Nghiên cứu trao đổi

Vận dụng phương pháp tình huống thực hành trong giảng dạy môn Mô phỏng Nghiệp vụ Kế toán Việt Nam (Applying the case study method in teaching the subject of simulations of accounting profession in Vietnam)

Tiêu đề Vận dụng phương pháp tình huống thực hành trong giảng dạy môn Mô phỏng Nghiệp vụ Kế toán Việt Nam (Applying the case study method in teaching the subject of simulations of accounting profession in Vietnam) Ngày đăng 2018-01-29
Tác giả Admin Lượt xem 1926

(Đăng trên Tạp chí Kế toán và Kiểm toán, số T10/2017)

Nhận: 25/9/2017
Biên tập: 06/10/2017
Duyệt đăng: 18/10/2017

Mô phỏng Nghiệp vụ Kế toán Việt Nam, là một môn học thực hành mang tính đặc thù riêng. Môn học giúp người học hệ thống hóa những kiến thức lý thuyết đã học, áp dụng những kiến thức đó để thực hành những phần công việc thực tế, cụ thể. Thông qua môn học, giúp cho người học, rèn luyện kỹ năng và tư duy sáng tạo trong công việc. Đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập môn học này là việc làm cần thiết, giúp cho các trường đại học đào tạo được những lao động có kiến thức và kỹ năng tốt, cung cấp nguồn nhân lực cho xã hội.
Từ khóa: Kế toán; Phương pháp giảng dạy; Tình huống thực hành; Mô phỏng nghiệp vụ kế toán Việt Nam.
Abstract
Vietnam accounting simulation is a practice course that has its own unique characteristic. This course aims to help students generalize the learned literature and apply knowledge to specific real life working situations. It also helps students to pratice skills and creative thinkings at work. Therefore, the transformation of teaching methods for the Vietnam accounting simulation is necessary for universities to provide society the laborforce with fullfilled knowledge and skillsets.
Keywords: Accounting; Teaching Methods; Case Study; Viet Nam Accounting Simulation.

1. Đặt vấn đề
Từ xa xưa, trong dân gian đã có câu thành ngữ “Học phải đi đôi với hành”. Trong đó, “học” là học hỏi lý luận, học hỏi những kiến thức mới mà mình chưa tiếp cận được. Vậy còn “hành” là gì? Theo định nghĩa của từ điển thì, “hành” là “làm để áp dụng lý thuyết vào thực tiễn” hành là thể hiện những lý luận đó thành những hành động cụ thể, trong thực tế, để có được những kết quả cụ thể. Vì vậy, học mà không hành thì chỉ có lý luận suông, không có ích lợi trong thực tiễn.
Hiện nay, trong các trường đại học có đào tạo ngành kế toán. ở Việt Nam thì, ngoài các môn học về lý thuyết như: Nguyên lý Kế toán, Kế toán Tài chính, Kế toán quản trị,… các trường thường đưa vào giảng dạy các môn học thực hành về kế toán, để giúp cho người học có cách tiếp cận sâu hơn với thực tế. Từ đó, có thể dễ dàng và tự tin hơn khi tiếp súc với công việc sau khi ra trường.

Về cách thức truyền đạt và phương pháp giảng dạy thì hiện nay có rất nhiều phương pháp. Tuy nhiên, đối với đặc thù là môn học thực hành thì thông thường hiệu quả nhất là phương pháp giảng dạy tình huống. Phương pháp này, đòi hỏi giảng viên không ngừng nghiên cứu, sáng tạo để có những tình huống hay, tổ chức lớp học khoa học và đem lại nguồn cảm hứng sáng tạo, cho cả người học lẫn người dạy.

Bài viết này, tác giả trình bày quá trình vận dụng phương pháp giảng dạy tình huống thực hành cho môn học “Mô phỏng Nghiệp vụ Kế toán Việt Nam”. Đây là môn học thuộc khối kiến thức hỗ trợ trong chương trình đào tạo ngành kế toán. Môn học cung cấp cho sinh viên cách thức tổ chức bộ máy kế toán trong doanh nghiệp (DN), hướng dẫn một cách tỷ mỉ trình tự ghi chép chứng từ, sổ sách kế toán của tất cả các nghiệp vụ kinh tế phát sinh cho đến việc tổng hợp và lập các cáo cáo tài chính.

2. Cơ sở lý thuyết và phương pháp nghiên cứu

2.1 Khái niệm tình huống
Giảng dạy dựa trên tình huống đã có, một lịch sử hình thành và phát triển từ khá lâu. Theo ghi nhận hiện nay thì, các trường Luật là nơi áp dụng sớm nhất, từ những năm 1800, sau đó được áp dụng phổ biến trong các trường kinh doanh, từ những năm 1900 và hiện nay, nó được đưa vào sử dụng trong khoa học giáo dục, ở hầu hết các cấp học. Vậy, tình huống là gì?

Theo Hammond, J.S – Đại học Havard thì: “Case Study hay còn gọi là Case Method là phương pháp dạy học, thông qua nghiên cứu trường hợp điển hình. ở đây, người học được giới thiệu một tình huống cụ thể, có thật và được đặt vào vị trí của người ra quyết định, để giải quyết vấn đề trong tình huống ấy”.

Còn theo Boehrer, J. (1995): “Tình huống là một câu chuyện, có cốt chuyện và nhân vật, liên hệ đến một hoàn cảnh cụ thể, từ góc độ cá nhân hay nhóm và thường là hành động chưa hoàn chỉnh. Đó là một câu chuyện cụ thể và chi tiết, chuyển nét sống động và phức tạp của đời thực vào lớp học”.

Các tình huống nghiên cứu kế toán thông thường, được cung cấp thông tin cơ bản về một DN, về các nhà hoạch định chính và thông tin cơ bản khác có liên quan. Sau đó, sinh viên trình bày một vấn đề cần phải giải quyết, cùng với một số thông tin bổ sung mà có thể hữu ích khi giải quyết vấn đề bằng một giải pháp tối ưu nhất.

Như vậy, tình huống thực hành trong môn học Mô phỏng Nghiệp vụ Kế toán Việt Nam có nghĩa là, thực hiện một hành động cụ thể để làm một công việc theo hướng dẫn từ lý thuyết trở thành thực tế. Ví dụ như, khi đi học lý thuyết sinh viên được dạy rằng: “Nghiệp vụ kế toán phát sinh rút tiền gửi ngân hàng về nhập quỹ tiền mặt, thì định khoản là ghi Nợ tài khoản 111 và ghi Có tài khoản 112”. Như vậy, ở môn thực hành sinh viên phải biến “nghiệp vụ” trên thành hành động cụ thể như, phải biết viết một tấm Séc rút tiền như thế nào? Phải biết viết phiếu thu tiền mặt và phải biết ghi sổ kế toán, bảo quản chứng từ kế toán,… để thực hiện được những hành động trên thì người hướng dẫn tổ chức ra những tình huống cho sinh viên thực hiện, gọi là tình huống thực hành.

2.2 Phương pháp nghiên cứu
Căn cứ vào các nghiên cứu trước đây của các tác giả, cơ sở lý thuyết và ý kiến chuyên gia, kết quả khảo sát về thực trạng dạy và học các môn thực hành ngành kế toán, trong một số trường đại học, trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Tác giả tiến hành công tác nghiên cứu theo phương pháp định tính, dưa trên nguồn số liệu thu thập được xử lý dưới dạng thống kê mô tả.
Các số liệu nghiên cứu được sử dụng chủ yếu là số liệu thứ cấp, bao gồm: Các môn học về kế toán trong trương trình đào tạo, sĩ số lớp học các môn lý thuyết và thực hành, cách thức sắp sếp các học phần kế toán trong chương trình đào tạo, tại một số trường đại học, cao đẳng, mà tác giả là người trực tiếp tham gia.

3. Vận dụng vào thực tế
Để lớp học đạt được hiệu quả cao nhất sau khi học, giảng viên cần phải thực hiện công việc theo thứ tự sau: Xác định mục tiêu; Xác định tình huống; Chuẩn bị tình huống; Thiết bị, dụng cụ dạy và học; Tổ chức lớp học; Đánh giá.

3.1 Xác định mục tiêu
Mục tiêu tổng quát của môn học là phát triển kiến thức sâu, rộng cho người học. Phát triển khả năng xử lý công việc một cách độc lập, tự giác tìm tòi, nghiên cứu và nâng cao kỹ năng tổ chức từng phần hành công việc kế toán trong thực tế. Đối với môn học Mô phỏng Nghiệp vụ Kế toán Việt Nam thì, người học phải biết cách tổ chức hệ thống kế toán trong DN và hệ thống hóa một cách chi tiết các hình thức sổ sách kế toán, cách ghi chép lên hệ thống chứng từ và sổ sách kế toán từ việc mở sổ, ghi sổ, khóa sổ và lập các báo cáo kế toán.

Từ mục tiêu tổng quát của môn học, giảng viên xác định mục tiêu cụ thể của từng buổi học, xác định nội dung kiến thức cần truyền đạt của từng buổi học đến người học. Ví dụ, trong buổi học thực hành về hàng tồn kho thì, người học phải biết được phương pháp hạch toán hàng tồn kho, phương pháp tính giá hàng tồn kho, biết viết phiếu nhập kho, phiếu xuất kho, biết ghi sổ các nghiệp vụ kế toán liên quan đến hàng tồn kho,…

3.2 Xác định tình huống
Sau khi xác định mục tiêu cụ thể của buổi học, giảng viên sẽ xây dựng tình huống cụ thể, nhằm chuyển tải ý tưởng của người dạy sao cho đạt được hiệu quả cao nhất, đối với người học. Thông thường, tình huống của mỗi buổi học sẽ nằm trong kịch bản tổng thể của cả môn học. Tuy nhiên, đối với môn học về kế toán nếu cứ áp dụng tình huống máy móc theo kịch bản cho trước, sẽ rất khô khan và nhàm chán đối với người học. Do đó, thường thì người dạy sẽ tùy thuộc theo diễn biến từ thực tế lớp học “sáng tạo” ra các tình huống bất ngờ ngoài dự kiến, sẽ giúp cho lớp học sôi động hơn. Ví dụ như, tình huống xử lý về hàng tồn kho thì trong kịch bản dựng trước, sẽ có hai DN là đối tác của nhau với một bên là người mua hàng và một bên là nhà cung cấp, sau quá trình đàm phán về giá cả, hợp đồng sẽ xuất hiện đơn đặt hàng, giao hàng, nhận hàng và theo dõi công nợ,… trong quá trình thực hiện kịch bản cho trước này sẽ có một khâu nào đó bị “sai sót” thì ngay khi đó, giảng viên sẽ tận dụng cơ hội này để đưa ra tình huống mới, tạo không khí vui vẻ và tâm lý thoải mái cho người học.

3.3 Chuẩn bị tình huống
Để một tình huống diễn ra một cách tự nhiên, đúng như thực tế phát sinh hàng ngày, đòi hỏi người dạy phải có sự chuẩn bị hết sức chu đáo từ những chi tiết nhỏ nhất. Để làm được việc này, giảng viên phải là người có kiến thức lý thuyết vững vàng và đã từng trải qua thực tế công việc. Bởi khi tình huống xảy ra, giảng viên phải đối mặt với những câu hỏi từ thực tiễn của sinh viên và thường thì những câu hỏi này không có trong kịch bản định sẵn.

3.4 Thiết bị, dụng cụ dạy và học
Thiết bị, dụng cụ dạy và học là một yếu tố không thể thiếu trong sự thành công của một buổi học, một môn học. Phòng học môn Mô phỏng Nghiệp vụ Kế toán Việt Nam, cần phải được trang bị các thiết bị tối thiểu như: Máy tính nối mạng, máy in, máy fax, điện thoại,… Bên cạnh đó, là sự đầy đủ về biểu mẫu chứng từ kế toán, số kế toán và các thiết bị, dụng cụ văn phòng khác. Nói chung, sự đầy đủ sẽ mang lại hiệu quả cao trong học tập.

3.5 Tổ chức lớp học
Thông thường, một lớp học thực hành là 30 sinh viên, lúc này, tùy theo mục tiêu của từng buổi học và những tình huống được xây dựng cụ thể, giảng viên sẽ chia lớp học ra thành từng nhóm khác nhau, mỗi nhóm đại diện cho một chủ thể trong mối quan chung. Các thành viên trong nhóm được phân vai cho các vị trí khác nhau trong phòng kế toán, mỗi vị trí đòi hỏi phải đảm nhiệm tốt công việc của mình, không ảnh hưởng đến công việc của người khác. Ví dụ như, tình huống liên quan đến hàng tồn kho, giảng viên có thể chia lớp thành 4 nhóm khác nhau. Trong đó, một nhóm là đại diện cho phía người mua hàng, một nhóm là đại diện cho phía người bán hàng, hai nhóm còn lại sẽ là đại diện cho hai ngân hàng thanh toán mà ở đó người mua và người bán có mở tài khoản giao dịch,… Như vậy, tất cả sinh viên trong một lớp học đều sẽ được tham gia là một mắt xích trong một chuỗi hoạt động cung ứng. Sau khi thực hành một lượt xong thì các nhóm đổi vai cho nhau và thực hiện lại tình huống như ban đầu. Như vậy, một tình huống có thể “xoay tua” 4 lần trong một buổi học mà không gây nhàm chán, ngược lại người học cũng được trải nghiệm đủ các vị trí sẽ diễn ra trong thực tiễn.

3.6 Đánh giá

Đánh giá hợp lý và chính xác năng lực của từng người học cũng là một việc rất quan trọng góp phần mang lại thành công của môn học tình huống thực hành. Giảng viên cần phải quan sát kỹ, ghi chép đầy đủ, và phân tích rõ ràng từng điểm mạnh, điểm yếu của mỗi sinh viên, những ưu điểm cần phát huy, những nhược điểm cần sửa chữa khắc phục.
Đối với môn học thực hành, đánh giá không phải chỉ là những điểm số khô khan mà đánh giá còn là những lời khen ngợi, động viên, đề ra những giải pháp để người học phát huy tối đa sở trường của mình. Chính những điều này, sẽ giúp cho người học tiến bộ hơn.

4. Ưu, nhược điểm và biện pháp khắc phục

4.1 Ưu điểm
Thông qua việc thực hành các tình huống, sinh viên sẽ nhập vai một nhân vật nào đó với một vị trí nào đó, để thực hiện công việc cũng như hòa mình vào môi trường làm việc chung của một tập thể. Như vậy, người học sẽ có cơ hội ôn lại lý thuyết đã học, thực hành lại những kiến thức đã tiếp thu và sẽ nắm vững cách thức xử lý công việc hơn.
Một tình huống thực hành được lặp đi lặp lại nhiều lần, sẽ tạo điều kiện cho sinh viên rèn luyện kỹ năng tốt hơn.

4.2 Nhược điểm
Chìa khóa thành công của thực hành tình huống là sự hợp tác và chuẩn bị của sinh viên với giảng viên, nhưng có lẽ đây lại là điểm yếu lớn nhất khi áp dụng phương pháp này. Thực tế cho thấy, đa số sinh viên hiện nay rất lười tư duy, không chịu khó đổi mới sáng tạo, vẫn còn quen với cách học truyền thống.
Không phải giảng viên nào cũng xây dựng được các tình huống hay, lôi cuốn hấp dẫn sinh viên và không phải giảng viên nào cũng có thể vực được một tập thể toàn những người thụ động thành một lớp học hoàn hảo.

4.3 Biện pháp khắc phục
Đối với sinh viên: Sinh viên là đối tượng trực tiếp chịu sự ảnh hưởng của kết quả học tập đến tương lai của mình. Vì vậy, các bạn sinh viên cần có thái độ tích cực trong học tập, chủ động tham gia vào tình huống. Tích cực tìm hiểu thông tin, tài liệu liên quan đến các tình huống đã, đang và sẽ tham gia, phối hợp cùng giảng viên sáng tạo ra những tình huống mới, hấp dẫn để lôi cuốn các bạn sinh viên khác cùng tham gia, giúp cho lớp học đạt hiệu quả cao.

Đối với giảng viên: Giảng viên phải thường xuyên cập nhật kiến thức thực tế để xây dựng các tình huống có tính thực tiễn cao và phù hợp với từng đối tượng sinh viên cụ thể. Cần nắm bắt nhanh diễn biến tâm lý của người học, để điều chỉnh hành vi cho phù hợp.

Đối với nhà trường: Nhà trường cần quan tâm chú trọng hơn đến các môn học thực hành như thiết kế, xây dựng các phòng học thực hành chuyên biệt cho từng môn học cụ thể, quan tâm đến đội ngũ giảng viên giảng dạy các môn học thực hành, thiết kế chương trình học sao cho hài hòa giữa các môn thực hành với lý thuyết, bởi vì thông qua các môn học thực hành người học sẽ tự tin hơn khi đi làm thực tế.

5. Kết luận
Hiện nay, phương pháp giảng dạy tình huống đã trở nên phổ biến và được áp dụng ở rất nhiều ngành học của các trường đại học trên cả nước. Phương pháp này đem lại hiệu quả rất cao, đặc biệt là trong các môn thực hành ngành kế toán. Tuy nhiên, để thực hiện tốt phương pháp giảng dạy và học tập này, thì cần có sự phối hợp đồng bộ từ người học, người dạy đến nhà trường thì mới đạt được hiệu quả như mong muốn./.

Tài liệu tham khảo
[1] Kỷ yếu Hội thảo khoa học cấp thành phố (ESR 2017) – “Bàn về nội dung và phương pháp giảng dạy lĩnh vực Tài chính – Ngân hàng và Kế toán – Kiểm toán trong xu thế hội nhập”.
[2] Giáo trình “Mô phỏng Nghiệp vụ Kế toán Việt Nam”, Trường Đại học Công nghệ Tp.HCM.
[3] TS. Trần Văn Tùng (chủ biên), ThS. Trịnh Xuân Hưng. Thực hành Kế toán Tài chính (2017) – NXB Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh.
[4] TS. Trần Văn Tùng (chủ biên), Ths. Trịnh Xuân Hưng, ThS. Thái Thị Nho, Ths. Nguyễn Vương. Nguyên Lý Kế Toán (2017) – NXB Tài chính.

Tin tức liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *