Thông tin hoạt động - Tạp chí kế toán & kiểm toán

Về phân tích khả năng sinh lợi hoạt động và khả năng sinh lợi vốn chủ sở hữu trong các doanh nghiệp

Tiêu đề Về phân tích khả năng sinh lợi hoạt động và khả năng sinh lợi vốn chủ sở hữu trong các doanh nghiệp Ngày đăng 2015-09-28
Tác giả Admin Lượt xem 474

Khi phân tích khả năng sinh lợi (KNSL) nói riêng và phân tích hiệu quả
kinh doanh nói chung, việc xác định nội dung và chỉ tiêu cần phân tích là vấn
đề quan trọng hàng đầu đối với các nhà phân tích. Vì trên cơ sở nội dung cần
phân tích, các nhà phân tích mới có thể tiến hành xác định các công việc khác
của việc phân tích như: hệ thống chỉ tiêu phân tích, phương pháp và trình tự
phân tích, loại hình phân tích, báo cáo phân tích,… Tuy nhiên, do có nhiều
cách tiếp cận khác nhau về KNSL và quan điểm đánh giá về KNSL nên nội dung và
phương pháp phân tích về KNSL tại các doanh nghiệp (DN) là không giống nhau,
tùy thuộc vào quan điểm của các nhà phân tích. Bài viết sẽ đề cập đến nội dung
và trình tự, phương pháp để tiến hành phân tích KNSL hoạt động và KNSL vốn chủ
sở hữu (CSH) trong các DN trên cơ sở kết hợp phương pháp so sánh, phương pháp
thay thế liên hoàn và phương pháp Dupont để đánh giá chính xác và đầy đủ hơn về
các nhân tố ảnh hưởng đến KNSL hoạt động và KNSL của vốn CSH.

Phân tích KNSL hoạt động

Thực chất là so sánh kết quả thu
được từ hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ với doanh thu (DT) thuần về
những hoạt động này trong cùng một niên độ kế toán.

– Bước 1: Đánh giá khái quát KNSL
hoạt động

Khi đánh giá khái quát KNSL từ
hoạt động, có thể sử dụng các chỉ tiêu sau đây:

+ Sức sinh lợi từ lợi nhuận (LN) gộp:

Sức sinh lợi từ LN gộp là kết quả
so sánh giữa LN gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ (CCDV) với DT thuần, lãi
gộp là chênh lệch giữa giá bán và giá vốn (không tính đến chi phí kinh doanh (CPKD)
gồm chi phí bán hàng và quản lý), sức sinh lợi từ LN gộp biến động sẽ là nguyên
nhân trực tiếp ảnh hưởng đến LN, công thức xác định như sau:

Sức sinh lợi từ LN gộp = LN gộp
về bán hàng và CCDV/DT thuần (1.1)

Chỉ tiêu này thể hiện khả năng
trang trải CPKD, đặc biệt là chi phí bất biến (chi phí cố định) để đạt được LN.
Như vậy, chỉ tiêu này cho thấy sự hoàn thiện của DN về mặt sản xuất và lưu
thông nên có ảnh hưởng trực tiếp đến KNSL. Nếu sức sinh lợi từ LN gộp giảm, có
nghĩa là KNSL kém và ngược lại. Đồng thời, nếu mức giảm càng lớn thì chứng tỏ
tình hình tài chính và kinh doanh của DN đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Về
tiêu chuẩn để đánh giá chỉ tiêu này, thông thường, để tồn tại và phát triển,
đòi hỏi giá trị của chỉ tiêu này phải cao.

Chỉ tiêu này có thể tính toán
dưới dạng tỷ suất khi ta nhân kết quả tính toán với 100, lúc này còn được gọi
là “Tỷ suất LN gộp”, đơn vị biểu hiện là %, cho biết cứ 100 đồng DT thuần đem
lại mấy đồng LN gộp từ bán hàng và CCDV.

+ Sức sinh lợi từ LN thuần:

Sức sinh lợi từ LN thuần là kết
quả so sánh giữa LN thuần từ hoạt động kinh doanh (HĐKD) với DT thuần, LN thuần
ở đây bao gồm LN thuần từ hoạt động bán hàng và CCDV cộng với LN thuần từ hoạt
động tài chính, công thức xác định như sau:

Sức sinh lợi từ LN thuần = LN
thuần từ HĐKD/DT thuần (1.2)

Chỉ tiêu này cho biết một đồng DT
thuần có khả năng tạo ra bao nhiêu đồng LN thuần từ HĐKD. Như vậy, sức sinh lợi
từ LN thuần là thước đo chỉ rõ năng lực của DN trong việc sáng tạo ra LN và
năng lực cạnh tranh. Do trường hợp cá biệt, nếu chi phí sản xuất tăng, theo quy
luật cạnh tranh DN không thể tăng giá bán mà phải chấp nhận giảm LN của họ.
Ngược lại, nếu giá bán giảm, DN vẫn tìm mọi cách đảm bảo thu được LN thuần để
cho việc giảm giá bán không dẫn đến thua lỗ. Sức sinh lợi từ LN thuần được sử
dụng để so sánh giữa các DN cùng loại hình, có điều kiện sản xuất kinh
doanh  tương tự.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng,
sự khác nhau về ngành nghề sẽ làm cho đặc trưng của hệ số này khác nhau; thậm
chí, ngay cả khi cùng ngành nghề, nhưng nếu chiến lược và sách lược kinh doanh
khác nhau cũng sẽ làm cho hệ số của chỉ tiêu này có sự khác biệt giữa các DN;
nên khi so sánh, đối chiếu người phân tích cần thận trọng trong vấn đề nêu trên
giữa các DN.

Chỉ tiêu này cũng có thể tính
toán dưới dạng tỷ suất khi ta nhân kết quả tính toán với 100, lúc này còn được
gọi là “Tỷ suất LN thuần”, đơn vị biểu hiện là %, cho biết cứ 100 đồng DT thuần
đem lại mấy đồng LN thuần về bán hàng và CCDV.

+ Sức sinh lợi từ LN ròng (hay còn gọi sức sinh lợi của DT):

Sức sinh lợi từ LN ròng là kết
quả so sánh giữa LN ròng với DT thuần, LN ròng ở đây chính là LN sau thuế của
DN, công thức xác định như sau:

Sức sinh lợi từ LN ròng = LN ròng
(LN sau thuế)/DT thuần (1.3)

Chỉ tiêu này cho biết một đồng DT
thuần có khả năng tạo ra bao nhiêu đồng LN ròng (LN sau thuế). Như vậy, khi trị
số của chỉ tiêu càng lớn, sức sinh lợi của DT kinh doanh càng cao, hiệu quả
kinh doanh càng cao và ngược lại, khi trị số của chỉ tiêu càng nhỏ, KNSL của DT
càng thấp, hiệu quả kinh doanh càng thấp.

Chỉ tiêu này cũng có thể tính
toán dưới dạng tỷ suất khi ta nhân kết quả tính toán với 100, lúc này còn được
gọi là “Tỷ suất LN sau thuế”, đơn vị biểu hiện là %, cho biết cứ 100 đồng DT
thuần đem lại mấy đồng LN sau thuế.

– Bước 2: Phân tích nhân tố ảnh
hưởng đến sự biến động của KNSL hoạt động

Kết quả cuối cùng và cao nhất của
sinh lợi hoạt động là một đồng DT thuần đem lại mấy đồng LN sau thuế, hay còn
gọi là sức sinh lợi của DT thuần. Sức sinh lợi của DT thuần chịu ảnh hưởng của
hai nhân tố là DT thuần và LN sau thuế. Mức ảnh hưởng của từng nhân tố đến sự
biến động giữa kỳ phân tích với kỳ gốc của chỉ tiêu “Sức sinh lợi của DT thuần”
được xác định bằng phương pháp thay thế liên hoàn như sau:

Mức ảnh hưởng của nhân tố “DT
thuần” = LN sau thuế kỳ gốc/DT thuần kỳ phân tích – LN sau thuế kỳ gốc/DT thuần
kỳ gốc (1.4a)

Mức ảnh hưởng của nhân tố “LN sau
thuế” = LN sau thuế kỳ phân tích/DT thuần kỳ phân tích – LN sau thuế kỳ gốc/DT
thuần kỳ phân tích (1.4b)

– Bước 3: Tổng hợp nhân tố ảnh
hưởng, rút ra nhận xét, kết luận, kiến nghị

Trên cơ sở kết quả phân tích ở
trên, các nhà phân tích tiến hành tổng hợp ảnh hưởng của các nhân tố đến sự
biến động của chỉ tiêu phản ánh sức sinh lợi của DT thuần. Từ đó, rút ra các
nhận xét, kiến nghị và đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao KNSL của DT thuần.
Bên cạnh việc phân tích KNSL của DT thuần đối với LN sau thuế, người phân tích
có thể tiến hành phân tích đối với LN gộp hoặc LN thuần từ HĐKD của DN.

Phân tích KNSL của vốn CSH

Vốn CSH là một phần của tổng
nguồn vốn – được hình thành từ số vốn của các nhà đầu tư ban đầu lúc mới thành
lập (có thể bổ sung trong quá trình hoạt động), LN chưa phân phối và các quỹ
thuộc về CSH DN.

KNSL của vốn CSH là biểu hiện rõ
nét nhất cho KNSL của DN, vì tất cả mọi hoạt động của DN đều nhằm mục đích nâng
cao LN và giá trị vốn CSH. Trong thực tế cho thấy, KNSL của vốn CSH sẽ thay đổi
theo ngành nghề kinh doanh; chẳng hạn: trong ngành công nghiệp nặng, với chu kỳ
sản xuất dài, giá trị đầu tư vào tài sản cố định lớn nên chi phí khấu hao cao,
do đó làm giảm LN nên giá trị chỉ tiêu sinh lợi vốn CSH sẽ thấp, và có thể
ngược lại đối với một số ngành dịch vụ. Tuy nhiên, KNSL của vốn CSH cao không
phải lúc nào cũng hứa hẹn thuận lợi cho DN; bởi vì, khi tỷ trọng vốn CSH càng
nhỏ trong tổng nguồn vốn đồng nghĩa với việc DN phải đi huy động nợ phải trả để
tài trợ cho tài sản và các chi phí hoạt động của DN; khi nguồn nợ phải trả càng
lớn trong tổng nguồn vốn mà DN đang quản lý và sử dụng thì mức độ mạo hiểm sẽ
càng cao, nhất là luôn tiềm ẩn rủi ro về thanh toán và chi phí lãi vay.

Bên cạnh đó, muốn gia tăng LN
trong tương lai thì đòi hỏi tất yếu đối với DN là phải tăng tổng tài sản –
phương tiện vật chất cần thiết giúp cho DN đạt được mục tiêu LN. Tuy nhiên,
trong thực tế, vòng quay của tổng tài sản và sức sinh lợi của LN không phải
luôn tăng trưởng ổn định; trong khi đó, CSH đầu tư vốn vào DN luôn quan tâm đến
mức độ sinh lợi của đồng vốn mình bỏ ra. Vì vậy, DN cần phải luôn phân tích,
tính toán và xem xét KNSL của vốn CSH để trên cơ sở đó có những giải pháp tốt
nhất nhằm nâng cao LN, góp phần làm tăng KNSL của vốn CSH.

Để đánh giá hiệu quả sử dụng đối
với vốn CSH của DN ta có thể đánh giá thông qua chỉ tiêu KNSL của vốn CSH. Vì
qua phân tích KNSL của vốn CSH, các nhà quản lý sẽ đánh giá được trình độ, năng
lực quản lý và sử dụng vốn của DN, thấy được những nguyên nhân và nhân tố tác
động đến hiệu quả sử dụng vốn CSH. Từ đó, các nhà quản lý sẽ đề ra các quyết
định phù hợp để không ngừng nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, góp phần nâng cao
hiệu quả kinh doanh.

– Bước 1: Đánh giá khái quát KNSL
của vốn CSH

Chỉ tiêu “Sức sinh lợi của vốn
CSH” hay “Hệ số sinh lợi của vốn CSH” (Return On Equity – ROE) là chỉ tiêu hết
sức quan trọng sử dụng để đánh giá hiệu quả sử dụng của vốn CSH, công thức tính
chỉ tiêu này như sau:

Sức sinh lợi của vốn CSH (ROE) =
LN sau thuế/Vốn CSH bình quân (1.5)

Chỉ tiêu này cho biết một đồng (hay
một đơn vị) vốn CSH bình quân đầu tư vào kinh doanh mang về mấy đồng (hay mấy
đơn vị) LN sau thuế. Trị số của chỉ tiêu nếu tính ra càng lớn sẽ thể hiện khả
sinh lợi của vốn CSH càng cao, kéo theo hiệu quả kinh doanh càng cao và ngược
lại. Chỉ tiêu này cũng có thể tính toán dưới dạng tỷ suất khi ta nhân kết quả
tính toán với 100, lúc này còn được gọi là “Tỷ suất sinh lợi của vốn CSH”, đơn
vị biểu hiện là %, cho biết cứ 100 đồng vốn CSH bình quân đầu tư vào kinh doanh
mang về mấy đồng LN sau thuế.

Trên cơ sở tính toán chỉ tiêu
phản ánh KNSL của vốn CSH (ROE), bằng cách so sánh giữa kỳ phân tích với kỳ gốc,
so sánh sự biến động cả về số tuyệt đối và số tương đối của ROE, các nhà phân
tích sẽ dựa vào kết quả so sánh và ý nghĩa của chỉ tiêu để đánh giá.

– Bước 2: Phân tích nhân tố ảnh
hưởng đến sự biến động sức sinh lợi của vốn CSH

Sức sinh lợi của vốn CSH chịu ảnh
hưởng của hai nhân tố là vốn CSH bình quân và LN sau thuế. Mức ảnh hưởng của
từng nhân tố đến sự biến động giữa kỳ phân tích với kỳ gốc của chỉ tiêu “Sức
sinh lợi của vốn CSH” được xác định bằng phương pháp thay thế liên hoàn:

Mức ảnh hưởng của nhân tố “Vốn
CSH bình quân” = LN sau thuế kỳ gốc/Vốn CSH bình quân kỳ phân tích – LN sau
thuế kỳ gốc/Vốn CSH bình quân kỳ gốc (1.6a)

Mức ảnh hưởng của nhân tố “LN sau
thuế” = LN sau thuế kỳ phân tích/Vốn CSH bình quân kỳ phân tích – LN sau thuế
kỳ gốc/Vốn CSH bình quân kỳ phân tích (1.6b)

Để phản ánh được mối quan hệ giữa
các bộ phận phản ánh hiệu quả kinh doanh với cấu trúc tài chính và sức sinh lợi
của vốn CSH, cần sử dụng phương pháp Dupont kết hợp với phương pháp loại trừ và
tiến hành biến đổi công thức gốc xác định vốn CSH bằng cách nhân (x) tử số và
mẫu số với cùng tổng tài sản bình quân và với DT thuần, ta có:

Sức sinh lợi vốn CSH (ROE) = (Tổng
tài sản bình quân/Vốn CSH bình quân ) x (DT thuần/Tổng tài sản bình quân) x (LN
sau thuế/DT thuần) (1.7a)

Thay “Tổng tài sản bình quân”
bằng “Tổng nguồn vốn bình quân” vào công thức trên ta được:

Sức sinh lợi vốn CSH (ROE) = (Tổng
nguồn vốn bình quân/Vốn CSH bình quân) x (DT thuần/Tổng tài sản bình quân) x (LN
sau thuế/DT thuần) (1.7b)

Trong đó:

(Tổng nguồn vốn bình quân/Vốn CSH
bình quân) chính là chỉ tiêu “Đòn bẩy tài chính bình quân” (Average Financial
Leverage – AFL). Chỉ tiêu này phản ánh mối quan hệ giữa nợ phải trả với vốn CSH,
nó thể hiện chính sách sử dụng nợ phải trả của DN.

Từ đó, ta có: ROE = AFL x TAT x
ROS = AFL x ROA

Thông qua mối quan hệ này, các
nhà quản lý thấy được: Để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn CSH, cần có cấu trúc
tài chính phù hợp, an toàn (hay nói cách khác là vốn CSH phải chiếm một tỷ
trọng hợp lý trong tổng số nguồn vốn), số vòng quay của tổng tài sản lớn và số
LN sau thuế trên một đơn vị DT thuần phải lớn.

Mức ảnh hưởng của từng nhân tố
trên đến sự biến động của ROE có thể được xác định như sau:

Mức ảnh hưởng của AFL đến sự biến
động của ROE = Mức chênh lệch giữa kỳ phân tích với kỳ gốc của AFL x Trị số TAT
kỳ gốc x Trị số ROS kỳ gốc (1.8a)

Mức ảnh hưởng của TAT đến sự biến
động của ROE = Mức chênh lệch giữa kỳ phân tích với kỳ gốc của TAT x Trị số TAT
kỳ gốc x Trị số ROS kỳ gốc (1.8b)

Mức ảnh hưởng của ROS đến sự biến
động của ROE = Mức chênh lệch giữa kỳ phân tích với kỳ gốc của ROS x Trị số AFL
kỳ gốc x Trị số TAT kỳ phân tích (1.8c)

– Bước 3: Tổng hợp nhân tố ảnh
hưởng, rút ra nhận xét, kết luận, kiến nghị

Trên cơ sở kết quả phân tích ở
trên, các nhà phân tích tiến hành tổng hợp ảnh hưởng của các nhân tố đến sự
biến động của chỉ tiêu phản ánh sức sinh lợi của vốn CSH. Từ đó, rút ra các
nhận xét, kiến nghị và đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao KNSL của vốn CSH
DN./.

Ths.NCS. Nguyễn Thị Lệ Hằng

Đại học Quang Trung

Theo Tạp chí Kế toán và Kiểm toán

 

Tài liệu tham khảo

1. Ngô Thế Chi, Nguyễn Trọng Cơ (2009),
Giáo trình Phân tích tài chính DN, NXB Tài chính, Hà Nội.

2. Nguyễn Tấn Bình (2010), Phân tích
hoạt động DN, NXB  Thống kê.

3. Nguyễn Văn Công (2005), Chuyên khảo
về báo cáo tài chính và lập, đọc, kiểm tra, phân tích BCTC, NXB Tài chính, Hà
Nội.

4. Nguyễn Văn Công (2013), Giáo trình
Phân tích kinh doanh, NXB Đại học KTQD, Hà Nội.

5. Phạm Văn Dược, Huỳnh Đức Lộng, Lê Thị
Minh Tuyết (2011), Phân tích HĐKD, NXB Lao động.

Tin tức liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *