Hỏi: 1. Việc điều chỉnh giảm doanh thu trên báo cáo tài chính của kỳ lập báo cáo kỳ trước là ghi nhận bút toán hạch toán N5211, N3331/C111, 112, 131 hay là chỉ điều chỉnh trên chi tiêu của báo cáo KQHĐKD của kỳ trước.
2. Lập hóa đơn chiết khấu của hàng hóa đã tiêu thụ kỳ trước. Ví dụ: Năm 2015 tiền chiết khấu được 1tr đến tháng 02/2016 thì mới trừ tiền chiết khấu, lập hoá đơn vào tháng 2/2016 có 2 trường hợp sau:
– Trường hợp 1: Hoá đơn chỉ có chiết khấu thương mại (ngày lập hoá đơn tháng 2/2016). Trường hợp này có hạch toán TK 521 cho tờ hoá đơn này ở năm 2016 không? Nếu hạch toán năm 2016 thì vừa xử lý điều chỉnh giảm doanh thu năm 2015 như trên vừa hạch toán phát sinh năm 2016 thì xử lý thế nào?
– Trường hợp 2: Hoá đơn tiền chiết khấu được trừ vào lần mua tiếp theo. Tháng 2/2016, mua hàng tiếp và tiền chiết khấu 1 triệu được trừ trực tiếp trên hoá đơn mua tiếp theo vậy số tiền 1tr chiết khấu xử lý có giống trường hợp 1 không? Nếu khác thì xử lý thế nào?
Trả lời: Tại TT số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính, quy định:
– “Khoản chiết khấu thương mại, giảm giá hàng bán, hàng bán bị trả lại phát sinh cùng kỳ tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa dịch vụ được điều chỉnh giảm doanh thu của kỳ phát sinh;
– Trường hợp sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã tiêu thụ từ các kỳ trước, đến kỳ sau mới phát sinh chiết khấu thương mại, giảm giá hàng bán hoặc hàng bán bị trả lại thì doanh nghiệp được ghi giảm doanh thu theo nguyên tắc:
+ Nếu sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã tiêu thụ từ các kỳ trước, đến kỳ sau phải giảm giá, phải chiết khấu thương mại, bị trả lại nhưng phát sinh trước thời điểm phát hành Báo cáo tài chính, kế toán phải coi đây là một sự kiện cần điều chỉnh phát sinh sau ngày lập Bảng cân đối kế toán và ghi giảm doanh thu trên Báo cáo tài chính của kỳ lập báo cáo (kỳ trước).
+ Trường hợp sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ phải giảm giá, phải chiết khấu thương mại, bị trả lại sau thời điểm phát hành Báo cáo tài chính thì doanh nghiệp ghi giảm doanh thu của kỳ phát sinh (kỳ sau)”.
Theo quy định như trên thì bạn sẽ điều chỉnh sổ kế toán như sau:
– Trường hợp năm 2015 chưa phát hành báo cáo thì: điều chỉnh giảm doanh thu trên sổ cái TK 511, giảm thuế GTGT trên sổ cái TK 333 (3331) và các TK có liên quan như TK 111, 112, 131 của năm 2015.
– Trường hợp năm 2015 đã phát hành báo cáo thì có 2 cách điều chỉnh:
+ Nếu trọng yếu thì điều chỉnh giảm doanh thu trên sổ cái TK 511, giảm thuế GTGT trên sổ cái TK 333 (3331) và các TK có liên quan như TK 111, 112, 131 của đầu năm 2016 và hồi tố lại năm 2015.
+ Nếu không trọng yếu thì thực hiện bút toán năm 2016 khi có phát sinh nghiệp vụ chiết khấu thương mại:
Nợ TK 521, Nợ TK 333 (3331)/ Có TK 111, 112, 131
Hỏi: A có chứng chỉ hành nghề kế toán và đã đăng ký kinh doanh dịch vụ kế toán, đăng ký hành nghề kế toán độc lập. A ký hợp đồng làm kế toán trưởng cho công ty H nơi có anh ruột mình làm giám đốc. Đồng thời, A ký hợp đồng dịch vụ làm kế toán trưởng cho công ty cổ phần M, trong đó H là cổ đông lớn của công ty cổ phần M.
a. Việc ký hợp đồng cung cấp dịch vụ kế toán trên có vi phạm pháp luật kế toán không? Tại sao?
b. Nêu hình thức và biện pháp xử lý đối với trường hợp trên. (Nguyenman05021993)
Trả lời: Theo quy định tại Khoản 3, Điều 51, Luật Kế toán 2003 quy định về những người không được làm kế toán: “Bố mẹ, … anh chị em ruột của người có trách nhiệm quản lý điều hành đơn vị kế toán kể cả kế toán trưởng trong cùng một đơn vị kế toán … NSNN”
Theo quy định tại Điều 45, Nghị định 129/2004/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Kế toán 2003 quy định: các trường hợp không được cung cấp dịch vụ kế toán khi người có trách nhiệm quản lý điều hành đơn vị dịch vụ kế toán hoặc cá nhân đăng ký kinh doanh dịch vụ kế toán thuộc các trường hợp sau:
“1. Là bố, mẹ; vợ, chồng; con; anh chị em ruột của người có trách nhiệm quản lý điều hành, kể cả kế toán trưởng của đơn vị kế toán quy định tại Điểm a, b, c, e, g, i Khoản 1, Điều 2 của Nghị định này.
4. Đang làm kế toán trưởng thuê cho đơn vị kế toán có quan hệ kinh tế, tài chính với khách hàng”
Và Nguyên tắc độc lập của Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán thì việc ký hợp đồng cung cấp dịch vụ kế toán của A là vi phạm cả Luật Kế toán và Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán.
Hình thức và biện pháp xử lý đối với trường hợp trên như sau: Điều 15 Xử phạt hành vi vi phạm quy định về hành nghề kế toán (NĐ 105/2013/NĐ- CP ngày 16/9/2013 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/12/2013), quy định: “Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
……………
đ) Nhận làm thuê kế toán khi là bố, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột của người có trách nhiệm quản lý điều hành, kể cả Kế toán trưởng của đơn vị kế toán hoặc có quan hệ kinh tế, tài chính hoặc không đủ năng lực chuyên môn hoặc nhận làm thuê kế toán khi đơn vị kế toán có yêu cầu trái với đạo đức nghề nghiệp, chuyên môn nghiệp vụ kế toán”./.
BBT