Hoạt động trung ương hội

Tư vấn, phản biện, giám định xã hội – Thành công và bài học kinh nghiệm của VAA

Tiêu đề Tư vấn, phản biện, giám định xã hội – Thành công và bài học kinh nghiệm của VAA Ngày đăng 2024-02-21
Tác giả Admin Lượt xem 433

PGS.TS. Đặng Văn Thanh *

* Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam

Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA) thành lập chính thức theo Quyết định số 12/TTg, ngày 10/1/1994 của Thủ tướng Chính phủ và chính thức được Bộ Nội vụ đổi tên và phê duyệt Điều lệ tại Quyết định số 570/QĐ/BNV, ngày 25/5/2021. Hiệp hội là tổ chức xã hội – nghề nghiệp của các tổ chức và cá nhân làm kế toán – kiểm toán ở Việt Nam.

Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam có cơ cấu tương đối hoàn chỉnh, có đầy đủ các tổ chức chuyên môn, có tạp chí riêng, có gần 10.000 hội viên sinh hoạt trong 27 tổ chức hội thành viên thuộc các lĩnh vực ngành nghề và địa phương trong cả nước. Hiệp hội có 4 tổ chức thành viên mang tính chuyên nghiệp cao là: Câu lạc bộ Kế toán trưởng toàn quốc; Chi hội Kế toán hành nghề Việt Nam; Phân hội Kiểm toán viên Nhà nước; Chi hội Kiểm soát nội bộ và kế toán quản trị.

Hiệp hội là thành viên chính thức của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, là thành viên chính thức của Liên đoàn Kế toán thế giới (IFAC), là thành viên chính thức của Liên đoàn Kế toán các nước ASEAN (AFA). Trong quan hệ nghề nghiệp quốc tế, Hiệp hội đã góp phần thúc đẩy kế toán và kiểm toán Việt Nam phát triển tiếp cận và từng bước hài hòa với thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Đồng thời, làm tốt nhiệm vụ đối ngoại nhân dân giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam, con người và nghề nghiệp kế toán – kiểm toán Việt Nam.

Hiệp hội đã tập hợp, khích lệ, động viên và kiểm soát hội viên trong việc đảm bảo hệ thống thông tin kinh tế, tài chính tin cậy, phục vụ công tác quản lý và các quyết định kinh tế, tài chính của Nhà nước, của các doanh nghiệp và các cơ quan, đơn vị, góp phần vào sự lành mạnh nền tài chính quốc gia, tăng cường tính minh bạch công khai và tăng cường sự kiểm kê, kiểm soát đối với hoạt động tài chính Nhà nước. Hội viên Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam đã tham gia xây dựng, tư vấn khoa học, phản biện và giám định xã hội; nhiều dự án Luật, nhiều chính sách kinh tế, tài chính, kế toán – kiểm toán, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế của Việt Nam.    

Thông qua hoạt động khoa học, hoạt động nghề nghiệp, các hội viên đã chỉ ra những khiếm khuyết, những kẽ hở, những nội dung cần hoàn thiện của thể chế kinh tế. Từ đó, tư vấn khoa học cho Nhà nước về những giải pháp, những quyết sách và những công nghệ cần triển khai. Không ít ý kiến tư vấn, những kết quả giám định, thẩm định của các nhà khoa học, các hội thành viên, các tổ chức khoa học đã được Quốc hội, các hội đồng, các cơ quan chức năng của Nhà nước ở trung ương và địa phương tiếp nhận, đánh giá cao và sử dụng.

Có thể thấy, chính sách kinh tế nói chung và chính sách tài chính nói riêng, của nền kinh tế thị trường Việt Nam đang trong quá trình hoàn thiện. Hiệp hội đã chủ động trong hoạt động tư vấn khoa học và phản biện các chính sách luật và chính sách kinh tế – tài chính của Nhà nước. Hội viên của Hiệp hội là những người hoạt động trong thực tiễn, đã được huy động tham gia phát hiện những vướng mắc, những sơ hở của chính sách, chủ động phát hiện và phản ảnh thực tế, chủ động đánh giá tác động của chính sách và đề xuất ý kiến, nhiều giải pháp cho các chính sách, cho các dự án luật về kinh tế, về tài chính, tiền tệ và đặc biệt là các chính sách tài chính, thuế, kế toán – kiểm toán. Uy tín và vị thế của Hiệp hội đã tăng lên, không chỉ được ghi nhận của Nhà nước mà quan trọng hơn là hỗ trợ các doanh nghiệp, các tổ chức tháo gỡ những vướng mắc khó khăn trong thực tiễn áp dụng chính sách của Nhà nước. Hiệp hội cũng cần đóng vai trò quan trọng và tích cực trong phổ biến khoa học công nghệ, tuyên truyền, hướng dẫn giải thích luật, chính sách, đưa luật và chính sách kinh tế – tài chính của Nhà nước vào cuộc sống.

Trong năm 2023, Hiệp hội đã trực tiếp thực hiện, tổ chức và tham gia thực hiện các hoạt động tư vấn phản biện:

Thứ nhất, tổ chức các cuộc hội thảo: về chính sách thuế đối với khoa học công nghệ; về sửa đổi; bổ sung Luật Kế toán 2015; về sửa đổi và hoàn thiện các chính sách tài chính – kế toán.

Thứ hai, tham gia trực tiếp vào các nội dung 12 Dự án Luật trình ra Quốc hội, như: Luật Đất đai; Luật Kinh doanh – Bất động sản; Luật Nhà ở; Luật Giá; Luật Đấu thầu; Luật Khám chữa bệnh; Luật Bảo hiểm – xã hội,.. Nhiều ý kiến của Hiệp hội đã được trình bày báo cáo trong các hội nghị và các phiên thảo luận do Quốc hội tổ chức.

Thứ ba, tham gia ý kiến phản biện và giám định xã hội các dự thảo chính sách; dự thảo đề án; dự thảo nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, như: Nghị quyết về quy hoạch tổng thể không gian phát triển kinh tế – xã hội Việt Nam; về Nghị quyết của Quốc hội về các chính sách đặc thù áp dụng cho TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, các thành phố Hải Phòng, tỉnh Khánh Hòa,…; Nghị quyết về thông qua dự toán ngân sách Nhà nước và phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước.

Thứ tư, tham gia hoạt động giám sát của Quốc hội về tình hình chấp hành Luật Thực hành tiết kiếm, chống lãng phí; về quản lý và sử dụng tài sản công,…

Thứ năm, được Bộ Tài chính yêu cầu và tham gia trực tiếp với Bộ: về đề án áp dụng Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế ở Việt Nam trong giai đoạn 2021 – 2030; đề án áp dụng kiểm toán nội bộ; tham gia các chính sách tài chính doanh nghiệp; chế độ kế toán các đơn vị hành chính sự nghiệp và chế độ kế toán doanh nghiệp theo Thông tư 200, 202.

Thứ sáu, tham gia trực tiếp với Kiểm toán Nhà nước một số vấn đề về vị thế vai trò và trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước trong phòng chống tham nhũng; về tình hình và chất lượng thực hiện các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước.

Có thể nói, với những trăn trở trước khát vọng của đất nước và của dân tộc, với nguyện vọng được đóng góp và cống hiến nhiều hơn nữa cho Nhà nước và nhân dân, các nhà kế toán – kiểm toán Việt Nam, sẽ tiếp tục tư vấn khoa học một cách có chất lượng, giám định và thẩm định một cách nghiêm túc, trí tuệ; thực hiện phổ biến và áp dụng mạnh mẽ hơn nữa khoa học kỹ thuật và các thành tựu của khoa học kỹ thuật vì một nước Việt Nam hùng cường, giàu mạnh.

Một số kiến nghị

Một là, Nhà nước hãy đặt niềm tin và sự đòi hỏi cao hơn vào đội ngũ trí thức Việt Nam, vào các tổ chức hội nghề nghiệp, các hội viên của các tổ chức nghề nghiệp. Đồng thời, hãy tạo điều kiện tối đa để những nhà khoa học Việt Nam, các nhà kế toán, kiểm toán Việt Nam cả trong và ngoài nước được cống hiến và phát huy cao nhất mọi năng lực, trí tuệ và nhiệt huyết cho đất nước.

Hai là, hãy đầu tư nhiều hơn cho phát triển khoa học công nghệ nói chung, khoa học quản lý kinh tế nói riêng, trong đó có khoa học kế toán, kiểm toán, khoa học tài chính và tổ chức thông tin kinh tế tài chính. Đây là nguồn gốc và động lực cho mô hình tăng trưởng năng suất, chất lượng, hiệu quả và phát triển kinh tế bền vững. Đầu tư cho khoa học công nghệ hôm nay không chỉ có hoặc vì kết quả ngày mai mà là kết quả của nhiều năm sau, của cả chục và cả trăm năm sau.

Ba là, các cơ quan Nhà nước cần trân trọng lắng nghe, đón nhận và sử dụng đúng mức về ý kiến tư vấn khoa học, các ý kiến thẩm định đánh giá, đề xuất của các nhà khoa học, các tổ chức nghề nghiệp, các tổ chức khoa học, bởi đó là những ý kiến, những đề xuất có luận cứ, căn cứ khoa học và thực tiễn, có thể tại thời điểm tư vấn, ý kiến chưa hoàn toàn phù hợp chủ định hoặc sự chuẩn bị của các nhà hoạch định chính sách.

Bốn là, Liên hiệp hội cần chủ động tổ chức và khâu nối tổ chức để các hội thành viên cùng tham gia tư vấn các chương trình đề án, các Luật, các chính sách có phạm vi ảnh hưởng rộng và có liên quan nhiều ngành và nhiều lĩnh vực khoa học. Liên hiệp hội cần đóng vai trò tổ chức và kết nối các hoạt động của các hội thành viên hoạt động trong các lĩnh vực khoa học – công nghệ liên quan. Giao các nhiệm vụ khoa học công nghệ cho không chỉ một hội thành viên mà là một số hội thành viên phối hợp cùng làm, trong đó có một hội thành viên đóng vai trò chính. Trong hoạt động nghiên cứu khoa học, phổ biến khoa học – kỹ thuật, đào tạo – bồi dưỡng, rất cần có sự liên kết liên thông về kiến thức và chương trình. Riêng trong lĩnh vực khoa học quản lý kinh tế, những người hành nghề kế toán – kiểm toán rất cần các kiến thức về Luật pháp; về kinh tế; về tài chính và thống kê.   

Năm là, để hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội được thực hiện có hiệu quả, thuận lợi rất cần giữ mối liên hệ mật thiết với Quốc hội, với các cơ quan Nhà nước và đối với Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, trực tiếp là Bộ Tài chính – cơ quan quản lý Nhà nước về kế toán và kiểm toán. Đây là quan hệ chỉ đạo, hỗ trợ và hợp tác.

Rất cần sự chỉ đạo và hỗ trợ của Liên hiệp hội, mà VAA là tổ chức thành viên. Quan hệ hợp tác và phối hợp của các hội ngành, các hội địa phương. Quan trọng hơn nữa là cần đội ngũ lãnh đạo Hiệp hội trách nhiệm, nhiệt tình và năng nổ, yêu nghề và chủ động trong triển khai công việc. Kinh nghiệm cho thấy, sự thành công của Hiệp hội là uy tín, trí tuệ và lòng nhiệt tình của lãnh đạo Hiệp hội và cán bộ Hiệp hội.

Sáu là, các hội thành viên khác thuộc Liên hiệp hội cần có sự chia sẻ và phối hợp hoạt động hoặc hỗ trợ nhau trong hoạt động. Mối quan hệ hợp tác – chia sẻ, trên cơ sở năng lực điều kiện và lợi ích của cả hai phía.

Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, những người làm tài chính – kế toán – kiểm toán trong cả nước luôn ý thức và sẵn sàng triển khai các công việc cho sự phát triển nghề nghiệp kế toán – kiểm toán, vì hệ thống thông tin kinh tế – tài chính tin cậy và minh bạch. Hiệp hội đang hoạt động theo phương châm hành động là: “Hội tụ – Chuyên nghiệp – Tin cậy” để xứng đáng là tổ chức hội thành viên mạnh của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

Tin tức liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *