Nghiên cứu trao đổi

VẬN DỤNG KẾ TOÁN TRÁCH NHIỆM TRONG CÁC BỆNH VIỆN CÔNG LẬP

Tiêu đề VẬN DỤNG KẾ TOÁN TRÁCH NHIỆM TRONG CÁC BỆNH VIỆN CÔNG LẬP Ngày đăng 2016-08-02
Tác giả Admin Lượt xem 1028

(Đăng trên Tạp chí Kế toán và Kiểm toán số T5/2016)

Các bệnh viện thuộc tuyến trung ương có thể chăm sóc tốt sức khỏe và thể lực cho người dân thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc ở Việt Nam một cách trực tiếp và thuận lợi nhất, đó là Bệnh viện đa khoa TW Thái Nguyên và Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển, Uông Bí, Quảng Ninh. Đây là các bệnh viện công lập trực thuộc Bộ Y tế, là những bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh, đảm trách nhiệm vụ bệnh viện vùng, có chức năng khám, chữa, phòng bệnh và phục hồi chức năng cho bệnh nhân các tỉnh, thành phố khu vực miền núi phía Bắc ở tuyến cao nhất.
Hiện nay, các bệnh viện hạch toán kế toán tài chính theo QĐ 19/2006-BTC, nhằm cung cấp các thông tin cho các đối tượng bên trong và bên ngoài đơn vị. Tuy nhiên, nếu các bệnh viện có sự kết hợp giữa kế toán tài chính và KTQT, cụ thể là vận dụng KTTN sẽ đem lại hiệu quả cao hơn nữa trong việc quản lý tài chính tại bệnh viện.

Bản chất KTTN có thể được hiểu ở một số nội dung sau:
– KTTN là một nội dung cơ bản của KTQT, là quá trình thu thập, xử lý, tổng hợp, phân tích và cung cấp cấp các thông tin tài chính, phi tài chính dưới dạng báo cáo.
– KTTN được áp dụng ở những đơn vị có sự phân cấp, phân quyền trong cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý, biểu hiện của nó là việc thiết lập trách nhiệm, quyền hạn cho cá nhân nhà quản lý trong mỗi bộ phận thông qua các chỉ tiêu, công cụ và báo cáo bộ phận.
– NQT sử dụng KTTN để kiểm soát các hoạt động và đánh giá hiệu quả của từng bộ phận trong một tổ chức.
– Hệ thống KTTN hoạt động có hiệu quả là một hệ thống có một cấu trúc tổ chức thích hợp nhất với môi trường tổ chức hoạt động, với chiến lược tổng hợp của đơn vị.

Khi vận dụng KTTN trong bệnh viện công lập trực thuộc Bộ Y tế ở các tỉnh miền núi phía Bắc, cần phải đảm bảo một số các yêu cầu sau đây:
Thứ nhất, Hệ thống KTTN cần phải xem xét đến mô hình tổ chức bộ máy quản lý của các bệnh viện
Qua khảo sát các bệnh viện công lập trực thuộc Bộ Y tế ở các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam đều có mô hình bộ máy tổ chức quản lý trực tuyến – chức năng. Đứng đầu bệnh viện là Ban Giám đốc (GĐ) gồm 1 GĐ và các PGĐ: GĐ là người đứng đầu bệnh viện, chịu trách nhiệm trước cơ quan chủ quản về việc thực hiện các quy chế, quy định của Nhà nước, của ngành về công tác khám chữa bệnh, phòng bệnh, đào tạo và nghiên cứu khoa học, xây dựng cơ sở vật chất và đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Trợ lý gần nhất giúp việc cho GĐ là các PGĐ. Mỗi PGĐ được phân công phụ trách từng nội dung công việc: PGĐ phụ trách chuyên môn, PGĐ phụ trách tài chính… Sơ đồ bộ máy tổ chức quản lý trực tuyến – chức năng tại các bệnh viện công lập trực thuộc Bộ Y tế ở các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam.
Tuy nhiên, tùy theo quy mô của mỗi bệnh viện mà bộ máy quản lý có thể có đầy đủ hoặc hạn chế về số lượng các phòng ban chức năng, các khoa chuyên môn và khoa cận lâm sàng, các trung tâm và viện nghiên cứu hoặc các bộ phận dịch vụ khác. Về cơ bản, các bệnh viện công lập trực thuộc Bộ Y tế ở các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam, đều là các bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh, bộ máy quản lý trong bệnh viện được phân chia thành 3 khối chính: Khối các phòng ban chức năng (Phòng tổng hợp, phòng tài chính kế toán, phòng tổ chức cán bộ…), khối các khoa chuyên môn (Khoa nội, khoa ngoại, khoa sản, khoa nhi…), khối các khoa cận lâm sàng (Khoa hóa sinh, khoa xét nghiệm, khoa giải phẫu bệnh, khoa dược…). Ngoài ra, các bệnh viện còn hình thành các trung tâm hay viện nghiên cứu (Trung tâm huyết học, trung tâm ung bướu, trung tâm chỉ đạo tuyến…) và các bộ phận dịch vụ khác (Nhà thuốc bệnh viện, dịch vụ trông giữ xe, dịch vụ căng tin…). Cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý của các bệnh viện nêu trên, sẽ là một trong các yếu tố để thiết lập các trung tâm trách nhiệm, trong kế toán trách nhiệm trong các bệnh viện công lập.

Thứ hai, Hệ thống KTTN cần đặc biệt chú trọng tới yếu tố nguồn nhân lực, cụ thể là trình độ quản lý của các NQT bệnh viện
Trình độ làm việc của kế toán viên, trang thiết bị về cơ sở vật chất kỹ thuật, nhằm xử lý số liệu kế toán cần phải được cân nhắc khi thiết kế hệ thống KTTN: Nếu trình độ của kế toán đáp ứng yêu cầu công nghệ hiện đại và chuyên môn cao, cũng như bệnh viện được trang bị cơ sở vật chất, máy móc kỹ thuật, phần mềm xử lý số liệu tốt, thì bệnh viện có thể cân nhắc đến một hệ thống KTTN đầy đủ, từ việc thiết kế đầy đủ các trung tâm trách nhiệm, xây dựng hệ thống các phương pháp đánh giá các trung tâm trách nhiệm và thiết lập các báo cáo trách nhiệm cho các trung tâm trách nhiệm đó. Còn nếu bộ máy kế toán bệnh viện cũng như trang thiết bị tại bệnh viện còn hạn chế, thì hệ thống KTTN có thể tiếp cận từng bước hoặc thiết kế đơn giản về số lượng các trung tâm trách nhiệm, hạn chế trong phương pháp đánh giá các trung tâm trách nhiệm (chỉ sử dụng các phương pháp truyền thống) hoặc chỉ cần thiết lập những báo cáo trách nhiệm cơ bản, để đánh giá các trung tâm trách nhiệm tương ứng.
Trong mỗi bệnh viện, các NQT có trình độ khác nhau sẽ có những cách thức lãnh đạo khác nhau, có tầm nhìn khác nhau, có các chiến lược khác nhau, để đi đến mục đích chung nhất cho toàn bệnh viện. Do vậy, khi thiết kế hệ thống KTTN, các bệnh viện cũng phải căn cứ vào đặc điểm trên, để có được hệ thống KTTN phù hợp nhất với bệnh viện của mình.

Thứ ba, Yêu cầu vận dụng linh hoạt các thông tin của kế toán tài chính phục vụ cho nội dung của KTTN
Các thông tin trong kế toán tài chính và KTQT có mối quan hệ mật thiết, gắn bó chặt chẽ với nhau. Các bệnh viện công lập trực thuộc Bộ Y tế ở các tỉnh miền núi phía BắcViệt Nam, đều sử dụng kế toán tài chính cho công tác hạch toán kế toán, mà chưa coi trọng đến KTQT. Bởi vậy, muốn áp dụng nội dung KTQT trong các bệnh viện, thì rất cần thiết phải sử dụng các thông tin của kế toán tài chính phục vụ cho nội dung của KTQT. Do vậy, hệ thống kế toán cần phải phù hợp với các chính sách, chế độ tài chính của Nhà nước như: Luật NSNN, Luật Kế toán và các quy định cụ thể, đối với đơn vị sự nghiệp có thu công lập. Theo đó, việc vận dụng công tác kế toán trong các bệnh viện phải có tính kế thừa, chọn lọc và sáng tạo riêng cho nội dung của KTQT.

Thứ tư, Vận dụng hệ thống KTTN cần quan tâm đến chi phí bỏ ra và lợi ích có được từ việc sử dụng
Hiện nay, tất cả các bệnh viện công lập trực thuộc Bộ Y tế ở các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam đều chưa áp dụng hệ thống KTTN hoàn chỉnh, nếu có cũng chỉ là những nội dung có liên quan đến một khía cạnh của KTTN. Bởi vậy, muốn xây dựng một hệ thống KTTN trong mỗi bệnh viện cần có lộ trình và các bước chuẩn bị thật kỹ càng. 
Khi các bệnh viện bắt đầu thiết kế hệ thống KTTN, để sử dụng cho đơn vị mình, thì yếu tố chi phí là một trong những vấn đề hết sức quan trọng. Các NQT bệnh viện cần phải có bài toán so sánh chi phí cơ hội, có thể chi phí bỏ ra là cao so với mức chi trả cho bộ phận kế toán, tại thời điểm hiện tại nhưng lợi ích trong tương lai thu được lại có giá trị hơn rất nhiều. Bởi vậy, các NQT có thể cân nhắc vấn đề này.
Tuy nhiên, không phải cứ áp dụng hệ thống KTTN là các bệnh viện phải xây dựng một cách phức tạp, đầy đủ ngay từ ban đầu. Tùy vào quy mô và sự phân cấp quản lý trong mỗi bệnh viện, mà hệ thống KTTN có thể thiết kế một cách phù hợp, nhằm mang lại hiệu quả cao mà lại không gây lãng phí cho các bệnh viện.

Thứ năm, Hệ thống KTTN cần đảm bảo tính so sánh
Đây là một yêu cầu cơ bản trong kế toán. Các chỉ tiêu trong nội dung của KTTN, cần phải đảm bảo so sánh được với các chỉ tiêu kế hoạch, giúp cho NQT thực hiện nhiệm vụ, kiểm tra tình hình thực hiện kế hoạch đã đề ra. Từ đó, đánh giá mối tương quan lẫn nhau và sự thay đổi của các nhân tố ảnh hưởng của kỳ thực hiện so với kỳ kế hoạch.

Thứ sáu, Sự ràng buộc bởi cơ chế quản lý của Nhà nước 
Yêu cầu về vai trò quản lý của Nhà nước có ảnh hưởng không nhỏ tới việc vận dụng KTTN trong các bệnh viện công lập trực thuộc Bộ Y tế ở các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam. Các bệnh viện này, đều là các đơn vị sự nghiệp có thu công lập, thực hiện cơ chế tự chủ theo NĐ 16/2015/NĐ-CP, ngày 14/2/2015. Theo đó, các bệnh viện đều được khuyến khích tự chủ về tổ chức bộ máy quản lý và tự chủ về tài chính. Bởi vậy, việc vận dụng KTTN trong các bệnh viện này, sẽ được kiểm soát chặt chẽ bởi các cơ quan chức năng của Nhà nước mà trực tiếp là Bộ Y tế.

Tóm lại, các bệnh viện công lập trực thuộc Bộ Y tế ở các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam, muốn vận dụng hệ thống KTTN thì rất cần phải phát huy vai trò của KTQT. Thêm nữa, vận dụng hệ thống KTTN phải đảm bảo cơ chế quản lý của Nhà nước, vì đây sẽ là căn cứ, cơ sở để đảm bảo các quyền lợi trong nội bộ bệnh viện. Điều này thực sự cần thiết khi xảy ra các tranh chấp liên quan đến lợi ích của bệnh viện./.

Tài liệu tham khảo
1. Bộ Tài chính, 2015, Nghị định 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015. 
2. Bộ Y tế, 1997, Quản lý bệnh viện, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội
3. Bộ Y tế, 2005, Tổng quan về hệ thống bệnh viện Việt Nam, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội.
4. Nguyễn Thị Minh Phương, 2013, LATS, Xây dựng mô hình KTTN trong các doanh nghiệp sản xuất sữa Việt Nam, Đại học kinh tế quốc dân, Hà Nội.
5. Trương Bá Thanh, 2008, KTQT, NXBGD, Hà Nội
6. Thông tin tại các bệnh viện công lập trực thuộc Bộ Y tế ở các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam
7. Atkinson, A. Balakrishnan, R.Booth, P.Cote, J.M Groot, T.Malmi, T.Roberts, H.Uliana, E.Wu, 1997, New directions in management accounting research, Journal of Management Accounting Research
8. B.Venkatrathnam, Raji Reddy, Responsibility- accounting- conceptual – framework,http://www.docstoc.com.

Tin tức liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *