Luật Kế toán 2003 và các chuẩn mực kế toán (CMKT), chế độ kế toán hướng dẫn thực hiện Luật đã tạo thành khuôn khổ pháp luật đồng bộ về kế toán giúp mọi đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp (DN) thuộc mọi thành phần kinh tế tổ chức hoạt động kế toán, lập báo cáo tài chính (BCTC) đảm bảo yêu cầu quản lý Nhà nước và công khai khá kịp thời, minh bạch thông tin tài chính, giúp thị trường tài chính, thị trường chứng khoán và nền kinh tế Việt Nam phát triển như hiện nay.
Tuy nhiên, cho đến nay Luật Kế toán đã bộc lộ những bất cập
Thứ nhất: Các nguyên tắc và nội dung quy định về kế toán chủ yếu mới phù hợp với từng đơn vị kế toán riêng lẻ; chưa đủ cơ sở pháp lý cho điều chỉnh, quản lý, kiể m tra và kiểm soát các đối tượng kế toán.
Thứ hai: Các quy định pháp lý về tiêu chuẩn, điều kiện, vai trò, chức năng, quyền hạn, trách nhiệm trước pháp luật của người làm kế toán, kế toán trưởng, tổ chức bộ máy kế toán và của từng cấp quản lý công tác kế toán không còn phù hợp.
Thứ ba: Quy định của Luật Kế toán chủ yếu phù hợp với kế toán thủ công trong khi hầu hết đơn vị kế toán hiện nay đã thực hiện trên máy vi tính; việc lập Báo cáo kế toán, công khai, lưu trữ báo cáo… cũng thực hiện trên phương tiện điện tử.
Thứ tư: Các quy định của Luật Kế toán về dịch vụ kế toán, tổ chức nghề nghiệp kế toán, cũng không còn phù hợp…, quy định về kiểm tra kế toán, kiểm toán cũng không còn phù hợp với thành phần kinh tế cá thể, không phù hợp về xử lý tài sản tổn thất, mất mát, về xử phạt gian lận, vi phạm hành chính về kế toán…
Thứ năm: Trong bộ máy quản lý hiện nay không còn hệ thống tổ chức quản lý tài chính, kế toán theo ngành kinh tế như trước dẫn đến thiếu việc tuyên truyền, phổ biến, thiếu sự kiểm tra, kiểm soát cả về thực hiện kế toán và quản lý tài chính, dẫn đến pháp luật về kế toán không chắc chắn đến được người thực hiện.
Kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán 2003
Thứ nhất: Giải thích từ ngữ (Điều 4)
Đồng tình với Dự thảo “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Kế toán” sửa đổi lại Khoản 3 về kế toán quản trị và thêm quy định kế toán viên hành nghề bổ sung Khoản 12 như sau:
Khoản 3. Kế toán quản trị là việc thu thập, xử lý, phân tích và cung cấp thông tin kinh tế, tài chính bằng các Báo cáo kế toán quản trị do chủ sở hữu quy định theo yêu cầu quản trị và quyết định kinh tế, tài chính trong nội bộ đơn vị kế toán.
Khoản 1 ký hành nghề dịch vụ kế toán
Thứ hai: Đối tượng áp dụng (Điều 2)
Đề nghị bổ sung đối tượng áp dụng Luật Kế toán là các tổ chức nghề nghiệp về kế toán vì trong điều kiện kinh tế thị trường, kế toán đã trở thành dịch vụ do người có chứng chỉ hành nghề kế toán cung cấp. Người hành nghề kế toán cần có sự hỗ trợ và quản lý của tổ chức nghề nghiệp về kế toán nên tổ chức này phải là đối tượng áp dụng Luật Kế toán theo thông lệ quốc tế phổ biến.
Thứ ba: CMKT (Điều 8) nên sửa đổi
Khoản 1. CMKT gồm những nguyên tắc và phương pháp kế toán cơ bản để ghi sổ kế toán và lập BCTC.
Khoản 2. Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán là những quy định và hướng dẫn về nguyên tắc, nội dung áp dụng các tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp đối với tổ chức, cá nhân tham gia hành nghề kế toán.
Khoản 3. Bộ Tài chính quy định CMKT, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán trên cơ sở chuẩn mực quốc tế về kế toán và theo quy định của Luật này.”
Thứ tư: Chữ viết và chữ số trong kế toán (Điều 12). Bổ sung thêm khoản 4:
Khoản 4. Cho phép đơn vị kế toán lập BCTC theo đơn vị tính nghìn đồng, đơn vị lập BCTC tổng hợp hoặc BCTC hợp nhất đơn vị tính là triệu đồng.
Thứ năm: BCTC (Điều 29)
Bổ sung điều 29 có 2 khoản sau:
Khoản 1. BCTC của đơn vị kế toán
Khoản 2. BCTC nhà nước
Luật Kế toán áp dụng cho các loại hình DN, thuộc các hình thức sở hữu và phù hợp với thông lệ quốc tế thì bổ sung điểm d vào “Khoản 1. BCTC của đơn vị kế toán” như sau:
d) BCTC của các đơn vị kế toán được lập trên nguyên tắc hoạt động liên tục hoặc không hoạt động liên tục, đều phải lập BCTC năm.
Thứ sáu: Lập BCTC (Điều 30)
Sửa lại khoản 2 điều 30 cho phù hợp với điều 29 khoản 1 trong Dự thảo “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Kế toán” chi tiết các điểm như sau:
Khoản 2. Việc lập BCTC của đơn vị kế toán độc lập và BCTC riêng phải căn cứ vào số liệu sau khi khóa sổ kế toán của đơn vị.
a) Đơn vị kế toán cấp trên phải lập BCTC tổng hợp hoặc BCTC hợp nhất dựa trên BCTC của các đơn vị kế toán trong cùng đơn vị kế toán cấp trên.
b) Công ty mẹ phải lập BCTC hợp nhất của tập đoàn trên cơ sở BCTC của công ty mẹ và BCTC của các công ty con.
Thứ bảyT: Hình thức và thời hạn công khai BCTC (Điều 33)
Cần bổ sung DN phải công khai BCTC khi có yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước hoặc các đối tác trong quan hệ thương mại, đầu tư. Đồng tình với Dự thảo “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán” bổ sung Khoản 5 như sau:
“Khoản 5. Trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định cụ thể về đối tượng, nội dung, hình thức, thời hạn công khai BCTC khác với luật này thì thực hiện công khai BCTC theo quy định của pháp luật chuyên ngành”.
Thứ tám: Tổ chức bộ máy kế toán và người làm kế toán (từ điều 48 đến điều 54): Sửa đổi, bổ sung Điều 49. Trách nhiệm của đơn vị kế toán; Khoản 3, Điều 51; Khoản 3, Điều 52; Điểm d, Khoản 3, Điều 54.
Thứ chín: Hoạt động nghề nghiệp kế toán
Bổ sung Điều 55. Hành nghề dịch vụ kế toán;
Điều 57. Chứng chỉ hành nghề kế toán;
Điều 58. Tổ chức nghề nghiệp về kế toán;
Khoản 4 Điều 59 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“4. Quản lý hoạt động nghề nghiệp về kế toán:
a) Quy định về cập nhật kiến thức cho kế toán viên hành nghề và các chức danh nghề nghiệp kế toán khác;
b) Quy định về đăng ký và quản lý hành nghề dịch vụ kế toán; công khai danh sách DN dịch vụ kế toán và kế toán viên hành nghề;
c) Quy định điều kiện dự thi và cách thức tổ chức thi để cấp chứng chỉ hành nghề kế toán; cấp, thu hồi và quản lý chứng chỉ hành nghề kế toán;
d) Quy định mẫu Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán; Quy định cấp, cấp lại, điều chỉnh và thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán;
d) Đình chỉ kinh doanh dịch vụ kế toán”.
Trên đây là các quan điểm và ý kiến đóng góp vào Dự thảo “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán” của các tác giả – các chuyên gia về kế toán, nhằm hoàn chỉnh công cụ pháp lý cao nhất của Kế toán và hoạt động nghề nghiệp Kế toán để đóng góp tích cực vào việc phát triển nền kinh tế trong quá trình đổi mới theo cơ chế thị trường phù hợp giai đoạn mới.
Tài liệu tham khảo
1. Luật Kế toán số 03/2003/QH11;
2. Dự thảo “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán”;
3. Các CMKT Việt Nam;
4. Thông tư 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014.