Tạp chí Kế toán & Kiểm toán

Ứng dụng thương mại điện tử trong các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội

Tiêu đề Ứng dụng thương mại điện tử trong các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội Ngày đăng 2019-03-05
Tác giả Admin Lượt xem 1152

(Đăng trên Tạp chí Kế toán và Kiểm toán, số T12/2018)

Nhận: 29/11/2018
Biên tập: 15/12/2018
Duyệt đăng: 18/12/2018

Thương mại điện tử là phương thức kinh doanh mới dựa trên nền tảng của công nghệ thông tin và mạng Internet. ở Việt Nam, Internet được xuất hiện từ năm 1997, đây là dấu mốc cho sự ra đời và phát triển của thương mại điện tử. Thương mại điện tử có tác động sâu sắc và toàn diện tới kinh tế xã hội. Sau giai đoạn hình thành và phổ cập, kể từ năm 2016, thương mại điện tử chuyển sang giai đoạn phát triển nhanh. Theo số liệu ước tính của Hiệp hội Thương mại Việt Nam, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử năm 2017 đạt trên 25% và dự kiến tốc độ này có thể duy trì tiếp trong năm 2018 – 2020. Theo tính toán của Hiệp hội này, trong 4 năm tới, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam dự kiến có thể đạt tới 10 tỷ USD. Hà Nội giữ vai trò tiên phong trong sự phát triển thương mại điện tử. Trong đó, Hà Nội tính đến hết tháng 6/2018 có 8.314 website ứng dụng thương mại điện tử của tổ chức, cá nhân; doanh thu đạt trên 36.000 tỷ đồng, chiếm 7% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng, tăng 2% so với năm 2016.

Theo Tổ chức Thương mại thế giới (WTO, 1998), thương mại điện tử (TMĐT) bao gồm việc sản xuất, quảng cáo, bán hàng và phân phối sản phẩm được mua bán và thanh toán trên mạng Internet, nhưng được giao nhận một cách hữu hình, cả các sản phẩm giao nhận cũng như những thông tin số hoá thông qua mạng Internet. Theo Điều 3, Nghị định số 52/2013/NĐ-CP, ngày 16/5/2013 của Chính phủ về TMĐT có giải thích: “Hoạt động TMĐT là việc tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động thương mại bằng phương tiện điện tử có kết nối với mạng Internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác”.

Như vậy, có thể hiểu TMĐT là việc mua bán hàng hoá và dịch vụ thông qua các thiết bị điện tử có kết nối Internet, qua mạng viễn thông và các mạng mở khác.

Lợi ích của TMĐT
TMĐT mang lại lợi ích to lớn cho cả doanh nghiệp, người tiêu dùng và xã hội. Đối với doanh nghiệp, do việc sử dụng các phương tiện điện tử và hệ thống mạng Internet nên doanh nghiệp có thể thực hiện kinh doanh giao dịch 24/7, tiết kiệm chi phí. Với TMĐT doanh nghiệp không phải tốn kém nhiều chi phí cho việc thuê cửa hàng, thuê kho chứa hàng, giảm chi phí nhân viên và doanh nghiệp có thể thực hiện marketing với chi phí thấp. Đối với người tiêu dùng, nhờ có TMĐT mà người tiêu dùng có thể thực hiện mua sắm ở khắp mọi nơi trên thế giới, có thể so sánh lựa chọn những sản phẩm, dịch vụ có chất lượng với giá thấp hơn. Đối với xã hội, TMĐT tạo ra một sân chơi cho các doanh nghiệp buộc họ phải đổi mới, phải có chiến lược kinh doanh riêng từ đó giúp các doanh nghiệp phát triển và góp phần vào sự phát triển kinh tế đất nước.

Thực tế ứng dụng TMĐT trong các doanh nghiệp ở Hà Nội, trong những năm qua

Trong thời gian gần đây, Hà Nội có những thay đổi đáng ghi nhận trong việc ứng dụng TMĐT. Theo Báo cáo Chỉ số TMĐT Việt Nam do Hiệp hội TMĐT Việt Nam công bố, trong 5 năm qua, Hà Nội liên tục là một trong hai địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số TMĐT.
Theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, tính đến quý II /2017 trên địa bàn Hà Nội có số thuê bao di động 11, 2 triệu thuê bao giảm 3% so với cùng kỳ năm 2016, số thuê bao Internet 7, 48 triệu thuê bao 25% so với cùng kỳ năm 2016. Theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội, tính đến 6/2018 có 251.460 doanh nghiệp hoạt động, trong đó có 12.100 doanh nghiệp mới thành lập trên địa bàn thành phố. Sự gia tăng số lượng các thuê bao điện thoại di động và Internet, các doanh nghiệp sẽ góp phần gia tăng các ứng dụng TMĐT và phát triển TMĐT trên địa bàn thành phố.

Trong thời gian gần đây, Hà Nội đã có những thay đổi đáng ghi nhận trong việc ứng dụng TMĐT. Tính luỹ kế đến 6 tháng năm 2018, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 8.314 website /ứng dụng TMĐT của tổ chức, cá nhân đăng ký hoạt động trên địa bàn thành phố, trong đó có hơn 300 website sàn giao dịch TMĐT, chiếm khoảng 44% số lượng sàn giao dịch TMĐT trên cả nước. Hà Nội cũng đã vận hành thành công website “Bản đồ mua sắm thành phố”, máy bán hàng tự động tạo điều kiện cho người dân dễ dàng trong việc mua sắm. Theo báo cáo của Hiệp hội TMĐT Việt Nam, thị trường TMĐT trên địa bàn Hà Nội có sự chuyển biến rõ rệt, doanh thu năm 2017 đạt 36.000 tỷ đồng (tăng 2% so với năm 2016), chiếm 7% mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng. Tính đến 6 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn thành phố đạt 6.159 triệu USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2016. Kết quả này có được là do thành phố Hà Nội đã tổ chức tuyên truyền ứng dụng TMĐT trong các hoạt động thanh toán điện tử, chữ ký điện tử, chứng thực điện tử, xây dựng thương hiệu trực tuyến cho các sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ chủ lực. Ngoài ra nữa, thành phố cũng chú trọng tới việc hỗ trợ ứng dụng các giải pháp bán hàng trực tuyến cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cho làng nghề xuất khẩu, nâng cao năng lực doanh nghiệp xuất khẩu tham gia các sàn giao dịch TMĐT.

Để phát triển TMĐT trên địa bàn thành phố, góp phần phát triển kinh tế thủ đô phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và đẩy mạnh xuất khẩu, Sở Công thương đã trình UBND TP. Hà Nội ban hành Chương trình số 78/CTr-UBND về phát triển TMĐT, giai đoạn 2016 – 2020, Kế hoạch số 84/KH-UBND về phát triển TMĐT năm 2018 trên địa bàn thành phố. Mục tiêu hướng tới của thành phố năm 2020 với doanh thu bán lẻ trực tuyến chiếm 10% tổng mức bán lẻ hàng hoá dịch vụ trên địa bàn; Tỷ lệ dân số Hà Nội tham gia mua sắm trực tuyến đến năm 2020 đạt 70% số người sử dụng Internet trên địa bàn thành phố; 100% các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại có lắp đặt thiết bị chấp nhận thẻ thanh toán (POS) và cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng.

Mặc dù, TP. Hà Nội đã có kế hoạch chương trình giải pháp phù hợp đẩy mạnh ứng dụng TMĐT trong các doanh nghiệp trên địa bàn nhưng hoạt động TMĐT vẫn còn tồn tại những rủi ro bởi việc thực hiện các thao tác thương mại trên môi trường điện tử Internet ở mức độ thấp, thực hiện chưa chuyên nghiệp, mang tính nhỏ lẻ; doanh thu bán lẻ, tốc độ tăng trưởng trực tuyến ở mức thấp. Mặt khác, người Việt Nam có thói quen tiêu dùng tiền mặt, họ sợ rủi ro.
Do đó, để đẩy mạnh ứng dụng TMĐT trong các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội thì TP. Hà Nội cần phải có giải pháp đồng bộ.

Một số trao đổi nhằm đẩy mạnh ứng dụng TMĐT tại các doanh nghiệp ở Hà Nội
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến tới các doanh nghiệp, cá nhân về các chính sách pháp luật quản lý và các chương trình, kế hoạch phát triển TMĐT trên địa bàn thành phố.
Tổ chức các buổi toạ đàm, các lớp tập huấn, khoá đào tạo ngắn hạn theo các chuyên đề chuyên sâu phù hợp với lĩnh vực kinh doanh về ứng dụng TMĐT cho các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.

Thành phố cần có chính sách khuyến khích các trường đại học, cao đẳng, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội phối kết hợp cùng xây dựng hệ thống đào tạo trực tuyến, hệ thống học liệu phục vụ nghiên cứu và học tập về TMĐT.

Tăng cường tuyên truyền vận động người tiêu dùng thay đổi thói quen, hành vi mua sắm từ sử dụng tiền mặt, mua sắm theo kiểu truyền thống mặt đối mặt sang hướng mua sắm văn minh, hiện đại với các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử.

Thành phố cần phải phối hợp chặt chẽ với Cục TMĐT và công nghệ số để quản trị cơ sở dữ liệu tổ chức, cá nhân trong hoạt động TMĐT.
Thành phố cần nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ thực thi pháp luật về TMĐT, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cán bộ chuyên trách về TMĐT.
Thành phố cần phải thường xuyên kiểm tra, đánh giá, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong TMĐT trên địa bàn.
Với những giải pháp đồng bộ này, hoạt động TMĐT của thành phố Hà Nội ngày càng chuyên nghiệp và trở thành hình thức mua sắm phổ biến của người tiêu dùng.
Phát triển các dịch vụ công phục vụ cho TMĐT
Kiến thức về TMĐT; tạo môi trường pháp lý, xây dựng kết cấu hạ tầng cho TMĐT và quản lý các giao dịch TMĐT để bảo vệ lợi ích của người tham gia mà còn phải phát triển các dịch vụ công, nhằm thúc đẩy sự phát triển của TMĐT.
Đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ công như: Hải quan điện tử; Kê khai thuế và nộp thuế, làm các thủ tục xuất, nhập khẩu; Đăng ký kinh doanh và các loại giấy phép chuyên ngành liên quan đến thương mại, giải quyết tranh chấp… trên mạng.

Các cơ quan Nhà nước phải ứng dụng TMĐT trong mua sắm công, đấu thầu, gắn với cải cách hành chính, minh bạch hóa, nâng cao hiệu lực nền hành chính quốc gia và xây dựng chính phủ điện tử. Ngân hàng Nhà nước cần tích cực triển khai đề án thanh toán không dùng tiền mặt và tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý liên quan đến thanh toán điện tử, một khâu rất quan trọng trong hoạt động TMĐT.

Trong thời gian tới, Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa sự hợp tác khu vực và quốc tế này để thực hiện tốt các cam kết quốc tế về TMĐT; Xây dựng và hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn về trao đổi dữ liệu điện tử trong nước hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế./.

Tài liệu tham khảo
1. Chương trình số 78/CTr-UBND, ngày 22/4/2016 của Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội về phát triển TMĐT giai đoạn 2016 – 2020.
2. Chỉ số thương mại Việt Nam EBI 2018, Hiệp hội TMĐT Việt Nam.
3. Kế hoạch số 84/KH-UBND về phát triển TMĐT năm 2018 trên địa bàn thành phố.
4. Nam Giang (2018), “TMĐT: Tiềm năng lớn nhưng ẩn chứa nhiều rủi ro”, Thông tấn xã Việt Nam.
5. Gia Minh (2017), “Khuyến khích ứng dụng TMĐT”, http://www.nhandan.com.vn.


Tin tức liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *