Trong tuần qua (từ ngày 25 – 30/01/2016), Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam đã cập nhật được nhiều văn bản mới nổi bật. Cụ thể như sau:
1. Quy định về quyết toán dự án thuộc nguồn vốn nhà nước
Ngày 18/01/2016, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 09/2016/TT-BTC quy định về quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn nhà nước.
Thông tư quy định cụ thể về chi phí đầu tư được quyết toán như sau:
– Chi phí đầu tư được quyết toán là toàn bộ chi phí hợp pháp thực hiện trong quá trình đầu tư xây dựng để đưa dự án vào khai thác, sử dụng.
– Chi phí hợp pháp là toàn bộ các khoản chi phí thực hiện trong phạm vi dự án, thiết kế, dự toán được duyệt; hợp đồng được ký kết kể cả phần điều chỉnh, bổ sung được duyệt theo quy định và đúng thẩm quyền.
– Chi phí đầu tư được quyết toán phải nằm trong giới hạn tổng mức đầu tư được phê duyệt hoặc được điều chỉnh theo quy định của pháp luật.
Thông tư 09/2016/TT-BTC có hiệu lực ngày 05/3/2016, thay thế Thông tư 19/2011/TT-BTC và Thông tư 04/2014/TT-BTC.
2. Tỷ giá hạch toán USD tháng 02/2016
Ngày 29/01/2016, Kho bạc Nhà nước có Thông báo số 413/TB-KBNN về tỷ giá hạch toán ngoại tệ tháng 02/2016.
Theo đó, tỷ giá hạch toán giữa đồng Việt Nam với đôla Mỹ tháng 02/2016 là 1 USD = 21.903 đồng.
Như vậy, tỷ giá này đã tăng 13 đồng/USD (tỷ giá hạch toán tháng 01/2016 là 1 USD = 21.890 đồng).
Xem tỷ giá hạch toán giữa đồng Việt Nam với các ngoại tệ khác của tháng 02/2016 tại Phụ lục đính kèm theo Thông báo số 413/TB-KBNN.
3. Hướng dẫn mới về Hợp đồng thế chấp tài sản
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 10/2016/TT-BTC hướng dẫn thế chấp tài sản để bảo đảm cho khoản vay được Chính phủ bảo lãnh.
Theo đó, Hợp đồng thế chấp tài sản và Phụ lục Hợp đồng được hướng dẫn như sau:
– Đối với việc thế chấp tài sản đã hình thành: Bên nhận thế chấp và Bên thế chấp ký kết Hợp đồng thế chấp tài sản theo mẫu tại Phụ lục 1.
– Đối với việc thế chấp tài sản hình thành trong tương lai:
+ Bên nhận thế chấp và Bên thế chấp ký kết Hợp đồng thế chấp tài sản hình thành trong tương lai theo mẫu tại Phụ lục 2.
+ Bên nhận thế chấp và Bên thế chấp ký Phụ lục Hợp đồng thế chấp tài sản hình thành trong tương lai theo mẫu tại Phụ lục 3.
+ Trong trường hợp Bên thế chấp được cơ quan có thẩm quyền yêu cầu thay thế tài sản thế chấp, Bên nhận thế chấp và Bên thế chấp ký kết Phụ lục Hợp đồng thế chấp tài sản theo mẫu tại Phụ lục 4.
Thông tư 10/2016/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/03/2016.
4. Giảm thuế đối với một số hàng hóa môi trường
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 05/2016/TT-BTC sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số hàng hóa môi trường trong APEC thuộc nhóm 84.19 và 84.21 tại biểu thuế nhập khẩu ưu đãi.
Theo đó, thuế suất nhập khẩu ưu đãi đối với các loại thiết bị đun nước nóng, máy và thiết bị lọc hoặc tinh chế chất lỏng… sau đây sẽ giảm từ 10% về mức 5%:
– Mã hàng hóa: 8419.19.10 – Loại sử dụng trong gia đình.
– Mã hàng hóa: 8419.19.90 – Loại khác.
– Mã hàng hóa: 8421.21.11 – Máy và thiết bị lọc sử dụng trong gia đình.
– Mã hàng hóa: 8421.21.19 – Loại khác.
– Mã hàng hóa: 8421.21.23 – Không hoạt động bằng điện.
Thông tư 05/2016/TT-BTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 27/02/2016.
5. Thủ tục chứng thực việc sửa đổi, huỷ bỏ hợp đồng
Ngày 29/12/2015, Bộ Tư pháp ban hành Thông tư 20/2015/TT-BTP hướng dẫn Nghị định 23/2015/NĐ-CP về chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký, chứng thực hợp đồng và giao dịch.
Theo đó, Khi yêu cầu sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch theo quy định tại Điều 38 của Nghị định 23 thì người yêu cầu chứng thực phải xuất trình giấy tờ tùy thân còn giá trị sử dụng để người thực hiện chứng thực kiểm tra và nộp 01 bộ hồ sơ gồm các giấy tờ sau đây:
– Hợp đồng, giao dịch đã được chứng thực.
– Dự thảo hợp đồng, giao dịch sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch đã được chứng thực.
Trường hợp nội dung sửa đổi, bổ sung có liên quan đến tài sản thì phải nộp bản sao kèm bản chính để đối chiếu giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc bản sao giấy tờ thay thế được pháp luật quy định đối với tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng; trừ trường hợp người lập di chúc đang bị cái chết đe dọa đến tính mạng.
Thủ tục chứng thực được thực hiện theo quy định tại các Khoản 2,3,4 và 5 Điều 36 Nghị định 23.
6. Điều kiện thành lập Chi nhánh của thương nhân nước ngoài
Theo Nghị định 07/2016/NĐ-CP, một thương nhân nước ngoài không được thành lập nhiều hơn một Chi nhánh, Văn phòng đại diện (VPĐD) có cùng tên gọi trong phạm vi một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Đồng thời chỉ được cấp Giấy phép thành lập Chi nhánh, VPĐD khi đáp ứng các điều kiện sau:
– Thương nhân nước ngoài được thành lập, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc được pháp luật các quốc gia, vùng lãnh thổ này công nhận.
– Thương nhân nước ngoài đã hoạt động ít nhất 05 năm (đối với thành lập Chi nhánh) và 01 năm (đối với thành lập VPĐD), kể từ ngày được thành lập hoặc đăng ký.
– Trường hợp Giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của thương nhân nước ngoài có quy định thời hạn hoạt động thì thời hạn đó phải còn ít nhất là 01 năm tính từ ngày nộp hồ sơ.
– Nội dung hoạt động phải phù hợp với cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đối với Chi nhánh còn phải phù hợp với ngành nghề kinh doanh của thương nhân nước ngoài.
Xem chi tiết tại Điều 7 và 8 của Nghị định này.
Nghị định 07/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/3/2016.
7. Đã có Thông tư hướng dẫn giao dịch chứng khoán phái sinh
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 11/2016/TT-BTC hướng dẫn một số điều của Nghị định 42/2015/NĐ-CP về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh. Theo đó:
– Các sản phẩm chứng khoán phái sinh bao gồm: Hợp đồng tương lai chỉ số và hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ.
– Để thực hiện giao dịch chứng khoán phái sinh, nhà đầu tư phải mở một tài khoản giao dịch chứng khoán phái sinh tại thành viên giao dịch và tài khoản ký quỹ tại thành viên bù trừ được chỉ định.
Trường hợp nhà đầu tư đã có tài khoản giao dịch chứng khoán thông thường mở tại công ty chứng khoán đồng thời là thành viên giao dịch chứng khoán phái sinh thì nhà đầu tư được phép sử dụng tài khoản giao dịch chứng khoán nêu trên để thực hiện giao dịch chứng khoán phái sinh, sau khi đã mở tài khoản ký quỹ tại thành viên bù trừ được chỉ định.
Thông tư 11/2016/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/7/2016.
Từ ngày 11 – 20/02/2016, nhiều Nghị định mới bắt đầu có hiệu lực thi hành. Trong đó nổi bật là:
1. Điều kiện hưởng lương hưu lưu khi tham gia BHXH tự nguyện
Nghị định 134/2015/NĐ-CP quy định người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện hưởng lương hưu khi thuộc một trong các trường hợp sau:
(i) Người tham gia BHXH tự nguyện có thời gian tính hưởng chế độ hưu trí từ đủ 20 năm trở lên thì điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu là nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi, trừ trường hợp ii.
(ii) Trường hợp người tham gia BHXH tự nguyện có từ đủ 20 năm đóng BHXH bắt buộc trở lên thì điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu được thực hiện theo quy định tại các Khoản 1, 2 và 4 Điều 54 và Điều 55 của Luật BHXH.
(iii) Lao động nữ là người hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở cấp xã tham gia BHXH bắt buộc, đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại Khoản 3 Điều 54 của Luật BHXH mà bảo lưu thời gian đã đóng BHXH và tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện thì được hưởng lương hưu khi có yêu cầu.
Nghị định 134/2015/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/02/2016.
Nghị định 190/2007/NĐ-CP và Nghị định 134/2008/NĐ-CP hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Nghị định 134/2015/NĐ-CP có hiệu lực.
2. Quy định mới về khấu hao tài sản cố định
Theo Nghị định 04/2016/NĐ-CP, việc Khấu hao tài sản cố định tại đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính thực hiện như sau:
– Đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính có quyết định của cấp có thẩm quyền cho phép vận dụng cơ chế tài chính như doanh nghiệp hoặc thuộc đối tượng phải tính đủ khấu hao tài sản cố định vào giá dịch vụ sự nghiệp công theo lộ trình quy định tại Điều 10 Nghị định số 16/2015/NĐ-CP.
– Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính còn lại phải trích khấu hao đối với tài sản cố định sử dụng vào hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ, liên doanh, liên kết mà không hình thành pháp nhân mới hoặc cho thuê theo quy định của pháp luật.
– Phạm vi tài sản cố định thực hiện trích khấu hao bao gồm:
+ Tài sản cố định được sử dụng toàn bộ thời gian vào hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ, liên doanh, liên kết.
+ Tài sản cố định vừa sử dụng vào hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ, liên doanh, liên kết; vừa sử dụng vào hoạt động theo chức năng nhiệm vụ của đơn vị.
Nghị định 04/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 20/02/2016.
3. Quy định về mở tài khoản ngoại tệ tại nước ngoài
Ngày 31/12/2015, Chính phủ ban hành Nghị định 135/2015/NĐ-CP Quy định về đầu tư gián tiếp ra nước ngoài. Theo đó, quy định rõ về:
– Mở tài khoản ngoại tệ để tự doanh đầu tư gián tiếp ra nước ngoài.
– Mở tài khoản ngoại tệ để nhận ủy thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài.
– Mở tài khoản ngoại tệ tại nước ngoài.
Nghị định 135/2015/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/02/2016.
4. Hướng dẫn thời gian thẩm định dự án đầu tư công
Nghị định 136/2015/NĐ-CP quy định về thời gian thẩm định chương trình, dự án đầu tư công như sau:
– Đối với chương trình, dự án đầu tư không có cấu phần xây dựng, kể từ ngày cơ quan thẩm định nhận đủ hồ sơ hợp lệ là:
+ Chương trình mục tiêu quốc gia: Không quá 40 ngày.
+ Chương trình mục tiêu: Không quá 30 ngày.
+ Dự án nhóm A: không quá 40 ngày.
+ Dự án nhóm B: không quá 30 ngày.
+ Dự án nhóm C: không quá 20 ngày.
Quy định này chỉ áp dụng đối với khâu thẩm định để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quyết định đầu tư chương trình, dự án đầu tư công.
Thời gian thẩm định nội bộ ở các Bộ, ngành trung ương và địa phương do Người đứng đầu Bộ, ngành trung ương và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể.
– Đối với dự án có cấu phần xây dựng, thời gian thẩm định được quy định của pháp luật về xây dựng.
Nghị định 136/2015/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/02/2016.