Tạp chí Kế toán & Kiểm toán

Sự tuân thủ Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam trong quy trình đánh giá rủi ro trong kiểm toán báo cáo tài chính. Thực trạng và giải pháp

Tiêu đề Sự tuân thủ Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam trong quy trình đánh giá rủi ro trong kiểm toán báo cáo tài chính. Thực trạng và giải pháp Ngày đăng 2018-09-05
Tác giả Admin Lượt xem 1447

(Đăng trên Tạp chí Kế toán và Kiểm toán, số T6/2018),…

Nhận: 02/5/2018
Biên tập: 25/5/2018
Duyệt đăng: 14/6/2018

Chuẩn mực kiểm toán (CMKT) số 315 – Xác định và đánh giá rủi ro (ĐGRR) có sai sót trọng yếu, thông qua hiểu biết về đơn vị được kiểm toán và môi trường của đơn vị do Bộ Tài chính ban hành, đã yêu cầu phải thay đổi cách thức tiếp cận rủi ro, từ rủi ro tài chính chuyển sang rủi ro kinh doanh, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2014. Thông qua tìm hiểu thực trạng tuân thủ Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam (VSA), trong quy trình ĐGRR trong kiểm toán báo cáo tài chính (BCTC) trong thời gian qua. Bài viết đề xuất một số giải pháp, nhằm nâng cao mức độ tuân thủ CMKT của kiểm toán viên (KTV) và công ty kiểm toán (CTKT).
Từ khóa: kiểm toán; CMKT; tuân thủ; báo cáo tài chính, ĐGRR.

1. Giới thiệu
Theo VSA220 – Kiểm soát chất lượng hoạt động kiểm toán: “Chất lượng hoạt động kiểm toán là mức độ thoả mãn của các đối tượng sử dụng kết quả kiểm toán về tính khách quan và độ tin cậy vào ý kiến kiểm toán của KTV; đồng thời thoả mãn mong muốn của đơn vị được kiểm toán về những ý kiến đóng góp của KTV, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh, trong thời gian định trước với giá phí hợp lý”. Trong điều kiện nền kinh tế phát triển, các hoạt động đa dạng, phức tạp, các chính sách kinh tế thay đổi, đòi hỏi KTV và CTKT cần thay đổi nhận thức và chiến lược trong thực hiện kiểm toán. Bell và cộng sự (1997) cho rằng, việc sử dụng mô hình rủi ro kinh doanh để đáp ứng kịp thời sự tăng trưởng và thay đổi mạnh mẽ về môi trường kinh doanh của các doanh nghiệp, cũng như giúp KTV có thể thu thập được sự hiểu biết đầy đủ và chính xác về đơn vị nhằm nâng cao chất lượng kiểm toán. Bên cạnh đó, mô hình rủi ro kinh doanh được kỳ vọng sẽ nâng cao chất lượng kiểm toán vì cách thức doanh nghiệp điều hành, quản lý nhằm hoàn thành các các mục tiêu đề ra thường ảnh hưởng đáng kể đến BCTC, trong khi việc sửa chữa lỗi /khuyết điểm ít được xem là nguyên nhân tạo ra các sai sót trọng yếu. Đồng thời, có thể nâng cao giá trị dịch vụ cho khách hàng bởi vì nó mang đến một giá trị tăng thêm cho khách hàng bằng cách tập trung vào một phạm vi rộng hơn các rủi ro kinh doanh và giúp cho KTV hiểu một cách đầy đủ các rủi ro và các hoạt động kiểm soát của khách hàng (Lemon và các cộng sự, 2000). CMKT số 315 – Xác định và ĐGRR có sai sót trọng yếu thông qua hiểu biết về đơn vị được kiểm toán và môi trường của đơn vị do Bộ Tài chính ban hành, yêu cầu phải thay đổi cách thức tiếp cận rủi ro, từ rủi ro tài chính chuyển sang rủi ro kinh doanh có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2014. Tuy nhiên, thông qua tìm hiểu thực trạng tại các CTKT tại Việt Nam thời gian qua, bên cạnh những mặt đạt được, sự tuân thủ CMKT ĐGRR trong quy trình kiểm toán BCTC vẫn tồn tại một vài hạn chế.

2. Thực trạng sự tuân thủ VSA trong quy trình đánh giá trong kiểm toán BCTC
Những kết quả đạt được từ việc thực hiện quy trình ĐGRR kiểm toán
Đa số các CTKT đều có văn bản hướng dẫn cụ thể cho việc thực hiện ĐGRR chấp nhận hợp đồng kiểm toán, nhằm giúp KTV xác định mức độ rủi ro cao hay thấp đối với từng khách hàng. Quy trình này luôn có sự tham gia của thành viên ban giám đốc, để đi đến quyết định có chấp nhận hợp đồng kiểm toán hay không.

Hầu hết, các CTKT thực hiện khá đầy đủ các cuộc họp với trưởng phòng và thành viên ban giám đốc phụ trách cuộc kiểm toán, trong giai đoạn lập kế hoạch. Điều này giúp thành viên ban giám đốc xác định các rủi ro đáng kể mà các trưởng phòng và trưởng nhóm kiểm toán có thể bỏ qua. Bên cạnh đó, các thành viên chủ chốt trong cuộc kiểm toán có thể đưa ra ý kiến thống nhất về các loại rủi ro đối với từng khách hàng, thông qua cuộc họp.

Các CTKT đều đã thực hiện xác lập chiến lược kiểm toán dựa vào các rủi ro đã nhận dạng và ĐGRR có sai lệch trọng yếu ở cấp độ cơ sở dẫn liệu, đối với những tài khoản và thuyết minh quan trọng cũng như cấp độ BCTC. Thông qua đó, KTV xác định nội dung, lịch trình, phạm vi của các thủ tục kiểm toán sẽ áp dụng trong giai đoạn thực hiện kiểm toán và thu thập được đầy đủ các bằng chứng kiểm toán thích hợp, trên cơ sở tiết kiệm thời gian và chi phí kiểm toán.
Các CTKT đều tiến hành tìm hiểu hệ thống kiểm soát nội bộ (KSNB) của khách hàng, nhằm đảm bảo tính hữu hiệu của hệ thống KSNB và thực hiện các thử nghiệm kiểm soát trong giai đoạn hiện tại. Khi KTV dự định tin cậy vào các kiểm soát đối với một rủi ro mà KTV xác định là rủi ro đáng kể.

Trong giai đoạn hoàn thành kiểm toán, các CTKT lớn luôn tiến hành ĐGRR trước khi đưa ra ý kiến kiểm toán, nhằm đảm bảo các ý kiến kiểm toán được đưa ra đều dựa trên bằng chứng kiểm toán đầy đủ và thích hợp.

Một số hạn chế còn tồn tại trong quy trình DGRR kiểm toán
Các CTKT đều cố gắng cân nhắc đưa ra mức phí kiểm toán đảm bảo tính cạnh tranh cao nhất dẫn đến việc sử dụng kết quả ĐGRR, trong giai đoạn chấp nhận khách hàng thường được thực hiện nhằm xác định mức phí cho cuộc kiểm toán. Do đó, khá ít trường hợp CTKT từ chối thực hiện hợp đồng với lý do rủi ro cao.

Thực trạng kiểm toán BCTC của các CTKT độc lập có quy mô lớn tại Việt Nam chưa thực sự tuân thủ VSA số 315, do phần lớn khách hàng của những CTKT thường có quy mô nhỏ. Vì thế các thông tin bên ngoài liên quan đến công ty như thông tin ngành, các biến đổi trong lĩnh vực kinh doanh, thị trường, ít được quan tâm vì thông tin này không được xem như là một loại bằng chứng kiểm toán cụ thể cho một khoản mục nào trên BCTC.

Một số CTKT độc lập có quy mô lớn tại Việt Nam dù đã thực hiện tìm hiểu về hệ thống KSNB nhưng lại có xu hướng ĐGRR kiểm soát ở mức tối đa, nên đã bỏ qua các thử nghiệm kiểm soát, chỉ thực hiện các thử nghiệm cơ bản. Ngoài ra, khi tìm hiểu hệ thống KSNB, các KTV cũng chưa tìm hiểu đầy đủ, chi tiết tất cả các nhân tố cấu thành hệ thống KSNB để có thể đánh giá một cách đúng đắn về tính hữu hiệu.

Việc thông báo cho các thành viên nhóm kiểm toán không tham gia thảo luận về các vấn đề có liên quan chưa được chú trọng. Thông tin chủ yếu do trưởng phòng kiểm toán phổ biến cho trưởng nhóm kiểm toán. Các trợ lý kiểm toán chỉ tiếp cận khách hàng thông qua việc đọc các giấy tờ làm việc của năm trước. Tại các CTKT có quy mô lớn, các trưởng nhóm là người thực hiện kiểm toán đa số các phần hành được xem là quan trọng. Các trợ lý thường được phân công thực hiện kiểm toán những phần hành được đánh giá ít có rủi ro. Do đó, các trưởng nhóm và trưởng phòng kiểm toán cho rằng việc trao đổi các rủi ro với các trợ lý kiểm toán trong giai đoạn lập kế hoạch là không cần thiết.

Chưa có sự quan tâm đúng mức trong xem xét các yếu tố có thể dẫn đến gian lận trong việc lập BCTC, biển thủ tài sản trong quá trình ĐGRR và tiến hành kiểm toán do phần lớn các CTKT thường chỉ xem xét rủi ro gian lận liên quan đến việc ghi nhận doanh thu do rủi ro này được đề cập trong VSA 240.

Hạn chế về số lượng và chất lượng đội ngũ KTV, khiến việc ĐGRR kiểm toán có thể bị bỏ qua. Tình trạng này thường xảy ra tại một số CTKT có quy mô vừa và nhỏ, khi mỗi KTV phải phụ trách nhiều khách hàng dẫn đến tình trạng KTV có xu hướng chuyển công tác sang công ty khác hay lĩnh vực ngành nghề khác.

3. Một số kiến nghị nhằm nâng cao mức độ tuân thủ CMKT của KTV và CTKT trong quy trình ĐGRR trong kiểm toán BCTC

Đối với CTKT

Tăng cường sử dụng phương pháp tiếp cận theo mô hình rủi ro kinh doanh đối với việc ĐGRR kiểm toán: Các CTKT cần có một quy trình kiểm soát chất lượng một cách đầy đủ và chặt chẽ, thông qua việc ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể. Từ đó, đảm bảo rằng, các thủ tục đánh giá cần thiết đều được thực hiện đầy đủ dù khách hàng thuộc công ty có quy mô nhỏ.

Tăng cường thảo luận giữa các thành viên trong nhóm kiểm toán và thông báo nội dung cuộc họp một cách đầy đủ cho các KTV không tham gia: Các CTKT cần xây dựng một chính sách, yêu cầu toàn bộ các thành viên của nhóm kiểm toán phải tham gia thảo luận trong giai đoạn lập kế hoạch. Nội dung cuộc thảo luận sẽ được thông báo lại một cách đầy đủ bằng văn bản cho các KTV vắng họp với lý do chính đáng.

Tăng cường việc xem xét rủi ro do gian lận và tiến hành thủ tục kiểm toán đối với gian lận trong quy trình kiểm toán: Các thủ tục kiểm toán liên quan đến gian lận, cần được đưa vào trong quy trình và tiến hành xuyên suốt các giai đoạn của cuộc kiểm toán từ giai đoạn lập kế hoạch giai đoạn thực hiện và giai đoạn hoàn thành.

ĐGRR kiểm soát: Các KTV cần xem xét và đánh giá chính xác hơn về rủi ro kiểm soát, để đảm bảo chất lượng quy trình kiểm toán. Trường hợp, KTV không đủ thời gian để kiểm tra hệ thống KSNB cho toàn bộ các phần hành, có thể xem xét tiến hành với các phần hành được đánh giá là trọng yếu trước và tăng dần việc sử dụng cho các phần hành khác ở những năm sau. Ngoài ra, để tránh việc luôn chấp nhận rủi ro kiểm soát ở mức tối đa mà không tiến hành đánh giá thì các quy trình kiểm toán cần yêu cầu các KTV phải ghi nhận trong hồ sơ kiểm toán, lý do không tiến hành thử nghiệm kiểm soát.

Nâng cao chất lượng đội ngũ KTV và đào tạo nhân sự kiểm toán chất lượng cao: Các CTKT cần tạo điều kiện cho KTV tham gia các chương trình đào tạo, nhằm nâng cao trình độ và có chính sách đãi ngộ phù hợp, nhằm duy trì và nâng cao chất lượng đội ngũ KTV.

Đối với Bộ Tài chính và Hội nghề nghiệp
Không ngừng hoàn thiện và cập nhật hệ thống văn bản pháp luật về Kế toán và Kiểm toán: Bộ Tài chính và Hội nghề nghiệp, cần xem xét việc cập nhật hệ thống VSA, kịp thời với hệ thống CMKT quốc tế và thường xuyên tiến hành kiểm tra, rà soát việc áp dụng các CMKT mới được ban hành tại Việt Nam, để kịp thời sửa đổi những điểm chưa phù hợp.

Tổ chức các chương trình đào tạo chất lượng và cập nhật kiến thức cho các KTV: Hội nghề nghiệp cần kết hợp với các tổ chức đào tạo nghề nghiệp quốc tế, nhằm xây dựng một chương trình đào tạo đạt tiêu chuẩn quốc tế dành cho KTV. Đồng thời, quản lý chặt chẽ tình hình cập nhật kiến thức hàng năm của các KTV hành nghề nhằm đảm bảo KTV tham gia cập nhật kiến thức đầy đủ./.

PGS.TS. Mai Thị Hoàng Minh *
Vũ Kiến Phúc **
Ths. Nguyễn Thị Thanh Tâm ***
* Đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh
** Cao đẳng Kinh tế -Tài chính Vĩnh Long
*** Đại học Công nghiệp Tp.Hồ Chí Minh


Tài liệu tham khảo
1. Bộ Tài chính, 2012. VSA.
2. Bell, T., O Marrs, F. Solomon, 1997. Auditing Organiztions Through a Strategic- Systems Lens. The KPMG Business Measurement Process. KPMG LLP.
3. Lemon, W. M., Tatum, K.W. & Turley, W.S., 2000. Developments in the Audit Methodologies of Large Auditing firms. London, ABG Publications

Tin tức liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *