Sau đây là những chính sách nổi bật bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01 – 10/02/2016:
1. Hướng dẫn mới về bảo hiểm thất nghiệp
Ngày 01/02/2016, Thông tư 139/2015/TT-BQP hướng dẫn Nghị định 28/2015/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp trong Bộ Quốc phòng chính thức có hiệu lực. Theo đó:
Thời điểm đóng bảo hiểm thất nghiệp của người sử dụng lao động và người lao động là thời điểm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Mức đóng bảo hiểm thất nghiệp:
– Người lao động đóng bằng 1% tiền lương tháng.
– Người sử dụng lao động đóng bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
– Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và do ngân sách Trung ương bảo đảm.
2. Chính sách hỗ trợ người lao động bị thu hồi đất
Người lao động bị thu hồi đất, nếu có nhu cầu đào tạo nghề, giải quyết việc làm và đang trong độ tuổi lao động sẽ nhận được các chính sách hỗ trợ theo Quyết định 63/2015/QĐ-TTg. Cụ thể:
Người lao động bị thu hồi đất tham gia đào tạo nghề được hỗ trợ như sau:
– Đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng: Được hỗ trợ theo quy định tại Quyết định 46/2015/QĐ-TTg.
– Đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng: Được hỗ trợ học phí cho một khóa học.
Mức học phí được hỗ trợ bằng mức thu học phí thực tế của cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhưng tối đa không quá mức trần học phí đối với cơ sở giáo dục công lập theo quy định của pháp luật.
– Vay vốn theo quy định của chính sách tín dụng đối với học sinh, sinh viên.
Ngoài ra, Người lao động bị thu hồi đất còn được hỗ trợ giải quyết việc làm trong nước và hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Quyết định 63/2015/QĐ-TTg có hiệu lực từ 01/02/2016.
3. Đánh giá, phân loại người nộp thuế
Từ ngày 04/02/2016, dựa trên các điều kiện đánh giá quy định tại Khoản 3 Điều 16 Thông tư 204/2015/TT-BTC quy định về áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế, người nộp thuế được phân thành các loại sau:
– Loại 1. Người nộp thuế tuân thủ pháp luật thuế tốt.
– Loại 2. Người nộp thuế tuân thủ pháp luật thuế ở mức độ trung bình.
– Loại 3. Người nộp thuế tuân thủ pháp luật thuế ở mức độ thấp.
4. Giờ làm việc tiêu chuẩn cho người lao động
Thông tư 54/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động làm công việc sản xuất có tính thời vụ và công việc gia công hàng theo đơn đặt hàng sẽ có hiệu lực ngày 10/02/2016. Theo đó:
– Tổng số giờ làm việc tiêu chuẩn và số giờ làm thêm trong một ngày không quá 12 giờ; riêng đối với người lao động làm các nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm không quá 9 giờ.
– Giới hạn giờ làm việc tiêu chuẩn và giờ làm thêm theo tuần, tháng như sau:
+ Tổng số giờ làm việc tiêu chuẩn và số giờ làm thêm trong một tuần không quá 64 giờ; riêng đối với người lao động làm các nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm không quá 48 giờ.
+ Tổng số giờ làm thêm trong một tháng không quá 32 giờ; riêng đối với người lao động làm các nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm không quá 24 giờ.
– Tổng số giờ làm thêm trong một năm đối với mỗi người lao động không quá 300 giờ.
Thông tư này thay thế Thông tư 33/2011/TT-BLĐTBXH.
5. Trách nhiệm của thương nhân khi bán hàng miễn thuế
Từ ngày 10/02/2016, Thông tư 207/2015/TT-BTC về việc sửa đổi, bổ sung Thông tư 148/2015/TT-BTC hướng dẫn thi hành Quy chế kinh doanh bán hàng miễn thuế bắt đầu có hiệu lực thi hành.
Theo đó, thương nhân kinh doanh bán hàng miễn thuế cần lưu ý một số nội dung nổi bật như sau:
– Hàng hóa bán tại cửa hàng miễn thuế được thực hiện lưu giữ tại cửa hàng miễn thuế bao gồm cả kho chứa hàng miễn thuế trong thời gian quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 47 Luật Hải quan 2014.
– Việc sắp xếp, bố trí lưu giữ các mặt hàng trong kho chứa hàng miễn thuế phải được phân chia theo khu vực từng loại hàng, để thuận tiện cho việc kiểm tra, giám sát hải quan.
– Các chứng từ liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu ở cửa hàng miễn thuế, kho chứa hàng miễn thuế như tờ khai tạm nhập, tờ khai tái xuất, phiếu xuất kho, các bảng kê, báo cáo thanh khoản được lưu trữ theo quy định tại Điểm đ Khoản 2 Điều 18 Luật Hải quan 2014.
– Đối với các chứng từ bị điều chỉnh bởi quy định của Luật kế toán, thời hạn lưu trữ thực hiện theo quy định điều chỉnh tương ứng.
6. Đối tượng phải mua bảo hiểm bắt buộc trong đầu tư xây dựng
Theo Nghị định 119/2015/NĐ-CP, các đối tượng sau phải mua bảo hiểm bắt buộc trong đầu tư xây dựng:
– Trừ các công trình liên quan quốc phòng, an ninh, bí mật nhà nước, chủ đầu tư hoặc nhà thầu trong trường hợp phí BH công trình đã được tính vào giá hợp đồng phải mua bảo hiểm công trình trong thời gian xây dựng các công trình sau:
+ Công trình, hạng mục công trình có ảnh hưởng đến an toàn cộng đồng theo Phụ lục II Nghị định 46/2015/NĐ-CP, văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).
+ Công trình đầu tư xây dựng có ảnh hưởng lớn đến môi trường thuộc danh mục dự án phải đánh giá tác động môi trường theo Phụ lục II, III Nghị định 18/2015/NĐ-CP, văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).
+ Công trình có yêu cầu kỹ thuật đặc thù, điều kiện thi công xây dựng phức tạp theo quy định pháp luật về xây dựng và pháp luật khác có liên quan.
– Nhà thầu tư vấn phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp tư vấn đầu tư xây dựng với công việc khảo sát, thiết kế xây dựng của công trình từ cấp II trở lên.
– Nhà thầu thi công xây dựng phải mua bảo hiểm với người lao động thi công trên công trường.
Nghị định 119/2015/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/02/2016.
7. Hướng dẫn biện pháp quản lý rủi ro trong quản lý thuế
Ngày 21/12/2015, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 204/2015/TT-BTC quy định về áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế (QLT).
Theo đó, biện pháp, kỹ thuật quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ của cơ quan Thuế, bao gồm:
– Áp dụng tiêu chí quản lý rủi ro.
– Thu thập, xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu liên quan đến người nộp thuế (NNT); xây dựng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý rủi ro.
– Đánh giá việc tuân thủ pháp luật về thuế, đánh giá xếp hạng mức độ rủi ro đối với NNT.
– Phân tích rủi ro, xác định trọng điểm rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ QLT.
– Quản lý hồ sơ rủi ro đối với NNT phải giám sát trọng điểm trong công tác QLT có nguy cơ không tuân thủ pháp luật về thuế, gian lận thuế.
– Xây dựng, quản lý áp dụng danh sách NNT rủi ro.
– Ứng dụng hệ thống thông tin nghiệp vụ để xác định hình thức, mức độ quản lý, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra.
– Đo lường, đánh giá tuân thủ pháp luật thuế trong hoạt động nghiệp vụ QLT.
– Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra, đánh giá hiệu lực, hiệu quả thực hiện các biện pháp đôn đốc, kiểm tra, thanh tra và các biện pháp nghiệp vụ khác trong QLT đối với NNT.
Thông tư 204/2015/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 04/02/2016.
8. Quản lý thuế đối với mua bán hàng hóa của cư dân biên giớ
Ngày 31/12/2015, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 217/2015/TT-BTC hướng dẫn thủ tục hải quan; quản lý thuế đối với hoạt động thương mại biên giới (BG) của thương nhân và cư dân BG theo Quyết định 52/2015/QĐ-TTg.
Theo đó, chính sách quản lý thuế đối với hàng hóa mua bán, trao đổi qua cửa khẩu, lối mở BG của cư dân BG như sau:
– Hàng hóa nằm trong danh mục hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân BG nhưng vượt định mức miễn thuế tại Quyết định 52 thì Chi cục Hải quan cửa khẩu thực hiện tính thuế trên tờ khai hàng cư dân BG và thu thuế ngay tại cửa khẩu, lối mở.
– Hàng hóa của cư dân BG nằm ngoài Danh mục hàng hóa mua bán trao đổi cư dân BG thực hiện khai báo trên tờ khai hàng cư dân BG và phải thực hiện đầy đủ các quy định về chính sách mặt hàng.
– Đối với các cửa khẩu chưa có kho bạc thu thuế tại cửa khẩu thì cơ quan hải quan viết biên lai và thu thuế trực tiếp, việc chuyển số tiền thuế đã thu của người nộp thuế vào ngân sách nhà nước thực hiện theo Điều 10 Thông tư 126/2014/TT-BTC.
Thông tư 217/2015/TT-BTC có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký.
9. Chuyển nhượng vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp nhà nước
Ngày 31/12/2015, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 219/2015/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn và quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.
Theo đó, việc chuyển nhượng vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp nhà nước được quy định như sau:
– Đối với chuyển nhượng vốn tại công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên:
+ Thực hiện bán, chuyển nhượng với giá thỏa thuận trong trường hợp doanh nghiệp nhà nước yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp của mình hoặc chuyển nhượng cho thành viên khác trong công ty.
+ Bán đấu giá công khai hoặc thỏa thuận trực tiếp cho tổ chức, cá nhân không phải là thành viên.
– Đối với chuyển nhượng vốn tại công ty cổ phần:
+ Giá thoả thuận khi chuyển nhượng vốn (cổ phiếu) đã đăng ký, niêm yết phải đảm bảo trong biên độ giá giao dịch (giới hạn giao động giá của mã chứng khoán) tại ngày chuyển nhượng; và
+ Không được thấp hơn giá cổ phiếu xác định theo giá trị sổ sách của công ty, căn cứ vào tổng giá trị vốn chủ sở hữu chia cho vốn điều lệ của công ty tại thời điểm chuyển nhượng.
Thông tư 219/2015/TT-BTC có hiệu lực kể từ ngày 15/02/2016 và thay thế Thông tư 220/2013/TT-BTC.
10. Biểu thuế suất thuế nhập khẩu hàng hóa từ Lào
Ngày 31/12/2015, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 216/2015/TT-BTC hướng dẫn về thuế suất thuế nhập khẩu để thực hiện Hiệp định thương mại song phương giữa Việt Nam – Lào.
Theo đó, gồm 03 loại danh mục thuế suất như sau:
– Danh mục hàng hóa có xuất xứ từ Lào khi nhập khẩu vào Việt Nam được áp dụng giảm 50% mức thuế suất thuế nhập khẩu ATIGA.
– Danh mục hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ Lào khi nhập khẩu vào Việt Nam không được hưởng ưu đãi thuế quan.
– Danh mục hàng hóa có xuất xứ từ Lào khi nhập khẩu vào Việt Nam được áp dụng chế độ hạn ngạch thuế quan 0% hàng năm.
Thông tư 216/2015/TT-BTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14/02/2016 đến ngày 03/10/2020 và thay thế Thông tư 36/2012/TT-BTC.