Nghiên cứu trao đổi

Trao đổi về giải pháp hoàn thiện tổ chức công tác kế toán quản trị tại các Tổng Công ty xây dựng hoạt động theo mô hình công ty mẹ – công ty con (Discussion on solutions for improving the organization of management accounting in construction corporations)

Tiêu đề Trao đổi về giải pháp hoàn thiện tổ chức công tác kế toán quản trị tại các Tổng Công ty xây dựng hoạt động theo mô hình công ty mẹ – công ty con (Discussion on solutions for improving the organization of management accounting in construction corporations) Ngày đăng 2018-04-12
Tác giả Admin Lượt xem 407

(Đăng trên Tạp chí Kế toán và Kiểm toán, số T12/2017)

Nhận: 11/12/2017
Biên tập: 15/12/2017
Duyệt đăng: 20/12/2017

Ngoài mô hình tổ chức bộ máy quản lý và quy trình sản xuất tại các Tổng công ty hoạt động theo mô hình Công ty mẹ – Công ty con, thì tại các Tổng công ty xây dựng còn bị ảnh hưởng bởi đặc điểm quy trình xây lắp các sản phẩm, đặc điểm vốn đầu tư của Công ty mẹ vào Công ty con. Dựa vào kết quả nghiên cứu, khảo sát thực tế tại các Tổng công ty xây lắp, có thể đưa ra các giải pháp nhằm hoàn thiện tổ chức công tác kế toán quản trị trong các công ty xây dựng hoạt động theo mô hình Công ty mẹ -Công ty con như sau:

Thứ nhất, hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý phục vụ tổ chức công tác kế toán quản trị
Bộ máy quản lý tại Tổng công ty xây dựng hoạt động theo mô hình Công ty mẹ -Công ty con cần gắn chặt hơn nữa mối quan hệ giữa Công ty mẹ và các Công ty con, theo chiều dọc chỉ đạo và chiều ngang cùng thực hiện. Công ty mẹ sẽ có quyền kiểm soát các Công ty con, chỉ đạo các Công ty con trong định hướng, kế hoạch và điều hành các hoạt động, sẽ có đại diện vốn tại các Công ty con. Tuy nhiên, nhằm tạo nên sự đồng nhất, nhất quán thì cần có mối quan hệ chiều ngang giữa các cấp như giữa Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát hay quan hệ chéo lẫn nhau tạo sự khăng khít phối hợp khi điều hành, thực hiện các hoạt động Sản xuất kinh doanh và xây dựng, ban hành các chiến lược, kế hoạch Sản xuất kinh doanh, đầu tư… hàng kỳ. Việc xây dựng được mô hình tổ chức quản lý và xây dựng quy trình quản lý phân cấp chặt chẽ, sẽ góp phần vào công tác quản trị và điều hành của Tổng công ty đạt hiệu quả cao. Vì thế, cần gắn kết với các tiêu chí đánh giá của các Trung tâm trách nhiệm trong Tổng công ty.

Thứ hai, hoàn thiện tổ chức bộ máy kế toán
Xây dựng mô hình kết hợp giữa kế toán tài chính và kế toán quản trị, vì như vậy sẽ tận dụng được những nguồn lực hiện có của kế toán tài chính như cơ sở vật chất, đội ngũ nhân viên làm công tác kế toán, cũng như tạo nên hệ thông tin đồng đều, toàn diện, phong phú và hiệu quả, cũng như đáp ứng được mối quan hệ mật thiết sẵn có giữa kế toán tài chính và kế toán quản trị. Việc xây dựng mô hình kết hợp giữa kế toán tài chính và kế toán quản trị đảm bảo được nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả, gọn nhẹ nhưng vẫn đảm bảo cung cấp được thông tin cần thiết phục vụ yêu cầu quản trị Tổng công ty, vừa đảm bảo cung cấp thông tin ra bên ngoài, theo quy định của Nhà nước.

Thứ ba, hoàn thiện thu thập thông tin kế toán quản trị
Tổ chức hệ thống dữ liệu quá khứ: Dữ liệu kế toán có thể được hiểu là các số liệu kế toán và vật chứa đựng các số liệu này được hình thành, trên cơ sở kỳ kế toán vừa qua cũng như những định mức sẵn có. Cụ thể, dữ liệu quá khứ đó là những số liệu đã phát sinh những kỳ đã qua, phát sinh trong quá khứ như: Hệ thống chỉ tiêu về định mức, về giá thành, về giá bán, về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh,…

Tổ chức hệ thống chứng từ kế toán và quy trình luân chuyển chứng từ kế toán: Phù hợp với yêu cầu thu nhận thông tin và phù hợp với đặc điểm của Công ty cổ phần, xác định cho từng hoạt động, từng loại nghiệp vụ và từng bộ phận liên quan.

Tổ chức thu thập thông tin tương lai: Thông tin tương của kế toán quản trị được hiểu là, căn cứ vào các kế hoạch trong tương lai để kế toán quản trị đưa ra các thông tin phục vụ điều hành sản xuất kinh doanh trong tương lai, mang tính chất dự báo, dự toán, đó là các dự báo về chi phí, về doanh thu, về thuế và các khoản phải nộp Nhà nước, về các chỉ tiêu của Báo cáo kế toán… đây cũng sẽ là cơ sở để các hoạt động thực tế phải hướng đến.

Thứ tư, hoàn thiện phân loại và xử lý thông tin kế toán quản trị
Nhận diện và phân loại chi phí: Tổng công ty thuộc lĩnh vực xây dựng lắp đặt thực hiện các lĩnh vực nền móng, giao thông cầu đường, công trình năng lượng, cơ khí vật liệu, công trình cấp thoát nước, tư vấn kiến trúc, xây dựng dân dụng. Tại hầu hết các Công ty xây dựng trực thuộc đều phát sinh các hoạt động này, cho nên việc nhận diện và phân loại chi phí là tương đối phức tạp, do nhiều lĩnh vực hoạt động, nhiều loại chi phí phát sinh một cách chi tiết cụ thể, mà chỉ đưa ra nguyên tắc:
Bước 1, tổng hợp các loại chi phí phát sinh tại đơn vị: Kế toán các đơn vị sẽ nhận diện, xác định đầy đủ tất cả các loại chi phí phát sinh tại đơn vị và tại Tổng công ty, xác định rõ chi phí chung gián tiếp, chi phí trực tiếp.
Bước 2, căn cứ vào mục tiêu quản lý, để xác định các chi phí phát sinh ở đơn vị đã được xác định ở bước 1 theo các tiêu thức phù hợp.
Bước 3, lưu trữ thông tin làm tài liệu so sánh, đối chiếu những kỳ kế toán tiếp: Nếu tại Licogi mà vẫn phát sinh các loại hình công trình tương tự, thì từ kỳ kế toán tiếp theo sẽ vẫn ổn định các chi phí đã được nhận diện và phân loại.

Phương pháp quản trị chi phí: sử dụng mô hình ABC để xác định chi phí chung của các Công ty, để tiến hành phân bổ theo mức độ hoạt động. Theo phương pháp này, các chi phí phát sinh chung được xác định theo từng trung tâm chi phí một cách chi tiết cụ thể, đó là xác định theo công ty xác định theo tổ đội xây dựng. Từ đó, những chi phí chung phát sinh tại các tổ đội xây dựng sẽ được phân bổ theo từng tổ đội, theo từng sản phẩm xây dựng. Đề xuất trình tự áp dụng mô hình ABC tại các công ty, với việc nhận diện và phân loại chi phí đã được thực hiện.
Phân loại và xử lý thông tin kế toán Hàng tồn kho: Mguồn cung cấp vật tư cần được ổn định, đúng chủng loại, quy cách phẩm chất theo yêu cầu công trình. Căn cứ vào nhu cầu sử dụng tại từng công trình mà xây dựng lượng vật tư dự trữ, lượng vật tư sử dụng thường xuyên, đồng thời cũng tránh được hiện tượng trượt giá do công trình có thời gian thi công dài. Đồng thời, cũng tránh tình trạng bị ứ đọng vốn hoặc nợ phải trả cao. Để làm được điều này, thì phải căn cứ vào kế hoạch từng thời kỳ, tiến độ của từng công trình để lập kế hoạch chi tiết, cụ thể công tác mua vật tư và phân định trách nhiệm các bộ phận liên quan, kế hoạch phải được lập theo quý, tháng, tuần và ngày cả về lượng vật tư cần thiết cũng như lập kế hoạch dự toán thanh toán.
Xây dựng các Trung tâm trách nhiệm: Mô hình tổ chức quản lý tại Tổng công ty theo mô hình Công ty mẹ – Công ty con cần phải xây dựng các Trung tâm trách nhiệm tương ứng với các tiêu thức đánh giá, để đưa quản lý một cách chặt chẽ hiệu quả của từng trung tâm.

Thứ năm, hoàn thiện phân tích và cung cấp thông tin kế toán quản trị
Tại cấp Tổng công ty: Việc phân tích và cung cấp thông tin của cấp Tổng công ty được thực hiện theo hai phương diện là công khai và nội bộ. Đối với các thông tin công khai được thực hiện thông qua các Nghị quyết, Quyết định của Hội đồng quản trị trình Đại hội đồng Cổ đông, báo cáo của Ban kiểm soát, báo cáo của Tổng giám đốc và báo cáo quản trị gửi Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước…

Tại cấp Công ty con: Đối với từng công trình thực hiện thì phân tích thông tin được quan tâm đó là kết quả công trình (chênh lệch doanh thu và chi phí), tình hình thực hiện chi phí (chênh lệch về định mức và thực hiện, chênh lệch về đơn giá công bố và giá thực tế), tiến độ thực hiện công trình, công suất sử dụng các máy móc thiết bị./.

Tài liệu tham khảo
1. Bộ Tài chính (2014), Chế độ Kế toán doanh nghiệp ban hành theo Thông tư số 200/2014/TT-BTC.
2. Bộ Tài chính (2006), Thông tư số 53/2006/TT-BTC, hướng dẫn về Kế toán quản trị.
3. Phạm Văn Được, Đặng Kim Cương (2007), Kế toán quản trị, NXB Thống kê.
4. Nguyễn Thị Đông (2002), giáo trình lý thuyết Hạch toán kế toán, Trường Đại học KTQD, NXB Giáo dục.
5. Huỳnh Lợi (2014), NXB Phương Đông, Kế toán quản trị.
6. Hilton, Ronald W. (2005), Management Accounting.
7. H.Bouqin, J.P.Zerbib (1998), Kiểm soát quản lý -kế toán quản trị, Trường Đại học Paris -Dauphine, Euro-Technical Assistance Programe.
8. Josette Peyrard (1997), Analysis Financial Business, NXB Thống kê, Hà Nội.
9. Jan R.Williams, Susan F.Hakn, Mark S.Bettner, Financial and Management Accounting the basic for Business decisions.

Tin tức liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *