Nghiên cứu trao đổi

Ứng phó với sự thay đổi công nghệ trong lĩnh vực kiểm toán hiện nay

Tiêu đề Ứng phó với sự thay đổi công nghệ trong lĩnh vực kiểm toán hiện nay Ngày đăng 2023-08-18
Tác giả Admin Lượt xem 366

Nguyễn Thị Khánh Vân* (*Khoa Kế toán, Đại học Duy Tân).

Nhận:              06/02/2023

Biên tập:          07/02/2023

Duyệt đăng:    07/04/2023

Tóm tắt

Sự thay đổi công nghệ đã có những ảnh hưởng đáng kể đến cách thức kiểm toán viên (KTV) thu thập, phân tích và đánh giá dữ liệu để xác nhận thông tin phục vụ cho việc ra quyết định của các bên có liên quan. Xu hướng chính của sự thay đổi công nghệ hiện nay là các nhiệm vụ kế toán truyền thống được tự động hóa. Vì vậy, các KTV hiện nay được kỳ vọng sẽ có chuyên môn và kỹ năng tận dụng công nghệ, để hoàn thành nhiệm vụ và đưa ra quyết định liên quan đến công việc nhanh hơn so với trước đây. Sự phát triển này không chỉ đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc hơn về kiến thức và tiêu chuẩn chuyên môn, mà còn là sự công nhận ngày càng tăng về cách thức công nghệ có thể tương tác và có khả năng thay đổi kiến thức và tiêu chuẩn KTV hiện có. Nói cách khác, công nghệ được đánh giá là một yếu tố động trong công việc của KTV hiện đại. Trọng tâm của bài báo này, là phân tích xu hướng công nghệ trong lĩnh vực kế toán hiện nay và các biện pháp ứng phó trước những thay đổi công nghệ trong lĩnh vực kiểm toán.

Từ khóa: công nghệ, kiểm toán, kỹ năng nghề nghiệp.

Abstract

Technological change has had significant effects on how auditors collect, analyze, and evaluate data to validate information for stakeholder decision-making. The main trend of today’s technological change is that traditional accounting tasks are automated. As a result, today’s auditors are expected to have the expertise and skills to leverage technology to complete tasks and make work-related decisions faster than in the past. This evolution requires not only a deeper understanding of knowledge and professional standards, but also a growing recognition of how technology can interact and potentially change knowledge and existing auditor standards. In other words, technology is considered a dynamic factor in the work of modern auditors. The focus of this paper is to analyze technology trends in the accounting field today and measures to respond to technological changes in the field of auditing.

Keywords: technology, auditing, career skills.

JEL Classifications: M15, M40, M49.

DOI: https://doi.org/10.59006/vnfa-jaa.05202316

  1. Giới thiệu

Trong thời gian gần đây, công nghệ thông minh đóng vai trò quan trọng trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp (DN), điều này kéo theo những thay đổi cần thiết trong kỹ năng nghề nghiệp của người hành nghề kiểm toán. Hiểu biết về kỹ thuật số, hiểu biết về công nghệ và làm quen với các phần mềm quản lý là yêu cầu cơ bản đối với người hành nghề kiểm toán. Mặc dù, với sự phát triển công nghệ nhiều KTV không còn phải tự xử lý dữ liệu, nhưng họ cũng cần thiết phải hiểu về đặc điểm bản chất của các hệ thống tự động để đảm bảo tính toàn vẹn của dữ liệu và cách thực hiện tốt nhất vai trò của mình. Để đạt được điều này trong môi trường công nghệ hiện đại, đòi hỏi người làm công tác kiểm toán phải thường xuyên cập nhật kiến thức và kỹ năng kế toán mới; đồng thời, tuân thủ các luật và chuẩn mực kiểm toán, cập nhật các quy định và chuẩn mực kế toán hiện hành. Ngoài ra, khả năng giải quyết vấn đề cũng rất quan trọng, đặc biệt thông qua phân tích dữ liệu để cung cấp thông tin cho quá trình ra quyết định. Các khía cạnh khác như: làm việc hiệu quả với những người khác, khả năng thích ứng và chủ động trong công việc, khả năng thiết lập mục tiêu và tự phát triển bản thân đã trở thành những tiêu chí cơ bản đối người hành nghề kiểm toán. Nội dung bài viết trình bày xu hướng công nghệ trong lĩnh vực kế toán, tiếp đến là các biện pháp ứng phó với những thay đổi công nghệ trong lĩnh vực kiểm toán.

  1. Xu hướng công nghệ trong lĩnh vực kế toán hiện nay

Mặc dù, có nhiều yếu tố thúc đẩy sự thay đổi của nghề kế toán, nhưng công nghệ vẫn được xem là nhân tố rất quan trọng và được ghi nhận là thách thức lớn nhất đối với người hành nghề kế toán (CPA Australia, 2019). Các xu hướng công nghệ trước đây đã tạo ra mối lo ngại về tình trạng mất việc làm trong ngành kế toán, nhưng hiện được công nhận là rất quan trọng đối với sự đổi mới (Sage, 2019). Thay vì làm mất giá trị nghề nghiệp và thay thế người làm công tác kế toán, công nghệ đang trao quyền cho họ. Các máy móc, thiết bị có thể thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên, lặp đi lặp lại, khiến người làm công tác kế toán trong các DN phải thực hiện các nhiệm vụ cấp cao hơn, mang lại cho nghề nghiệp cơ hội tiết kiệm chi phí và hiệu quả hơn (Goh và cộng sự, 2019). Các xu hướng công nghệ chính ảnh hưởng đến nghề kế toán có thể kể đến như:

Tự động hóa thông minh (Interlligent automation)

Tự động hóa thông minh là sự kết hợp của tự động hóa quy trình bằng rô bốt (robot) và các công cụ trí tuệ nhân tạo như thiết bị phân tích dữ liệu, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, tương tác dữ liệu có cấu trúc và xử lý tài liệu thông minh. Ngoài ra, tự động hóa thông minh có thể hiểu, thu thập và phân tích dữ liệu phi cấu trúc như email, cuộc trò chuyện giữa người với người, âm thanh, video. Tự động hóa thông minh, cho phép các kế toán viên hợp tác với công nghệ để tối ưu hóa các quy trình xử lý công việc và giải quyết vấn đề (KPMG, 2018).

Tự động hóa quy trình bằng rô bốt (robot)

Việc sử dụng rô bốt hoặc thiết bị kỹ thuật số để thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên và được xác định rõ ràng. Điều này đã ảnh hưởng đến cách kế toán viên thu thập và xử lý dữ liệu, cũng như báo cáo thông tin cho người khác (Davern và cộng sự, 2019). Có thể có nhiều rô bốt đảm nhận các nhiệm vụ khác nhau, về cơ bản tạo thành một lực lượng lao động ảo (Loh & Ashton, 2019). Dữ liệu được thu thập tự động từ rô bốt sẽ đảm bảo tính nhất quán, đáng tin cậy và nhanh chóng, tăng hiệu quả trong báo cáo thông tin và tăng độ chính xác (Forbes, 2017).

Thiết bị phân tích dữ liệu

Trong các DN, thiết bị này đã được sử dụng để phân tích và phân loại dữ liệu thông qua suy luận logic, thuật toán và bắt chước quá trình nhận thức của con người. Nó cho phép máy tính dự báo, đưa ra dự đoán, tiến hành đánh giá rủi ro và ước tính trong các điều kiện khác nhau để đưa ra quyết định (Goh và cộng sự, 2019). Phân tích dữ liệu cung cấp thông tin chi tiết phong phú, để giúp DN xây dựng chiến lược và đưa ra các lời khuyên hợp lý cho khách hàng của họ.

Sử dụng các thiết bị ghi nhận, xử lý hình ảnh, âm thanh, văn bản

Hiện nay, việc sử dụng các phương tiện, thiết bị ghi nhận, xử lý hình ảnh, âm thanh, văn bản trong các DN là rất phổ biến, rất đáng tin cậy và có thể được sử dụng 24/7. Điều này giúp đảm bảo hoạt động kinh doanh của DN được diễn ra thông suốt trong mọi thời điểm và không bị gián đoạn, cả trong trường hợp nhân viên nghỉ ốm, nghỉ lễ hay ngoài giờ làm việc.

Blockchain

Blockchain là công nghệ mã hóa tất cả dữ liệu thành các khối và kết nối chúng với nhau để tạo thành một chuỗi dài. Mỗi khi một thông tin hoặc giao dịch mới xảy ra, thông tin cũ sẽ không bị mất đi, mà thay vào đó thông tin mới sẽ được lưu vào một khối mới và lần lượt được nối vào khối cũ để tạo thành một chuỗi mới. Blockchain được sử dụng để tạo ra các sổ cái kỹ thuật số an toàn, được cập nhật và theo dõi liên tục. Nó cho phép những người dùng chung không biết nhau, thực hiện các giao dịch an toàn theo thời gian thực mà không cần trung gian, để giảm thời gian và chi phí (Deloitte, 2017). Các mục nhập dữ liệu được chia sẻ, tiêu chuẩn hóa, xác minh và trách nhiệm giải trình, cho phép xác thực dễ dàng các tài liệu kỹ thuật số và nâng cao quyền riêng tư của dữ liệu thông qua mã hóa. Blockchain có thể công khai cho tất cả những người có thể truy cập internet hoặc được thiết lập ở chế độ riêng tư khi quyền truy cập bị hạn chế đối với những người có quyền (Deloitte, 2017).

Sử dụng công nghệ Blockchain đang gia tăng ở các DN và các công ty kiểm toán Big Four hiện đang dẫn đầu trong việc nghiên cứu và thử nghiệm việc sử dụng nó trong ngành (Vetter, 2018). Blockchain có tiềm năng ứng dụng vào các quy trình kế toán và báo cáo tài chính cũng như các hoạt động kinh doanh khác, chẳng hạn như kinh doanh trong ngành dịch vụ tài chính, chăm sóc sức khỏe y tế và đăng ký tài sản trong khu vực công (Deloitte, 2017).

Phần mềm điện toán đám mây

Điện toán đám mây cho phép chia sẻ tài nguyên và dữ liệu trên nhiều máy tính và thiết bị, cho phép nhân viên kế toán làm việc trên dữ liệu và thông tin cũng như chia sẻ công việc với khách hàng của họ. Sự gia tăng của phần mềm kế toán dựa trên đám mây đã giảm bớt gánh nặng cho các tổ chức trong việc lưu giữ sổ sách nhưng đồng nghĩa các kế toán viên cũng cần có kiến thức chuyên môn về việc sử dụng chúng. Thị trường phần mềm kế toán toàn cầu được dự đoán sẽ tăng lên 11,8 tỷ đô la vào năm 2026 (Blackline, 2018). Vì vậy, người làm trong lĩnh vực kiểm toán phải có những hiểu biết căn bản đối với công nghệ này và sử dụng thích hợp trong quá trình thu thập bằng chứng kiểm toán.

  1. Ứng phó với sự thay đổi công nghệ trong lĩnh vực kiểm toán

Nghề kiểm toán nhận ra tầm quan trọng của tiến bộ công nghệ. Nó được coi là yếu tố quan trọng dẫn đến thành công, tạo ra môi trường làm việc linh hoạt hơn, nâng cao hiệu quả, chất lượng cũng như giao tiếp và gắn kết với khách hàng (CPA Australia, 2019).

Sự tiến bộ công nghệ cũng đặt ra rủi ro đáng kể cho các tổ chức không theo kịp xu hướng và không thể đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Để giải quyết vấn đề này, đòi hỏi các công ty kiểm toán phải có đội ngũ nhân viên phải có nhận thức đúng đắn về vai trò nghề nghiệp của mình; đồng thời, có kỹ năng phù hợp và nhanh nhẹn, nhạy bén với sự thay đổi công nghệ.

Sự thay đổi công nghệ và những thay đổi trong vai trò của KTV đối với khách hàng

Sự thay đổi của xu hướng công nghệ được dự đoán sẽ làm giảm 40% số lượng nhân sự trong lĩnh vực tài chính vào năm 2025 (Accenture, 2019). Hiện nay, nhiều nhiệm vụ kế toán truyền thống do kế toán viên thực hiện đã được tự động hóa, tạo ra cấu trúc tổ chức phẳng hơn với ít nhân viên đảm nhận các hoạt động cấp thấp hơn (CPA Australia, 2019). Vì vậy, các KTV khi thực hiện kiểm toán họ được kỳ vọng là những người hiểu biết về công nghệ để đảm nhận vai trò một cách hiệu quả. Chẳng hạn, KTV có thể quản lý và giám sát các chức năng trong một khối dữ liệu riêng tư và xử lý mọi tranh chấp phát sinh giữa những người dùng khối dữ liệu được chia sẻ. Họ có thể xác minh việc kích hoạt dữ liệu thông minh hoặc đánh giá mức độ phù hợp của nền tảng công nghệ sử dụng.

Những KTV mới bắt đầu sự nghiệp cần có kiến thức chuyên môn và phải thể hiện sự nhạy bén trong kinh doanh cũng như khả năng xét đoán chuyên môn trong công việc kiểm toán của họ sớm hơn rất nhiều so với trước đây (Davern và cộng sự, 2019). Trọng tâm công việc hiện nay của KTV không còn là xác nhận các giao dịch, mà là thu thập, giải thích và tư vấn dữ liệu với khách hàng để giúp khách hàng phát triển và nâng cao giá trị của họ. Vai trò mới của KTV yêu cầu kỹ năng cao hơn, chẳng hạn như tối ưu hóa vốn, cải thiện quy trình và kiểm soát chi phí, phân tích, giải quyết vấn đề và ra quyết định.

CPA Australia (2019) xác nhận, các công ty kiểm toán đã có những thay đổi về yêu cầu đối với dịch vụ họ cung cấp với giá trị gia tăng được đặt vào kiến thức chuyên môn. Hiện nay, các KTV hoạt động như một nhà giám sát tài chính ảo, sử dụng dữ liệu đo điểm chuẩn và các công cụ lập kế hoạch kinh doanh để giám sát hoạt động của tổ chức (CPA Australia, 2019).

Các công ty kiểm toán phải luôn nhanh nhạy với nhu cầu thị trường, mở rộng sang các lĩnh vực mới để thu hút, phục vụ và giữ chân khách hàng. Về cơ bản, vai trò của KTV đã chuyển từ “xác nhận thông tin thành cố vấn chiến lược’ (Blackline, 2020), đòi hỏi sự hiểu biết về toàn bộ hoạt động kinh doanh và đưa ra lời khuyên chiến lược dựa trên phân tích, dự báo và ra quyết định sáng suốt.

Sự phát triển công nghệ và những yêu cầu cần thiết về năng lực của người hành nghề kiểm toán

Diễn đàn Kinh tế thế giới (2018) cho rằng, các kỹ năng mong muốn của nghề kiểm toán được dự đoán sẽ thay đổi vào năm 2025. Các kỹ năng và trình độ cần thiết để hành nghề trong lĩnh vực kiểm toán đang thay đổi.

Hiện nay, mối lo ngại lớn của các nhà quản lý DN kiểm toán rằng, sinh viên mới tốt nghiệp không có sự kết hợp các kỹ năng phù hợp và không thích ứng với các yêu cầu kỹ năng ngày càng tăng (CPA Australia, 2019). Sự thiếu hụt nhân lực phù hợp này là rào cản chính trên toàn cầu đối với việc các công ty kiểm toán áp dụng trí tuệ nhân tạo (PWC, 2019). Các nhà quản lý đã có sự quan tâm đáng kể về ảnh hưởng của công nghệ đến các kỹ năng cần thiết của các sinh viên mới tốt nghiệp hay những người mới bắt đầu bước chân vào lĩnh vực này.

Jackson và cộng sự (2020) đã đề xuất khung năng lực bao gồm các kỹ năng, thuộc tính và thái độ được coi là quan trọng đối với công việc trong tương lai và được định hướng rộng rãi cho các sinh viên trong lĩnh vực kiểm toán sắp tốt nghiệp. Khung năng lực này nên được đưa vào chương trình giảng dạy ở trường các đại học, hoặc bởi hiệp hội nghề nghiệp hoặc đào tạo nội bộ trong DN kiểm toán (O’Connell và cộng sự, 2015). Khung năng lực này đề cập đến các kỹ năng mà một KTV mới vào nghề cần đạt được bao gồm:

Hợp tác trong thực hiện nhiệm vụ

Làm việc hiệu quả với người khác là một trong những kỹ năng quan trọng đối với nghề kiểm toán. KTV cần hợp tác, làm việc theo nhóm và thúc đẩy những người khác đạt được mục tiêu chung (EY, 2018). Họ phải làm việc với ban quản lý và các đồng nghiệp liên chức năng trong việc giải thích dữ liệu và truyền đạt ý nghĩa của dữ liệu đó đối với tổ chức (Pan và cộng sự, 2019). Họ được kỳ vọng phải có sự tự tin, khả năng gây ảnh hưởng và thuyết phục, ngay cả khi mới vào nghề (Chaplin, 2017). Khi tham gia một cuộc kiểm toán, các KTV cần có các đóng góp mang tính xây dựng vào các nhiệm vụ của nhóm thông qua giao tiếp hợp tác, giải quyết vấn đề, thảo luận và lập kế hoạch một cách trực tiếp hoặc gián tiếp theo các mốc thời gian đã thỏa thuận. Điều quan trọng để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, các KTV cần lắng nghe một cách khách quan và đặt vấn đề, nhận thức sự khác biệt về văn hóa giữa các thành viên nhóm sẽ thúc đẩy sự sáng tạo và đổi mới trong công việc (Hood, 2020). Nhìn chung, hiện nay các kỹ năng này chưa được phát triển ở các KTV và nghề này chưa tận dụng được lợi ích của môi trường làm việc đa dạng (CPA Australia, 2019).

Vì vậy, để các KTV có thể làm việc hiệu quả với đồng nghiệp và những người khác, họ cần đảm bảo kỹ năng làm việc nhóm: tham gia các hoạt động nhóm và đóng góp vào hoạt động chung của nhóm, tôn trọng, hỗ trợ và hợp tác các thành viên khác của nhóm. KTV phải có nhận thức xã hội tốt, có thể nhận thức được những cảm xúc và quan điểm phức tạp của người khác, phản ứng một cách nhạy cảm và phù hợp. Nhận thức về văn hóa và sự đa dạng của văn hóa trong nhóm làm việc. KTV cần làm việc chủ động và hòa hợp với mọi người từ các nhóm khác nhau. Ngoài ra, kỹ năng đàm phán cũng đóng vai trò quan trọng trong nghề nghiệp kiểm toán. KTV cần tích cực lắng nghe và thể hiện sự đồng cảm khi đưa ra quan điểm của mình để đạt được mục tiêu chung. Có thể giải quyết tốt các vấn đề gây tranh cãi và các vấn đề xung đột với các bên liên quan chính theo cách phù hợp và mang tính xây dựng.

Giao tiếp hiệu quả

Với khối lượng dữ liệu lớn thu thập được từ quá trình kiểm toán, KTV cần phải trình bày rõ ràng bằng cả lời nói và văn bản cho các thành viên nhóm kiểm toán, ban quản lý và khách hàng. Giao tiếp được thực hiện trên nhiều kênh, trong đó đối thoại trực tuyến hiệu quả là điều quan trọng trong nghề kiểm toán (Hood, 2020). Bộ kỹ năng giao tiếp được coi là một trong những kỹ năng quan trọng đối với các tổ chức kiểm toán, nhưng hiện nay kỹ năng này chưa được phát triển đầy đủ (CPA Australia, 2019).

KTV có thể giao tiếp hiệu quả thông qua lời nói một cách rõ ràng và chuyên nghiệp, thay đổi một cách thích hợp tùy theo từng đối tượng. Tìm kiếm, đưa ra và nhận phản hồi với các bên liên quan một cách phù hợp, mang tính xây dựng. KTV cần có khả năng thuyết trình trước đám đông một cách tự tin và theo phong cách phù hợp với người nghe, tham gia với tinh thần xây dựng trong các cuộc họp nhóm. Có khả năng nhận biết và phản ứng thích hợp với các tín hiệu phi ngôn ngữ. Giao tiếp bằng văn bản một cách rõ ràng, mạch lạc và chuyên nghiệp bằng cách sử dụng các định dạng bằng văn bản phù hợp nhất với đối tượng mục tiêu.

Nhận thức bản thân

Tự nhận thức bản thân, đặc biệt là thông qua phản ánh và đánh giá đúng về bản thân, được coi là nền tảng để làm việc hiệu quả và giao tiếp tốt với người khác (Psaila, 2018). Do tác động của công nghệ đối với nghề kiểm toán, các KTV phải nắm bắt sự thay đổi với việc học tập suốt đời và dự đoán các khả năng định hướng trong tương lai, liên tục đổi mới các kỹ năng của mình để theo kịp sự thay đổi của thực tiễn. Điều này rất quan trọng cho sự thành công của tổ chức kiểm toán cũng như để duy trì lợi thế của KTV trong thị trường lao động. Nhận thức bản thân được thể hiện qua việc KTV tự phản ánh và đánh giá đúng về khả năng thực hành cá nhân, giá trị, điểm mạnh và điểm yếu tại nơi làm việc. Tích cực tìm kiếm, theo dõi và đánh giá các cơ hội bền vững cho việc học tập cá nhân và nghề nghiệp. Phát triển các mục tiêu nghề nghiệp có ý nghĩa và thực tế cũng như lộ trình để đạt được chúng trong điều kiện thị trường lao động đang thay đổi. Phát triển và quảng bá thương hiệu cá nhân, phản ánh các giá trị cá nhân và thể hiện rõ ràng các điểm mạnh, khả năng và thành tích của mình.

Tư duy phản biện

Thực tế nghề nghiệp yêu cầu KTV phải phân tích tình huống thực tế và lập kế hoạch để đưa ra xét đoán chuyên nghiệp. Vì vậy, tư duy phản biện trở thành một trong số những kỹ năng quan trọng của nghề kiểm toán (CPA Australia, 2019).

KTV phải nhận biết và giải thích các mẫu chọn, các bằng chứng thu được trong tài liệu, tình huống và khái quát hóa chúng để hiểu được bức tranh tổng thể về tình hình hoạt động của khách hàng. Phân tích và đưa ra đánh giá một cách khách quan về các điểm chính, về các tài liệu và tình huống được kiểm tra.

Kỹ năng công nghệ thông tin

Cùng với sự phát triển công nghệ, gần đây các nhà tuyển dụng đang tìm kiếm những KTV có kỹ năng công nghệ thông tin, bao gồm trình độ cao về Excel, công cụ quản lý quan hệ khách hàng, phần mềm kế toán, phần mềm quản lý danh mục đầu tư, phần mềm kinh doanh thông minh và công nghệ dựa trên đám mây (Heath, 2018). Họ cần có khả năng áp dụng và giám sát công nghệ tự động hóa các nhiệm vụ quản trị trong DN. Chẳng hạn, KTV cần hiểu và sử dụng được các thiết bị phân tích dữ liệu đồng thời có thể mở rộng sang việc phát triển và thử nghiệm các mô hình cũng như kiểm tra các thuật toán (Pan và cộng sự, 2019). Có khả năng quản lý cơ sở dữ liệu, thu thập, phân tích và quản lý khối lượng lớn dữ liệu, đồng thời chuyển đổi dữ liệu đó thành thông tin hữu ích và chính xác phục vụ cho mục tiêu kiểm toán. Bên cạnh khả năng sử dụng dữ liệu, các KTV còn phải linh hoạt và nhanh nhẹn trong việc áp dụng các thiết bị và công nghệ mới vào quy trình làm việc (Blackline, 2020). Truy xuất, giải thích, đánh giá và sử dụng thông tin một cách thích hợp ở nhiều định dạng, thiết bị kỹ thuật số. Vì vậy, hiểu biết về công nghệ hiện là yêu cầu quan trọng nhất đối với những sinh viên mới ra trường hay những người mới bước đầu gia nhập nghề kiểm toán (Sage, 2019). Ngoài ra, người làm công tác kiểm toán đòi hỏi phải có kiến thức đầy đủ về kế toán tài chính để có thể đánh giá việc áp dụng các chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế phức tạp (ACCA, 2016).

  1. Kết luận

Tóm lại, sự phát triển công nghệ đã tạo ra những yêu cầu mới về kiến thức và kỹ năng cần thiết đối với người làm công tác kiểm toán. Sự giao thoa giữa công nghệ, kiến thức và tiêu chuẩn của người KTV ngày càng tăng. Điều này tạo ra cơ hội mới cho hoạt động đào tạo nguồn nhân lực mới, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động của các trường đào tạo nguồn nhân lực kế toán – kiểm toán. Bên cạnh đó, vai trò đào tạo nội bộ của các tổ chức và các hiệp hội nghề nghiệp trong việc trang bị kiến thức và kỹ năng công nghệ cần thiết cho đội ngũ sinh viên mới ra trường cũng như người mới bắt đầu nghề kiểm toán cũng được đặt lên hàng đầu.

 

Tài liệu tham khảo

Đào Xuân Tiên. (2021). Xu hướng phát triển công nghệ số trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0-những tác động, thách thức và cơ hội đối với lĩnh vực kế toán, kiểm toán, tạp chí kế toán và kiểm toán số 218 tháng 11/2021.

Trương Thị Hoài, Đào Thị Loan. (2019). Ứng dụng Blockchain vào lĩnh vực kế toán, kiểm toán trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, Tạp chí Tài chính, kỳ 2 tháng 5/2019.

Association of Chartered Certified Accountants. (2016). Drivers of change and future skills. ACCA.

Blackline. (2020). The six skills accountants need to survive the robot uprising. Blackline.

CPA Australia. (2019). CPA Australia’s my firm. My future. CPA Australia.

Chaplin, S. (2017). Accounting education and the prerequisite skills of accounting graduates: Are accounting firms’ moving the boundaries. Australian Accounting Review, 80(27), 61-70.

Davern, M., Weisner, M., & Fraser, N. (2019). Technology and the future of the profession. CPA Australia.

Heath. (2018). 5 hiring trends in the accounting and finance profession. In The Black. 02 Jan.

Jackson, D. E. N. I. S. E., Michelson, G. R. A. N. T., & Munir, R. A. H. A. T. (2020). The impact of technology on the desired skills of early career accountants. Melbourne: CPA Australia.

O’Connell, B., Carnegie, G., Carter, A., de Lange, P., Hancock, P., Helliar, C., & Watty, K. (2015). Shaping the future of accounting in business education in Australia. CPA Australia

Pan, G., Sun, S. P., Lee, B., & Yong, M. (2019). Charting the future of accountancy with AI. (pp. 6-13), CPA Australia. PWC. (2019). 22nd Annual global CEO survey. PWC

Sage. (2019). The practice of now 2019. Sage.

Tin tức liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *