TS. Nguyễn Thị Mai Anh* – CN. Nguyễn Thị Thanh Nhi*
(*Đại học Kinh tế Quốc Dân).
Nhận: 10/12/2023
Biên tập: 11/12/2023
Duyệt đăng: 20/12/2023
Tóm tắt
10 năm trở lại đây, đặc biệt từ năm 2017, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc cả về quy mô, cơ cấu DN phát hành và loại hình sản phẩm, trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của DN. Để đảm bảo thị trường trái phiếu phát triển bền vững và hiệu quả, cũng như thực hiện chủ trương cân bằng giữa thị trường vốn và thị trường tiền tệ, tín dụng Nhà nước đã ban hành các quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu DN. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, hoạt động phát hành trái phiếu DN còn bộc lộ nhiều hạn chế và tiêu cực, làm chao đảo thị trường, gây sụt giảm niềm tin của nhà đầu tư và tạo áp lực đáo hạn vô cùng lớn đối với DN trong năm 2024. Bài viết nghiên cứu các vấn đề cơ bản về trái phiếu DN và phân tích tổng quan thị trường trái phiếu DN Việt Nam, nêu ra một số hiện trạng đáng quan tâm, đánh giá các chính sách giải quyết của Nhà nước và đưa ra một số khuyến nghị.
Từ khóa: huy động vốn, phát triển bền vững, thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Abstract
In the past ten years, especially since 2017, the Vietnamese corporate bond market has made significant progress in terms of scale, structure of issuing companies, and product types. This has become an important channel for medium- and long-term capital mobilisation for businesses. To ensure the sustainable and effective development of the bond market as well as implement the policy of balancing between the capital market and the monetary and credit market, the government has issued regulations and policies on the offering and trading of corporate bonds. However, in recent times, the issuance of corporate bonds has revealed many limitations and negative aspects that have disrupted the market, causing a decline in investor confidence and creating enormous maturity pressure on businesses in 2024. This article studies the basic issues of corporate bonds and analyses the overall Vietnamese corporate bond market, highlights some noteworthy current status, evaluates the government solutions, and provides some recommendations.
Keywords: corporate bond market, sustainability development, capital mobilised capital.
JEL Classifications: E44, E50, E51.
DOI: https://doi.org/10.59006/vnfa-jaa.12202304
- Đặt vấn đề
Hiện nay, xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ, phổ biến trên toàn thế giới. Là một thành viên chính thức của WTO, Việt Nam đã và đang tích cực đổi mới, phát triển mọi lĩnh vực theo hướng mở cửa, tự do hóa phù hợp với tình hình trong nước và các cam kết trong thỏa thuận quốc tế. Cùng với quá trình đổi mới diễn ra trong toàn bộ nền kinh tế, lĩnh vực tài chính tiền tệ cũng đã có những bước tiến quan trọng.
Thị trường chứng khoán ra đời, đi vào hoạt động hơn 20 năm qua và đã đạt được những thành tựu nhất định về xây dựng kênh dẫn vốn quan trọng và hiệu quả cho nền kinh tế. Đặc biệt là giai đoạn 2011 – 2020, với tốc độ tăng trưởng bình quân trên 24%/năm, thị trường trái phiếu DN Việt Nam đã trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của DN theo đúng chủ trương của Chính phủ về phát triển cân bằng giữa thị trường vốn và thị trường tiền tệ, tín dụng; giảm mức độ phụ thuộc vào nguồn vốn từ tín dụng ngân hàng. Tuy nhiên, hoạt động phát hành trái phiếu DN thời gian qua còn nhiều bất cập, hạn chế. Vì vậy, việc thực hiện các nghiên cứu đánh giá quá trình phát triển của thị trường trái phiếu DN và các quy định liên quan của Nhà nước là cần thiết để nhìn nhận hiện trạng và tìm ra giải pháp khắc phục, cũng như tạo tiền đề xây dựng các chính sách nhằm phát triển thị trường trái phiếu DN minh bạch, ổn định và bền vững.
- Vấn đề cơ bản về trái phiếu DN
2.1. Khái niệm
Theo khoản 3 Điều 4 Luật Chứng khoán 2019, trái phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của tổ chức phát hành.
Bên phát hành có thể là Chính phủ, địa phương hoặc DN. Về bản chất, bên phát hành trái phiếu chính là bên đi vay và bên sở hữu trái phiếu hay còn gọi là trái chủ là bên cho vay. Do đó, trái phiếu là chứng khoán nợ nên lợi tức từ trái phiếu được xác định rõ ngay khi phát hành trái phiếu. Trái phiếu là một loại tài sản tài chính có tính rủi ro, tính sinh lời và tính thanh khoản.
Trái phiếu DN là một loại chứng khoán nợ có kỳ hạn từ 01 năm trở lên do DN phát hành, xác nhận nghĩa vụ trả cả gốc và lãi của DN phát hành đối với người sở hữu trái phiếu.
2.2. Đặc điểm của trái phiếu DN
Chủ thể phát hành: các DN hoặc các tổ chức tài chính.
Tư cách của chủ sở hữu: chủ nợ của DN phát hành trái phiếu.
Quyền của chủ sở hữu: được chi trả tiền lãi ổn định theo định kỳ và không phụ thuộc vào tình hình hoạt động kinh doanh của DN phát hành.
Vấn đề trách nhiệm và thứ tự ưu tiên được thanh toán khi DN giải thể: trái chủ không phải chịu bất kỳ trách nhiệm nào về các khoản nợ của DN. Khác với cổ phiếu, trái chủ sẽ được ưu tiên thanh toán trước cổ đông – người nắm giữ cổ phiếu của DN.
2.3. Phân loại trái phiếu
Hiện nay, có 02 loại trái phiếu DN phổ biến:
Trái phiếu niêm yết: là trái phiếu được đăng ký và lưu ký tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán. Loại trái phiếu này được giao dịch rộng rãi trên các HNX và HSX. Quá trình giao dịch phải tuân theo quy định của sở giao dịch chứng khoán niêm yết.
Trái phiếu phi tập trung (trái phiếu OTC): là trái phiếu được giao dịch tại thị trường OTC (Over-the-Counter). Giao dịch sẽ được tiến hành giữa các nhà đầu tư theo nguyên tắc “thuận mua – vừa bán” và sẽ không bị ràng buộc bởi các chính sách pháp lý.
2.4. Hình thức phát hành
Có hai hình thức phát hành trái phiếu chính, là phát hành ra công chúng và phát hành riêng lẻ.
Đối với hình thức phát hành ra công chúng: theo khoản 19 Điều 4 Luật Chứng khoán 2019, phát hành trái phiếu ra công chúng là việc chào bán trái phiếu theo một trong các phương thức:
– Chào bán thông qua phương tiện thông tin đại chúng.
– Chào bán cho từ 100 nhà đầu tư trở lên, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
– Chào bán cho các nhà đầu tư không xác định.
Về điều kiện phát hành: theo quy định tại khoản 3 Điều 15 Luật Chứng khoán 2019, điều kiện chào bán trái phiếu ra công chúng, bao gồm:
– DN có mức vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký chào bán từ 30 tỷ đồng trở lên, tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán.
– Hoạt động kinh doanh của năm liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán; không có các khoản nợ phải trả quá hạn trên 01 năm.
– Có phương án phát hành, phương án sử dụng và trả nợ vốn thu được từ đợt chào bán được đại hội đồng cổ đông hoặc hội đồng quản trị hoặc hội đồng thành viên hoặc chủ sở hữu công ty thông qua.
– Có cam kết thực hiện nghĩa vụ của tổ chức phát hành đối với nhà đầu tư về điều kiện phát hành, thanh toán, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư và các điều kiện khác.
– Có công ty chứng khoán tư vấn hồ sơ đăng ký chào bán trái phiếu ra công chúng, trừ trường hợp tổ chức phát hành là công ty chứng khoán.
– Tổ chức phát hành không thuộc trường hợp đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; hoặc đã bị kết án về một trong các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế mà chưa được xóa án tích.
– Có kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với tổ chức phát hành trái phiếu theo quy định của Chính phủ, về các trường hợp phải xếp hạng tín nhiệm và thời điểm áp dụng.
– Tổ chức phát hành phải mở tài khoản phong tỏa nhận tiền mua trái phiếu của đợt chào bán.
– Tổ chức phát hành có cam kết và phải thực hiện niêm yết trái phiếu trên hệ thống giao dịch chứng khoán sau khi kết thúc đợt chào bán. DN có mức vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký chào bán.
Đối với phát hành riêng lẻ: theo khoản 20 Điều 4 Luật Chứng khoán 2019, phát hành riêng lẻ là việc chào bán trái phiếu không thông qua phương tiện thông tin đại chúng và theo một trong các phương thức sau:
– Chào bán cho dưới 100 nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
– Chỉ chào bán cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Về điều kiện phát hành: theo Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định điều kiện chào bán trái phiếu, như sau:
– Đối với chào bán trái phiếu không chuyển đổi không kèm chứng quyền (không bao gồm việc chào bán trái phiếu của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán không phải là công ty đại chúng), DN phải đáp ứng các điều kiện:
+ Là công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam.
+ Thanh toán đủ cả gốc và lãi của trái phiếu đã phát hành hoặc thanh toán đủ các khoản nợ đến hạn trong 03 năm liên tiếp trước đợt phát hành trái phiếu (nếu có); trừ trường hợp chào bán trái phiếu cho chủ nợ là tổ chức tài chính được lựa chọn.
+ Đáp ứng các tỷ lệ an toàn tài chính, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
+ Có phương án phát hành trái phiếu được phê duyệt và chấp thuận theo quy định.
+ Có báo cáo tài chính năm trước liền kề của năm phát hành được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán đủ điều kiện theo quy định tại Nghị định này.
+ Đối tượng tham gia đợt chào bán theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 Nghị định này.
– Đối với chào bán trái phiếu không chuyển đổi không kèm chứng quyền của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán không phải là công ty đại chúng: DN phải đáp ứng các điều kiện quy định tại điểm a, điểm c, điểm d, điểm đ và điểm e của điều kiện chào bán trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền.
– Đối với chào bán trái phiếu chuyển đổi hoặc trái phiếu kèm chứng quyền:
+ DN phát hành là công ty cổ phần.
+ Đối tượng tham gia đợt chào bán theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 8 Nghị định này.
+ Đáp ứng các điều kiện quy định tại điểm b, điểm c, điểm d và điểm đ của điều kiện chào bán trái phiếu không chuyển đổi không kèm chứng quyền.
+ Các đợt chào bán trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ, trái phiếu kèm chứng quyền riêng lẻ phải cách nhau ít nhất 06 tháng, kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán gần nhất.
+ Việc chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu, thực hiện chứng quyền phải đáp ứng quy định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật.
- Thực trạng về thị trường trái phiếu DN Việt Nam và đánh giá các chính sách giải quyết của Nhà nước
3.1. Tổng quan về phát triển thị trường trái phiếu DN Việt Nam
Thị trường trái phiếu DN Việt Nam bắt đầu hình thành từ năm 2000, nhưng thực sự phát triển kể từ khi Nghị định 90/2011/NĐ-CP về phát hành trái phiếu DN có hiệu lực. Với tốc độ tăng trưởng bình quân trong giai đoạn 2011 – 2020 là trên 24%/năm, thị trường trái phiếu DN Việt Nam đã trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho nhiều loại hình DN. Đặc biệt, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước điều hành thận trọng kể từ năm 2017 đến nay, thị trường trái phiếu DN phát triển nhanh chóng với tổng khối lượng phát hành giai đoạn 2017 – 2020 đạt khoảng 1.156 nghìn tỷ đồng, bình quân 289 nghìn tỷ đồng/năm (gấp 9 lần giai đoạn 2012 – 2016).
Năm 2021, bất chấp dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, với việc triển khai các quy định mới về phát hành và giao dịch trái phiếu DN tại Luật Chứng khoán 2019, Luật DN 2020, thị trường trái phiếu DN tiếp tục tăng trưởng mạnh với khối lượng phát hành trong 11 tháng đạt trên 495 nghìn tỷ đồng, tăng 23,4% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó khối lượng phát hành riêng lẻ chiếm 94,5% tổng khối lượng phát hành (Nguyễn Hoàng Dương, 2021).
Nhìn chung, đến năm 2021,”thị trường trái phiếu DN đã tăng trưởng cả về số lượng, cơ cấu DN phát hành và loại hình sản phẩm, dần trở thành kênh huy động vốn trung, dài hạn cho DN, góp phần giảm bớt áp lực huy động cung ứng vốn của các ngân hàng thương mại theo chủ trương phát triển thị trường vốn cân bằng với thị trường tín dụng ngân hàng.”
Tuy nhiên, sự phát triển quá nóng của thị trường trái phiếu DN trong giai đoạn 2017 – 2021 (tăng trưởng khoảng 46%, đặc biệt là năm 2021 tăng trưởng hơn 56%) đang tiềm ẩn nhiều rủi ro, đối với nhà đầu tư và cả nguy cơ liên quan đến an ninh tiền tệ.
Năm 2022, thị trường trái phiếu có nhiều biến động trong hoạt động phát hành, sự sụt giảm niềm tin và nhiều thay đổi về khung pháp lý; cùng với đó là áp lực đáo hạn đang dần tăng cao. Đầu năm 2022, cơ quan chức năng đã phát hiện hàng loạt vi phạm của các công ty chứng khoán và tổ chức phát hành trái phiếu DN. Tiêu biểu như vi phạm của Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, cố tình che giấu và công bố thông tin sai sự thật, sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu DN sai mục đích, chào bán “chui” trái phiếu DN. Điều này đã tác động mạnh mẽ đến tâm lý và gây mất niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường. Bên cạnh đó, việc sửa đổi các khung pháp lý như Thông tư 16/2021/TT-NHNN với những điều kiện chặt chẽ về giao dịch đối với tổ chức tín dụng và Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi bổ sung quy định nghiêm ngặt hơn về chào bán, giao dịch trái phiếu DN riêng lẻ. Tất cả những yếu tố trên, tác động làm trị giá trái phiếu DN phát hành năm 2022 giảm sâu (giảm khoảng 62% so với năm 2021).
3.2. Thực tế thị trường trái phiếu DN Việt Nam
Bước sang năm 2023 và đặc biệt từ Quý III, các DN phát hành phải đối mặt với áp lực đáo hạn trái phiếu vô cùng lớn. Tổng quy mô trái phiếu đáo hạn ước tính năm 2023 và 2024 lần lượt là 289.819 tỷ đồng và 360.500 tỷ đồng và các DN bất động sản chiếm tới 40 – 45% tổng giá trị phát hành.
Tính riêng trong Quý III/2023 vừa qua, trị giá trái phiếu DN đáo hạn lên đến gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, tổng giá trị trái phiếu DN chậm trả lãi, gốc là 24,901 tỷ đồng hầu hết là các DN bất động sản.
Theo Báo cáo thị trường trái phiếu Quý III/2023 của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA). Có thể nhìn biểu đồ thể hiện quy mô trái phiếu DN đáo hạn từ Quý IV/2023 đến hết năm 2024, như sau:
Biểu đồ thể hiện trị giá trái phiếu DN đáo hạn từ quý IV/2023 đến quý IV/2024
Như vậy có thể thấy rằng, lượng trái phiếu đáo hạn nhiều nhất rơi vào hai quý cuối năm 2024 lên đến khoảng 101.000 tỷ đồng và 127.000 tỷ đồng. So với số liệu thống kê cuối Quý IV/2022, tuy lượng trái phiếu đáo hạn đã giảm xuống do các DN đã tăng mua lại trái phiếu trước hạn, nhưng trị giá trái phiếu đáo hạn trong thời gian tới vẫn là rất lớn; hơn nữa, hiện nay thị trường bất động sản vẫn ở tình trạng đóng băng khiến nguy cơ các DN mất khả năng thanh toán cũng như vỡ nợ đang ở mức đáng báo động.
3.3. Nguyên nhân
Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 làm chậm tiến độ đầu tư và thu hồi vốn của DN phát hành. Bên cạnh đó, một yếu tố đặc thù của ngành bất động sản là chịu ảnh hưởng bởi tính chu kỳ, pháp lý tắc nghẽn khiến dự án triển khai chậm và đặc biệt là chính sách kiểm soát tín dụng.
Sự thiếu minh bạch thông tin trên thị trường, trong khi trái phiếu riêng lẻ lại “vô tình” đến tay nhà đầu tư cá nhân không đạt tiêu chuẩn nhà đầu tư chuyên nghiệp, thông qua quá nhiều các khâu phân phối trực tiếp và trung gian. Trong đó, phải kể đến thời gian vừa qua có hiện tượng một số ngân hàng định hướng người gửi tiết kiệm chuyển sang mua trái phiếu DN.
Các DN huy động vốn từ phát hành trái phiếu một cách ồ ạt với lãi suất cao. Nhiều DN phát hành trái phiếu với trị giá gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu, sử dụng đòn bẩy tài chính quá cao trong khi DN đang trong tình trạng thua lỗ.
Như vậy, bên cạnh tác động ngoại cảnh của dịch bệnh Covid-19 làm hoạt động kinh doanh trì trệ, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những biến động xấu trên là do DN lợi dụng các lỗ hổng trong hành lang pháp lý quy định về chào bán, phát hành trái phiếu DN và giám sát mục đích sử dụng vốn huy động từ phát hành trái phiếu chưa chặt chẽ để phát hành trái phiếu ồ ạt, sử dụng vốn sai mục đích dẫn đến áp lực đáo hạn lớn và nguy cơ mất khả năng thanh toán nợ cho trái chủ.
3.4. Đánh giá các chính sách giải quyết của Nhà nước
3.4.1. Nghị định số 65/2022/ NĐ-CP
Sau khi phát hiện một loạt các vi phạm của các DN phát hành trái phiếu và nhận thấy những lỗ hổng trong hành lang pháp lý. Ngày 16/09/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 153/2020/ NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu DN riêng lẻ với một số điều khoản chặt chẽ hơn, như:
– Quy định DN phải nêu rõ mục đích phát hành trái phiếu và đảm bảo thực hiện đúng mục đích.
– Quy định rõ về cách xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
– Quy định về xếp hạng tín nhiệm DN phát hành.
Việc sửa đổi bổ sung này, nhằm tăng cường trách nhiệm và nghĩa vụ của DN phát hành trong việc sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu đúng mục đích và góp phần làm tăng tính minh bạch thông tin cho thị trường trái phiếu DN. Bên cạnh đó, trong quy định về mục đích sử dụng vốn, Nghị định vẫn cho phép DN phát hành trái phiếu để cơ cấu lại nợ của chính DN. Điều này tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn trước mắt, giúp làm giảm áp lực đáo hạn cho các DN phát hành.
3.4.2. Nghị định số 08/2023/ NĐ-CP
Khi Nghị định 65/2022/NĐ-CP đi vào hiệu lực, tuy quá trình phát hành trái phiếu được minh bạch và rõ ràng hơn, nhưng chưa giải quyết được vấn đề về áp lực đáo hạn vô cùng lớn vào hai năm 2023 – 2024 của các DN phát hành.
Vì vậy, trước nguy cơ vỡ nợ trên thị trường trái phiếu thì ngày 05/03/2023 Chính phủ ban hành Nghị định 08/2023/ NĐ-CP. Trong đó, cho phép DN gia hạn nợ trái phiếu (tối đa 2 năm) và cho phép DN đàm phán với trái chủ để thanh toán nợ trái phiếu bằng tài sản, nếu DN không thể thanh toán đầy đủ, đúng hạn nợ gốc và lãi trái phiếu bằng đồng Việt Nam. Bên cạnh đó, nghị định này cũng ngưng hiệu lực thi hành một số điều khoản của Nghị định 65/2022/ NĐ-CP đến hết ngày 31/12/2023, như: điều khoản về xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và xếp hạng tín nhiệm DN phát hành. Nghị định này có lợi cho nhà phát hành, giúp các DN tạm thời giải phóng áp lực thanh khoản nhưng gây nhiều rủi ro hơn cho nhà đầu tư.
– Thứ nhất, nếu DN trả nợ bằng tài sản thì cần định giá tài sản và đây là một vấn đề khó giải quyết. Định giá tài sản được thực hiện trên các tiêu chuẩn kỹ thuật, thực trạng của tài sản và phù hợp với giá thị trường nơi có tài sản tại thời điểm định giá. Vậy đâu sẽ là mức giá thị trường? Hơn nữa, có thể xảy ra hiện tượng DN phát hành đẩy giá tài sản lên cao để trừ nợ. Ngoài ra, sau khi hoàn thành việc hoán nợ trái phiếu bằng tài sản, DN phát hành sẽ không còn nghĩa vụ vay nợ nhưng trái chủ sẽ tiếp tục phải đối mặt với rủi ro tài sản giảm giá; hoặc các vấn đề pháp lý liên quan đến tài sản.
– Thứ hai, việc ngưng hiệu lực thi hành một số điều khoản Nghị định 65/2022/NĐ-CP đã làm xuất hiện các đợt phát hành trái phiếu của các DN ít tên tuổi với thông tin hạn chế, thậm chí có DN thành lập chưa được một năm gây rủi ro lớn cho thị trường.
Như vậy, Nghị định 08/2023/ NĐ-CP chỉ là giải pháp tình thế để tháo gỡ khó khăn trước mắt cho các DN phát hành, chưa giải quyết được gốc rễ của vấn đề trên thị trường trái phiếu DN và làm tăng gánh nặng tài chính tương lai cho các DN.
- Giải pháp phục hồi và phát triển thị trường trái phiếu DN ổn định, bền vững
4.1. Hoàn thiện hành lang pháp lý, tăng tính minh bạch thông tin trên thị trường
Xây dựng khung giới hạn phát hành trái phiếu để tránh tình trạng các DN phát hành trái phiếu ồ ạt với trị giá trái phiếu phát hành gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu. Cụ thể, có thể quy định về quy mô, tần suất và điều kiện phát hành, như: DN phải có lợi nhuận trong hai năm gần nhất đạt mức tối thiểu, để DN có khả năng thanh toán nợ; quy định về mức đòn bẩy tài chính tối đa đối với DN được phép phát hành. Từ đó, cải thiện chất lượng trái phiếu, dần lấy lại niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường.
Tăng cường giám sát, kiểm tra trong quá trình phát hành trái phiếu; phân định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tham gia vào quá trình phát hành trái phiếu DN, gồm DN phát hành, nhà đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước. Điều này sẽ thúc đẩy từng đối tượng, có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc và hạn chế được rủi ro.
Minh bạch hóa mục đích sử dụng vốn huy động từ phát hành trái phiếu, bằng cách nhanh chóng xây dựng lộ trình để các DN phát hành áp dụng theo chuẩn mực kế toán quốc tế. Khi đó, nhà đầu tư cũng như cơ quan quản lý chỉ cần thông qua báo cáo tài chính có thể biết được dòng tiền đã đi đâu và về đâu?
4.2. Giải quyết vấn đề căn nguyên từ phía các DN phát hành
Ban hành các chính sách để tháo gỡ khó khăn cho các DN nhằm cải thiện tiếp cận vốn và khả năng hấp thụ vốn cho DN, mạnh dạn ban hành quy định về cơ chế thử nghiệm cho các mô hình kinh tế mới, tăng độ mở cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia một số lĩnh vực, thúc đẩy chuyển giao công nghệ từ các DN nước ngoài.
Đặc biệt, với DN bất động sản cần nhanh chóng giải quyết những vướng mắc về mặt pháp lý, như: quy trình thủ tục để có được giấy phép xây dựng chưa đảm bảo; phương pháp định giá đất không phù hợp, khung giá đất, bảng giá đất thấp xa so với giá thị trường; pháp lý có sự chồng chéo, cùng một vấn đề, một quy định, nhưng có nhiều cách hiểu khiến các DN khó hiểu và không dám làm.
4.3. Nâng cao chất lượng của nhà đầu tư
Đầu tiên, Nhà nước cần xây dựng chuẩn mực hoặc cẩm nang hướng dẫn cho các nhà đầu tư cá nhân ở tất cả các giai đoạn chính trong chu kỳ vòng đời của trái phiếu DN và áp dụng thành thông lệ chung của thị trường, không chỉ dựa trên yêu cầu tối thiểu từ các quy định của cơ quan quản lý.
Bên cạnh đó, tổ chức đào tạo và nâng cao hiểu biết, kỹ năng cho các nhà đầu tư trong quá trình phân tích những rủi ro tài chính của DN; cung cấp thêm thông tin về phân tích rủi ro và những chỉ số quan trọng để nhà đầu tư có thể đánh giá tốt hơn năng lực tín dụng và khả năng trả nợ của DN, không chỉ dựa vào dữ liệu quá khứ mà quan trọng nhất là phải có dự báo dòng tiền, thay vì các chỉ số từ báo cáo tài chính mang tính lịch sử. Từ đó, giúp nhà đầu tư đưa ra quyết định hợp lý hơn và chịu trách nhiệm với quyết định đầu tư của mình.
Cuối cùng, đẩy mạnh công tác truyền thông minh bạch và kịp thời đến công chúng về các chính sách và quy định của pháp luật, đối với việc phát triển thị trường trái phiếu DN./.
Tài liệu tham khảo
Quốc hội. (2019). Luật Chứng khoán 2019 – Luật số 54/2019/QH14.
Chính phủ. (2020). Nghị định số 153/2020/ NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu DN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu DN ra thị trường quốc tế.
Chính phủ. (2022). Nghị định số 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu DN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu DN ra thị trường quốc tế.
Chính phủ. (2023). Nghị định số 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu DN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu DN ra thị trường quốc tế.
Nguyễn Hoàng Dương (2021). “Tổng quan và định hướng phát triển thị trường trái phiếu Việt Nam”.
https://www.ktxh.com.vn/ tong-quan-va-dinh-huong-phat-trien-thi-truong-trai-phieu-doanh-nghiep-viet-nam-a21383.html/.
VBMA. Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (2023). “Báo cáo thị trường trái phiếu Việt Nam Quý III/2023”.
https://vbma.org.vn/vi/reports/quarterly#
Vietnambiz (2023). “Thị trường trái phiếu DN 2023 – 2024: Khối lượng đáo hạn lớn”.
https://vietnambiz.vn/thi-truong-trai-phieu-doanh-nghiep-2023-2024-khoi-luong-dao-han-lon-20231241691924.htm.