TS. Đặng Văn Hải* (* Kiểm toán Nhà nước).
Nhận: 15/07/2023
Biên tập: 16/07/2023
Duyệt đăng: 16/08/2023
Tóm tắt
Chiến lược kế toán – kiểm toán đến năm 2030 đã xác định: “Năm 2024, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến đối với Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung Luật Kế toán, đảm bảo các quy định đồng bộ, phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện của Việt Nam. Nghiên cứu xây dựng Luật Kế toán theo hướng tiếp cận thông lệ quốc tế gắn với quá trình chuyển đổi số, phù hợp với điều kiện Việt Nam và khắc phục các hạn chế tồn tại hiện nay, làm cơ sở tiếp tục xây dựng và hoàn thiện tiếp khung pháp lý về kế toán – kiểm toán”.
Từ khóa: Luật Kế toán, sửa Luật Kế toán, thông lệ quốc tế về kế toán.
Abstract
The accounting-auditing strategy until 2030 has been determined: In 2024, submit to the National Assembly for consideration and comments on the draft Law amending and supplementing the Accounting Law ensuring uniform and appropriate regulations, with international practices and Vietnam’s conditions; Research and build the Accounting Law in the direction of approaching international practices, associated with the digital transformation process, suitable to Vietnam’s conditions and overcoming current shortcomings, as a basis for continued construction and improvement. Continue the legal framework on accounting and auditin.
Keywords: Accounting law, revision of accounting law, international accounting practices.
JEL Classifications: M40, M41, M49
DOI: https://doi.org/10.59006/vnfa-jaa.0920233
Luật Kế toán được Quốc hội Khóa XIII tại Kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 20/11/2015 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2017. Đây là văn bản pháp lý cao nhất, cho việc thực hiện công tác kế toán của nước ta. Để triển khai Luật Kế toán, Chính phủ đã ban hành 05 Nghị định, trong đó có Nghị định số 174/2016/NĐ-CP ngày 30/12/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Kế toán về nội dung công tác kế toán, tổ chức bộ máy kế toán và người làm kế toán, hoạt động kinh doanh dịch vụ kế toán, cung cấp dịch vụ kế toán qua biên giới và tổ chức nghề nghiệp về kế toán. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã ban hành 39 Thông tư quy định về chế độ kế toán, chuẩn mực kế toán và tổ chức quản lý nhà nước về công tác kế toán; cũng như kiểm tra, giám sát đã góp phần thúc đẩy sự phát triển lĩnh vực kế toán Việt Nam nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung; Luật Kế toán và các văn bản hướng dẫn cũng đã góp phần tích cực trong việc thực hiện công tác kiểm toán (cả Kiểm toán Nhà nước cũng như Kiểm toán độc lập và Kiểm toán nội bộ); giám sát việc thực hiện nghĩa vụ thu nộp ngân sách Nhà nước, tạo cơ chế công khai, minh bạch các báo cáo tài chính (BCTC); cải tiến việc tổ chức đào tạo chuyên ngành kế toán tại các trường đại học, các cơ sở đào tạo và đẩy mạnh hoạt động của các hội nghề nghiệp.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, qua thực tiễn thi hành và qua kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước cũng cho thấy, Luật Kế toán và công tác kế toán ở Việt Nam còn nhiều hạn chế và bất cập, cần phải được sửa đổi và bổ sung cho phù hợp yêu cầu mở cửa thị trường và hội nhập quốc tế:
Một là, trong bối cảnh Việt Nam có kế hoạch áp dụng IFRS và sửa đổi chuẩn mực quốc gia theo định hướng IFRS, việc thiếu khuôn khổ pháp lý để thừa nhận việc áp dụng IFRS cũng như còn nhiều xung đột giữa cơ chế tài chính và chuẩn mực kế toán đã gây ra nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình lập và trình bày BCTC của các doanh nghiệp.
Hai là, cách mạng công nghệ cùng với yêu cầu của quá trình số hóa, nhất là quá trình chuyển đổi số dẫn đến các quy định về kế toán trong Luật Kế toán hiện hành chưa theo kịp thực tế. Mặc dù, các giao dịch kinh tế trên phương tiện điện tử hiện nay được thực hiện theo quy định của Luật Giao dịch điện tử và các pháp luật chuyên ngành khác. Tuy nhiên, Luật Kế toán chưa có những quy định để đồng bộ với Luật Giao dịch điện tử và các quy định pháp luật khác có liên quan và phù hợp với quá trình chuyển đổi số, như các quy định về chứng từ kế toán điện tử, lập và lưu trữ chứng từ kế toán, ký chứng từ kế toán cần được quy định chủ yếu trên phương diện điện tử.
Ba là, Luật Kế toán quy định tài sản và nợ phải trả được ghi nhận ban đầu theo giá gốc. Sau khi ghi nhận ban đầu đối với một số loại tài sản hoặc nợ phải trả mà giá trị biến động thường xuyên theo giá thị trường và giá trị của chúng có thể xác định lại một cách đáng tin cậy thì được ghi nhận theo giá trị hợp lý tại thời điểm cuối kỳ lập BCTC. Đây là quy định nhằm phù hợp với thông lệ quốc tế, nhằm phản ánh đầy đủ giá trị của tài sản và nợ phải trả. Tuy nhiên, trong thực tế triển khai còn nhiều các vướng mắc để tổ chức thực hiện. Theo đó, cần được xác định rõ các điều kiện liên quan để có thể thực hiện được việc ghi nhận theo giá trị hợp lý.
Bốn là, các quy định về nội dung công tác kế toán, từ khâu chứng từ, tài khoản, sổ kế toán, BCTC, báo cáo quản trị; đơn vị kế toán, tổ chức bộ máy kế toán, tiêu chuẩn, điều kiện của người làm kế toán, tiêu chuẩn, điều kiện của kế toán trưởng đã phát sinh vướng mắc cần được rà soát, đánh giá để quy định phù hợp…
Để hoàn thiện Luật Kế toán, đảm bảo các quy định đồng bộ, phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện của Việt Nam theo yêu cầu của “Chiến lược Kế toán – Kiểm toán đến năm 2030”, chúng tôi xin tham gia một số ý kiến, như sau:
Thứ nhất, rà soát các quy định để phù hợp với quá trình số hóa và chuyển đổi số trong kế toán
Các quy định hiện nay về chứng từ, sổ kế toán, BCTC và các tài liệu kế toán khác được chủ yếu hướng theo quy định trên giấy, đồng thời quy định thêm cho các trường hợp giao dịch điện tử. Vì vậy, các quy định về chứng từ kế toán điện tử lập và lưu trữ chứng từ kế toán, ký chứng từ kế toán cần được quy định chủ yếu trên phương diện điện tử. Các trường hợp thực hiện trên giấy được quy định theo hướng quy định thêm, do phát sinh ít và có xu hướng tiếp tục giảm cùng với việc chuyển đổi số. Mục tiêu cần đạt được, là giúp các đơn vị có cơ sở thực hiện, xử lý và lưu giữ thông tin trên các ứng dụng. Hạn chế việc in ấn, chuyển đổi chứng từ, tài liệu kế toán sang chứng từ, tài liệu trên giấy gây lãng phí.
Để đáp ứng yêu cầu số hóa và chuyển đổi số, một số quy định trong Luật Kế toán cần được nghiên cứu và chỉnh sửa, như sau:
– Rà soát các quy định về chứng từ kế toán, sổ kế toán, sửa chữa sai sót kế toán không phù hợp với thực tế ứng dụng công nghệ thông tin hiện nay, cần phải được sửa đổi cho phù hợp.
– Rà soát các quy định về chữ ký trên chứng từ kế toán (ký tất cả các liên chứng từ bằng bút mực xanh), tài liệu kế toán và các nội dung khác liên quan, để có sửa đổi phù hợp với việc tạo lập, luân chuyển, xử lý và lưu trữ bằng phương tiện điện tử, icloud…
– Rà soát các quy định liên quan đến giao dịch kinh tế trên môi trường điện tử, thực tế ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong việc giao dịch kinh tế, thực tế của việc thực hiện các quy định về giao dịch điện tử. Các nội dung này cần phù hợp và đồng bộ với việc triển khai hóa đơn điện tử trên phạm vi toàn quốc.
Thứ hai, về giải thích từ ngữ
Luật Kế toán cần bổ sung thêm thuật ngữ “Đối tượng kế toán” tại Điều 3 của Luật Kế toán, với nội dung như sau: “Đối tượng kế toán là tài sản và sự vận động của tài sản trong quá trình hoạt động của đơn vị kế toán”.
Ví dụ, đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh: trong quá trình sản xuất kinh doanh của đơn vị, thì tài sản (cụ thể là các loại vốn và nguồn vốn) luôn vận động qua các quá trình kinh doanh (quá trình mua hàng, quá trình sản xuất, quá trình bán hàng), các quá trình đó lặp đi lặp lại tạo thành quá trình tái sản xuất. Qua mỗi quá trình kinh doanh thì tài sản (vốn và nguồn vốn) biến đổi và chuyển hóa từ hình thái này sang hình thái khác, như từ vốn tiền tệ chuyển sang vốn dự trữ sản xuất, sang vốn sản xuất, vốn thành phẩm và kết thúc quá trình bán hàng, thì từ vốn thành phẩm sẽ chuyển sang vốn tiền tệ hoặc vốn trong thanh toán… Đây là khái niệm chung về đối tượng kế toán, làm cơ sở cho việc quy định về đối tượng kế toán cụ thể trong từng lĩnh vực kế toán tại Điều 8 của Luật.
Luật Kế toán hiện hành sử dụng thuật ngữ “Tài sản công” tại điểm h khoản 1 Điều 8, song khái niệm “Tài chính công” chưa được giải thích rõ. Ở nước ta, Hiến pháp năm 2013 quy định về “Tài sản công” tại Điều 53, như sau: “Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”.
Để triển khai thi hành quy định của Hiến pháp, các luật chuyên ngành phải làm rõ và cụ thể về chế định tài sản công. Trong điều kiện nước ta chưa có Luật Tài chính công, Luật Tài sản công. Luật Kế toán là luật chuyên ngành về kế toán, cần giải thích thuật ngữ “Tài sản công” đã được quy định trong Hiến pháp, để bảo đảm tính thống nhất và tránh mâu thuẫn giữa các luật có liên quan đến ngân sách Nhà nước kế toán – kiểm toán Nhà nước.
Thứ ba, về nguyên tắc và chuẩn mực kế toán
Khoản 1 Điều 6 của Luật Kế toán quy định: “Giá trị tài sản và nợ phải trả được ghi nhận ban đầu theo giá gốc. Sau ghi nhận ban đầu, đối với một số loại tài sản hoặc nợ phải trả mà giá trị biến động thường xuyên theo giá thị trường và giá trị của chúng có thể xác định lại một cách đáng tin cậy thì được ghi nhận theo giá trị hợp lý tại thời điểm cuối kỳ lập BCTC”. Đề nghị xem xét làm rõ cụm từ “Giá trị biến động thường xuyên theo giá thị trường và giá trị của chúng có thể xác định lại một cách đáng tin cậy”. Đồng thời, quy định rõ cách thức và phương pháp xác định “Giá trị hợp lý”.
Đối với hệ thống chuẩn mực BCTC, cần có định hướng rõ hơn và đảm bảo các điều kiện để sử dụng giá trị hợp lý trong việc ghi nhận và trình bày BCTC. Đồng thời, xây dựng khung pháp lý để áp dụng Chuẩn mực BCTC quốc tế (IFRS) cập nhật Hệ thống Chuẩn mực BCTC của Việt Nam (VFRS), trên cơ sở thông lệ quốc tế phù hợp với nền kinh tế thị trường của Việt Nam; đảm bảo tính so sánh được của thông tin kinh tế, tài chính của các doanh nghiệp, tổ chức trong nền kinh tế; phục vụ việc thu hút vốn các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Công bố Hệ thống Chuẩn mực Kế toán công Việt Nam, trên cơ sở chuẩn mực kế toán công quốc tế và triển khai áp dụng phù hợp với pháp luật của Việt Nam.
Thứ tư, về hành vi bị nghiêm cấm
Đề nghị xem xét, bổ sung và biên tập lại cho chuẩn xác khoản 6, khoản 7 Điều 13 về các hành vi bị cấm:
– Khoản 6 Điều 13 của Luật Kế toán quy định: “Mua chuộc, đe dọa, trù dập, ép buộc người làm kế toán thực hiện công việc kế toán không đúng với quy định của Luật này”. Đề nghị bổ sung và biên tập lại để bảo đảm chặt chẽ và rõ nghĩa hơn, như sau: “Mua chuộc, đe dọa, ép buộc người làm kế toán thực hiện công việc kế toán không đúng với quy định của pháp luật; trù dập người làm kế toán”.
– Khoản 7 Điều 13 của Luật Kế toán quy định: “Người có trách nhiệm quản lý, điều hành đơn vị kế toán kiêm làm kế toán, thủ kho, thủ quỹ, trừ doanh nghiệp tư nhân và công ty trách nhiệm hữu hạn do một cá nhân làm chủ sở hữu”. Đề nghị bổ sung và biên tập lại, như sau: “Người có trách nhiệm quản lý, điều hành đơn vị kế toán kiêm hoặc bố trí bố, mẹ, vợ, chồng, con, anh chị em ruột làm kế toán, thủ kho, thủ quỹ, mua, bán tài sản, trừ doanh nghiệp tư nhân và công ty trách nhiệm hữu hạn do một cá nhân làm chủ sở hữu”. Để bảo đảm nguyên tắc “Bất kiêm nhiệm” trong tổ chức và vận hành hệ thống kiểm soát nội bộ; đồng thời, kiểm soát xung đột lợi ích theo quy định tại Điều 23 của Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018, nhằm bảo đảm an toàn tài sản, tránh thất thoát và tham nhũng.
Thứ năm, về BCTC Nhà nước
Một nội dung rất quan trọng được quy định trong Luật Kế toán, là việc lập BCTC Nhà nước (Điều 30), đây là nội dung mới trong công tác kế toán Việt Nam. BCTC Nhà nước là báo cáo tổng hợp về nguồn vốn và sử dụng vốn của quốc gia (hoặc địa phương), bao gồm các chỉ tiêu, như: thu – chi ngân sách Nhà nước; các quỹ tài chính Nhà nước; nợ công; khoản vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; các tài sản công và nguồn vốn; và tài sản khác của Nhà nước.
Do vậy, để nâng cao giá trị pháp lý, tính đầy đủ và chính xác của thông tin, Luật cần có một chương riêng hoặc một mục riêng về BCTC Nhà nước. Trong đó, cần có những quy định về: nguyên tắc lập BCTC Nhà nước; trình tự lập BCTC Nhà nước; trách nhiệm của các chủ thể có liên quan đến lập BCTC Nhà nước và nội dung của BCTC Nhà nước.
Thứ sáu, về kiểm tra kế toán
Mục 4. Kiểm tra kế toán (từ Điều 34 đến Điều 39) của Luật Kế toán hiện hành. Tuy nhiên, nội dung và thời hạn quy định tại Điều 35, Điều 36 của mục này chỉ phù hợp với việc kiểm tra kế toán của các cơ quan quản lý Nhà nước và cơ quan, đơn vị cấp trên của đơn vị kế toán. Đối với việc kiểm tra của Cơ quan thanh tra Nhà nước, thanh tra chuyên ngành về tài chính, Kiểm toán Nhà nước khi thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, kiểm toán các đơn vị kế toán, thì thực hiện theo các luật chuyên ngành về thanh tra, kiểm toán Nhà nước (về nội dung, thời hạn, quy trình thanh tra, kiểm toán…). Do vậy, cần bổ sung quy định rõ: Việc thanh tra, kiểm toán các đơn vị kế toán, thì thực hiện theo các luật chuyên ngành về thanh tra, kiểm toán Nhà nước.
Điều 39 quy định về kiểm soát nội bộ và kiểm toán nội bộ. Đề nghị bổ sung vào khoản 2 nội dung: “Thúc đẩy việc tuân thủ pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả về mặt điều hành và sử dụng các nguồn lực trong đơn vị”, nhằm đảm bảo bao quát hết vai trò của hệ thống kiểm soát nội bộ, đối với hoạt động của đơn vị kế toán.
Thứ bảy, về vai trò của tổ chức nghề nghiệp kế toán
Luật Kế toán (Điều 70) quy định về các tổ chức nghề nghiệp kế toán, như sau: “Tổ chức nghề nghiệp về kế toán được thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật về Hội và có trách nhiệm tuân thủ các quy định của pháp luật về kế toán. Tổ chức nghề nghiệp về kế toán được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho người làm kế toán, kế toán viên hành nghề và thực hiện một số nhiệm vụ liên quan đến hoạt động kế toán do Chính phủ quy định”.
Hiện nay, tổ chức nghề nghiệp kế toán là Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam đã được chuyển đổi thành mô hình Hiệp hội. Thực hiện Chiến lược Kế toán, Kiểm toán đến năm 2030, căn cứ quy định của pháp luật về Hội, cần nghiên cứu quy định phù hợp trong Luật Kế toán để hội nghề nghiệp có thể tham gia hiệu quả vào việc xây dựng pháp luật về kế toán – kiểm toán; xây dựng ban hành các quy định pháp lý liên quan đến trách nhiệm hoạt động của các tổ chức nghề nghiệp về kế toán – kiểm toán; xây dựng mô hình tổ chức hoạt động nghề nghiệp thống nhất, tự quản, chuyên nghiệp theo thông lệ quốc tế và thu hút đông đảo hội viên tham gia; nâng cao hiệu quả việc tham gia xây dựng và phản biện cơ chế, chính sách; nâng cao năng lực quản lý, giám sát việc tuân thủ các chuẩn mực nghề nghiệp, các chuẩn mực và quy định về đạo đức nghề nghiệp của các kế toán viên, kiểm toán viên; kiểm tra chất lượng dịch vụ và bồi dưỡng kiến thức chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp cho người hành nghề kế toán – kiểm toán. Nghiên cứu để giao các hoạt động nghề nghiệp, phù hợp với pháp luật và năng lực của hội nghề nghiệp theo lộ trình. Đảm bảo nguyên tắc ổn định và chịu trách nhiệm trước pháp luật (tổ chức thi và cấp các chứng chỉ nghề nghiệp theo quy định của pháp luật; xây dựng và ban hành chuẩn mực kế toán, kiểm toán doanh nghiệp).
Tài liệu tham khảo
Quốc hội. (2015). Luật Kế toán năm 2015;
Quốc hội. (2015). Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015;
Quốc hội. (2015). Luật Kế toán Nhà nước năm 2015 (Sửa đổi năm 2019);
Chính phủ. Chiến lược Kế toán – Kiểm toán đến năm 2030.