Nghiên cứu trao đổi

Xây dựng và phát triển mô hình đào tạo kết hợp giữa trường đại học và hội nghề nghiệp tại Việt Nam: Trường hợp Đại học Tôn Đức Thắng (TDTU) và Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA)

Tiêu đề Xây dựng và phát triển mô hình đào tạo kết hợp giữa trường đại học và hội nghề nghiệp tại Việt Nam: Trường hợp Đại học Tôn Đức Thắng (TDTU) và Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) Ngày đăng 2024-01-15
Tác giả Admin Lượt xem 150

TS. Trần Khánh Lâm*- TS. Hà Thị Ngọc Hà*

(*Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA)).

Nhận:           01/11/2023

Biên tập:      02/11/2023

Duyệt bài:    25/11/2023

Tóm tắt

Nghiên cứu về hình thức hợp tác giữa trường đại học và hội nghề nghiệp cho thấy, sự cần thiết của việc nâng cao mối quan hệ hợp tác giữa học thuật và hoạt động nghề nghiệp. Kết quả khảo sát chỉ ra rằng, các kỹ năng của sinh viên như sự lễ phép, tính chuyên nghiệp, tính kỷ luật và tinh thần phụng sự đều được đánh giá rất cao bởi các doanh nghiệp (DN). Nghiên cứu này sẽ là một tài liệu tham khảo hữu ích, để các trường đại học và hội nghề nghiệp có thể xác định mô hình hợp tác phù hợp và nâng cao mối quan hệ hợp tác.

Từ khóa: hợp tác đại học, hợp tác doanh nghiệp, mô hình đào tạo, gắn kết nhà trường và doanh nghiệp, hoạt động học thuật và nghề nghiệp.

Abstract

Research on models of cooperation between universities and professional associations shows the need to enhance the cooperative relationship between academic and professional activities. Survey results show that student skills such as politeness, professionalism, discipline, and spirit of service are highly appreciated by businesses. This study will be a useful reference for universities and professional associations to identify appropriate cooperation models and enhance cooperative relationships.

Keywords: university cooperation, business cooperation, training model, university  and business connection, academic and professional activities.

JEL Classifications: I20, I22, I29.

DOI: https://doi.org/10.59006/vnfa-jaa.11202305

  1. Đặt vấn đề

Theo dự báo của các chuyên gia, nhu cầu nhân lực có trình độ tại TP. Hồ Chí Minh trong giai đoạn 2015 – 2020 đến năm 2025 đang ngày càng tăng cao. Khối ngành kinh tế được xác định là một trong 08 nhóm ngành trọng điểm của TP. Hồ Chí Minh, với tỷ lệ chiếm 33% nhu cầu nhân lực qua đào tạo. Vì vậy, các trường đại học, cao đẳng và trung cấp nghề cần tăng cường chất lượng đào tạo để đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của DN và xã hội.

Tuy nhiên, chất lượng đào tạo ở nhiều trường đại học chưa đáp ứng sự phù hợp giữa đào tạo với thực tiễn, vẫn còn khoảng cách lớn giữa trình độ tay nghề của sinh viên mới ra trường và yêu cầu của các đơn vị sử dụng lao động (Nguyễn Đình Luận, 2015; Ngô Bỉnh Duy, 2017). Vì vậy, nhiều sinh viên sau khi đã tốt nghiệp các trường đại học vẫn không đáp ứng được yêu cầu công việc của DN.

Vì vậy, vấn đề liên kết đào tạo giữa nhà trường và DN cũng như các tổ chức nghề nghiệp/ủy ban phụ trách khối ngành nghề ngày càng được các trường đại học, cao đẳng coi trọng, nhằm đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng và hiểu biết thực tế hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN (Roth và Jornet, 2014; Nguyễn Đình Luận, 2015; Moctezuma và Mungaray, 2017; Phạm Văn Quân, 2019).

Việc hợp tác/liên kết được thể hiện dưới nhiều hình thức, như: hợp tác trong nghiên cứu và phát triển (R&D), trao đổi nhân sự (học giả, sinh viên và chuyên gia), thương mại hóa kết quả R&D, xây dựng và phổ biến chương trình đào tạo, học tập suốt đời, phát triển DN và quản trị; tiếp nhận sinh viên đến thực tập, tham quan thực tế; hỗ trợ chi phí và thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập,… (Lê Thị Hải Vân, 2018; Phạm Văn Quân, 2019).

Trong những năm gần đây, việc hợp tác/liên kết giữa trường Đại học Tôn Đức Thắng và VACPA đã đạt được những kết quả đáng kể, đặc biệt là trong việc đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các DN trong lĩnh vực kế toán – kiểm toán. Tuy nhiên, những hạn chế vẫn còn tồn tại và cần được cải thiện, để đảm bảo hiệu quả hợp tác/liên kết được nâng cao, bền vững hơn.

  1. Cơ sở lý thuyết

Cơ sở lý thuyết về quan hệ hợp tác giữa trường đại học và tổ chức nghề nghiệp

Ngày nay, quan hệ giữa trường đại học và các DN không chỉ được biểu hiện bằng mối quan hệ trực tiếp mà còn là gián tiếp, thông qua các tổ chức/ủy ban xã hội nghề nghiệp nói chung, cũng như hội nghề nghiệp – Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) nói riêng, chưa thực sự được quan tâm nghiên cứu.

Theo Chernikova (2016), quan hệ giữa trường đại học và tổ chức xã hội nghề nghiệp cũng góp phần xóa bỏ rào cản giữa lý thuyết và thực tiễn. Mối quan hệ này được minh họa bằng thuật ngữ “Collaborations“ hoặc “Partnership“ thường được thể hiện qua các hình thức, như: thực hiện dự án nghiên cứu; trao đổi học tập; học bổng và thực tập nghề nghiệp.

Một số mô hình liên kết giữa nhà trường và DN thông qua tổ chức nghề nghiệp

Ở nước ta, thời gian qua cũng đã có rất nhiều nhà nghiên cứu cũng như các trường đại học quan tâm, tìm kiếm mô hình liên kết nhằm nâng tầm vai trò của trường đại học:  Davos-Klosters (2014); Nguyễn Đình Luận (2015); Moctezuma và Mungaray (2017); Lê Thị Hải Vân (2018); Phạm Văn Quân (2019).

Một số mô hình liên kết giữa trường đại học với tổ chức/ủy ban nghề nghiệp (tổ chức/ủy ban nghề nghiệp của nước ngoài, như: tổ chức BIBB của Đức, Liên đoàn DN Nauy, Tổ chức ASQA của Úc và Malaysia được vận dụng ở Việt Nam hiện nay.

Mô hình đào tạo của Đức (Mô hình kép – Lợi ích kép)

Mô hình này cho phép có sự phối hợp ba bên: nhà trường, sinh viên và DN. Theo mô hình này, sự kết hợp giữa việc học nghề theo định hướng 30/70, tương ứng với học 30% lý thuyết tại trường và 70% rèn luyện kiến thức thực tế tại xưởng (do DN hỗ trợ đặt tại nhà trường hoặc tại xưởng của DN). Để đảm bảo sự thành công của DN và nhà trường, mô hình này đòi hỏi phải có hợp đồng liên kết/đào tạo rõ ràng giữa nhà trường và DN.

Mô hình đào tạo của Nauy (Mô hình linh hoạt)

Mô hình này được hình thành trên định hướng ban đầu là 2+2, nghĩa là sinh viên được học 2 năm ở nhà trường và 2 năm học thực hành tại DN. Sau đó, mô hình này đã được các trường vận dụng và chuyển thể thành các mô hình như 1+3 nghĩa là 1 năm học ở nhà trường và 3 năm ở DN và mô hình 0+4 là học nghề 4 năm liên tiếp tại DN. Việc sử dụng mô hình nào cần căn cứ vào đặc điểm ngành nghề, khả năng của nhà trường và sự sẵn lòng tham gia từ phía DN.

Mô hình đào tạo của Úc

Mô hình đào tạo của Úc là một mô hình tích hợp, trong đó sinh viên không chỉ được học với giảng viên mà còn được học từ các chuyên gia chuyên về lĩnh vực được đào tạo. Các chuyên gia này được đưa vào trường bởi các DN hoặc giới thiệu bởi các DN. Sinh viên sẽ học tập tại trường, đồng thời thực hành tại DN dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia. Ngoài ra, các trường đại học Úc còn liên kết với các hội nghề nghiệp (như CPAA) để đảm bảo rằng, đào tạo đáp ứng nhu cầu thực tế của các DN và đảm bảo hướng đầu ra tốt nhất cho sinh viên.

Mô hình đào tạo của Malaysia

Ở Malaysia, Bộ Giáo dục đang theo đuổi việc đào tạo chuyên sâu tại DN để đảm bảo rằng, các chương trình đào tạo đáp ứng được các tiêu chuẩn đầu ra và yêu cầu học tập từ sự chuyên nghiệp. Để đạt được điều này, Bộ Giáo dục đã tiến hành thiết kế lại chương trình đào tạo đại học với 03 hướng đi chính: tích hợp trung bình chuẩn đầu ra (iCGPA), chương trình giảng viên lãnh đạo (CEO faculty programme) và chương trình gắn kết với DN (2u2i).

Hình thức liên kết giữa nhà trường và tổ chức nghề nghiệp

Liên kết giữa trường đại học và tổ chức nghề nghiệp được thể hiện qua nhiều hình thức khác nhau. Trong đó, 4 hình thức phổ biến nhất là: hợp tác nghiên cứu, trao đổi học tập, cung cấp học bổng và thực tập nghề nghiệp (Chernikova, 2016).

Trong số các hình thức liên kết giữa trường đại học và tổ chức nghề nghiệp, thực tập nghề nghiệp được coi là một trong những hình thức quan trọng nhất. Cụ thể các hình thức liên kết, như sau:

Liên kết trong đào tạo

Bao gồm liên kết trao đổi nguồn nhân lực; liên kết thực hiện các chương trình đào tạo ngắn hạn và dài hạn; liên kết tổ chức thực tập thực tế cho sinh viên; liên kết thành lập hội đồng tư vấn đào tạo và xây dựng các chương trình đào tạo.

Liên kết trong nghiên cứu

Bao gồm hình thức DN tài trợ cho hoạt động nghiên cứu của nhà trường theo đơn đặt hàng từ phía DN; thành lập nhóm nghiên cứu giữa nhà trường và DN; phối hợp tổ chức các hội nghị và hội thảo; thành lập trung tâm nghiên cứu giữa trường đại học và DN.

Hợp tác tư vấn

Thực hiện điều tra tiếp thị hoặc các hình thức khác (để đánh giá nhu cầu DN về nhân sự và vạch ra phương pháp quản lý nhân sự cho DN); thành lập ủy ban tư vấn để xây dựng chương trình giảng dạy; tổ chức các cuộc họp và seminar về thách thức của biến động kinh tế; DN sử dụng giảng viên của nhà trường để nghiên cứu thị trường và cho phép DN tiếp cận những tài liệu của trường học.

Xây dựng vườn ươm DN

Bao gồm tổ chức đào tạo khởi nghiệp cho giảng viên và sinh viên; xây dựng trung tâm nghiên cứu; tổ chức các diễn đàn và hội nghị về các DN mạo hiểm.

  1. Phương pháp nghiên cứu

Có thể nhận thấy, nghiên cứu về liên kết giữa nhà trường và các tổ chức xã hội, đặc biệt là các hội nghề nghiệp là xu hướng tất yếu để cải thiện và nâng tầm quan hệ hợp tác. Để đạt được mục tiêu này, một số vấn đề cần giải quyết trong nghiên cứu này, bao gồm:

Thực trạng về liên kết giữa TDTU và VACPA

Sử dụng dữ liệu thứ cấp về kết quả hợp tác giữa TDTU và VACPA từ 2016 đến nay. Dữ liệu được thu thập, tổng hợp, phân tích và bàn luận về sự đánh giá, hài lòng của các thành viên VACPA và Khoa Kế toán của TDTU, đối với thực trạng hợp tác và nhu cầu nâng tầm hình thức hợp tác giữa hai đơn vị. Đồng thời, bảng khảo sát cũng được gửi cho các DN để đánh giá về sinh viên ở các khía cạnh kỷ luật; lễ phép; chuyên nghiệp; sáng tạo và phụng sự, làm cơ sở chứng minh cho kết quả của quan hệ hợp tác giữa TDTU và VACPA.

Lựa chọn mô hình liên kết và hình thức liên kết phù hợp

Thông qua việc so sánh lần lượt giữa 4 mô hình được đề cập trong cơ sở lý luận và thực tiễn liên kết giữa TDTU và VACPA, để đưa ra nhận định về mô hình và các hình thức hợp tác phù hợp.

Xây dựng/đề xuất các giải pháp/khuyến nghị để nâng tầm quan hệ hợp tác giữa TDTU và VACPA

Bằng cách tổng hợp các kết quả giữa các mô hình liên kết được lựa chọn và thực trạng liên kết; phân tích giữa lý luận và thực tiễn để đề xuất các khuyến nghị phù hợp.

  1. Thực trạng liên kết và bàn luận

4.1. Kết quả liên kết giữa TDTU và VACPA

Từ 2016 đến nay, TDTU và VACPA đã tổ chức các hoạt động như báo cáo seminar hàng năm từ 2017 đến 2022, với hơn 1.000 lượt sinh viên tham dự; tổ chức 10 lớp thực hành kiểm toán mẫu và tổ chức đưa hơn 12 đợt sinh viên đi thực tập tại các DN kế toán/kiểm toán. Có thể khẳng định, sự hợp tác giữa TDTU và VACPA đã góp một phần không nhỏ cho những thành tựu này. Kết quả phản hồi được ghi nhận với thông tin chung, được minh họa qua các bảng bên dưới.

Bảng 1: Các hình thức hợp tác giữa TDTU và VACPA

(Nguồn: tổng hợp kết quả khảo sát)

Cùng với đó, chúng tôi cũng tiến hành đánh giá về sự hài lòng của đáp viên đối với các hoạt động hợp tác giữa VACPA và TDTU. Nhìn chung, các đáp viên đều hài lòng với các hoạt động hợp tác giữa TDTU và VACPA. Tuy nhiên, sự hợp tác trong tuyển dụng giữa hai bên lại chưa thực sự nhận được sự hài lòng của các đáp viên. Điều này cho thấy, đây là hoạt động cần được trú trọng cải thiện để nhận được sự hài lòng từ cả hai phía trong thời gian tới. Từ đó, chúng tôi đã đánh giá nhu cầu cần thiết để nâng tầm quan hệ hợp tác giữa TDTU và VACPA.

Bảng 2: Nhu cầu nâng tầm mối quan hệ hợp tác giữa TDTU và VACPA

(Nguồn: tổng hợp kết quả khảo sát)

Qua dữ liệu tại Bảng 2, kết quả thể hiện tất cả các đáp viên đều cho rằng, nhu cầu nâng tầm quan hệ giữa TDTU và VACPA ở tất các các hoạt động hợp tác là cần thiết.

Bên cạnh đó, để nhận được ý kiến đánh giá từ phía DN đối với sinh viên thực tập của TDTU, bảng khảo sát được gửi đến 50 DN nhận sinh viên thực tập trong năm 2019 – 2020. Bảng câu hỏi khảo sát xoay quanh 5 đặc tính để nhận diện sinh viên mà TDTU hướng đến, đó là: kỷ luật, lễ phép, chuyên nghiệp, sáng tạo và phụng sự. Kết quả khảo sát cho thấy, DN đánh giá về sự hài lòng với các khía cạnh này từ mức 4,12 đến 4,58/5 điểm.

Những thành tựu và những vấn đề cần cải thiện trong hợp tác

Trong thời gian qua, việc hợp tác giữa hai bên đã được triển khai đa dạng với nhiều hình thức như hợp tác nghiên cứu; xây dựng chương trình đào tạo; phát triển môi trường học tập; quảng bá thương hiệu; tuyển dụng; xây dựng kỹ năng thực hành cho sinh viên và giảng dạy/diễn thuyết.

Một số kết quả đạt được như seminar hàng năm về chuyên đề kế toán – kiểm toán; 10 lớp thực hành chương trình kiểm toán mẫu báo cáo tài chính được triển khai; hơn 12 đợt sinh viên đi thực tập tại các DN kế toán – kiểm toán và 90% sinh viên tốt nghiệp từ 2017 – 2022 được làm việc đúng chuyên ngành tại các DN. Hơn thế nữa, việc nâng tầm hợp tác giữa TDTU và VACPA nhận được sự nhận thức tích cực từ cả hai đơn vị ở hầu hết tất cả các hình thức hợp tác.

Bên cạnh các thành tựu đã đạt được, các hạn chế cần được cải thiện, như: các hình thức hợp tác chưa được phổ biến đến các đối tượng liên quan của hai đơn vị. Dẫn đến, có 5/8 các hình thức hợp tác giữa TDTU và VACPA chưa thực sự được biết đến bởi 100% nhân sự của hai đơn vị; hoạt động giới thiệu nhân sự hiện nay giữa hai bên cũng chưa nhận được sự đánh giá cao từ phía các đáp viên; hoạt động nâng tầm hợp tác trong thương mại hóa kết quả R&D không nhận được sự đánh giá cao về mức độ cần thiết và cuối cùng, là sự sáng tạo của sinh viên chưa nhận được đánh giá cao từ phía DN.

  1. Kết luận và kiến nghị

Kết quả nghiên cứu cho thấy, việc hợp tác/liên kết hiện nay giữa TDTU và VACPA đã nhận được một số các kết quả tích cực, như: có sự đa dạng về hình thức hợp tác giữa hai bên, cũng như việc hợp tác hiện nay nhận được sự đánh giá/hài lòng khá cao từ phía nhân sự của hai đơn vị.

Tuy nhiên, một số hạn chế cũng bộc lộ trong quá trình hợp tác/liên kết giữa TDTU và VACPA như: việc phổ biến các hoạt động hợp tác đến nhân viên; hoạt động giới thiệu nhân sự lẫn nhau và nhu cầu nâng tầm hình thức thương mại hóa kết quả R&D chưa nhận được sự đánh giá; và sự sáng tạo của sinh viên cũng chưa nhận được sự đánh giá cao từ phía các DN.

Qua đó, để đáp ứng thách thức hội nhập kinh tế và nhu cầu đào tạo gắn với thực tiễn cũng như nhu cầu nhân sự có trình độ chuyên môn cao của các DN, việc hợp tác/liên kết giữa TDTU và VACPA cần được tiếp tục duy trì và phát triển. Chính vì vậy, một số khuyến nghị sau sẽ góp phần nâng tầm mối quan hệ này:

Lựa chọn mô hình hợp tác theo mô hình đào tạo của nước Úc: đây là mô hình tích hợp, cho phép sinh viên được học với các chuyên gia chuyên về lĩnh vực kế toán – kiểm toán. Sinh viên còn thực hành thực tế tại DN, thông qua sự kết nối/giới thiệu của VACPA.

Duy trì và tăng cường các nội dung đã thực hiện: các lớp thực hành kiểm toán; giảng dạy/diễn thuyết và các gợi ý xây dựng môi trường học tập sáng tạo/hiện đại.

Cải thiện hoạt động phổ biến/tuyên truyền về quan hệ hợp tác: hoàn thiện và tăng cường hình thức hợp tác trong tuyển dụng nhân sự cho cả hai bên.

Xây dựng các kế hoạch và chiến lược phát triển: phù hợp cho hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu và phát triển.

Xây dựng chương trình đào tạo phù hợp: để tăng cường tính sáng tạo của sinh viên, sao cho có thể đáp ứng được yêu cầu cũng như nhận được đánh giá cao từ phía DN.

Tóm lại, nghiên cứu này đã làm rõ thực trạng hoạt động hợp tác/liên kết hiện nay giữa các bên. Trên cơ sở đó, các khiếm khuyết được chỉ ra và là nền tảng để các khuyến nghị được đề xuất, nhằm nâng tầm quan hệ hợp tác giữa hai bên. Tuy nhiên, nghiên cứu này chưa chỉ ra được các nhân tố có ảnh hưởng trực tiếp đến các thành tựu, cũng như hạn chế trong quan hệ hiện nay giữa TDTU và VACPA. Do vậy, các nghiên cứu tương lai cần được triển khai để làm rõ hơn các nhân tố này, cũng như tiến hành với các trường đại học khác tại Việt Nam.

Tài liệu tham khảo        

            Kiều Anh. (2018). “Đào tạo nghề theo mô hình của Đức: Mô hình kép, lợi ích kép”. http://khoahocphattrien.vn/khoa-hoc/dao-tao-nghe-theo-mo-hinh-cua-duc-mo-hinh-kep-loi-ich-kep/ 2018080910242331p1c160.htm. [truy cập ngày 4/02/2020].

            Bradley, M. (2017). Whose agenda? Power, policies, and priorities in North–South research partnerships. Putting Knowledge to Work: Collaborating, influencing and learning for international development, 3770.

            Chernikova, E. (2016). Negotiating research collaboration between universities and other civil society organizations in Canada. Putting Knowledge to Work: Collaborating, influencing and learning for international development, 71-106.

            Ngô Bỉnh Duy. (2017). “Nghiên cứu mối quan hệ giữa trường đại học và DN: Thực trạng và kiến nghị”. Tạp chí Công thương, số 04/2017.

            Hogan, R., Chamorro-Premuzic, T., & Kaiser, R. B. (2013). Employability and career success: Bridging the gap between theory and reality. Industrial and Organizational Psychology, 6(1), 3-16.

            Nguyễn Đình Luận. (2015). Sự gắn kết giữa nhà trường và DN trong đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự phát triển kinh tế và xã hội ở Việt Nam: Thực trạng và khuyến nghị. Tạp chí Phát triển và hội nhập. số 22 (32), Hà Nội.

            Chen, L., Liu, Q., & Huang, X. (2019). The role of higher education in promoting entrepreneurship in China: Evidence from GEM data. International Journal of Educational Development, 66, 58-66.

            Phạm Văn Quân. (2019). Xây dựng mô hình liên kết nhà trường – DN trong đào tạo và nghiên cứu khoa học tại các cơ sở đào tạo.

            Sorkin, D. (1983). Wilhelm Von Humboldt: The theory and practice of self-formation (Bildung), 1791-1810. Journal of the History of Ideas, 44(1), 55-73.

Tin tức liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *