Được sự đồng ý của Bộ Tài chính, sáng ngày 16/5/2016, tại Đồ Sơn, Hải Phòng, Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA) đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác quản lý hành nghề kế toán năm 2015 và thảo luận phương hướng hoạt động công tác quản lý hành nghề năm 2016.
Hội nghị vinh dự có sự hiện diện của đại diện Vụ Chế độ Kế toán và Kiểm toán, lãnh đạo Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA) cùng gần 100 kế toán viên, kiểm toán viên hành nghề đến từ các doanh nghiệp và hộ kinh doanh dịch vụ kế toán.
Nếu tính từ thời điểm Luật Kế toán được Quốc hội thông qua từ năm 2003, thì dịch vụ kế toán là công việc rất mới đối với Việt Nam. Năm 2007, VAA bắt đầu tiếp nhận từ Bộ Tài chính việc triển khai công tác quản lý hành nghề và thành lập ra Ban quản lý hành nghề kế toán. Mặc dù nhận thức của xã hội về ngành dịch vụ kế toán còn hạn chế và nó chưa được xem là một thông lệ đối với Việt Nam. Tuy nhiên, sau gần 10 năm, được sự quan tâm chỉ đạo của Lãnh đạo Hội và sự nỗ lực của Ban quản lý hành nghề kế toán, hoạt động dịch vụ kế toán dần dần được xã hội thừa nhận. Đó cũng là sự cố gắng của những người hành nghề hành nghề dịch vụ kế toán. Với một vài chục doanh nghiệp lúc đầu, đến nay (2015) đã có 109 doanh nghiệp với 254 kế toán viên hành nghề được VAA công khai đủ điều kiện hành nghề năm 2015 trên các phương tiện thông tin đại chúng, đạt được tốc độ phát triển bình quân hàng năm trên 30%.
Báo cáo tại Hội nghị cho biết, năm 2015, Ban quản lý hành nghề đã phối hợp với Chi hội kế toán hành nghề Việt Nam (VICA) tổ chức 14 lớp cập nhật kiến thức và 7 cuộc hội thảo với gần 2.000 lượt người tham gia, tăng gấp 2 lần so với năm 2014. Số giờ cập nhật của KTV hành nghề tăng lên rõ rệt do Ban quản lý hành nghề đã kịp thời đôn đốc các doanh nghiệp và KTV, kiểm soát chặt chẽ thời lượng cập nhật của từng người và mở các lớp cập nhật bổ sung cho KTV.
VAA đã chủ trì thành lập 3 đoàn kiểm tra và thực hiện kiểm tra chất lượng dịch vụ kế toán 16 công ty và 40 hồ sơ dịch vụ (do công ty tự chọn).
Năm 2015 là năm nền kinh tế còn nhiều khó khăn, trong đó, lĩnh vực dịch vụ kế toán, kiểm toán cũng gặp không ít khó khăn. Đặc biệt, vấn đề quan hệ kinh tế, quan hệ bạn hàng. Trong điều kiện đó, các doanh nghiệp đã có nhiều cố gắng, nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục trụ vững và phát triển. Năm 2016 sẽ có nhiều nét khởi sắc mới, nhưng chắc chắn cũng có nhiều thách thức. Cái lớn nhất của năm 2016 là chúng ta chuẩn bị để đưa Luật Kế toán 2015 vào cuộc sống (hiệu lực từ 1/1/ 2017).
Cũng tại Hội nghị, nhiều ý kiến đã tập chung thảo luận những vấn đề bức xúc ảnh hưởng đến các tổ chức và cá nhân hành nghề dịch vụ kế toán, như vấn đề “Tỷ lệ góp vốn của tổ chức, tỷ lệ góp vốn của các kế toán viên trong công ty TNHH dịch vụ kế toán, nhất là trong điều kiện nhân sự đăng ký hành nghề trong các doanh nghiệp dịch vụ kế toán chưa ổn định…”
Bà Bùi Thị Lệ Phương, Giám đốc Công ty dịch vụ kế toán thuế Centax cho rằng: Các công ty dịch vụ kế toán trong nước, phần lớn chỉ có 2 kế toán viên, việc KTV góp vốn chiếm tỷ lệ trên 50% vốn điều lệ thì không có vấn đề gì, vì các công ty dịch vụ này vốn đầu tư không nhiều, nhưng có vấn đề là phần lớn các đơn vị dịch vụ kế toán, nhân viên không ổn định. Hầu như, qua một vụ quyết toán là công ty mất nhân viên. Chính vì vậy, cần phải yêu cầu các kế toán viên góp vốn vào công ty để cam kết việc đồng hành của họ cùng DN. Nhưng “DN dịch vụ kế toán có vốn nước ngoài (DN nước ngoài) sẽ ảnh hưởng như thế nào nếu giữ nguyên tỷ lệ góp vốn như dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Kế toán 2015”
Ông Võ Tấn Hữu, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH I – Glocal cho rằng, nếu nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Kế toán 2015 được ban hành, giữ nguyên tỷ lệ góp vốn, thành viên là tổ chức tối đa 35% vốn điều lệ, của hai kế toán viên hành nghề trên 50%, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tổ chức và hoạt động của DN nước ngoài. Bởi, chủ DN thường là tổ chức nước ngoài, chiếm 100% vốn điều lệ. Do vậy, có những khả năng sẽ xảy ra như đóng cửa công ty, chuyển nhượng vốn điều lệ cho các kế toán viên hành nghề, tái cấu trúc hoạt động kinh doanh. Các doanh nghiệp nước ngoài thường kinh doanh đa ngành và vốn lớn, việc góp vốn trên 50% của kế toán viên là rất khó khăn…
“Gieo lúa, mới có lúa để gặt”
Ông Hồ Sỹ Liên, Công ty dịch vụ thuế Đồng Nai có ý kiến về sự phát triển hành nghề dịch vụ kế toán, làm sao để nghề này tương xứng, ngang tầm với nhu cầu đòi hỏi của xã hội hiện nay. Muốn phát triển, trước mắt Nhà nước phải cởi mở tư tưởng, mở rộng được người hành nghề. Cả nước có 64 tỉnh thành mà chỉ có 254 kế toán viên hành nghề so với mấy chục vạn DN đang tồn tại trên thị trường Việt Nam. Như vậy, là quá bất cập, Nhà nước cần phải cải cách trong việc tổ chức thi kế toán viên để làm sao những người muốn hành nghề kế toán sẽ dễ có được chứng chỉ hơn. Chúng ta phải gieo lúa mới có lúa để gặt. Chúng ta làm sao cho nó nẩy mầm, làm sao cho nó phát triển nhanh. Bởi quan hệ cung cầu nên chúng ta có kiểm tra, kiểm soát thì việc làm kế toán chui/rong vẫn tồn tại. Trong nền kinh tế mở cửa, hội nhập, Nhà nước cần có chính sách, có tầm nhìn để đưa việc hành nghề kế toán đi vào nền nếp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý. Nếu chúng ta còn yếu, kém thì thị trường dịch vụ nước ngoài sẽ chiếm lĩnh thị trường.
“Sai lầm khi cho rằng làm thuế tốt thì làm kế toán giỏi”
Ông Lê Văn Viên, Giám đốc công ty Tư vấn quản lý doanh nghiệp tại Nha Trang cũng có một vấn đề bức xúc cho nghề nghiệp của mình. Đó là sự cạnh tranh của những đại lý thuế. Nhiều đơn vị hành nghề đại lý thuế đã “treo đầu dê, bán thịt chó”. Đại lý thuế kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế theo quy định tại Luật Quản lý thuế và các quy định khác của pháp luật có liên quan chứ không đủ điểu kiện dinh doanh dịch vụ kế toán. Nhiều DN do chưa có sự hiểu biết nhiều về nghề nghiệp này nên cho rằng, làm thuế tốt là làm kế toán giỏi. Làm sao nộp ít thuế là tốt, nên họ đã tìm đến và thuê các đại lý thuế làm dịch vụ kế toán. Vì vậy, Tổng Cục thuế cần kiểm tra và xử lý những đại lý thuế có hoạt động không đúng với điều kiện cho phép, trong lĩnh vực hành nghề của mình.
PGS.TS Đặng Văn Thanh – Chủ tịch VAA đã đánh giá cao và tiếp thu những ý kiến của các doanh nghiệp và người hành nghề. Trong thời gian tới, VAA sẽ có nhiều văn bản kiến nghị với Bộ Tài chính, để sao cho nghề dịch vụ kế toán ngày càng phát triển ngang tầm, tương xứng với nhu cầu của xã hội, của giai đoạn mở cửa, hội nhập.