Nghiên cứu trao đổi

Quản lý chất lượng kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước – Khó khăn, thách thức và một số giải pháp hoàn thiện

Tiêu đề Quản lý chất lượng kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước – Khó khăn, thách thức và một số giải pháp hoàn thiện Ngày đăng 2015-09-08
Tác giả Admin Lượt xem 1084

Chất lượng kiểm toán (CLKT) và việc quản lý CLKT là một trong những mối
quan tâm và là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam (KTNN).
Là cơ quan kiểm tra tài chính công do Quốc hội thành lập, quản lý CLKT không
chỉ là nhiệm vụ thường xuyên mà còn là mục tiêu trọng tâm trong Chiến lược phát
triển. Nhằm đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển của cơ quan KTNN, đáp ứng sự
kỳ vọng của xã hội – hướng tới một nền tài chính minh bạch, công khai, hiệu quả
và phát triển bền vững.

Trong hoạt động kiểm soát CLKT, KTNN đã xây dựng được hệ thống các quy
định, chính sách trong quản lý, kiểm soát CLKT, cũng như các đơn vị kiểm soát
chuyên trách. Tuy nhiên, kiểm soát CLKT của KTNN hiện nay còn những hạn chế,
bất cập cả về chính sách và thực tế vận hành, hiệu lực, hiệu quả kiểm soát chưa
cao. Nâng cao chất lượng kiểm soát CLKT của KTNN, bài viết đề cập đến những
thách thức và khó khăn đối với công tác quản lý CLKT của KTNN. Đồng thời đề
xuất một số giải pháp hoàn thiện công tác này.

Khó khăn, thách thức

CLKT là mức độ thỏa mãn nhu cầu
thông tin về tính chính xác, trung thực, khách quan, kịp thời của các đối tượng
sử dụng kết quả kiểm toán với thời gian và chi phí kiểm toán hợp lý. Quá trình
quản lý CLKT gặp một số thách thức sau:

Thứ nhất, môi trường,
chính sách và thủ tục quản lý, kiểm soát CLKT tuy khá toàn diện nhưng còn thiếu
tính đồng bộ, thiếu những quy định chi tiết, cụ thể:

+ Hệ thống CMKT được ban hành từ
năm 1999 và được thay thế năm 2010, đã cơ bản phù hợp với hệ thống chuẩn mực
của INTOSAI. Tuy nhiên, nội dung của hệ thống CMKT hiện hành còn mang tính khái
quát ở mức độ cao (tương đương ISSAIs cấp độ 3), chưa được quy định chi tiết và
chưa có các hướng dẫn kiểm toán, nhất là ở nhóm chuẩn mực thực hành. Do thiếu
hướng dẫn nên một số bước công việc quan trọng tại các quy trình kiểm toán (đánh
giá hệ thống kiểm soát nội bộ, xác định trọng yếu và rủi ro kiểm toán, chọn mẫu
kiểm toán,…) chưa được xác định cụ thể dẫn đến khó khăn trong thực hành kiểm
toán và quản lý CLKT.

+ Chưa có chính sách, quy định,
hướng dẫn riêng cho từng loại hình kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân
thủ, kiểm toán hoạt động.

+ Chưa xây dựng được các cẩm nang
kiểm toán, chương trình kiểm toán mang tính hướng dẫn tác nghiệp cho KTV, đồng
thời là công cụ quản lý CLKT hiệu quả, hiện đại.

+ Loại hình kiểm toán hoạt động
mới được triển khai thực hiện trong một số năm gần đây, song do chưa có quy
trình hướng dẫn cụ thể về kiểm toán hoạt động. Vừa làm, vừa rút kinh nghiệm nên
chưa có điều kiện đánh giá, phân tích để giải đáp nhiều vấn đề về tính kinh tế,
hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản công.

Thứ hai, về tổ chức quản
lý CLKT

+ Quy mô, phạm vi kiểm soát hồ sơ
kiểm toán cả trước và sau khi phát hành báo cáo kiểm toán còn hạn chế: Sự kiểm
tra, đánh giá độc lập một cách toàn diện về CLKT do Vụ Chế độ và Kiểm soát CLKT
thực hiện mới chỉ đạt từ 15 đến 20% tổng số cuộc kiểm toán hàng năm. Đây là Vụ
thuộc KTNN kiểm tra độc lập, toàn diện về CLKT của ngành đang được cơ quan KTNN
tăng cường về mặt số lượng, chất lượng và năng lực kiểm soát.

+ KTNN chưa thực hiện được việc
tổng hợp kết quả kiểm soát CLKT trong toàn ngành theo các yếu tố đảm bảo CLKT;

+ KTNN chưa thực hiện việc đánh
giá CLKT độc lập từ các cơ quan chuyên môn bên ngoài;

+ KTNN chưa xây dựng được các
phần mềm chuyên ngành để hỗ trợ hoạt động kiểm toán cũng như các phần mềm hỗ
trợ công tác quản lý, kiểm soát và chỉ đạo điều hành nội bộ.

Các hạn chế, thách thức này dẫn
đến CLKT mới chỉ góp được một phần nâng cao hiệu quả thực hành tiết kiệm, chống
lãng phí, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật cũng như hiệu quả quản lý, sử
dụng ngân sách, tiền và tài sản công mà chưa thật sự đạt được kỳ vọng mong muốn
so với yêu cầu quản lý của Quốc hội, Chính phủ và của mỗi cấp chính quyền địa
phương. 

– Thứ ba, trình độ năng
lực chuyên môn và tính chuyên nghiệp của KTV của KTNN còn ở mức độ khiêm tốn,
nếu không nói là còn hạn chế có ảnh hưởng rất lớn đến khả năng nâng cao CLKT và
rủi ro về quản lý CLKT.

– Thứ tư, Chưa thực hiện phân cấp
mạnh và phát huy vai trò của Phòng Tổng hợp thuộc KTNN Chuyên ngành, Khu vực.
Phát huy hiệu quả và chất lượng kiểm soát của Đoàn kiểm toán, Tổ kiểm toán.

Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý CLKT của KTNN

Nhằm đạt tới mục tiêu phát triển
KTNN đến năm 2020 là “Nâng cao năng lực hoạt động, hiệu lực pháp lý, chất
lượng và hiệu quả hoạt động của KTNN như một công cụ hữu hiệu của Nhà nước
trong kiểm tra, giám sát quản lý và sử dụng ngân sách, tiền và tài sản công;
xây dựng KTNN có trình độ chuyên nghiệp cao, từng bước hiện đại, trở thành cơ
quan kiểm toán tài chính công có trách nhiệm và uy tín, đáp ứng yêu cầu của sự
nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phù hợp với các thông lệ và
chuẩn mực quốc tế, Kế hoạch chiến lược phát triển KTNN giai đoạn 2013 – 2017 đã
tập trung vào một số giải pháp nâng cao CLKT như sau:

Thứ nhất, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chuẩn mực, quy trình, và
phương pháp kiểm toán

– Xây dựng và hoàn thiện hệ thống
chuẩn mực KTNN theo hướng tuân thủ ISSAIs nhằm chuẩn hóa hoạt động kiểm toán
đồng thời nâng cao độ tin cậy của các báo cáo kiểm toán của cơ quan KTNN;

– Xây dựng hướng dẫn các chuẩn
mực và hoàn thiện các quy trình kiểm toán cho từng loại hình, lĩnh vực kiểm
toán;

– Tiếp tục hoàn thiện các phương
pháp kiểm toán cơ bản, đồng thời nghiên cứu ứng dụng các phương pháp kiểm toán
hiện đại dựa trên nền tảng công nghệ thông tin để thích ứng với sự phát triển
của môi trường kiểm toán hiện tại.

Thứ hai, nâng cao chất lượng hoạt động kiểm soát và đảm bảo CLKT

– Tăng cường năng lực cho Vụ Chế
độ và Kiểm soát CLKT, Phòng Tổng hợp của các KTNN chuyên ngành, khu vực;

– Tăng cường chức năng đảm bảo
chất lượng của Vụ Chế độ và Kiểm soát CLKT: Tăng số lượng các cuộc kiểm toán
được kiểm soát chất lượng do Vụ Chế độ và Kiểm soát CLKT thực hiện (bao gồm
kiểm soát trực tiếp tại đoàn kiểm toán và kiểm soát gián tiếp thông qua hồ sơ
cuộc kiểm toán); Thực hiện việc tổng hợp kết quả kiểm soát toàn ngành theo các
thành tố đảm bảo chất lượng tại ISSAI 40; Nghiên cứu áp dụng hình thức kiểm
soát, đánh giá độc lập chất lượng kiểm toán từ các cơ quan chuyên môn bên
ngoài.

– Tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ
chuyên môn, kỹ năng và tính chuyên nghiệp, nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho KTV,
tiến hành tập huấn, trao đổi kinh nghiệm trong nội bộ ngành và với các cơ quan
KTNN trên thế giới, các tổ chức kiểm toán độc lập về kiểm soát CLKT

Thứ ba, phát triển hoạt động kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và
xác định trọng yếu

– Xây dựng và ban hành các quy
định, tài liệu hướng dẫn kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng
yếu bao gồm bổ sung, hoàn thiện các CMKT liên quan đến xác định rủi ro và trọng
yếu kiểm toán (theo hướng tuân thủ ISSAIs); xây dựng, sửa đổi, bổ sung các quy
định,  quy trình, hướng dẫn kiểm toán phù
hợp với chuẩn mực và phương pháp kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định
trọng yếu;

– Tổ chức các cuộc kiểm toán dựa
trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu (toàn diện các giai đoạn từ lập kế
hoạch kiểm toán, thực hiện kiểm toán đến lập báo cáo kiểm toán);

Thứ tư, tăng cường năng lực kiểm toán hoạt động nhằm nâng cao giá
trị và lợi ích trong việc đánh giá tính kinh tế, tính hiệu lực và hiệu quả
trong quản lý và sử dụng ngân sách, tiền và tài sản công.

– Xây dựng và hoàn thiện hệ thống
chính sách về kiểm toán hoạt động bao gồm các chuẩn mực, hướng dẫn chuẩn mực,
quy trình, sổ tay hướng dẫn kiểm toán hoạt động;

– Thực hiện các cuộc kiểm toán
độc lập về kiểm toán hoạt động phù hợp với năng lực của KTV và điều kiện thực
tiễn.

Thứ năm, thực hiện phân cấp mạnh đồng thời nâng cao năng lực Phòng
Tổng hợp của các KTNN Chuyên ngành, khu vực. Phát huy hiệu quả cấp độ kiểm soát
do Kiểm toán trưởng chủ trì. Tăng cường chất lượng và hiệu quả của cấp độ kiểm
soát tại Đoàn kiểm toán.

Thứ sáu, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động
của KTNN. Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của hoạt động kiểm toán.

– Xây dựng và phát triển phần mềm
ứng dụng trong hoạt động kiểm toán như:

+ Hệ thống phần mềm hỗ trợ quản
lý hoạt động kiểm toán (hệ cơ sở dữ liệu đầu mối kiểm toán của KTNN; phần mềm
quản lý kế hoạch, tiến độ kiểm toán và theo dõi thực hiện kết luận, kiến nghị
kiểm toán; phần mềm quản lý hoạt động kiểm toán).

+ Hệ thống phần mềm hỗ trợ thực
hiện kỹ thuật kiểm toán của KTV (Phần mềm hỗ trợ chọn mẫu và xác định rủi ro,
trọng yếu kiểm toán; các chương trình kiểm toán theo lĩnh vực (tài chính – ngân
hàng, doanh nghiệp, đầu tư – dự án, ngân sách; phần mềm hỗ trợ công tác lập báo
cáo kiểm toán).

– Xây dựng và phát triển phần mềm
ứng dụng trong chỉ đạo điều hành và quản lý nội bộ.

Tóm lại, CLKT là yếu tố then chốt quyết định vị thế của cơ quan
KTNN. Bằng  việc thực hiện các giải pháp
tăng cường quản lý CLKT trên đây, KTNN Việt Nam đang nỗ lực phấn đấu trở thành
một cơ quan kiểm toán tài chính công có uy tín và có trách nhiệm, góp phần mang
lại sự phát triển bền vững và sự phồn thịnh của đất nước./.

Ths. Cù Hoàng Diệu*

Vụ Chế độ và Kiểm soát Chất lượng
kiểm toán – Kiểm toán Nhà nước

Theo Tạp chí Kế toán và Kiểm toán

 

Tin tức liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *