Nghiên cứu trao đổi

Thông tin chênh lệch tỷ giá hối đoái trong báo cáo tài chính và giá cổ phiếu của các công ty niêm yết

Tiêu đề Thông tin chênh lệch tỷ giá hối đoái trong báo cáo tài chính và giá cổ phiếu của các công ty niêm yết Ngày đăng 2023-08-16
Tác giả Admin Lượt xem 380

TS. Nguyễn Thị Khánh Phương* – SV. Nghiêm Phương Linh*

(*Khoa Kế toán Kiểm toán – Học viện Ngân hàng).

Nhận:              12/04/2023

Biên tập:          13/04/2023

Duyệt đăng:    13/05/2023

Tóm tắt

Thông tin trong báo cáo tài chính (BCTC) đóng một vai trò quan trọng trong việc đưa ra quyết định của các nhà đầu tư. Các nhà đầu tư luôn kỳ vọng tạo ra lợi nhuận tối đa, nên họ sẽ mua và bán những cổ phiếu mà họ mong muốn đem lại hiệu quả kinh doanh nhất cho họ. Do đó, mối quan hệ giữa thông tin trong BCTC và giá cổ phiếu của các công ty niêm yết nhận được sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư. Hơn nữa, khi nền kinh tế toàn cầu đang ngày càng phát triển thì các giao dịch ngoại tệ ngày càng được sử dụng phổ biến. Trong các thông tin trên BCTC, thì chỉ tiêu chênh lệch tỷ giá có ảnh hưởng lớn đến các công ty có phát sinh các giao dịch bằng ngoại tệ. Chênh lệch tỷ giá hối đoái (TGHĐ) sẽ tác động trực tiếp đến kết quả hoạt động kinh doanh của DN, từ đó ảnh hưởng đến giá cổ phiếu. Do đó, mối quan hệ giữa thông tin chêch lệch TGHĐ trong BCTC và giá cổ phiếu của các công ty niêm yết trên trên thị trường chứng khoán (TTCK) là một vấn đề cần được nghiên cứu.

Từ khoá: tỷ giá hối đoái, giá cổ phiếu, báo cáo tài chính, công ty niêm yết.

Abstract

Information in financial statements plays an important role in making decisions of investors. Investors always expect to make maximum profits, so they will buy and sell the stocks they want to bring the most business results for them. Therefore, the relationship between information in financial statements and stock prices of listed companies receives great attention from investors. Moreover, as the global economy is growing, foreign currency transactions are increasingly used. In the information on the financial statements, the indicator of exchange rate difference has a great influence on companies that have transactions in foreign currencies. The exchange rate difference will directly affect the business results of the enterprise, thereby affecting the stock price. Therefore, the relationship between the information of exchange rate discrepancies in the financial statements and the stock prices of listed companies is an issue that needs to be studied.

Keywords: exchange rate, stock price, financial statements, listed companies.

JEL Classifications: M20, M40, M49.

DOI: https://doi.org/10.59006/vnfa-jaa.05202312

  1. Các nhân tố ảnh hưởng đến giá cổ phiếu của các công ty niêm yết

Al-Tamimi và các cộng sự (2007) thực hiện nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến giá của các cổ phiếu niêm yết trên TTCK UAE (United Arab Emirates). Nhóm tác giả đã sử dụng dữ liệu giá của 17 cổ phiếu, được thu thập trong khoảng thời gian từ 1990 đến 2005 và đưa ra kết luận thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) là nhân tố có tác động mạnh và cùng chiều đến giá của các cổ phiếu. Kabajeh và cộng sự (2012) nghiên cứu mối quan hệ giữa các tỷ số tài chính ROA, ROE và ROI của các công ty bảo hiểm Jordan, trong giai đoạn 2002 đến 2007. Kết quả nghiên cứu cho thấy, các tỷ lệ ROA, ROE và ROI có tác động tích cực đến giá cổ phiếu. Cùng quan điểm trên, Issah và Ngmenipuo (2015) cũng kết luận về mối quan hệ tuyến tính tích cực giữa ROA, ROE, ROI và giá thị trường của cổ phiếu của các tổ chức tài chính ngân hàng được niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Ghana.

Nghiên cứu của Malhotra và Tandon (2013) sử dụng mẫu gồm 95 công ty, được niêm yết trong khoảng thời gian từ 2007 – 2012. Với mô hình hồi quy tuyến tính, nhóm tác giả kết luận rằng, giá trị sổ sách của mỗi cổ phiếu (BVPS) và thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) có mối liên hệ đáng kể với giá cổ phiếu của công ty.

Nghiên cứu của Mohammad Al-Dwiry, Ghaith N. Al-Eitan và Weaam Amira (2022) sử dụng dữ liệu bảng điều khiển từ 13 ngân hàng thương mại Jordan trong giai đoạn 2010 – 2021, để xem xét sự ảnh hưởng của cả nhân tố vĩ mô và nhân tố cơ bản đối với giá thị trường trên mỗi cổ phiếu. Với việc sử dụng nhiều mô hình hồi quy, nhóm tác giả đã chỉ ra thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS), cổ tức trên mỗi cổ phiếu (DPS), lợi nhuận trên tài sản (ROA), quy mô ngân hàng (S), tổng sản phẩm quốc nội (GDP), cung tiền (MS) có ảnh hưởng tích cực đến giá cổ phiếu.

Trương Đông Lộc và Nguyễn Minh Nhật (2016) đã sử dụng dữ liệu dạng bảng được thu thập thông tin của 102 công ty niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM  trong giai đoạn 2008 – 2013. Với việc áp dụng mô hình Ohlson (1995), nhóm tác giả đã chỉ ra rằng, thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) và giá trị sổ sách của mỗi cổ phiếu (BVPS) đều có ảnh hưởng tích cực đến giá cổ phiếu.

Dương An Thảo (2020) đã nghiên cứu sự ảnh hưởng của thông tin kế toán trên BCTC, bao gồm: thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS); tỷ lệ ROE và giá trị sổ sách của vốn chủ sở hữu đến giá cổ phiếu của các công ty niêm yết trên TTCK Việt Nam. Bằng việc sử dụng cả phương pháp định lượng và định tính tác giả đã chỉ ra rằng, thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) và giá trị sổ sách của vốn chủ sở hữu có tác động cùng chiều đến giá cổ phiếu; ngược lại, tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) có mối tương quan ngược chiều với giá cổ phiếu.

Nghiên cứu của Phạm Ngọc Vân (2021) đã xem xét tác động của cả nhân tố vĩ mô và nhân tố vi mô đến giá cổ phiếu tại các DN ngành bất động sản. Mẫu được sử dụng là 30 DN nhóm ngành bất động sản, được niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM trong giai đoạn từ 2012 đến 2017. Áp dụng phương pháp xử lý dữ liệu bằng kỹ thuật hồi quy dữ liệu bảng kết quả nghiên cứu cho thấy, thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS), cổ tức mỗi cổ phiếu (DPS), giá vàng (DGP) là các yếu tố có ảnh hưởng đến giá cổ phiếu của các DN nhóm ngành bất động sản được niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM, trong đó EPS có sự tương quan thuận đến giá cổ phiếu.

  1. Nghiên cứu về mối quan hệ giữa TGHĐ và giá cổ phiếu

Nghiên cứu về vấn đề này có hai hướng nghiên cứu cụ thể là:

Thứ nhất, theo cách tiếp cận “hướng cổ phiếu” (Stock Oriented Models) và dựa vào phương pháp tiếp cận danh mục đầu tư khi xác định TGHĐ của Gavin (1989).

Khi nhà đầu tư phân bổ tài sản với nhiều kênh đầu tư như trái phiếu trong nước, chứng khoán nước ngoài, ngoại tệ… TGHĐ sẽ cân bằng cung và cầu của các loại tài sản này. Đồng thời, nếu cung và cầu của tài sản này thay đổi thì nó cũng sẽ ảnh hưởng tới TGHĐ. Vì vậy, biến động của TTCK của một quốc gia có thể sẽ ảnh hưởng tới TTCK của các quốc gia khác. Theo cách tiếp cận này, có thể kết luận rằng, TGHĐ tác động đến giá cổ phiếu và ngược lại giá cổ phiếu tác động đến TGHĐ. Cùng mô hình “hướng cổ phiếu” này, Aggarwal (1981) đã nghiên cứu ảnh hưởng của TGHĐ đối với giá cổ phiếu trong thời kỳ tỷ giá thả nổi từ 1974 đến 1978 và đưa ra kết luận TGHĐ có mối tương quan thuận với giá cổ phiếu.

Thứ hai, theo cách tiếp cận “hướng dòng chảy” (Flow Oriented Models) và dựa trên hai trụ cột lý thuyết kinh tế.

Đầu tiên, là mối quan hệ giữa TGHĐ thực và hoạt động kinh tế theo nghiên cứu của Cornell (1983) và Wolff (1988). Nội dung của trụ cột lý thuyết kinh tế này là khi TGHĐ thực giảm xuống, khả năng cạnh tranh của hàng hoá trong nước sẽ cao hơn, dẫn đến tăng tổng cầu và sản lượng của hàng hóa nội địa.

Tiếp theo, là mối quan hệ của hoạt động kinh tế và TTCK. Theo đó, trụ cột lý thuyết này cho rằng, giá cổ phiếu chịu ảnh hưởng từ dòng tiền trong tương lai, do đó sẽ chịu tác động của hoạt động kinh tế, nhất là sự ảnh hưởng của tổng cầu. Một số nghiên cứu đã tiếp cận theo hướng này như: Roll (1992), Canova và Nicolo (1995).

Tại Việt Nam, với cách tiếp cận “hướng cổ phiếu” và “hướng dòng chảy”, Phan Đình Luận (2019) đã nghiên cứu để xem xét sự tác động lẫn nhau giữa TGHĐ và giá chứng khoán. Kết quả nghiên cứu cho thấy, giữa TGHĐ và giá cổ phiếu có mối quan hệ với nhau.

  1. Nghiên cứu về ảnh hưởng của thông tin chênh lệch TGHĐ trong BCTC đến giá cổ phiếu của các công ty niêm yết

3.1. Các nghiên cứu về ảnh hưởng tích cực của thông tin chênh lệch TGHĐ trong BCTC đến giá cổ phiếu của các công ty niêm yết

Ferraro và Veltri (2012) sử dụng mô hình Ohlson, để kiểm tra ảnh hưởng của việc chuyển đổi BCTC hợp nhất cho các hoạt động ở nước ngoài (FCTAs) đến giá cổ phiếu. Mẫu nghiên cứu bao gồm 108 công ty phi tài chính niêm yết trên TTCK Ý, trong khoảng thời gian 2008 – 2009. Kết quả nghiên cứu cho thấy, tác động tích cực của việc công bố FCTAs theo Chuẩn mực Kế toán Quốc tế số 01 (IAS1) của các công ty niêm yết trên TTCK Ý đến giá cổ phiếu.

Redman và cộng sự (2013) xem xét mối quan hệ giữa giá cổ phiếu và lãi/lỗ TGHĐ được báo cáo trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ. Phạm vi mẫu nghiên cứu bao gồm 1.851 công ty cổ phần niêm yết trên TTCK Mỹ, trong khoảng thời gian 2010 – 2011. Tác giả kiểm tra ba mô hình, bằng cách sử dụng các biến phụ thuộc: tỷ lệ phần trăm thay đổi của giá cổ phiếu trong 13 tuần của quý hai năm 2011, tỷ lệ phần trăm thay đổi của giá cổ phiếu hàng tháng trong hai quý đầu tiên của năm 2011 và chênh lệch giá cổ phiếu hàng tháng so với tháng trước đó. Kết quả nghiên cứu cho thấy, lãi (lỗ) chênh lệch TGHĐ có ảnh hưởng tích cực tới tỷ lệ phần trăm thay đổi của giá cổ phiếu trong 13 tuần của quý hai, có mối quan hệ tích cực với tỷ lệ phần trăm thay đổi của giá cổ phiếu hàng tháng trong hai quý đầu tiên và không ảnh hưởng đến chênh lệch giá cổ phiếu hàng tháng so với tháng trước đó trong những tháng trước và sau giai đoạn tháng 3 – tháng 4.

Lê Vũ Ngọc Thanh cùng các cộng sự (2015) đã thực hiện nghiên cứu về mối quan hệ giữa giá cổ phiếu và chênh lệch TGHĐ do đánh giá lại các giao dịch bằng ngoại tệ với phạm vi mẫu nghiên cứu, bao gồm 349 công ty niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội và các công ty tại sàn UpCOM, trong khoảng thời gian từ năm 2009 đến năm 2011.

Các biến trong bài nghiên cứu được lựa chọn theo mô hình Ohlson, biến phụ thuộc chính là giá thị trường của vốn chủ sở hữu (giá trị DN), biến độc lập là giá sổ sách, tổng thu nhập trước chênh lệch tỷ giá và biến chênh lệch tỷ giá. Một biến kiểm soát cũng được tác giả đưa vào mô hình là quy mô công ty (SIZE). Kết quả nghiên cứu cho thấy, nếu DN ghi nhận khoản chênh lệch TGHĐ vào lãi (lỗ) trên Báo cáo kết quả kinh doanh (BCKQKD) thì các nhà đầu tư sẽ có phản ứng cùng chiều với khoản chênh lệch, còn nếu DN ghi nhận vào vốn chủ sở hữu (VCSH) thì các nhà đầu tư không có phản ứng. Tuy nhiên, nghiên cứu chỉ mới chỉ ra mối quan hệ giữa giá cổ phiếu và chênh lệch TGHĐ do đánh giá lại số dư cuối kỳ.

Vũ Thị Kim Lan (2020) đã nghiên cứu về ảnh hưởng của thông tin chênh lệch TGHĐ đến giá cổ phiếu của các công ty phi tài chính niêm yết trên TTCK Việt Nam. Mẫu nghiên cứu được sử dụng, bao gồm 154 công ty phi tài chính có thời gian niêm yết ít nhất từ năm 2009 đến năm 2018 trên TTCK Việt Nam, với phạm vi thời gian từ năm 2009 đến 2017.

Mô hình nghiên cứu được phát triển dựa trên mô hình của Soo và Soo (1994) và Ohlson (1995). Biến giá cổ phiếu được sử dụng trong các mô hình bao gồm: biến giá cổ phiếu trung bình trong ngày (cả năm) và giá cổ phiếu, trung bình 6 ngày trước và sau công bố BCTC. Kết quả nghiên cứu cho thấy, thông tin chênh lệch TGHĐ phản ánh vào thu nhập trên BCKQKD có tác động tích cực đến giá cổ phiếu của các công ty phi tài chính niêm yết trên TTCK Việt Nam. Thông tin chênh lệch TGHĐ phản ánh vào VCSH trên bảng cân đối kế toán không tác động đến giá cổ phiếu.

Tóm lại, có rất nhiều nghiên cứu đã chứng minh được ảnh hưởng tích cực của thông tin chênh lệch TGHĐ trong BCTC đến giá cổ phiếu. Bên cạnh các công trình nghiên cứu đã đề cập trên đây, còn rất nhiều các nghiên cứu khác như nghiên cứu của Soo và Soo (1994); Bazaz & Senteney (2001); Al-Shboul và Alison (2008)… cũng đã đưa ra kết luận tương tự. Tại Việt Nam, các nghiên cứu chứng minh tác động tích cực của thông tin chênh lệch TGHĐ trong BCTC đến giá cổ phiếu còn hạn chế, chưa thực sự đa dạng.

3.2. Các nghiên cứu về ảnh hưởng tiêu cực của thông tin chênh lệch TGHĐ trong BCTC đến giá cổ phiếu của các công ty niêm yết  

Louis (2003) đã thực hiện nghiên cứu trong khoảng thời gian từ năm 1985 đến 2001, để phân tích mối liên hệ giữa chênh lệch TGHĐ và giá trị DN với mẫu nghiên cứu là các công ty sản xuất đa quốc gia tại Mỹ, bao gồm 4.972 mẫu quan sát. Từ kết quả nghiên cứu cho thấy, chênh lệch TGHĐ của các DN trong lĩnh vực sản xuất là đáng kể, nhưng có mối quan hệ ngược chiều với giá trị của DN.

Nghiên cứu của Pinto (2005) với mẫu được sử dụng là các công ty đa quốc gia của Mỹ, hoạt động chủ yếu ở hai quốc gia Đức và Mexico. Tác giả đã sử dụng mô hình Ohlson (1995), bằng cách hồi quy giữa giá thị trường của VCSH và các biến kế toán. Kết quả nghiên cứu cho thấy, sự tương quan ngược chiều giữa chênh lệch TGHĐ và giá cổ phiếu. Qua đó, tác giả khẳng định tầm quan trọng của thông tin chênh lệch TGHĐ trên BCTC, từ đó khuyến nghị các nhà đầu tư cần chú trọng đến thông tin này khi đưa ra các quyết định tài chính của mình.

Setyaningrum và Siregar (2015) đã nghiên cứu tác động của chênh lệch TGHĐ đến giá cổ phiếu với mẫu được sử dụng là các công ty niêm yết trên TTCK Indonesia, trong khoảng thời gian 2006 – 2011. Với phương pháp hồi quy bội, nhóm tác giả đã kết luận rằng, chênh lệch TGHĐ có ảnh hưởng tiêu cực đến giá cổ phiếu. Theo đó, tác giả cho rằng, mức độ ảnh hưởng này phụ thuộc vào số lượng lao động của các công ty. Tức là, công ty sử dụng nhiều lao động thì mức độ ảnh hưởng lớn hơn và ngược lại. Cùng quan điểm với các nghiên cứu trên, trước đó còn một số nghiên cứu khác như nghiên cứu của Makin (1978), Salatka (1989)….

3.3. Các nghiên cứu về ảnh hưởng không có ý nghĩa thống kê của thông tin chênh lệch TGHĐ trong BCTC đến giá cổ phiếu của các công ty niêm yết

Bazaz và Senteney (2001) sử dụng mô hình Ohlson (1995) để nghiên cứu mối quan hệ giữa giá cổ phiếu và lãi/lỗ TGHĐ được báo cáo theo SFAS 52. Mẫu được sử dụng trong nghiên cứu này bao gồm 2.081 công ty đa quốc gia trên TTCK Mỹ, từ 1991 đến 1995. Các biến độc lập được sử dụng trong mô hình là giá trị sổ sách của VCSH, thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS), lãi TGHĐ, lỗ TGHĐ. Kết luận chỉ ra rằng, lãi TGHĐ và lỗ TGHĐ không có ý nghĩa thống kê đối với giá cổ phiếu khi ghi nhận theo SFAS 52. Cùng quan điểm với Bazaz và Senteney (2001), các nghiên cứu của Garlicki và cộng sự (1987); Rezaee và cộng sự (1993); Dukes (1978); Bartov và Bodnar (1994) cũng cho rằng, lãi và lỗ TGHĐ chưa có ảnh hưởng đến giá cổ phiếu.

Kết luận

Nhìn chung, các công trình nghiên cứu về mối quan hệ giữa TGHĐ nói chung và thông tin chênh lệch TGHĐ nói riêng với giá cổ phiếu đã xuất hiện tương đối nhiều. Trên cơ sở kế thừa các phương pháp nghiên cứu và mô hình nghiên cứu đã có từ trước, các nhà nghiên cứu đã ứng dụng và phát triển đa dạng các công trình nghiên cứu. Các kết luận đưa ra không đồng nhất ở các quốc gia khác nhau và các lĩnh vực kinh tế được nghiên cứu khác nhau. Tổng quan nghiên cứu cho thấy, những mối quan hệ khác nhau giữa thông tin chênh lệch TGHĐ với giá cổ phiếu, bao gồm mối quan hệ tích cực, mối quan hệ tiêu cực và mối quan hệ không có ý nghĩa thống kê. Các công trình nghiên cứu tiêu biểu đã đem đến cho người đọc cái nhìn toàn diện về tình hình nghiên cứu đề tài, chỉ ra những khía cạnh đã được khai thác, những khía cạnh chưa được khai thác. Nhờ đó, có thể phát hiện ra các khoảng trống của vấn đề nghiên cứu, giúp người đọc hình thành nên các ý tưởng mới, phát triển hướng nghiên cứu mới sáng tạo hơn.

Tài liệu tham khảo

Aggarwal, R. (1981).“Exchange rates and stock prices: A study of the US capital markets under floating exchange rates”, Akron Business and Economic Review Fall, 7-12.

Al-Tamimi, Hussein (2007).“Factors affecting stock price in the UAE financial markets”, The Business Review, 5(2), 225-223

Al-Shboul, M. and Alison, S. (2008).“Translation Exposure and Firm Value, Evidence from Australian Multinational Corporations”, International Review of Business Research Papers, Vol.4 No.1 January 2008 pp.23-44.

Bartov, E. and Bodnar, G. M. (1994).“Firm valuation, earnings expectations, and the exchange-rate exposure effect”, Journal of Finance, 49, 1755-1785.

Bazaz, M. S. and Senteney, D. L. (2001).“Value Relevance of Unrealized Foreign Currency Translation: Gains and Losses”, Mid-American Journal of Business, 16(2), 55-63.

Canova, F. and Nicolo, D. G. (1995).“Stock markets and real activity: A structural approach”, European Economic Review, 39, 981-1015.

Cornell, B. (1983).“The money supply announcement puzzle: Review and interpretation”, American Economic Review, 73, 644-657.

Dukes, R. E. (1978).“An Empirical Investigation of the Effects of Statement of Financial Accounting Standards No. 8 on Security Return Behavior”. Stamford, CT: Financial Accounting Standards Board.

Dương An Thảo (2020).“Phân tích ảnh hưởng của thông tin kế toán đến giá cổ phiếu của các công ty niêm yết trên TTCK Việt Nam”, Luận văn Thạc sĩ, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM.

Ferraro, O. and Veltri, S. (2012).“The Value Relevance of Foreign Currency Translation Adjustments (FCTAS) in the Italian Stock Exchange”, Journal of Modern Accounting and Auditing, ISSN 1548-6583, October 2012, Vol. 8, No. 10, 1523-1534.

Tin tức liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *