Tạp chí Kế toán & Kiểm toán

Ứng dụng khoa học và công nghệ vào tổ chức thông tin kế toán tại các trường cao đẳng trên địa bàn tỉnh Hải Dương trong nền công nghiệp 4.0

Tiêu đề Ứng dụng khoa học và công nghệ vào tổ chức thông tin kế toán tại các trường cao đẳng trên địa bàn tỉnh Hải Dương trong nền công nghiệp 4.0 Ngày đăng 2019-04-24
Tác giả Admin Lượt xem 4660

(Đăng trên Tạp chí Kế toán và Kiểm toán, số T3/2019)

Nhận: 20/2/2019
Biên tập: 01/3/2019
Duyệt đăng: 05/3/2019

Việt Nam đang bước vào giai đoạn khởi phát của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, với việc tạo ra cấu trúc và sự vận hành mới cho nền kinh tế dựa trên ứng dụng công nghệ cao, mạng lưới Internet kết nối vạn vật, trí tuệ nhân tạo, robot thông minh, công nghệ Blockchain, điện toán đám mây,… đã đặt giáo dục cao đẳng, đại học trước những thách thức về đổi mới ngành, nghề, chương trình, nội dung và phương pháp giảng dạy cũng như sự kết nối giữa nhà trường và doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; nhất là đối với các ngành kế toán. Bởi vì, đây là các ngành chịu ảnh hưởng rất lớn về ứng dụng công nghệ số hóa mới trong các giao dịch. Các trường Cao đẳng trên địa bàn tỉnh Hải Dương là những đơn vị dự toán cấp 2, chịu sự quản lý trực tiếp về quan hệ cấp phát kinh phí của Bộ chủ quản và tỉnh Hải Dương. Để tăng cường quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài chính phục vụ cho việc nâng cao chất lượng phát triển quy mô giáo dục Cao đẳng, thì cần phải tổ chức tốt thông tin kế toán nhằm cung cấp thông tin kế toán có chất lượng phục vụ cho việc giám sát, công khai tài chính và phân tích, tham mưu cho nhà quản trị, nhằm nâng cao tính tự chủ đáp ứng yêu cầu hội nhập về giáo dục.
Từ khoá: Khoa học công nghệ, thông tin kế toán, công nghiệp 4.0, trường Cao đẳng, Hải Dương.
Abstract:
Vietnam is entering the inception phase of the 4.0 industrial revolutionwhich is the creation of new structures and operations for the economy based on high-tech applications, Internet networks connecting all things, intelligence artificial, smart robots, blockchain technology, cloud computing, … have placed college and university education in the face of challenges in innovation of professions, programs, content and teaching methods as well as connecting schools and businesses in training, scientific research and technology transfer activities; especially for accounting. Thus, these are the sectors that are greatly influenced by the application of new digital technology in transactions. The colleges in Hai Duong province are level 2 estimating units, subject to direct management of funding allocation relations of the managing ministry and Hai Duong province. In order to enhance the management and effective use of financial resources for improving the quality of the development of College education scale, it is necessary to organize effectively accounting information to provide useful accounting information, which is usingịn monitoring, financial disclosure and analysis, advising administrators to improve autonomy to meet the requirements of education integration.
Keywords: science and technology; accounting information; industrial revolution 4.0; colleges; Hai Duong province.

1. Đặt vấn đề
Cách mạng công nghiệp 4.0 chính là “kinh tế chia sẻ” bởi tính kết nối giữa các chủ thể với chu trình sản xuất nhờ vào sự phát triển của hạ tầng công nghệ thông tin và Internet, mà đỉnh cao là Internet kết nối vạn vật. Klaus Schwab (2016) đã cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là một cuộc cách mạng công nghệ toàn diện, kết hợp thế giới kỹ thuật số, sinh học, vật lý, làm thay đổi cách thức con người sống, làm việc và liên hệ với nhau. Cuộc cách mạng lần thứ tư được mô tả như là một sự chuyển tiếp, nảy nở từ cuộc cách mạng lần thứ ba khi sử dụng tích hợp các công nghệ tiên tiến nhất, trí thông minh nhân tạo (AI), robot, công nghệ nano, hóa sinh, nguyên tử,… vào tất cả các lĩnh vực, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của con người (Mihuyn Chung, Jaehyoun Kim, 2016). Với tốc độ phát triển theo hàm mũ chứ không còn là tốc độ tuyến tính, cuộc cách mạng này đang và sẽ phá vỡ các cấu trúc hiện tại của ngành công nghiệp tại mọi quốc gia, thay đổi cả về chiều rộng và chiều sâu trong toàn bộ hệ thống quản lý, sản xuất và quản trị tại toàn bộ các doanh nghiệp trên thế giới (Klaus Schwab, 2016).

Chính vì vậy, công nghiệp 4.0 đang đặt ra nhiều thách thức đối với lĩnh vực kế toán – kiểm toán: (i) Phần mềm kế toán sẽ dần thay thế công cụ kế toán excel truyền thống; (ii) Quy trình tự động hóa có thể sẽ thay thế bộ phận tài chính – kế toán trong nhiều công việc ghi chép kế toán đã chuẩn hóa; (iii) Thậm chí, trí thông minh nhân tạo có thể thay thế con người trong việc ghi chép các nghiệp vụ kế toán phức tạp như định giá, lập dự phòng kế toán và (iv) Công nghệ đám mây sẽ cho phép chúng ta lưu trữ một lượng lớn thông tin kế toán và không bị giới hạn về bộ nhớ như trước đây; (v) Đặc biệt là, công nghệ Blockchain liên kết tất cả các dữ liệu của bộ phận tài chính – kế toán lại với nhau sẽ làm cho công tác quản lý kế toán dễ dàng hơn và không cần nhiều nhân lực kế toán. Bài viết tập trung phân tích về những thay đổi về mặt công nghệ do cuộc cách mạng này mang lại trong thời gian tới, cũng như những tác động mà nó mang lại đối với tổ chức thông tin kế toán tại các đơn vị nói chung và tại các trường Cao đẳng trên địa bàn tỉnh Hải Dương nói riêng. Qua đó, đề xuất một số các giải pháp để nâng cao chất lượng thông tin kế toán tại các đơn vị này.

2. Tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 đến việc tổ chức thông tin kế toán

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại hiệu quả về mặt kinh tế, giúp tăng năng suất lao động, tạo ra việc làm mới, cải tiến sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, … Tuy nhiên, cuộc cách mạng công nghiệp này cũng đặt ra nhiều thử thách cho tổ chức thông tin kế toán trong các đơn vị hiện nay trên các vấn đề sau:

Thứ nhất, ứng dụng thành tựu của CMCN 4.0 như: công nghệ đám mây, công nghệ Blockchain và các phần mềm hiện đại đã làm thay đổi rõ nét chất lượng công tác kế toán.
Với việc ứng dụng công nghệ điện toán đám mây, các thông tin dữ liệu của nhiều công ty sẽ không lưu trong các máy chủ cồng kềnh mà chuyển sang lưu trong các máy chủ ảo khổng lồ trên mạng Internet (Klaus Schwab, 2016). Điều này giúp thông tin kế toán cũng được lưu trữ một cách liên tục, khối lượng lớn và không bị giới hạn nhiều về bộ nhớ như trước đây. Tuy nhiên, sự phát triển của hạ tầng viễn thông trong bối cảnh CMCN 4.0 đặt ra những thách thức mới về bảo mật, do đó an ninh mạng trở nên vô cùng quan trọng. Với sự phát triển ngày càng tinh vi của công nghệ số và xu hướng chuyển dần sang điện toán đám mây, những lỗ hổng bảo mật cũng vì thế mà tăng theo, kéo theo những lo ngại ngày càng nghiêm trọng về rủi ro tấn công tin tặc. Trong nhiều trường hợp, một số cá nhân và tổ chức có thể thu thập thông tin bảo mật của đơn vị. Điều này đòi hỏi hệ thống kế toán phải có trách nhiệm xã hội nhiều hơn, quan tâm nhiều hơn đến tính an toàn và riêng tư trong thông tin của đơn vị mình và có cách thức phòng thủ mới để bảo đảm an toàn bảo mật mạng.

Thứ hai, khả năng phân tích dữ liệu kế toán ngày càng được cải thiện rõ rệt với sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin. Hiện nay, dữ liệu được tạo ra từ nền công nghiệp hiện đại đã đạt mức 1000 exabytes hàng năm và dự báo sẽ tăng lên gấp 20 lần trong vòng 10 năm tiếp theo. Những số liệu này đã tạo ra một kỷ nguyên dữ liệu lớn (big data), được thúc đẩy bởi công nghệ điện toán đám mây, vạn vật kết nối (IoT) hay hệ thống CPPS (Shen Yin, Okyay Kaynak, 2015). Đối với bộ phận kế toán, Big data thường gắn liền với quá trình phân tích dữ liệu hoặc phân tích dự báo. Với việc ứng dụng Big data vào trong công việc, kế toán sẽ kiểm tra được khối lượng giao dịch lớn hơn, dễ dàng phát hiện các sai sót dựa trên các công nghệ được sử dụng. Vì vậy, cách mạng 4.0 tạo động lực cải tiến công nghệ cho hệ thống thông tin kế toán tại các đơn vị.

Thứ ba, xu hướng kết hợp công nghệ cảm biến mới, phân tích dữ liệu lớn, điện toán đám mây và kết nối Internet vạn vật tạo điều kiện thúc đẩy phát triển vượt bậc của máy móc tự động hóa, trí tuệ nhân tạo và điều khiển học đã tác động lớn đến cầu lao động và phương thức tổ chức lao động kế toán. Đa phần công việc của kế toán là những ghi chép đã chuẩn hóa, do vậy trong tương lai không xa, công nghệ tự động hóa hoàn toàn có thể thay thế nhân viên kế toán xử lý công việc. Theo thống kê, hiện nay có khoảng 66% thời gian của bộ phận kế toán dành cho việc xử lý chứng từ, trong khi đó theo một số nhà nghiên cứu (Deloitte, 2015) nếu ứng dụng quy trình tự động hóa trong kế toán thì mô hình lý tưởng cho phép tỷ lệ này chỉ còn khoảng 11%. CMCN 4.0 sẽ hỗ trợ rất nhiều con người hướng đến mô hình lý tưởng, tuy nhiên để khai thác được những lợi ích của công nghệ đem lại đòi hỏi bộ phận kế toán ở Việt Nam nói riêng, kế toán trên thế giới nói chung cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Căn cứ vào sự vận động của CMCN lần thứ 4, các nhà kinh tế trên thế giới cũng dự báo cầu về lao động kế toán có kỹ năng, trình độ chuyên môn, sức sáng tạo và khả năng thích ứng nhanh với sự thay đổi của khoa học công nghệ sẽ tăng nhanh. Việc ứng dụng trí thông minh nhân tạo đã giúp kế toán không chỉ xử lý các công việc ghi chép (bookkeeping) đơn giản mà còn có thể thay thế con người cả với những nghiệp vụ kế toán phức tạp như định giá, lập dự phòng khiến số lượng nhân viên kế toán trong các doanh nghiệp có sự sụt giảm một cách đáng kể.

Thứ tư, trí thông minh nhân tạo (AI) là một yếu tố quan trọng được đề cập tới trong cách mạng 4.0, không chỉ trong lĩnh vực kế toán – kiểm toán mà trong toàn bộ các lĩnh vực. Việc đưa trí thông minh nhân tạo vào hỗ trợ công việc của con người đã không còn là điều quá mới mẻ hiện nay. Theo Frey và Osborne (2015), có tới 47% số lượng việc làm tại Mỹ trong năm 2010 có khả năng bị thay thế bởi máy tính trong vòng 10 – 20 năm tiếp theo, trong đó có công việc văn phòng bao gồm kế toán. Đặc biệt, xu hướng máy tính hóa này được chia thành hai đợt, phân cách bởi “đoạn bình ổn về công nghệ” và nghề nghiệp văn phòng cũng như ngành kế toán – kiểm toán nằm trong đợt sóng đầu tiên bị thay thế bởi máy tính và AI. Theo số liệu về các ngành nghề có khả năng bị máy tính hóa từ nghiên cứu này, xếp theo thứ tự tăng dần xác suất từ “0” (không bị máy tính hóa) đến “1” (bị máy tính hóa), ngành kế toán – kiểm toán có xác suất 0.94, có khả năng rất cao bị máy tính hóa trong tương lai. Lý do là các thuật toán trong Big Data đang xâm nhập nhanh chóng vào các miền lưu trữ và truy cập thông tin, dẫn tới viễn cảnh rõ ràng về các công việc văn phòng nói chung và kế toán nói riêng sẽ được tin học hóa. Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng, mặc dù ở thời điểm hiện tại hoặc trong tương lai gần, ngay cả với những công nghệ tiên tiến mới được phát triển gần đây về AI và robot, cho phép nhận diện các xu hướng thông minh hơn, nguồn lao động từ con người vẫn có lợi thế so sánh nhất định đối với các công việc, tình huống đòi hỏi sự nhận thức phức tạp. Tuy nhiên, với sự cải tiến không ngừng và nhanh chóng của công nghệ, lợi thế so sánh này sẽ nhanh chóng biến mất.

3. Thực trạng ứng dụng khoa học, công nghệ vào tổ chức thông tin kế toán hiện nay của các Trường Cao đẳng trên địa bàn tỉnh Hải Dương
Các Trường Cao đẳng trên địa bàn tỉnh Hải Dương thời gian qua cũng đã sử dụng máy tính, phần mềm kế toán với kết nối internet, kết nối mạng LAN vào công tác kế toán tại đơn vị, việc làm này bước đầu đạt đã được một số thành tựu đáng ghi nhận như:

– Phân quyền cho kế toán viên: Thời điểm hiện tại, tám trường Cao đẳng tại Hải Dương đều thực hiện công tác kế toán thông qua hệ thống phần mềm kế toán được cài đặt trên máy vi tinh, việc quản lý chung và phân quyền cho kế toán viên được lãnh đạo bộ phận kế toán bố trí, sắp xếp. Thực tế tại các trường, quyền truy cập và sử dụng phần hành kế toán còn chưa hiệu quả, thường chỉ do kế toán tổng hợp và kế toán trưởng hoặc trưởng phòng, phó trưởng phòng kế toán thực hiện. Phần hành kế toán cơ bản chỉ được dùng vào việc lập chứng từ, tổng hợp số liệu, lập sổ, lập báo cáo kế toán nhằm phục vụ cho hoạt động kiểm tra và thanh quyết toán, với cách làm như hiện nay việc phân quyền chưa được thực hiện rộng rãi trong toàn bộ kế toán viên. Vẫn có nhiều phần hành kế toán chưa được sử dụng triệt để và như vậy, kết quả thông tin kế toán cung cấp còn chưa phong phú, chủ yếu mới dừng ở việc cung cấp thông tin kế toán tài chính, toàn bộ số liệu và thông tin kế toán quản trị hầu như chưa đáp ứng được nhu cầu và yêu cầu của lãnh đạo các trường.

– Khai báo cơ sở dữ liệu ban đầu: Khi sử dụng phần mềm kế toán, việc làm đầu tiên đối với người sử dụng là khai báo và mã hóa thông tin về đối tượng kế toán, việc làm này đòi hỏi bộ phận kế toán phải phân loại, mã hóa theo từng loại đối tượng như: Nguyên vật liệu, công dụng cụ, tài sản, cán bộ, viên chức, học sinh sinh viên, khách hàng, các loại tiền, nguồn tiền, công nợ phải thu, phải trả, các khoản tạm ứng, … Hiện tại khi sử dụng phần mềm kế toán, các trường Cao đẳng tại Hải Dương mới chỉ tập trung mã hóa ở mức cơ bản đủ phục vụ cho việc cung cấp thông tin kế toán tài chính mà cụ thể là phục vụ công tác thanh kiểm tra, quyết toán ngân sách, … Nhiều đối tượng kế toán vẫn còn được theo dõi thủ công không qua hệ thống phần mềm nh ư: Công nợ của học sinh sinh viên với Nhà trường, danh mục và tình hình nhập xuất nguyên liệu phục vụ công tác giảng dạy, học tập và quản lý, … Với việc mã hóa như này, việc cung cấp thông tin cho công tác kế toán quản trị là hầu như không thể thực hiện, qua đó gây khó khăn trong việc đánh giá và đưa ra các quyết định tức thời liên quan đến hoạt động quản lý, điều hành của lãnh đạo các đơn vị thuộc Nhà trường, đặc biệt là Ban Giám hiệu Nhà trường.

– Đối tượng sử dụng thông tin: Thông tin kế toán là kết quả phản ánh tình hình tài chính, được đo lường bằng thước đo tiền tệ hoặc hiện vật, được trình bày trên hệ thống sổ và báo cáo kế toán tài chính và báo cáo kế toán quản trị. Hiện tại, thông tin kế toán của các trường Cao đẳng trên địa bàn tỉnh Hải Dương được cung cấp chủ yếu là thông tin kế toán tài chính và phục vụ chủ yếu cho lãnh đạo Nhà trường, cán bộ viên chức, kho bạc, cơ quan thuế, kiểm toán, các cơ quan quản lý nhà nước. Ngoài việc cung cấp thông tin cho những đối tượng trên, thông tin kế toán cũng đã được cung cấp cho một số khách hàng liên quan như: Đơn vị liên kết đào tạo, ngân hàng, nhà thầu và đơn vị cung cấp hàng hóa. Mục đích của người sử dụng thông tin kế toán do các trường cung cấp vẫn chủ yếu là kiểm soát việc chấp hành chế độ và quy định về công tác tài chính, đối với cơ quan chủ quản thì thông tin kế toán là căn cứ để giao kinh phí, phê chuẩn phương án sử dụng kinh phí, quyết toán kinh phí đã sử dụng,…, bên cạnh đó cũng có một bộ phận nhỏ sử dụng những thông tin kế toán này để đánh giá năng lực tài chính, khả năng hoạt động của nhà trường trước khi đưa ra quyết định về việc hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học hoặc cung cấp hàng hóa, dịch vụ.

– Chất lượng và việc khai thác thông tin kế toán: Nhược điểm cố hữu vừa mang tính chủ quan, vừa mang tính khách quan của dữ liệu và thông tin kế toán trong thời gian vừa qua là chưa đầy đủ, chưa phong phú, chưa kịp thời, còn có những thông tin chưa chính xác, đối tượng được sử dụng thông tin kế toán còn bị hạn chế, … nguyên nhân này đã gây ra nhiều tổn thất về mặt vô hình và cả hữu hình cho chính bản thân các trường và đối tác liên quan. Mặc dù cũng đã áp dụng khoa học công nghệ vào phục vụ công tác kế toán, xong do cách tổ chức, quan điểm chỉ đạo mà cơ sở dữ liệu kế toán của các trường Cao đẳng trên địa bàn tỉnh Hải Dương còn chưa đáp ứng được nhu cầu trong điều kiện hội nhập về kế toán kiểm toán. Thực tế thì, chất lượng cơ sở dữ liệu kế toán và thông tin kế toán của các trường chỉ bó hẹp trong việc phục vụ nhu cầu kế toán tài chính, phục vụ cho công tác xây dựng dự toán, kiểm tra tính tuân thủ, báo cáo thanh quyết toán của cơ quan nhà nước. Việc khai thác, tiếp cận, sử dụng cơ sở dữ liệu kế toán vẫn còn bị nhiều cản trở, đặc biệt là đối với các cá nhân, đơn vị liên kết, khách hàng, ngân hàng, nhà đầu tư, người học và gia đình người học, … Vấn đề quan trọng nữa quyết định đến thành công trong con đường đi đến tự chủ tài chính của các trường là cơ sở dữ liệu và thông tin kế toán quản trị phục vụ cho việc định hướng, điều hành của Ban Giám hiệu thì gần như không có, các phương án, kế hoạch, quyết định, … của lãnh đạo phần lớn được đưa ra dựa trên kinh nghiệm hoặc các thông tin quá khứ do kế toán tài chính cung cấp.

4. Định hướng và yêu cầu đặt ra đối với tổ chức thông tin kế toán của các trường Cao đẳng tại Hải Dương trên con đường hướng tới tự chủ tài chính
Cách mạng công nghiệp 4.0 với trụ cột là kỹ thuật số, liên quan đến việc tự động hóa, các hành vi thông minh, trí tuệ nhân tạo do con người lập trình tạo nên để hướng tới mục tiêu giúp máy tính có thể tự động hóa các hành vi thông minh như con người. Bên cạnh đó là mạng lưới Internet vạn vật kết nối, có khả năng truyền tải, trao đổi thông tin, dữ liệu qua một mạng duy nhất mà không cần đến sự tương tác trực tiếp giữa người với người, hay người với máy tính. Kết quả là cơ sở dữ liệu lớn “Big Data” đa dạng, phong phú với tốc độ kết nối và xử lý nhanh, đáp ứng được mọi nhu cầu của người sử dụng thông tin,… Để hỗ trợ thực hiện việc này đòi hỏi các trường phải đầu tư thêm hệ thống máy tính cấu hình cao, hệ thống kết nối internet tốc độ cao, hệ thống phần mềm, hệ thống an ninh mạng, kho lưu trữ dữ liệu, đội ngũ nhân lực có chuyên môn,…

Hoạt động tổ chức thông tin kế toán của các trường Cao đẳng tại Hải Dương trong thời gian tới đây, đặc biệt là khi các trường hội nhập sâu rộng vào thị trường giáo dục – đào tạo, với yêu cầu phải tự đảm bảo tình hình tài chính và xây dựng mô hình hoạt động như một doanh nghiệp, mục tiêu đối với tổ chức thông tin kế toán là khắc phục được những hạn chế trước đây và hiện tại, nhanh chóng hội nhập toàn diện với hoạt động tài chính kế toán của các đơn vị đào tạo khác trong điều kiện mở cửa và xã hội hóa giáo dục. Muốn vậy, việc tổ chức thông tin kế toán của các trường Cao đẳng tại Hải Dương cần tập trung vào triển khai tốt một số nội dung sau:

(1). Lãnh đạo các trường cần phải thay đổi quan điểm và yêu cầu đối với bộ phận kế toán, theo đó phải yêu cầu bộ phận kế toán mã hóa và phản ánh toàn bộ mọi đối tượng, thông tin liên quan đến hoạt động tài chính của trường, từ đối tượng trực tiếp đến đối tượng gián tiếp, từ đối tượng có giá trị cao đến đối tượng có giá trị nhỏ, … Các trường cần tiếp tục đầu t ư, ứng dụng khoa học, công nghệ thông tin vào công tác kế toán, sử dụng các phần mềm để quản lý, phân tích cơ sở dữ liệu kế toán, kết nối thông tin kế toán với các thông tin thuế, bảo hiểm, ngân hàng, người học, nâng cấp hệ thống an ninh mạng, khả năng bảo mật dữ liệu, cho phép truy cập và xử lý nhanh cơ sở dữ liệu.

(2). Bộ phận kế toán phải không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn đối với từng kế toán viên, phải thực hiện việc mã hóa và phân quyền nhập và xử lý dữ liệu cho tất cả các thành viên, phải xây dựng và thiết lập được quy trình kế toán, từ hoạt động thu nhận, xử lý thông tin, kiểm tra hoàn thiện thông tin, nhập dữ liệu, xử lý, kết xuất thông tin, xây dựng các loại báo cáo kế toán tài chính, báo cáo kế toán quản trị theo đúng yêu cầu của người sử dụng. Đưa vào ứng dụng và cung cấp các sản phẩm kỹ thuật số liên quan đến công tác tài chính kế toán như: Hoạt động thanh toán số giữa nhà trường với người học, với các đối tác, với các đơn vị tín dụng; cung cấp hệ thống chứng từ điện tử, tăng cường sử dụng đồng tiền kỹ thuật số trong giao dịch thanh toán nhằm đảm bảo yêu cầu an toàn, tiết kiệm, hiệu quả, đặc biệt là phù hợp với xu thế của hội nhập thế giới.

(3). Nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng kho cơ sở dữ liệu kế toán, muốn làm được việc này thì đòi hỏi người sử dụng thông tin kế toán phải có một trình độ nhất định để khai thác. Các thông tin kế toán tài chính, kế toán quản trị sẽ được cung cấp bất kỳ lúc nào, ở bất kỳ địa điểm nào, ưu điểm này đảm bảo mọi điều kiện hỗ trợ cho lãnh đạo các trường và đối tượng sử dụng thông tin để có thể đưa ra các đánh giá và quyết định ngay tức thì. Cơ sở dữ liệu và thông tin kế toán mở đối với mọi người sẽ luôn đảm bảo cho việc minh bạch hóa các hoạt động của nhà trường, qua đó ngăn chặn được các hoạt động tiêu cực, đem lại lòng tin cho các đơn vị chủ quản, đơn vị liên kết, tổ chức tín dụng, khách hàng, người học và đặc biệt là lòng tin của đội ngũ công nhân viên chức.

(4). Bảo quản, bảo trì, lưu trữ kho cơ sở dữ liệu là yêu cầu quan trọng đòi hỏi các trường phải đặc biệt quan tâm, muốn làm việc này nhà trường phải đầu tư về cơ sở vật chất kỹ thuật, hệ thống máy tính, kết nối internet, hệ thống lưu trữ đám mây, hệ thống phần mềm an ninh mạng, xây dựng hệ thống tường rào an ninh mạng, đầu tư nâng cao trình độ cho con người. Kho cơ sở dữ liệu kế toán lúc này được coi như là kho tài nguyên vô giá đối với bộ phận kế toán, nó phản ánh quy mô, tầm cỡ, lịch sử hoạt động của các trường, nó có thể cung cấp cho người dùng thông tin về toàn bộ những hoạt động tài chính kế toán đã diễn ra tùy theo yêu cầu của người dùng. Cơ sở dữ liệu kế toán an toàn, đồng nghĩa với việc thông tin kế toán cung cấp là đáng tin cậy với chất lượng cao.

5. Kết luận
Cuộc CMCN 4.0 đang tạo ra những tác động mạnh mẽ đối với xu hướng vận động của nền kinh tế thế giới, làm biến đổi rõ nét thông tin kế toán trong các đơn vị nói chung và các trường Cao đẳng trên địa bàn tỉnh Hải Dương nói riêng. Cách mạng 4.0 đã góp phần giúp cơ sở dữ liệu và thông tin kế toán ngày càng trở nên an toàn, phong phú, minh bạch, việc khai thác và sử dụng thông tin ngày càng trở nên đơn giản, thuận tiện. Qua đó, đáp ứng được toàn bộ nhu cầu về thông tin kế toán tài chính, kế toán quản trị ở mọi nơi, mọi lúc của người dùng, việc đưa ra các phân tích, đánh giá, các quyết định sẽ nhanh và hiệu quả hơn rất nhiều./.


Tài liệu tham khảo
1. Carl Benedikt Frey, Michael A. Osborne (2016), The future of employment: How susceptible are jobs to computerisation?,Technological Forecasting and Social Change, Vol. 114, p. 254-280.
2. Deloitte(2015),Industry4.0-OnlyOne-TenthofGermanysHigh-TechStrategy.
3. Frey, C. B. and M.A. Osborne (2015), Technology at Work: The Future of Innovation and Employment, Citi GPS: Global Perspectives & Solutions, February 2015.
4. Klaus Schwab (2016), Mastering the Fourth industrial revolution, 46th World Economic Forum.
5. Shen Yin, Okyay Kaynak (2015), Big data for modern industry: Challenges and Trends, Proceedings of The IEEE, Vol. 103, No. 2, p. 143-146.

Tin tức liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *