Nghiên cứu trao đổi

Tổ chức công tác kế toán quản trị trong các doanh nghiệp sản xuất và chế biến chè trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên

Tiêu đề Tổ chức công tác kế toán quản trị trong các doanh nghiệp sản xuất và chế biến chè trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên Ngày đăng 2015-07-07
Tác giả Admin Lượt xem 1800

Trong điều kiện nền kinh tế các doanh nghiệp (DN) cần tạo được ưu thế cạnh tranh, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh (SXKD), chiếm lĩnh thị trường bằng cách tính đúng, tính đủ các yếu tố đầu vào, tổ chức tốt công tác thu thập, xử lý thông tin, phân tích và cung cấp thông tin để phục vụ yêu cầu quản lý DN. Các DN sản xuất và chế biến chè trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đang quan tâm nhiều hơn đến vấn đề quản lý kinh tế. Đặc biệt, là việc tổ chức công tác kế toán nói chung và kế toán quản trị (KTQT) nói riêng.

Trong các DN sản xuất nói chung và các DN sản xuất và chế biến chè nói riêng, công tác kế toán đã được thực hiện theo quy định chung nhưng mới chỉ dừng lại ở kế toán tài chính. Dưới góc độ KTQT, hoạt động này chưa được nghiên cứu một cách toàn diện, đầy đủ có hệ thống và khoa học. Hiện nay, các tài liệu quy định và hướng dẫn tổ chức công tác KTQT còn mang tính chất tổng quát. Do đó, chưa vận dụng cụ thể vào các DN còn khó khăn cho các nhà quản trị (NQT) DN trong việc lập kế hoạch sản xuất, lập các dự toán sản xuất, phục vụ công tác điều hành kiểm soát các hoạt động kinh doanh trong DN. Cụ thể:

+ Hệ thống chứng từ ban đầu: Bên cạnh việc vận dụng hệ thống chứng từ theo QĐ 15/QĐ- BTC và QĐ 48/QĐ- BTC, các DN sản xuất và chế biến chè đã sử dụng một số loại chứng từ tự thiết kế nhưng còn thiếu các yếu tố bắt buộc của chứng từ nên chưa phản ánh được hết bản chất, nội dung nghiệp vụ kinh tế phát sinh. Điều này ảnh hưởng đến công tác hạch toán và ghi sổ của kế toán, phục vụ việc cung cấp thông tin cho NQT. Công tác kiểm tra xử lý chứng từ vẫn còn mang tính chất chung chung, chưa cụ thể hóa cho từng bộ phận để theo dõi các khoản chi phí liên quan đến sản xuất sản phẩm dẫn đến nhiều chứng từ kế toán chưa được lập đúng biểu hoặc lập quá nhiều chỉ tiêu không cần thiết.

+ Hệ thống tài khoản chi tiết và sổ kế toán phục vụ KTQT: Hiện nay, còn nhiều DN sản xuất và chế biến chè chưa thực hiện hoặc có thực hiện cũng chưa rõ ràng cụ thể việc xây dựng hệ thống tài khoản chi tiết để phục vụ việc xử lý thông tin liên quan đến KTQT. Nhiều DN, chưa cập nhật thông tin liên quan đến KTQT để phân tích và có những quyết định kịp thời. Hệ thống sổ KTQT chưa được quan tâm nhiều nên việc ghi chép các khoản chi phí phát sinh liên quan đến từng loại sản phẩm như sản phẩm chè xanh, chè đen, chè ô long,… chưa thiết kế được các chỉ tiêu cần thiết trên sổ để đáp ứng yêu cầu cung cấp thông tin về KTQT cho nhà quản lý.

+ Về báo cáo KTQT: Hiện nay, các DN sản xuất và chế biến chè chưa thiết lập hệ thống báo cáo nội bộ phục vụ quản trị DN. Hay nói cách khác các chủ DN, ban quản trị DN chưa quan tâm sát sao đến các báo cáo thu, chi nội bộ mà các DN chỉ chủ yếu thực hiện báo cáo tài chính bắt buộc của kế toán tài chính theo số liệu thực tế phát sinh chứ chưa thực hiện vận dụng, sửa đổi, bổ sung các mẫu biểu để phục vụ quản trị nội bộ DN. Các DN chưa chú ý lập hệ thống sổ định hướng hoạt động SXKD, kết quả thực hiện và báo cáo phân tích biến động giữa định hướng và kết quả thực tế phát sinh. KTQT hầu như chưa được áp dụng hoặc nếu có thì chủ yếu dưới hình thức diễn giải, giải thích số liệu hoặc thuyết minh mà chưa có dự đoán cần thiết cho tương lai.

+ Vai trò của KTQT trong việc ra quyết định: Hoạt động của KTQT DN thường phải đối mặt với những vấn đề như lựa chọn phương án đầu tư, quyết định tiếp tục sản xuất hay ngừng sản xuất, nên mua ngoài các bán thành phẩm về để sản xuất hay tự sản xuất,… Để có được các quyết định này NQT tại các DN sản xuất và chế biến chè, ngoài việc sử dụng thông tin đã xảy ra của kế toán còn phải dựa vào các yếu tố định tính khác,… Tuy nhiên, hiện nay thông tin của KTQT phục vụ cho các quyết định của NQT DN chưa kịp thời và đầy đủ nên hiệu quả cung cấp thông tin chưa cao.

+ Tổ chức bộ máy KTQT: Trên thực tế, tại các DN sản xuất và chế biến chè cho thấy, bộ máy kế toán vẫn tập trung vào Kế toán tài chính là chủ yếu, trong khi nhu cầu về thông tin KTQT của các DN là rất lớn nhưng chưa đáp ứng được. Các nội dung KTQT được thực hiện phối hợp với kế toán tài chính và dựa vào số liệu của kế toán tài chính để phân tích. Tuy nhiên, việc phân tích số liệu để đưa ra các phương án kinh doanh chưa sắc sảo, chưa chuyên nghiệp. Nhân viên kế toán còn thiếu kỹ năng cung cấp thông tin KTQT mà chủ yếu vẫn là thông tin kế toán tài chính.

Trên đây, là những tồn tại  trong việc tổ chức công tác KTQT trong các DN sản xuất và chế biến chè, đang là một cản trở lớn trong việc đưa ra các quyết định SXKD. Chính vì thế, việc tổ chức công tác KTQT trong các DN này là điều hết sức cần thiết, nó góp phần cung cấp cho Ban giám đốc và các NQT trong các DN thông tin kịp thời, đầy đủ để có thể đưa ra các quyết định kinh doanh phù hợp giúp các DN có những thành công lớn trong thị trường cạnh tranh khốc liệt hiện nay. Tác giả xin đưa ra một số giải pháp hoàn thiện tổ chức công tác KTQT tại các DNXL sản xuất và chế biến chè trên địa bàn tỉnh Thái nguyên như sau:

Thứ nhất: Hoàn thiên việc tổ chức lại hệ thống chứng từ

Đơn vị phải lựa chọn các chứng từ bắt buộc và thiết kế các chứng từ hướng dẫn phản ánh đầy đủ các chỉ tiêu, yếu tố cần thiết để thuận tiện cho việc hạch toán ban đầu. Việc hoàn thiện hệ thống chứng từ kế toán, phải phụ thuộc vào đặc điểm của từng loại hình DN sản xuất và chế biến nhưng các DN cần phải có định hướng cụ thể. Bên cạnh đó, DNXL cần xây dựng hệ thống chứng từ phải vận dụng chế độ chứng từ kế toán theo hướng dẫn của chế độ kế toán DN để phù hợp với đơn vị mình. Hệ thống chứng từ phải xác định cho từng hoạt động, từng loại nghiệp vụ và từng bộ phân liên quan. Đồng thời, đơn vị cần xác định trách nhiệm của từng bộ phân trong quá trình lập và tiếp nhận chứng từ.

Thứ hai: Đơn vị cần phải phân loại chi phí theo cách ứng xử của chi phí. Tức là, chi phí phải được phân loại thành biến phí, định phí và chi phí hỗn hợp. Thông tin về biến phí và định phí được sử dụng nhiều trong các quyết định ngắn hạn và sử dụng trong việc lập dự toán chi phí, dự toán ngân sách. Chi phí có thể chia thành biến phí, định phí và chi phí hỗn hợp.

Thứ ba: Tổ chức theo dõi chi phí

Đối với các DN sản xuất thì quy trình sản xuất thường diễn ra tại các phân xưởng, các tổ sản xuất. Việc tổ chức theo dõi chi phí ở mỗi đơn vị sản xuất riêng thì chi phí sẽ được theo dõi chặt chẽ hơn. Khi thực tế sai lệch so với kế hoạch thì kế toán cũng dễ dàng tìm ra sai lệch ở bộ phận nào, nguyên nhân dẫn đến sai lệch. Vì vậy, để quản lý chặt chẽ chi phí phát sinh trong quá trình sản xuất, đồng thời thuận lợi cho công tác tập hợp chi phí của kế toán quản trị, cần phải lập bảng theo dõi chi phí tại các đơn vị sản xuất, ghi nhận tất cả chi phí phát sinh tại mỗi đơn vị sản xuất như:

– Sổ theo dõi chi phí vật liệu trực tiếp tại phân xưởng.
– Sổ theo dõi chi phí nhân công trực tiếp tại phân xưởng.
– Sổ theo dõi chi phí sản xuất chung tại phân xưởng.
– Phiếu tính giá thành công việc.

Còn đối với các DN thương mại thì chi phí phát sinh chủ yếu trong giai đoạn mua hàng và bán hàng. Vì vậy, cũng phải theo dõi chi phí mua hàng và bán hàng theo từng mặt hàng. Trong nhiều trường hợp không thể theo dõi chi phí cho từng mặt hàng, từng nhóm hàng thì phải theo dõi chi phí chung rồi phân bổ cho từng mặt hàng hoặc nhóm hàng cụ thể.

Thứ tư: Hoàn thiện tổ chức hệ thống tài khoản kế toán

Đơn vị cần xây dựng hệ thống tài khoản chi tiết dựa trên cơ sở hệ thống tài khoản kế toán được Bộ Tài chính ban hành nhằm phục vụ công tác theo dõi tình hình sản xuất và lập các báo cáo KTQT là công việc cần thiết đối với các DN sản xuất và chế biến chè trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Tổ chức vận dụng hệ thống tài khoản kế toán bao gồm việc xác định số lượng các tài khoản kế toán, nội dung phản ánh và phương pháp ghi chép các nghiệp vụ phát sinh. Để hệ thống hóa và cung cấp thông tin kế toán cho việc lập các báo cáo KTQT chi phí theo yêu cầu quản lý, các DN cần lựa chọn, thiết kế hệ thống tài khoản chi tiết cấp 2, 3, 4,… cho phù hợp. Việc xây dựng hệ thống tài khoản chi tiết phục vụ yêu cầu quản trị DN cần phải dựa vào yêu cầu quản lý của DN như quản lý theo từng khoản mục tài sản, nợ phải trả, vốn chủ sở hữu, chi phí, khoản mục giá thành một cách chi tiết cụ thể theo từng loại.

Thứ năm: Hoàn thiện tổ chức lập báo cáo KTQT

Hệ thống báo cáo KTQT cần phải được thiết kế để phản ánh số liệu dự toán, số liệu thực tế phát sinh, phần chênh lệch giữa số liệu dự toán và số liệu thực tế. Việc lập báo cáo thực hiện có sự phân tích, so sánh giữa giá trị thực tế phát sinh với giá trị dự toán để cung cấp thông tin cho các NQT nắm bắt tình hình, trên cơ sở đó đề các quyết định phù hợp. Hệ thống thông tin KTQT, cung cấp cho các NQT các DN phải bao gồm: Thông tin định hướng hoạt động kinh doanh, thông tin kết quả hoạt động (các báo cáo thực hiện), thông tin kiểm soát và đánh giá hoạt động kinh doanh (thông tin về biến động kết quả và nguyên nhân). Báo cáo KTQT được lập trên cơ sở số liệu tổng hợp từ các sổ KTQT và được mở theo yêu cầu quản lý của các DN, kết hợp với các nguồn thông tin cần thiết khác. Để đạt được mục tiêu là tối đa hóa lợi nhuận, các NQT cần được cung cấp đầy đủ thông tin thích hợp về mọi khâu của quá trình SXKD, từ việc đảm bảo quản lý và sử dụng các trang thiết bị, vật tư, nguồn lao động, … đến chi ph?, doanh thu và kết quả.

Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, các DN sản xuất và chế biến chè đang đứng trước những thời cơ và thách thức to lớn. Một hệ thống kế toán đáp ứng tốt các nhu cầu thông tin phải có sự kết hợp của cả kế toán tài chính và KTQT. Tổ chức công tác KTQT hiệu quả, sẽ giúp các DN sản xuất và chế biến chè trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên tiếp cận được một phương pháp quản lý mới, tăng cường khả năng cạnh tranh và khảng định được vị trên thị trường.

Tài liệu tham khảo
1. Giáo trình KTQT, Học viện Tài chính.
2. Giáo trình tổ chức công tác kế toán trong DN – Học viện tài chính.
3. TT 53/2006/TT-BTC, ngày 12/6/2006 – Hướng dẫn áp dụng KTQT trong DN.

Nguyễn Phi Hùng *


CĐ Công nghệ và Kinh tế Công nghiệp
(Theo: TapchiKetoanvaKiemtoan)


Tin tức liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *