Theo TS. Cấn Văn Lực phát triển nguồn vốn ngoài kênh ngân hàng là rất cần thiết, trong đó có thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán, để nhiều doanh nghiệp có thể tiếp cận, huy động vốn trung, dài hạn từ thị trường vốn tiềm năng đó.
Thực tế, hiện nay, vốn cung ứng cho nền kinh tế chủ yếu vẫn dựa vào dòng vốn tín dụng ngân hàng do thị trường chứng khoán và trái phiếu chưa phát triển được hết tiềm năng (mặc dù qui mô vốn hóa của thị trường cổ phiếu đã xấp xỉ 82% GDP). Điều này đã và đang tạo ra sức ép và rủi ro chênh lệch kỳ hạn, rủi ro thanh khoản cho các tổ chức tín dụng (TCTD) trong bối cảnh tín dụng trung dài hạn chiếm tỷ trọng cao trong khi huy động vốn của các TCTD chủ yếu là ngắn hạn.
Mặc dù vậy, ngành ngân hàng đã triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, cung ứng vốn cho nền kinh tế, đồng thời hỗ trợ phát triển thị trường chứng khoán, trái phiếu.
Hỗ trợ phát triển thị trường vốn
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã và đang điều hành các công cụ chính sách tiền tệ (CSTT) nhằm đảm bảo thanh khoản của các TCTD, ổn định và giảm mặt bằng lãi suất, phối hợp chặt chẽ CSTT với chính sách tài khóa, qua đó tạo điều kiện cho Kho bạc Nhà nước huy động vốn cho Ngân sách Nhà nước qua kênh phát hành trái phiếu Chính phủ; từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động mua trái phiếu doanh nghiệp của TCTD với việc ban hành Thông tư số 22/2016/TT-NHNN quy định về mua trái phiếu doanh nghiệp của TCTD trên thị trường sơ cấp và thứ cấp, góp phần tăng tính thanh khoản của trái phiếu doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp huy động vốn thông qua kênh phát hành trái phiếu, phục vụ sản xuất kinh doanh.
Đồng thời, NHNN cũng ban hành Thông tư 36/2014/TT-NHNN và Thông tư 19/2017/TT-NHNN về các giới hạn và tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của TCTD (Thông tư 19), quy định tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn theo hướng giảm dần theo lộ trình phù hợp để đảm bảo an toàn trong hoạt động của TCTD nhưng vẫn hỗ trợ cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế, phù hợp với định hướng phát triển thị vốn, thị trường chứng khoán của Chính phủ.
Cụ thể, với thay đổi cơ bản của Thông tư 19 là: trong năm 2018 (từ 1/1/2018 đến hết 31/12/2018, ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được sử dụng tối đa 45% nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn (khác với quy định của Thông tư 06/2016/TT-NHNN sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư 36/2014/TT-NHNN, từ 1/1/2018, các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được sử dụng tối đa 40%); Tổ chức tín dụng phi ngân hàng là 90%. Và từ ngày 01/01/2019, các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mới phải tuân thủ tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn tối đa là 40%.
TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh đến sự cần thiết phát triển nguồn vốn ngoài kênh ngân hàng, ví dụ tín dụng thương mại (như nguồn vốn doanh nghiệp cho vay lẫn nhau hay cho thuê tài chính sẽ phát triển trong tương lai…). Đồng thời, TS. Cấn Văn Lực cũng mong muốn Chính phủ tiếp tục chỉ đạo phát triển thị trường vốn, đặc biệt là thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tạo dòng vốn trung và dài hạn đối với doanh nghiệp, cũng như phát triển thị trường chứng khoán, để nhiều doanh nghiệp trong đó có doanh nghiệp vừa và nhỏ được lên sàn chứng khoán, qua đó có thể tiếp cận, huy động vốn trung, dài hạn từ thị trường vốn tiềm năng đó.
Để hỗ trợ sự phát triển thị trường vốn, trong thời gian tới, NHNN cho biết sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp điều hành CSTT phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành nhằm tạo điều kiện phát triển thị trường trái phiếu, thị trường chứng khoán thông qua hỗ trợ doanh nghiệp huy động vốn qua phát hành trái phiếu, giảm áp lực lên nguồn vốn tín dụng ngân hàng trên thị trường tiền tệ; tiếp tục tăng cường phối hợp giữa CSTT và chính sách tài khóa để tạo điều kiện cho Ngân sách Nhà nước huy động vốn qua phát hành Trái phiếu Chính phủ.
Ngành ngân hàng cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính hoàn thiện các cơ chế, chính sách để phát triển thị trường trái phiếu và thị trường chứng khoán; phối hợp triển khai Đề án phát triển thị trường vốn Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020, Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán giai đoạn 2011-2020, Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Đề án xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam theo chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ…
Bên cạnh việc hố trợ các giải pháp phát triển thị trường vốn, ngành Ngân hàng cũng có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như cắt giảm thủ tục hành chính tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn, giảm lãi suất cho vay, giữ ổn định tỷ giá…
Phấn đấu giảm lãi suất cho vay
Trong thời gian qua, việc giữ ổn định mặt bằng lãi suất và phấn đấu giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong điều hành CSTT của NHNN. Năm 2017 vừa qua, mặc dù chịu sức ép từ nhiều yếu tố nhưng mặt bằng lãi suất đã được ngành ngân hàng duy trì ổn định, lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên giảm khoảng 0,5%/năm. Tính chung từ cuối năm 2011 đến nay, lãi suất huy động đã giảm khoảng 7-10%/năm, trong khi đó lãi suất cho vay giảm nhanh và mạnh hơn khoảng 11-14%/năm, góp phần hỗ trợ tích cực cho sự phát triển của doanh nghiệp và nền kinh tế.
Kết quả đạt được khả quan là nhờ NHNN triển khai đồng bộ các công cụ CSTT, trong đó tập trung điều tiết và đáp ứng kịp thời nhu cầu thanh khoản cho các TCTD, duy trì lãi suất trên thị trường 2 (thị trường liên ngân hàng) ở mức thấp, tạo điều kiện giảm chi phí vốn vay của các TCTD. Trong năm 2017 NHNN cũng giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành qua đó hỗ trợ các TCTD giảm chi phí vốn vay, giảm 0,5%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên.
NHNN linh hoạt trong điều hành nhưng kiên định trong mục tiêu duy trì ổn định thị trường tiền tệ, nhờ đó kiểm soát được lạm phát theo mục tiêu, vị thế VND được nâng cao, tỷ giá ổn định; tạo nền tảng cơ bản để các TCTD ổn định mặt bằng lãi suất huy động để từng bước giảm lãi suất cho vay.
Bước sang năm 2018, ngay từ đầu năm, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng, Thống đốc NHNN đã định hướng năm 2018, ngành ngân hàng tiếp tục phấn đấu giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiêp và nền kinh tế.
Theo đó, bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ, ngoại hối, trên cơ sở cân đối tổng thể cung-cầu, NHNN đã điều chỉnh giảm mức lãi suất niêm yết chào mua OMO từ 5%/năm xuống 4,75%/năm để hỗ trợ các TCTD có điều kiện giảm chi phí vốn từ đó giảm lãi suất cho vay. Đồng thời, NHNN đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 10/1/2018 chỉ đạo hệ thống TCTD triển khai nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành trong năm 2018; trong đó chỉ đạo các TCTD tiếp tục rà soát và cân đối khả năng tài chính để áp dụng mức lãi suất cho vay hợp lý trên cơ sở lãi suất huy động và mức độ rủi ro của khoản vay, tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng vay. Về phía các TCTD, các NHTM Nhà nước và một số NHTM cổ phần đã điều chỉnh giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay đối với khách hàng tốt thuộc các lĩnh vực ưu tiên về mức tối đa 6%/năm đối với ngắn hạn và khoảng 9-10%/năm đối với trung dài hạn.
Tuy nhiên, để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn ngân hàng phát triển sản xuất kinh doanh thì không chỉ cần có sự nỗ lực của ngành Ngân hàng mà cần sự phối hợp của các Bộ, ngành khác, chính quyền các địa phương. Ngoài ra, theo TS. Cấn Văn Lực, bản thân doanh nghiệp trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng cần phải tự cải thiện mình nhất là trong vấn đề minh bạch thông tin, thiện chí hợp tác bắt tay cùng làm ăn với TCTD, nâng cao quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro bài bản hơn, nên có cán bộ tài chính chuyên nghiệp để hồ sơ vay vốn chu toàn hơn.