(Đăng trên Tạp chí Kế toán và Kiểm toán, số T10/2017)
Nhận: 15/9/2017
Biên tập: 28/9/2017
Duyệt đăng: 09/10/2017
Tại Đại học Lâm nghiệp, ngành Kế toán là một trong những ngành thu hút được nhiều học sinh, sinh viên (SV) đăng ký và lựa chọn. Tuy nhiên, giống như thực trạng đào tạo chung trong chương trình đào tạo cử nhân kế toán của cả nước, SV kế toán Lâm nghiệp vẫn thiếu những kiến thức thực tế cần thiết, để có thể định hình rõ công việc, tìm kiếm việc làm và có cơ hội phát triển. SV ra trường không có việc làm hoặc làm trái ngành, tỷ lệ còn cao. Nguyên nhân phần lớn, là do chương trình đào tạo kế toán nói chung và tại Đại học Lâm nghiệp nói riêng, còn mang nặng lý thuyết, SV chưa định hình được công việc kế toán thực tế, chưa đủ kỹ năng và công vụ, để có thể bắt tay vào công việc của một kế toán doanh nghiệp (DN). Xây dựng chương trình đào tạo kế toán thực hành thực tế cho SV ngành kế toán, tại trường Lâm nghiệp, là một vấn đề quan trọng và đáp ứng được nhu cầu SV hiện nay.
Từ khóa: Lâm nghiệp, kế toán, thực hành, thực tế.
At the Vietnam National University of Forestry (VNFU), the accounting sector is still one of the sectors attracting many students to choose and register.
However, like the general training of the accounting bachelor program of the country, VNFU accounting students still lack the practical knowledge which is necessary to be able to shape the job, find a job and have the opportunity to grow. Graduates who are unemployed or unskilled are still high in proportion. This is partly due to the fact that the accounting training programs in general and VNFU in particular are still theoretical. Students have not yet shaped their actual accounting work, skills and duties for actual issues in enterprises. Developing practical accounting training for accounting students at VNFU is an important issue and meeting the needs of students recently.
Tag: Forestry, accounting, practical.
Vấn đề đào tạo nói chung và đào tạo kế toán nói riêng, ở Việt Nam còn nhiều bất cập. Số lượng đào tạo khá lớn, tuy nhiên đầu ra lại không đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của nền kinh tế. Tỷ lệ SV chất lượng chưa cao, tỷ lệ không có việc làm nhiều. Chương trình và phương pháp đào tạo hiện nay, mang tính hàn lâm nhiều, thiếu kiến thức thực tế, thiếu sự kích thích tư duy, sáng tạo, nghiên cứu cho người học. Cùng với sự gia tăng của các DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa (NVV), cơ hội việc làm cho những cử nhân kế toán cũng mở rộng hơn. Tuy nhiên, nhiều SV tốt nghiệp đại học, chuyên ngành kế toán, sau khi ra trường còn chưa tìm được việc hoặc làm việc không đúng chuyên ngành.
Cùng với sự gia tăng của các DN, đặc biệt là DN NVV, cơ hội việc làm cho những cử nhân kế toán cũng mở rộng hơn. Tuy nhiên, nhiều SV tốt nghiệp đại học chuyên ngành kế toán sau khi ra trường còn chưa tìm được việc làm hoặc làm việc không đúng chuyên ngành. Bởi SV kế toán tốt nghiệp thiếu quá nhiều kiến thức thực hành, để có thể tiếp nhận công việc thực tế tại DN.
Hiện nay, ở Việt Nam, có rất nhiều công ty, trung tâm đào tạo kế toán thực hành được thành lập, vẫn duy trì và phát triển được. Điều này cho thấy, kiến thức SV được đào tạo trên giảng đường chưa đủ là hành trang để SV có thể tự tin tìm việc và làm việc. Rất nhiều SV ra trường có nhu cầu học thêm, để có thể làm được việc kế toán trong DN.
Thực tế cho thấy, chất lượng kế toán ảnh hưởng rất lớn đến uy tín, sự phát triển của công ty. Bởi vậy, khi SV đi thực tập, DN nói chung và phòng kế toán nói riêng, rất ít khi giao việc, tin tưởng cho SV thực hành, tiếp cận số liệu, chứng từ thực tế. Cùng với chương trình giảng dạy mang tính lý thuyết nhiều tại các trường, SV chuyên ngành kế toán khi tốt nghiệp thường không định hình được công việc sẽ làm, khó hình dung, có được cái nhìn cụ thể về công việc kế toán thực tế. Bởi thế, SV lại cần một thời gian học tập, đào tạo thêm kiến thức thực tế mới có hiệu quả, kiến thức, kỹ năng để có thể làm việc.
Từ 1984 đến nay, trường Đại học Lâm nghiệp đã thực hiện chiến lược phát triển thành trường đại học đa ngành, đa cấp, đa lĩnh vực, để đáp ứng nhu cầu nhân lực và giải quyết các nhiệm vụ khoa học công nghệ của đất nước.
Hiện nay, Đại học Lâm nghiệp, Ngành Kế toán là một trong những ngành thu hút được nhiều học sinh đăng ký và lựa chọn. Tuy nhiên, giống như thực trạng đào tạo chung chương trình đào tạo cử nhân kế toán của cả nước, SV kế toán Lâm nghiệp vẫn thiếu những kiến thức thực tế cần thiết, để có thể định hình rõ công việc, tìm kiếm việc làm và có cơ hội phát triển.
Từ những lý do trên, cần thiết phải có một chương trình đào tạo kế toán thực hành thực tế, cho SV kế toán nói chung và SV kế toán trường Lâm nghiệp nói riêng.
Mục tiêu của chương trình đào tạo:
Chương trình đào tạo kế toán thực hành thực tế tại trường, sẽ giúp các bạn SV chuyên ngành có đủ hành trang, kỹ năng, công cụ cần thiết, để bắt đầu công việc của một kế toán DN. Chương trình đào tạo, sẽ giúp các bạn SV năm cuối và SV sắp ra trường tại trường Lâm nghiệp, định hướng, hình dung công việc của một kế toán thực tế trong DN.
Cụ thể, chương trình đào tạo được xây dựng giúp SV trước khi ra trường hiểu và xử lý thành thạo các vấn đề liên quan đến Thuế, hóa đơn; Lập được BCTC từ bộ chứng từ thực tế của DN; Hiểu rõ và lập được bộ báo cáo thuế cần thiết.
Nội dung chương trình đào tạo
Thứ nhất, xây dựng quy trình công việc của một kế toán
Cụ thể như: Hướng dẫn chuẩn bị hồ sơ để phục vụ việc thành lập DN; Hướng dẫn thủ tục mở tài khoản ngân hàng, cách đăng ký tài khoản với Thuế, phương pháp thuế giá trị gia tăng, phương pháp khấu hao tài sản cố định, xây dựng bộ máy kế toán phù hợp với mô hình kinh doanh của DN; Hướng dẫn các thủ tục về hóa đơn và vấn đề liên quan đến hóa đơn trong DN.
Thứ hai, học thực hành Thuế Môn bài
SV được hướng dẫn chi tiết các quy định về Thuế Môn bài; Cách kê khai và nộp Thuế Môn bài: Lập tờ khai, nộp tiền vào ngân sách Nhà nước.
Thứ ba, học thực hành Thuế Giá trị gia tăng (GTGT)
Phần này SV được hướng dẫn cách tính chi tiết về Thuế GTGT, theo phương pháp trực tiếp, phương pháp khấu trừ; Các điều kiện được khấu trừ Thuế GTGT; Cách kê khai Thuế GTGT trên phần mềm hỗ trợ kê khai mới nhất, nộp tờ khai, nộp thuế qua mạng. Cách lập tờ khai bổ sung, điều chỉnh, giải trình khi xảy ra sai sót; Cách cân đối Thuế GTGT phải nộp hàng tháng.
Thứ tư, học thực hành Thuế Thu nhập cá nhân
ở nội dung này, SV được hướng dẫn cách tính chi tiết về Thuế Thu nhập cá nhân; Cách thức đăng ký mã số thuế cho các cán bộ công nhân viên; Các quy định giảm trừ để tính ra thu nhập tính thuế, lập hồ sơ đăng ký giảm trừ gia cảnh; Lập tờ khai theo tháng, quý và nộp tờ khai, nộp tiền thuế qua mạng; Lập tờ khai quyết thuế theo năm.
Thứ năm, học thực hành Thuế Thu nhập DN
ở nội dung này, SV được hướng dẫn chi tiết cách xác định đúng các hóa đơn được đưa vào chi phí hợp lý để tính Thuế Thu nhập DN, cách thực hiện hạch toán doanh thu và chi phí đúng với quy định của pháp luật; Cách xác định chi phí hợp lý và chi phí không hợp lý, khi tính Thuế Thu nhập DN; Các chính sách ưu đãi đối với các thành phần kinh tế có yếu tố đặc biệt; Hướng dẫn cách tính thuế, kết chuyển lỗ lãi luân phiên trong các kỳ kế toán; Cách kê khai, quyết toán Thuế Thu nhập DN năm.
Thứ sáu, học về kế toán trên Excel và thực hành lên BCTC
Excel là một kỹ năng quan trọng, mà muốn làm kế toán chuyên nghiệp, SV cần phải sử dụng thành thạo. Khi làm kế toán trên Excel, SV có thể chủ động kiểm tra đối chiếu sổ sách số liệu giữa các sổ chi tiết, sổ cái, sổ tổng hợp và các báo cáo tài chính (BCTC). Từ đó, làm căn cứ để lên kế hoạch cân đối thuế GTGT, thu nhập DN và BCTC cuối năm.
Làm kế toán trên excel, thông qua việc phải trực tiếp thao tác các hàm trên hệ thống sổ sách Excel, phải nhập liệu và trực tiếp làm các bút toán kết chuyển, định khoản, lên các BCTC sẽ giúp SV hiểu rõ bản chất kế toán hơn. Đối với nội dung này, SV được hướng dẫn thiết lập, mở sổ sách kế toán trên Excel. Hướng dẫn sử dụng các hàm thường dùng trên kế toán excel; Hướng dẫn phân tích, xử lý chứng từ và các nghiệp vụ kế toán tại tất cả các quá trình kinh doanh của DN, các phần hành kế toán chi tiết như Kế toán Vốn bằng tiền, Kế toán tài sản cố định, Kế toán hàng tồn kho, Kế toán tiền lương, Kế toán giá thành, Kế toán Thuế, Kế toán lập BCTC; Thực hành lên các loại sổ như: Sổ Nhật ký chung, sổ cái, bảng phân bổ chi phí, bảng khấu hao, bảng kê nhập – xuất – tồn, công nợ,… Hướng dẫn cách tính lương, trích nộp bảo hiểm theo lương, làm bảng lương hàng tháng cho nhân viên trên Excel; Thực hành lập BCTC và hướng dẫn cách đọc, kiểm tra, phân tích báo cáo chính và cách khắc phục sai sót.
Phương pháp đào tạo vận dụng chương trình xây dựng
Đối với chương trình đào tạo thực hành thực tế, để hiệu quả và tránh lý thuyết hóa, phương pháp đào tạo cần sử dụng là, cầm tay chỉ việc về vận dụng lý thuyết vào thực tế, trên bộ chứng từ thực tế của DN. Trong suốt quá trình dạy, giảng viên cần đưa ra các tình huống thực tế đã xảy ra tại DN: Liên quan đến Hóa đơn chứng từ; Kê khai thuế cũng như Quyết toán thuế; Những lỗi thường gặp trong khi lập và trình bày BCTC; Những lỗi thường gặp của những phần hành kế toán, … đến SV cùng nắm bắt và thảo luận.
Tại Việt Nam, ngày càng nhiều các trung tâm đào tạo kế toán thực hành thực tế với lượng người học không nhỏ. Tuy nhiên, đối tượng hướng đến của các kênh đào tạo này là dành chung cho cả đối tượng chưa biết kế toán, chương trình học dàn trải, mang tính đề cập, chưa đi sâu được nhiều vào chi tiết thực hành thực tế cho người học. Đặc biệt, đối với SV ngành kế toán, đã được đào tạo về chuyên ngành, chương trình học này chưa thực sự phù hợp. ở mỗi trường đại học, dựa vào điều kiện cụ thể đầu vào của SV, chương trình chuyên ngành được thiết kế phù hợp và có những nét riêng nhất định. Bởi thể, chương trình đào tạo kế toán thực hành thực tế, cần gắn với từng trường đại học, chất lượng đào tạo sẽ tốt hơn, đáp ứng được yêu cầu của người học./.
Tài liệu tham khảo
1. Hội thảo ACCA Teach Network 2016, ngày 31/08/2016, KS Pullman, 40 Cát Linh, Hà Nội
2. Hồng hạnh, Nhiều bất cập trong đào tạo ngành Kế toán -kiểm toán http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/nhieu-bat-cap-trong-dao-tao-nganh-ke-toan-kiem-toan-1320733088.htm
3. Thu Anh, Đào tạo kế toán tại Việt Nam chưa đúng phương pháp http://cogioi.edu.vn/ao-to-k-toan-ti-vit-nam-cha-ung-phng-phap/.