Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam xin cập nhật một số văn bản pháp luật mới.
1. Hướng dẫn mới về phương pháp tính thuế Giá trị gia tăng
Tổng cục Thuế vừa ban hành Công văn 5460/TCT-KK hướng dẫn tiếp nhận mẫu 06/GTGT đối với doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) mới thành lập trong năm. Theo đó:
– Đối với DN, HTX mới thành lập vào quý 4 hàng năm (từ 01/10 đến 31/12): Việc xác định phương pháp tính thuế GTGT và thời gian ổn định phương pháp tính thuế GTGT được thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn 1097/TCT-KK ngày 30/3/2015 của Tổng cục Thuế.
– Đối với DN, HTX mới thành lập từ 01/01 đến 30/9 hàng năm:
+ Về nguyên tắc xác định doanh thu khi hết năm dương lịch đầu tiên của DN, HTX hoạt động sản xuất kinh doanh không đủ 12 tháng thì xác định doanh thu ước tính của năm như sau:
Tổng cộng của chỉ tiêu “Tổng doanh thu của hàng hóa dịch vụ bán ra chịu thuế GTGT” trên Tờ khai thuế GTGT của kỳ tính thuế các tháng hoặc quý hoạt động sản xuất kinh doanh chia số tháng hoạt động sản xuất kinh doanh và nhân với 12 tháng.
Việc xác định doanh thu theo nguyên tắc này không phân biệt DN, HTX thực hiện khai theo tháng hoặc quý.
+ Xem chi tiết về thời điểm gửi mẫu 06/GTGT tại Công văn 5460/TCT-KK ngày 18/12/2015 của Tổng cục Thuế.
2. Giải đáp vướng mắc về việc điều chỉnh hóa đơn đã lập
Tổng cục Thuế vừa ban hành Công văn 5456/TCT-CS giải đáp vướng mắc liên quan đến việc điều chỉnh hóa đơn đã lập.
Theo đó, trường hợp từ ngày 01/01/2015, doanh nghiệp đã lập hóa đơn sai tỷ giá thì người bán và người mua phải lập biên bản hoặc có thỏa thuận bằng văn bản ghi rõ sai sót, đồng thời người bán lập hóa đơn điều chỉnh sai sót.
Trường hợp doanh nghiệp có số lượng hóa đơn cần phải điều chỉnh quá lớn thì có thể lập một hóa đơn điều chỉnh cho nhiều hóa đơn đối với từng khách hàng, trên cơ sở hàng hóa, dịch vụ có cùng thuế suất thuế giá trị gia tăng.
Công văn 5456/TCT-CS được ban hành vào ngày 18/12/2015.
Bên cạnh đó, từ ngày 01 – 10/01/2016, một số Nghị định mới bắt đầu có hiệu lực thi hành. Cụ thể như sau:
1. Nghị định 115/2015/NĐ-CP: Tiền lương tháng đóng BHXH
Từ ngày 01/01/2016, Nghị định 115/2015/NĐ-CP có hiệu lực thi hành. Theo đó:
– Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) đối với người lao động đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại Khoản 2 Điều 89 của Luật BHXH được quy định như sau:
+ Từ ngày 01/01/2016 đến 31/12/2017, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương và phụ cấp lương theo quy định của pháp luật về lao động ghi trong hợp đồng lao động.
+ Từ ngày 01/01/2018 trở đi, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động ghi trong hợp đồng lao động.
+ Tiền lương tháng đóng BHXH đối với người quản lý doanh nghiệp có hưởng tiền lương quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều 2 của Nghị định này là tiền lương do doanh nghiệp quyết định, trừ viên chức quản lý chuyên trách trong công ty TNHH một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu.
– Tiền lương tháng đóng BHXH đối với người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều 2 của Nghị định này là tiền lương do đại hội thành viên quyết định.
2. Nghị định 108/2015/NĐ-CP: Thay đổi cách tính thuế TTĐB ô tô dưới 24 chỗ
Đó là quy định tại Nghị định 108/2015/NĐ-CP hướng dẫn về thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) có hiệu lực từ ngày 01/01/2016.
Cụ thể, căn cứ tính thuế TTĐB ô tô dưới 24 chỗ được quy định như sau:
– Đối với cơ sở nhập khẩu (CSNK): là giá bán của CSNK nhưng không được thấp hơn 105% giá vốn xe NK.
Giá vốn xe NK gồm: Giá tính thuế NK + thuế NK (nếu có) + thuế TTĐB tại khâu NK.
Nếu giá bán của CSNK thấp hơn 105% giá vốn xe NK thì giá tính thuế TTĐB là giá do cơ quan thuế ấn định.
– Đối với cơ sở sản xuất (CSSX), lắp ráp: là giá bán của CSSX nhưng không được thấp hơn 7% so với giá bán bình quân của các cơ sở kinh doanh thương mại (KDTM) bán ra.
Giá bán bình quân của các cơ sở KDTM để so sánh là giá bán chưa bao gồm các lựa chọn về trang thiết bị, phụ tùng mà cơ sở KDTM lắp đặt thêm theo yêu cầu khách hàng.
Nếu giá bán của CSSX, lắp ráp thấp hơn 7% so với giá bán bình quân của cơ sở KDTM bán ra thì giá tính thuế TTĐB là giá do cơ quan thuế ấn định.
Nghị định 108/2015/NĐ-CP thay thế Nghị định 26/2009/NĐ-CP, 113/2011/NĐ-CP.
3. Nghị định 122/2015/NĐ-CP: Mức lương tối thiểu vùng năm 2016
Theo quy định tại Nghị định 122/2015/NĐ-CP thì mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với doanh nghiệp kể từ ngày 01/01/2016 như sau:
– Vùng I: 3.500.000 đồng/tháng (tăng 400.000 đồng so với năm 2015).
– Vùng II: 3.100.000 đồng/tháng (tăng 350.000 đồng so với năm 2015).
– Vùng III: 2.700.000 đồng/tháng (tăng 300.000 đồng so với năm 2015).
– Vùng IV: 2.400.000 đồng/tháng (tăng 250.000 đồng so với năm 2015).
Địa bàn thuộc vùng I, vùng II, vùng III và vùng IV được quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
Nghị định 122/2015/NĐ-CP thay thế Nghị định 103/2014/NĐ-CP.
4. Nghị định 111/2015/NĐ-CP: Phát triển công nghiệp hỗ trợ
Theo Nghị định 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ Chính sách ưu đãi chung đối với Dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển gồm:
– Thuế thu nhập doanh nghiệp.
-Thuế nhập khẩu.
– Tín dụng:
– Thuế giá trị gia tăng:
– Bảo vệ môi trường.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/01/2016 và bãi bỏ Quyết định 12/2011/QĐ-TTg, 1483/QĐ-TTg năm 2011.