Tin trong nước

“Siết chặt kỷ luật, kỷ cương của công chức, viên chức, người lao động ngành Tài chính trong thực thi công vụ”

Tiêu đề “Siết chặt kỷ luật, kỷ cương của công chức, viên chức, người lao động ngành Tài chính trong thực thi công vụ” Ngày đăng 2018-04-13
Tác giả Admin Lượt xem 930

“Siết chặt kỷ luật, kỷ cương của công chức, viên chức, người lao động ngành Tài chính trong thực thi công vụ”.

Đó là khẳng định của ông Phạm Đức Thắng – Quyền Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ – Bộ Tài chính khi trả lời phỏng vấn Cổng TTĐT Bộ Tài chính về những giải pháp căn cơ ngành sẽ thực hiện trong công tác quản lý công chức, viên chức, người lao động nhằm giảm thiểu những tiêu cực phát sinh trong quá trình thực thi công vụ.

                    Ông Phạm Đức Thắng- Quyền Vụ trưởng Vụ TCCB – Bộ Tài chính

Vừa qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng có phản ánh một số vụ việc tiêu cực của một số cá nhân là công chức, viên chức, người lao động ngành Tài chính, ngay khi có thông tin, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có văn bản yêu cầu các đơn vị kiểm tra, xử lý và báo cáo. Xin ông cho biết, kết quả công tác xử lý các trường hợp này đến nay như thế nào?

– Trong thời gian gần đây, báo chí có phản ánh 2 vụ việc tiêu cực trong thực thi công vụ của công chức Phòng Tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế – Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh và công chức Chi cục Hải quan cảng Đình Vũ – Cục Hải quan TP. Hải Phòng. Ngay khi báo chí đưa tin, Bộ Tài chính cũng như các Tổng cục đã triển khai ngay các biện pháp để xử lý đối với các công chức vi phạm.

– Cụ thể, đối với trường hợp ông Hùng, Phó Phòng Tuyên truyền hỗ trợ – Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh đã có Quyết định đình chỉ công tác từ ngày 5/4/2018, tức chỉ sau một ngày khi phát hiện sự việc.

– Đối với vụ việc tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Đình Vũ – Hải Phòng, sau khi có thông tin trên báo Lao động vào sáng 9/4, chiều 9/4, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan thông báo ý kiến của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng yêu cầu khẩn trương làm rõ nội dung báo chí phản ánh, xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân có vi phạm theo đúng quy định, báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài chính trước 9 giờ ngày 10/4/2018. Đồng thời chỉ đạo các đơn vị thuộc hệ thống Hải quan thực hiện nghiêm công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nội bộ, phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm của cán bộ công chức, kiên quyết đưa ra khỏi ngành các công chức thoái hóa, biến chất, tiêu cực, vi phạm kỷ luật.

Ngay trong ngày 9/4, Tổng cục Hải quan có văn bản yêu cầu và Cục Hải quan TP. Hải Phòng đã có quyết định tạm đình chỉ ngay các công chức hải quan có liên quan, đồng thời đề nghị làm rõ, xử lý trách nhiệm người đứng đầu, tập thể và cá nhân có sai phạm.

Việc đình chỉ công tác chỉ là bước đầu để có thời gian kiểm tra, xem xét, làm rõ. Sau khi xác định rõ mức độ vi phạm thì mới có quyết định về hình thức kỷ luật trên tinh thần xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của Đảng, Chính phủ về xử lý kỷ luật đối với công chức.

Vai trò, trách nhiệm của những người đứng đầu ở các đơn vị để xảy ra tình trạng vi phạm của CBCC ra sao thưa ông?

– Bộ Tài chính là Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, được Chính phủ giao quản lý nhà nước về tài chính – ngân sách và nhiều lĩnh vực quan trọng khác của nền kinh tế, trong đó có những lĩnh vực nhạy cảm như thuế, hải quan, có sự tiếp xúc trực tiếp giữa công chức với người dân, doanh nghiệp. Với cơ cấu tổ chức gần 10.000 đầu mối đơn vị từ trung ương đến các địa phương; Với số lượng công chức, viên chức và người lao động lớn, trên 70.000 người.

Công tác quản lý công chức, viên chức và người lao động của Bộ Tài chính có sự phân công, phân cấp mạnh mẽ đảm bảo phát huy vai trò của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được phân cấp trong việc quản lý đội ngũ cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý. Đi đôi với phân cấp quản lý, Bộ Tài chính cũng thường xuyên thực hiện việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của công chức, viên chức cũng như trong công tác quản lý cán bộ. Kịp thời xử lý những cán bộ có hành vi sách nhiễu, tiêu cực, gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp.

Ngoài những việc báo chí, người dân, doanh nghiệp phản ánh, hàng năm chúng tôi đã đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra công vụ. Qua thanh tra, kiểm tra từ năm 2014 đến 12/2017 toàn ngành đã xử lý kỷ luật hơn 1.200 trường hợp, trong đó đáng chú ý là hình thức buộc thôi việc 99 trường hợp, cách chức 32 trường hợp và giáng chức 6 trường hợp.

Đối với những vụ việc khi báo chí, người dân, doanh nghiệp có phản ánh, thông tin về việc công chức trong ngành có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, Bộ Tài chính đã nhanh chóng, kịp thời phối hợp với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, người dân để xác minh thông tin, xác định cụ thể công chức có hành vi tiêu cực. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng kiên quyết chỉ đạo xử lý nghiêm cán bộ, công chức vi phạm, kiên quyết đưa ra khỏi ngành những cán bộ thoái hóa, biến chất, tiêu cực.

Ngành Tài chính đã xử lý khá nghiêm khắc các trường hợp vi phạm, tuy nhiên, để việc vi phạm của công chức, viên chức, người lao động trong ngành không còn tái diễn trong thời gian tới, Bộ Tài chính có có những giải pháp nào mang tính “căn cơ” hơn không thưa ông?

– Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục thực hiện quyết liệt chủ trương của Đảng, quy định của pháp luật về công tác phòng chống tham nhũng, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác cán bộ để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, ngăn chặn, đẩy lùi được tệ nạn nhũng nhiễu, tiêu cực của một số công chức, viên chức, người lao động trong ngành tài chính, không để tình trạng “một con sâu làm rầu nồi canh”. Theo đó, Bộ Tài chính sẽ tập chung và tiếp tục thực hiện một số giải pháp chính như sau:

Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, đề cao vai trò trách nhiệm của cấp ủy Đảng, người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác phòng chống tham nhũng, chống tiêu cực, phiền hà, sách nhiễu trong quá trình thực thi công vụ; nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ thông qua công tác tuyên truyền phổ biến, quán triệt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tại Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, XII, Chỉ thị số 05 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 26 của Thủ tướng Chính phủ và các Chỉ thị của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác quản lý cán bộ và trách nhiệm người đứng đầu.

Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo Nghị quyết số 36a/NQ-CP và Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ, Nghị quyết số 104/NQ-CP ngày 09/10/2017 của Chính phủ về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính; theo đó, cần giảm tiếp xúc trực tiếp giữa người dân, doanh nghiệp đối với cán bộ, công chức thông qua việc mở rộng thực hiện hóa đơn điện tử trên phạm vi toàn quốc; đẩy mạnh nộp thuế qua mạng, thực hiện hoàn thuế điện tử, kiểm tra trước hoàn thuế; thực hiện quản lý rủi ro trong thanh tra, kiểm tra thuế. Gắn cải cách hành chính, hiện đại hóa ngành với việc kiện toàn, sắp xếp, tổ chức bộ máy các đơn vị theo hướng tinh gọn, khoa học, hiện đại, giảm các tầng nấc trung gian. Thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm

Thứ ba, tiếp tục xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện nghiêm Nghị quyết số 39, Nghị quyết 18, 19 NQ-TW- Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

Thứ tư, tiếp tục rà soát, xây dựng, cụ thể hóa các quy chế, quy trình, thủ tục trong công tác cán bộ đảm bảo đúng quy định của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đồng thời phù hợp với thực tế của ngành đảm bảo công khai, minh bạch, thực hiện thống nhất trong toàn ngành.

Thứ năm, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch, vững mạnh, có đầy đủ bản lĩnh về chính trị, đạo đức nghề nghiệp, có trình độ chuyên môn sâu, sẵn sàng đáp ứng và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao; tăng cường và thực hiện có hiệu quả công tác luân phiên, luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác. Trong những lĩnh vực nhạy cảm sẽ rút ngắn thời gian bắt buộc phải luân phiên luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác so với quy định nhằm phòng ngừa sai phạm, tiêu cực có thể xảy ra, bên cạnh đó góp phần rèn luyện, đào tạo, bồi dưỡng và thử thách công chức ở các môi trường, điều kiện khác nhau.

Thứ sáu, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về công vụ, công chức, nhất là việc thực thi công vụ ở những vị trí trực tiếp giải quyết yêu cầu của công dân, tổ chức, doanh nghiệp nhằm ngăn chặn, phòng ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời, đúng quy định của pháp luật đối với những hành vi tham nhũng, tiêu cực. Xử lý nghiêm cán bộ, công chức có hành vi tham nhũng, tiêu cực và xử lý nghiêm trách nhiệm vai trò của người đứng đầu đơn vị mình quản lý để xảy ra sai phạm, tham nhũng, tiêu cực.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Muôn việc thành công hay thất bại, đều do cán bộ tốt hay kém”. Do đó, ngoài những biện pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý những những nhiễu, tiêu cực nêu trên, mỗi người cán bộ, công chức của ngành Tài chính cũng phải tự rèn luyện để có đức, có tài, đủ tầm đáp ứng yêu cầu đổi mới toàn diện của đất nước.

Xin cảm ơn ông!

Tin tức liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *