Nghiên cứu trao đổi

Sự cần thiết về đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy kế toán trong điều kiện ứng dụng công nghệ 4.0 tại Trường Đại học Tân Trào

Tiêu đề Sự cần thiết về đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy kế toán trong điều kiện ứng dụng công nghệ 4.0 tại Trường Đại học Tân Trào Ngày đăng 2023-08-17
Tác giả Admin Lượt xem 904

Đinh Thị Lan* (*Trường Đại học Tân Trào).

Nhận:              10/04/2023

Biên tập:          11/04/2023

Duyệt đăng:    15/05/2023

Tóm tắt

Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đang tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực sản xuất kinh doanh, trong đó có lĩnh vực kế toán. CMCN 4.0 đang diễn ra không chỉ tại các nước phát triển trên thế giới, mà còn phát triển cả ở những nước đang phát triển và chậm phát triển với những yếu tố cốt lõi là “Trí tuệ nhân tạo – AI”, “Internet vạn vật và dữ liệu lớn – BigData”. Điều này, đòi hỏi công tác kế toán phải nâng cao chất lượng thích ứng với sự thay đổi của khoa học và công nghệ. Thông qua bài viết này, tác giả đưa ra xu hướng của ngành kế toán khi áp dụng công nghệ 4.0 và một số khuyến nghị đổi mới chương trình nội dung và phương pháp giảng dạy kế toán tại trường Đại học Tân Trào, nhằm đào tạo nguồn nhân lực kế toán thích ứng với bối cảnh ứng dụng công nghệ 4.0.

Từ khóa: phương pháp giảng dạy, Cách mạng Công nghiệp 4.0, nghề kế toán.

Abstract

The industrial revolution 4.0 has been influencing strongly all areas of production and business, including accounting. The industrial revolution 4.0 is taking place not only in developed countries but also in developing and slow-developing countries around the world, with the core issues including artificial intelligence (AI), the internet of thousands of objects, and big data. These facts require accounting activities to improve quality in order to adapt to changes in science and technology. In this article, the author gave the trend of the accounting field in applying the technology of 4.0 and proposed some recommendations for renovating the accounting curriculum, contents and teaching methods at Tan Trao University to create human resources of accounting, that can adapt to the period of technology application.

Keywords: teaching methods, 4.0 industrial  revolution, accountants.

JEL Classifications: I22, I23, I00.

DOI: https://doi.org/10.59006/vnfa-jaa.05202315

  1. Đặt vấn đề

CMCN 4.0 hay còn gọi là “Cuộc Cách mạng số” là xu hướng tự động hóa và trao đổi dữ liệu trong công nghệ sản xuất, nó bao gồm các hệ thống không gian mạng thực – ảo (cyber-physicalsystem), internet vạn vật, điện toán đám mây và điện toán nhận thức.

Theo Gartner “CMCN 4.0” xuất phát từ khái niệm “Industries 4.0” trong một báo cáo của Chính phủ Đức, năm 2013. Bản chất của CMCN 4.0 là dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình và phương thức sản xuất.

Chính phủ ban hành “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030” là chính thức khởi động quá trình chuyển đổi số để hướng đến nền quản trị thông minh, nền kinh tế số và xã hội số. Điều đó, tác động trực tiếp đến tất các các ngành, lĩnh vực, trong đó lĩnh vực kế toán.

Cuộc CMCN 4.0 phát triển mạnh mẽ cũng đem lại những thách thức mới, đòi hỏi những nỗ lực hết mình để đào tạo ra nguồn nhân lực kế toán có chất lượng. Trên cơ sở đó, đòi hỏi các trường phải đổi mới toàn diện từ chương trình nội dung và phương pháp đào tạo kế toán cho phù hợp với điều kiện ứng dụng công nghệ 4.0.

  1. Nội dung

2.1. Xu hướng của ngành kế toán khi áp dụng công nghệ 4.0

Kết nối internet, điện toán đám mây, in 3D, thực tế ảo, cảm biến… là những cụm từ được nhắc đi nhắc lại khá nhiều, mỗi khi nói về Cuộc CMCN 4.0. Cuộc CMCN là xây dựng một thế giới siêu kết nối dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp các công nghệ thông minh để tối ưu quy trình và phương thức sản xuất. Từ đó, gia tăng sự đầu tư, năng suất và mức sống.

Nền tảng của công nghệ tự động nhận thức gồm học máy, học chuyên sâu, điện toán đám mây, dữ liệu lớn và mạng xã hội. Trong đó:

Học máy (Machine learning) – một lĩnh vực phát triển khoa học máy tính, nơi các thuật toán học bằng các phương pháp thống kê kết hợp với các bộ dữ liệu và siêu dữ liệu liên quan.

Học chuyên sâu (Deep learning) – những tiến bộ trong các mạng thần kinh được con người đào tạo để nhận thức các khái niệm trìu tượng trong văn bản, hình ảnh, âm thanh,…

Điện toán đám mây (Clound computing) – khả năng truy cập vào máy tính hiệu năng cao và chi phí thấp từ bất kỳ thiết bị nào.

Dữ liệu lớn và mạng xã hội (Big data & Social media) – các tập hợp dữ liệu lớn, bao gồm các ngữ cảnh con người được thu thập thông qua các phương tiện truyền thông xã hội.

Như vậy, sự bùng nổ của công nghệ cùng với quá trình toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ, đã và đang tác động không nhỏ đến lĩnh vực kế toán tạo ra xu hướng phát triển mới, cụ thể:

– Quá trình tự động hóa các bước thực hiện các quy trình kế toán ngày càng được phát triển, đặc biệt dưới ảnh hưởng từ công nghệ mới của CMCN 4.0. Thông qua việc sử dụng các trang thiết bị, chương trình, công nghệ số hiện đại, kế toán viên có thể dễ dàng thu thập được các thông tin và dữ liệu, mà trước đây rất khó khăn mới có thể thu thập được. Việc xây dựng được những trung tâm dữ liệu lớn, giúp cho khoa học phân tích và quản lý dữ liệu trong lĩnh vực kế toán ngày càng có nhiều thuận lợi. Bên cạnh đó, tự động hóa giúp loại trừ sự nhầm lẫn và tối thiểu hóa các lỗi kế toán.

– Thay đổi phương thức lưu trữ tài liệu kế toán. Với sự bùng nổ của CMCN 4.0, công nghệ Điện toán đám mây, Công nghệ Blockchain và dữ liệu lớn giúp thông tin được lưu trữ với khối lượng lớn một cách hệ thống và khoa học. Công nghệ này, giúp khả năng xử lý số lượng dữ liệu đạt hiệu quả tốt nhất.

– Sự gia tăng ngày càng nhanh của các giải pháp phần mềm kế toán. Trong thời đại 4.0, các phần mềm kế toán ngày càng được phát triển và cải thiện không chỉ đưa ra các giải pháp tiết kiệm thời gian cho chứng từ sổ sách mà còn bảo đảm độ chính xác cao. Phần mềm kế toán online là một trong những phần mềm tốt nhất của cuộc CMCN 4.0, nó là sự kết hợp hoàn hảo giữa sức mạnh của công nghệ thông tin, lập trình website và hệ thống nghiệp vụ tài chính – kế toán – quản trị. Các nghiên cứu trên thế giới mới đây cho thấy, CMCN 4.0 với các ứng dụng: Internet vạn vật, Lưu trữ dữ liệu quy mô lớn, Điện toán đám mây, Trí tuệ nhân tạo… sẽ mở ra cơ hội tốt cho lĩnh vực kế toán, kiểm toán tiếp cận những phần mềm tiện ích, chi phí phù hợp, giúp sử dụng hiệu quả nguồn lực, tiết kiệm thời gian, nhân lực, tiếp cận hệ thống kế toán, kiểm toán quốc tế (Trần Thị Ngọc Anh, 2019).

– Hài hòa nguyên tắc, thông lệ chuẩn mực kế toán quốc tế. Theo Luật Kế toán năm 2015 thì “Bộ Tài chính quy định chuẩn mực kế toán trên cơ sở chuẩn mực quốc tế về kế toán phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam”. Do vậy, chúng ta phải nghiên cứu đồng bộ các chuẩn mực kế toán quốc tế, để cập nhật các chuẩn mực kế toán đã và sẽ ban hành mới, đặc biệt là giá trị hợp lý và công cụ tài chính vì nó liên quan đến nhiều chuẩn mực kế toán khác. Việc nghiên cứu để ban hành các chuẩn mực kế toán cần được tiến hành trên cơ sở tiếp cận, áp dụng các thông lệ, chuẩn mực kế toán quốc tế phù hợp với hệ thống luật pháp, trình độ, kinh nghiệm kế toán của Việt Nam theo lộ trình phù hợp, để đáp ứng nhu cầu minh bạch thông tin tài chính mà Việt Nam cần khẩn trương thực hiện.

Do đó, khi ứng dụng công nghệ thông tin vào kế toán, thì người làm trong lĩnh vực này không những phải giỏi về chuyên môn mà phải giỏi về kinh nghiệm thực tế và phải không ngừng cập nhật kiến thức về hành lang pháp lý liên quan đến kế toán, kế toán thuế, bảo hiểm và DN. Bên cạnh đó, yếu tố đạo đức nghề nghiệp là yếu tố cần đặt lên hàng đầu và cần được giữ vững đối với những người hành nghề kế toán – kiểm toán. Hội tụ đủ các yếu tố trên là cơ sở để tạo nên các chuyên gia về kế toán.

2.2. Công nghệ 4.0 ảnh hưởng đến công tác kế toán và đào tạo kế toán

Đối với công tác kế toán

– Về việc thu nhận dữ liệu: kế toán trong môi trường công nghệ thông tin đa dạng về hình thức và thao tác nhập liệu, nội dung phong phú. Về nội dung thu thập, trước đây chủ yếu thu thập thông tin kinh tế tài chính, thì ngày nay với trí tuệ nhân tạo thì dữ liệu thu thập là dữ liệu tài chính và cả dữ liệu phi tài chính. Trong phần mềm kế toán, không cho phép thu thập thông tin nhân viên từ họ tên, ngày sinh, hộ khẩu, ngày ký hợp đồng, đến cả vân tay chấm công… Hình thức nhập liệu đa dạng, có thể scan, quét mã vạch, có thể nhập trực tiếp, có thể dùng dữ liệu trên excel để đẩy vào phần mềm,…

– Về việc xử lý dữ liệu: việc thiết kế hệ thống thông tin kế toán theo hướng mở, cho phép tích hợp với các hệ thống khác trong toàn DN. Một hoạt động kinh tế tài chính được ghi nhận làm thay đổi công tác kế toán; ngược lại, xử lý kế toán cũng được cập nhật: như phân hệ vốn bằng tiền, phân hệ nhân sự, phân hệ tổng hợp… Ví dụ, một bút toán bán hàng, thu tiền mặt. Thay vì kế toán thủ công phải xử lý thông tin, lập hóa đơn giá trị gia tăng, phiếu xuất kho, phiếu thu, ghi sổ kế toán chi tiết cho vật tư hàng hóa, ghi sổ chi tiết thanh toán với người mua, ghi sổ tổng hợp, lập báo cáo bán hàng, lâp tờ khai thuế, bảng kê hàng hóa dịch vụ bán ra… thì ngày nay, với ứng dụng công nghệ thông tin trong thời đại 4.0, kế toán chỉ cần nhập dữ liệu ban đầu, các công việc còn lại, phần mềm kế toán sẽ tự động thao tác và hoàn thiện. Ngoài ra, một số chức năng được thực hiện tự động bằng robot automation. Các nghiệp vụ kinh tế tài chính lặp đi lặp lại và tốn công sức của con người, thì máy móc hỗ trợ hiệu quả, nâng cao công tác quản trị và giảm thiểu sai sót khi làm thủ công. Trước đây, việc tính giá xuất kho của các vật tư, hay phân bổ giá trị công cụ dụng cụ, phân bổ chi phí trả trước, tính khấu hao, tính giá thành tốn rất nhiều công sức và trí lực của kế toán; thì bây giờ, trong bối cảnh của Cuộc CMCN 4.0, các công việc đó được thực hiện một cách tự động bằng thao tác lệnh trên các ứng dụng phần mềm kế toán. Tiện ích này, giúp cho kế toán cung cấp thông tin nhanh, kịp thời, chính xác. Từ đó, góp phần giúp nhà quản trị DN đưa ra quyết định quản trị kịp thời, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của DN.

– Về việc cung cấp thông tin: với việc áp dụng công nghệ 4.0 vào kế toán, thì việc cung cấp và hỗ trợ ra quyết định tiện lợi, nhanh chóng, chính xác ở bất kỳ không gian, thời gian nào. Đồng thời, thông tin được cung cấp nhanh chóng, chính xác, liên tục và đầy đủ. Do tổ chức dữ liệu mang tính tập trung nên các thiết bị công nghệ 4.0, cho phép kế toán cung cấp thông tin từ chi tiết đến tổng hợp. Với việc sử dụng công nghệ điện toán đám mây, kế toán có thể lấy dữ liệu ở bất cứ không gian nào… thông tin kế toán vì thế mà nhanh chóng, kịp thời, thuận tiện. Điều này giúp giảm chi phí cho DN, tiết kiệm thời gian, sức lực cho quá trình xử lý bằng việc sử dụng các hệ thống quản trị EPR hiện đại, ứng dụng Trí tuệ nhân tạo Watson Analytics, Robot Automation…

– Về không gian tác nghiệp của kế toán, khi công cụ sử dụng phần mềm tự động truyền thống chuyển sang các nền tảng nhận thức mới là cho hệ thống tự động, thông minh hơn và giúp đẩy mạnh hiệu quả hoạt động, là đòn bẩy nâng cao kiến thức nhân loại. Chỉ cần máy tính kết nối mạng và phần mềm kế toán, dữ liệu đẩy lên đám mây thì kế toán hoàn toàn vừa có thể đi du lịch mà vẫn có thể hành nghề được. Nếu trước đây, ràng buộc vì “chữ ký sống” của người đại diện theo pháp luật trên các hóa đơn và báo cáo kế toán. Thì bây giờ, với ứng dụng chữ ký số thì chỉ cần thao tác lệnh trên điện thoại ở bất cứ không gian nào, thời gian nào là chúng ta cũng có thể có. Chính điều này, giúp cho các chuyên gia kế toán Việt Nam có thể là việc xuyên quốc gia, xuyên lục địa. Và tất nhiên, các chuyên gia kế toán ở bất kỳ các quốc gia nào trên thế giới cũng có thể hành nghề kế toán ở Việt Nam, nếu được sự chấp thuận hành nghề.

– Đối với đào tạo kế toán

Đứng trước xu thế của Cuộc CMCN 4.0, tất yếu lĩnh vực đào tạo kế toán cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ. Môi trường công nghệ 4.0 làm thay đổi hoạt động đào tạo và phương pháp đào tạo. Người học ở bất cứ không gian nào, đều có thể truy cập vào thư viện của trường để học tập và nghiên cứu. Đào tạo trực tuyến trên các phần mềm, ứng dụng Zoom, Sky trở nên gần gũi với hoạt động giảng dạy. Người học có thể ngồi nhà và kết nối bằng địa chỉ ID và Pass, là có thể kết nối với các đồng môn và giảng viên. Thay vì phải mất một khoảng thời gian dài để di chuyển tới lớp học, mất các chi phí đào tạo như điện, nước, giảng đường, máy chiếu, bảng, phấn  thì các chi phí đó được dịch chuyển dần về con số 0, người học không còn lo chỗ ngồi gần hay xa bảng, xa máy chiếu, phòng lạnh hay quá nóng. Những lớp học ảo, thầy ảo, thiết bị ảo, bài giảng số hóa dần trở thành xu thế của thời đại, xu thế của hoạt động đào tạo nói chung và hoạt động đào tạo kế toán nói riêng.

  1. Một số khuyến nghị đổi mới chương trình, nội dung và phương pháp giảng dạy kế toán tại Trường Đại học Tân Trào hiện nay

Để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo kế toán trong Cuộc CMCN 4.0 thì cần giải pháp tổng thể về thay đổi nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo, hệ thống hóa thư viện truyền thống thành thư viện điện tử. Song song với việc thay đổi đó, thì an ninh mạng bảo toàn dữ liệu số cũng cần được đảm bảo.

Thứ nhất, thay đổi về nội dung và chương trình đào tạo kế toán

Để thích ứng được với cuộc CMCN 4.0, trước hết cần đổi mới quan điểm giảng dạy theo hướng chú trọng tư duy tổng hợp và các kỹ năng như: xử lý công việc, tổng hợp, phân tích và quản trị dữ liệu, đặc biệt cần tăng cường đào tạo ngoại ngữ; mặt khác, chương trình giảng dạy cần phải đổi mới cho phù hợp với phương pháp đào tạo mới và tiêu chuẩn quốc tế. Các cơ sở đào tạo trong nước cũng cần phải có sự hợp tác với các trường đại học, DN, tổ chức chuyên nghiệp nước ngoài và có sự hướng dẫn, hỗ trợ từ các nhà quản lý. Ngoài việc cập nhật kiến thức mới, các kỹ năng chuyên môn cũng cần được đưa vào chương trình đào tạo.

Thứ hai, thay đổi về phương pháp đào tạo kế toán

Để thích ứng được với cuộc CMCN 4.0, phương pháp đào tạo ngành kế toán tại các trường đại học phải có sự đổi mới rất căn bản. Việc ứng dụng mô hình phòng kế toán ảo trong đào tạo sinh viên ngành kế toán để nâng cao chất lượng dạy và học là cần thiết, nhằm gắn liền lý thuyết với thực tiễn để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhà tuyển dụng. Khi các phần mềm, chứng từ điện tử, chữ ký điện tử, các tính toán, luân chuyển và ghi chép thông tin trên mẫu biểu đã được chương trình hóa và tự động hóa, thì phải từng bước từ bỏ phương pháp giảng dạy kế toán theo chế độ, cũng như theo xử lý nghiệp vụ mang tính thủ công. Từ đó, giúp sinh viên vận dụng các kiến thức đã học vào thực tiễn.

Thứ ba, nâng cao chất lượng giảng viên và cán bộ hỗ trợ đào tạo

Các cơ sở đào tạo cần có chính sách khuyến khích đội ngũ giảng viên nâng cao trình độ về công nghệ thông tin, hệ thống mạng,… cùng với đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu công nghệ, phương tiện dạy học và ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý đào tạo, gắn nghiên cứu với các hoạt động chuyển giao. Chú trọng các nghiên cứu mô phỏng, nghiên cứu tương tác giữa người và máy.

Thứ tư, nâng cấp thư viện truyền thống thành thư viện điện tử

Với khả năng lưu trữ lớn trên nền tảng Big Data thay vì sử dụng thư viện truyền thống và giáo trình truyền thống, thì nên sử dụng thư viện điện tử, giáo trình điện tử có liên quan đến ngành học nói chung và ngành đào tạo kế toán nói riêng. Điều này cho phép trường học có thể cung cấp học liệu kịp thời cho người học mọi lúc, mọi nơi mà vẫn đảm bảo nguồn thu bản quyền và phát hành sách cho người học, lại góp phần bảo vệ môi trường và tiết kiệm tài nguyên.

  1. Kết luận

Trước tác động của CMCN 4.0, xu hướng ngành kế toán thay đổi theo hướng hiện đại. Vì vậy, mục tiêu đào tạo của ngành kế toán cũng phải thay đổi hướng tới đào tạo không chỉ năng lực con người mà còn là những kỹ năng phát triển và tự phát triển bản thân, người học sau khi ra trường phải có tư duy sáng tạo và dễ dàng tiếp cận với nền kỹ thuật hiện đại cũng như đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi cao của xã hội. Do đó, các cơ sở đào tạo, người dạy và người học cần thay đổi tư tưởng, phương pháp giảng dạy và học tập phù hợp trước tác động của CMCN 4.0 và ứng dụng công nghệ 4.0.

Tài liệu tham khảo

Chính phủ. (2020). “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, ban hành kèm theo Quyết định số 749/QĐ-TTg, 03/6/2020.

Đặng Văn Thanh (2021). Xu thế chuyển đổi số trong kế toán, kiểm toán và đào tạo cử nhân kế toán, tham luận Hội thảo trực tuyến: “Chuyển đổi số giảng dạy kế toán trong bối cảnh đào tạo từ xa”, do Học viện Tài chính phối hợp cùng MISA, Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, ngày 25/8/2021.

Nguyễn Quốc Thắng – Giáo trình Kế toán máy trong DN –Trường Đại học Tài chính – Quản trị kinh doanh.

Nguyễn Thúy Hằng. (2020). “Xu hướng thay đổi trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán dưới tác động của công nghệ”, Tạp chí Tài chính, kỳ 2, tháng 12/2020.

Phan Nguyễn Hoàng Chánh, Lê Đức Thắng. (2019). “Phát triển ngành kế toán, kiểm toán Việt Nam thời kỳ CMCN 4.0”, Tạp chí Tài chính, kỳ 2, tháng 8/2019.

Quốc hội (2015). Luật Kế toán, số 88/2015/QH13, ngày 20/11/2015/

Trần Thị Ngọc Anh. (2019). “Tác động của cuộc CMCN 4.0 đến lĩnh vực kế toán”, Tạp chí Tài chính, kỳ 2, tháng 9/2019.

http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/tac-dong-cua-cuoc-cach-mang-40-toi-giao-duc cua-viet-nam-27238.htm

https://www.digistar.vn/cloud-computing-dien-toan-dam-may-la-gi/

Tin tức liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *