Nghiên cứu trao đổi

Sửa đổi Luật Kế toán số 88/2015/QH13 phù hợp với thông lệ và yêu cầu quản lý của Việt Nam

Tiêu đề Sửa đổi Luật Kế toán số 88/2015/QH13 phù hợp với thông lệ và yêu cầu quản lý của Việt Nam Ngày đăng 2023-11-27
Tác giả Admin Lượt xem 1100

ThS. Hà Thị Tường Vy*-  ThS. Nguyễn Hà Lê**

(* Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội- ** Pvcombank).

Nhận:           15/07/2023

Biên tập:      16/07/2023

Duyệt đăng: 16/08/2023

Tóm tắt

Luật Kế toán số 88/2015/QH13 là văn bản pháp luật cao nhất của kế toán Việt Nam, được xây dựng trên cơ sở nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa đang hoàn thiện dần và công nghệ số tác động chưa nhiều đến công việc kế toán. Bởi vậy, bài viết đã đưa ra một số nội dung về bất cập và hạn chế của Luật Kế toán số 88/2015/QH13. Trên cơ sở đó, đề xuất định hướng sửa đổi và một số nội dung sửa đổi đối với các quy định về hành nghề cung cấp dịch vụ kế toán (DVKT) của Luật Kế toán.

Từ khóa: Luật Kế toán, sửa đổi Luật Kế toán, kế toán số.

Abstract

Accounting Law No. 88/2015/QH13 is at the apex of the hierarchy of legal documents on accounting in Vietnam. It was developed in years when the Vietnamese socialist-oriented market economy had yet fully formed and digital technologies hardly impacted accounting work. The article presents a number of limitations of Accounting Law No. 88/2015/QH13 and proposes revisions to the Accounting Law on providing professional accounting services.

Keywords: accounting law, amending the accounting law, digital accounting.

JEL Classifications: M40, M41, M49.

DOI: https://doi.org/10.59006/vnfa-jaa.0920234

  1. Tóm tắt một số hạn chế của Luật Kế toán năm 2015

Luật Kế toán số 88/2015/ QH13 được Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Khóa 13 thông qua năm 2015 (sau đây gọi tắt Luật Kế toán năm 2015).

Luật Kế toán năm 2015 được công bố thay thế cho Luật Kế toán năm 2003, là một bước tiến mới của Kế toán Việt Nam. Nội dung của Luật khá chi tiết và có nhiều nội dung mới so với Luật Kế toán năm 2003. Luật Kế toán năm 2015, thực sự là văn bản pháp lý cao nhất, làm cơ sở cho kế toán phát huy vai trò công cụ quản lý quan trọng và chức năng tạo lập hệ thống thông tin kinh tế – tài chính, phục vụ cho quản lý điều hành nền kinh tế của Nhà nước, doanh nghiệp và tổ chức.

Tuy nhiên, Luật Kế toán năm 2015 cũng đã có nhiều nội dung không thích hợp trong nền kinh tế thị trường và nền kinh tế số như hiện nay, cụ thể:

Một là, Luật Kế toán đã quy định quá chi tiết những nội dung có tính kỹ thuật về kế toán, đơn cử như quy định về chứng từ từ khâu lập đến khâu ký, bảo quản, lưu trữ, tương tự với chứng từ là sổ kế toán,… hoặc một số quy định không đầy đủ, như: hóa đơn điện tử, báo cáo tài chính.

Hai là, Luật Kế toán quy định còn nặng về kế toán thủ công hơn là kế toán trong điều kiện kỹ thuật số, điển hình là việc quy định về lập chứng từ, về ký chứng từ, mở sổ, ghi sổ, khóa sổ kế toán,…

Ba là, một số quy định gây nên tranh cãi trong thực tế và khó áp dụng, như các khái niệm: đơn vị kế toán, nghiệp vụ kinh tế, kinh doanh DVKT,…

Bốn là, hiện nay các văn bản luật có những quy định khác nhau cùng một nội dung, cụ thể là quy định tại Luật Quản lý Thuế và Luật Kế toán về hành nghề kế toán của các đại lý thuế có những quy định không đồng nhất, từ khâu đăng ký ban đầu đến khâu kiểm soát chất lượng và cập nhật.

Năm là, một số nội dung thực tế đã phát sinh cần phải phản ánh và quản lý, nhưng nội dung của Luật chưa quy định, nhất là vấn đề các quy định của Luật phải phù hợp thực tiễn trong môi trường hoạt động của kế toán, như: quy định về bộ máy kế toán; kiểm tra kế toán; hành nghề cung cấp DVKT và kế toán trong sự phát triển của công nghệ số.

  1. Đề xuất sửa đổi, xây dựng Luật Kế toán

Từ những nhận xét tồn tại trên, tác giả đưa ra một số đề xuất:

2.1. Định hướng sửa đổi Luật Kế toán năm 2015

Cần phải xây dựng Luật Kế toán mới: phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế, với môi trường kinh tế số và giúp kế toán Việt Nam hội nhập với các nguyên tắc kế toán theo chuẩn Quốc tế.

Cần xây dựng Luật Kế toán: theo dạng Luật khung và chỉ nên quy định theo hướng nguyên tắc bắt buộc không quy định các nội dung có tính kỹ thuật, như: lập chứng từ, ký chứng từ, mở sổ, ghi sổ, khóa sổ, hóa đơn,… Những vấn đề kỹ thuật sẽ quy định ở cấp nghị định, thông tư, để khi có nội dung lạc hậu hoặc có phát sinh mới dễ dàng sửa đổi, bổ sung và đảm bảo Luật có sức sống lâu hay còn gọi là Luật già.

2.2. Đề xuất các quy định một số nội dung cụ thể của Luật

Trong phạm vi bài viết này, chỉ dừng lại các đề xuất của hành nghề cung cấp DVKT, hành nghề kế toán: Luật Kế toán năm 2015 đã giành 1 Chương (Chương V), với 13 Điều, quy định về hoạt động kinh doanh DVKT. Nội dung quy định về hoạt động DVKT tương đối đầy đủ, chặt chẽ và cũng đã tiếp cận được một số quy định về DVKT của quốc tế, như: cập nhật hàng năm, kiểm soát chất lượng, cung cấp dịch vụ qua biên giới,…

Bên cạnh những mặt được, Luật Kế toán năm 2015 cũng đã bộc lộ một số hạn chế cần phải tháo gỡ:

Thứ nhất, để hoạt động DVKT của Việt Nam phát triển như mong muốn, cụ thể là các nội dung của Luật Kế toán quy định về hoạt động hành nghề cung cấp DVKT cần xây dựng theo nguyên tắc quy định các nội dung có tính nguyên tắc bắt buộc.

Thứ hai, các nội dung có tính kỹ thuật nên chuyển xuống cấp nghị định và thông tư, cụ thể là những quy định có thể lượng hóa được thì cố gắng lượng hóa, để mọi người cùng hiểu một cách thống nhất và dễ thực hiện. Đơn cử như tại điểm a khoản 1 Điều 57 quy định như Luật Kế toán hiện nay, thực sự rất khó thực hiện: Thế nào là trung thực, là liêm khiết và là ý thức chấp hành pháp luật? Vậy, họ thường xuyên bị vi phạm luật giao thông, thì có quy vào là không có ý thức chấp hành pháp luật không? Và kiểm tra thế nào, để đánh giá được mức độ trung thực của kế toán trong quá trình hoạt động? Tại sao không quy định: chưa bị kỷ luật về đạo đức nghề kế toán?

Điều 57 – Luật hiện nay chưa quy định tiêu chuẩn thi Kế toán viên mà quy định Chứng chỉ Kế toán viên: việc quy định tiêu chuẩn thi là gốc và là cơ sở để cấp chứng chỉ, việc cấp chứng chỉ là đương nhiên, nếu người ta đạt điểm của kỳ thi. Đây là một chứng chỉ nghề nghiệp, được nghề nghiệp chấp nhận kể cả nếu sau đây giao cho các hội nghề nghiệp tổ chức thi. Bởi vậy, tiêu chuẩn dự thi được Luật hóa và là cơ sở đảm bảo cho Chứng chỉ Kế toán viên, nếu họ đạt điểm kỳ thi.

Điều 57 – Chứng chỉ Kế toán viên: quy định như hiện nay vừa thừa, vừa thiếu và trùng lặp với nội dung thông tư quy định thi Chứng chỉ Kế toán viên, khó thực hiện (điểm a). Điều này chỉ nên quy định ba nội dung: chưa bị kỷ luật về đạo đức nghề kế toán; đạt kết quả kỳ thi lấy Chứng chỉ Kế toán viên và có thời gian công tác thực tế về tài chính, kế toán – kiểm toán từ 36 tháng trở lên, kể từ thời điểm tốt nghiệp đại học.

Điều 58 – Đăng ký hành nghề: bỏ điểm b của Mục 1, vì đã chuyển lên quy định Chứng chỉ Kế toán viên.

Điều 59 – Doanh nghiệp kinh doanh DVKT hiện nay: Luật và các văn bản dưới Luật mới dừng lại quy định các doanh nghiệp mà chưa quy định các chi nhánh, trừ chi nhánh doanh nghiệp nước ngoài. Vì vậy, trong thực tế gặp khó khăn với việc thành lập, ký kết hợp đồng và tranh chấp khi có rủi ro xảy ra. Vì vậy, đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu hoặc quy định nội dung này tại Luật hoặc các văn bản dưới Luật.

Điều 60 – Điều kiện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh DVKT: đề nghị bỏ nội dung điểm d Mục 1 “Bảo đảm tỷ lệ vốn góp của kế toán viên hành nghề trong doanh nghiệp, tỷ lệ vốn góp của các thành viên là tổ chức theo quy định của Chính phủ”.

Điều 62 – Thời hạn cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh DVKT: chỉ nên quy định Mục 1 và bỏ Mục 2.

Một số nội dung khác:

Điều 3, thuật ngữ đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu về các thuật ngữ: chứng từ kế toán, đơn vị kế toán, DVKT, kiểm tra kế toán, nghiệp vụ kế toán, tài liệu kế toán,…

Điều 10, đơn vị tính và sử dụng trong kế toán.

Điều 11, chữ viết và chữ số: vấn đề này đã được bàn cãi nhiều khi xây dựng Luật Kế toán năm 2015. Tuy nhiên, việc sử dụng trong thực tế đang không tuân thủ, nhất là các công ty, tập đoàn lớn mua phần mềm nước ngoài. Luật quy định chấm (.) sau hàng tỷ, triệu, trăm và dấu phẩy (,) sau hàng đơn vị, nhưng hiện nay hầu hết các doanh nghiệp đang thực hiện ngược lại.

Nghiên cứu và quy định lại các nội dung Điều 17 – Điều 21 về chứng từ kế toán và Điều 26 đến Điều 28, sổ kế toán vừa có tính chất thủ công, vừa đảm bảo thực hiện kế toán số (chứng từ điện tử); Điều 34 – 38 của nội dung kiểm tra kế toán.

Nghiên cứu lại các Điều 53 – 55 về kế toán trưởng, đây là một vấn đề đang tranh cãi hiện nay có doanh nghiệp đặt chức danh “Giám đốc tài chính” chịu trách nhiệm như quy định kế toán của Luật, có doanh nghiệp có cả hai chức danh: giám đốc tài chính và kế toán trưởng là hai người khác nhau: giám đốc tài chính phụ trách chung, còn kế toán trưởng chỉ phụ trách vấn đề về kế toán.

Điều 70 – Hội nghề nghiệp, các quy định cần thể hiện rõ vai trò vị thế của Hội nghề nghiệp trong hoạt động chuyên môn, kiểm soát chất lượng hoạt động kế toán của nước nhà, không bó hẹp kiểm soát chất lượng DVKT.

Kết luận

Việc rà soát những nội dung bất cập của Luật Kế toán năm 2015, làm cơ sở cho việc sửa đổi và bổ sung Luật Kế toán phù hợp với thông lệ chung. Đồng thời, đáp ứng yêu cầu phát triển quản lý của Việt Nam là sự cần thiết và quan trọng, cần phải thực hiện rộng rãi và cẩn trọng. Bài viết đưa ra một số ý kiến về quy định đối với hoạt động DVKT và một số nội dung liên quan, nhằm góp phần vào thực hiện rà soát Luật Kế toán chung của Bộ Tài chính.

Tài liệu tham khảo

Bộ Tài chính. Thông tư 292, 296 và 297.

Chính phủ. (2016). Nghị định 174/2016/NĐ – CP.

Chính phủ. (2022). Quyết định 633/QĐ-TTg, Phê duyệt chiến lược kế toán – kiểm toán đến năm 2030, ngày 23/5/2022.

Quốc hội. (2015). Luật Kế toán số 88/2015/QH13;

Quốc hội. (2019). Văn bản hợp nhất số 14/VBHN-VPQH, Luật Kế toán, ngày 04/7/2019.

Tin tức liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *