Nghiên cứu trao đổi

Sửa đổi Luật Kế toán Việt Nam: Góc nhìn từ việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và thúc đẩy chuyển đổi số trong nền kinh tế

Tiêu đề Sửa đổi Luật Kế toán Việt Nam: Góc nhìn từ việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và thúc đẩy chuyển đổi số trong nền kinh tế Ngày đăng 2023-07-06
Tác giả Admin Lượt xem 837

Tóm tắt: Việc sửa đổi Luật kế toán để đáp ứng sự phát triển của nền kinh tế là điều tất yếu, đặc biệt, thời gian gần đây việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào tất cả các lĩnh vực đã làm cho nhu cầu sửa đổi Luật Kế toán càng trở nên cần thiết. Bài viết thể hiện các ý kiến của Công ty Cổ phần MISA để sửa đổi các điều khoản trong Luật Kế toán hiện hành. Với vị trí là công ty thuộc top 10 Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công ty đứng đầu về cung cấp phần mềm kế toán, hóa đơn điện tử, chữ ký số cũng như các phần mềm khác phục vụ cộng đồng doanh nghiệp, các góp ý để sửa đổi Luật Kế toán sẽ mang đến góc nhìn hướng đến mục tiêu tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin cũng như góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số, chính phủ số và xã hội số.

Từ khóa: Luật Kế toán, công nghệ thông tin, chuyển đổi số, MISA

I. Giới thiệu

Luật Kế toán số 88/2015/QH13 được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 20/11/2015, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2017 đã phát huy tác dụng, đi vào cuộc sống, góp phần thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực kế toán Việt Nam nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, trải qua gần một thập kỉ thực hiện, bên cạnh đạt được một số kết quả nhất định thì cũng xuất hiện một số tồn tại, hạn chế cần phải chỉnh sửa. Bên cạnh đó, các bối cảnh mới như Chính phủ quyết tâm thực hiện Chương trình Chuyển đổi số quốc gia[1], thực hiện lộ trình để áp dụng IFRS tại Việt Nam[2], việc mở cửa thị trường, hội nhập quốc tế sâu và rộng hơn cũng là một thách thức cho công tác kế toán, tài chính. Dịch vụ kế toán, kiểm toán, dịch vụ tài chính trong các năm qua cũng như các dịch vụ khác có những bước phát triển đáng kể… Xu hướng đang được nhận thấy là trọng tâm của cơ cấu dịch vụ sẽ được dịch chuyển sang các dịch vụ mới, các dịch vụ có tính chất liên ngành, liên lĩnh vực. Quá trình chuyển đổi cơ cấu dịch vụ cung cấp là một thách thức đáng kể đối với các doanh nghiệp kiểm toán, dịch vụ kế toán, đặc biệt là các doanh nghiệp nội địa, đồng thời, cũng là thách thức cho các cơ quan quản lý trong công tác quản lý, giám sát thị trường nhất là khi các dịch vụ đang mạnh mẽ chuyển sang thực hiện trên các nền tảng công nghệ. Các bối cảnh trên đòi hỏi cơ chế chính sách về kế toán, tài chính phải điều chỉnh kịp thời và cụ thể hóa ở Luật và các văn bản dưới luật để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế cũng như nhu cầu quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước.

Bài viết sau đây trực tiếp đề cập đến các chi tiết góp ý của Công ty Cổ phần MISA – Công ty chuyên về cung cấp các phần mềm kế toán, quản lí tài chính cũng như các phần mềm khác phục vụ cho cộng đồng doanh nghiệp – cho việc sửa đổi Luật Kế toán, mục đích vừa là để hoàn thiện, vừa thúc đẩy hiệu quả của công tác kế toán, tài chính, vừa để đáp ứng các yêu cầu của bối cảnh mới.

II. Nội dung đóng góp ý kiến

  1. Một là: Công ty Cổ phần MISA đề xuất sửa đổi giải thích từ ngữ Chứng từ kế toán Tài liệu kế toán quy định tại điểm 3, điểm 18 điều 3[3]. Cụ thể như sau:                                                     Bất cập:

Việc định nghĩa cụ thể Chứng từ kế toán là những giấy tờ và vật mang tin không còn phù hợp với thực tế  khi doanh nghiệp ghi chép lại các hoạt động kế toán và gửi nhận dữ liệu (hóa đơn, hợp đồng, chứng từ…) trên phương tiện điện tử.

Khái niệm về dữ liệu kế toán điện tử chưa được quy định rõ ràng trong định nghĩa về Tài liệu kế toán. Khái niệm về hình thức kế toán số trên phương tiện điện tử chưa được đề cập và làm rõ.

  1. Tham khảo:
  • Điều 262A Luật Thuế 1936 (Úc) và theo Taxation Ruling 96/7 ban hành bởi CQT Úc:
  • Hồ sơ kế toán là hồ sơ ghi lại và giải thích tất cả các giao dịch và các hành vi thực hiện cho bất kỳ mục đích nào liên quan đến tất cả các nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh.
  • Hồ sơ kế toán phải được lưu trữ dưới dạng văn bản hoặc dạng khác miễn là có thể dễ dàng truy cập và chuyển đổi thành dạng văn bản (ví dụ dạng điện tử như trên ổ cứng máy tính…).
  • Taxation Ruling TR 2018/2 ban hành bởi CQT Úc bổ sung thêm:
  • Hồ sơ điện tử được công nhận là tài liệu cho các mục đích luật thuế (Mục 2B của Đạo luật Diễn giải các Hành vi 1901 định nghĩa “tài liệu” và mở rộng ý nghĩa của “hồ sơ” để bao gồm thông tin được lưu trữ hoặc ghi lại bằng máy tính)

Đề xuất thay đổi:

  • Sửa đổi giải thích từ ngữ chứng từ kế toán, tài liệu kế toán như dưới đây:
  • Chứng từ kế toán là tất cả những tài liệu liên quan đến nghiệp vụ kinh tế, tài chính, phản ánh các nghiệp vụ phát sinh và đã hoàn thành, làm căn cứ ghi sổ kế toán.
  • Tài liệu kế toán là chứng từ kế toán, sổ kế toán, báo cáo tài chính, báo cáo kế toán quản trị, báo cáo kiểm toán, báo cáo kiểm tra kế toán và tài liệu khác có liên quan đến kế toán, được lưu trữ dưới dạng văn bản hoặc dạng khác đảm bảo có thể dễ dàng truy cập và chuyển đổi thành dạng văn bản.
  • Bổ sung quy định loại chứng từ nào cần bắt buộc là chứng từ dạng giấy.
  • Bổ sung khái niệm về hình thức kế toán số trên phương tiện điện tử như dưới đây:
  • Kế toán số là việc tạo, chuyển, quản lý và lưu trữ thông tin tài chính ở định dạng điện tử. Nó liên quan đến việc sử dụng các giải pháp phần mềm để số hóa và tự động hóa nhiều quy trình thủ công mà kế toán xử lý thường xuyên.
  1. Hai là, Công ty Cổ phần MISA đề xuất sửa đổi quy định rõ hơn về yêu cầu kế toán quy định tại điểm 6 điều 5[4]. Cụ thể như sau:

Bất cập:

Quy định hiện tại chủ yếu hướng dẫn quy định cho thông tin, số liệu kế toán ở dạng giấy. Thông tin, số liệu kế toán dưới dạng phương tiện điện tử cũng cần có các quy định rõ ràng. Bên cạnh đó, các công nghệ hiện đại theo xu hướng chuyển đổi số cho phép khai thác, tra cứu thông tin, số liệu kế toán cho mục tiêu quản lý, quản trị, báo cáo.

Đề xuất thay đổi:

Các thông tin, số liệu kế toán dưới dạng bản giấy hay phương tiện điện tử đều cần được phân loại, sắp xếp, lưu trữ theo trình tự, có hệ thống, khoa học; đảm bảo thuận tiện cho việc tìm kiếm, so sánh, kiểm  chứng và khai thác cho các mục tiêu quản lý, quản trị và các mục tiêu báo cáo.

  1. Ba là, Công ty Cổ phần MISA đề xuất sửa đổi quy định về đơn vị tiền tệ sử dụng trong kế toán quy định tại điểm 1 điều 10[5]. Cụ thể như sau:

VAS10 – Ảnh hưởng của việc thay đổi tỷ giá hối đoái:

Đơn vị tiền tệ kế toán: Là đơn vị tiền tệ được sử dụng chính thức trong việc ghi sổ kế toán và lập báo cáo  tài chính.

Ngoại tệ: Là đơn vị tiền tệ khác với đơn vị tiền tệ kế toán của một doanh nghiệp.

Bất cập:

Chưa phân biệt rõ ràng Đồng tiền chức năng và Đồng tiền báo cáo, mà chỉ quy định đơn vị tiền tệ sử dụng trong kế toán là Đồng Việt Nam, sử dụng cho cả mục đích ghi sổ kế toán và lập báo cáo tài chính. Các loại tiền tệ khác đều là đồng ngoại tệ và phải quy đổi ra Đồng Việt Nam khi phát sinh giao dịch.

Chưa có quy định cho trường hợp lập BCTC bằng đơn vị tiền tệ khác Đồng Việt Nam trong khi đồng tiền  kế toán là Đồng Việt Nam (ví dụ công ty con tại Việt Nam cần làm BCTC theo đồng USD để hợp nhất với công ty mẹ tại nước ngoài).

Trường hợp đơn vị sử dụng đồng tiền kế toán khác với Đồng Việt Nam thì đều gọi là đồng ngoại tệ, không phản ánh đúng bản chất của đồng tiền chức năng – đơn vị tiền tệ sử dụng chính trong môi trường kinh tế cơ bản mà đơn vị hoạt động.

Tham khảo:

IAS21 – Ảnh hưởng của việc thay đổi tỷ giá hối đoái

Đồng tiền chức năng: đơn vị tiền tệ của môi trường kinh tế cơ bản mà đơn vị hoạt động.  Đồng tiền báo cáo: đơn vị tiền tệ mà báo cáo tài chính được trình bày.

Đề xuất thay đổi:

  • Sửa đổi các khái niệm về đơn vị tính sử dụng trong kế toán:
  • Đơn vị tiền tệ sử dụng trong kế toán là Đồng tiền chức năng, là đơn vị tiền tệ của môi trường kinh tế cơ bản mà đơn vị hoạt động, sử dụng chính thức trong việc ghi sổ kế toán.
  • Đơn vị tiền tệ sử dụng khi lập báo cáo tài chính là Đồng tiền báo cáo, là đơn vị tiền tệ mà báo cáo tài chính được trình bày. Khi lập báo cáo tài chính sử dụng tại Việt Nam, đơn vị kế toán phải quy đổi
  • Đồng tiền báo cáo ra Đồng Việt Nam theo tỷ giá hối đoái thực tế, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
  1. Bốn là, Công ty Cổ phần MISA đề xuất sửa đổi, bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại điều 13[6]. Cụ thể như sau:

Bất cập:

Các quy định hiện hành về hành vi bị nghiêm cấm đối với chứng từ, tài liệu kế toán hiện tại chủ yếu tập trung quy định cho chứng từ, dữ liệu kế toán dưới dạng giấy.

Hành vi để ngoài sổ kế toán tài sản, nợ phải trả của đơn vị kế toán hoặc có liên quan đến đơn vị kế toán chưa bao quát toàn bộ các hành vi cố tình bỏ sót các giao dịch kinh tế phát sinh, các thông tin trọng yếu  cần công bố trên BCTC của đơn vị.

Đề xuất thay đổi:

Bổ sung các quy định về hành vi bị nghiêm cấm đối với chứng từ, tài liệu, dữ liệu kế toán trên phương tiện điện tử.

Mở rộng phạm vi các hành vi bị cấm liên quan tới cố tình bỏ sót các giao dịch kinh tế phát sinh, các  thông tin trọng yếu cần công bố trên BCTC của đơn vị kế toán (không chỉ là về tài sản, nợ phải trả).

  1. Năm là, Công ty Cổ phần MISA đề xuất sửa đổi quy định về chữ ký trên chứng từ và chữ ký điện tử quy định tại điểm 1 điều 16, điều 19[7].

Bất cập:

Việc quy định bắt buộc phải có chữ ký (kể cả dạng chữ ký tay hay chữ ký số) trên mọi chứng từ kế toán không còn phù hợp với thực tế khi doanh nghiệp ghi chép lại một số hoặc toàn bộ hoạt động kế toán và gửi nhận dữ liệu (hóa đơn, hợp đồng, chứng từ…) trên phương tiện điện tử.

Về bản chất, nội dung trên chứng từ kế toán chỉ cần đảm bảo ghi chép đầy đủ thông tin phản ánh nội dung, tính chất, đặc điểm, thời gian và các bên liên quan… để người xem có thể hiểu giao dịch được phản ánh.

Hiện tại các giao dịch với bên thứ ba phần lớn được thực hiện qua ngân hàng, có thể sử dụng giao dịch ngân hàng làm cơ sở xác nhận giao dịch kinh tế. Bên cạnh đó, việc ký nhận trong một số trường hợp chỉ  nhằm mục đích quản trị nội bộ. Do vậy, không nhất thiết phải quy định bắt buộc mọi giao dịch đều cần phải có chữ ký.

Theo quy định tại khoản 4 Điều 19 Luật Kế toán “Chứng từ điện tử phải có chữ ký điện tử. Chữ ký trên chứng từ điện tử có giá trị như chữ ký trên chứng từ bằng giấy“. Căn cứ Luật giao dịch điện tử 2005 “Chữ ký điện tử được tạo lập dưới dạng từ, chữ, số, ký hiệu, âm thanh hoặc các hình thức khác bằng phương tiện điện tử, gắn liền hoặc kết hợp một cách lô gíc với thông điệp dữ liệu, có khả năng xác nhận người ký thông điệp dữ liệu và xác nhận sự chấp thuận của người đó đối với nội dung thông điệp dữ liệu được ký[8]. Như vậy mọi loại chữ ký điện tử theo quy định của Luật Giao dịch điện tử đều có giá trị pháp lý để ký chứng từ kế toán. Tuy nhiên thực tế áp dụng luật cho thấy, hiện nay các cơ quan thuế chỉ chấp nhận chữ ký số – là loại chữ ký điện tử đã được chứng thực bởi tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ  ký số được cấp phép hợp lệ, không chấp nhận các loại chữ ký điện tử khác. Như vậy quy định của pháp luật chưa có sự đồng nhất dẫn đến khó áp dụng trên thực tế, gây khó khăn cho tổ chức, cá nhân sử dụng chữ ký số, chữ ký điện tử.

Thực trạng các văn bản pháp luật khác có liên quan:

Luật Giao dịch điện tử là luật chuyên ngành điều chỉnh nội dung liên quan đến chữ ký điện tử và chứng từ điện tử, tuy nhiên Luật Giao dịch điện tử 2005 đang trong lộ trình sửa đổi. Vậy nên Dự thảo sửa đổi Luật Kế toán cũng cần theo dõi và rà soát lại để các văn bản luật bị tránh chồng chéo và kém hiệu quả khi thực hiện.

Tham khảo:

Điều 262A Luật Thuế 1936 (Úc) và theo Taxation Ruling 96/7 ban hành bởi CQT Úc:

  • Hồ sơ kế toán phải ghi lại và giải thích tất cả các giao dịch và hành vi thực hiện cho bất kỳ mục đích nào liên quan đến tất cả các nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát
  • Để đạt được mục đích “giải thích”, các nội dung tối thiểu trên chứng từ kế toán phải có các đặc điểm thiết yếu của giao dịch đó (ví dụ ngày, đối tượng, số tiền, thuế, nội dung/mục đích giao dịch…).

Taxation Ruling TR 2018/2 ban hành bởi CQT Úc quy định:

  • Tối thiểu, ngày, số tiền và ký tự của giao dịch, nghiệp vụ kinh tế, tài chính cần được ghi lại trong các hồ sơ điện tử.

Đề xuất thay đổi:

  • Sửa đổi quy định về Chữ ký trên chứng từ kế toán tại khoản 1 Điều 16 bao gồm 02 hình thức ký là: chữ ký tươi và chữ ký điện tử theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.
  • Để phù hợp với mục đích của từng loại chứng từ kế toán, cần bổ sung nguyên tắc những loại chứng từ kế toán nào phải được ký bằng chữ ký tươi hoặc chữ ký số để đảm bảo tính định danh cao của người ký. Ngược lại cần có nguyên tắc xác định loại chứng từ kế toán nào có thể được ký bằng loại chữ ký điện tử theo quy định của Luật Giao dịch điện tử để đảm báo việc chuyển đổi số trong hoạt động kế toán hiệu quả. MISA đề xuất những chứng từ kế toán nhằm mục đích quản lý nội bộ hoặc có thể được xác minh qua hệ thống tin cậy của bên thứ ba (chẳng hạn như ngân hàng) thì có thể ký bằng chữ ký điện tử.
  1. Sáu là, Công ty Cổ phần MISA đề xuất sửa đổi quy định về lập và lưu trữ chứng từ kế toán quy định tại điều 18[9]. Cụ thể như sau:

Bất cập:

Các quy định, hướng dẫn về lập, sửa, lưu trữ chứng từ kế toán chủ yếu quy định cho chứng từ dạng giấy, chủ yếu tập trung tới hoạt động ghi chép thủ công trên giấy.

Các quy định về kế toán trên phương tiện điện tử, chứng từ điện tử chỉ được quy định bổ sung thêm nên chưa đầy đủ, toàn diện.

Đề xuất thay đổi:

Bổ sung quy định về hình thức lập, sửa chứng từ kế toán dưới dạng phương tiện điện tử.

Sửa đổi quy định về việc lập, sửa chữa, bảo quản và lưu trữ chứng từ kế toán dưới dạng phương tiện điện tử:

Chứng từ kế toán được lập dưới dạng chứng từ điện tử đáp ứng các quy định về chứng từ điện tử thì không cần thiết phải in ra giấy và được phép lưu trữ trên các phương tiện điện tử. Đơn vị phải bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin dữ liệu và phải bảo đảm tra cứu được trong thời hạn lưu trữ.

Quy định rõ các loại chứng từ kế toán, các trường hợp bắt buộc cần in chứng từ điện tử ra giấy.

  1. Bảy là, Công ty Cổ phần MISA đề xuất sửa đổi quy định về quản lý, sử dụng chứng từ kế toán quy định tại điều 21[10]. Cụ thể như sau:

Bất cập:

Chỉ quy định trường hợp tạm giữ, tịch thu hoặc niêm phong chứng từ kế toán dạng giấy.

Chưa có quy định cho trường hợp tạm giữ, tịch thu hoặc niêm phong dữ liệu được lưu trữ trên các phương tiện, thiết bị điện tử.

Đề xuất thay đổi:

Bổ sung quy định tạm giữ, tịch thu hoặc niêm phong chứng từ kế toán dưới dạng phương tiện điện tử. 

  1. Tám là, Công ty Cổ phần MISA đề xuất sửa đổi các quy định liên quan tới hệ thống sổ kế toán quy định tại điều 25[11]. Cụ thể như sau:

Bất cập:

Quy định tại điều 13 nghiêm cấm lập nhiều hơn một hệ thống sổ kế toán tài chính cho một kỳ kế toán năm, tuy nhiên tại điều 25 lại không quy định rõ “chỉ sử dụng một hệ thống sổ kế toán” là sổ kế toán tài chính hay bao gồm cả sổ kế toán phục vụ mục đích quản trị. Thực tế cho thấy, trong một kỳ kế toán năm, đơn vị có thể sử dụng song song một hệ thống sổ kế toán cho mục đích kế toán tài chính và một hệ thống sổ kế toán cho mục đích kế toán quản trị.

Chưa có định nghĩa rõ ràng về “bộ dữ liệu kế toán” do trường hợp sử dụng phương tiện điện tử thì các hệ thống sổ kế toán đều nằm trên “bộ dữ liệu kế toán”.

Chưa có quy định về việc quản lý các bộ dữ liệu kế toán khác nhau, do số liệu kế toán có thể không đồng nhất giữa các bộ dữ liệu trong cùng một kỳ kế toán (ví dụ bộ dữ liệu kế toán phục vụ báo cáo tài chính và bộ dữ liệu kế toán phục vụ báo cáo quản trị).

Đề xuất thay đổi:

Sửa đổi quy định nhằm quản lý chặt chẽ hơn dữ liệu kế toán, tránh tình trạng sử dụng nhiều dữ liệu khác nhau cho các mục đích không hợp pháp, gây sai lệch dữ liệu báo cáo tài chính công bố: Mỗi đơn vị kế toán chỉ sử dụng một hệ thống sổ kế toán tài chính cho một kỳ kế toán năm.

Bổ sung quy định cụ thể về hệ thống thông tin và dữ liệu kế toán phù hợp với chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị.

  1. Chín là, Công ty Cổ phần MISA đề xuất sửa đổi các quy định liên quan tới sổ kế toán quy định tại điều 26, điều 27[12]. Cụ thể như sau:

Bất cập:

Các quy định, hướng dẫn về lập, sửa chứng từ, sổ sách đều chủ yếu quy định cho chứng từ, sổ sách dạng giấy, hướng tới hoạt động ghi chép thủ công trên giấy.

Các quy định về kế toán trên phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử chỉ được quy định bổ sung thêm nên chưa đầy đủ, toàn diện.

Đề xuất thay đổi:

Sửa lại quy định về việc lập, sửa chữa, bảo quản và lưu trữ sổ kế toán bằng phương tiện điện tử:

Sổ kế toán được lập bằng phương tiện điện tử đáp ứng các quy định về tài liệu điện tử thì không cần thiết phải in ra giấy và được phép lưu trữ trên các phương tiện điện tử. Các phần mềm kế toán cần được thiết kế đảm bảo sổ kế toán sau khi khóa sổ kế toán năm thì không cho phép thay đổi thông tin, sửa, xóa. Đơn vị phải bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin dữ liệu và phải bảo đảm tra cứu được trong thời hạn lưu trữ. 

  1. Mười là, Công ty Cổ phần MISA đề xuất sửa đổi các quy định liên quan kiểm tra kế toán quy định tại điều 35[13], điều 37[14], điều 38[15]. Cụ thể như sau:

Bất cập điều 35:

Nội dung công tác kế toán bao gồm cả nội dung, hình thức chứng từ và sổ sách kế toán, trong khi các quy định hiện hành chủ yếu hướng đến chứng từ và sổ sách trên giấy (các bất cập đã đề cập ở những phần trước).

Chưa có quy định cho nội dung kiểm tra dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, tài liệu điện tử của đơn vị kế toán.

Bất cập điều 37:

Quy định chưa đề cập đến dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, tài liệu điện tử loại nào thì được coi là tài liệu được phép yêu cầu trong cuộc kiểm tra, trong trường hợp cơ quan kiểm tra không kiểm tra, thanh tra tại chỗ mà muốn thực hiện đối chiếu thì các tài liệu này sẽ được cung cấp như thế nào.

Bất cập điều 38:

Quy định chưa đề cập đến dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, tài liệu điện tử có được coi là tài liệu mà đơn vị kế toán phải cung cấp trong cuộc kiểm tra

Đề xuất thay đổi điều 35, 37, 38:

Sửa đổi quy định để bổ sung nội dung kiểm tra, đối chiếu dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, tài liệu điện tử của đơn vị kế toán (cụ thể về hình thức kiểm tra, nội dung kiểm tra), trong đó cần cụ thể cho từng loại chứng từ chứng từ nào thuộc đối tượng kiểm tra, đối chiếu.

  1. Mười một là, Công ty Cổ phần MISA đề xuất sửa đổi các quy định liên quan tới bảo quản, lưu trữ tài liệu kế toán quy định tại điều 41[16].

Bất cập:

Chỉ quy định trường hợp tạm giữ, tịch thu hoặc niêm phong chứng từ kế toán dạng giấy.

Chưa có quy định cho trường hợp tạm giữ, tịch thu hoặc niêm phong dữ liệu được lưu trữ trên các phương tiện, thiết bị điện tử.

Đề xuất thay đổi:

Sửa đổi quy định để bổ sung trường hợp tạm giữ, tịch thu hoặc niêm phong dữ liệu trên thiết bị điện tử.

  1. Mười hai là, Công ty Cổ phần MISA đề xuất bổ sung các quy định liên quan tới tiêu chuẩn của người làm kế toán, kế toán trưởng, dịch vụ kế toán quy định tại điều 51, điều 54[17], điều 58[18]. Cụ thể như sau:

Bất cập:

Trong xu hướng các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đều thực hiện chuyển đổi số trong công tác kế toán, kê khai nộp thuế, thủ tục hải quan… thì người hành nghề kế toán (như kế toán viên, kế toán trưởng), người làm dịch vụ kế toán phải phải nắm được cơ bản cho đến thành thạo về kế toán số và có kỹ năng sử dụng các các phần mềm kế toán, đây cần được coi là cần thiết, phù hợp với quá trình số hóa, chuyển đổi số trong công tác kế toán và xu hướng xây dựng nền kinh tế số và chính phủ số.

Do đó, yêu cầu phải thành thạo kế toán sổ, sử dụng thành thạo các phần mềm kế toán đối với kế toán trưởng được xem là cần thiết, phù hợp với quá trình số hóa, chuyển đổi số trong công tác kế toán.

Đề xuất thay đổi:

Bổ sung tiết c điểm 1 điều 51: Có kỹ năng sử dụng phần mềm kế toán và có thể làm việc trong môi trường ứng dụng CNTT trong kế toán.

Bổ sung tiết c điểm 1 điều 54: Có kỹ năng sử dụng thành thạo phần mềm kế toán và làm việc tốt trong môi trường ứng dụng CNTT trong kế toán.

Bổ sung tiết d điểm 1 điều 58: Có kỹ năng sử dụng thành thạo phần mềm kế toán và các phần mềm có liên quan đến các dịch vụ cung cấp và làm việc tốt trong môi trường ứng dụng CNTT trong kế toán.

  1. Mười ba là, Công ty Cổ phần MISA đề xuất bổ sung các quy định liên quan tới quản lý nhà nước về kế toán quy định tại điều 71[19]. Cụ thể như sau:

Bất cập:

Quy định về việc cập nhật kỹ năng kế toán số đối với kiểm toán viên hành nghề được xem là cần thiết, phù hợp với quá trình số hóa, chuyển đổi số trong công tác kế toán.

Đề xuất thay đổi:

  1. Bộ Tài chính chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về kế toán, có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
  2. e) Quy định việc cập nhật kiến thức, kỹ năng kế toán số cho kế toán viên hành nghề;
  3. Các ý kiến khác đề xuất bổ sung Luật Kế toán

Bất cập

Chưa có những quy định, yêu cầu về mặt nghiệp vụ để đảm bảo chất lượng các phần mềm kế toán, các ứng dụng hệ thống mà đơn vị kế toán sử dụng trong công tác kế toán, công tác quản lý đơn vị. Cũng như chưa có quy định về trình độ công nghệ thông tin của nhân sự để đáp ứng yêu cầu công việc.

Đề xuất bổ sung

Luật Kế toán cần bổ sung các quy định cụ thể về phần mềm kế toán, ứng dụng quản trị và các phương tiện điện tử nhằm đảm bảo chất lượng, tính năng và khả năng bảo mật, bảo quản dữ liệu, cũng như các tiêu chuẩn để đồng bộ, xử lý dữ liệu phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra sử dụng dữ liệu, chứng từ điện tử (bao gồm cả tiêu chuẩn nhân lực làm kế toán và các nhân sự khác có liên quan).

III. Kết luận

Một số mục tiêu trong quá trình chuyển đổi số lĩnh vực tài chính được đưa ra gồm: Xây dựng tài chính điện tử và thiết lập nền tảng tài chính số hiện đại, bền vững; Triển khai ứng dụng toàn diện công nghệ số trong các ngành Thuế, Hải quan, Kho bạc, Chứng khoán; Chuyển đổi số trong các ngân hàng thương mại để cung cấp dịch vụ ngân hàng số theo hướng phát triển đa dạng các kênh phân phối, đổi mới sáng tạo, tự động hóa quy trình, thúc đẩy hợp tác với các công ty công nghệ tài chính (Fintech) và trung gian thanh toán trong việc xây dựng hệ sinh thái dịch vụ tài chính ngân hàng.

Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số đã làm thay đổi mạnh công tác kế toán trên nhiều mặt khác nhau. Ở cấp độ vi mô, quá trình này không chỉ là làm giảm các lao động thủ công, góp phần tăng mạnh năng suất lao động mà còn nhờ việc thay đổi các kỹ thuật, thao tác thực hiện công tác kế toán quá trình này còn làm thay đổi về chất việc cung cấp thông tin cho các nhà quản trị. Chính vì thế, trên góc độ vĩ mô, việc thực hiện các chức năng quản lý nhà nước về công tác kế toán cũng như công bố thông tin của các chủ thể trong nền kinh tế cũng cần có những thay đổi về chất. Tất cả những thay đổi này cần được chuyển hoá vào Luật Kế toán và các Luật cũng như các quy định khác có liên quan để đẩy nhanh quá trình thực hiện mà vẫn đảm bảo tính hiệu quả, kịp thời.

Xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số là xu thế tất yếu, làm thế nào để quá trình này hiệu quả, các doanh nghiệp và nền kinh tế được hưởng lợi để kịp thời nắm bắt các cơ hội thúc đầy sự phát triển của nền kinh tế chính là sứ mệnh của Công ty Cổ phần MISA. Trên đây là một số ý kiến của Công ty Cổ phần MISA xin đóng góp cho Hội thảo, rất mong nhận được các ý kiến thảo luận thêm của các chuyên gia.

Xin trân trọng cảm ơn!

Tài liệu tham khảo

Các văn bản pháp lí:

  1. Luật kế toán Việt Nam
  2. Quyết định số 345/QĐ-BTC ngày 16 tháng 3 năm 2020 của Bộ Tài chính về phê duyệt đề án áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính tại Việt Nam
  3. Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày ngày 03 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”
  4. Luật Thuế 1936 (Úc)
  5. Taxation Ruling 96/7 ban hành bởi CQT Úc
  6. Luật giao dịch điện tử

Các tài liệu tham khảo:

  1. Mai Ngọc Anh (2022), Phát triển thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán trong hội nhập quốc tế, Tạp chí Tài chính, Số 3/2022
  2. Vũ Đức Chính, (2022), Áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính tại Việt Nam: Thách thức và giải pháp, Tạp chí Tài chính, Số 3/2022
  3. Ninh Thị Thúy Ngân, (2022), Trao đổi về ngành nghề kế toán trong thời đại chuyển đổi số, Tạp chí Tài chính, Số 4/2022
  4. Ngô Mạnh Tuấn và cộng sự (2022) Kinh nghiệm phát triển nguồn nhân lực cho CĐS trong lĩnh vực tài chính, Tạp chí Tài chính, Số 3/2022

 

Tin tức liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *