Th.S. Đoàn Thị Thảo Uyên* – PGS.TS. Mai Thị Hoàng Minh* (*Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh).
Nhận: 23/06/2023
Biên tập: 24/06/2023
Duyệt đăng: 10/07/2023
Tóm tắt
“Phản biện” hay còn gọi là “Tư duy phê phán” là phương pháp giúp chúng ta rèn luyện kỹ năng tư duy một cách có hệ thống và có cái nhìn khách quan về mọi sự vật, hiện tượng đang diễn ra xung quanh. Kỹ năng tư duy phản biện sẽ giúp chúng ta nghiên cứu và phát hiện được tính đúng – sai của một vấn đề, để có những lập luận có tính thuyết phục về vấn đề đó. Đây cũng là một kỹ năng quan trọng cho hành trình nghiên cứu khoa học của học viên cao học và nghiên cứu sinh. Để đáp ứng được nhu cầu đó, Môn học “Lý thuyết Kế toán” được đưa vào giảng dạy để giúp học viên trang bị những tiền đề lý luận về kế toán và nâng cao kỹ năng tư duy phê phán thông qua nội dung môn học và phương pháp giảng dạy. Bài viết tập trung phân tích Môn học “Lý thuyết Kế toán” trên hai khía cạnh này, nhằm giúp các học viên cao học thấy được tầm quan trọng của môn học để có những phương pháp học tập môn học một cách hiệu quả.
Từ khóa: tư duy phê phán, kỹ năng tư duy, lý thuyết kế toán.
Abstract
Reviewing is a method that helps us to practice our thinking skills systematically and to have an objective view of all phenomena happening around us. Critical thinking skills will help us study and discover a problem’s correctness and inaccuracy to have convincing arguments about it. This is also an important skill for the scientific research of graduate students. To meet that need, the Accounting Theory subject is introduced to help students prepare theories of accountancy and critical thinking skills through content and teaching methods. Analyzing the subject of accounting theory in these two ways to help graduate students recognize the importance of the subject in order to study this subject effectively is what the paper focuses on.
Keywords: critical thinking, thinking skill, accounting theory.
JEL Classifications: I22, I20, I23.
DOI: https://doi.org/10.59006/vnfa-jaa.07202309
Thuật ngữ “Tư duy phê phán” hay “Tư duy phản biện” (Critical thinking) đã được Triết gia người Đức – Jürgen Habermas đưa vào áp dụng từ những năm 1970. Tuy nhiên, thuật ngữ này bắt đầu thu hút sự quan tâm của các nước trên thế giới vào khoảng vài thập niên trở lại đây. Theo Paul (2012), không riêng nước Mỹ, các nước thuộc các quốc gia châu Âu, châu Á cũng lần lượt đưa kỹ năng tư duy phê phán vào giảng dạy như một ngành học chính quy tại các trường đại học. Hòa chung vào xu thế của thế giới, nền giáo dục Việt Nam đã có nhiều thay đổi theo hướng tích cực thông qua việc tiến hành cải cách đồng bộ hệ thống giáo dục, nội dung và phương pháp dạy học thông qua tiếp thu có chọn lọc các chương trình giáo dục tiên tiến từ các nước trên thế giới. Việc phát triển tư duy phê phán đã được từng bước lồng ghép vào nội dung và phương pháp dạy học, ngay từ bậc tiểu học cho đến những bậc học cao hơn. Điển hình nhất là nội dung thi tốt nghiệp của bậc phổ thông trung học trong những năm gần đây, đã chú trọng vào việc phát triển tư duy lập luận của người học về những vấn đề trong xã hội, thay vì tập trung vào những nội dung trong sách giáo khoa như những năm 2006 trở về trước. Ở bậc sau đại học – bậc học của những người với những bước chân đầu tiên trên con đường nghiên cứu khoa học, kỹ năng này được củng cố và phát triển xuyên suốt trong các môn học với mục tiêu cuối cùng là một sản phẩm nghiên cứu khoa học chặt chẽ về lập luận, mang tính sáng tạo và có thể ứng dụng vào thực tiễn. Một trong những môn học nền tảng, giúp thực hiện thành công mục tiêu này chính là Môn học “Lý thuyết Kế toán.
Phát triển khả năng tư duy phê phán thông qua Môn học “Lý thuyết Kế toán”
“Tư duy phê phán” là gì?
Hiện nay, “Lý thuyết Kế toán” là một môn học được hầu hết các trường đại học đưa vào để trang bị cho bậc sau đại học, một nền tảng lý thuyết cho việc nghiên cứu kế toán tại Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế (Vũ Hữu Đức, 2010). Môn học này giúp cho người học hiểu lý thuyết kế toán được xây dựng như thế nào, ứng dụng ra sao, lý thuyết đo lường và hệ thống đo lường kế toán là gì… Kết hợp với phương pháp dạy học tích cực như: thảo luận nhóm, tình huống giải quyết vấn đề,… giúp người học từng bước phát triển tư duy phê phán một cách hiệu quả.
“Tư duy phê phán” là một thuật ngữ có nguồn gốc cách đây 2.500 năm trong truyền thống Socrat của Hy Lạp, cũng như trong Kinh Vệ Đà của Nhà Phật, với ý nghĩa là những chất vấn để tìm kiếm sự thật và được dùng để xác định liệu những kiến thức trình bày có thể được đánh giá lại một cách có lý lẽ với sự rõ ràng và nhất quán hay không. Những tư tưởng này khởi nguồn cho những giá trị và phẩm chất của tư duy phê phán trong các nghiên cứu về sau, của các nhà khoa học trên thế giới.
Thuật ngữ “Tư duy phản biện” hay “Tư duy phê phán” nhận được rất nhiều định nghĩa khác nhau từ nhiều nhà nghiên cứu, bởi đặc tính trừu tượng vốn có của nó. Theo đó, định nghĩa được chấp nhận rộng rãi cho thuật ngữ này vẫn chưa được ghi nhận (Brookfield, 1987; Thurmond, 2001; Yeh, 2002).
Trong khi “Tư duy phê phán” được xem là kỹ năng chung (Ennis, 1987; Halpern, 1998); Lý luận suy luận và quy nạp (Ennis, 1995); Giải quyết vấn đề (Watson & Glaser, 1980); Tư duy có kỷ luật và biện chứng (Paul, 1990); Bản chất phê phán (Barnett, 1997); thì Facione và Facione (2007) định nghĩa: “Tư duy phê phán như là việc phản ánh quá trình ra quyết định và thận trọng giải quyết vấn đề về những điều nên tin tưởng và thực hiện”.
Theo American Philosophical Association (1990) cốt lõi của tư duy phê phán được theo sau bởi những kỹ năng nhận thức sau: Giải thích – phân loại, giải mã ý nghĩa, làm rõ ý nghĩa; Phân tích – kiểm tra ý tưởng, xác định và phân tích tranh luận; Đánh giá – đánh giá các công bố và tranh luận; Kết luận – truy vấn bằng chứng, phỏng đoán các lựa chọn thay thế, rút ra kết luận; Giải thích – phát biểu kết quả, các thủ tục biện minh, trình bày luận cứ; và Tự điều chỉnh – tự kiểm tra, tự điều chỉnh.
Qua đó, có thể nhận định rằng, tư duy phê phán không phải là một thuộc tính vốn có của con người mà là sự kết hợp của hai yếu tố đó là phạm vi kiến thức sâu, rộng và thường xuyên rèn luyện kỹ năng này. Đây cũng chính là mục tiêu mà Môn “Lý thuyết Kế toán” hướng đến.
Phát triển tư duy phê phán thông qua Môn học “Lý thuyết Kế toán” của bậc sau đại học
Nội dung môn học
Lý thuyết Kế toán là môn học được giảng dạy trong năm học thứ hai của bậc sau đại học, với thời lượng là 45 tiết. Môn học này được chia thành 03 nội dung chính: Tổng quan về lý thuyết kế toán – Lý thuyết và thực hành kế toán – Kế toán và nghiên cứu. Ở mỗi nội dung, người học sẽ được cung cấp những tiền đề về mặt lý luận cũng như những quan điểm nhận xét trái chiều, phê phán một số mô hình lý thuyết kế toán. Từ đó, giúp người học có thêm nền tảng lý luận vững chắc cho những nhận định và phán đoán trong tương lai. Thông qua việc trình bày tổng quan lý thuyết kế toán, người học tiếp cận được các khuôn mẫu lý thuyết được xây dựng như thế nào qua các thời kỳ cùng với những xu hướng nghiên cứu kế toán ứng với mỗi thời kỳ. Nổi bật nhất là thời kỳ quy chuẩn và thời kỳ thực chứng. Thời kỳ quy chuẩn, hướng nghiên cứu tập trung vào phê phán giá gốc và tìm kiếm những mô hình định giá mới, kết quả là nhiều mô hình định giá được ra đời trong thời kỳ này như mô hình giá hiện hành,… và đề xuất một khuôn mẫu lý thuyết kế toán như một lý thuyết cấu trúc về kế toán. Khác với thời kỳ quy chuẩn, thời kỳ thực chứng tập trung vào mối quan hệ giữa thông tin kế toán và thị trường vốn, sự lựa chọn chính sách kế toán của nhà quản lý, ảnh hưởng của chính trị đến sự lựa chọn chính sách kế toán (Vũ Hữu Đức, 2010). Thông qua những nội dung trên, người học có thể tự nhận thức được sự khác nhau cơ bản giữa lý thuyết kế toán thực chứng và kế toán quy chuẩn về mặt bản chất, nội dung, mục đích và cách giải quyết vấn đề. Từ đó, hình thành nên những lập luận vững chắc cho nhận định kế toán Việt Nam đang theo mô hình kế toán nào và tạo cơ sở vững chắc cho những đề xuất trong tương lai, Việt Nam nên phát triển kế toán theo trường phái kế toán thực chứng hay kế toán quy chuẩn. Môn học cũng mô tả và giải thích tại sao Chính phủ nhiều nước đã can thiệp vào quá trình thiết lập chuẩn mực kế toán và kiểm toán, từ đó liên hệ tình huống tại Việt Nam.
Đồng thời, môn học này giúp người học trả lời câu hỏi tại sao lợi ích của nhà quản trị có thể khác với lợi ích của cổ đông thông qua lý thuyết ủy nhiệm, theo lý thuyết ủy nhiệm cho rằng cả hai bên (bên ủy nhiệm và bên được ủy nhiệm) đều tối đa hóa lợi ích của mình.
Vấn đề là, làm sao để bên được ủy nhiệm hành xử theo hướng tối đa hóa lợi ích của bên ủy nhiệm và dùng lý thuyết kế toán để trả lời câu hỏi bằng cách nào, các cổ đông có thể bảo đảm lợi ích của mình khi chúng mâu thuẫn với lợi ích của nhà quản lý. Đây cũng là vấn đề đặt ra cho các cổ đông và nhà quản lý trong tình hiện kinh tế hiện nay, khi Chính phủ đang tiến hành đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước cả về số lượng và chất lượng nhằm nâng cao khả năng quản trị của doanh nghiệp.
Không dừng lại ở đó, môn học này còn giúp người học nghiên cứu hành vi của người kế toán và những đối tượng khác, khi họ chịu ảnh hưởng bởi các chức năng và báo cáo kế toán.
Theo Jayne Godfrey và cộng sự (2010), nghiên cứu này có vai trò quan trọng khi nghiên cứu được hoạt động ra quyết định của người lập, người sử dụng và kiểm toán viên; nâng cao chất lượng của hoạt động ra quyết định qua mô hình thấu kính Brunswik; cung cấp thông tin hữu ích cho các tổ chức lập quy; gia tăng hiệu quả công việc của kế toán viên và các chuyên gia khác. Nghiên cứu cũng cho thấy, vai trò của người kế toán trong việc thực hiện chính sách ổn định kinh tế, giá cả và kiểm soát tiền lương; đồng thời cũng là một cơ chế gắn kết và có ảnh hưởng trong việc quản lý kinh tế-xã hội; xem xét các nhân tố ảnh hưởng đến sự thay đổi trong hệ thống kế toán và bản chất của thông tin được báo cáo. Thông qua đó, nghiên cứu hành vi trong kế toán cũng trình bày các yếu tố ảnh hưởng đến hệ thống kế toán như: do thay đổi chiến lược kinh doanh gồm phân chia quyền ra quyết định hay hệ thống đánh giá kết quả và khen thưởng; thay đổi trong cấu trúc tổ chức của công ty do ảnh hưởng của thị trường công nghệ hoặc do thay đổi để đáp ứng nhu cầu chiến lược kinh doanh của công ty.
Phương pháp giảng dạy
– Khi đã có vốn kiến thức về lý thuyết kế toán và có khả năng ứng dụng và thực hành lý thuyết kế toán, người học cần được huấn luyện để có thể nâng cao khả năng tư duy phê phán.
– Học phần được đảm nhận bởi ba giảng viên với ba cách huấn luyện khác nhau, nhưng chung quy đều hướng về một mục đích là phát triển khả năng tư duy phê phán của người học.
– Sau khi phân chia người học theo những nhóm nhỏ, giảng viên cung cấp nội dung bài giảng của môn học và yêu cầu nhóm học viên có ý kiến phản biện cho những gì được trình bày trong bài giảng và trả lời các câu hỏi của giảng viên có liên quan đến bài giảng. Trên cơ sở đó, giảng viên sẽ đúc kết lại và hình thành bài học.
– Hoặc người học được giảng viên cung cấp một phần kiến thức nền tảng của môn học. Phần còn lại của môn học, người học sẽ làm việc theo nhóm và thuyết trình. Phần thuyết trình sẽ nhận được những ý kiến phản biện từ giảng viên và các bạn cùng lớp trên cơ sở đó để hình thành bài học. Trái với hai trường hợp trên, nhóm người học được giảng viên giao hẳn một chủ đề của môn học và giới thiệu nguồn tài liệu để người học tham khảo và thuyết trình trước lớp về chủ đề được giao. Với phương pháp này, người học tự chủ hoàn toàn trong việc soạn thảo nội dung và thuyết trình. Sau khi nhận được ý kiến phản biện từ giảng viên và những nhóm học khác. Nhóm thuyết trình sẽ chỉnh sửa và hình thành bài học.
Các hình thức trên đều phát huy tối đa việc phát triển kỹ năng tư duy phản biện của người học vì loại hình tư duy này chỉ phát huy hiệu quả khi người học hoạt động cùng nhau. Điều này thể hiện rõ qua việc người học được yêu cầu thành lập nhóm, nhóm được chia thành nhóm thuyết trình và nhóm phản biện. Giảng viên có thể đặt ra mục tiêu thông qua việc cung cấp bài giảng môn học, rồi yêu cầu học viên phản biện hoặc một phần kiến thức nền tảng của môn học, để nhóm học viên vận dụng vào lập luận cho các chủ đề mà giảng viên giao hay giao hẳn một nội dung của chương học, để người học tự chủ động nghiên cứu. Học viên sẽ phải làm việc nhóm, để tự nhận thức vấn đề và thấu hiểu các lập luận được trình bày trong tài liệu giảng viên cung cấp, phân tích lập luận của đối phương (giảng viên, nhóm phản biện), luôn tự hỏi bản thân tại sao vấn đề lại được hình thành theo cách như vậy để thảo luận nhóm. Tiếp đến, tự kiểm tra các lập luận mà bản thân nhóm đưa ra, vận dụng vốn kiến thức của mình để bác bỏ kiểu tranh luận theo cách ngụy biện và quản lý cảm xúc trong quá trình tranh luận, tham khảo ý kiến chuyên gia (giảng viên). Qua đó, rút ra kết luận cho những điều mà nhóm cho là đúng đã có tính thuyết phục hay chưa và có thể tiếp tục phát huy trên cơ sở nền tảng kiến thức mà giảng viên cung cấp hay không?
Kết luận
Thông qua nội dung và phương pháp giảng dạy Môn học Lý thuyết Kế toán đã giúp người học phát triển kỹ năng tư duy phê phán một cách có hiệu quả. Việc giảng dạy đã đảm bảo hình thành niềm tin cho người học dựa trên việc cung cấp các lý thuyết nền tảng, làm tiền đề cho các nghiên cứu khoa học thuộc chuyên ngành kế toán giúp cho những lập luận của người học có tính nhất quán và hợp lý, cung cấp các quan điểm, cách nhìn tại mọi thời điểm trong lịch sử phát triển kế toán để người học có thể phác họa lên bức tranh dự báo cho những sự kiện xảy ra trong tương lai. Ngoài ra, môn học này còn giúp rèn luyện ý thức luôn cố gắng hiểu hàm ý của một lập luận một cách rõ ràng nhất, trước khi đưa ra các lập luận phản bác lại.
Tài liệu tham khảo
American Philosophical Association. (1990). Critical thinking: a statement of expert consensus for purposes of educational assessment and instruction (ERIC Document No. ED 315 423).
Barnett, R. (1997). Higher education: A critical business. Buckingham, UK: Society for Research into Higher Education and Open University Press.
Brookfield, S.D. (1987). Developing critical thinkers. Challenging adults to explore ways of thinking and acting. San Francisco: Jossey-Bass.
Ennis, R. (1987). A taxonomy of critical thinking dispositions and abilities, In J. Baron & R. Sternberg (Eds.), Teaching thinking skills: Theory and practice (pp.9-26), New York: W.H. Freeman.
Ennis, R. H. (1995). Critical thinking dispositions: analysis and extension, putative visa, and assessability. Inaugural symposium of the Eastern Shore Institute for the advancement of thinking, Salisbury, MD: Salisbury State University.
Facione, P.A và Facione, N.C (2007, Mr/Ap). Talking critical thinking. Change, 39(2), 39-44.
Paul, R. W. (1990). Critical thinking: what every person needs to survive in a rapidly changing world. Rohnert Park, CA: Sonoma State University.
Paul, R. (2012). Critical thinking: what every person needs to survive in a rapidly changing world. Tomales, CA: Foundation for Critical thinking
Thurmond V. A. (2001). The holism in critical thinking. Journal of Holistic Nursing, 19, 375-389.
Đoàn Thị Thảo Uyên – Vũ Kiến Phúc. (2018). Phát triển kỹ năng tư duy phê phán một cách có hiệu quả. Hội thảo Kế toán, Khoa Kế toán UEH 2018.
Bùi Thị Thanh Tình. (2015). Bàn về kế toán thực chứng ở Việt Nam. Tạp chí Nghiên cứu Tài chính Kế toán, (11), 31-34.
Nguyễn Thị Hòa. (2017). Bàn về tư duy phản biện trong giáo dục đại học. Tạp chí Khoa học – Đại học Đồng Nai, (05), 23-30.