có tính đặc thù ẩn chứa nhiều yếu tố rủi ro nguy hiểm. An toàn, vệ sinh lao động là giải pháp hạn chế người lao động bị các thương tổn, sức khỏe gây ra bởi các yếu tố nguy hiểm khi làm việc.

Ngày 18/9/2013, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 29-CT/TW về đẩy mạnh công tác an toàn, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Năm 2015, Luật An toàn, vệ sinh lao động đã được Quốc hội thông qua. Đồng thời, để hướng dẫn thi hành Luật An toàn, vệ sinh lao động, Chính phủ đã ban hành 03 nghị định hướng dẫn: Nghị định số 37/2016/NĐ-CP, ngày 15/5/2016, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc; Nghị định số 39/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động; Nghị định số 44/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và quan trắc môi trường lao động và nhiều quy định khác… Tuy nhiên, hàng năm vấn đề vệ sinh an toàn lao động còn nhiều bất cập, theo thông báo số 1229/TB-LĐTBXH, ngày 7/4/2023 của Bộ Lao động thương binh và Xã hội trong năm 2022, toàn quốc đã xảy ra 7.718 vụ tai nạn lao động, tăng 1.214 vụ, tương ứng 18,66% so năm 2021. Số người bị nạn do tai nạn lao động là 7.923 người, tăng 1.265 người, tương ứng với 18,99% so năm 2021. Tai nạn lao động của năm 2022 đã gây thiệt hại là 14.385 tỷ đồng (Thông báo của Bộ LĐTBXH, 2023). Do vậy, cần quản lý tốt công tác an toàn vệ sinh lao động trong từng cơ sở sản xuất để góp phần giảm số vụ tai nạn lao động, giảm tổn thất cho Nhà nước, doanh nghiệp và chính người lao động. Dệt may là một trong những lĩnh vực sản xuất được xếp vào nhóm ngành nghề hay xảy ra nhiều tai nạn lao động nghiêm trọng. Vậy, giải pháp gì tăng cường quản lý an toàn lao động trong doanh nghiệp dệt may, bài viết tiến hành nghiên cứu quản lý an toàn vệ sinh lao động tại TCT May 10.

  1. Kết quả quản lý an toàn, vệ sinh lao động tại TCT May 10

TCT May 10 là một đơn vị chuyên sản xuất kinh doanh các sản phẩm may mặc với 7.171 lao động, trong đó 6.219 lao động trực tiếp chiếm 86,7%, đây là lực lượng lao động có nguy cơ gặp rủi ro về tai nạn lao động nếu công tác quản lý an toàn vệ sinh lao động không được thực hiện tốt. Trong thời gian qua, TCT cũng đã thực hiện nghiêm túc các quy định của Nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động cũng như cập nhật các tiêu chuẩn đánh giá của khách hàng về an toàn, vệ sinh lao động. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn một số đơn vị cũng như bộ phận người lao động tuân thủ chưa nghiêm túc các quy định về an toàn, vệ sinh lao động. Trong mấy năm gần đây, một số công nhân của các đơn vị phụ thuộc của TCT vẫn bị các tai nạn khi làm việc. Cụ thể, quản lý an toàn, vệ sinh lao động ở TCT May 10 được thể hiện ở các khía cạch sau:

Lập kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động

TCT May 10 là đơn vị sản xuất sản phẩm may mặc xuất khẩu. Chính vì vậy, ngoài yêu cầu phải thực hiện theo Luật An toàn, vệ sinh lao động thì các đối tác nhập khẩu cũng yêu cầu công ty phải thực hiện an toàn, vệ sinh lao động nếu không thì sẽ không đủ điều kiện xuất khẩu sản phẩm, thậm chí khách hàng còn yêu cầu công ty phải đáp ứng những quy định theo hiệp định, tổ chức và những quy định riêng của từng nhãn hàng. Chính vì vậy, căn cứ pháp luật, khách hàng, quy định nội bộ, TCT May 10 đã thực hiện việc lập cho các công việc thực hiện an toàn, vệ sinh lao động như kế hoạch tài chính cho hoạt động an toàn, vệ sinh lao động; kế hoạch cấp phát phương tiện bảo vệ cá nhân, trang phục lao động; kế hoạch khám sức khỏe định kỳ cho người lao động; kế hoạch quan trắc môi trường lao động; kế hoạch huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho các nhóm người lao động; kế hoạch kiểm định các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động.

  1. Tổ chức thực hiện an toàn, vệ sinh lao động

TCT May 10 đã thực hiện đa dạng các biện pháp an toàn, vệ sinh lao động cho TCT cũng như các đơn vị phụ thuộc.

Chi phí cho công tác an toàn, vệ sinh lao động:

Trong năm 2020, TCT May 10 đã chi phí cho công tác an toàn, vệ sinh lao động là khá lớn để thực hiện các hoạt động bao gồm:

Về kỹ thuật an toàn và phòng chống cháy nổ: TCT đã chi 8.210 triệu đồng để thực hiện: Cải tạo hệ thống điện phục vụ sản xuất an toàn; Làm thêm các giá kê để nguyên vật liệu và hàng hóa; Mua sắm, bảo trì  phương tiện phòng cháy chữa cháy; Lắp hệ thống báo cháy, hệ thống đèn thoát hiểm, cảnh báo; Bảo dưỡng hệ thống thang máy, máy điều hòa nhiệt độ; Kiểm định nồi hơi thiết bị áp lực; Sửa chữa nồi hơi thiết bị áp lực; Tổ chức lại nơi làm việc.

Về kỹ thuật vệ sinh lao động phòng chống độc hại, cải thiện điều kiện lao động, bảo vệ môi trường: TCT đã chi 2.750 triệu đồng thực hiện: Lắp đặt thêm quạt thông gió, máy hút bụi, hút khí độc, điều hòa không khí; Nâng cấp nhà xưởng chống nóng, ồn; Duy trì hoạt động thu gom xử lý, thu gom rác thải; Quan trắc môi trường, kiểm tra môi trường; Thổi bụi, vệ sinh công nghiệp, nạo vét cống rãnh, trồng, chăm sóc cây xanh thảm cỏ, hồ nước.

Mua sắm trang thiết bị bảo vệ cá nhân: với mức chi phí 5.500 triệu đồng để thực hiện việc mua sắm quần áo đồng phục và mua sắm các trang bị khác.

Chăm sóc sức khỏe người lao động: TCT đã chi ra 7.000 triệu đồng để thực hiện các hoạt động: Khám chữa bệnh cho người lao động; Khám sức khỏe định kỳ; Bồi dưỡng hiện vật, điều dưỡng phục hồi sức khỏe người lao động.

Tuyên truyền giáo dục và huấn luyện về an toàn, lao động vệ sinh: mức chi phí hết 865 triệu đồng cho các hoạt động: Tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ; Mua tài liệu, tạp chí, panô, áp phích về bảo hộ lao động; Tham quan giao lưu liên quan đến an toàn, vệ sinh lao động.

Cấp phát phương tiện bảo vệ cá nhân, trang phục lao động

Từ tháng 2 các bộ phận liên quan trong TCT sẽ cho người lao động đăng ký số lượng, cỡ, vóc trang phục lao động cũng như phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động. Sau khi có bảng tổng hợp, Trung tâm Kinh doanh thương mại sẽ mua phương tiện bảo vệ cá nhân hoặc phát lệnh sản xuất đối với trang phục. Quyết định cấp phát đồ bảo hộ cho người lao động được thực hiện trong tháng 3 và 4 hàng năm. Phương tiện bảo vệ cá nhân là bảo hộ lao động được trang bị cho người lao động làm việc an toàn gồm: Phương tiện bảo vệ thân thể (Áo mưa, tạp rề vải, tạp rề PVC…); Phương tiện bảo vệ thị giác, thính giác (Kính trắng, kính đen, nút tai, chụp tai, mặt nạ hàn…); Phương tiện bảo vệ đầu, cơ quan hô hấp (Mũ cứng, nón lá, mũ PVC, khẩu trang vải, cục lọc, phòng độc…); Phương tiện bảo vệ chân tay, chống ngã cao (Găng tay kim loại 5 ngón, găng tay kim loại 3 ngón, găng tay cao su, găng tay vải, găng tay sợi, găng tay cách điện, ủng cao su, dép PVC, giầy vải, giầy da, đệm mút…); Phương tiện khác (Dây an toàn, sào cách điện, yếm da bọc chì…). Trang phục lao động là các loại quần áo đồng phục trang bị cho người lao động để sử dụng trong thời gian tham gia sản xuất, kinh doanh với 15.620 bộ trong năm 2022 gồm: Áo sơ mi công nhân trực tiếp sản xuất; Áo sơ mi nhân viên gián tiếp; Quần, áo đặc thù làm công việc nghiêm ngặt về an toàn; Quần, áo đồng phục nhân viên bảo vệ; Quần, áo đồng phục nhân viên Y tế, giáo viên mầm non; Quần, áo đồng phục nhân viên nấu ăn

Khám sức khỏe định kỳ

Căn cứ kế hoạch đầu năm, TCT May 10 đã phối hợp với các đơn vị tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động đúng theo quy định. Kết quả phân loại sức khoẻ của cán bộ công nhân viên của TCT May 10 năm 2022 đạt loại I là 1,7%, loại II là 65,3%; loại III là 25,9%, và loại IV là 1,1%. Kết quả phân loại sức khỏe II, III chiếm tỷ lệ cao cũng làm ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của TCT. Tỷ lệ công nhân mắc các bệnh về mắt, xương khớp và tiêu hoá khá cao, và có xu hướng tăng dần trong các năm. Đây cũng chính là các bệnh nghề nghiệp mà người lao động trong ngành dệt may mắc phải, do ngành may là ngành đặc thù độc hại.

Quan trắc môi trường lao động

Căn cứ Điều 35, 38 Nghị định 44/2016/NĐ-CP và kế hoạch quan trắc môi trường lao động phòng Y tế – Môi trường lao động của TCT sẽ phối hợp với đơn vị có đủ chức năng tổ chức quan trắc môi trường lao động ở tất cả các vị trí, khu vực. Qua đó đánh giá chất lượng môi trường làm việc, từ đó có giải pháp khắc phục, cải tạo cơ sở vật chất để người lao động có một môi trường làm việc tốt nhất. Công việc quan trắc môi trường lao động được thực hiện định kỳ vào tháng 6 hàng năm. Căn cứ vào tình hình thực tế hàng năm thì số lượng mẫu liên quan đến yếu tố quan trắc có sự thay đổi về số lượng. Kết quả quan trắc hàng năm đều đạt kết quả cho phép đảm bảo môi trường làm việc cho người lao động. Tuy nhiên đơn vị quan trắc cũng đưa ra khuyến cáo về môi trường ánh sáng, nhiệt độ là chưa thực sự tốt, lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ của người lao động

Huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động

Theo quy định huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, TCT May 10 đã thực hiện tập huấn 1- 2 lần trong năm cho các đối tượng từ lãnh đạo quản lý đến người lao động về hệ thống chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; Nghiệp vụ công tác an toàn, vệ sinh lao động bao gồm: Tổ chức bộ máy, quản lý và thực hiện quy định về an toàn, vệ sinh lao động ở cơ sở; phân định trách nhiệm và giao quyền hạn về công tác an toàn, vệ sinh lao động; Kiến thức cơ bản về yếu tố nguy hiểm, có hại, biện pháp phòng ngừa, cải thiện điều kiện lao động; Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động, người lao động; chính sách, chế độ về an toàn, vệ sinh lao động đối với người lao động; Kiến thức cơ bản về yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc và phương pháp cải thiện điều kiện lao động; Chức năng, nhiệm vụ của mạng lưới an toàn, vệ sinh; Văn hóa an toàn trong sản xuất, kinh doanh.

Kiểm định các thiết bị máy móc

Trên cơ sở về chu kỳ, thời hạn kiểm định của từng thiết bị, TCT lập danh mục tổng hợp thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt tất cả các đơn trong toàn TCT theo mức kiểm định hay kiểm tra vận hành. TCT đã phối hợp với đơn vị kiểm định để thực hiện việc kiểm định các thiết bị sản xuất từ tháng 4 và kết thúc vào tháng 5 hàng năm. Trong quá trình kiểm định thiết bị nào không đạt yêu cầu, bên kiểm định sẽ lập biên bản tạm dừng hoạt động của thiết bị để khắc phục để kiểm định lại. Sau khi kiểm định xong, sẽ xác nhận vào lý lịch của từng thiết bị cũng như lưu hồ sơ tại các đơn vị có thiết bị. Kết quả kiểm định đã phát hiện một số thiết bị như nồi hơi đốt bằng than gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến môi trường và sức khoẻ của người lao động.

Kiểm tra, kiểm soát an toàn, vệ sinh lao động

Hàng năm, các cơ quan quản lý Nhà nước thường xuyên kiểm tra việc tuân thủ công tác an toàn, vệ sinh lao động của TCT May 10, như đoàn kiểm tra từ Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Sở Lao động Thương binh và Xã hội kiểm tra công tác huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, kiểm định các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn và cấp phát phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động; Bộ Y tế hoặc Sở Y tế kiểm tra việc thực hiện quan trắc môi trường lao động, khám sức khỏe định kỳ cho cán bộ công nhân viên; Khách hàng thường xuyên đánh giá việc Công ty thực hiện các yêu cầu của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động cũng như những yêu cầu riêng của từng khách hàng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động.

Đối với việc kiểm tra, kiểm soát nội bộ thì TCT May 10 đã thành lập Hội đồng An toàn vệ sinh lao động theo quy định của Nhà nước định kỳ 6 tháng 1 lần, kiểm tra tất cả các chi nhánh địa phương và 1 tháng 1 lần tổ chức kiểm tra tại trụ sở để tham mưu cho Cơ quan Tổng giám đốc những vần đề liên quan đến an toàn, vệ sinh lao động. Công tác kiểm tra được thực hiện từ lập kế hoạch đến tổ chức thực hiện và kết quả thanh tra được công bố rõ ràng. Kết quả từng lần kiểm tra đã chỉ ra nhưng mặt đạt được trong công tác an toàn, vệ sinh lao động tại TCT cũng như các đơn vị phụ thuộc phải đảm bảo điều kiện làm việc cho công nhân viên, đảm bảo yêu cầu về pháp luật an toàn, vệ sinh lao động tại các cơ sở sản xuất. Kiểm tra, kiểm soát cũng đã phát hiện ra các thiết bị máy móc hỏng không đáp ứng yêu cầu an toàn lao động ở các nhà máy sản xuất như hệ thống thoát hơi, hệ thống phòng cháy chữa cháy, đoàn kiểm tra cũng đã lập biên bản và có ý kiến kiến nghị để sửa chữa khắc phục, đảm bảo điều kiện sản xuất tốt nhất cho người lao động.

Trong thời gian qua, công tác quản lý an toàn, vệ sinh lao động của TCT May 10 đã thực hiện nghiêm túc, đúng quy định của Nhà nước về quản lý an toàn, vệ sinh lao động. TCT đã ban hành đầy đủ các nội quy, quy trình vận hành của tất cả các loại máy móc thiết bị có trong TCT. Người lao động đang làm việc cũng như mới tuyển dụng đều được huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động định kỳ hàng năm và trước khi vào làm việc tại TCT. Tất cả các xưởng sản xuất của các nhà máy đều được lắp hệ thống quạt làm mát có hơi nước, khu vực lò hơi đều có hệ thống xử lý bụi và khí thải. Hàng năm, theo quy định của Nhà nước, TCT đều phối hợp với các đơn vị có chức năng tổ chức đo kiểm, quan trắc môi trường tại tất cả các đơn vị và theo kết quả các lần đều đạt yêu cầu. Chi phí cho hoạt động an toàn, vệ sinh lao động là khá lớn để đảm bảo công tác an toàn, vệ sinh lao động trong toàn TCT. TCT May 10 hàng năm đều tổ chức hưởng ứng Tháng hành động về An toàn – Vệ sinh lao động.

Bên cạnh những kết quả đạt được thì quản lý an toàn, vệ sinh lao động của TCT May 10 vẫn còn tồn tại các hạn chế: Công tác lập kế hoạch đều được dựa vào tình hình đã thực hiện của năm trước, dựa vào định mức thực tế để thực hiện tuy nhiên những quy định về định mức còn thấp nên khi thực hiện đã phát sinh thêm chi phí so với kế hoạch. Thêm nữa, TCT May 10 lập kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động cho các đơn vị phụ thuộc chứ không phải kế hoạch do các đơn vị gửi lên. Vì vậy, kế hoạch chưa thực sự sát với thực tế diễn ra tại các đơn vị phụ thuộc. Công ty thực hiện chưa tốt “Quy định chế độ phân cấp trách nhiệm về công tác Bảo hộ lao động”, không có phòng hoặc ban chuyên trách về công tác an toàn, vệ sinh lao động do đó các hoạt động không mang tính chuyên nghiệp và hiệu quả hoạt động không cao. Người phụ trách của một số đơn vị phụ thuộc chưa hiểu được tầm quan trọng của công tác an toàn, vệ sinh lao động trong sản xuất kinh doanh nên lĩnh vực này không được người quản lý quan tâm. Công ty chưa có cán bộ chuyên trách về an toàn, vệ sinh lao động mà vẫn kiêm nhiệm làm nhiều công việc khác. Đội ngũ an toàn, vệ sinh viên hoạt động chưa được hiệu quả còn hình thức và thiếu quy chế hoạt động.

Việc sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân của người lao động còn mang tính hình thức, đối phó. Huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động còn chưa đủ thời gian và nội dung liên quan. Khám sức khỏe định kỳ chưa được chuyên sâu các nội dung để phát hiện sớm bệnh cho người lao động để giảm chi phí điều trị mà mới đang khám một số chỉ tiêu cơ bản. Quan trắc môi trường còn chung chung, chưa chỉ ra các vị trí cần khuyến cáo để có kế hoạch đầu tư đảm bảo môi trường làm việc tốt hơn cho người lao động. Chưa có kế hoạch kiểm tra trước các thiết bị cần kiểm định để chủ động trong việc khắc phục điểm chưa phù hợp, tránh phải dừng thiết bị khi kiểm định không đạt. Chưa có chế tài đủ mạnh để thưởng, phạt đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động để có tính động viên, dăn đe người lao động thực hiện nghiêm túc các quy định, quy trình.

Mặc dù, TCT đã thực hiện khá tốt công tác an toàn, vệ sinh lao động, tuy nhiên trong mấy năm gần đây vẫn sảy ra bốn vụ tai nạn lao động gây thiệt hại cho TCT và người lao động: (i) Tai nạn kéo bấm chỉ văng vào mắt của công nhân, xảy ra năm 2017 tại Chi nhánh TCT May 10 – Công ty cổ phần – Xí nghiệp may Hưng Hà (tại chi nhánh tỉnh Thái Bình); (ii) Tai nạn máy dập cúc, dập vào ngón tay của công nhân, xảy ra năm 2020 tại Trung tâm Phát triển sản phẩm (tại trụ sở Hà Nội); (iii) Tai nạn xích truyền động của máy ép mex ép vào tay của công nhân, xảy ra năm 2022 tại Xí nghiệp sơ mi Hà Nội (tại trụ sở Hà Nội); (iv) Tai nạn kim máy máy xiên qua đầu ngón tay của công nhân, xảy ra tháng 6/2023 tại Xí nghiệp sơ mi Hà Nội (tại trụ sở Hà Nội).

Quản lý an toàn, vệ sinh lao động tại TCT May 10 thời gian qua đã đạt được một số thành công, tuy nhiên vẫn tồn tại các mặt hạn chế. Vì vậy, để quản lý an toàn, vệ sinh lao động đạt hiệu quả cao, hạn chế tối đa các rủi do cho người lao động, cần triển khai đồng bộ các giải pháp sau:

Thứ nhất, hoàn thiện việc lập kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động: kế hoạch nên được lập từ chính các đơn vị phụ thuộc như nhà máy, phân xưởng thì sẽ đảm bảo việc thực hiện an toàn, vệ sinh lao động được sát với thực tế của từng đơn vị. TCT May 10 cần xây dựng kế hoạch cụ thể thời gian huấn luyện an toàn cho từng nhóm đối tượng người lao động với những nội dung phong phú, dễ hiểu để công tác tập huấn an toàn, vệ sinh lao động hàng năm được hấp dẫn, người lao động dễ tiếp thu nắm bắt kiến thức để áp dụng vào thực tế công việc của mình.

Thứ hai, nâng cao trình độ quản lý về an toàn, vệ sinh lao động: TCT nên phân cấp rõ ràng về trách nhiệm trong quản lý an toàn, vệ sinh lao động từ cấp TCT đến các nhà máy và xưởng sản xuất. TCT cần quy định chế độ phân cấp trách nhiệm về công tác Bảo hộ lao động; cần đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ phụ trách về vệ sinh, an toàn lao động; cần kiện toàn bộ máy quản lý, giám sát công tác bảo hộ lao động. TCT nên bố trí cán bộ chuyên trách có trình độ và hiểu biết sâu để hoạt động quản lý an toàn, vệ sinh lao động tại các nhà máy sản xuất, để công tác quản lý an toàn, vệ sinh lao động đảm bảo tính chuyên nghiệp và hoạt động có hiệu quả.

Thứ ba, xây dựng quy chế hoạt động về an toàn, vệ sinh lao động: xây dựng quy chế hoạt động về an toàn, vệ sinh lao động cụ thể trong từng đơn vị phù hợp với điều kiện thực tế là hết sức quan trọng, giúp cho việc quản lý an toàn, vệ sinh lao động đạt hiệu quả cao. Xây dựng quy chế hoạt động an toàn, vệ sinh lao động nên phối hợp với tổ chức công đoàn để được sự đồng thuận và giúp việc thực hiện quy chế một cách triệt để, và hiệu quả. Cần xây dựng các bước trong từng hoạt động quản lý an toàn, vệ sinh lao động như trong khâu Cấp phát phương tiện bảo vệ cá nhân, trang phục lao động; Khám sức khỏe định kỳ; Quan trắc môi trường; Huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động: Kiểm định các thiết bị máy móc

Thứ tư, tổ chức thực hiện các hoạt động về an toàn, vệ sinh lao động: TCT cần phân phối thời gian huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động để trong 1 năm huấn luyện đủ thời gian cũng như kiến thức về an toàn, vệ sinh lao động để người lao động có đủ kiến thức phòng tránh rủ ro tai nạn lao động mà đồng thời cũng không ảnh hưởng nhiều đến sản xuất. Khám sức khỏe chuyên sâu hơn nữa cho người lao động, qua đó phát hiện sớm bệnh để điều trị giảm chi phí chữa bệnh cho người lao động, doanh nghiệp và ổn định nguồn nhân lực. Bộ phận an toàn và y tế giám sát, phối hợp với đơn vị quan trắc môi trường để phát hiện những khu vực môi trường chưa tốt. Qua đó, tham mưu cho lãnh đạo cải tạo thiết bị và đầu tư cơ sở vật chất để người lao động có điều kiện làm việc tốt hơn. Thường xuyên cập nhật thông tin về các loại bảo hộ lao động trên thị trường để tham mưu cho lãnh đạo trang bị phương tiện bảo vệ các nhân phù hợp với môi trường làm việc và vị trí phù hợp.

Cần duy trì quạt máy, quạt thổi, quạt hút để tạo nhiệt độ lý tưởng đáp ứng sinh lý lao động của người lao động. Thường xuyên vệ sinh bóng đèn, máng đèn để đảm bảo điều kiện ánh sáng tốt nhất cho người lao động làm việc, đồng thời cũng nên tận dụng ánh sáng tự nhiên trong các đơn vị, nhà xưởng. Cần quan tâm các tật khúc xạ, các dấu hiệu bệnh lý về đường hô hấp của công nhân do làm việc trong phòng kín, có tiếp xúc với bụi và nồng độ CO2. CO… để giảm bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Cần đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị nhằm đảm bảo an toàn và cải thiện điều kiện lao động để giảm sức lao động của con người phải bỏ ra và tăng năng xuất lao động. Gắn trách nhiệm của người quản lý các đơn vị ngoài việc sản xuất kinh doanh thì luôn phải coi trọng công tác an toàn, vệ sinh lao động.

Thứ năm, tăng cường công tác tuyên truyền về an toàn, vệ sinh lao động

Tăng cường công tác tuyên truyền cho người lao động thực hiện nghiêm túc các quy định của nhà nước và TCT về công tác an toàn, vệ sinh lao động. Tại nơi làm việc, cần để nhiều biển cảnh báo về tai nạn lao động để nhắc nhở người lao động đảm bảo an toàn trong khi lao việc. Tuyên truyền người lao động thường xuyên sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân để phòng tránh các bệnh do yếu tố môi trường gây ra và tránh rủi ro khi làm việc với thiết bị máy móc có nguy cơ gây bị thương cho người sử dụng. Các đơn vị cần phối hợp với công đoàn thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở người lao động thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn, vệ sinh lao động

Thứ sáu, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát về an toàn, vệ sinh lao động

Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở người lao động thực hiện nghiêm các quy định về an toàn, vệ sinh lao động. Tăng cường hơn nữa việc kiểm định máy móc phương tiện làm việc để phát hiện những rủi ro mà máy móc phương tiện có thể xảy ra. Đo kiểm đầy đủ các khu vực để đánh giá được chất lượng môi trường làm việc của người lao động. Kết quả kiểm tra cần được thực hiện việc biểu dương các trường hợp thực hiện tốt an toàn, vệ sinh lao động. Đồng thời, cũng như xử phạt kịp thời những sai phạm, cần có chế tài thưởng phạt rõ ràng trong việc chấp hành nghiêm các quy định về an toàn, vệ sinh lao động. Tăng cường kiểm tra, giám sát để kiến nghị kịp thời với tổ trưởng hoặc cấp trên thực hiện đầy đủ các chế độ bảo hộ lao động, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động và khắc phục kịp thời những trường hợp mất an toàn, vệ sinh của máy, thiết bị, vật tư, chất và nơi làm việc.

           

 

Tài liệu tham khảo

Kế hoạch, báo cáo về an toàn, vệ sinh lao động TCT May 10.

Luật số 84/2015/QH13, ngày 25/6/2015 của Quốc hội ban hành Luật An toàn, vệ sinh lao động

Nghị định 44/2016/NĐ-CP, ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và quan trắc môi trường lao động.

Nghị định 39/2016/NĐ-CP, ngày 15/5/2016 của Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi Tiết thi hành một số Điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động.

Nghị định 37/2016/NĐ-CP, ngày 15/5/2016 của Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi Tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc.

Nghị định 113/2017/NĐ-CP, ngày 09/10/2017 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất; theo quy định thì người làm công tác quản lý, giám sát và sử dụng hóa chất phải được huấn luyện an toàn hóa chất;

Thông tư 07/2016/TT-BLĐTBXH, ngày 15/5/2016 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định một số nội dung tổ chức thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Thông tư 19/2016/TT-BYT, ngày 30/6/2016 của Bộ Y tế ban hành Thông tư hướng dẫn quản lý vệ sinh lao động và sức khỏe người lao động.

Thông tư 36/2019/TT-BLĐTBXH, ngày 30/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư ban hành Danh mục các loại máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động.

Thông tư 06/2020/TT-BLĐTBXH, ngày 20/8/2020 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư Ban hành Danh mục công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động.

Thông báo của Bộ LĐTBXH về tai nạn lao động, 2023.

Tin tức liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *