TS. Nguyễn Thị Xuân Hồng* – PGS.TS. Trần Mạnh Dũng**
(*Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội – **Trường Đại học Kinh tế Quốc Dân).
Nhận: 18/10/2023
Biên tập: 19/10/2023
Duyệt đăng: 25/10/2023
Tóm tắt
“Trái phiếu chuyển đổi” là loại trái phiếu có thể chuyển đổi thành một số lượng cổ phiếu phổ thông nhất định của tổ chức phát hành sau thời điểm phát hành. Nó được coi là một loại công cụ tài chính của doanh nghiệp (DN) và cần tuân thủ theo những chuẩn mực liên quan đến công cụ tài chính. Bài viết này luận giải những quy định của chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) về đo lường, ghi nhận, trình bày và thuyết minh thông tin về công cụ tài chính phức hợp. Đồng thời, phân tích rõ hơn những quy định của chế độ kế toán Việt Nam về việc đo lường, ghi nhận, trình bày và thuyết minh khoản trái phiếu chuyển đổi do DN phát hành. Qua đó, nhận diện những điểm tương đồng trong những quy định của Việt Nam về phát hành công cụ nợ tài chính, là trái phiếu chuyển đổi với những nội dung trong IFRS về công cụ tài chính.
Từ khóa: trái phiếu chuyển đổi, công cụ tài chính,IFRS.
Abstract
Convertible bonds are bonds that can be converted into a certain number of common shares of the issuing organization after the time of issuance. It is considered a type of financial instrument for businesses and needs to be done manually according to standards related to financial instruments. This article discusses the provisions of the International Financial Reporting Standards (IFRS) on measuring, recording, presenting, and disclosing information about complex financial instruments. Besides, the research analyzes more clearly the regulations of the Vietnamese accounting regime on the measurement, recording, presentation, and explanation of convertible bond accounts of issuing enterprises. Thereby, identifying the similarities in Vietnam’s regulations on the issuance of financial debt instruments, namely convertible bonds, with the contents in IFRS on main financial instruments.
Keywords: convertible bonds, financial instruments, IFRS.
JEL Classifications: M40, M41, M49.
- Giới thiệu
“Trái phiếu chuyển đổi” là loại trái phiếu có thể chuyển đổi thành một số lượng cổ phiếu phổ thông nhất định của tổ chức phát hành sau thời điểm phát hành. Các công ty phát hành trái phiếu chuyển đổi vì hai lý do chính: một là, để tăng vốn chủ sở hữu mà không phải đưa thêm nhiều cổ phần có quyền kiểm soát hơn cần thiết và hai là, việc phát hành trái phiếu chuyển đổi cho phép công ty huy động vốn bằng nợ phải trả với lãi suất thấp hơn (Kieso et al., 2013).
Đối với kế toán tại các nước phát triển, thì kế toán trái phiếu chuyển đổi là một vấn đề không mới và được quy định khá rõ ràng trong các chuẩn mực cũng như các tài liệu hướng dẫn. Mặc dù, vẫn còn các tranh luận về cách thức kế toán đối với loại công cụ tài chính này.
Các IFRS đã được ban hành về công cụ tài chính, gồm: các Chuẩn mực IAS 39 – công cụ tài chính – Ghi nhận và xác định giá trị; IAS 32 – Công cụ tài chính: Chuẩn mực quốc tế về lập và trình bày báo cáo tài chính (BCTC); IFRS 7 – Công cụ tài chính: Thuyết minh thông tin và IFRS 9 – Công cụ tài chính. Từ khi được ban hành cho đến nay, các IFRS về công cụ tài chính thường xuyên được bổ sung và sửa đổi trong các năm qua.
Hiện nay, Việt Nam chưa ban hành chuẩn mực kế toán (CMKT) về công cụ tài chính. Tuy nhiên, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 210/2009/TT-BTC, về việc “Hướng dẫn áp dụng CMKT quốc tế về trình bày BCTC và thuyết minh thông tin đối với công cụ tài chính”. Việc đo lường và ghi nhận công cụ tài chính là trái phiếu được quy định cụ thể trong Thông tư 200/2014/TT-BTC. Bài viết này trình bày những quy định cơ bản quy định của chuẩn mực BCTC về công cụ tài chính và những quy định ở Việt Nam về trái phiếu chuyển đổi, để cho thấy sự tương đồng khi vận dụng chuẩn mực BCTC đối với kế toán loại công cụ tài chính này.
- Trái phiếu chuyển đổi
Theo IFRS 9, công cụ tài chính là hợp đồng cơ sở có chứa công cụ phái sinh chìm được gọi lại công cụ tài chính hợp thể (hybrid instrument). Trong đó, công cụ phái sinh chìm (Embedded derivatives) là một bộ phận hợp thành của một hợp đồng hợp thể (Hybrid contract), hợp đồng hợp thể này có hợp đồng chủ là phi phái sinh. Công cụ phái sinh chìm này khiến cho một vài hay tất cả luồng tiền của hợp đồng hợp thể thay đổi tương tự công cụ phái sinh, tức thay đổi theo sự thay đổi của lãi suất, giá hàng hóa, tỷ giá hối đoái, chỉ số giá, và xếp hạng tín dụng cụ thể (nếu biến số cơ sở là phi tài chính thì không được là biến số đặc thù của một bên tài chính). Các công cụ phái sinh chìm thường khó nhận biết hơn cả, vì được gắn với một hợp đồng cơ sở, như quyền chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu trong hợp đồng trái phiếu chuyển đổi.
Theo Nghị định số 156/ 2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020, trái phiếu chuyển đổi là loại trái phiếu có thể chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông của cùng một tổ chức phát hành theo các điều kiện đã được xác định trong phương án phát hành. DN phát hành trái phiếu chuyển đổi phải thực hiện các thủ tục và đáp ứng được các điều kiện phát hành trái phiếu chuyển đổi theo quy định của pháp luật. DN phản ánh giá trị phần nợ gốc của trái phiếu chuyển đổi tại thời điểm báo cáo vào phần nợ phải trả và phải mở sổ kế toán chi tiết, để theo dõi từng loại trái phiếu chuyển đổi theo từng loại kỳ hạn, lãi suất và mệnh giá.
Như vậy, nếu theo khái niệm của IFRS thì trái phiếu chuyển đổi do DN phát hành được coi là một loại công cụ tài chính, cụ thể là công cụ tài chính hợp thể.
- Kế toán trái phiếu chuyển đổi
3.1. Đo lường và ghi nhận trái phiếu chuyển đổi
3.1.1. Đo lường và ghi nhận tại thời điểm ban đầu
Theo IAS 32, khi phát hành một công cụ tài chính phi phái sinh, DN cần đánh giá các điều khoản của hợp đồng để xác định công cụ có bao gồm cả hai thành phần là nợ phải trả tài chính và công cụ vốn chủ sở hữu hay không? Nếu có, các bộ phận cấu thành của công cụ tài chính phải được phân loại một cách riêng rẽ thành các khoản nợ phải trả tài chính, tài sản tài chính hay công cụ vốn chủ sở hữu.
Theo Thông tư số 200/2014/ TTBTC, tại thời điểm phát hành trái phiếu chuyển đổi, DN phải tính toán và xác định riêng biệt giá trị cấu phần nợ (hay còn gọi là nợ gốc) và cấu phần vốn của trái phiếu chuyển đổi (quyền chọn cổ phiếu) của trái phiếu chuyển đổi được ghi nhận là vốn chủ sở hữu. Giá trị các cấu phần của trái phiếu chuyển đổi được xác định, như sau:
– Xác định giá trị phần nợ gốc:
Giá trị phần nợ gốc của trái phiếu chuyển đổi (thời điểm ghi nhận ban đầu) = Chiết khấu giá trị danh nghĩa của khoản thanh toán trong tương lai (gồm cả gốc và lãi trái phiếu) về giá trị hiện tại theo lãi suất của trái phiếu tương tự trên thị trường nhưng không có quyền chuyển đổi thành cổ phiếu – Chi phí phát hành trái phiếu chuyển đổi
Trong trường hợp không xác định được lãi suất của trái phiếu tương tự, DN được sử dụng lãi suất đi vay phổ biến trên thị trường tại thời điểm phát hành trái phiếu để xác định giá trị hiện tại của khoản thanh toán trong tương lai. Lãi suất đi vay phổ biến trên thị trường là lãi suất đi vay được sử dụng trong phần lớn các giao dịch trên thị trường. DN được chủ động xác định mức lãi suất đi vay phổ biến trên thị trường một cách phù hợp nhất với đặc điểm sản xuất, kinh doanh của DN và không trái với quy định của Ngân hàng Nhà nước.
– Giá trị cấu phần vốn được xác định:
Giá trị cấu phần vốn của TPCĐ = Tổng số tiền thu về từ việc phát hành TPCĐ (Giá phát hành – Chi phí phát hành TPCĐ) – Giá trị cấu phần nợ của TPCĐ tại thời điểm phát hành
Ví dụ: Ngày 01/01/20X3, Công ty Cổ phần X phát hành 10.000 trái phiếu chuyển đổi mệnh giá 1.000.000 đồng, kỳ hạn 3 năm, lãi suất danh nghĩa 12%/năm và trả lãi mỗi năm 01 lần, vào thời điểm cuối năm. Lãi suất của trái phiếu tương tự không được chuyển đổi là 15%/năm. Tại thời điểm đáo hạn, mỗi trái phiếu được chuyển đổi thành 100 cổ phiếu. Biết rằng, trái phiếu chuyển đổi được phát hành để huy động vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh thông thường (lãi vay được tính vào chi phí tài chính).
+ Việc xác định giá trị phần nợ gốc của trái phiếu chuyển đổi tại thời điểm ghi nhận ban đầu được xác định, như sau (giả sử bỏ qua chi phí phát hành):
Theo ví dụ này, tổng số tiền thu từ phát hành trái phiếu là 100.000.000.000đ. Trong đó, tổng giá trị hiện tại của khoản thanh toán trong tương lai, bao gồm cả gốc và lãi trái phiếu là 93.150.324.649đ. Giá trị này được xác định là giá trị của phần nợ gốc của trái phiếu chuyển đổi tại thời điểm ghi nhận ban đầu và được ghi nhận là nợ phải trả từ việc phát hành trái phiếu chuyển đổi.
+ Giá trị cấu phần Vốn của trái phiếu chuyển đổi (quyền chọn cổ phiếu), được xác định là:
100.000.000.000 – 93.150.324.649đ = 6.849.675.351đ
Khi đó:
++ DN ghi nhận giá trị cấu phần nợ là khoản Nợ phải trả (tài khoản sử dụng để theo dõi là TK 3432).
++ Giá trị cấu phần vốn được ghi nhận là vốn chủ sở hữu (tài khoản theo dõi khoản quyền chọn này là tài khoản 4113).
++ Bút toán ghi nhận, như sau:
Nợ TK 111, 112: tổng số thu từ phát hành trái phiếu chuyển đổi.
Có TK 3432: Giá trị cấu phần Nợ (phần nợ gốc).
Có TK 4113: Giá trị cấu phần Vốn (quyền chọn chuyển đổi trái phiếu).
-> Với ví dụ trên, thì bút toán ghi nhận như sau:
Nợ TK 112: 100.000.000.000
Có TK 3432: 93.150.324.649
Có TK 4113: 6.849.675.351
+ Nếu việc phát hành có các chi phí phát sinh thì kế toán sẽ ghi giảm mệnh giá, như sau:
Nợ TK 3432: Chi phí phát hành trái phiếu thực tế phát sinh
Có TK 111/112: Số tiền thanh toán chi phí phát hành trái phiếu
Như vậy, khi DN phát hành trái phiếu chuyển đổi là một dạng công cụ tài chính phái sinh, trong đó có công cụ phái sinh chìm là phần quyền chọn chuyển đổi cổ phiếu. Thông tư 200/2014 đã hướng dẫn DN cách xác định giá trị để tách riêng hai phần Nợ và Vốn, là hoàn toàn phù hợp theo quy định của IFRS.
3.1.2. Đo lường và ghi nhận sau thời điểm ban đầu
Theo IAS 39, sau ghi nhận ban đầu, DN đo lường tất cả các công cụ nợ phải trả tài chính theo nguyên giá phân bổ với việc sử dụng phương pháp lãi suất thực trừ (-) các khoản nợ phải trả tài chính, bao gồm: nợ phải trả tài chính giữ để kinh doanh và nợ phải trả tài chính được DN chỉ định vào nhóm này. DN có thể quản trị và đánh giá kết quả của nhóm các khoản nợ phải trả tài chính, bằng cách đo lường tất cả các công cụ tài chính này theo FVTPL để có thông tin thích hợp hơn cơ sở đo lường khác.
Theo Thông tư số 200/2014/TT-BTC, định kỳ kế toán phải điều chỉnh giá trị phần nợ gốc của trái phiếu, theo số chênh lệch giữa số lãi trái phiếu phải trả tính theo lãi suất của trái phiếu tương đương không có quyền chuyển đổi; hoặc lãi suất thực tế cao hơn số lãi trái phiếu phải trả tính theo lãi suất danh nghĩa.
Với ví dụ trên, việc xác định chi phí tài chính trong kỳ và điều chỉnh giá trị phần nợ gốc của trái phiếu chuyển đổi định kỳ (ở thời điểm cuối năm), như bảng 1)
Bảng 1: Phân bổ giá trị từng cấu phần của trái phiếu chuyển đổi
Đơn vị tính: đồng
(Nguồn: Tác giả tự lập)
– Kế toán ghi nhận việc điều chỉnh giá trị nợ gốc của trái phiếu chuyển đổi, cùng với số lãi trái phiếu phải trả tính theo lãi suất của trái phiếu tương tự không có quyền chuyển đổi; hoặc tính theo lãi suất đi vay phổ biến trên thị trường bằng bút toán:
Nợ TK 635 – Chi phí tài chính.
Nợ các TK 241, 627 (nếu vốn hoá).
Có TK 335 – Số lãi trái phiếu phải trả trong kỳ tính theo lãi suất danh nghĩa.
Có TK 3432 – Giá trị điều chỉnh nợ gốc của trái phiếu chuyển đổi.
– Với ví dụ trên, ở năm thứ nhất kế toán ghi nhận như sau:
Nợ TK 635: 13.972.548.697
Có TK 112: 12.000.000.000
Có TK 3432: 1.972.548.697
– Đối với chi phí phát hành trái phiếu (nếu có) thì định kỳ phân bổ vào chi phí tài chính:
Nợ TK 635, 241, 627
Có TK 3432 – Trái phiếu chuyển đổi.
Như vậy, theo định kỳ, giá trị cấu phần nợ được điều chỉnh tăng dần, sao cho đến khi đáo hạn tổng giá trị khoản nợ gốc về đúng giá trị của mệnh giá trái phiếu ban đầu.
3.1.3. Đo lường và ghi nhận tại thời điểm đáo hạn
IAS 39 quy định, DN sẽ loại bỏ công cụ tài chính là khoản nợ phải trả tài chính (toàn bộ hay một phần) khi và chỉ khi khoản nợ đó đã được thanh toán hay khi nghĩa vụ trong hợp đồng đã thanh toán, hủy bỏ hay đã thực thiện. Khi thanh toán nợ phải trả tài chính, phần chênh lệch phát sinh giữa giá trị ghi sổ và giá trị thanh toán cho đối tác được ghi nhận vào lãi hoặc lỗ trên báo cáo kết quả kinh doanh.
Theo Thông tư 200/2014/ TT-BTC, khi đáo hạn trái phiếu chuyển đổi, cần xóa bỏ cả giá trị cấu phần nợ và cấu phần vốn của trái phiếu.
Đối với giá trị cấu phần nợ, sau khi điều chỉnh định kỳ trong suốt thời gian phát hành trái phiếu chuyển đổi, thì tại thời điểm đáo hạn nợ gốc được xóa bỏ theo đúng giá trị theo mệnh giá phát hành của trái phiếu. Có hai lựa chọn của trái chủ trong việc chuyển đổi trái phiếu, là lựa chọn chuyển đổi thành cổ phiếu hoặc không. Kế toán xử lý giá trị nợ gốc trong 2 trường hợp, như sau:
– Trường hợp trái chủ không thực hiện quyền chọn chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu, DN thanh toán tương ứng với số tiền hoàn trả gốc trái phiếu.
Nợ TK 3432 – Trái phiếu chuyển đổi
Có TK 111, 112 – Số tiền thanh toán cho trái chủ.
– Trường hợp người nắm giữ trái phiếu thực hiện quyền chọn chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu, kế toán ghi giảm phần nợ gốc của trái phiếu chuyển đổi và ghi tăng vốn đầu tư của chủ sở hữu tương ứng với mệnh giá số cổ phiếu phát hành thêm. Phần chênh lệch giữa giá trị phần nợ gốc của trái phiếu chuyển đổi lớn hơn giá trị cổ phiếu phát hành thêm, tính theo mệnh giá được ghi nhận là khoản thặng dư vốn cổ phần.
Nợ TK 3432 – Trái phiếu chuyển đổi
Có TK 4111 – Vốn góp của chủ sở hữu (theo mệnh giá)
Có TK 4112 – Thặng dư vốn cổ phần (phần chênh lệch giữa giá trị cổ phiếu phát hành thêm tính theo mệnh giá và giá trị nợ gốc trái phiếu chuyển đổi).
– Đối với giá trị cấu phần vốn (giá trị quyền chọn cổ phiếu của trái phiếu chuyển đổi) đang phản ánh trong phần vốn chủ sở hữu được chuyển sang ghi nhận là thặng dư vốn cổ phần, mà không phụ thuộc vào việc người nắm giữ trái phiếu có thực hiện quyền chọn chuyển đổi thành cổ phiếu hay không? Theo đó, kế toán luôn ghi bút toán:
Nợ TK 4113 – Quyền chọn chuyển đổi trái phiếu.
Có TK 4112 – Thặng dư vốn cổ phần.
– Tiếp theo ví dụ trên, giả sử sau 3 năm, khi trái phiếu chuyển đổi đáo hạn, mệnh giá cổ phiếu hiện hành là 10.000đ/cổ phiếu. Người mua lựa chọn chuyển toàn bộ giá trị trái phiếu thành cổ phiếu, kế toán ghi:
Nợ TK 3432: 100.000.000.000
Có TK 4111: 100.000.000.000
– Đồng thời, kết chuyển giá trị quyền chọn:
Nợ TK 4113: 6.849.675.351
Có TK 4112: 6.849.675.351.
3.2. Trình bày và thuyết minh trái phiếu chuyển đổi
3.2.1. Trình bày thông tin về trái phiếu chuyển đổi
IAS 32 yêu cầu khi phát hành một công cụ tài chính phi phái sinh, DN cần đánh giá các điều khoản của hợp đồng để xác định công cụ đó có bao gồm cả hai thành phần là nợ phải trả tài chính và công cụ vốn chủ sở hữu hay không? Nếu có, các bộ phận cấu thành của công cụ tài chính phải được phân loại một cách riêng rẽ thành các khoản nợ phải trả tài chính hay công cụ vốn chủ sở hữu. Trường hợp DN phát hành trái phiếu chuyển đổi, cho phép người nắm giữ chuyển đổi thành một lượng cố định cổ phần phổ thông của DN, DN cần trình bày riêng biệt các bộ phận cấu thành của công cụ tài chính là: (i) nợ phải trả tài chính và (ii) quyền của người nắm giữ công cụ chuyển đổi thành công cụ vốn chủ sở hữu của DN.
Theo Thông tư số 210/2009/TT-BTC, tổ chức phát hành công cụ tài chính phi phái sinh phải xem xét các điều khoản trong công cụ tài chính để xác định liệu công cụ đó có bao gồm cả thành phần nợ phải trả và thành phần vốn chủ sở hữu hay không. Việc nhận biết các thành phần của công cụ tài chính phức hợp được căn cứ vào nghĩa vụ phải trả (nợ phải trả tài chính) của đơn vị tạo ra từ công cụ tài chính và quyền của người nắm giữ công cụ, để chuyển đổi thành công cụ vốn chủ sở hữu. Đối với trái phiếu chuyển đổi, có thể được chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông là công cụ tài chính phức hợp, gồm hai bộ phận: Nợ phải trả tài chính (thỏa thuận mang tính bắt buộc phải chi trả tiền mặt hoặc tài sản tài chính) và công cụ vốn chủ sở hữu (quyền chuyển đổi thành cổ phiếu trong một khoảng thời gian nhất định), thì được trình bày thành 2 phần: phần nợ phải trả và vốn chủ sở hữu.
– Phần giá trị nợ phải trả tài chính: tức là giá trị của công cụ phái sinh không thuộc phần vốn chủ sở hữu được trình bày trong phần nợ phải trả. Cụ thể, theo Thông tư 200/2014/TT-BTC, hướng dẫn chi tiết hơn đến từng chỉ tiêu trên BCTC, thì cấu phần nợ được trình bày trên chỉ tiêu “Trái phiếu chuyển đổi” (Mã số 339). Chỉ tiêu này phản ánh giá trị phần nợ gốc của trái phiếu chuyển đổi do DN phát hành tại thời điểm báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là số dư Có chi tiết của TK 343(2) – “Trái phiếu chuyển đổi”.
– Phần vốn chủ sở hữu (là quyền chọn chuyển đổi vốn chủ sở hữu) được được trình bày trong phần vốn chủ sở hữu: Thông tư số 200/2014/TT-BTC hướng dẫn trình bày cấu phần này trên chỉ tiêu “Quyền chọn chuyển đổi trái phiếu” (Mã số 413), chỉ tiêu này phản ánh giá trị cấu phần vốn của trái phiếu chuyển đổi do DN phát hành tại thời điểm báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là số dư Có chi tiết của TK 411(3) – “Quyền chọn chuyển đổi trái phiếu”.
Tiền lãi, cổ tức, lợi nhuận, các khoản lỗ và lãi có liên quan đến cấu phần nợ của trái phiếu chuyển đổi, được ghi nhận là chi phí trong báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh. Chi phí giao dịch liên quan đến việc phát hành trái phiếu chuyển đổi, được phân bổ cho các thành phần nợ phải trả và vốn chủ sở hữu của công cụ đó theo tỷ lệ. Các khoản lãi, lỗ phát sinh do những thay đổi giá trị ghi sổ nợ phải trả tài chính được ghi nhận là thu nhập hoặc chi phí trong báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh.
3.2.2. Thuyết minh thông tin về trái phiếu chuyển đổi
IFRS 7 yêu cầu, DN cần thuyết minh đầy đủ thông tin trên BCTC để người sử dụng đánh giá được: tầm quan trọng của các công cụ tài chính đối với tình trạng tài chính, kết quả kinh doanh của DN và bản chất, phạm vi các rủi ro phát sinh từ các công cụ tài chính trong kỳ báo cáo vào ngày lập BCTC, cũng như cách thức DN áp dụng để quản trị các rủi ro này.
Theo Thông tư số 210/2009/ TT-BTC, khi thuyết minh BCTC nhằm làm rõ hơn thông tin về công cụ tài chính là trái phiếu chuyển đổi của DN, cần phân nhóm công cụ tài chính phù hợp với bản chất của các thông tin được trình bày và có tính đến các đặc điểm của các công cụ tài chính đó. Đơn vị phải cung cấp đầy đủ thông tin, cho phép đối chiếu với các khoản mục tương ứng được trình bày trên Bảng cân đối kế toán. Phải trình bày thông tin cho phép người sử dụng BCTC đánh giá được mức độ trọng yếu của các công cụ tài chính đối với tình hình tài chính và kết quả hoạt động kinh doanh của đơn vị. Do vậy, đối với khoản trái phiếu chuyển đổi, DN cần thuyết minh rõ nguyên tắc xác định lãi suất thực tế dùng để chiết khấu dòng tiền đối với việc xác định cấu phần nợ và cấu phần vốn, đồng thời nêu rõ căn cứ xác định lãi suất thực tế (là lãi suất thị trường hay lãi suất ngân hàng thương mại hay lãi suất áp dụng đối với các khoản DN đi vay hoặc căn cứ khác).
Theo hướng dẫn tại Thông tư số 200/2014/TT-BTC, DN trình bày giải thích thêm về khoản vay do phát hành trái phiếu chuyển đổi trong Bảng cân đối kế toán ở Mục 21.2 – Trái phiếu chuyển đổi. Trong đó, nêu rõ giá trị, lãi suất, thời hạn, mệnh giá, đơn vị mua trái phiếu, mục đích phát hành, tài sản đảm bảo, tỷ lệ chuyển đổi thành cổ phiếu,…
- Kết luận và kiến nghị
Mặc dù, Bộ Tài chính chưa ban hành CMKT về công cụ tài chính nhưng so với những quy định trong IFRS thì việc đo lường, ghi nhận, trình bày và thuyết minh thông tin về trái phiếu chuyển đổi được thực hiện theo hướng dẫn của Thông tư số 210 năm 2009 và Thông tư số 200 năm 2014 tương đối phù hợp, đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin cho người sử dụng BCTC về tình hình nợ phải trả tài chính và vốn chủ sở hữu của DN. Tuy nhiên, trong điều kiện DN hoạt động liên tục kế toán tuân thủ nguyên tắc giá gốc, nên việc đánh giá lại trình bày và công bố thông tin khoản trái phiếu phát hành chưa được các cơ quan chức năng ban hành và hướng dẫn cụ thể.
Trong những năm gần đây, việc áp dụng các cơ sở định giá tài sản theo giá thị trường thay thế dần nguyên tắc giá gốc trong trình bày tài sản trên BCTC đang trở nên phổ biến tại nhiều quốc gia. Điều này cho thấy, xu thế định giá tài sản, nợ phải trả trên BCTC đang hướng đến giá trị hợp lý, kết hợp nhiều loại định giá khác nhau, nhằm đáp ứng đầy đủ hơn yêu cầu thông tin của người sử dụng và tạo thuận lợi cho công tác kế toán. Vì thế, trong thời gian tới, khi ban hành chế độ hướng dẫn về phát hành trái phiếu DN, các cơ quan chức năng cần bổ sung thêm các quy định về việc trình bày và công bố khoản nợ phải trả tài chính do phát hành trái phiếu theo giá trị hợp lý. Qua đó, giúp cho việc trình bày và công bố thông tin về tình hình tài chính của DN minh bạch và trung thực hơn; đồng thời tiến tới phù hợp hơn với IFRS, mà hiện nay đang được nghiên cứu và áp dụng tại Việt Nam.
Tài liệu tham khảo
Chính phủ. (2020). Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ban hành ngày 31/12/2020 về quy định chào bán, giao dịch trái phiếu DN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu DN ra thị trường quốc tế.
Bộ Tài chính. (2011). 26 CMKT Việt Nam, NXB Lao động.
Bộ Tài chính. (2009). Thông tư số 210/2009/TT/2009 ban hành ngày 6/11/2009 về việc “Hướng dẫn áp dụng CMKT quốc tế về trình bày BCTC và thuyết minh thông tin đối với công cụ tài chính”.
Bộ Tài chính. (2014). Thông tư số 200/2014/TT-BTC ban hành ngày 22/12/2014 về việc “Hướng dẫn chế độ kế toán DN”.
Kieso Donald E., Weygandt Jerry J. and Warfield Terry D. (2013). Intermediate Accounting, 15th ed, John Wiley & Sons, Inc., Hoboken, New Jersey, USA
Nguyễn Thế Lộc. (2010). Áp dụng CMKT quốc tế – Các vấn đề chuyên sâu về BCTC, NXB Phương Đông.