Nghiên cứu trao đổi

Thực trạng chuyển giá và giải pháp chống chuyển giá đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam

Tiêu đề Thực trạng chuyển giá và giải pháp chống chuyển giá đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam Ngày đăng 2018-06-28
Tác giả Admin Lượt xem 5404

(Đăng trên Tạp chí Kế toán và Kiểm toán, số T4/2018)

Nhận: 26/03/2018
Biên tập: 21/04/2018
Duyệt đăng: 24/04/2018

Việt Nam là một nước có nền kinh tế thị trường phát triển chưa toàn diện. Vốn, công nghệ còn thiếu và lạc hậu, dẫn đến sự phát triển kinh tế thiếu bền vững trong môi trường cạnh tranh toàn cầu như hiện nay. Để thu hút các doanh nghiệp (DN) nước ngoài đầu tư vốn, công nghệ vào Việt Nam, Nhà nước Việt Nam đã có nhiều chính sách ưu đãi, từ môi trường đầu tư, chính sách thuế cũng như các điều kiện đảm bảo khác nhằm thu hút đầu tư. Trên thực tế, các DN nước ngoài trong thời gian qua đầu tư khá ồ ạt vào Việt Nam. Các dự án FDI đã góp phần tăng thu ngân sách, cải thiện cán cân thanh toán, là nguồn vốn bổ sung quan trọng cho phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, nâng cao trình độ kỹ thuật và công nghệ, phát triển kinh tế thị trường ở Việt Nam, giải quyết công ăn việc làm, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao mức sống cho người lao động. Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp tích cực cho nền kinh tế, khu vực FDI cũng đã và đang bộc lộ những vấn đề gây ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn thu của ngân sách, đến môi trường cạnh tranh, đó là hiện tượng chuyển giá, trốn thuế, tạo nên tình trạng lỗ giả, lãi thật, gây thất thu ngân sách, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh với các DN trong nước, tác động không tốt đến môi trường đầu tư.
Từ khóa: Thực trạng chuyển giá; giải pháp chống chuyển giá; trốn thuế; môi trường đầu tư; cạnh tranh không lành mạnh.

1. Thực trạng chuyển giá của các DN FDI
Chuyển giá được hiểu là việc thực hiện chính sách giá đối với hàng hóa, dịch vụ và tài sản được chuyển dịch giữa các thành viên trong Tập đoàn hoặc giữa các Công ty con với nhau hoặc Công ty con với Công ty mẹ trong phạm vi quốc gia hoặc ngoài phạm vi quốc gia không theo giá thị trường, nhằm tối thiểu hóa số thuế của các công ty phải nộp cho Nhà nước.
Như vậy, chuyển giá là một hành vi do các chủ thể kinh doanh thực hiện nhằm thay đổi giá trị trao đổi hàng hóa, dịch vụ trong quan hệ với các bên liên kết.

1.1. Các chiêu trò chuyển giá của một số DN FDI
Các DN FDI thường sử dụng các chiêu trò, như: Nâng giá hàng hóa, nguyên vật liệu đầu vào cao, hạ giá xuất khẩu xuống thấp, để từ đó báo lỗ hoặc giảm lợi nhuận trên sổ sách (chuyển giá) nhằm trốn nộp thuế, các DN có hiện tượng trên thường phổ biến nhất ở các ngành có nhiều tài sản vô hình là ngành có công nghệ độc quyền, sản xuất các sản phẩm không phổ biến trong nước, nên không có tiêu chí hay cơ sở để so sánh. Theo ông Nguyễn Trọng Hạnh – nguyên Phó Cục trưởng Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Một số DN FDI làm cả 2 đầu là nâng chi phí đầu vào, tìm cách ép giá đầu ra xuống thấp và xuất khẩu hàng hóa được sản xuất tại Việt Nam qua một nước trung gian (những nước trung gian có thuế suất thấp), sau đó từ công ty nước trung gian đưa hàng hóa vào châu Âu hay châu Mỹ”. Một số DN FDI khác lại dùng “thủ thuật” tìm mọi cách nâng chi phí đầu vào (nâng giá như thiết bị, vật tư, nguyên liệu, định mức tiêu hao vật tư/đơn vị sản phẩm, chi phí phân bổ từ công ty mẹ) để làm lợi nhuận giảm, khi đó DN không có lãi hoặc lãi ít nên không phải nộp hoặc nộp ít thuế thu nhập DN. Cuối cùng là nhóm DN FDI có công ty mẹ ở nước ngoài. Thường các DN này sử dụng cả 2 hình thức nêu trên để thực hiện chuyển giá, do công ty mẹ cung cấp nguyên liệu. Đồng thời, bao đầu ra của sản phẩm, nên việc kiểm soát giá nguyên liệu cũng như giá sản phẩm xuất khẩu sẽ trở nên khó khăn với các cơ quan quản lý của Việt Nam, nhất là các sản phẩm này lại được xuất khẩu sang nước trung gian thứ 3.

1.2. Một số kết quả đầu tư của các DN FDI vào Việt Nam trong những năm qua
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ đầu năm đến thời điểm 26/12/2016, Việt Nam thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài FDI đạt 2.556 dự án cấp phép mới với tổng số vốn đăng ký đạt 15, 182 tỷ USD, tăng 27% về số dự án và giảm 2,5% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015. Bên cạnh đó, có 1.225 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 5, 765 tỷ USD, tăng 50,5% về số dự án và giảm 19,7% về vốn tăng thêm. Trong năm 2016 có 2.547 DN, tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn mua cổ phần (với tỷ lệ vốn lớn hơn 50% vốn điều lệ hoặc thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện) với tổng vốn đầu tư là 3, 425 tỷ USD.

Như vậy, tính chung tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới, cấp vốn bổ sung và đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần trong năm 2016 đạt 24, 372 tỷ USD, tăng 7,1% so với năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện năm 2016 ước tính đạt 15, 8 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2015, đạt mức giải ngân vốn FDI cao nhất từ trước đến nay. Riêng 9 tháng đầu năm 2017, vốn đầu tư nước ngoài FDI vào Việt Nam đã đạt mức kỷ lục, lên đến 25, 48 tỷ USD, tăng đến 34,3% so với cùng kỳ năm 2016 [1 ](Tags: Cục Đầu tư nước ngoài, điều chỉnh vốn, vốn đầu tư nước ngoài, mua cổ phần, nhà đầu tư nước ngoài).

Tuy nhiên, với sự đầu tư ồ ạt của các DN FDI vào Việt Nam trong những năm gần đây đã nảy sinh một vấn đề rất khó kiểm soát, đó là: Số lượng các DN FDI trong cả nước theo thống kê những năm gần đây thì có tới 50% DN FDI kê khai lỗ, trong đó có nhiều DN thua lỗ liên tục trong nhiều năm liên tiếp (tại thành phố Hồ Chí Minh có tới gần 60% trong số trên 3.500 DN FDI thường xuyên kê khai lỗ trong nhiều năm; Tương tự tại tỉnh Lâm Đồng với 104/111 DN FDI báo cáo lỗ liên tục; tỉnh Bình Dương, một trong những tỉnh thu hút được nhiều dự án FDI, cũng có đến 50% DN FDI báo cáo lỗ từ năm 2006 đến nay,… Mặc dù thua lỗ triền miên, song các DN FDI này vẫn đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh. Điển hình có những biểu hiện “đáng ngờ” về chuyển giá, phải kể đến Công ty Coca -Cola Việt Nam. Trong hơn 20 năm đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, Coca-Cola liên tục báo lỗ, lỗ lũy kế tính đến 30/9/2011 của công ty này đã lên tới 3.768 tỷ đồng, vượt cả số vốn đầu tư ban đầu là 2.950 tỷ đồng. Do lỗ liên tục như vậy nên Coca -Cola Việt Nam không phải đóng thuế thu nhập DN, trong khi doanh thu liên tục tăng từ 20-30%/năm,…
Trước hàng loạt dấu hiệu đáng nghi ngờ của các DN FDI. Để ngăn chặn dấu hiệu chuyển giá, chốn thuế của các DN này, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 20/2017/NĐCP về quản lý thuế với DN có giao dịch liên kết có hiệu lực từ 1/5/2017. Theo tinh thần của Nghị định này, các nguyên tắc đưa ra để xác định giá giao dịch liên kết như: Phân tích, so sánh với các giao dịch độc lập; Nguyên tắc bản chất quyết định hình thức để xác định đúng bản chất giao dịch liên kết có tính chất tương đồng với các đối tượng so sánh độc lập; Phân tích, so sánh phải đảm bảo tính tương đồng giữa đối tượng so sánh độc lập và giao dịch liên kết; áp dụng phương pháp đối chiếu, rà soát,… đối với các yếu tố so sánh để lựa chọn các đối tượng so sánh độc lập nhằm ngăn ngừa tình trạng chuyển giá của các DN FDI tại Việt Nam.

1.3. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng chuyển giá của các DN FDI tại Việt Nam
Sở dĩ có hiện tượng chuyển giá của các DN FDI trong thời gian khá dài mà Việt Nam chưa kiểm soát hết là do:
– Xuất phát từ quyền tự do định đoạt trong kinh doanh, các chủ thể hoàn toàn có quyền quyết định giá cả của một giao dịch. Do đó, họ hoàn toàn có quyền mua hay bán hàng hóa, dịch vụ với giá mà họ mong muốn.
– Xuất phát từ mối quan hệ gắn bó chung về lợi ích giữa nhóm liên kết, nên sự khác biệt về giá giao dịch được thực hiện giữa các chủ thể kinh doanh có cùng lợi ích và không làm thay đổi lợi ích toàn cục.
– Việc quyết định chính sách giá giao dịch giữa các thành viên trong nhóm liên kết không thay đổi tổng lợi ích chung nhưng có thể làm thay đổi tổng nghĩa vụ thuế của họ. Thông qua việc định giá, nghĩa vụ thuế được chuyển từ nơi bị điều tiết cao sang nơi bị điều tiết thấp hơn và ngược lại.
– Do tồn tại sự khác nhau về chính sách thuế giữa các quốc gia cũng là nguyên nhân dẫn đến sự chuyển giá, nhằm có lợi cho các bên trong nhóm liên kết….
– Một trong những nguyên nhân quan trọng nữa khiến cho việc khó xử lý nạn chuyển giá tại các DN FDI hiện nay, là do khuôn khổ pháp lý chống chuyển giá chưa hoàn thiện. Luật chống chuyển giá vẫn chưa hình thành, ngành thuế chưa có chức năng điều tra DN. Mặt khác, các cơ quan bộ, ngành chưa có phương pháp phối hợp, điều tra và xử lý hiệu quả nên đã vô tình tạo ra lỗ hổng về pháp lý, từ đó các DN FDI chuyển giá ngày càng tinh vi, rất khó phát hiện và không dễ xử lý.

2. Giải pháp chống chuyển giá đối với các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI)
Chuyển giá không chỉ làm thất thu ngân sách nhà nước, mà còn tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN. Để hạn chế tình trạng này cần tập trung thực hiện hiệu quả vào một số giải pháp sau:
Thứ nhất, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý. Trước mắt, Việt Nam cần hoàn thiện hành trang pháp lý về chống chuyển giá và tiến tới ban hành Luật chống chuyển giá; Thu hẹp các ưu đãi về thuế, cụ thể là hạn chế tối đa các chính sách xã hội trong ưu đãi thuế; Chuyển giao quyền điều tra cho cơ quan thuế từ cấp Tổng cục và lâu dài đến cơ quan thuế cấp tỉnh, thành phố; Hoàn thiện hệ thống thông tin, dữ liệu về người, DN nộp thuế để từ đó theo dõi sát sao những thay đổi về doanh thu, lợi nhuận của các DN.

Thứ hai, kiện toàn bộ máy. Mới đây, Tổng cục Thuế chính thức thành lập Phòng Thanh tra giá chuyển nhượng. Đồng thời, lực lượng thanh tra giá chuyển nhượng được thành lập tại 4 Cục thuế địa phương có nhiều rủi ro liên quan đến giá chuyển nhượng, như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai. Đây là lực lượng chuyên trách làm việc chống chuyển giá tại cơ quan thuế Trung ương đến địa phương, cũng như tiến hành thu thập xử lý thông tin từ các DN có quan hệ liên kết từ cơ quan thuế và bên thứ ba. Vấn đề đặt ra hiện nay là, các cơ quan thuế cần khẩn trương xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đáp ứng được yêu cầu khai thác, phân tích rủi ro và làm căn cứ để xác định giá thị trường đối với giao dịch liên kết. Bởi theo các Cục Thuế địa phương, việc nhận dạng chuyển giá không khó, nhưng quá trình xử lý gặp rất nhiều khó khăn vì chưa có dữ liệu, nên cán bộ thuế vẫn phải làm thủ công, nhặt từng khoản mục để so sánh, đối chiếu.

Thứ ba, áp dụng phương pháp định giá (APA- cơ chế thoả thuận trước về xác định giá). Biện pháp này đang được áp dụng rộng rãi tại châu Âu và nhiều nước trong khu vực như: Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan, Malaysia,… Tại Việt Nam, theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật quản lý Thuế, từ 1/7/2013 cơ quan thuế được phép áp APA. Theo cơ chế này, DN đa quốc gia phải chủ động đề xuất biện pháp tính giá hoặc mức giá mua, bán hàng hóa, dịch vụ giữa các thành viên trong tập đoàn, trước khi kê khai và nộp thuế. Cơ quan thuế sẽ phối hợp với cơ quan thuế nước ngoài đã ký kết hiệp định tránh đánh thuế hai lần với Việt Nam tổ chức giám sát, kiểm soát để chống gian lận thuế. Về lý thuyết, APA có thể giúp giảm bớt tình trạng khai gian giá và điệp khúc “lỗ giả, lãi thật” mà dư luận đã nhắc tới ở nhiều DN. Tuy nhiên, chưa chắc DN có vốn nước ngoài đã tự nguyện làm APA. Bởi APA áp dụng trên nguyên tắc tự nguyện, cơ quan thuế không thể ép DN phải thực hiện. Cơ quan thuế cần có cơ chế khuyến khích các DN có giao dịch liên kết áp dụng APA để tránh thanh tra về chuyển giá. Hiện nay, Việt Nam cũng đã ban hành hướng dẫn về APA và đã có một số DN xin áp dụng.

Tuy nhiên, APA cũng là một quá trình phức tạp và mất nhiều thời gian nên chỉ phù hợp với các DN có quy mô lớn và có mô hình kinh doanh ổn định. Mặt khác, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế pháp lý trong quản lý chuyển giá.

Thứ tư, Chính phủ và các cơ quan chức năng cũng cần rà soát, điều chỉnh theo hướng thu hẹp khoảng cách về các ưu đãi thuế giữa các ngành, lĩnh vực và vùng miền, địa phương. Như đã nêu ở trên, một trong những nguyên nhân dẫn đến hành vi chuyển giá là có sự chênh lệch thuế thu nhập DN giữa các quốc gia, chênh lệch thuế suất thuế thu nhập DN trong một quốc gia do áp dụng thuế suất ưu đãi và các ưu đãi khác như miễn, giảm thuế.

Thứ năm, cơ quan thuế các cấp cần tăng cường thanh tra giá chuyển giao, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Thuế. Chú trọng việc thanh tra, kiểm tra giá chuyển giao đối với các DN có nhiều thành viên; các ngành nghề có dấu hiệu rủi ro lớn về thuế do hành vi chuyển giá của DN liên kết, các DN đã và đang thực hiện tái cơ cấu có khả năng lợi dụng chuyển giá để tránh thuế. Đối với các trường hợp chuyển giá, phải có chế tài xử phạt theo hướng tăng mức phạt và hình thức phạt so với quy định hiện tại để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

Thứ sáu, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và liên thông dữ liệu, thông tin về DN FDI trong các cơ quan chức năng của Việt Nam để có sự phối hợp đồng bộ, thông suốt trong kiểm soát chuyển giá của các cơ quan chức năng. Thời gian tới, ngành Thuế, cơ quan cấp phép đầu tư, Hải quan, Công an, Ngân hàng,… cần tăng cường xây dựng cơ sở dữ liệu và kết nối thông tin để có được một hệ thống thông tin đảm bảo cho quá trình quản lý thuế nói chung và hoạt động phân tích rủi ro, thanh tra, xử lý vi phạm về giá chuyển giao giữa các thành viên liên kết nói riêng.

Thứ bảy, tăng cường đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho ngành thuế để chuyên theo dõi, kiểm soát chuyển giá, trong đó chú trọng đào tạo về kỹ năng xác định giá thị trường, trang bị kiến thức về kinh tế ngành, kỹ năng tin học, ngoại ngữ,…

Tóm lại, hoạt động chống chuyển giá có thể tác động đến khả năng thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong ngắn hạn theo hướng giảm số lượng dự án và vốn đầu tư, song về dài hạn sẽ nâng cao chất lượng thu hút FDI bằng việc hạn chế các nhà đầu tư không hiệu quả và tăng đóng góp của khu vực đầu tư nước ngoài, thu hút được các nhà đầu tư có uy tín, môi trường đầu tư Việt Nam sẽ phát triển theo hướng tích cực, lành mạnh hơn. Đã đến lúc các ngành chức năng, các địa phương cần kiên quyết và quyết liệt hơn nữa trong việc thực hiện các biện pháp đồng bộ chống chuyển giá, để tránh những thua thiệt cho Việt Nam khi thu hút vốn đầu tư từ các DN FDI./.

Tài liệu tham khảo:
– TS. Lê Đăng Doanh: Về chuyển gía, trốn thuế của DN FDI sẽ ngày càng phức tạp – Việt Nam Finance – Báo Mới, tháng 11/2017.
– TS. Nguyễn Thị Thu Hoài: Chuyển giá trong DN FDI: Thực trạng và giải pháp, Tạp chí Tài chính, kỳ 2, tháng 12/2015.
– Báo cáo của Thanh tra thuế về các hành vi vi phạm của các DN FDI.
– Tạp chí Điện tử Tài chính, ngày 18/01/2016 về chống chuyển giá của các DN FDI.
– Ths. Dương văn An: Chuyển giá trong khu vực FDI tại Việt Nam, Tạp chí Tài chính, tháng 12/2013.
– Các trang báo mạng,…

Tin tức liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *